Tạp chí Sông Hương - Số 399 (T.05-22)
Lời nguyền
14:24 | 10/06/2022

TẠ XUÂN HẢI

Cầu Sòng là một nơi hoàn toàn vắng vẻ. Nếu có công chuyện thật sự cấp bách phải qua sông, người ta đi vòng xuống phía hạ nguồn khoảng hai cây số, ở đó có một chiếc cầu khác.

Lời nguyền
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức

Hoặc người ta chèo thuyền. Cũng có thể người ta bơi khi con nước hiền lành. Nhưng nhất định người ta không đặt chân lên cây cầu ấy. Không biết từ bao giờ, người ta kinh khiếp nó như kinh khiếp một con ác quỷ. Mà quả thật dân làng được kể lại rằng ở đó có một con quỷ trú thân. Để vỗ về và để tỏ ra kính sợ, người ta đã lập một cái am thờ ngay chỗ chân cầu, và tôn xưng nó là Ngài. Lời nguyền của Ngài vẫn còn được truyền lại đến tận hôm nay: “Nửa bàn chân chạm cầu Sòng/ Đàn bà chết sáng, đàn ông chết chiều. Cầu Sòng nằm đó, ngủ trong quên lãng, như một con người đã đi đến tận cùng đau khổ, gối tay lên đầu và duỗi thẳng hai chân, thôi không đợi chờ, thôi không hy vọng, thôi không cần sự sẻ chia hay thấu hiểu của người đời.

Nhưng một ngày nọ, có một ông lão nhỏ thó từ phương xa vừa chuyển đến ngôi làng đã đi qua cây cầu ấy. Ngay lập tức những lời bàn tán nổi lên, rằng ông ta sẽ phải trả giá cho cái hành động liều lĩnh ngu ngốc của mình; rằng ông ta sẽ chết, ngay chiều mai. Một số người đã đến tận ngôi nhà mà ông lão thuê ở và cho ông biết về lời nguyền đáng sợ. Họ giải thích thêm rằng ông không bị chết ngay lập tức, vì Ngài cần có thời gian để tỉnh ngủ và nghĩ ra một hình phạt ghê rợn nhất chưa từng có trước đây. “Ngài không thích sự lặp lại.” Họ nói. “Ngài luôn có những kế hoạch hoàn hảo ghê rợn.” Họ lo lắng thay cho ông lão, trong khi ông cứ bình thản ngồi hút thuốc, cười lịch sự và hướng đôi mắt nhăn nheo ra phía dòng sông. Họ nhấn mạnh với ông rằng đó không phải chuyện để đùa. Họ khuyên ông nên đem lễ vật đến am để cúng và tạ lỗi với Ngài, hoặc đi tìm một thầy pháp đủ mạnh để có thể thông tri với Ngài, nhằm cứu lấy tính mạng, dù họ không dám chắc là những điều có mang lại kết quả hay không. “Dù sao cũng nên thử mọi cách, còn hơn ngồi yên chờ chết.”

Khi thấy ông lão vẫn chỉ mỉm cười, họ kể cho ông nghe về những người trước đây dám đặt chân lên cây cầu đã phải nhận một cái chết đau đớn khủng khiếp như thế nào. “Các bạn đã thực sự chứng kiến những cái chết đó?” Ông lão hỏi. Họ hơi bối rối, nhưng hầu như ngay lập tức, họ lấy lại được bình tĩnh. Họ nói với ông rằng có nhiều người già trong làng đã tận mắt chứng kiến và kể lại cho họ. Họ liệt kê ra một loạt những cái tên. “Ông phải tin mới được, vì đó là sự thật mười mươi.” Rồi khi thấy ông vẫn không có vẻ gì sợ sệt, họ tức giận vô cùng. “Lão xem chúng mình như đám trẻ con.” Họ thì thầm với nhau. Họ kéo nhau ra về, lòng đầy tức tối. “Cứ để lão chết đi!” Họ nói. Họ tin điều đó sẽ xảy ra, rồi không chỉ tin, họ cầu mong cho điều đó xảy ra. Họ nguyền rủa ông lão. “Rồi lão sẽ trắng mắt!” Họ chào nhau rồi ai về nhà nấy.

Chiều hôm sau, cả đám dân làng đều thấp thỏm chờ đợi lời nguyền sẽ ra tay với lão già lì lợm ngu xuẩn. Họ tụ tập thành từng nhóm, đứng ngoài đường và chốc chốc lại nhìn vào trong nhà của ông lão. Ông lão ngồi ở chiếc bàn gỗ nhỏ ngoài hiên, đôi mắt chăm chú nhìn vào một vật gì đó. Tay phải của ông thỉnh thoảng lại đưa điếu thuốc lên môi và rít một hơi dài. Có lúc ông mỉm cười một mình, có lúc ông đưa hai tay lên bưng mặt. Dường như ông không biết đến đám người đang tụ tập ngoài kia và chờ đợi cái chết của ông. Trong một lần sơ ý, ông làm rơi chiếc ly thủy tinh xuống nền gạch. Một tiếng choang khô khốc vang lên làm cả đám đông giật mình kinh hãi. “Bắt đầu rồi đấy.” Họ xì xào. Họ cố nhướng cổ thật cao. Có một số người còn chạy vào tận cổng. Một số kẻ thì thầm gì đó vào tai kẻ khác. Mấy bà già lầm rầm khấn vái. Một số kẻ nhắm mắt không dám nhìn. Ông lão chậm chạp bước ra khỏi ghế, đi lấy một cái chổi và gom những mảnh vỡ thủy tinh vào một chỗ. Sau đó ông hất chúng vào thùng đựng rác. Ngay lúc đó ông mới phát hiện ra ở ngoài đường có bao nhiêu là người đang đứng đó, nhìn mình. Ông mỉm cười chào họ, nhưng không ai mỉm cười đáp lại. Ông dựa cái chổi vào tường và trở lại bàn, châm một điếu thuốc mới rồi cúi xuống chăm chú như chưa có điều gì xảy ra.

Đám đông bắt đầu sốt ruột khi mặt trời sắp lặn. Một số phụ nữ đành luyến tiếc trở về nhà để chuẩn bị bữa ăn tối. “Hét lên thật to khi chuyện đó xảy ra nhé.” Họ dặn những kẻ ở lại. Lũ trẻ con cũng bị kéo về, dù một số đứa cứ nằng nặc không chịu. Chúng nằm ra giữa đất và khóc rống lên cho đến khi người lớn dọa chúng rằng nếu không về thì Ngài cũng sẽ đến tìm cả chúng nữa. Còn lại một đám khoảng vài chục người, trong đó có ba bốn cụ già. Họ ngồi thành một vòng tròn trên đám cỏ dưới một gốc cây xà cừ lớn.

“Nó chắc chắn sẽ xảy ra với lão già chứ?” Một gã mặt non choẹt hỏi.

“Chắc chắn nó sẽ xảy ra. Chỉ là không biết đích xác lúc nào thôi. Có thể Ngài đang gắng nghĩ ra một hình phạt thật khủng khiếp, bởi lâu rồi Ngài chưa được ra tay.” Một cụ già nói.

“Có khi nào Ngài đã quên lời nguyền của mình không?” Một gã mặt đầy tàn nhang xen vào.

“Quên thế nào được! Chỉ là Ngài suy nghĩ hơi lâu một chút. Hẳn Ngài đã già rồi, không còn minh mẫn và khỏe mạnh như xưa.” Một gã trẻ tuổi khác nói với vẻ tinh nghịch.

“Báng bổ! Ngài không bao giờ già!” Một cụ già vỗ cái điếu thuốc lào xuống đất. “Chờ mà xem, kiểu gì cũng trong chiều nay.”

Một vài kẻ đứng dậy và nhìn vào trong nhà của ông lão. Nhưng ông vẫn cúi xuống bàn. Họ lắc đầu với mấy người khác và lại ngồi xuống.

Trời đã nhá nhem tối. Đám đông chỉ còn lại khoảng mươi người. Vẫn không có chuyện gì xảy đến. Ông lão đã đứng dậy, vào bếp nhóm lửa chuẩn bị bữa ăn tối. Ngọn lửa rực lên soi chiếu khuôn mặt nhăn nheo và bình thản. Đám người bắt đầu chán nản. Họ truyền tay nhau điếu thuốc lào và ngáp dài liên tục. Một số kẻ đánh ben bét vào chân để xua muỗi. Một số kẻ ngó vào ngôi nhà lần nữa rồi phủi đít đi về. Đến bảy giờ tối thì không còn một ai ở lại nữa. Tuy vậy, trong đêm, người ta vẫn dỏng tai lên nghe ngóng. Họ vẫn hy vọng tai họa sẽ xảy đến với ông lão xa lạ kỳ quặc kia, muộn còn hơn không. Họ ngóng chờ nó. Rồi họ chìm vào giấc ngủ đầy những băn khoăn khó tả, đầy những mộng mị kinh khiếp thỏa thuê.

Ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa, ông già vẫn bình an vô sự. Nhưng đó không phải là tin mừng đối với dân làng. Tất nhiên cũng có một số người nhìn nhận nó một cách bình thản. Một số khác, nhất là những người trẻ tuổi thì hầu như chẳng còn bận tâm. Họ có nhiều thú vui khác để theo đuổi. Trẻ con thì hoàn toàn quên béng. Nhưng đối với một số người thì sự việc không đơn giản như vậy. Đó là một sự xúc phạm không thể tha thứ. Làm sao mà một người lạ mặt, vừa đến từ một nơi xa xôi nào đó lại dám giẫm lên lời nguyền mà cả dân làng đã phải kiêng sợ từ bấy lâu nay? Và giẫm lên mà không hề bị trừng phạt? Ông ta đã làm cho tập tục bị xáo trộn. Ông ta đã làm cho niềm tin của dân làng vào các vị bô lão bị lung lay. Rồi mọi chuyện sẽ đi đến đâu, khi mà lời nói của các vị không còn được cháu con tuân phục? Thế nghĩa là đâu chỉ lời nguyền bị vô hiệu hóa, mà ngay cả nề nếp cũng bị đe doạ. Người đàn ông kia hiển nhiên phải bị trừng phạt. Và một cuộc họp được triệu tập ngay lập tức. Người đàn ông bị buộc phải dời đi. Ông ta không phải là người, ông ta là một con quỷ dữ đội lốt người. Vì sao ư? Vì đến cả Ngài cũng không dám ra tay trừng phạt hắn. Hắn quá ghê gớm. Hắn chế ngự được cả lời nguyền. Hắn chế ngự được Ngài. Nhưng còn dân làng? Sẽ phải làm sao khi Ngài tức giận và trút tất cả nỗi tức giận đó lên đám người vô tội? Ngài sẽ hủy hoại cả cái làng này nếu như họ còn tiếp tục chứa chấp kẻ thù không đội trời chung của Ngài.

Chiều hôm đó, một số người đã đến ngôi nhà của ông lão và báo cho ông lão biết quyết định của dân làng. “Thế đã là quá tử tế với lão rồi đấy nhé.” Họ quan sát thái độ của ông. Ông lão ngồi yên lặng, mắt nhìn ra phía bờ sông, một cái nhìn xa xăm vời vợi. “Lão phải dời đi ngay chiều nay, nhớ nhé, ngay chiều nay đấy.” Họ nhắc lại lần nữa để chắc chắn là ông lão đã nghe thủng lỗ tai, rồi họ ra về. Ông lão vẫn ngồi nhìn vào xa xăm. Rồi ông lôi bức ảnh nhỏ từ trong túi áo ra, vuốt phẳng nó và giơ lên ngắm nghía. Ông nghĩ đến vợ và đứa con gái của mình. Họ đã chết trong một tai nạn, bỏ lại ông một mình trên cõi đời này. Ông đã từng muốn đi theo họ, nhưng cả ba lần tự tử đều không thành. Ông không còn nghĩ đến cái chết nữa. Ông rời bỏ thành phố và đi thật xa về những miền quê để không phải nhìn thấy những con đường lớn và những chiếc ô tô. Rồi đôi chân đưa ông đến ngôi làng tươi đẹp này. Ông nghĩ ông sẽ sống nốt quãng đời còn lại của mình ở nơi đây, giữa cỏ cây và dòng sông tươi mát, giữa những người nông dân bình dị. Ông đã chuẩn bị tâm thế để nằm xuống nghỉ ngơi dưới bầu trời rộng rãi trong lành. Nhưng điều đó giờ đây là không thể. Ông là kẻ có tội, hay đúng hơn, người ta bắt ông phải là kẻ có tội. Một kẻ dám chà đạp lên lời nguyền, chà đạp lên sự bình yên của những người khác. Ước gì lời nguyền trở thành hiện thực, ông đã từng nghĩ vậy. Bởi đối với ông, cái chết từ lâu đã không có gì đáng sợ. Ngược lại, ông còn thèm muốn nó. Giờ thì ông sẽ lại phải ra đi. Ông không thể sống trên nỗi lo sợ và căm ghét của người đời. Mà họ cũng chẳng đời nào để ông yên, nếu ông cứ cố tình ở lại. Chân ông run lên khi nghĩ đến con đường phía trước. Ông uể oải đứng dậy, vào nhà. Ông nhét mấy bộ quần áo vào chiếc túi vải cũ nát, chụp chiếc mũ nồi bạc phếch lên đầu. Không hiểu tại sao, ông lại muốn leo lên cây cầu Sòng một lần nữa.

Ông men theo lối mòn cỏ dại mọc đầy. Lối mòn lâu ngày bị con người quên lãng, nằm đó chịu đựng muôn vàn mũi kim đâm vào da thịt. Hẳn là nó, cũng như cây cầu, vẫn băn khoăn chẳng hiểu vì sao bỗng chốc mình bị bỏ rơi. Chúng ở đó, nhớ lại những bước chân nhộn nhịp một thời xưa cũ, và ngóng đợi những bàn chân mới.

Mấy ngày sau, họ tìm thấy xác ông lão dạt vào bãi ngô non ở bờ sông phía bên kia. Tất cả dân làng đều nhanh chóng đồng ý với nhau rằng: Cuối cùng thì lời nguyền đã ra tay.

T.X.H
(TCSH399/05-2022)

 

 

Các bài mới
Những bức hình (16/06/2022)
Các bài đã đăng
Mẹ kế (06/06/2022)
Hang Gió (02/06/2022)