Lê Thị Mây - Ngô Cang - Đinh Ngọc Diệp - Trần Nguyễn Thu Thảo - Nguyễn Hoa - Nguyễn Hoàng Vĩ - Nguyễn Văn Hùng - Nguyễn Xuân Sang - Phạm Mậu Cảnh - Hải Như - Ngô Minh - Hải Bằng - Nguyễn Sĩ Cứ - Hồ Phi Phục - Nguyễn Hồng Hạnh - Nguyễn Trọng Tạo - Nhất Lâm - Mai Văn Hoan - Nhật Lệ - Nguyễn Trọng Thiện
LÊ THỊ MÂY
Tư tưởng Người dào dạt
Có một thời cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp
Sớm chiều đi về - Người buổi ấy nung nấu lòng yêu nước thương dân
Ôi Hương Giang cất giữ bóng Người sông lặng sâu qua những bến vòm đa xanh tịch mịch
Sông không đổi dòng như máu chảy về tim cờ Sao Vàng cờ Búa Liềm Người dựng
Reo trên đỉnh Phu Văn Lâu
Ôi vừng trăng vừng dương gương mặt non sông ngày và đêm rạng ửng
Từ cầm súng giờ lo áo cơm dễ không bên bồi bên quặn đau khúc lở
Hương Giang Hương Giang cất giữ bóng Người tư tưởng.
Người thương dân mãi dào dạt mênh mông
Con xin uống ngụm nước nguồn cho máu chảy về tim,
vọng bước chân Người nhịp Tràng Tiền còn rung lên nức nở.
NGÔ CANG
Chợ xuân
Nghĩ rằng bán đắt mua may
Em ơi mồng bốn tốt ngày chợ xuân
Cá bơi tôm nhảy bảy lần
Món ngon nào cũng nảy mầm nguồn cơn
Bàn thờ ấm nén nhang thơm
Hạnh phúc nào giá rẻ hơn, em nờ!
Nhà nghèo mấy liếp đơn sơ
Gió xuân hây hẩy đẩy bờ phên nghiêng
Chợ chiều tím một đường biên
Nỗi lo cơm áo gạo tiền giêng hai
Nắng mưa nồng nhiệt ghé vai
Đi qua chưa hết gái trai chân trần
Vòng vây ánh sáng xoay vần
Tình yêu đừng để đến gần lại bay
Chợ xuân bán tốt mua hay
Em ơi một buổi cũng say sưa đời
Đêm ngồi tính vốn tính lời
Lẫn trong câu chuyện ấm hơi vợ chồng...
1992
ĐINH NGỌC DIỆP
Lúc Huế
Anh tiễn em vô mùa mưa xứ Huế
Để giọt buồn áo trắng lẫn mưa trong
Em đã dắt hồn anh vào vạn cổ
Bóng thông Khiêm Lăng im ắng nao lòng
Sông Cầu Cốc (*) chôn chân bến cũ
Mà lòng anh lúc Huế bàng hoàng
Thì cứ Bến Tuần thì là Bến Ngự
Em trôi đò cho anh tròng trành
Em ngơ ngẩn ôm mưa xuân trời lạ
Anh cạn mình nghiêng đọng một Hương Giang...
1992
-------------------------
(*) Ở Thanh Hóa có sông Cầu Cốc, Bến Ngự cũng là tên bến trên sông.
TRẦN NGUYỄN THU THẢO
Chiêm nghiệm
Đâu phải ai cũng nhận trong màu xanh của cỏ cây
Bài ca về đất mẹ
Sức sống ngàn năm lặng lẽ
Đâu phải ai cũng nhận ra trong màu vàng của nắng
Hình bóng của mặt trời
Vô tư muôn đời cháy bỏng
Đâu phải ai cũng nhận ra trong dung dị đời thường
Tượng đài về con người
Hy sinh một đời lặng lẽ
Đâu phải ai cũng có đôi lần chiêm nghiệm về sự trường tồn
Để nhận ra cái điều tưởng chừng đơn giản nhất
Để biết sống giản đơn hơn
Bên ngoài thời gian bình thản
Tháng 5-1991
NGUYỄN HOA
Mùa hạ
Tràn trề mưa mùa hạ
Nở bung cả đất trời
Vàng cao xanh nắng hạ
Cuồn cuộn dòng sông đầy
Ngất ngây em mùa hạ
Chín thơm anh giữa ngày
Đầu hạ 5/92
NGUYỄN HOÀNG VĨ
Mẹ
Chợ quê mẹ bán chuối già
Để ngay cổng chợ người ta dễ nhìn
Mắt chiều xế vết chân chim
Tay run theo ánh mắt tìm miếng cau
Nhai trầu nuốt những khổ đau
Nuôi con ăn học bạc đầu vẫn cam
Gió đông gọi gió xuân sang
Trời xanh cho én những đường bay cao
Tôi về chiều xế buông mau
Chợ quê thưa thớt đã lâu lắm rồi
Mẹ cười đỏ sẫm bờ môi
Mừng vui ríu rít: con tôi đã về
Chuối già mà bán chợ quê
Mẹ cười dọn lại ta về thôi con.
NGUYỄN VĂN HÙNG
Tầm xuân
Nụ tầm xuân
nụ tầm xuân cánh biếc
hoa gợi nhớ một lời ca ai cũng thuộc
sao ít ai mong gặp trong đời
Bụi tầm xuân vô tình trước ngõ nhà tôi
đứa con gái vô tình hái tặng
người bố
những chùm hoa
tím lặng....
Hạ, 1992
NGUYỄN XUÂN SANG
Ở giữa hai mùa
Tặng anh Lê Văn Tới
Bên Lào nắng bên Việt mưa
Chúng tôi ở giữa hai mùa so le
Nắng Lào nắng cứ dồn về
Mưa từ bên Việt lăng xê bên này
Nắng như mật rót đến say
Nắng khô nỗi nhớ nắng gầy niềm thương
Mưa chao đảo sáu tháng trường
Mưa ướt giấc ngủ mưa vương nỗi sầu
Nắng cổ tích, mưa ca dao
Chúng tôi ở giữa hai đầu đón đưa
Cây uống nước mấy cho vừa
Lá xanh tắm nắng gội mưa bồi hồi
Bâng khuâng đứng giữa đất trời
Nối mưa với nắng nên lời thương yêu...
Cửa khẩu Lao Bảo, 6-92
PHẠM MẬU CẢNH
Lá xanh
Thảm cỏ bờ sông tơ nhện giăng đã giăng bay
Nghe tiếng lá giật mình trong đêm vắng
Thao thức nửa đời hàng cây vắng lặng
Cứ rì rào bên gối ngủ giữa lòng tôi
Dặm đường ấy ơi, giờ đã khuất nẻo rồi
Lá ai bứt còn xanh trên thảm cỏ
Cây buổi ấy bây giờ đã nở
Chùm hoa chói chang đến se lòng
Một lần thôi mà chín đợi mười mong
Lá ai bứt còn xanh trên thảm cỏ
Tôi không thể bình yên bên gối ngủ
Lá xanh rờn nhức nhối suốt đời tôi
Một lần thôi - Sao nỡ lá rơi
Để bây giờ còn xanh trên thảm cỏ
Chỉ một thôi, đừng bao giờ có nữa
Đừng bao giờ có nữa lá rơi xanh.
HẢI NHƯ
Cuộc đời đứng về phía nhà thơ
Cuộc đời bao giờ cũng đứng về phía nhà thơ
Nếu không - sao chúng ta hôm nay còn được đọc
Một Nguyễn Trãi (thế kỷ ấy chưa có nhà in) dạy ta người trước hết yêu người
Một Nguyễn Du trân trọng mối tình và cảnh giác khi đời còn hai mặt
Một Cao Bá Quát - Mai-a-côps-ki Việt Nam - biết nổi giận bởi thương đời
Em hãy vui sau nhiều năm làm thơ anh chưa in nửa tập
Nhưng đã có những bạn đọc tận mũi cuối Cà Mau nắm chặt tay anh khoe
Đã thuộc thơ rồi
(Trích sổ tay Cuộc đời và năm tháng và Nhà thơ)
NGÔ MINH
Cầu Hai cảm tác
Gửi Tôn Phong
Núi ửng rèm sương
róc rách mặt trời sóng lượn
âm u nguồn Tam Giang
ta về soi rong rêu ngày cũ
lách tách tôm búng càng
cá dìa đầy đĩa trăng đơm...
nghiêng vai
núi đây biển đó
Cầu Hai phiên chợ nồng nàn
ai tìm cua mòn răng (*)
ai Đá Bạc nâng chén ngồi nhấp gió!
Riêng ta thèm vén rèm sương
chấp gối mỏi
nước đại cùng Bạch Mã...
9/92
----------------------
(*) cua gạch già chắc
HẢI BẰNG
Nắng xuân
I.
Ngọn lá thầm thì như nhớ ai
Trời dim mắt lại để mưa hoài
Nỗi buồn chiếc nón chưa khô ráo
Vẫn giấu trong lòng tia nắng mai
II.
Đầu nối mưa dài xuống bước đi
Đường xa lạnh lẽo chẳng hề chi
Lại về nơi thuở chia tay ấy
Đã thấy môi em nắng dậy thì.
NGUYỄN SĨ CỨ
Lại về cùng Huế
Ta về
ngõ Huế rào mưa
nhớ dầm giọt đắng
thương khờ giọt cay
Ta về
uống nắng thành cây
uống hương thành gió
uống say thành lời
Tìm em
em đã xa vời
ta còn uống để thành người
như không...
Huế, 1992
HỒ PHI PHỤC
Hoàng hôn
Mỗi ngày
Nơi giáp ranh
Đừng đi nữa giữa đêm khuya tối
Mỗi ngày
Nơi giáp ranh
Cuộc chia tay
Tấm màn trời vàng màu quý tộc
đắm đuối
thương cuộc hành trình khó nhọc
Sắp trọn một vòng quay
Mỗi ngày
Có ai hay
tốc độ khủng khiếp
vẽ hình bầu dục
quanh mặt trời
Nhưng kìa mái tranh yên vắng
trong thôn nhỏ
Tấm màn trời màu vàng quí tộc
đắm đuối
làm nổi rõ
Làn khói lam chiều
hờ hững bay lên thiên đường
Hoàng hôn...
NGUYỄN HỒNG HẠNH
Thu khuya
vẳng trong đêm
tiếng chuông và tiếng gió
heo may lan vào cửa
trời thu
Đêm như tiếng choàng mỏng mảnh
trong suốt và dịu dàng
những hạt sương lóng lánh
như xâu cườm vào trăng
trên cỏ
Em nhặt lên từ đó
ngây thơ dại xa
em nhặt lên từ đó
tình yêu đầu tiên
nhưng giọt sương giọt sương đã vỡ
NGUYỄN TRỌNG TẠO
Chiêm cảm
Có lúc ngôn từ biệt tích
đam mê trơ đá gan lì
em mèo ơi đừng đến nữa
sợ em dựng dậy tử thi
Có lúc trời ơi hồng xanh tím
khỏa thân chết đuối cứng tường đêm
ta thấy ta thành cây cọ
vẽ trong veo tơ lụa mặc cho em
Có lúc trên ngai vàng nguy biến
lạnh người
nghe một tiếng
mèo rên...
NHẤT LÂM
Thức với mùa trăng
Chừ tôi với đêm trăng sáng
Rồi những ngày sau đến hạ tuần
Tuổi em ngày trước tròn vành vạnh
Đi hết mùa trăng khuyết dần
Thức trọn mùa tôi với trăng
Ngoài kia đồng cỏ ngậm đầy sương
Con dế bên bờ sông kia gáy
Xa nhau rồi mới nhớ thương
Tóc thề xưa bồng bềnh gió
Em còn áo tím dưới đáy rương
Con đò hư ảo chiều như mộng
Chuyến vắng chuyến đầy... thập phương
Chừ ai biết ai đầu núi
Mảnh trăng đã khuyết chìm đáy khe
Tôi ngồi tôi đếm từng đêm vắng
Với mùa trăng mình xác ve
Hà nội 10-92
MAI VĂN HOAN
Ngọc châu
Tặng Hải Kỳ
Bạn gửi ngọc châu về cùng biển lạ
Ta tiếc ngọc châu lặng lẽ đi tìm
Biển lạ mênh mông và sâu thăm thẳm
Bao kẻ mò châu chỉ biết đứng nhìn
Chỉ biết đứng nhìn tìm sao cho được
Ai biết ngọc châu nằm ở nơi nào
Bao đợt sóng giồi, ngọc chìm đáy nước
Cát lấp cát vùi, giờ biết tìm đâu?
Ngọc châu Ngọc châu, có nghe ta gọi
Em nằm làm chi dưới đáy biển này
Ngọc châu Ngọc châu, có nghe ta nói
Xin được một lần nâng em trên tay
Biển vẫn mênh mông và sâu thăm thảm
Sóng vỗ du dương vẳng tiếng trả lời
- Thôi chớ mất công hỡi chàng thi sĩ
Châu ngọc của em đã hóa thơ rồi!
1992
NHẬT LỆ
Khi tôi là nhân vật chính
Khi tôi là nhân vật chính tôi không thích
sung sướng
Người ta chĩa vào tôi sự tò mò pha đố kỵ
yêu thương
Khi ấy tôi không còn được ngồi bên bàn
Nhấm nhá thú vui và nhìn người khác
Khi tôi là nhân vật chính tôi đánh mất
khả năng nhận xét của mình
Sự chủ động gieo thành nỗi ngờ nghệch
thời thượng
Và khi đó tôi vui nỗi vui của người khác,
lấy hổ thẹn của họ làm của riêng
Mà thực ra tôi chỉ yêu họ bởi sự phô trương
những gì không có
Khi tôi là nhân vật chính tôi sợ hãi thực sự
Vì tôi phải giáp mặt với tình yêu
Phải ném vỡ các khái niệm và thói đạo đức rởm
Nào tôi có biết hy sinh để làm gì!
NGUYỄN TRỌNG THIỆN
Dòng nước qua cầu
Em đã nói những gì
Dòng nước dưới cầu mang lời em đi mải miết
Còn tôi dường như quá mải mê
Tìm ngôi sao rơi dưới sông sâu chảy xiết
Khi trời quá cao
Nước sông quá sâu
Dòng nước không bao giờ chảy ngược
Tôi đành với gọi sông ơi, sao ơi...
Dù vẫn biết
nước qua cầu đã mang lời em đi miết
Bàn tay tôi vớt lạnh
Ngôi sao rơi bỗng sinh đôi
Khi nước rơi hết rồi
Ngôi sao về đơn côi
Và vẫn biết
dòng nước dưới cầu đã mang lời em đi miết
Những hoài mong đau đáu
Một vòm trời nhòe nhoẹt dòng sông
Phải chi khi xưa tôi vớt được
sao rơi từ mắt em
Thì dòng nước chảy qua cầu ngày đêm
đã không thể mang lời em đi xa
mải miết!
(TCSH53/01&2-1993)