Tạp chí Sông Hương - Số 402 (T.08-22)
Quật Đình Ưng Ân - Bậc tài danh đức độ dưới triều Nguyễn
09:47 | 13/09/2022

TRẦN VĂN DŨNG

Quật Đình Ưng Ân (1868 - 1937), con trai của Thượng thư Hường Nhung1, cháu nội của Tuy Lý vương Miên Trinh2 là một vị quan thanh liêm chính  trực, dĩ công vi thượng.

Quật Đình Ưng Ân  - Bậc tài danh đức độ dưới triều Nguyễn
Cụ Quật Đình Ưng Ân (1868 - 1937) - Ảnh tư liệu

Sau khi về hưu, ông được nhà vua phong Thượng thư Bộ Lễ trí sự, hàm Hiệp tá Đại học sĩ, tập tước Tuy Lý hương công. Nhiều năm làm quan ở các chức vụ, địa phương khác nhau, ông nổi tiếng là đức độ, yêu nước, thương dân, được người dân lập đền thờ ngay khi ông còn sống. Đặc biệt, là một trong số các vị hoàng thân triều Nguyễn có nhiều đóng góp lớn đối với nghệ thuật Ca Huế, nhưng cụ Ưng Ân ít được giới nghiên cứu nhắc đến. Cuộc đời và phong cách của Quật Đình Ưng Ân gợi cho người đời nay biết bao điều suy ngẫm.

1. Cuộc đời và sự nghiệp quan trường

Nguyễn Phúc Ưng Ân 膺 恩 (1868 - 1937), sinh 1868 tại làng Vỹ Dạ, Huế, tự Quật Đình 橘 亭, hiệu Trọng Luân 仲 綸. May mắn sinh ra trong một gia đình hoàng tộc nhà Nguyễn tiêu biểu, với truyền thống thi thư lễ nhạc vẹn toàn, yêu văn chương từ ông nội, đến cha mẹ, Ưng Ân đã sớm được truyền dạy, kế thừa và phát triển tinh hoa giáo dục từ nề nếp, gia phong tốt đẹp. Khi vừa mới chào đời, ông được ông nội là hoàng tử Miên Trinh đặt tên là Ưng Vui (tức Mệ Vui). Bởi “ngài sinh ra gặp ngày tốt và trong cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp; những kỷ niệm này đã đem lại cho ngài cái tên thời thơ ấu là “Vui” và một thẻ bài bằng vàng, có chạm mấy chữ “Hạc minh tư họa”, mà vị hoàng tử, ông nội ngài, đã đặt cho ngài để đánh dấu sự hài lòng của ông nội”3. Đến tuổi đi học, ông được đổi tên thành Ưng Ân. Ông có biệt hiệu là Quật Đình, “hai chữ này muốn nói lên ý nghĩa rằng ngôi nhà ở giữa vườn quất, quất (hay quật) là một loại quả có dáng đẹp, có mùi vị rất tuyệt diệu; có khí chất làm êm dịu”4.

Ưng Ân sinh ra và lớn lên trong bối cảnh lịch sử Việt Nam đầy biến động, văn hóa phương Tây đang ồ ạt tràn vào châu Á, va chạm với văn minh phương Đông. Khi ấy Việt Nam đã trở thành thuộc địa của Pháp. Sau khi bình định xong các cuộc nổi dậy của nhân dân ta, thực dân Pháp bắt đầu thi hành chiến lược đồng hóa dân tộc ta bằng văn hóa. Chính quyền thuộc địa dùng các biện pháp hành chính mở rộng giảng dạy chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp, hạn chế giáo dục chữ Hán. Tây học bắt đầu hưng thịnh, Hán học dần suy tàn. Nếu trước kia, triều Nguyễn độc tôn Nho học, việc học hành chỉ dùng chữ Nho, thi cử chủ yếu sử dụng các bài cổ văn, thi, phú, chế, chiếu, biểu, văn sách... thì nay thêm cả phần dịch sang chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp. Chứng kiến tình cảnh này, hẳn trong tâm can Ưng Ân dấy lên không ít phần ưu tư và lo lắng. Vì vậy, ông đã nuôi lý tưởng xây dựng công danh sự nghiệp để giúp đời, an dân.

Quật Đình Ưng Ân là người có tư chất thông minh, lại chăm chỉ nên từ nhỏ học hành rất tiến bộ, biết ứng đối trôi chảy. Xuất thân từ Trường Quốc Tử Giám, ông bước vào chốn quan trường với một tâm thế không bị danh lợi ràng buộc, luôn giữ phẩm tiết thanh cao, vui với thiên nhiên, và những bạn bè tri kỷ. Năm Bính Ngọ (1906), niên hiệu Thành Thái năm thứ 18, Ưng Ân được triều đình bổ dụng chức Tri huyện Quế Sơn (thuộc tổng Quảng Hòa, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Không phụ lòng mong đợi của nhà vua, trong những năm tháng đương nhiệm chức Tri huyện Quế Sơn, Quật Đình Ưng Ân đã góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo sản xuất và đời sống nhân dân được ấm no, bình yên, hạnh phúc nên họ rất biết ơn ông. Họ lập một ngôi sinh từ để thờ ngài Ưng Ân ngay khi ông còn sống, và ghi chép văn bia để tôn vinh và ghi nhớ công lao. Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi về vị quan chức trong triều đại quân chủ của Việt Nam, và càng đặc biệt hơn nữa, đó chính là một người mang thân phận hoàng tộc được người dân lập đền thờ ngay khi còn sống. Hiện nay, miếu thờ ngài Ưng Ân vẫn được dân làng Phú Thuận (nay thuộc xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) gìn giữ, chăm sóc và hương khói trang nghiêm. Trong miếu có đặt một tấm bia đá khắc dựng vào ngày tốt tháng 4 niên hiệu Thành Thái năm thứ 19 (1907) ghi chép bài văn bia: “Lệnh công Ưng trên huyện đường hiệu Quất Đình, tự Trọng Luân, cháu nội của Phụ chánh Tuy Lý Vương, con trai của Tôn nhân phủ Tả tôn khanh Quận công Hồng đại nhân. Công vốn khoan hậu, hiền từ; tính thanh sạch, cẩn thận, siêng năng; lại thêm phong nhã. Mùa xuân Bính Ngọ đời Thành Thái (1906), công đến nhậm chức tại hạt của huyện ta. Đến nay có nhiều nhân đức, tiếng lành được truyền xa. Dân trong xã chịu ơn khắc cốt ghi tâm, không gì sánh với công, có thể lưu truyền bất hủ. Cho nên khắc tạc vào bia đá để không quên. [Dân] xã Phú Thuận cùng ghi mừng”5. Qua đây cho thấy, Quật Đình Ưng Ân luôn luôn sống mãi trong tâm khảm người dân làng Phú Thuận, trở thành biểu tượng của đạo làm quan trong sáng hiếm có.

Với nhân cách cao đẹp của một vị quan thanh liêm, giàu đức độ, nặng lòng thương dân, cụ Ưng Ân đã được triều đình nhà Nguyễn hết sức trọng dụng, nể phục. Vì vậy, ông được điều chuyển về Kinh đô Huế giữ chức Thị lang Bộ Học. Đây là cơ quan phụ trách vấn đề liên quan đến giáo dục, học hành, thi cử; đồng thời công việc của Quốc Sử Quán và Quốc Tử Giám đều do Thượng thư Bộ Học kiêm quản6. Năm 1919, nhân dịp gặp lễ Đại khánh mừng Thánh thọ ngũ tuần, vua Khải Định ban thưởng Long tinh các hạng khác nhau cho quan viên trong ngoài Kinh có công lao, trong đó Thị lang Bộ Học Ưng Ân được thưởng chiếc Gia thiện Bội tinh hạng năm, với lời huấn dụ: “…hãy tuân mệnh đeo vào để tỏ niềm vinh dự. Làm việc càng phải chăm chỉ, hết lòng vì quốc gia, sao cho văn võ đều tiến bộ, không phụ lòng hết mực biểu dương của nhà nước”7. Niên hiệu Khải Định năm thứ 7 (1922), Ưng Ân được triều đình bổ nhiệm giữ chức Tham tri Bộ Hình. Năm 1923, ông từ bỏ chốn quan trường để vui thú điền viên. Năm Bảo Đại nguyên niên (1926) được tập phong Tuy Lý hương công. Đến năm 1930, cụ Ưng Ân được vua Bảo Đại ân phong chức Thượng thư Bộ Lễ trí sự, đến năm 1937 tiếp tục được ưu ái phong hàm Hiệp tá Đại học sĩ. Ông có một người con trai là Hàn Lâm viện Kiểm thảo Bửu Đáp (1894-1974).

Điểm qua những dấu ấn tiêu biểu trong cuộc đời và sự nghiệp của cụ Quật Đình Ưng Ân, chúng ta nhận thấy ông không những được vua Thành Thái, vua Khải Định, vua Bảo Đại trọng vì tài, nể vì đức, giao những việc quan trọng trong triều đình mà còn được nhân dân trọng vọng vì Ưng Ân là vị quan thanh liêm, yêu thương dân, xứng danh là những bậc “dân chi phụ mẫu”. Đặc biệt, ông còn là người say mê văn chương, nghệ thuật Ca Huế đến độ dành cả thời gian sau giờ làm việc để đọc sách, viết và sáng tác lời Ca Huế. Qua bài thơ Gửi thăm ông Quật Đình thi sĩ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã sáng tác trong thời gian giữ chức Tuần vũ Hà Tĩnh (1929), chúng ta sẽ cảm nhận một phần nào tâm hồn nghệ sĩ, nặng lòng với nghệ thuật Ca Huế của Quật Đình Ưng Ân:

Đôi lời xin nhắn gởi về Kinh,
Hỏi thăm khách phong tao bác Quật Đình.
Thi đã quá ngàn câu tuyệt xướng?
Ca thêm đặng mấy bản Nam Bình?
Túy Vân chửa chán đà Thiên Mộ8,
Ngọc Trản bưa chơi đến Ngự Bình.
Giữa hội Trùng Dương tranh bác dật,
Râu hùm hàm én hãy phân minh9.

2. Người nặng lòng với Ca Huế

Huế từng là thủ phủ của Đàng Trong thời chúa Nguyễn (1636 - 1775), là Kinh đô của triều Tây Sơn (1788 - 1801) và triều Nguyễn (1802 - 1945). Trải qua hơn 400 năm, Huế đã trở thành là nơi hội tụ của đông đảo các tầng lớp hoàng thân quốc thích, quý tộc, quan lại và các bậc tao nhân mặc khách. Đây là lực lượng chủ lực, có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển tinh hoa âm nhạc truyền thống Huế nói chung và nghệ thuật Ca Huế nói riêng đạt đến đỉnh cao tại Kinh đô Huế và lan tỏa đến nhiều vùng miền khác trong cả nước.

Quật Đình Ưng Ân có đủ tài nghệ cầm kỳ thi họa, ngoài chơi nhuần nhuyễn, điêu luyện cả Tranh, Tỳ, Nhị, Nguyệt, ông còn có biệt tài sáng tác lời Ca Huế. Hưu đình Tiên Ba của Quật Đình Ưng Ân tọa lạc tại làng Vỹ Dạ là chốn hẹn hò, họp mặt của tao nhân mặc khách, không ngày nào vắng đàn ca, ngâm thơ. Chánh Ngự tiền văn phòng Nguyễn Tiến Lãng đã có lời nhận xét: “Thật xứng đáng là người kế tục ông nội của ngài, ông hoàng tử thi nhân ấy, chính ngài Ưng Ân cũng là một nhà thơ lớn và một nhà văn có tài. Đồng thời ngài là một nghệ sĩ nổi tiếng và theo quan điểm nghệ thuật, đặc biệt trong ngành âm nhạc thì ngài chơi giỏi mọi cây đàn, và giỏi cả trong ngành họa”10.

Hai bìa sách lời Ca Huế do Quật Đình Ưng Ân sáng tác. Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp (https://gallica.bnf.fr/)

Cụ Ưng Ân được nhiều người yêu mến bởi tài thơ, chơi đàn, soạn lời Ca Huế hay, vẽ đẹp, và bởi tính khiêm cung, đôn hậu, bình dị… Một đời ông, dù là hoàng phái, dù từng làm quan mang phẩm trật cao, nhưng vẫn chủ trương sống thanh đạm, giữ lấy cái tâm thuần chất không nhuốm tục lụy, lòng vẫn hướng về cái đẹp, và yêu Huế nên được các quan đại thần, giới văn nghệ sĩ cũng như nhiều thế hệ môn sinh thương kính. Say sưa trong tiếng đàn, đắm đuối trong thanh sắc của ca nương, tâm tình của Ưng Ân đã được Ca Huế nuôi dưỡng và ngược lại, chính ông cũng nuôi dưỡng nghệ thuật Ca Huế bằng những sáng tác lời để đời.

Nghệ thuật Ca Huế bước vào tâm hồn Quật Đình Ưng Ân từ thuở mới lớn và theo ông suốt cả cuộc đời. Ca Huế với những ca từ lắng đọng không chỉ là thú vui mà là nguồn cảm hứng sáng tạo, qua đó ông thả sức bày tỏ quan niệm, tư tưởng, cách sống của mình trước cuộc đời. Cũng bởi vừa tài năng về văn chương chữ nghĩa, vừa am tường các bài bản nên các sáng tác lời Ca Huế của ông rất xuất sắc. Những lời Ca Huế do ông sáng tác đã được tổng hợp và in thành sách với nhan đề Xuân thành ca khúc (1929), Xuân thành ca khúc tục biên (1935) để đáp ứng lòng mong đợi của giới yêu Ca Huế. Trong lời tựa cuốn sách Xuân Thành ca khúc, Quật Đình Ưng Ân đã tâm sự: “Thường thấy, mấy kẻ thiên lương sẵn có, lọ là khuyên dạy mới hay, nhiều người vật dục lần che, cũng bởi dồi mài mới tỏ, cho nên đèn có khêu mới rạng, chuông không đánh chẳng kêu. Nhưng mà, thấy chữ sách kinh, kẻ dốt người quê chẳng biết, nghe lời ca khúc, mụ già con nít đều ưng. Hiềm vì, trong các cung là Giốc, Võ, Chủy, Thương, ngoài mấy khúc đều phong, ba, tuyết, nguyệt; lắm câu lăng liu, nhiều chuyện xàng xê, nỏ trách chi, chàng Mặc Địch xót vì tơ nhuộm, xanh vàng chẳng dễ đổi thay; người Giang Châu khóc nỗi đường chia Nam Bắc không phân lành dữ; nay âu phải, bỏ hết mấy lời trinh vệ, đổi ra những tiếng giả nam; vậy chẳng hồ lời quê, vì muốn bày chuyện phải. Trộm duồn theo lời ca tiếng hát, ngõ giúp người ngày chút mảy may; dám khoe rằng trống lối chuông mai, nhắc tỉnh khách đêm dài mê muội; để chờ người Quân Tử họa may điểm sắt thành vàng, đặt thêm khúc hiếu trung chắc có lạnh băng hơn nước”11.

Các lời Ca Huế hay nhất của cụ Ưng Ân vẫn là những bài ghi lại những kỷ niệm, câu chuyện riêng tư thi vị, ngợi ca phong hoa tuyết nguyệt, hoặc để sẻ chia nỗi niềm tự sự về thế thái nhân tình, để hòa mình vào thế giới nội tâm sâu thẳm của những tri âm, có tính ngẫu hứng, có khi ngay trong tiệc rượu với những người bạn tri kỷ nhưng vẫn luôn đảm bảo gìn giữ “khuôn vàng thước ngọc” cho Ca Huế. Lời Ca Huế do Quật Đình Ưng Ân soạn dựa trên các bài bản như Cổ bản, Lộng điệp, Long ngâm, Lưu thủy, Phú lục, và mười bản Ngự (thường gọi là Thập thủ liên hoàn, mười bản Tàu, mười bản Tấu)12, Nam bình, Nam ai, Quả phụ, Nam xuân, Tương tư khúc, Hành vân, Tứ đại cảnh…

Để độc giả có cái nhìn rõ nét hơn về giá trị thẩm mỹ trong ca từ Ca Huế của Quật Đình Ưng Ân, chúng tôi xin dẫn ra mười bản Ngự do cụ Ưng Ân soạn lời:

Phẩm tuyết khúc

Nặng, tình lợt thức ba, khói hương tà, hẹn cùng ta, bóng, soi có trăng già, nguyền, yến anh mặn mà, kìa, lời son sắt, đến trăm năm, ghi ruột rà, trăng, xế dương liễu, ba lồng, chập chồng ngoài phên, dựa ngồi, dựa ngồi đèn khuya sầu riêng, nhớ thương những khi, từ ngày vương vấn, chơi khắp non Bình, đã lắm khi, vịnh ngâm, đắm say, mấy nay vắn đưa tờ nhạn, lòng bận, theo bạn, trăng gió đưa tình, lụy đến ta, buồn, xem đảy thi hòa, rạng ngời châu, thêu gấm thêm lòa, thiệt là, ví tài. Tại gia, biện hòa, nhằm vô hà, dám quên lời, vịnh ca, muôn năm, dễ lòng lợt xa, sông bể, sông bể dầu cạn, ơn tình, đeo đuổi không già.

Nguyên tiêu khúc

Đêm quạnh, đêm quạnh trăng rạng, vít sông Hà lai láng, lòng, bậu dường dây buộc, cụm ba dạng như cười, hương, khéo gây mùi nợ, đòi đoạn tơ buồng, trông tin hồng, liền, ngành vin cánh, khắn ba sanh, dám lời riêng gánh, phận, ôm cội nào tránh, thôi đành, chịu phần ngạt quân, ngại lòng khôn ngắn, xem bóng gương, treo chồi sương nặng, tình cạn, thêm bận, canh tàn, lụy càng chứa chan, giấc vẫn mộng, sum vầy, phụng loan, may đặng, may đặng như nguyện.

Hồ quảng khúc

Vắng, ngày ví ba thu, ai, lại đưa mối sầu, hẹn lời hẹn, vàng đá cùng nhau, lâu, mấy lâu, ôm cầu, buộc thương buộc sầu, biết đâu vào đâu, bóng, trăng xế, ba lê dạn hầu, lợt màu.

Liên hoàn khúc

Bực, nghe lời oanh nọ, kêu, khan duồn hơi gió, nhớ thương bạn, thêm dồn theo đó, chạnh, xui niềm vân thọ, xa, thấy vành trăng ló, luống trông bạn, đi ngồi thêm khó, nguyện, trên có phò hộ, đặng, sum vầy đây đó, đó đây, vuông tròn kinh bố, lại, theo dấu đào nguyên, vầy duyên, với tiên, sống lâu, đến xuân đài thọ, tiệc, vui mừng mấy độ, tiệc vui mừng mấy độ, rượu, càng thấm, ân ý lòng mộ, tiệc vừa cạn thanh tịnh liền ngộ.

Bình bán khúc

Non nước, nhìn tươi tốt, nhớ, khi bóng, trăng lồng thèm ba, cùng ta, đắm sa lời hẹn, lòng nguyện vào ra, khẳn đừng xa, bức tiên là, thì đề thiết tha, nhớ chăng là, bạn tài tứ, vóc ngà, rạng lòa, xem mai nguyệt, thêm nồng tình thương, ngành sương, gương soi càng rạng, nghiêng rượu quỳnh tương, thấm mùi hương, dưới hoa đường, nhắm hoài tố trang, xin cho thường, đặng lại sang, từ chan, say sưa tiệc quỳnh, trăng thanh, tiếng tranh hòa vận, đêm lặng, đêm lặng lòng bận, đoạn sầu riêng, lại càng ưu phiền, nợ duyên, tự nhiên, vấn vương liền, vì lời thệ tiên, tịnh đầu liên, chén quỳnh diễn ân ý, ân ý châu triềng, duyên, trăm năm càng đượm, vầy bạn tiên vẹn mười như nguyền.

Tây mai khúc

Trầm, đàn hơi khói, tịch mịch, trăng xế thềm, buồn cuốn rèm, ngóng tin nhạn, tờ loan, sao đắm chìm, đà khó tìm, gió khuya lạnh, đêm quạnh, hương tàn lò nghê, bực trăm bề, ngòi ba đề, nghiên mài, nước mắt đưa thi, nghiên mài, nước mắt đưa thi, nhắn ai cho vẹn, lời hẹn, tạc chữ đồng tâm, nhắn ai cho vẹn, lời hẹn.

Kim tiền khúc

Thương ai, càng giận ai, có như rứa, may đặng lâu dài, nguyện cho đặng lâu dài dạ đừng phai, tình láng lai, khi chơi cờ, khi say rượu, khi ca đàn, nhắm phong cảnh, vui cùng cuộc hồ sang, ngồi nương lang, xem, nước non mà hẹn, trọn vẹn, muôn ngàn, đặng vầy thi đàn, ơi người, xin nhớ lời lang, ơi người, xin nhớ lời lang, nước non đừng thẹn lời hẹn, ngày đặng bình an, mua vui nhiều chuyện, hoàn nguyện.

Xuân phong khúc

Ngồi dựa đình, trăng dọi xinh, vừa dưới ba, lên giọng thanh, bọn khuynh thành, là trọng tình, lời căn vặn, căn vặn còn nhớ, vuông tròn duyên nợ theo lời thệ minh.

Long hổ khúc

Dưới thềm lan, bóng trăng tàn, buồn mới đàn, giếng ngô rụng, gió đưa dộn giàng, quanh lang, ve thu kêu ngàng.

Tẩu mã khúc

Gió mành tương, đàn mùi hương, lạnh lùng, thức đêm trường, sân đầy giọt sương sầu lại vương, dựa nương, ngọc sàng, ngân quảng, tả đôi hàng, thêu dệt trang hoàng, vừa bạn sang, trường lang, quỳnh tương, từ chương, quí so ngọc vàng, lời trân trọng, lắm câu đoạn trường, tấm son bàn hoàng, thêm càng, rối trăm đàn, cám nường, lứa vầy oan ương, lòng thương, lai láng muôn hàng ngọc đàng, tình lang, sum vầy sum vầy, ơn đội, cao dày, sắc cầm tháng ngày vui thay, thần tiên, nào có ai bì”.13

Để hướng dẫn các ca nương, nhạc công và người đam mê với nghệ thuật Ca Huế nắm vững và dễ nhớ tên gọi của liên khúc mười bản Ngự, cụ Quật Đình Ưng Ân đã sáng tác bài thơ dưới đây:

Mười thiên thứ tự cứ quên hoài,
Phải thuộc thơ nầy mới khỏi sai.
“Phẩm tuyết” “Nguyên tiêu” “Hồ quảng khúc”.
“Liên hườn” “Bình bán” lại “Tây mai”,
“Kim tiền” vừa đến “Xuân phong” tiếp
“Long hổ” ca rồi “Tẩu mã” lai.
Cho biết nghề chơi công cũng lắm,
Phải nên biết đủ theo đời14.

Nhân dịp mừng thọ 80 tuổi của cha là Thượng thư Hường Nhung và mở tiệc các thành viên trong gia đình “tứ đại đồng đường”, cụ Quật Đình Ưng Ân đã sáng tác lời Ca Huế theo bài bản “Nam ai” để các nhạc công và ca nương trình diễn chúc thọ:

“Dâu con vui vẻ, song đàn muôn ngàn thẻ hạt, phước thọ đủ hòa hai, thêm chữ vinh ba khi tiệc rượu trò ca, chén mừng trên đặng gồm ba, nhân đức đã đồn xa, văn học lại càng lòa thêm lòa.

Như xưa mấy kẻ, bốn đời mà ba đời phẩm trật, nay ở phải trời cho, chắc thấy sau nên. Đêm thu canh trường, chén quỳnh tương, đượm mùi hương chúc cao đẳng, thọ nhi khương, xơi ngơi như thường. Xem trong tiệc bà con, sum vầy phước thọ tày non, con cháu thảy đều khôn, hiếu trung vuông tròn”15.

Ngoài có biệt tài sáng tác lời Ca Huế, cụ Ưng Ân còn có ngón đàn điêu luyện. Ông chơi thành thục nhiều loại đàn như Tam, Tỳ, Nhị, Nguyệt, Tranh,... Có được thành tích đặc biệt này, Quật Đình Ưng Ân đã phải trải qua một thời gian luyện tập rất công phu. Cụ Phó bảng Minh Xuyên Hoàng Yến (1886 - 1955) đã từng cho rằng: “Nước ta số người hơn mười lăm triệu mà kể những tay đờn hay cũng không mấy kẻ, ấy mới biết nghề chơi cũng lắm công phu, điệu đờn khó không phải dễ”16. Ngoài Quật Đình Ưng Ân, trong hoàng tộc triều Nguyễn còn có các danh cầm, diệu thủ như Nam Sách quận công, Tương An quận vương, Tịnh Kỳ (phủ Định Viễn quận vương), Ưng Biều (tức mệ Chín Thành, phủ Tương An quận vương), Ưng Dũng (tức Trợ Dõng, phủ Gia Hưng vương), Ưng Thông, Bửu Lộc (phủ Thái Thạnh quận vương), Vĩnh Phan, Vĩnh Trân (phủ Tuyên Hóa vương)… Cụ Ưng Ân luôn tâm niệm chơi đàn chỉ để giải trí, gởi gắm tâm sự riêng, hay cùng với bạn đồng tri âm điệu hòa đàn cho người mộ điệu Ca Huế thưởng thức. Đồng thời, Quật Đình Ưng Ân đã viết cuốn sách Cầm khúc quốc âm ca để hướng dẫn dạy đàn cho những ai có niềm đam mê, yêu thích cổ nhạc, góp phần gìn giữ vốn di sản quý của dân tộc.

Một số bìa sách tiêu biểu của Quật Đình Ưng Ân. Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp (https://gallica.bnf.fr/)

3. Tài năng hội họa và văn chương

Quật Đình Ưng Ân là một trong những thành viên trọng yếu của hội thơ Vỹ Hương thi xã17 do Ưng Bình Thúc Giạ Thị làm chủ soái nổi tiếng đất Thần kinh. Cụ Ưng Ân đã để lại cho đời sau nhiều tác phẩm có giá trị như Ngạn ngữ sự loại lược biên (dùng làm điển cố thơ văn, 1922), Ngạn văn (1922), Mộng hiền truyện (luân lý tiểu thuyết, 1922), Kim phụng truyện (tình nghĩa tiểu thuyết, 1926), Việt sử danh nhân liệt nữ ngâm khúc (1929), Luận ngữ trích cú diễn âm (1930), Khổng thánh lịch sử ước biên diễn nghĩa (1932), Quật Đình Hán văn thơ khảo, Hàn Đào truyện (luân lý tiểu thuyết), Quật Đình quốc âm thi lược trích (bách thủ), Luận ngữ trung học trích cú diễn âm, Nhựt dụng tu tri… Những trước tác này của ông đều được nhà in Đắc Lập ấn hành rộng rãi trong cả nước. Đặc biệt, cuốn sách Khổng thánh lịch sử ước biên diễn nghĩa, Luận ngữ trích cú diễn âm, Việt sử danh nhân liệt nữ ngâm khúc đã được Toàn quyền Đông Dương lựa chọn đưa vào danh mục sách giáo khoa và cho phép giảng dạy trong tất cả các trường học Pháp - Việt. Đây là thiết chế giáo dục quan trọng bậc nhất trong việc đào tạo các trí thức Việt Nam kiểu mới. Ngoài ra, ông còn có nhiều bài thơ, bài văn đăng trên tạp chí Nam Phong18, báo Tràng An19... Điều này cho thấy sự uyên thâm chữ nghĩa và tri thức uyên bác của cụ Ưng Ân.

Quật Đình Ưng Ân còn được biết đến là một họa sĩ tài hoa góp phần lưu giữ những hình ảnh nghệ thuật cổ của mảnh đất Đế đô. Tuy nhiên rất tiếc, những tác phẩm còn lại cho đến nay của họa sĩ Ưng Ân rất hiếm hoi. Qua quá trình nghiên cứu khảo sát, chúng tôi phát hiện 2 bức tranh do cụ Ưng Ân vẽ khung cảnh Tôn Học Đường và Phủ Phụ chính vào năm Khải Định thứ 7 (1922) lưu giữ tại phủ thờ Tuy Lý vương (địa chỉ số 140 đường Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ, thành phố Huế). Chủ đề này miêu tả kỷ niệm những năm tháng ông hoàng Miên Trinh được vua Tự Đức giao trông coi Tôn Học Đường (1851) và vua Thành Thái cử làm Đệ nhất phụ chính thân thần (1889). Ngoài ra tại chùa Tra Am (phường An Tây, thành phố Huế) vẫn còn bảo quản và thờ phụng 1 bức chân dung hòa thượng Viên Thành (1879 - 1928) do họa sĩ Ưng Ân vẽ tặng vào năm 1924. Sư Viên Thành là một người bạn tâm giao, thường ngâm thơ xướng họa với cụ Ưng Ân. Bức chân dung sư Viên Thành do họa sĩ Ưng Ân vẽ có nét bút rất sinh động và lời tán trang trọng.

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, cụ Quật Đình Ưng Ân đã mất vào ngày 5/12/1937, để lại trong lòng người hoàng tộc, tôn thất, quan chức, nhân dân một nỗi buồn, tiếc thương vô hạn. Báo Tràng An số 283 (ra ngày 21/12/1937) ở Huế đã có đăng bản tin phân ưu như sau: “Đám tang cụ Hiệp tá trí sự Ưng Ân đã cử hành sáng hôm 17 Décembre. Quan Đốc lý Lavigne thay mặt quan Khâm sứ đến hưu đình ở Vỹ Dạ dự lễ phát dẫn. Còn các quan chức thân hào ở Kinh đi đưa đám thì đông lắm. Lễ an táng cử hành vào hồi 10 giờ tại Bàu Bá và thuộc làng Dương Xuân Thượng. Bản báo đồng nhân lại xin có lời kính viếng hương hồn Cụ Quật Đình một lần nữa, Cụ là một vị hưu quan có đức vọng lại là một thi gia có biệt tài”.20

Hai bức tranh do cụ Ưng Ân vẽ lưu giữ tại phủ thờ Tuy Lý vương


4. Thay lời kết

Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của cụ Quật Đình Ưng Ân, chúng ta nhận thấy ông đã để lại tiếng thán phục về một con người thông tuệ, minh triết với cuộc sống thanh liêm, chính trực trong dân chúng. Ngoài thành danh trên con đường quan chức, sự nghiệp văn học nghệ thuật nói chung và soạn lời Ca Huế nói riêng của ông cũng rất đáng ngưỡng mộ, trân trọng. Để muôn đời sau, hậu thế vẫn còn ghi nhớ về mối nợ duyên không dứt của một vị hoàng thân triều Nguyễn tài ba với lối sinh hoạt Ca Huế thính phòng đặc sắc.

Với những đóng góp của mình cho triều Nguyễn, với những gì đã làm cho dân, cho nước khi còn làm quan và ngay cả khi đã về nghỉ hưu cùng với số lượng tác phẩm phong phú đóng góp cho văn học Việt Nam cận đại, Quật Đình Ưng Ân xứng đáng là một trong những danh nhân văn hóa tiêu biểu của mảnh đất Thần kinh vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Việc đề xuất đặt tên cho một con đường mang tên Ưng Ân ở thành phố Huế sẽ là sự ghi nhận, tôn vinh những công lao lớn của ông đối với văn hóa Huế.

T.V.D
(TCSH402/08-2022)

-----------------------------------
1 Hường [Hồng] Nhung (1844 - 1923), tự Tiêu Khanh, hiệu Hạnh Phố, con trai thứ 8 của Tuy Lý vương Miên Trinh và bà Phạm Thị Thìn. Năm 1859 được tập phong tước Tuy Lý quận công sung Tả Tôn khanh Tôn Nhân Phủ. Đến năm 1902 được Tham tri Bộ Lễ. Sau khi mất, Hường Nhung được truy phong hàm Thượng thư. Cuộc đời quan nghiệp của ông được đánh dấu bằng một số sự kiện quan trọng như vào năm Thành Thái thứ 12 (1900), Tả Tôn khanh Hường Nhung được sung vào việc sửa Ngọc điệp và Tôn phả; sau khi hoàn thành nhiệm vụ vào cuối năm 1902, Phó Tổng tài Hường Nhung được vua Thành Thái ban thưởng 1 tấm kim khánh hạng hai. Đến năm Khải Định thứ 7 (1922), Tuy Lý quận công đổi hàm Tham tri trí sự Hường Nhung mừng thọ 80 tuổi, căn cứ vào điển lệ triều Nguyễn được đặc ân thưởng cấp tiền vải (chiết cấp 27 đồng); cũng trong tháng 8 năm này ông bị lâm trọng bệnh qua đời, vua Khải Định tiếc thương truy tặng chức Thượng thư. Ngoài ra, công tử Hường Nhung đã cùng với công tử Hường Thiết (1850 - 1937) soạn tập Việt sử diễn nghĩa tứ tự ca được nhà in Đắc Lập phát hành bằng chữ Quốc ngữ vào năm 1927.

2 Miên Trinh (1820 - 1897) là hoàng tử thứ 11 của vua Minh Mạng. Miên Trinh là một ông hoàng thi sĩ và để lại một khối lượng thơ văn khá đồ sộ bằng chữ Hán và chữ Nôm. Thơ văn của ông thường đề cập đến các vấn đề đạo đức luân lý, diễn tả cảm xúc của ông trước thiên nhiên, tình cảm đối với người thân và bạn bè. Một số tác phẩm tiêu biểu như: Vi Dã hợp tập, Nữ phạm diễn nghĩa từ, Nghinh tường khúc, Hòa lạc ca (đồng tác giả với hoàng tử Miên Thẩm, Miên Bửu)... Nhờ sự răn dạy của Tuy Lý vương Miên Trinh mà các con, cháu ông đã lập thân thành đạt trong chốn quan trường.

3 Nguyễn Tiến Lãng (1939), “Một vài vị quan lớn ngày trước”, Tập san BAVH, tập XXVI, Bản dịch: Hà Xuân Liêm, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 238-239.

4 Nguyễn Tiến Lãng (1939), Tlđd, tr. 239.

5 Hương Thu (2016), “Chuyện quan được dân khen”, Báo Quảng Nam.

6 Bộ Học được thành lập vào năm Duy Tân thứ nhất (1907) và được tách ra từ Bộ Lễ. Khi chưa có Bộ Học thì mọi việc liên quan đến giáo dục, thi cử, chọn hiền tài, lập nhà học đều do Bộ Lễ đảm nhiệm. Đến năm 1935, vua Bảo Đại cho đổi tên Bộ Học thành Bộ Quốc gia Giáo dục (năm 1943 lại đổi thành Bộ Quốc dân Giáo dục, năm 1945 là Bộ Giáo dục Mỹ thuật).

7 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2010), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, Nxb. Thời Đại, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tr. 387.

8 Tức chùa Thiên Mụ.

9 Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1942), Tình thúc dạ, Châu Hương Viên, nhà in Viễn Đệ, tr. 138.

10 Nguyễn Tiến Lãng (1939), Sđd, tr. 239-240.

11 Quật Đình Ưng Ân (1929), Xuân Thành ca khúc, tr. 1.

12 Đây là một liên khúc gồm mười bài. Đó là các bài bản theo thứ tự như sau: Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn (Liên hườn), Bình bản, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã.

13 Quật Đình (1935), Xuân Thành ca khúc tục biên, Imp. Tiếng Dân, Huế tr. 1-7.

14 Quật Đình (1935), Tlđd, Huế, tr. 7-8.

15 Quật Đình (1935), Tlđd, Huế, tr. 10-11.

16 Hoàng Yến (1921), Cầm học tầm nguyên, Tạp chí Nam Phong, tr. 384.

17 Năm 1933, cụ Ưng Bình chủ trương và sáng lập hội thơ với tên gọi là Vỹ Hương thi xã. Đến năm 1950 đổi tên thành Hương Bình thi xã.

18 Kim thi trích lục. Văn học, vận văn. Bảy bài: 1. Trí sự lưu giản, 2. Vịnh sử, 3. Kính đề Hoài Quốc công Võ Tánh, 4. Kính đề Ninh Hòa quận công Ngô Tòng Châu, 5. Kính đề Phụ quốc Chiêu Nghị tướng quân Nguyễn Tấn Huyên, 6. Đọc truyện Tín Võ hầu Võ Nghị công Phạm Văn Điển, rửa tay kính cẩn đề vịnh, 7. Thu Nương hành (dẫn theo Phạm Hoàng Quân (2019), Mục lục đề yếu phần Hán văn Tạp chí Nam Phong (1917 - 1934), Nxb. Đà Nẵng, tr. 199).

19 Tràng An báo (1937), “Vài vần thơ của cụ Quật Đình Ưng Ân”, số 196, phát hành ngày 8/2/1937, Huế, tr. 5.

20 Tràng An báo (1937), “Đám tang cụ Ưng Ân”, số 283, phát hành ngày 21/12/1937, Huế, tr. 2.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Kẻ hách dịch (31/08/2022)