Tạp chí Sông Hương - Số 399 (T.05-22)
Mỹ thuật tạo hình Huế và di sản văn hóa Cố đô
10:09 | 03/06/2022

NGUYỄN THỊ HÒA

Xây dựng nền văn hóa bất kỳ một quốc gia nào cũng đều định hướng phát triển toàn diện, đảm bảo sự hài hòa, kế thừa các yếu tố truyền thống, tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến, hiện đại, khoa học từ hội nhập toàn cầu.

Mỹ thuật tạo hình Huế và di sản văn hóa Cố đô

Quần thể di tích Cố đô và những di sản với giá trị riêng biệt đã được UNESCO công nhận. Mỹ thuật Huế gắn liền với di sản Cố đô Huế, di sản Huế và mỹ thuật tạo hình là câu chuyện văn hóa mà những nghệ sĩ tạo hình thể hiện tình yêu với di sản trong hoạt động sáng tạo, tiếp nối các giá trị mỹ thuật và di sản hướng đến mục tiêu giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, thúc đẩy các lĩnh vực thuộc ngành mỹ thuật phát triển, làm nổi bật vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm di sản văn hóa của Việt Nam.

Tỉnh Thừa Thiên Huế luôn ưu tiên hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động mỹ thuật với chủ đề di sản văn hóa Huế. Nhiều tác phẩm sáng tác về di sản được công bố hầu hết ở các cuộc triển lãm địa phương, khu vực, trong nước và quốc tế, góp phần tạo nên những giá trị về nghệ thuật tạo hình riêng biệt, qua đó nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản của mỹ thuật hiện đại trong nền văn hóa Huế.

Mỹ thuật tạo hình hiện đại với di sản Huế

Vai trò mỹ thuật tạo hình Huế hiện nay góp phần vào sự phát triển văn hóa, nghệ thuật khi đất nước đang hội nhập quốc tế. Các nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm mỹ thuật, thể hiện về ý thức thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật. Mỹ thuật tạo hình hiện đại Huế luôn đi liền với tiềm thức văn hóa con người Huế, hầu như phần nhiều thành quả sáng tạo không tách rời cội nguồn của quá khứ các di sản. Nét đặc trưng của di sản Huế thu hút vào các tác phẩm nghệ thuật từ các góc độ tạo hình, các tác phẩm mỹ thuật thể hiện loại hình và chất liệu khác nhau như sơn dầu, sơn mài, lụa, acrylic, tổng hợp, đồ họa… vẫn luôn là một thế mạnh trong hoạt động sáng tạo và có chất lượng nghệ thuật, thể hiện những giá trị ở các khía cạnh trong không gian xứ Huế về các công trình kiến trúc, văn hóa, cảnh quan, con người, lễ hội truyền thống (tín ngưỡng dân gian, diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian)… trong vùng đất di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.

- Tác phẩm tạo hình sáng tác về di sản văn hóa vật thể

Di sản Huế gắn liền với cảnh quan xứ Huế, các công trình kiến trúc cổ như: Kinh thành Huế, các khu vực phụ cận kinh thành, kiến trúc lăng tẩm của các vua Nguyễn, những khu nhà vườn… tất cả hiện lên bức tranh về di sản văn hóa vật thể Huế.

Phong cảnh di sản Huế mà các nghệ sĩ đã sáng tạo trong các tác phẩm mỹ thuật tạo hình bằng nhiều chất liệu, phương tiện khác nhau, một số tác phẩm phong cảnh là dấu ấn trong di tích lịch sử di sản văn hóa nghệ thuật ở Huế. Phong cảnh về di sản Huế xuất hiện trong các hoạt động mỹ thuật chiếm tỷ lệ nhiều hơn so với thể loại tạo hình khác. Những tác phẩm phong cảnh về di sản Huế không chỉ nổi bật lên ở mảng chất liệu, kỹ thuật tạo hình mà còn ở những tìm tòi đổi mới, thay đổi về thể nghiệm chất liệu và hình thức nghệ thuật tạo hình hiện đại, vẻ đẹp thể hiện về di sản vật thể như: Bóng hoàng thành I, Bóng hoàng thành II, Đặng Thị Thu An; Màu thời gian, Ven thành, Trần Thị Thanh Dung; Bóng xưa, Lối cũ, Nguyễn Thị Hiền Lê; Hộ Thành Hà và Vọng Lâu, Dấu xưa, Mùa hoa lặng trầm, Thành cổ, Ngự Hà và Tây thành Thủy quan, Dấu xưa, Nguyễn Thị Hải Hòa; Phong cảnh Huế, Nguyễn Văn Nguyên; Phong cảnh, Mai Chí Thành; Hiển Nhơn môn, Cổng Ngọ môn, Tô Trần Bích Thúy; Cầu ngói Thanh toàn, Phu Văn Lâu, Sớm thu trên lăng tự Đức, Nguyễn Đình Việt…

Tác phẩm Cầu ngói Thanh Toàn, chất liệu Acrylic, sơn dầu, Nguyễn Đình Việt [Hình 1]. Cầu ngói Thanh Toàn là điểm dừng chân cho người dân và lữ khách, tránh mưa, gió và nắng, thư giãn nghỉ ngơi khi qua làng Thanh Thủy Chánh. Giá trị lịch sử, ý nghĩa nhân văn của cây cầu là hình ảnh thân thiết trong bài ca dao về điệu hát ru của người dân xứ Huế: “Ai về cầu ngói Thanh Toàn/ Cho em về với một đoàn cho vui.

Hình1. Cầu ngói Thanh Toàn, chất liệu Acrylic, sơn dầu, 81x139cm, 2018 tác giả Nguyễn Đình Việt

Bố cục Cầu ngói Thanh Toàn, nối qua con sông Như Ý, vị trí một góc cây cầu đặt cận cảnh trong tranh, mô tả kiến trúc cây cầu có hình vòm, 3 gian, những họa tiết trên mái ngói diễn tả nét vẽ tỉ mỉ, kỹ lưỡng trong kỹ thuật tạo hình tạo nên sự chỉn chu về đối tượng miêu tả theo tinh thần của cảnh vật, biểu hiện kiến trúc cây cầu có quy mô khiêm tốn nhưng đậm phong cách hiện thực. Với góc nhìn trong không gian viễn cận, hình vẽ mô tả chi tiết hiện thực, kỹ thuật vừa giản lược vừa đẩy sâu vật thể trong tự nhiên, bút pháp tạo hình xử lý chất liệu tinh tế mô tả không khí sương mù, đi sâu vào chi tiết họa tiết ở trọng tâm là điểm nhìn góc phía phải của cây cầu, tạo không khí một khoảnh khắc trong sự thay đổi của thiên nhiên ngoài trời mù sương. Chính là sự vừa tỏ vừa mờ về quan niệm sáng tác thể hiện ấn tượng, biểu hiện những hình thể hiện thực cuốn hút trong tâm khảm, biến ảo trong sương khói ẩn hiện thắng tích hoài cổ lưu truyền từ quá khứ đến hiện tồn mà câu thơ người xưa khắc trên cầu: Kiệt cấu thiên thu truyền thắng tích, còn hiện hữu nơi đây.

Hình 2. Hiển Nhơn Môn, chất liệu bút sắt, 80x100cm, 2021, tác giả Tô Trần Bích Thúy

Tác phẩm Hiển Nhơn Môn, chất liệu bút sắt, Tô Trần Bích Thúy [Hình 2]. Cửa Hiển Nhơn nằm ở phía Đông của hoàng thành chỉ dành riêng cho quan lại và nam giới ra vào Đại nội khi xưa. Bút sắt là phương tiện tạo hình thuận tiện cho họa sĩ sáng tạo, một thể loại bút pháp có ưu thế để đẩy sâu kỹ năng diễn tả, mang lại hiệu quả đậm nhạt bằng phương pháp tổ hợp nét vẽ, tạo thành ngôn ngữ tạo hình của chất liệu bút sắt. Dấu ấn của mỗi họa sĩ đều được định hình từ bút pháp cá nhân, họa sĩ Tô Trần Bích Thúy đã thể hiện Hiển Nhơn Môn với sự đặt bút chuyên tâm, cần mẫn cùng kỹ thuật vẽ bút sắt tinh tế, điêu luyện, sử dụng các loại bút bi, bút kim màu đen diễn tả có hiệu quả trong lối vẽ, tạo chất cảm và chất chứa cảm xúc trong không gian sâu thẳm, để lại dấu ấn đậm nét kiến trúc xưa bên hoàng thành ở Huế.

Hình 3. Hộ Thành Hà và Vọng Lâu, chất liệu Acrylic, 85x135cm, 2021, tác giả Nguyễn Thị Hải Hòa

Tác phẩm Hộ Thành Hà và Vọng Lâu, chất liệu Acrylic, Nguyễn Thị Hải Hòa [Hình 3]. Hộ Thành Hà trong tác phẩm thể hiện góc phía nam của hộ thành hào, lũy thành có con kênh bao quanh là tuyến của phòng thủ có chức năng bảo vệ hoàng cung, phòng thủ huyền hồ trong khung cảnh lũy thành uy nghi của kinh thành cổ kính; Vọng Lâu - Quan Tượng Đài là công trình dạng đài thiên văn được ghi nhận trong lịch sử phong kiến Việt Nam và là công trình duy nhất còn lại dấu tích có ý nghĩa của kinh thành Huế xưa. Tác phẩm Hộ Thành Hà và Vọng Lâu xây dựng bố cục dàn ngang, bờ tường thành rêu phong được sắp xếp thành tuyến chính, trên đỉnh là vọng lâu, và cây hoa sứ, chân thành cổ là những bụi hoa lau, bên dưới kênh hào diễn tả đầm hoa sen. Phương cách tạo hình có bút pháp diễn tả đơn giản trong từng nét cọ tạo nên chất thơ dạt dào cảm xúc, nhẹ nhàng trong gam màu lạnh, hiệu quả về không gian xa gần cảnh vật hiện lên như buổi bình minh trong lành, tôn lên sức mạnh phòng thủ huyền hồ trong khung cảnh lũy thành uy nghi của kinh thành cổ kính.

Mặc dù, cùng một thể loại phong cảnh nhưng có sự biểu hiện khác nhau về quan niệm thẩm mỹ và lối tạo hình, thực hiện các hình vẽ chắt lọc từ thực tế cụ thể, có đặc điểm đặc thù về họa pháp, ghi ấn sự chuyển biến các yếu tố tạo hình, tạo ra nét đa dạng về tính chất của chất liệu tạo hình trên các tác phẩm phong cảnh di sản Huế. Các tác phẩm phong cảnh lưu lại giá trị hiện thực từ dấu tích phong cảnh qua những công trình kiến trúc đang hiện tồn, hàm chứa nhiều giá trị, đây là đặc điểm tạo nên những giá trị văn hóa bản địa của Huế.

- Tác phẩm tạo hình sáng tác về văn hóa phi vật thể

Văn hóa Huế đã nảy sinh và phát triển thành các dòng văn hóa phi vật thể, văn hóa cung đình, văn hóa dân gian… có mối quan hệ tác động qua lại không tách rời với tôn giáo, tín ngưỡng phản ánh qua di sản văn hóa Huế, Việt Nam. Kinh đô Huế của một triều đại phong kiến với thiết chế chính trị dựa trên nền tảng Nho giáo, văn hóa cung đình, lại từng là thủ phủ của Phật giáo lưu giữ văn hóa tín ngưỡng an lạc giữa các ngôi chùa, những lễ hội điện Hòn Chén, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội vật Sình, lễ hội đua ghe, lễ hội tế đình, tế chùa, tế miếu... gắn kết với các loại hình lễ hội lại là những hình thức âm nhạc lễ nghi dân gian… vẫn đang hiện diện nơi xứ Huế. Từ đây, tác phẩm mỹ thuật sáng tạo về đề tài di sản văn hóa phi vật thể xuất hiện và phát triển với di sản văn hóa trong khuôn khổ chung của văn hóa Huế.

Mảng đề tài vẽ về văn hóa phi vật thể, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, thể hiện sâu sắc tình cảm, ý thức thẩm mỹ phản ánh khúc triết và rõ nét tâm linh biểu lộ trên tác phẩm tạo hình của các họa sĩ ở Huế như: Nguyên Tiêu, Phan Quốc Bình; Nguyện cầu, Hà Văn Chước; Khúc Hương Bình, Nguyễn Thiện Đức; Ký ức lãng quên, Nguyễn Khải Hoàn; Thiền, Lê Huy; Tìm về, Thân Văn Huy; Huế, Lê Phi Long; Múa cung đình, Lê Hữu Nguyên; Ngày hội các dân tộc Bình Trị Thiên, Nguyễn Văn Nguyên; Múa đèn, Đỗ Kỳ Mẫn; Hội xuân, Hồng Trọng Mỹ; Âm vang nghìn xưa, Ngô Tâm; Rồng tiên, Vĩnh Phối; Bát âm cổ nhạc, Đám cưới xưa, Hòa tấu, Đặng Mậu Triết; Phế đô, Đặng Mậu Tựu; Hương tháng 3, Phạm Thị Tuyết; Bước chân tĩnh độ, Hoàng Thanh Phong; Ngẫu hứng cung đình, Phan Thị Kim Chi; Nỗi lòng Mỵ Châu, Đặng Mậu Tựu; Tình cố đô, Hà Minh Tuấn; Nữ Thần Hương Giang, Mai Văn…

Hình 4. Tác phẩm Rồng tiên, chất liệu tổng hợp, 310x157cm, 1995, tác giả Vĩnh Phối

Tác phẩm Rồng tiên, chất liệu tổng hợp, Vĩnh Phối [Hình 4]. Tác phẩm Rồng tiên là sự xuất hiện lối vẽ kết hợp trên nền chất liệu sơn dầu và sử dụng kỹ thuật hỗ trợ tạo chất trong tác phẩm. Phong cách tạo hình nét vẽ rắn mạnh, cùng các mảng hình quan niệm nhân sinh, những thông tin hình tượng mang tính đa nghĩa. Hình tượng nghệ thuật thể hiện rồng bay và cô tiên trong không gian vũ trụ, sắc màu gam lạnh đơn giản và bút pháp thoáng đạt, thay đổi, biến hóa, tối giản nhưng vẫn cảm nhận được tinh thần nội dung có giá trị tinh thần khám phá bằng trí nhớ về câu truyện truyền thuyết. Bố cục tự do thể hiện hình rồng và cô tiên, được hiểu rằng đó là cách biểu hiện trong tư duy về một trạng thái như giấc mơ, những vật thể đan xen trong vũ trụ thoáng đãng bất ngờ, những mảng hình kết nối trong không gian bất tận, mang tâm tưởng cuốn hút thị giác trong không gian, thời gian với nét văn hóa sự tích “con rồng cháu tiên” được lưu truyền trong nhân gian và tồn tại trong tâm hồn của người dân xứ Huế.

Hình 5. Ngẫu hứng cung đình, chất liệu lụa, 80x110cm, 2000, tác giả Phan Thị Kim Chi

Tác phẩm Ngẫu hứng cung đình, chất liệu lụa, Phan Thị Kim Chi [Hình 5]. Múa hát cung đình Huế chủ yếu phục vụ cho vua chúa, trọng lễ trong triều đình, một hình thức lễ nghi phong kiến vương triều. Ngẫu hứng cung đình sử dụng phương pháp tạo hình vẽ mảng và nét kết hợp, các thủ pháp nghệ thuật khi khai thác chất liệu lụa truyền thống, những sợi tơ lụa, khi được ngấm màu sẽ hiệu ứng sống động chất loang màu sau khi được rửa lụa và tô lại nhiều lần sẽ sâu và êm dịu. Chất liệu lụa với đặc thù nhẹ nhàng, tinh tế tạo ra sự biểu cảm mềm mại đằm thắm về sắc độ gam màu, các yếu tố tạo hình về bố cục, hình, nét, mảng khái quát đơn giản, vừa là chất liệu truyền thống cũng là chất liệu biểu đạt cảm xúc hư ảo, mang giá trị nghệ thuật hiện đại trong tranh lụa ở Huế. Ngẫu hứng cung đình diễn tả các vũ công cầm quạt, dáng hình theo điệu múa uyển chuyển, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác múa tạo thành nhịp điệu của hình, là sự di chuyển đội hình theo các tuyến cùng điệu nhạc, mang nét đặc trưng của vũ khúc cung đình Huế, là sản phẩm mang tính kế thừa và kết lại dưới thời nhà Nguyễn đang tồn tại trong di sản văn hóa Cố đô.  

Hình 6. Tác phẩm Bát âm cổ nhạc, chất liệu sơn dầu, 120x160cm, 2015, tác giả Đặng Mậu Triết

Tác phẩm Bát âm cổ nhạc, chất liệu sơn dầu, Đặng Mậu Triết [Hình 6]. Bố cục tạo hình sáng tác về di sản văn hóa dân gian, tám âm thanh phát ra từ tám loại vật của bát âm, loại hình âm nhạc mang tính giải trí tiêu khiển của xứ Huế, mang đậm bản sắc của một vùng văn hóa mộc mạc thuần khiết. Đó là những giai điệu cổ truyền thể hiện tinh thần tinh hoa văn hóa cổ truyền âm nhạc của Huế, là loại hình nghệ thuật mang giá trị tinh thần được tạo nên bằng trí tuệ tâm huyết của tiền nhân. Bố cục sắp xếp các nhân vật và hình phụ trợ khép kín, tám cô gái trong trang phục nhạc công, tay cầm nhạc cụ (đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn tranh, sáo trúc, kèn, khánh, phách, cái trống), hoa văn vốn cổ lồng vào không gian trong tranh tạo thành nhịp điệu ẩn hiện xung quanh các nhân vật của ban nhạc. Ngôn ngữ tạo hình sử dụng các mảng màu sắc tươi là xanh dương, đỏ, vàng, xanh lục, những mảng màu nguyên sắc kết hợp với nét đen để nhấn hình tượng nghệ thuật sống động với sắc màu, có giá trị dẫn dắt về tâm thức, tình cảm, ý nghĩa biểu hiện trong buổi biểu diễn của ban nhạc cổ, một nét văn hóa di sản văn hóa Huế.

Hình 7. Khúc Hương Bình, chất liệu sơn mài, 120x240cm, 2005, tác giả Nguyễn Thiện Đức

Tác phẩm Khúc Hương Bình, chất liệu sơn mài, Nguyễn Thiện Đức [Hình 7]. Nghệ thuật tạo hình hiện đại, ngôn ngữ tạo hình khái quát, kết hợp kiểu thức tạo hình với nét hòa quyện các họa tiết được cách điệu. Kỹ năng diễn tả chất liệu sơn mài tạo ra vẻ đẹp bất ngờ của chất liệu với sắc màu và cảm xúc, biểu đạt chất liệu sơn mài có một ưu thế của chất liệu tạo hình. Lối tạo hình tư duy mở, tổng hòa, có sự bứt phá trong ý tưởng và ngôn ngữ tạo hình, kỹ thuật sơn mài với những khám phá về sắc màu huyền bí trên chất liệu sơn mài, sử dụng các vật liệu tổng hợp để tạo ra sự vật, tìm kiếm bề mặt mới bằng kỹ thuật sơn mài, tạo ra một ngôn ngữ mới mạnh về chất tạo hình. Các mảng vẽ là những ý niệm được bố cục trên nền màu sắc ấm đỏ nâu đậm, bút pháp khái quát với những khám phá về chất liệu sơn mài, hình khối, màu sắc hiện lên biến ảo, mang lại rung cảm lắng sâu của nghệ thuật đương đại.

Phương cách tạo hình là một hình thức dựa trên việc sử dụng lối tạo hình tổng hợp nhằm truyền đạt cảm xúc, vừa cảm nhận các chi tiết tạo hình về ban nhạc cổ đang biểu diễn trên thuyền rồng, hình voi, ngựa, đèn hoa đăng, họa tiết thuyền, mây và các hoa văn cổ… Tác phẩm không chỉ kế thừa truyền thống văn hóa mà còn tiếp thu tinh hoa thẩm mỹ tích cực những yếu tố tạo hình mỹ thuật phương Tây, làm mới phù hợp với những ý tưởng nghệ thuật, lôi cuốn thị giác liên tưởng cảm xúc thẩm mỹ trong hình thức nghệ thuật hiện đại. Với những mảng hình lồi lõm, nét và mảng va đập đan xen những sắc màu ấm trầm, tạo sự liên tưởng đến chiều sâu cấu trúc tạo hình như mối giao hòa của điệu ca dao sâu sắc, đã làm gần lại sự hòa hợp một giai điệu âm sắc Khúc Hương Bình như đang vọng về trong không gian toàn cảnh xứ sở thần kinh hữu tình, chứa dựng cung trầm trong văn hóa âm nhạc cổ truyền của Huế.

Di dản văn hóa Huế được thế hệ tiền nhân truyền lại và phát triển từ đời này qua đời khác, các nghệ sĩ sáng tạo trao đổi cởi mở về các tư tưởng, giá trị thẩm mỹ, làm phong phú đời sống văn hóa nghệ thuật, để nâng cao tâm hồn tiềm năng cá nhân, tạo ra những hình tượng ý nghĩa cô đọng, thu hút sự quan tâm của nghệ sĩ có ưu tâm với di sản văn hóa, đó là nền tảng, giá trị tinh thần, là tiềm năng, động lực tác động vào đời sống xã hội thúc đẩy văn hóa nghệ thuật phát triển, thể hiện nét đặc trưng của Huế.

Nghệ thuật luôn đi đôi song hành với văn hóa và trở thành văn hóa, nghệ thuật. Sáng tạo mỹ thuật tạo hình trong hoạt động thực tế đời sống thường nhật, như tiêu chí nâng cao đời sống tinh thần của mỗi cá nhân trong môi trường văn hóa, góp phần giữ gìn bản sắc di sản văn hóa cùng với việc sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật phù hợp với tính kế thừa, liên tục giữa truyền thống và hiện đại, giữa tiên tiến và cổ truyền. Sự sáng tạo mỹ thuật với di sản văn hóa tạo phần sinh động, chính sự tương tác bổ sung đó đã tạo cho mỹ thuật Huế sức sống mới và những giá trị bản sắc văn hóa Cố đô Huế.

Kết luận

Trong quá trình hội nhập, mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, song văn hóa nghệ thuật luôn coi trọng những giá trị truyền thống và giữ gìn bản sắc, bảo vệ cái riêng của vùng miền. Sáng tác mỹ thuật tạo hình có nhiều sự khám phá giá trị về di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng, đồng thời tạo ra những nét mới làm phong phú cho hoạt động mỹ thuật tạo hình hiện đại ở Huế.

Trong đời sống xã hội, sự lưu truyền di sản với truyền thống, khi tiếp cận di sản để sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật ghi lại giá trị thẩm mỹ dựa trên di sản văn hóa, cách tân cái cũ cho phù hợp với hiện tại, vừa hiện đại nhưng vẫn giữ được truyền thống và bản sắc văn hóa, thúc đẩy nhằm năng động hóa di sản văn hóa phát triển trong môi trường văn hóa Huế. Đây là sự đóng góp cần thiết của những tác phẩm tạo hình trong đời sống văn hóa xã hội, phát huy giá trị tạo hình trong các tác phẩm nghệ thuật trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Các tác phẩm tạo hình lưu giữ nghệ thuật xưa, trở về với quá khứ, cũng là việc bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa trước những thức thách của thời gian, môi trường và cuộc sống đương đại, hướng tới việc phát huy các di sản ở tầm quốc gia và quốc tế, đảm bảo thúc đẩy văn hóa nghệ thuật bền vững trong hội nhập đa lĩnh vực toàn cầu. Đối với di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị tinh thần, mang ý nghĩa hồn cốt bản sắc Huế là một đại diện di sản văn hóa Cố đô của Việt Nam và thế giới.

N.T.H
(TCSH399/05-2022)

------------------------------
Tài liệu tham khảo:

1.Bộ Văn hóa - Thông tin (2000, 2005, 2010, 2015, 2020), Vựng tập triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Vụ Mỹ thuật, Hà Nội.
2. Nguyễn Tiến Cảnh (Chủ biên) (1992), Mỹ thuật Huế, Xí nghiệp in Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế.
3. Nghị định số 113/2013 NĐ - CP về hoạt động Mỹ thuật.
4. Chu Quang Trứ (2013), Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội.
5. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Luat-di-san-van-hoa-2001-28-2001-QH10 -47926.aspx

 

 

 

Các bài mới
Những bức hình (16/06/2022)
Lời nguyền (10/06/2022)
Mẹ kế (06/06/2022)
Các bài đã đăng
Hang Gió (02/06/2022)