Tạp chí Sông Hương - Số 399 (T.05-22)
Mẹ kế
09:13 | 06/06/2022

PHƯƠNG HÀ

Tôi tỉnh dậy sau giấc ngủ dài, đầu vẫn còn đau. Trước mắt tôi là màu trắng toát của bốn bức tường bệnh viện.

Mẹ kế
Minh họa: PHAN THANH BÌNH

Bên giường, dì Tâm đang ngủ gục, nhưng tay dì vẫn nắm hờ bàn tay tôi. Tôi từ từ ngồi dậy, dì cũng giật mình tỉnh giấc trong hốt hoảng.

“Con tỉnh rồi hả? Có thấy khó chịu ở đâu không? Con có muốn ăn gì không để dì đi mua?” Trong giọng nói khàn khàn của dì, tôi nhận ra sự lo lắng, có cả chút e dè quen thuộc từ bao năm. Dì nói biết tin tôi nằm viện, bố tôi đòi lên với tôi ngay, nhưng dì nói dù sao tôi cũng là con gái, để dì đi chăm sẽ tiện hơn.

Dì Tâm vừa nói vừa hấp háy mắt, chốc chốc lại ngước lên nhìn tôi. Dì dúi vào tay tôi cốc nước, thành cốc vẫn còn âm ấm. Dì là vậy, luôn ân cần quan tâm lo lắng cho người khác. Tôi biết dì thương tôi, nhưng nếu tôi đáp lại tình thương ấy thì người mẹ tội nghiệp của tôi sẽ thế nào.

*

Mẹ là thợ may nên tôi có nhiều quần áo đẹp. Ngày còn bé, tôi thích mê những chiếc váy voan mỏng, in đầy hoa. Hễ được mặc váy mới là tôi hào hứng đứng giữa nhà, xoay vài vòng cho mẹ ngắm. Hai mẹ con cười giòn.

Dẫu đang bận bịu với đống vải vóc, nhưng hễ nghe tiếng bố về, mẹ đều ngừng tay, cười rất tươi. Mẹ có đôi mắt tròn, răng khểnh và má lúm. Thế nên, nụ cười của mẹ rất hoàn hảo, nó là nụ cười đẹp nhất mà tôi từng thấy. Có những hôm cửa cổng không khóa, bố khẽ khàng bước vào nhà, vừa thấy ông, mẹ tôi đã giật mình vẻ cuống quýt, luống ca luống cuống, rồi cười bẽn lẽn, lí nhí chào bố. Thế nhưng, hiếm khi cười với mẹ. Ông chỉ ngẩng đầu lên, khẽ nâng nhẹ một bên khóe miệng rồi cụp mắt xuống. Dẫu vậy, lần nào bố đi làm về mẹ cũng cười. Niềm vui không chỉ tỏa ra từ khóe miệng mà còn cả trong ánh mắt lấp lánh đầy sống động. Tôi có cảm giác như mẹ ngồi đó cả buổi không phải để may vá mà để đợi bố về.

Ngày bố và dì Tâm chia tay, mẹ đã ở bên bố, động viên ông, mong tình cảm chân thành của mình có thể được hồi đáp. Lúc biết tôi đang lớn lên trong dạ, chắc mẹ vui lắm. Vậy là mẹ đã có một cái cớ để cả đời được ở bên người mình yêu.

Thế rồi tôi đến bên đời mẹ. Thứ mà bố dành cho mẹ chỉ là một đám cưới, một danh phận, một gia đình, chứ không phải là tình yêu. Trong lòng bố, vẫn còn hình bóng của dì Tâm. Có lần, mẹ lục túi áo khoác cũ của bố, cái áo mà có lẽ tới vài năm chưa mặc, vì sờn rách nhiều. Mẹ tìm thấy một vật mà bà không nên thấy, đó là tấm ảnh cũ của dì Tâm và bố. Nếu là tôi, chắc lúc ấy tôi sẽ nổi cơn điên mà cào xé chồng mình mất. Nhưng mẹ thì khác, mẹ chỉ ngồi khóc. Khóc một chặp cho thỏa rồi cất bức ảnh ấy vào chỗ cũ.

Bố không đối xử tệ với mẹ, nhưng luôn xa cách. Mẹ nhờ gì, bố sẽ làm, mẹ thích gì bố sẽ mua, nhưng bố chưa bao giờ tự mình nhận ra những điều đó. Ông luôn chờ mẹ mở lời đòi hỏi. Làm vợ chồng mười mấy năm, bố không biết mẹ thích ăn gì. Khi nhà có khách, chỉ cần mẹ tỏ ý quan tâm, gắp cho bố chút thức ăn, bố đều thấy ngượng ngạo. Lần nào may áo mới, mẹ cũng hỏi bố có đẹp không, bố thường đáp qua loa: “Ừ, cũng đẹp!” Nếu là tôi, nhận được thái độ hờ hững ấy, tôi sẽ không hỏi tới lần thứ hai. Nhưng mẹ thì khác, mỗi lần may quần áo mới, mẹ đều hỏi bố xem có đẹp không. Chỉ cần bố cười gượng, mẹ cũng thấy vui rồi.

Trước những yêu cầu của bố, mẹ chỉ biết gật đầu đồng ý. Tôi biết mẹ không thích màu xanh lơ, mẹ chưa bao giờ may cho tôi bộ quần áo nào với gam màu đó cả. Nhưng khi bố gợi ý sẽ quét ve toàn bộ căn nhà bằng màu xanh lơ, mẹ chỉ biết gật đầu.

Từ nhỏ tim của mẹ đã có vấn đề. Sinh ra tôi đã là thử thách quá lớn với cơ thể của mẹ. Thế nhưng, vì biết bố muốn đông con, mẹ vẫn cố sinh thêm lần nữa. Mang thai được hơn năm tháng, thì đứa em tội nghiệp ấy cũng bỏ gia đình tôi mà đi. Ngày từ bệnh viện về, mẹ khóc nhiều lắm, cứ nghe thấy tiếng trẻ con nhà hàng xóm ê a nói cười, mẹ lại khóc. Đợt đó bố ở nhà nhiều hơn, bố đi chợ nấu cơm cho mẹ, cả nhà tôi quây quần bên mâm cơm, ăn uống nói cười vui vẻ.

Thế nhưng, niềm vui ấy không thể giữ mẹ ở trần thế này quá lâu. Hơn một năm sau ngày đứa em xấu số của tôi ra đi, mẹ cũng bỏ tôi đi nốt vì một cơn đau tim.

Hàng xóm kéo tới nhà tôi rất đông, vòng trong vòng ngoài chật kín người. Chân tôi run lên, bước đi không nổi. Chưa đến bậc cửa, tôi đã ngồi sụp xuống, khóc òa lên. Bác Hà kéo tôi vào trong giường với mẹ. Mẹ nằm đó, mặt tái nhợt, chẳng còn chút sinh khí. Trong lúc tôi vẫn còn nức nở, bà ngoại ôm tôi vào lòng. Bà cũng khóc, tiếng khóc rưng rức đầy tức tưởi. Dù cuộc chia ly này tới sớm, nhưng con cái tiễn đưa cha mẹ là lẽ thường. Có bậc cha mẹ nào muốn tiễn đưa con cái kia chứ.

Bố tôi vốn là một người ít cười, sau ngày mẹ mất, dường như tôi không còn thấy ông cười nữa. Có một lần, tôi hỏi bố có nhớ mẹ không? Ông lưỡng lự một chút rồi gật đầu, sau đó nhẹ nhàng sờ lên cằm tôi rồi ra ngoài hiên hút thuốc. Mọi chuyện cứ thế được một năm, rồi một ngày tháng chín nắng đẹp, mọi thứ đã thay đổi.

Vào một buổi chiều, có một người phụ nữ tới nhà tôi. Cô ấy có làn da rất trắng, chiếc áo màu xanh lơ càng làm nổi bật lên làn da trắng nõn, mịn màng như thể vừa đánh phấn. Là dì Tâm…

Mười lăm năm đi xa, bôn ba khắp nơi, cuối cùng dì cũng về làng. Nghe nói chồng cũ của dì đã đi tù, hai đứa con đều chết vì bệnh. Giờ dì cũng chỉ có một thân một mình. Chợt cái ý nghĩ đó xoáy sâu vào tâm trí tôi, tôi bắt đầu thấy sợ hãi. Lẽ nào dì về để thế chỗ của mẹ tôi hay sao?

Từ ngày đó tôi cứ phập phồng lo sợ. Hễ đi học về, hễ thấy trên bàn có vài cái bánh rán, hay dăm quả cam, quả táo, tôi cũng hỏi bằng được xem là của ai cho rồi mới dám ăn. Tôi hậm hực mỗi khi bố đi đâu đó về muộn. Nửa đêm, nỗi sợ cũng không buông tha. Tôi giật mình tỉnh giấc, nhìn sang gian bên kia, thấy bố ngủ say, tôi mới yên tâm ngủ tiếp.

Giỗ hết việc của mẹ (giỗ thứ ba sau khi mất), bố tôi xin phép hai bên nội ngoại để đi thêm bước nữa. Người bố lấy không ai khác, mà chính là dì Tâm. Biết chuyện ấy, tôi khóc ba ngày liền. Bà ngoại thương tôi, nên cũng ngồi khóc theo. Mấy hôm sau thì bà ốm, tôi sợ không dám khóc nữa.

Ngày dì dọn đồ về nhà tôi, tôi để ý thấy trong túi của dì có tận mấy cái áo màu xanh lơ. Nhìn thấy chúng tôi càng thương mẹ hơn. Có một lần, dì Tâm định giúp tôi bê nồi nước bồ kết để gội đầu, nhưng tôi nói không cần, rồi hất tay dì ra. Dì ngã, chống  cả tay vào nồi nước nóng. May mà không phải nước sôi sùng sục từ trên bếp nhấc xuống, nên dì chỉ bị bỏng nhẹ. Bố về, thấy vậy liền hỏi nguyên do, dì chỉ nói dì bất cẩn nên bị bỏng.

Ngày có bầu cái Hân, dì vui lắm. Dù dì nghén, cứ ngửi thấy mùi mỡ nóng già là nôn, nhưng biết tôi thích ăn nem rán, dì vẫn rán nem cho tôi. Nem được rán bằng lửa nhỏ, vừa đủ độ, ăn rất giòn, mười cái vàng ươm, không bị cháy. Rán xong được chảo nem, ngửi mùi mỡ sôi, dì sợ không ăn được cơm nữa.

Tôi ghét dì, nhưng thích có em lắm. Ở lớp, đứa nào cũng có anh chị em, mỗi mình tôi là con một. Mỗi lần, chúng nó kể chuyện về anh chị em, tôi nghe mà thèm, dù là những chuyện giận hờn, cự cãi, rồi cả chuyện hai đứa điên lên xông vào đánh nhau. Thế nên, dù ghét dì, tôi vẫn thương đứa bé trong bụng dì quá chừng. Bởi nó là em tôi.

Biết dì thích ăn chua, sang nhà bà ngoại, thấy có mấy quả bưởi chua ươm vàng, tôi xin ngay một quả về cho dì. Vừa ăn bưởi dì vừa khóc.

Từ ngày dì về ở với bố, tôi đã hậm hực ra mặt, nhưng khi cái Hân ra đời, tôi không thể nào ghét nó được.

Ngày dì Tâm bế em bé từ trạm xá về, tôi chỉ đứng ở cửa buồng ngó vào. Cái Hân khi ấy chắc chỉ to hơn con mèo mướp một tẹo, ngọ nguậy trong tã lót. Dì Tâm đon đả bảo tôi vào chơi với em, nhưng tôi vẫn khinh khỉnh bỏ đi, như thể không quan tâm. Kỳ thực, đứa nào chẳng hiếu kỳ khi nhà có em bé. Ngày mẹ còn sống, mấy lần tôi cũng bảo mẹ đẻ em bé đi, tôi sẽ bế em cho mẹ.

Hồi ấy, dì Tâm sinh cái Hân đúng lúc bà nội tôi bị ốm, còn mẹ đẻ của dì mất cách đó mấy tháng, nên dì ở cữ vẫn phải tự giặt giũ như thường, chứ không được kiêng cữ như người ta. Một lần, trong lúc dì đi giặt, tôi đã lén vào buồng ngắm em một tẹo. Về nhà được mươi ngày, nước da cái Hân trắng ra thấy rõ, nó không còn đo đỏ như con chuột con mới đẻ nữa. Đang ngủ, mà cái miệng con bé vẫn chu lên như thể được bú mẹ. Hiếu kỳ, tôi vén màn lên, chui vào giường ngắm em. Bất ngờ, cái Hân nhoẻn cười. Độ năm, sáu tháng, nó đã bắt đầu theo tôi. Tôi đang bế, mà đưa trả cho dì Tâm, em gái tôi sẽ nhìn theo rất lâu. Nhờ có đứa em gái dễ thương này, quan hệ của tôi với dì cải thiện đôi chút.

Đợt dì sinh thằng Khang, tôi đang học cấp ba, đi học thêm liên miên nên chẳng có thời gian chơi với em. Nhưng thằng bé cũng yêu tôi lắm! Khi nó làm gì có lỗi, chỉ cần tôi nói: “Khang làm chị giận rồi. Chị không chơi với Khang nữa!” là nó ra ôm vai bá cổ tôi liền.

Có cái Hân và thằng Khang, quan hệ của tôi và dì có cải thiện đôi chút. Nhưng với tôi, người đó vẫn là tình địch của mẹ. Vì dì mà mẹ tôi mới khổ. Ý nghĩ ấy vẫn không ngừng đeo đẳng tôi suốt từng ấy năm. Mỗi lần thấy tôi đi học về, dì đều mở lời trước, rất tìm cảm và đầy quan tâm. Tôi chỉ đáp lại bằng cái vẻ mặt lạnh lùng, ừ hữ chào một câu lấy lệ. Tôi biết, dì buồn lắm. Tôi cũng không biết mình có vui không?

Khi đã trưởng thành hơn một chút, tôi nhận ra mình không ghét dì. Tôi chỉ ghen giùm mẹ mà thôi. Thế nhưng tôi không thể giận bố thêm được nữa, vì sau khi mẹ mất, tôi biết ông là người thân cuối cùng của mình. Tôi đem hết ấm ức đó đổ lên người dì Tâm. Đó có phải là lỗi của dì không? Khi rời quê, dì đâu có bắt bố tôi phải yêu dì mãi. Là tự bố tôi muốn thế đó chứ. Khi mẹ tôi ra đi, bà cũng đâu bắt tôi phải ghen hộ bà…

Bố tôi nhớ những món mà dì thích ăn. Nếu dì vắng nhà vào một buổi chiều rảnh rỗi, người chồng ấy có thể đoán được vợ mình đi đâu. Dì có một người chồng đúng nghĩa để yêu và được yêu. Đó là những điều mà mẹ tôi mơ ước cả đời. Cứ nghĩ tới điều đó, tôi lại rơi nước mắt.

Thỉnh thoảng, bà ngoại lại lấy cớ thăm cháu để sang nhà tôi chơi. Lần nào nhìn thấy dì Tâm, bà cũng chép miệng, than vãn thương mẹ tôi bạc phận, số khổ. Vừa nghe thấy thế, nụ cười trên môi dì tắt hẳn, tựa như ánh nắng yếu ớt bị khuất lấp sau đám mây giông ùn ùn tới từ đằng đông.

*

Ở bệnh viện chăm tôi có mấy hôm mà dì Tâm gầy đi thấy rõ, hai mắt dì thâm quầng, trũng sâu. Tôi nói dì về phòng trọ của tôi ngủ, buổi chiều vào với tôi một lúc là được, dù gì tôi vẫn đi lại được, chứ đâu có ốm liệt giường để gì phải chăm, nhưng dì không chịu. Dì thuê một cái giường gấp nhỏ, tới tối mang vào phòng bệnh ngủ cạnh giường tôi. Đừng nói tới lúc tôi dậy đi vệ sinh hay uống nước, chỉ cần tôi trở mình dì cũng biết. Dì sẽ nhổm dậy, đợi xem tôi có động tĩnh gì không?

Biết chuyện gần bệnh viện, có vài người cho thuê chỗ nấu nướng, có đủ nồi, bếp các kiểu để người nhà nấu ăn cho bệnh nhân, dì Tâm lân la đi hỏi thử. Tôi nói, mình ăn không hết bao nhiêu cả, dì cứ đi mua cho tiện, nhưng dì không chịu, nhất định phải tự tay nấu nướng cho tôi ăn. Nhờ thế, ngày nào tôi cũng được đổi bữa, hết món nọ tới món kia.

Vẫn giống như những ngày ở nhà, dì nhớ hết mọi sở thích ăn uống của tôi: Nấu miến không được cho mùi tàu, nhưng rang thịt gà thì phải có thật nhiều tiêu, thêm chút rau răm càng tốt. Mỗi lần bác sĩ tới thăm khám cho tôi, nhìn dì căng thẳng thấy rõ, ánh mắt không rời khỏi tôi, dù chỉ một giây. Mỗi lần thấy bác sĩ chau mày, gương mặt dì Tâm căng thẳng thấy rõ. Tôi thấy được trong đôi mắt dì dâng đầy lo âu.

Ngày mai, tôi sẽ được xuất viện. Tôi và dì đang ăn, chợt dì dừng lại, ngập ngừng:

“Phương này, hay con dẫn dì về nhà thuê của con ở độ một tuần được không?”

Tôi biết, dì vẫn không yên tâm về sức khỏe của tôi, dẫu tôi chỉ bị suy nhược cơ thể và viêm dạ dày nhẹ. Chắc dì muốn tới chăm tôi thêm ít bữa. Nhưng tôi đâu phải trẻ con. Tôi nói dì về quê để lo cho hai đứa em. Dì im lặng không nói gì.

Tôi chợp mắt được một chốc rồi giật mình tỉnh dậy, nhưng không thấy dì đâu. Vào giường nằm một lúc cũng không ngủ được, tôi lại ra hành lang ngồi. Bỗng đâu, dì từ cuối hành lang đi lại, trên tay lỉnh kỉnh bao nhiêu đồ đạc. Dì lo cho cái dạ dày và thân thể yếu đuối của tôi nên mua nào là tinh bột nghệ và mật ong cùng nhiều thứ để tôi tẩm bổ, miệng dì vẫn nhắc đi nhắc lại, nếu tôi để dì ở trên này chăm sóc tôi thêm vài bữa, chắc chắn dì sẽ yên tâm hơn nhiều. Nhìn bọc đồ ở phía cuối giường, tôi thấy thương dì quá. Không thuộc đường sá trên này, phải mua từng đó thứ cũng chẳng dễ dàng. Có những loại vốn đắt đỏ, người tiết kiệm như dì cả đời cũng chẳng dám ăn.

Quá nửa đêm, dì đã ngủ say nhưng tôi vẫn không sao ngủ được. Nước mắt cứ thế chảy ra…

Sáng ra, dì tất tưởi đi làm thủ tục xuất viện rồi thu xếp đồ đạc giúp tôi. Dì cứ luôn miệng bảo tôi ngồi yên đó, không cần làm gì cả. Xong xuôi hết, dì còn dặn: “Người con đang yếu, đừng ngồi xe ôm kẻo gió máy, bắt taxi mà đi”. Tôi nháy mắt tinh nghịch: “Đúng rồi, con bắt taxi để con với dì cùng về quê chớ. Con về quê để dì chăm con đó!”

Nghe thấy thế, dì Tâm ngẩn người ra, rồi dịu dàng nở nụ cười.

P.H
(TCSH399/05-2022)

 

 

Các bài mới
Những bức hình (16/06/2022)
Lời nguyền (10/06/2022)
Các bài đã đăng
Hang Gió (02/06/2022)