Tạp chí Sông Hương - Số 402 (T.08-22)
Lên ngàn tìm tiếng ríu ran
14:21 | 16/09/2022

HẢI HẠC PHAN
     Bút ký dự thi

Con chim xanh tìm hạt dẻ sa cánh chợt khép mỏ vút bay khi nghe tiếng động cơ xe di chuyển về phía Tây dãy Trường Sơn.

Lên ngàn tìm tiếng ríu ran
Ảnh: internet

A Lưới! A Lưới! Tiếng ríu ran từ trong tàng cây của côn trùng trở mùa sinh sôi, tiếng cười giòn tươi như chùm hoa nắc nẻ của những bé em người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu gọi tên một vùng đất tôi yêu. Tiếng ríu ran cuộn lòng người trĩu âu lo phố thị chợt nhẹ nhàng trong suốt như dòng thác Anor tuôn chảy ra suối về làng Việt Tiến xã Hồng Kim. Nước mát ngầm nuôi dưỡng những bông hoa sim tháng tư tím phơn phớt hồng, cao mảnh nép vào nhà sàn bung nụ chờ ngày ra quả, lên men dẫn lối anh chị dưới xuôi lên.

Buổi sáng nào sương mù cũng về như lời giao hẹn của miền sơn cước với con người từ ngàn xưa. Tâm, cô em làm giảng viên đi từ Đà Nẵng cùng chồng rủ nhau cưỡi con xe airblade đời đầu trèo gần hai mươi kilomet lên đèo A Co. Từ con đường Trường Sơn quanh co, thỉnh thoảng những bầy gà rừng loi choi chạy loăng quăng bên sườn núi là hoạt cảnh bất ngờ khiến Tâm “ồ” lên thích thú. Đứng đợi sương ở đây khi không khí trên cao tan loãng, đám mây tràn về sà nhanh chớp mắt sương đã quấn quanh tạo thành rừng sương, dòng sông sương mờ ảo. Ánh nắng núi đam mê gọi tôi suốt bao ngày trong bốn bức tường thành thị, bên cửa sổ hẻm phố sực nức mùi rượu vang khiến tôi thôi bất an tìm nhiều hơn những gì đang có.

Buổi chiều từ trên ngọn đồi Cội Nguồn nhìn ra bản làng trù mật ở thị trấn A Lưới, thị trấn nhỏ chỉ bằng phần mười thị trấn Măng Đen của cao nguyên Kon Tum song huyên náo hơn. Chiều chiều những sản vật núi bày bán như: thơm, dưa gang, chuối, mít, khoai lang mật… từng mớ từng mớ thơm nức. Các sơn nữ ngồi trước đường mòn Hồ Chí Minh đón khách vãng lai ghé A Lưới dừng mua với nụ cười trong veo, tuyệt nhiên không có lời mời mọc kì nèo. Những người bán hàng lại ríu ran khi khách rời đi với những chuyện được mùa mất mùa, con bò ai đi lạc, ong vò vẽ làm tổ trên ngọn mít sau nhà.

Hoàng hôn buông xuống màu gạch mới mờ nhờ sương mỏng dần dãy núi trước đậm, sau nhạt, những rặng cao hơn chìm khuất sau áo choàng mây trắng. Chân đồi chỉ mới ken kín hoa sim vài ba năm đã sớm thành hoài niệm, thành nỗi xuyến xao lưu luyến cho những ai từng đặt chân tới. Chiều ở trong núi mà bâng khuâng bước lên bước xuống nhớ núi thêm trăm ngàn lần. Chân đồi Cội Nguồn trải đầy hoa sim rừng tạo tác nên một không gian cho những đôi trẻ mắt nhung hẹn hò. Thản nhiên một cây dương xỉ cao quá gối hay một bầy chim sáo lóc chóc chia sâu dù đã sang mùa hóa bướm sặc sỡ trăm màu, bảo sao chẳng nhớ da diết thiết tha. Thi thoảng tôi nhận ra trong rừng, một người trưởng thành đầy âu lo trong tôi rã như lá mục, chỉ còn đứa trẻ với ánh nắng vàng rực sơ sinh, một tiên nữ nép mình trong lớp áo thơm mùi nhựa thông, thơm như một lần tôi đã xuất hiện trong buổi hẹn đầu tiên và đầy lúng túng. Những gì con người tạo ra đôi khi nhàm chán bởi chúng thường giống nhau, chỉ có thiên nhiên là luôn trao cho ta những bất ngờ vô tận với những biến đổi không ngừng.

Chiều bâng khuâng trước những tấm váy dzèng đơn sơ màu cây cỏ. Các chị các em lướt qua con dốc lòa xòa cây lá, váy lướt đến đâu cỏ hoa bừng lên lung linh tới đó. Tấm vải được nhuộm từ hương cỏ, hương cây của núi rừng đại ngàn, từ thế giới tâm hồn hiền hậu, chịu khó chịu thương của con người và sự phóng khoáng của cảnh sắc miền sơn cước. Đen, đỏ, xanh, vàng và tím cộng với sự chấm phá của những hạt cườm trắng trên mỗi bộ trang phục làm toát lên vẻ hài hòa tuyệt đẹp của ngũ sắc. Xưa kia dệt dzèng gắn bó với rừng xanh, người Tà Ôi dùng vỏ cây Clang là loại cây lớn để làm áo choàng che thân. Loại áo quần này đến nay A Lưới chỉ còn giữ được hai bộ. Sự ra đời của dzèng cũng ảo mờ như lịch sử ra đời của những huyền tích về Giàng Đất, Giàng Nông… mỗi người một cách lý giải riêng. Chỉ biết rằng chiếc váy giờ đây đã thay đổi nhiều. Truyền thuyết không quên khoác cho loại vải này một màu sắc thần kỳ, rằng: dệt dzèng sinh ra trên miền đất biên viễn mùa hè nóng nực, oi ả, mùa đông lạnh giá căm căm. Truyền nghề cho dương gian chính là người đàn bà tên Cănpơnu. Chuyện kể sau khi học ở trên trời hàng trăm nghề, khi về lại trần gian, bà đã dạy cho các thiếu nữ nghề dệt để họ có áo, váy và khố nhằm chống lại giá rét của mùa đông và sương núi. Dệt dzèng bắt đầu cuộc đời lưu lạc ra Phong Điền, Thừa Thiên Huế, ra Đắc Rông, Quảng Trị theo những quãng quên lãng, tùy táng và thất lạc. Thế mà giờ đây vui thay không chỉ trong lễ hội mới được nhìn thấy bà con mặc dzèng. Dzèng còn được dùng may những con thú bông, may giày, móc khóa rồi đi ra những sân khấu lớn. Mỗi tầng váy lướt qua là ngàn cây bông sợi, cây râu, rễ cây nao kun, cây kha krung, củ nâu, dây đằng đằng, vỏ xoắn ốc tươi trầm màu bờ suối, bìa rừng ẩn hiện. Thời gian luôn hà khắc với những gì không đủ sức chống chọi lại nó. Thời gian cũng công bằng gạn lọc vạn vật sinh tồn được trong thế giới luôn luôn biến chuyển này. Vẻ đẹp không lấp lánh, điệu đà, không kiêu kỳ hay xa hoa hồn người làm ra nó như thế nào, váy làm từ vải dzèng như vậy… giản dị mà vẫn lộng lẫy, đến ngỡ ngàng.

Màu xanh của lá thông đan vào bầu trời xanh, cây tiếp cây, rừng tiếp rừng, tít tắp, vời vợi như những nhớ thương của tôi với phố núi. Tôi nhớ những ngày xưa, bài hát tình ca A Lưới nhạc sĩ nào viết cho đại ngàn đã ngợi ca “không nơi đâu đẹp như quê mình”. Tôi vu vơ hát, phát âm từ A Lưới cho đúng cao độ rồi bật cười khi thức giấc được hồn nhiên trong chính trái tim ngoài ba mươi biết suy ngợi dài ngắn trong đời. Từ trong tâm khảm tôi màu xanh của rừng dường như cũng có tiếng ríu ran nên rừng luôn vẫy gọi đến, đi, trở về, trở lại khi muốn xoa dịu cõi lòng cõi đời nhiều xao động.

*

Tôi thấy nhớ tiếng Âng Kro của nghệ nhân Quỳnh Hoàng chế tác, được anh nghệ nhân trẻ Rà Giờ thổi năm nào. Nhớ lời đong đưa: “Em ơi em/ Anh làm chiếc Âng Kro/ Để đàn nói giùm anh/ những điều không nói được”. Anh Rà Giờ thổi bài này bên suối như thể đợi người yêu. Suối rì rầm, suối gọi bàn chân xinh, bàn chân nứt nẻ, bàn chân lấm đất hãy đặt xuống đây ngâm cho mát lạnh tan tận mọi mệt nhọc. Lời ca da diết trong điệu Kà Lơi ngân nga là tình cảm của chàng trai mượn chiếc đàn thổi cho người yêu nghe từ loại nhạc cụ truyền thống mà bà con Tà Ôi, Pa Cô gọi là Nkoaiq - Nkrao, đồng bào Cơ Tu ở A Lưới quen gọi là Âng Kro, còn người Kinh gọi là đàn môi.

Những cây đàn làm bằng tre, một số ít được làm bằng đồng có hình dáng tựa như chiếc lá tre mỏng có cuống. Với người chẳng quen biết, nhờ tiếng đàn làm quen, nhờ tiếng đàn gọi người thương. Đàn trông nhỏ bé, đơn sơ nhưng cần bàn tay khéo, tỉ mỉ và công phu. Để tìm được nguyên liệu làm đàn, lời ca Kà Lơi nói lên công đoạn ban đầu không hề dễ. “Anh lên trên núi cao/ Chọn cây tre già nhất/ Chọn cây tre tốt nhất/ Lấy đoạn tre tốt nhất”. Anh Rà Giờ đứng dưới nắng ngậm hờ Âng Kro vào môi rồi dùng hơi từ vòm họng làm hộp cộng hưởng kết hợp động tác của ngón trỏ búng vào cái đỉnh tam giác được uốn cong ra ngoài. Tay trái anh giữ gốc đàn chính là phần trông như một cuống lá. Cao độ không phải lúc nào cũng chuẩn xác bởi ngón trỏ búng làm rung lưỡi gà lúc mạnh khi nhẹ, vòm miệng làm hộp cộng hưởng lại chi phối bằng việc thay đổi khẩu hình do đó âm thanh phát ra bộc bạch tiếng lòng tình tứ, giản dị mà hoang dã. Tiếng suối gần tiếng thác xa, tiếng Âng Kro làm xao xuyến bước chân người con gái xa nhà.

Xa vắng lắm rồi ký ức còn trong các già làng, trong một lần tìm cho kỳ được nghệ nhân cuối cùng để ghi hình phim tài liệu “Giữ lấy âm vang Nkoaiq-Nkrao-Âng Kro”. Âm vang vẫn chưa thực sự trở lại trong đời sống, mà chỉ ở lại trong trí nhớ một số người hay “cắc cớ” hoài niệm. Ở thác Toom xã Hồng Hạ đã phục dựng tục đi sim, những lễ hội cúng Giàng xứ, Aza, dâng dzèng đã trẩy trở lại, áo dzèng đã ra chợ, đến trường, vào công sở, lên nương… Điệu hát Kà Lơi, Cha Chấp, điệu múa Tân tung za zá, chiêng, trống, tù và đã ông oang gần xa. Những cây đàn Âng Kro giờ đây không chỉ nhỏ bé về vật chất mà còn lạ lẫm với cả những bạn trẻ của A Lưới trước chính bản sắc của đồng bào mình. Đàn gọi bạn vuốt từ thân tre, nhỏ như một chiếc lá rủ rỉ bốn mùa cùng bao thề hẹn, bao cuộc tình, bao tuổi trẻ xuân xanh của bao người miền ngược lẫn miền xuôi lên đây không về mà ở lại. Tôi thiên di theo vi vút của những con dốc của làng Việt Tiến muốn nghe hết tiếng đàn môi sau bờ rào của anh chàng Pa Cô nọ có chạm đến lòng lành của cô gái Hồ Thị Nhuận đang thả chân xuống bờ suối A Tép. Tiếng đàn mai một như cuộc tình đầu nào cũng dễ lìa xa. Những lời tình “Làm chiếc đàn khéo nhất/ Lựa những lời hay nhất/ Để nói với em những lời chân thật/ Thương em nhiều nhất/ Em ơi, em có biết không”? Tôi cứ nghe ríu ran biết mấy với Âng Kro và nghĩ có ngày chiếc đàn tình bé nhỏ sẽ đóng khung trong bảo tàng, trong ký ức người già khuất núi mà thôi.

*

Tôi trèo lên đỉnh đồi với con đường chẳng khác nào dốc thác đến với ruộng lúa Ra Dư - loại lúa chỉ dành cho chàng rể với câu chuyện cổ của đồng bào Pa Cô về chàng Pút. Tôi chinh phục những bậc đá đồi cheo leo mặc các đấng nam nhi đi rừng chuyên nghiệp liên tục khuyên hãy quay lại. Tôi ngồi bên con suối nghe chuyện tuổi thơ của Kiêm, Phó Chủ tịch xã Hương Nguyên gắn bó với rừng, với con cua, con cá… Ruộng Ra Dư trồng trên đất keo tràm mới khai thác trông mây mẩy hơn trên rẫy, chim chóc kéo về ríu ran cả bầu trời tìm hạt. Buổi trưa một cậu nhóc bắt được giỏ cá suối lấp ló ngoài lán trại, tôi giả đò xin thì cậu chỉ biết “Dạ… dạ” rồi tôi những tưởng cậu nhóc tiếc công lần mò cả buổi sẽ không cho. Đến khi tôi ăn trưa gần xong cậu mang nguyên giỏ cá tới, nói gì đó bằng tiếng Cơ Tu, đại để: Anh chị thích con nào thì lấy đi. Đôi khi, trong một ngày trời oi chớm hạ, sự thểu thảo của ai đó khiến lòng ta mát mẻ như được nhảy ùm xuống thác. Một câu nói mà thương lạ. Nhưng tất nhiên chúng tôi từ chối nhận không. Lần trở lại A Lưới này cần khoảng không gian khi vừa qua những lỡ dở, những quyến luyến trong đời.

Hôm nay con chim Khuyên thảng nghe tiếng người cũng ríu ran gọi nhau bay tới cánh đồng màu cam của hoa sâm Bố Chính mùa hè. Tôi tìm những người già nhất những làng Tù Mú Tà Rá, làng Giồng ở xã Hương Nguyên… hỏi về những phong tục lễ hội, những điệu hát, câu lý của đồng bào Cơ Tu… mà đâu như ai cũng không còn nhớ. Họ chỉ lõm bõm đôi ba câu chắp nối. Sau gần một tháng với những cuộc gặp gỡ mà như người châm lửa, khoảng đầu năm 2018, tôi ngỡ ngàng khi từ các già làng đến cô học sinh đều sáng tác dựa trên bài hát lý truyền thống của đồng bào. Những gương mặt nép mình e ngại sau liếp cửa đã thay bằng tiếng hát sơn ca của núi, tiếng hát của mặt trời, tiếng hát trong trẻo của nhạc rừng. Tháng 5 năm 2019, gần ba trăm người thuộc nhiều thế hệ của toàn xã Hương Nguyên đã hân hoan đến dự lễ hội tạ ơn Giàng Xứ. Lễ hội truyền thống tạ ơn rừng núi, giang sơn, cầu mong mưa thuận gió hòa, thái bình, hạnh phúc lớn nhất của đồng bào Cơ Tu. Lên đèo Tà Lương, đến xã Hương Nguyên suốt tuần lễ này tiếng chiêng la, tiếng khèn, tiếng trống, tiếng hát vang vọng… phong tục tưởng đã vang bóng một thời đã hồi sinh theo các giai điệu gọi Giàng như nguyện vọng của người dân mà tôi đã góp phần khơi gợi trở lại. Cảm giác như vừa bước qua những mảnh vỡ của ký ức tìm chất keo là lòng tự hào dân tộc để kết dính. Hiếm thấy ở đâu, tình yêu dành cho thiên nhiên lại tự nhiên như ở đây. Sau bốn mươi bốn năm vắng bóng, lần đầu tiên lễ hội tạ ơn Giàng xứ được khôi phục. Sự trân trọng những đồi cây, ngọn suối đã che chở sự sống có trong mạch ngầm thầm thì từ quá khứ đến tương lai. Trong đó phần lễ nghi thức gồm có: Tạ ơn rừng núi bởi những điều xấu đã xảy đến, dựng cây nêu, hiến tế nông sản sống. Đặc biệt chính lễ còn có nghi thức hiến tế khi các vật phẩm đã chín, tạ ơn ngọn đồi A Bá nơi đầu nguồn nước của xã Hương Nguyên. Tôi đã lặng đi khi chứng kiến hội đồng già làng hát lý đối đáp, hiến tế chuối, dứa, sắn, bắp, gạo… bà con múa Tân tung za zá quanh cây nêu cầu mong may mắn. Bên cạnh phần nghi thức trang trọng phần hội thu hút hàng trăm nam nữ thanh niên tham gia chơi các trò chơi dân gian như kéo co, trèo cột mỡ, hát dân ca với các làn điệu Ba Bội, Cha Chấp…; các em búp măng non của trường mầm non xã Hương Nguyên trải nghiệm ở lễ hội truyền thống, học về các vật phẩm có trong lễ hiến tế, chơi trò chơi dân gian. Các thôn như Giồng, Tù Mú Tà Rá tham gia thi nấu ẩm thực truyền thống đậm đà bản sắc. Già làng Hồ Văn Hương ngồi trong hội trường năm ấy trên 90 tuổi, cụ nói rằng: “Già dù tuổi cao nhưng biết sáng nay có lễ cho Giàng xứ, già nói con cháu đưa tới đây để chứng kiến. Lễ hội nuôi phần hồn người Cơ Tu, như nuôi cây để tre già măng mọc, những người thế hệ trước truyền dạy đạo lý cho thế hệ sau”. Mới thấy cách ứng xử nghiêm cẩn trước thiên nhiên của đồng bào Cơ Tu từ ngàn xưa là cách ứng xử đầy minh triết mà giờ đây chúng ta cần xem rừng như một “tĩnh mạch của đất”, là “chốn thiêng liêng”, là “sinh mệnh”, là “mẹ” của chúng ta… như David Suzuki đã từng nói. Bởi thế chăng, một ngày đi lễ hội đổi lấy bốn xuân, hạ, thu, đông miệt mài cũng đáng và đáng nhất khi tuổi đương trẻ, đương thanh niên.

*

Màn đêm buông. Tôi nán lại A Lưới xin một đêm ríu ran. Hạ về trong hơi gió, nhè nhẹ, lành lạnh. Những chộn rộn của ngày thu xếp lại, tôi tìm đến Việt Tiến xã Hồng Kim chỉ vì trót mơ về một đêm được ngủ như trên đồng. Ở làng Việt Tiến có năm homestay, có homestay ở trên đồi, có homestay ở bên bờ suối. Ở đây tiếng thác dội, tiếng suối rì rào làm nhạc nước hoan ca. Chợt nhớ những năm 2013, bên nhà sàn với tô rượu đoác, nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện A Lưới anh Hồ Văn Ngoan kể chuyện có đôi trai gái Pa Cô yêu nhau chẳng đặng, mẹ cha cấm ngăn, thương nhớ không quên không nguôi đã rủ nhau lên thác Anor sống. Cho đến khi chàng trai để vẹn lời thề trăm năm đã cùng cô gái hóa kiếp mãi mãi vào trong dòng nước… Thác Anor có 3 thác liên hoàn, nước rào rạt quanh năm không bao giờ dứt như tình yêu của đôi trai gái Pa Cô truyền kể trong đồng bào nơi đây. Để mỗi mùa xuân đến khi hoa lan đã tím, khi con chim prich kêu người người ở A Lưới lại nhớ đến chuyện tình buồn không có chương đám cưới hay hạnh phúc riêng mình.

Qua dốc có homestay nhỏ, ở nhà sàn. Tre đan gùi, tre đan rá, rổ, tre làm giỏ hoa thả đôi cành dương xỉ xanh đã xinh lại thư giãn cho mắt tắm rừng, thiền rừng mọi chỗ mọi nơi. Chị Vưa, cùng hai con nhóm than nấu nồi xôi nếp than đãi khách. Nếp than dẻo nhưng hạt rời, màu tím như ai vắt sim chín rưới trên những hạt ngọc trời để nhuộm. Xào một dĩa rau lá sắn với muối dã ớt xiêm xanh rừng, rắc ít hạt mắc khén đã thơm thơm vị chanh vị sả tự nhiên, nướng ống thịt heo bản với lá rừng… ăn ngậm mà nghe cái bùi bùi chát chát lại ngọt. Nhớ cồn cào khi về xuôi ăn bất cứ món gì cũng nghĩ đến bữa cơm chiều đượm than lửa và núi. Ngồi bên đống củi đỏ tắt lửa chỉ còn than, đem vùi đôi củ khoai lang mật cho đến nức thơm.

Tôi thấy mình như vừa đi qua những siêu thị khổng lồ ở đó chưng đầy những quyến rũ và ríu ran của đất của người phố núi mà để mua chỉ có cách lặng im. Tôi ngó lên, trăng thượng tuần khuyết nửa đêm nay thoắt ẩn thoắt hiện sau mây như cùng lặng thinh nghe tiếng rào rào thác xối trầm hùng trong vách núi. Chị Vưa khoác chiếc váy dzèng đẹp nhất đi xuống dưới homestay khác vội vã mỉm cười nói: “Chị bận đi múa cho đoàn khách cùng tổ dịch vụ”. Nghe một người phụ nữ quanh năm lấy công việc làm rẫy và bốc vác bận bịu khi đêm về cũng tò mò, chúng tôi đi theo.

Váy dzèng dịu hiền trong đêm trăng, dập dìu bên ngọn lửa ấm. Khách du lịch ngỡ ngàng với những vũ điệu của hồn nhiên. Tôi ngồi trên nhà sàn ngắm trăng, trăng sáng cõi trăng, trăng vằng vặc, còn tâm tưởng tôi dò dẫm từng bậc thang hy vọng. Tôi ở lại với bản làng, đi với đêm đặc quánh, lâu lâu ngước theo ảo ảnh. Đêm tĩnh như trăng ở A Lưới đã nói tôi hay ríu ran nghe rõ hơn trong sự biết, biết im lặng.

Đêm ấy, ngủ trong căn nhà gỗ lọt khe gió, tiếng ếch, ệnh oạng, tiếng vũ nữ, tiếng dế tiu tiu rền khắp giấc mơ.

H.H.P
(TCSH402/08-2022)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Kẻ hách dịch (31/08/2022)