LÊ ĐÌNH SƠN
Lý Bạch (701-762), nhà thơ lớn đời Đường. Đề tài trong thơ Lý Bạch rất phong phú: thiên nhiên, tâm trạng, tình bạn, tình yêu...
Lý Bạch có nhiều bài thơ nói về tình bạn. Bài "Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng" là bài thơ nổi tiếng được bạn đọc Trung Hoa, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới xưa nay mến mộ.
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu.
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
Dịch thơ:
Bạn từ lầu Hạc lên đường
Giữa mùa hoa khói châu Dương xuôi dòng
Bóng buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời.
(Ngô Tất Tố)
Đây là bài thơ viết trong một cuộc tiễn đưa vào mùa xuân.
Mạnh Hạo Nhiên (689-740) người tỉnh Hồ Bắc, nơi có lầu Hoàng Hạc nổi tiếng và thơ mộng. Thơ Mạnh Hạo Nhiên có nét tương đồng với phong cách thơ Lý Bạch. Thơ sơn thủy của Mạnh Hạo Nhiên đạt đến đỉnh cao. Lý Bạch rất ngưỡng mộ thơ Mạnh Hạo Nhiên. Lý Bạch kém Mạnh Hạo Nhiên 12 tuổi, nhưng tình bạn giữa hai người hết sức thắm thiết, chân thành và trong sáng.
Cuộc tiễn biệt giữa Lý Bạch và Mạnh Hạo Nhiên trong bài thơ này không diễn ra theo quy luật thông thường của tình cảm. Cuộc tiễn đưa ở đây không rơi lệ, không lâm ly thống thiết. Cách biểu đạt cuộc chia biệt ở bài thơ này khá độc đáo.
Lý Bạch chỉ tả cảnh, nhưng đằng sau lớp cảnh (tầng nghĩa trực tiếp) bài thơ nói lên được chiều sâu tâm trạng của nhà thơ đối với bạn.
Các lớp cảnh của bài thơ được Lý Bạch triển khai trong một hệ thống chặt chẽ về thời gian và không gian.
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu
Tiễn bạn vào mùa xuân tháng ba hoa khói, tiết trời thanh minh đẹp đẽ trong sáng. Thời điểm tiễn đưa trong bài thơ chắc chắn là ban ngày. Tài quan sát của Lý Bạch qua sự gắn bó hài hòa giữa cảm nhận thời gian ("Yên hoa tam nguyệt") và không gian hiển hiện ("cô phàm", "bích không tận", "trường giang"...) chứng tỏ cái trong sáng, thanh cao trong tình bạn của buổi tiễn biệt. Nhà văn Ngô Tất Tố dịch "Yên hoa tam nguyệt" thành "giữa mùa hoa khói" đã lột tả được nghĩa thực của từ "yên hoa", chứ nghĩa bóng của nó thì chưa sáng rõ. Cái lấp lánh trong tình cảm thời gian mùa xuân đưa tiễn được bộc lộ ở nghĩa bóng từ "yên hoa" là chính. Cảnh diễm lệ của tháng ba mùa xuân rất nhất quán với không gian đưa tiễn trong bài thơ.
Điểm nhìn của Lý Bạch khi miêu tả không gian, phác thảo cảnh vật trong bài thơ rất đặc biệt. Trước hết là sự xuất hiện của các địa danh trong bài thơ: "Hoàng Hạc lâu", "Dương Châu". Hoàng Hạc lâu thuộc tỉnh Hồ Bắc, nơi xuất phát điểm nhìn của Lý Bạch trong cuộc tiễn đưa Mạnh Hạo Nhiên. Lý Bạch tiễn đưa bạn xuôi về Dương Châu từ phía tây lầu Hoàng Hạc.
"Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu"
Điểm nhìn từ phía tây lầu Hoàng Hạc vừa là hiện thực khách quan, vừa là hiện thực tâm trạng của Lý Bạch. Theo hướng ấy có người bạn tri âm đang xuống thuyền về nơi đất khách.
Hoàng Hạc lâu là nơi hội ngộ của những bậc văn nhân tài tử, nơi bừng phát và làm giàu có thêm tâm hồn bao thế hệ nhà thơ, nhà nghệ thuật đời Đường. Và nơi đây cũng là điểm chia xa của bao tình bạn cao cả. Buổi tiễn đưa của Lý Bạch đối với một "cố nhân" tại lầu Hoàng Hạc không chỉ là cuộc giã biệt giữa hai bạn thơ tầm cỡ mà còn là sự tiễn biệt của hai con người cùng cảnh ngộ, cùng hoài bão tốt đẹp trước thời đại thịnh Đường (713-766).
Quảng Lăng, Dương Châu thuộc tỉnh Giang Tô. Đây là nơi đến của Mạnh Hạo Nhiên và cũng là nơi trụ lại của điểm nhìn nhà thơ Lý Bạch. Đến nơi phồn hoa đô hội (Dương Châu) cũng là một khát vọng tận hưởng cảnh đẹp non sông đất nước của những tâm hồn thanh cao.
Hai câu đầu bài thơ tạo được sự hòa hợp giữa cảnh sắc mùa xuân diễm lệ với sự giàu đẹp của vùng đất Dương Châu. Vị trí không gian trong hai câu đầu (Hoàng Hạc lâu, Dương Châu) có ý nghĩa làm nền cho sự phát triển mạch cảm xúc trong hai câu cuối bài thơ. Sự việc, địa danh xuất hiện ở hai câu đầu bài thơ tưởng như tường thuật buổi chia tay nhưng thực chất đã hàm ẩn tình cảm lưu luyến giữa kẻ ở người đi. Đặc biệt gây ấn tượng mạnh mẽ bằng trực giác đối với người đọc là hệ thống hình ảnh cánh buồm, bầu trời và dòng sông ở hai câu cuối bài thơ.
"Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu
- Hình ảnh cánh buồm:
Trong nguyên tác, Lý Bạch dùng hình ảnh "cô phàm". Đó là cánh buồm lẻ loi, đơn côi đưa Mạnh Hạo Nhiên về Dương Châu. Tác giả chỉ là cánh buồm đơn độc, không thấy con người xuất hiện trực tiếp trong câu thơ. Nhưng chính cánh buồm lẻ loi này lại mang tâm trạng của người đi xa và cả tâm trạng tác giả. Đó là nỗi buồn cô đơn, man mác của tình bạn khi chia xa. Cánh buồm cô độc ở đây không còn là ngoại cảnh mà ẩn chứa một tâm cảnh vừa là của chủ thể trữ tình vừa là đối tượng trữ tình trong bài thơ. "Cô phàm" có giá trị nghệ thuật như một ẩn dụ tâm trạng.
- Hình ảnh bầu trời: Nguyên tác viết là "bích không tận". Đó là bầu trời không giới hạn, xanh biếc. Trong câu thơ "cô phàm viễn ảnh bích không tận”, cánh buồm thì lẻ loi mà bầu trời thì vô tận, cánh buồm ngày càng xa tít tắp, mất hút trong khoảng không gian bao la qua tầm nhìn có ý nghĩa trực giác - thẩm mỹ. Lý Bạch đem cái nhỏ bé hữu hạn (cô phàm) đặt trong cái lớn lao vô hạn (bích không tận) càng làm tăng giá trị biểu cảm của hình tượng thơ. Điều đó càng làm cho người đọc hiểu được chiều sâu nỗi buồn nhớ khó nguôi phai, buồn mà không bi lụy, nỗi niềm rất đáng quý của hai người bạn lúc chia xa.
- Hình ảnh dòng sông:
"Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu"
(Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời)
Trong tầm nhìn của Lý Bạch hiển hiện một dòng Trường Giang mênh mang, bất tận. Bề mặt không gian của dòng sông trong cảm nhận của nhà thơ dường như chảy ngang trời (thiên tế lưu). Lối đặc tả ấy có tác dụng gây ấn tượng sâu sắc đối với người đọc. Đó là một dòng sông tâm trạng tàng ẩn niềm thương nỗi nhớ của Lý Bạch đối với người bạn đã xa khuất.
Ba hình ảnh "dòng sông", "cánh buồm" và "bầu trời” ở cuối bài thơ tạo nên sự phối cảnh, nét phác thảo, chấm phá tài ba trong tầm mắt của một danh họa(*). Cánh buồm xa mờ chỉ là một chấm nhỏ lẫn vào bầu trời xanh biếc. Trong khoảng không vô tận ấy, từ cao điểm của tầm nhìn (Hoàng Hạc lâu), Lý Bạch chỉ thấy tồn tại một dòng Trường Giang mải miết chảy bên trời.
Lối dùng cảnh ngụ tình và tính chất "thi trung hữu họa" ở hai câu thơ cuối thật thâm thúy, hàm súc. Cách biểu đạt tâm trạng con người, sự chú mục và chú tâm theo dõi người bạn đi xa, Lý Bạch không bộc lộ trực tiếp trong bài thơ mà thường thông qua cảnh vật, đặc biệt qua mối quan hệ tương tác giữa các hình ảnh miêu tả và ý ngoài lời của nó để người đọc tự cảm nhận về tình người, tình bạn thắm thiết cao cả giữa Lý Bạch và Mạnh Hạo Nhiên.
Có ý kiến cho rằng bài thơ "Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng" chỉ là bài thơ tả cảnh (Trần Xuân Đề). Nguyễn Khắc Phi gợi vấn đề suy nghĩ: "Hai câu thơ sau tả cảnh hay tả tình? (tự đặt vị trí tác giả để lý giải vấn đề).
Theo chúng tôi, từ cái nền cảnh mùa xuân tiễn bạn (nghĩa trực tiếp) bài thơ mang tầng nghĩa đa âm thật phong phú. Cái phản ánh ở bài thơ này là tả cảnh nhưng cái được phản ảnh lại là tả tình. Bài thơ này không thuần túy nói về cảnh và chỉ có tả cảnh. Bằng tri giác ngôn ngữ để thâm nhập bài thơ thì tưởng là tả cảnh, nhưng bằng hồi ức, liên tưởng và tưởng tượng để cảm thụ bài thơ thì mới phát hiện được dòng chảy tình cảm xuyên suốt bài thơ. Đây là bài thơ trữ-tình đặc biệt, xuất sắc của Lý Bạch.
Sự tương tác giữa không gian và thời gian nghệ thuật (mùa xuân tiễn bạn), giữa hệ thống các hình ảnh trung tâm xuất hiện trong bài thơ tạo nên giá trị NHÂN BẢN sâu sắc và giá trị nghệ thuật cao mang đậm phong cách lãng mạn của thơ Lý Bạch.
L.Đ.S
(TCSH53/01&2-1993)
_____________________
(*) Ngô Đạo Tử - Một nhà hội họa tài ba thời nhà Đường đã vẽ một bức tranh sơn thủy nổi tiếng từ bài thơ này của Lý Bạch (sách Từ điển Trung Hoa Văn học cổ điển - trang 154)