Tạp chí Sông Hương - Số 400 (T.06-22)
Những buổi chiều màu cam
15:47 | 29/07/2022

ĐINH PHƯƠNG

1.
Tôi nói với Vân về việc từ nay sẽ không nói đến cái chết của Ẩn nữa, chấm dứt một cơn mộng dài đẵng ai cũng phải quên đi.

Những buổi chiều màu cam
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức

Người sống vẫn phải sống tiếp. Còn người chết, họ có cuộc chết của họ, người sống không dính ráp nhảy len vào được. Quên là quên, thế thôi. Vân hiểu chứ? Tôi hỏi lại lần nữa, Vân vẫn ngồi im, dửng dưng nhìn cốc nước lăn tăn bọt trước mặt. Buổi chiều đang hẫng xuống dần - trong mắt tôi và Vân - ngoài ban công tầng bảy chung cư. Bảy bảy bốn chín. Qua bốn chín ngày hồn Ẩn sẽ được quyết định về đâu, quay lại cõi người lỡ dở, chuyển nghiệp súc sinh, ngạ quỷ hay địa ngục. Nơi Ẩn sắp đến cũng có nhiều người trong thành phố đến, nhưng chẳng ai trở về nói rốt cuộc nơi ấy xấu đẹp ra sao, nhà cửa cây cối thế nào. Rồi tôi và Vân cũng sẽ đến nơi ấy, tất nhiên, tránh sao được, nhưng không phải lúc này. Chúng tôi còn bận rộn với bao nhiêu công việc, dự tính dang dở trước mặt. Với tôi là việc viết được những bài phóng sự điều tra dài kì chấn động nền báo chí nước nhà. Với Vân là việc mở một quán trà hoa cúc nhỏ ven hồ Văn Quân, nơi Vân vừa là người pha chế vừa là người phục vụ, tự tay chăm sóc từng vị khách của mình. “Khách đông Vân chạy sao kịp?” Đã có lúc tôi bắt gặp Ẩn hỏi đùa thế, Vân cười tủm tỉm không nói gì, lúc ấy Vân cũng ngồi nhìn ra ban công, khi buổi chiều đang xuống thế này. Mặt trời nhuộm vàng rực căn phòng. Tuổi trẻ của ba chúng tôi đang vào tháng ngày rực rỡ nhất - theo cách nói của mấy quyển sách truyền cảm hứng nằm ngủ quên trên giá, lâu lâu lật ra vài trang, đọc lướt vài dòng, hỏi người viết chúng ra có thực sự hiểu điều mình viết hay không. Và trong lúc mặt trời chiếu rực rỡ ấy chúng tôi không để ý quầng bóng phía sau. Bỏ mất điều quan trọng, mình lúc này chẳng là mình ở tuổi hai mươi hai mốt nữa, cái tuổi vào mấy năm đầu đại học thừa năng lượng lẫn nhiệt huyết, tưởng có thể ngoạm thế giới bằng một cú ngang dứt khoát. Sau đấy tình thế thay đổi ngược lại, cả ba bị thế giới ngoạm không thương tiếc, theo chiều thẳng đứng. Vân là nạn nhân đầu tiên, bị gã quản lí quán trà hoa cúc tấn công. Hoảng loạn, sợ hãi, về Vân uống rượu, ngồi nhìn màu cam của buổi chiều lẩn nhanh vào màu đen nhờ nhờ của đêm. Thành phố lên đèn dửng dưng nhấp nhánh xanh đỏ. Khi tôi và Ẩn về thì Vân đã say không biết gì, nằm bệt nơi xô pha, nôn thốc nôn tháo ra nền nhà. Vừa nôn Vân vừa gọi Ẩn. Dọn dẹp, xoa dầu gan bàn chân, đắp chăn cho Vân xong tôi và Ẩn tìm đến quán trà Vân xin việc khi sáng. Xộc thẳng vào quầy thanh toán, đưa giấy giới thiệu của tờ báo ngành đang thử việc yêu cầu gặp quản lí. Mấy khách đang ngồi cố trầm ngâm, trò chuyện nhỏ nhẹ, ỏn ẻn cho hợp với phong vị quán quay thốc ra nhìn. Hai cậu nhân viên pha chế mặc phông trắng in hình hoa cúc vàng, sơ vin, im lặng lén nhìn đồng hồ. Tôi đoán hai cậu chờ hết ca của mình để bàn giao cho ca sau, tránh rắc rối không đáng có, nhưng gã quản lí chỉ ở quán ban ngày, chiều tối gã về nhà. Tôi bàn hay tìm đến nhà gã, Ẩn gạt đi bảo thôi về, biết đâu mà tìm. “Phải tìm đấm vỡ mặt thằng chó ấy ra chứ.” Tôi cáu bẳn nhấm nhẳng chửi. Trưa sau tôi tìm đến quán, nhân viên cho hay sáng sớm quản lí bị hắt sơn pha mắm tôm vào người, đỏ tươi khắm lặm, nay nghỉ. Chỉ có Ẩn làm điều ấy, tôi biết, nhưng giấu không nói cho Vân biết. Mà điều ấy rồi còn quan trọng nữa không. Ẩn chết rồi, chết giữa muôn trùng nước - “mười hai giờ trưa từ giữa cầu nhảy xuống, vào giữa xoáy nước chết chứ sống thế nào được” - lời một chị bán nước trên cầu quê Thuận Thành - Bắc Ninh nguyên văn thế. Nếu không nhảy vào giữa xoáy nước thì Ẩn có sống không, tôi và Vân ngờ ngợ giữa những câu trả lời, hai cốc trà đá gọi ra tan loãng chẳng ai nhấc nhấp, gió đen dữ tợn từ sông Hồng thốc lên đổ xòa đĩa hướng dương.

2.
Từ Hà Nội chúng tôi theo xe cấp cứu đưa xác Ẩn về thị trấn, đi và ở cũng thành vòng tròn, trạm trung chuyển của vòng tròn ấy là sông, Ẩn nằm dưới sông sáu tiếng thì được thuyền đánh cá vớt lên, mẹ Ẩn lên vừa kịp lúc người ta mang xác Ẩn lên bờ, trắng bợt, mẹ Ẩn không phải thấy tình cảnh con mình bị kéo trong lưới từ giữa sông vào như một con cá người mắc nạn. Mẹ Ẩn kí giấy cam kết với công an để Ẩn không phải mổ, nhiều người thấy Ẩn nhảy chứ không chỉ một người, tất cả chỉ mất hơn một phút, từ lúc dừng xe vào thành cầu, cởi mũ bảo hiểm treo vào xe rồi lao xuống, giấy tờ tùy thân, điện thoại Ẩn cất cả trong cốp, đến khi bảo vệ cầu rẽ đám đông đổ đến chỗ Ẩn nhảy nhìn xuống thì sông đã xóa nhòa dấu vết, chẳng vệt sóng loang.

Mẹ Ẩn mắt ráo hoảnh không khóc, cắn chặt môi trong cả chuyến đi, mắt mẹ Ẩn đổ ra lơ đễnh ngoài cửa kính xe ưu tiên còi hú từng chặp dài, mùa xuân vừa chờm đến, cây cối bắt đầu thay lá mới xanh mỡ. Ẩn có chọn lựa thời gian cho chuyến đi của mình, tôi chẳng trả lời được, còn Vân, tôi nhìn sang, mắt Vân cũng thế, đỏ vằn tia máu chứ không có nước mắt. Vân nhìn sang hướng đối diện mẹ Ẩn nhìn, ngoài ấy cũng cây cối lặp lại, nhớ ngày đầu lên thành phố chúng tôi bắt phải xe quay bán khách, mất ba tiếng cho quãng đường hai mươi cây số từ Mạo Khê sang Sao Đỏ - Hải Dương, đợi ven quốc lộ 18A thêm nửa tiếng bị bán cho xe đường dài chạy từ Móng Cái về Bắc Ninh, đến Bắc Ninh bị bán lần nữa cho xe Lạng Sơn - Hà Nội, đến bến xe Gia Lâm tổng cộng mất bảy tiếng, bảy tiếng cho quãng đường một trăm cây số. Ẩn ở chuyến đi sóng gió ấy không nổi khùng gây gổ, Ẩn hiền lành chấp nhận chờ đợi lên xe, ngồi ghế nhựa giữa lối đi và ngoan ngoãn khi bị xô xuống đường, Ẩn ở tuổi mười tám là một Ẩn khác tuổi hưởng dương hai lăm bạo liệt làm tất cả theo ý mình. Từ bến xe Gia Lâm cả ba bắt tiếp xe buýt 01 về bến xe Yên Nghĩa mất thêm gần hai tiếng nữa vì tắc đường ở Khâm Thiên, tại sao tôi nhớ rõ hành trình và thời gian chuyến đi đầu tiên lên thành phố thế, mọi thứ tưởng quên đột ngột xô ra rành mạch tỉ mẩn, Vân dựa đầu vào vai Ẩn thiêm thiếp suốt chuyến đi dài.

Vài ba năm, hay từ chuyến đầu tiên ấy đến tận giờ cả ba mới lại cùng về thị trấn trên một chuyến xe. Khi học đại học mỗi dịp nghỉ thường Ẩn chẳng bao giờ về, Ẩn chọn đi chơi xa ở nơi đồi núi hẻo lánh nào đó, hết đợt nghỉ thậm chí cũng chưa về học tiếp. Ẩn nợ môn nhiều, mẹ Ẩn biết không trách, chúng tôi về thị trấn sang nhà Ẩn ăn cơm ngủ lại như con cái trong nhà, mẹ Ẩn cũng chẳng bao giờ hỏi tôi với Vân về Ẩn, mẹ Ẩn và Ẩn duy trì hai thế giới song song không gặp nhau.

3.
Xác Ẩn để ở nhà một đêm. “Cháu nó cô định chôn hay thiêu?” - nhiều người hỏi - “chôn chứ, dăm năm nữa em còn thấy cháu…”. Tôi tưởng tượng thân xác Ẩn vài năm sau rữa nát dòi bọ, nửa đêm về sáng căng bạt, máy phát điện chạy ình ịch, đèn bốn bóng trắng rọi sáng trưng bật nắp quan đổ rượu ùng ục mò, rửa từng đốt xương trong chậu ngũ vị hương mà không tránh khỏi cảm giác ghê ghê lởn vởn. Thiêu đỡ hơn, mọi khâu chứng kiến cái chết đã được che đậy kín, người nhà chỉ thấy lúc quan tài mất hút và hai tiếng sau chờ lấy nắm xương đựng trong hũ sứ, có sót lại một miếng xương to - dành cho mường tượng - người sống lúc chết béo gầy cao thấp cũng chỉ một miếng xương ấy. Với thiêu việc chấm dứt các hình dung nhanh hơn chôn, thậm chí người ta còn chưa kịp tạo ra một hình dung, tuồng như người chết chưa có quãng chết, lễ lạt, mà đi thẳng từ khoảng thời gian sống sang thời gian bốn chín, trăm ngày hoặc giỗ đầu. Còn chôn lúc nào người ta cũng canh cánh về khoảng thời gian ba năm hay năm năm để đi xem bói xem sạch chưa - giờ thiếu nước, đất đai ô nhiễm các hình dung kéo dài hơn có thể đến bảy tám, thậm chí mười năm - các hình dung để quá lâu mờ nhạt nhưng không mất đi, nó vẫn còn đó, hiển hiện đằng đẵng. Mẹ Ẩn muốn kéo dài hình dung về vô tận - hình dung biến thành sợi dây níu buộc, lí do của tồn tại trong thị trấn u ám này. Còn Vân? Vân không đến lễ tang của Ẩn. Từ lúc đưa xác Ẩn vào nhà xong Vân đã xin phép về nhà mình. Giờ này Vân làm gì? Tôi len ra khỏi đám đông ri rỉ, ì xèo thăm hỏi động viên, khóc lóc, than vãn, nhập vào đêm thị trấn, tan loãng giữa các hồi ức nửa thực nửa ảo. Kia là chỗ ông Tĩnh đen vẫn ngồi gà gật cả ngày chờ khách vào cắt tóc. Tông đơ tanh tách, ông vẫn trêu bọn trẻ con ngồi yên không là mất tai đấy. Kia là chỗ bà Ngân ngồi bán hoa quả, lúc nhỏ trẻ con xóm hay lân la chờ bà cho hoa quả dập. Chỗ kia, chỗ kia nữa, chỗ nào là nơi chú Vền điên ngồi cả trưa nắng rừng rực tháng sáu… Di ảnh chú bỏ nhà hoang thì tội nghiệp, mà cả thị trấn chẳng ai nhận rước ma vào nhà. Cuối cùng đám trẻ con chôn ở góc bãi bóng. Mấy hôm đầu mưa táp đất ra người đi chợ qua vẫn nhìn thấy miệng chú cười, vùi lại. Mấy ngày sau nữa chỉ thấy ánh mắt ngờ nghệch nhìn xoáy lấy trời, chẳng ai thèm vùi nữa. Người bạn đưa di ảnh chú Vền về sau đấy điên lại giữa thế giới người bình thường. Di ảnh chú Vền nắng mưa bạc phếch, bay màu, mỏng dính mang một hình dung người gió thổi tuốt tuột về trời. Thị trấn mãi mãi mất đi một người tên Vền hiền lành, ngây ngô. Trong đám trẻ chôn di ảnh chú có - Vân, tôi, Ẩn - cả ba mang vết thương vô hình âm ỉ chưa khi nào lành. Thị trấn mắc nợ chúng tôi hay chúng tôi mắc nợ thị trấn? Đêm nay tôi tìm về góc sân bóng xưa, càng đi càng lạc, nhà cửa sát sạt bám nhau, tường cao lạnh lẽo, đèn đường chập chờn khúc sáng khúc tối. Trí nhớ tàn tạ, tôi quên sân bóng đã chia lô bán cách nay mấy năm - chỗ chôn di ảnh chú Vền giờ là quán bán điện thoại di động. Tôi đi miên man tìm nơi đến, thị trấn rồi thành xa lạ…

4.
Xong đám ma của Ẩn, ngay chiều ấy tôi đi khỏi thị trấn trước Vân. Chuyến xe mệt mỏi ì ạch vài ba khách nhắm hướng thành phố bò đến. Phụ và lái xe cứ đi một quãng lại tắt máy nhảy xuống hút thuốc. Bảng lảng, lơ đễnh, tôi chấp nhận không phản kháng. Chuyến xe chẳng đến đích cũng xong, cứ bò mãi thế đến chết mòn đi cũng được. Đầu óc ập ờ lại trôi về đám tang - tôi không thấy bố thằng Ẩn - cả ngày hôm qua đưa về, lẫn sáng nay đưa ra nghĩa địa. Ông ấy không về hay không được báo cái chết của con trai. Thị trấn với ông ấy trước đây là một cái cây đã gãy lìa hết cành lá. Ẩn là rễ cái của cây cũng đã bị bứng đứt. Ông ta chẳng còn lí do gì để trở về nữa. Nếu chết đi ông ta có chọn trở về thị trấn để chôn hay bỏ mặc nằm đâu thì nằm. Xét cho cùng chấp nhận đi khỏi thị trấn là bị văng ra cả thể xác lẫn linh hồn. Có nhiều lúc nơi thành phố đông đúc tôi bồn chồn dừng lại giữa làn xe xuôi ngược nghĩ về nơi đến và đi của mình. Tầng bảy căn chung cư thằng Ẩn được bố cho không phải nơi đến của tôi - một sự tạm bợ vướng víu - thế nơi đến của tôi ở đâu. Thị trấn cũng không phải nơi trở về. “Bước chân đi cấm kì trở lại.” Ngày cả ba đứa lên thành phố học là chấp nhận cấm kì. Thằng Ẩn thoát cấm kì đầu tiên trở về trong hình hài cái chết. Hay tôi cũng lựa chọn như nó? Thế thì dễ quá, mà thực tôi sợ chết, tôi chưa khi nào đủ dũng cảm để bước đến thành cầu. “Từ tầng bảy gieo xuống chết không?” Thằng Ẩn hỏi khi cả ba đang ăn mừng ngày tôi xin được vào thử việc ăn lương theo bài viết. Không ai bảo ai đều nhìn ra ánh đèn nhấp nháy bên ngoài ban công. Bữa ăn thế là tàn. Vân đứng dậy đầu tiên, xong đến Ẩn, cuối cùng là tôi. Ngày hôm sau thằng Ẩn gọi người đến lắp lưới ban công. Giờ nghĩ lại hành động của nó khi ấy tôi biết nó đang cố cưỡng lại tiếng gọi của việc phá vỡ cấm kì, bước qua lằn ranh mỏng manh để trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Thế nhưng rồi nó vẫn bị tiếng gọi bắt được khi đi ngang cầu Long Biên.

U u u u… u u u u… u u u u…

Ở thị trấn mỗi khi có người sắp chết đêm thường nghe thấy tiếng vọng như tiếng sáo diều. Tiếng vọng dồn dập, ấp iu, níu kéo. Người chết trẻ tiếng vọng có khi đến ngay từ chập tối, khoan thẳng vào tai, chói lọi. Người già thường nửa đêm về sáng, tiếng thoảng qua như gió, rất ít âm chói, kết thúc lúc nào chẳng biết. Người nghe tiếng vọng nhiều không những phân biệt được người chết già hay trẻ mà còn biết chết tươi hay chết bệnh, nhà người chết ở hướng nào - cả trăm lần như một chẳng sai. Người mới muốn nghe thì đem chõ xôi bằng đất để trên mái nhà. Chõ xôi đất như cái loa thu vào rồi khuếch đại phát xuống dưới. Hôm giở trời giở đất hay hôm có nhiều người chết tiếng vọng đan giữa ban ngày, tiếng này xen tiếng kia, tiếng hạ thấp tiếng bổng lên, dan dan díu díu.

Thằng Ẩn đưa về thị trấn chôn nhưng tôi không nghe thấy tiếng vọng. Hay tiếng vọng của nó ở thành phố chứ không phải đây? Chết đâu hồn đấy. Nó có thoát mà về thị trấn được không? Trên chuyến xe đưa xác nó về tôi nhìn nó nửa quen nửa lạ. Nó nằm đấy mà không phải nó. Nó ở đấy mà không phải ở. Mẹ nó và Vân đều nhận ra điều ấy. Mọi người cố hành xử bình thường trước cái xác chết đuối nước nửa lạ nửa quen. Hồn nó có ngồi cùng chuyến xe không? Lúc này, trên một chuyến xe đi tôi lại nhớ chuyến xe về. Giật mình nhìn sang bên cạnh, biết đâu nó lại lên thành phố cùng tôi, lại lêu bêu giữa những buổi chiều màu cam nhìn từ tầng bảy xuống.

5.
Vân lên thành phố sau tôi hai tuần. Là một Vân khác Vân trước đây, Vân nào đó. Cơ thể đột nhiên gầy tọp đi, mỏng mảnh, cảm giác chỉ chạm vào là đổ. Mắt vẫn mở mà không nhìn thấy sự việc đang diễn ra trước mặt. Vân tuồng đông cứng, chuyển động chậm chạp, lờ đờ. Ở đây cũng giống khi ở thị trấn, tôi chẳng nói với Vân được câu nào, tìm đến nhà mẹ Vân lắc đầu chỉ ra sau - nơi Vân ngồi dựa lưng vào cây nhãn, tay vân vê những mảnh lá vàng vụn - cái áo Vân đang mặc màu cam, chói quá - tôi đứng nhìn một lúc rồi lẳng lặng đi về, con chó đen xích trên thềm nhắm mắt chẳng thèm sủa.

Giờ tôi nói mọi thứ, Vân im lặng, nghe và không nghe.

Rồi Vân đột ngột bỏ tất cả, quần áo đồ đạc không thu dọn, về thị trấn không báo trước, dửng dưng nhắn: “Hưng ơi, mình không lên thành phố nữa đâu.” “Sao thế?” Tôi nhắn hỏi lại ngay, vào lúc 11 giờ 20 phút đêm, một ngày giữa tháng chín. Vân không nhắn lại, ấn gọi không nghe. Giờ chỉ còn mình tôi trôi trong không gian vào tháng trước còn chia đều cho ba người. Mà nói chia đều cũng chưa đúng, Vân 2/3 không gian, tôi và Ẩn chia nhau 1/3 còn lại. Không gian của Vân thỉnh thoảng giữa đêm bị Ẩn đột nhập, tôi biết điều ấy, biết cả hai người bạn của mình yêu nhau, biết mà vờ như không biết. Khi yêu người ta thường khó giấu cảm xúc của mình - ánh mắt, nụ cười của loài cá mắc cạn mùa giao phối. Tôi còn chưa kịp hỏi hai người có định tiến tới hôn nhân không, chia lại cái không gian 2/3 và 1/3 kia thì Ẩn chết, đột ngột, bất ngờ với cả hai, nhưng với Vân chắc nhiều hơn.

Tôi nguyền rủa, cắn rứt mình đã không giúp gì được cho hai người bạn. Nhưng biết giúp gì? Bỏ Vân và Ẩn ra khỏi đầu, tôi cắm cúi viết nốt bài báo về xử lí nước thải ở một công ty nhựa mạn Phố Nối - Hưng Yên. Trước bài báo này là bài về đình công của công nhân may ở Hải Phòng, rồi khai thác cát trái phép trên sông Lô, khai thác than lậu ở Thái Nguyên, phá rừng ở Bắc Kạn… Mỗi bài báo điện tử bảy trăm đến một nghìn chữ kèm đôi ba ảnh; nhiều khi đương sự làm việc với tòa soạn thì gỡ xuống… Ước mơ viết được những phóng sự điều tra dài kì chấn động nền báo chí nước nhà cứ tuột xa dần. Tôi thỏa hiệp với mọi thứ, với cả bản thân tôi nữa. Với thu nhập có được tôi có thể chuyển sang chỗ ở mới chứ không phải mang tiếng ở nhờ nữa nhưng tôi không muốn. Căn chung cư này giữ cho tôi được những phút thảnh thơi hiếm hoi, hỏi và trả lời những câu hỏi của mình chứ không cần chăm chắm nhìn mắt, miệng người khác. Tôi cũng đã nghĩ đến việc bỏ công việc đang làm tìm việc khác, lương thấp hơn nhưng an lành. Nhưng ngày ngày mở mắt công việc dù không muốn lại kéo đi - tôi đang biến đổi dần - trước nhất về mặt cơ thể: má úc núc thịt, cằm ngấn cả tảng, bụng căng phè như chửa mấy tháng, giọng nói lạnh, nhợ ít cảm xúc; sau về mặt tâm hồn - tôi nghi ngờ mọi thứ diễn ra trong cuộc sống, kể cả những điều tốt đẹp nhất.

Thế mà trong ba người bạn thân chỉ có tôi đang thực hiện ước mơ của mình thôi đấy.

Đặt dấu chấm hết cho bài báo, ghi một cái tên vô thưởng vô phạt bên dưới, chọn và chú thích thêm sáu cái ảnh chụp nhiều góc độ, tôi ấn chuyển đi cho thư kí tòa soạn duyệt. Thường bài thế này sẽ đăng vào tám giờ hơn sáng mai, lúc guồng quay ngày mới đang rục rịch vận hành, khi mọi ánh mắt lướt trên màn hình điện thoại nghe ngóng. Thường nó sẽ không gây được chú ý với đương sự vào ngay buổi sáng, mà tất cả sẽ nhốn nháo, bận bịu, vui vẻ vào cuối giờ chiều với khoản tài trợ hay hợp đồng quảng cáo nhiều con số. Buổi tối thôi mọi thông tin về bài báo lúc sáng kia sẽ biến mất, sai phạm của công ty X, Y, Z… nào đấy cũng thế - lặn không tăm tích, xóa trắng.

Còn Ẩn, Ẩn ước mơ gì…

6.
Rất nhiều năm sau, khi đã từ bỏ ước mơ báo chí của mình tôi mới quay lại thị trấn.

Thú thật bao năm trời qua tôi mở một quán cà phê nhỏ tuốt luốt miền Tân Châu - An Giang, giáp nước bạn Campuchia, lay lắt qua ngày. Sống giữa lằn ranh bên này bên kia giúp cho tôi hiểu ra nhiều điều. Tuổi trẻ, mộng tưởng cũng là lằn ranh - ai đi qua thì có thể mệt mỏi đi tiếp mãi về sau, đến hết - còn không cứ ở mãi bên kia nhìn về bên này. Ẩn đã chọn ở lại bên kia. Vân cũng giống Ẩn, lựa chọn bên kia chứ không bước qua. Vân giữ hình ảnh của Ẩn từ lúc chết đi về trước. Cô chấp nhận sống yên bình với quán cháo quẩy nơi rìa thị trấn, nuôi đứa con gái tên Ngần, tạo tác của mối tình năm nào. Cô giấu tôi về cái thai, đứa bé, điện thoại bao năm không liên lạc được.

Từ nhà mẹ Ẩn ra tôi lững thững đi bộ tìm đến nghĩa địa. Nơi đây chiều đang xuống nhấp nhô trên bạt ngàn mộ cũ mới, có điều gì đấy chợt vỡ òa ra, tôi nhớ đến những buổi chiều màu  cam  nơi  chung  cư  thành  phố năm nào. Bao năm rồi mẹ Ẩn không bán đi mà cứ để thế, đồ đạc Vân và Ẩn còn nguyên, năm vài lần bắt xe lên dọn dẹp. Mẹ Ẩn bảo để đấy sau này  cái  Ngần  lên  phố  học  có  chỗ chui ra chui vào, đỡ phải thuê tốn kém. Ừ, thế cái Ngần có bạn thân không, lên thành phố nó sẽ ở với ai, thỉnh thoảng có về lại thị trấn, thỉnh thoảng có nhớ quên nơi chôn nhau cắt rốn của mình, rồi thỉnh thoảng có nhìn lên trời - nơi những buổi chiều màu cam đang chìm xuống dần kia…

Đ.P
(TCSH400/06-2022)

 

 

Các bài mới
Bơi đêm (05/08/2022)
Các bài đã đăng
Duyên thắm (22/07/2022)