Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-22)
Khaled Hosseini và những phận người “bị gió cuốn bay”
09:36 | 15/07/2022

HÀN GIANG

Tôi thấy một nàng tiên nhỏ buồn bã
Dưới bóng cây giấy
Tôi biết một nàng tiên nhỏ buồn bã
Một đêm bị gió cuốn bay
(1)

Khaled Hosseini và những phận người “bị gió cuốn bay”
Ảnh: internet

Có lẽ những câu ca dân gian trên đã vượt qua ý nghĩa lời hát ru của một bà mẹ Pashtun hay Hazara đưa em bé vào giấc ngủ để trở thành tiếng lòng của mẹ Afghanistan lo lắng dõi theo những đứa con trên đất nước nhiều xung đột của mình. Là người thẩm thấu sâu sắc những giá trị truyền thống và nặng lòng với dân tộc, Khaled Hosseini - nhà văn người Mỹ gốc Afghanistan - chia sẻ nỗi lo âu đó. Suốt mấy thập kỷ li hương, Hosseini luôn đau đáu nhìn về quê xứ - nơi “mỗi dặm vuông chứa cả ngàn thảm kịch”(2) - và dùng ngòi bút của mình để khắc họa bi kịch của những phận người “bị gió cuốn bay”.

Sinh năm 1965 tại Kabul, trong một gia đình có cha là nhà ngoại giao, mẹ là giáo viên dạy tiếng Ba Tư, Khaled Hosseini sở hữu xuất phát điểm thuận lợi để đạt tới một tầm nhìn rộng mở. Bên cạnh đó, những cuộc di cư từ Kabul đến Tehran, Paris và California đã đặt Hosseini vào một độ lùi cần thiết để thức nhận sâu sắc tình trạng của cố quốc mà ông luôn mang trong tâm khảm. Hơn nữa, những mối liên hệ máu thịt với họ hàng, người thân và bạn bè nơi quê hương chưa dứt tiếng súng đã khiến Hosseini trải nghiệm thấm thía tâm thức lưu lạc. Những nỗi niềm đó, được “ma thuật kể chuyện của Hosseini” (Finalcial Times)(3) chắp cánh, đã cất lên một cách thật tự nhiên thành Người đua diều (2003), Ngàn mặt trời rực rỡ (2007), Và rồi núi vọng (2013) - ba cuốn tiểu thuyết nối nhau ra đời như những nốt láy của bản trường ca phận người Afghanistan trong bối cảnh tư tưởng Hồi giáo cực đoan, mâu thuẫn sắc tộc, sự nổi dậy của Taliban và can thiệp của nước ngoài luôn tồn tại như một nan đề.

Ba tác phẩm của Hosseini đã bao quát hơn nửa thế kỷ đầy biến động của đất nước vùng Nam Á với không gian trải rộng từ Kabul qua Herat đến ngôi làng Shadbagh rồi tỏa đi khắp núi non trùng điệp và sa mạc Afghanistan. Người đua diều, cuốn sách có 110 tuần thống trị trên danh sách best-seller của The New York Times, đã “mang tới cho ta một câu chuyện sống động và cuốn hút, nhắc ta nhớ rằng dân tộc Afghanistan đã phải đấu tranh rất lâu để chiến thắng những thế lực hung tàn - những thứ mà cho đến tận bây giờ vẫn tiếp tục đe dọa họ” (Book Page)(4). Ngàn mặt trời rực rỡ, tác phẩm được xếp thứ ba trong 10 tiểu thuyết xuất sắc nhất thế giới năm 2007, là “một câu chuyện đau thương khác, một bức tranh buồn và chân thực về người dân Afghanistan, đồng thời cho thấy sức mạnh dẻo dai và hy vọng bền bỉ của các nhân vật trong truyện” (Publishers Weekly)(5). Và rồi núi vọng, cuốn sách thứ ba được Khaled Hosseini hào hứng giới thiệu với độc giả cũng trình hiện một Afghanistan với sự đứt gãy, li tán thông qua bi kịch của những phận người lưu lạc. Có thể nói, ba thiên truyện là bức tranh liên hoàn về đất nước, là lời thì thầm với những đồng bào (không phân biệt Pashtun hay Hazara) để từ đó cất lên tiếng nói của Afghanistan - tiếng nói từng bị vùi lấp dưới bom đạn, từng bị xuyên tạc bởi những kẻ ngoại bang xâm lấn, từng bị biến âm khi phần tử cực đoan giành quyền phát ngôn. “Nhờ có Khaled Hosseini, Afghanistan cuối cùng đã tìm thấy tiếng nói của mình”(6). Nhìn nhận ở chiều sâu hơn, tiếng nói ấy chính là lời nguyện cầu cho những thân phận bị vùi dập và đọa đày, bị cơn gió của định kiến và mâu thuẫn sắc tộc, cơn bão tố của chiến tranh và nghèo đói cuốn bay cả bản mệnh. Cuộc đời quý giá của họ chỉ như những “cây ngải” - một thứ cỏ dại hiện hữu mà người ta “nhổ lên để rồi quăng đi” như lời mẹ Nana đau xót nói với Mariam.

Những người phụ nữ bé nhỏ trong cơn bão “Tahamul: chịu đựng”

Trong cuốn hồi kí Bị thiêu sống từng gây chấn động thế giới năm 2003, tác giả Souad - người phụ nữ Hồi giáo ở ngôi làng hẻo lánh Palestine - đã đau xót kết luận: “Điều may mắn nhất của những đứa con gái là không được sinh ra”(7). Nếu lời chiêm nghiệm ấy là chân lý nơi tư tưởng Hồi giáo cực đoan thống trị, thì mỗi bé gái chào đời cũng đồng nghĩa với việc bị đính kèm một tấm vé đến địa ngục. Thấu hiểu điều đó bằng ấn tượng vỡ lòng thời niên thiếu, bằng những cú “sốc văn hóa”, nhà văn Afghanistan đã viết về người phụ nữ như sự chia sẻ với một nửa thế giới Hồi giáo đang bị nỗi bất hạnh vây bủa. Không đợi đến Ngàn mặt trời rực rỡ - thiên truyện tập trung khắc họa hình tượng hai người phụ nữ để khẳng định “đằng sau mỗi tấm áo trùm là một con người đích thực”(8) - ngay từ tác phẩm đầu tay Người đua diều, số phận nữ giới đã là mối quan tâm của Hosseini. Điều đó thể hiện ở nhân vật Sanaubar. Nếu sinh ra đã là đen đủi, thì xinh đẹp và có nguồn gốc thấp kém là lũy thừa của sự bất hạnh đó. Sanaubar với “đôi mắt long lanh xanh biếc”, “nụ cười má lúm đồng tiền” và “những bước đi khêu gợi”(9) trở thành tấm bia để đàn ông trút nỗi khao khát thầm kín thành những lời chế giễu, thóa mạ. 19 tuổi, bị gả cho người anh họ để bảo toàn “danh dự gia đình”, bị ông chủ của chồng coi như vật thế thân của vợ, sinh ra đứa con với cặp môi hẻ rồi bỏ đi sống đời lang bạt như một cách vùng vẫy vô hướng chống lại tấm lưới định kiến siết chặt đến nghẹt thở, Sanaubar là nét vẽ khái quát về bi kịch của người phụ nữ Afghan trong cơn lốc khởi từ kinh Quran: “Đàn ông có ưu thế hơn đàn bà vì Allah đã phân biệt thứ hạng giữa hai bên”(10). Đến Ngàn mặt trời rực rỡ, nét vẽ đứt đoạn, gấp khúc mang tính biểu tượng về người phụ nữ ấy được phóng đại và tô đậm hơn với hình tượng Mariam và Laila - hai người phụ nữ mà “số phận họ đã hòa quyện vào nhau trong thân phận đau thương, bền bỉ của người phụ nữ Afghanistan trước chính trị hỗn loạn và tôn giáo hà khắc”(11). Cuộc đời Mariam là cách thức một bông hoa huệ (mariam nghĩa là hoa huệ) bị cuốn vào cơn bão, bị vò xé tơi tả bởi nam quyền tối thượng. Lời đinh ninh của mẹ Nana đã thành định mệnh cho chuỗi ngày tháng đen tối hiện diện trên đời của Mariam: “Hãy nhớ lấy điều này và nhớ cho kỹ, con gái ạ: Giống như chiếc kim la bàn luôn chỉ hướng Bắc, ngón tay buộc tội của người đàn ông luôn trỏ vào người phụ nữ. Luôn luôn là như vậy”(12). Sinh ra từ một bi kịch kép, khi ông chủ giàu có bậc nhất Herat làm cho cô quản gia Nana có bầu, dựng cho cô một kolba (túp lều) và phủi tay thanh thản, Mariam đã mang thân phận Harami - một đứa trẻ không được chào đón. Khát vọng đến gần cha đã đẩy Mariam bước hụt và tước đoạt tất cả những gì cô có trên đời: sinh mạng mẹ Nana. Người cha đã nhẫn tâm xóa sạch dấu vết sai lầm tồn tại 15 năm bằng cách dồn Mariam vào cuộc hôn nhân với gã đàn ông góa vợ hơn gấp đôi tuổi cô ở Kabul. Từ đó, Mariam thực sự chìm xuống tầng đáy địa ngục với 7 lần sảy thai liên tiếp, với những cơn mưa đòn, những chiếc răng hàm gãy vì Rasheed (chồng cô) nhét sỏi vào miệng bắt nhai. Chính những cơn chấn động vì hãi sợ của 27 năm làm vợ đã biến Mariam thành một bà lão già khọm trước tuổi và nhận ra sự “không chính đáng” trong những đau đớn vô lí mà cuộc đời trút xuống mình. Cuối cùng, khi Rasheed bóp cổ Laila - người vợ thứ hai của hắn, cũng là người Mariam thương yêu như ruột thịt - Mariam đã vung chiếc xẻng về phía cai ngục đời mình để giải cứu Laila, đồng thời đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại tăm tối của mình. Trước khi nhận án tử hình do tòa án Taliban phán quyết, Mariam lại một lần nữa bị dán mác thấp kém nữ giới: “Thượng đế đã tạo ra chúng ta khác nhau, đàn bà các người và đàn ông chúng tôi. Bộ não của chúng ta cũng khác nhau. Bà không thể nghĩ được giống như chúng tôi”(13). Đáng buồn thay, phán xét bất công ấy đâu chỉ kết tội cá nhân Mariam, mà còn là lưỡi hái nhắm vào tất cả phụ nữ Hồi giáo trong chế độ tôn giáo khắc nghiệt. Họ, dù khác nhau tên gọi và danh phận, đều là những đóa hoa “một đêm bị gió cuốn bay”, tan tác trên đất Afghanistan.

Những thường dân bị chiến sự cuốn vào cuộc thiên di

Có lẽ bản thân cái tên Afghanistan - mảnh đất của người Afghan (tức người Pashtun) - đã hàm chứa những mâu thuẫn sắc tộc, bởi cái tên ấy tạo nên một tương quan bất xứng giữa người Pashtun và người Hazara ngay trên lãnh thổ mà họ cùng chung sống. Trải qua nhiều thế kỉ, xung đột dai dẳng giữa người Pashtun dòng Sunni và người Hazara dòng Shia đã dẫn đến nội chiến, sự can thiệp của nước ngoài và chiến tranh ủy nhiệm gây nên bi kịch cho hàng triệu người Afghanistan. Thấu hiểu điều đó, bằng chứng nghiệm thời thơ ấu, bằng trái tim phập phồng lo lắng hướng về quê hương, Khaled Hosseini đã khắc họa thảm cảnh của những thân phận kẹt giữa bao làn đạn. Dù ở lại chấp nhận số mệnh vô lí hay cầu may bằng những chuyến di cư, người Afghan cũng đứng trước lựa chọn khó khăn lung lay đến tận cùng bản ngã. Người đua diều, Ngàn mặt trời rực rỡ, Và rồi núi vọng là những phác họa sống động nhất về thân phận thường nhân quay cuồng thời biến loạn, trong đó Hosseini tập trung khắc họa hành trình thiên di nguy hiểm, tủi cực, khoét rỗng một phần bản thể những người Afghanistan.

Mở trang sách Hosseini, người đọc như được chứng kiến cuộc tháo chạy tuyệt vọng của người Afghanistan khỏi chính quyền Taliban sau ngày 15/8/2021 mà thế giới đang dõi theo đầy lo âu, bởi đó chỉ là phiên bản khác của bi kịch tha hương thống trị trên sân khấu Afghanistan hơn nửa thế kỉ. Cách ra đi của họ, dù từ nhiều con đường khác nhau, đều chạy trốn tử thần bằng việc phó mặc cho định mệnh: người tới gần biên giới thì “bị kẹt lại giữa cuộc giao tranh. Một quả rocket đã bắn trúng chiếc xe” (Tariq), kẻ phải náu mình trong bồn xăng xe tải thở thứ không khí “sền sệt”, “đặc quánh” suýt ngộ độc (Amir), nhiều người khác mòn mỏi trong các trại tị nạn (Abdullah, Iqbal, Gholam). Nếu may mắn đến được miền đất hứa, cuộc đời họ cũng bị khúc xạ trong thân phận lưu lạc và chẳng bao giờ được trọn vẹn bình yên. Abdullah dù đến được San Francisco cùng vợ và con gái nhưng những mất mát của thân phận li hương (đặc biệt là sự thất lạc người em gái Pari) đã đánh đắm đời ông. Việc mở cửa hàng chuyên ẩm thực đậm bản sắc Afghan, đi nhà thờ Hồi giáo đều đặn vào cuối tuần, dạy con gái tiếng Farsi hay giữ những chiếc lông vũ mang theo từ quê nhà chính là cách ông trục vớt bản ngã, và trám đầy cuộc đời “lỗ chỗ khoảng trống” của mình. Trước khi bị căn bệnh alzheimer nhấn chìm, ông để lại những lời gan ruột cho người em gái đã thất lạc hơn nửa thế kỉ: “Người ta bảo anh phải lội xuống nước, ở nơi đó anh sẽ nhanh chóng chìm. Trước khi làm vậy, anh để lại cái này trên bờ cho em. Anh cầu mong em sẽ tìm thấy nó, em gái, để em biết rằng trong tim anh có gì khi chìm sâu dưới nước”(14). Lời nhắn nhủ xúc động ấy chính là cách Abdullah buông chiếc mỏ neo đời mình tìm một bến đậu để không bị ngọn gió di cư thổi bạt. Với cha con Amir, bi kịch còn đáng sợ hơn, sự đứt gãy khi phải rời quê hương đã lan ra như một vết chém khiến hai phần đời chỉ là sự chắp vá lệch vẹo. Baba của Amir dù “yêu tư tưởng của nước Mĩ” nhưng “cuộc sống ở Mĩ lại khiến ông bị ung loét” vì bị coi là “đồ điên”, “không thể hoan nghênh”(15). Đó chính là đòn tử thương đánh vào lòng tự tôn của ông dẫn đến căn bệnh đau dạ dày như một ẩn dụ về sự bất dung nạp của ông với cuộc sống mới. Dù ông tự trấn an rằng “không đến nỗi tệ lắm”(16) nhưng thực tế Baba đã chết mòn. Amir khả quan hơn cha mình đôi chút, dẫu trong lòng anh cũng đầy mảnh vỡ khi nhận thức được những gì mình đã đánh mất và không thể vãn hồi. Công việc tốt, người bạn đời đồng tộc và ngôi nhà đẹp không thể triệt tiêu “sự trống vắng” “giống như một nhân vật sống đang hít thở” “luồn lách”(17) trong cuộc sống của Amir. Vết nứt đầu tiên của khoảng trống ấy là sai lầm thời thơ ấu, nhưng đẩy nó lên thành vực thẳm chính là sự đứt đoạn với quê hương bản quán, như cái cây bị tước đi môi sinh phù hợp. Với Pari, mọi chuyện cũng không ngoài quy luật, dù người mẹ nuôi Nila đã đưa Pari rời Kabul khi cô còn rất nhỏ. Dầu vậy, cảm giác về “một nỗi thiếu vắng” “một nỗi đau mơ hồ không rõ nguồn cơn” giống như “một bệnh nhân không thể giải thích với bác sĩ là mình đau ở đâu”(18) luôn trở đi trở lại tạo nên một thứ tâm bệnh trong Pari khi bản thể không được minh định. Như vậy, xung đột sắc tộc và nội chiến đã đẩy những người Afghan vào một vực thẳm vô định: không định đoạt được tương lai, không còn liên hệ với thân tộc và bản quán, không minh xác được chính mình. Hình ảnh một nửa cây cầu Pont Saint Benezet “cố nối lại với bên kia, rồi gãy gục”(19) khép lại Và rồi núi vọng chính là biểu tượng đầy ám ảnh về những phận người Afghanistan mòn mỏi trong những cuộc thiên di.

Những phận nghèo tan tác trong cuộc mưu sinh

Bị ánh sáng chói gắt của tôn giáo cực đoan chiếu rát bỏng, lại hứng chịu sự hoang tàn do chiến tranh gây ra, đất nước Afghanistan trù phú, cái nôi của văn hóa Ba Tư xưa kia đã đánh mất thời kì hoàng kim. Những người dưới đáy xã hội lâm vào một bi kịch kép với sự túng thiếu ám ảnh thường trực. Dù xuất thân khá giả nhưng Hosseini thấu hiểu sâu sắc cảnh ngộ ấy và đã diễn giải thật cô đọng trong những trang sách của mình. Nỗi bất hạnh của gia đình Pari khởi sự từ đó. Vì không có tiền mua đồ ủ ấm, bà mẹ Parwana phải nhìn đứa con trai đầu lòng (Omar) chết cóng. Để cứu tính mạng đứa con trai nhỏ thứ hai, người cha Saboor phải đành đoạn đốn hạ cây sồi hàng trăm năm tuổi gắn bó với ký ức cả cộng đồng. Nhưng đau đớn nhất là họ bị đẩy đến một quyết định bất nhẫn: bán cô bé Pari mới 3 tuổi để con thuyền gia đình rách nát không chìm với tất cả thành viên của nó. “Phải cắt một ngón tay để cứu cả bàn tay”(20), tàn nhẫn nhưng có thể làm gì khác? Lời nói của Parwana “Phải là con bé. Dì rất tiếc, Abdullah. Phải là con bé”(21) là sự trần tình cho nỗi bất lực của những con người bé mọn Afghanistan khi số phận giáng xuống. “Nếu ta nghèo thì nỗi cơ cực chính là tiền bạc của ta”(22), đáng tiếc đó là tiền không tiêu được trên cõi trần này, vì nó kết lại từ nỗi đau không bao giờ đóng vảy của những phận nghèo trôi dạt trong cuộc mưu sinh khốc liệt.

Khát vọng trở về “mảnh đất tươi đẹp của chúng ta”

Mặc dù từng tâm niệm “cùng nhau rời khỏi căn nhà này, khỏi cái thành phố đầy thù hằn này. Rời khỏi cả cái đất nước đáng thất vọng này nữa”(23) nhưng những người Afghan khốn khổ vẫn không thất cước với nguồn cội. Hình ảnh Baba của Amir quỳ xuống hôn lên đất Afghan trước khi ra khỏi biên giới đã diễn giải trọn vẹn tình yêu quê hương và khát vọng trở về của những con người buộc phải sống đời xa xứ. “Luôn có con đường để tốt lành trở lại”(24) không chỉ là lời Rahim Khan khuyên Amir, mà còn là thông điệp của quê hương đồng vọng trong mỗi trái tim Afghan. Vì thế, từ những con đường khác nhau, họ đều tìm cách trở về. Trở về với mảnh đất tuổi thơ, với ngôi nhà cũ như di sản quá khứ để tìm đường đến tương lai (cha con Iqbal). Trở về với tình máu mủ ruột rà để phác họa trọn vẹn gương mặt chính mình nhằm tìm lời hồi đáp cho câu hỏi quan trọng nhất đời người về bản ngã: Ta là ai? (Pari). Trở về sửa chữa những sai lầm trong quá khứ, bắt đầu hành trình cứu rỗi chính mình (Amir). Trở về góp phần tái thiết Kabul yêu dấu và cứu giúp những nạn nhân của cuộc chiến huynh đệ tương tàn (Idris, Timur)… Quá khứ bị bỏ lại sẽ gây nội thương trầm trọng mà con người không thể tìm được nơi ẩn náu. Chỉ khi dũng cảm nhìn lại, xếp những gì đã qua vào vị trí của nó, người ta mới tìm lại được chính mình, và quan trọng hơn là cùng tìm lại được gương mặt Afghanistan đẹp như đất nước này từng tồn tại. Chỉ có như thế, những vết thương trên thân thể hay trong tinh thần con người mới lành sẹo, và cơn cuồng phong khuấy đảo bao phận người mới ngừng lặng. Đó có lẽ cũng chính là khát vọng sâu xa ẩn trong ngòi bút Hosseini.

Bằng trái tim của một người con Afghan hướng về cố quốc, thiên chức của một nhà văn với bao đồng bào bị dồn vào cảnh khốn cùng, và sứ mệnh của một đặc phái viên Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, Hosseini đã khắc họa những cuộc đời Afghan đứt đoạn vì chiến sự trong các tiểu thuyết nổi tiếng của mình để cất lên khúc bi ca về số phận dân tộc. Trong những ngày Afghanistan bị nhấn chìm bởi nỗi bất an khi Taliban đánh đổ chính quyền, đọc lại những trước tác của Hosseini, ta hoàn toàn thấu hiểu nỗi lo lắng của người con Afghanistan ấy khi ông bộc bạch: “Tôi lo lắng cho hàng triệu người Afghan đã trốn thoát về nhà và đang vật lộn với những câu hỏi hiện tại. Họ sẽ đi về đâu?”(25). Câu hỏi như vọng âm của thời đại ấy xứng đáng nhận được một lời hồi đáp có hậu, thay thế cho khúc ru buồn về thảm cảnh những phận người bị gió cuốn bay…

H.G
(TCSH45SDB/06-2022)

-------------------------------------
1, 2, 3, 6, 14, 18, 19, 20, 21, 22. Khaled Hosseini, Và rồi núi vọng, Tất An dịch, Nxb. Hội Nhà văn, 2017.
4, 9, 15, 16, 17, 23, 24. Khaled Hosseini, Người đua diều, Nguyễn Bản dịch, Nxb. Phụ nữ, 2013.
5, 8, 11, 12, 13. Khaled Hosseini, Ngàn mặt trời rực rỡ, Nguyễn Thị Hương Thảo dịch, Nxb. Văn học, 2017.
7. Souad, Bị thiêu sống, Nguyễn Minh Hoàng dịch, Nxb. Phụ nữ, 2010.
10. Malise Ruthven, Dẫn luận về Hồi giáo, Thái An dịch, Nxb. Hồng Đức, 2015.
25. https://www.facebook.com/KhaledHosseini, ngày 15/8/2021.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Không - hoa (12/07/2022)
Ký ức mùa thi (08/07/2022)
Mặt trời (08/07/2022)