PHƯƠNG HÀ
Thằng Mạnh lẹ làng cắt quả bí đao đang lủng lẳng trên giàn. Nó nheo mắt lại vì nắng, trán lấm tấm mồ hôi.
Cu cậu để quả bí vừa mới cắt dưới chân, lấy mũi dao di di lên lớp vỏ phủ đầy phấn trắng của cái trái vẹo vọ đang đung đưa trước mặt. Giờ nó ra dáng một chàng thanh niên rồi, cao ráo và chững chạc hơn. Tôi còn nhớ, ngày đầu tiên tôi gặp thằng Mạnh, nó bắc cái ghế đẩu cao ra giữa sân, còn nhón chân lên để cắt mấy trái mướp. Trên tay cu cậu là con dao bầu to, lưỡi dao sáng lóe. Thấy cảnh đó, tôi giật mình, còn Liên sợ xanh cả mặt. Cô ấy vội chạy lại, kéo con trai xuống đất. Nhìn thấy tôi, thằng nhóc giật mình, bẽn lẽn đứng sát vào người mẹ. Nhanh thật! Mới đó mà đã mười năm rồi.
Con Ki già đi chơi ở đâu mới về. Nhìn thấy tôi, nó sủa húng hắng lên vài tiếng, nhưng vừa mới bị nạt vài câu đã sợ, cụp đuôi chạy vào trong bếp. Thấy tôi tới, thằng Mạnh nhanh nhảu cất tiếng chào:
- Dượng qua chơi ạ! Mẹ con không sang hả dượng?
Vừa nghe tôi nói Liên mệt nên không qua chơi được, cu Mạnh đã hốt hoảng hỏi xem mẹ nó ốm đau ra sao. Tôi vội nói Liên chỉ cảm xoàng thôi, cu cậu gật đầu, nhưng có vẻ không yên tâm. Nó vẫn ngước lên nhìn tôi dò xét. Tôi nhìn thẳng vào mắt thằng bé, điềm tĩnh gật đầu. Hôm nay bà ngoại sang làng bên thăm người ốm, chỉ có mình Mạnh ở nhà. Trước khi đi, bà đã dặn thằng bé nấu cơm đợi bà về. Nên học bài xong, nó phải bắt tay vào cơm nước ngay. Thằng nhóc kể chuyện với tôi bằng cái giọng hồn nhiên, líu la líu lô như một con chim chích. Nó đong hai bơ gạo vào nồi, lưỡng lự một chút rồi xúc thêm lưng bơ nữa.
- Con cắm thêm cơm, dượng ở lại ăn cơm luôn nhé!
Tôi gật đầu. Thằng nhóc nở nụ cười tươi rói, khoe cái răng khểnh rất duyên, giống hệt bố nó. Anh chàng nói bà ngoại sợ nó không biết nấu nướng nên đã kho sẵn một nồi thịt, dặn cu cậu chỉ cần cắm cơm và luộc bí đao lên là được. Thấy tôi đến, thằng bé định rán thêm dăm quả trứng. Tôi vừa nói chạy ra ngoài có chút việc, thằng bé đã sốt sắng hỏi có phải tôi định đi chợ không, nó níu tay tôi lại, định không cho tôi đi. Cu Mạnh nói nhà có nhiều thức ăn rồi, mua thêm lại không ăn hết, để bữa sau ăn lại mất ngon, mà đổ đi càng lãng phí hơn.
Cái thằng bé này, mới mười lăm, mười sáu tuổi đầu mà y như ông cụ non. Những đứa trẻ lớn lên trong vòng tay bà như nó, toàn già dặn hơn tuổi thì phải. Tôi chẳng nói câu nào, vẫn cứ thế phóng xe đi thẳng. Lên ngã tư, tôi mua một con vịt quay, món mà thằng bé thích. Lần nào nó sang nhà tôi ăn cơm, Liên cũng mua vịt quay cho con. Có lần tôi gắp cho nó miếng đùi, cu cậu lẳng lặng gắp vào bát thằng Bi. Đứa trẻ này nhường nhịn thành quen rồi.
Thấy tôi mua vịt quay về, cu cậu hớn hở ra mặt. Cơm nước vừa xong cũng là lúc bà ngoại thằng bé về đến ngõ. Thấy tôi đến một mình, bà ngoại bọn trẻ thấy hơi lạ. Bà hỏi thăm Liên và thằng Bi vài câu rồi ngồi xuống mâm cơm. Tôi gắp vào bát thằng Mạnh cái đùi vịt quay to, bóng mỡ màu cánh gián. Giờ chẳng có đứa em nào để nhường nhịn, thằng bé có thể thoải mái ăn hết hai cái đùi. Cu cậu nhìn tôi cười, mẹ vợ tôi cũng hấp háy mắt, rồi xoa đầu thằng bé. Nó nhanh nhẹn gắp vào bát bà ngoại một miếng ức vịt, còn cẩn thận bóc lớp da.
Thằng Mạnh đã lớn và khác xưa rất nhiều, chỉ có ánh mắt là không thay đổi. Mắt nó trong hơn cả gương, nhưng tôi chưa bao giờ dám soi mình trong đó. Ngày còn con gái Liên cũng yêu Khải vì đôi mắt ấy.
Thỉnh thoảng, mọi người vẫn nhắc tới bố thằng bé. Ai cũng bảo thằng Mạnh giống bố nhất ở đôi mắt, tôi thì không thấy vậy. Cũng là đôi mắt sáng, lông mi rậm, nhưng trong mắt Khải là cái ướt át đa tình rất Don Juan, cậu ta không có cái nhìn cương nghị như thằng Mạnh. Nhưng đúng là “giỏ nhà ai, quai nhà đó”, thằng bé vẫn giống bố đẻ như tạc. Lần đầu tiên gặp nó, tôi đã giật mình, cứ ngỡ mình vừa gặp lại người bạn khi xưa. Cái mũi cao và khuôn miệng rộng lúc nào cũng cười tươi kia quả thực không lẫn đi đâu được. Nhiều năm sau, tôi vẫn tự hỏi có bao giờ Liên ngắm con trai mà nhớ tới người cũ không?
Đợi thằng Mạnh rửa bát xong, tôi gọi cu cậu lên nhà trên. Rót một chén trà mời mẹ, tôi thưa chuyện định đón thằng bé lên ở với vợ chồng tôi. Vừa nghe thấy thế, bà cụ giật mình rồi ngơ người ra một lúc. Bà nói cách đây một tuần, có gặp vợ tôi ở gần chợ huyện, nhưng không nghe thấy cô ấy nói gì. Bà hỏi dồn xem đây là ý của ai, vì sao lại quyết định đường đột thế. Tôi nói đây là ý của hai vợ chồng, thằng Mạnh dù sao cũng lớn rồi, về ở cùng để mẹ nó bảo ban chuyện học hành vẫn tốt hơn.
Mẹ vợ tôi ngồi thừ ra một lúc, rồi gật đầu. Bà nói bà già rồi, không chăm lo chu đáo cho nó được như trước kia nữa. Từ lâu, bà muốn thằng bé về ở với mẹ, nhưng sợ nhà bên ấy đông người, mấy đứa trẻ ở chung với nhau cũng vất vả cho mẹ nó. Nghe tới đây, tôi biết bà có ý trách tôi, bao nhiêu năm chung sống với Liên, nhưng tôi vẫn chưa thể bao dung với thằng bé.
Vừa nghe nói được chuyển tới ở với mẹ, cu Mạnh mừng lắm. Mắt nó sáng rỡ lên.
- Thật không hả dượng? Con được về ở chung với mẹ và em Bi ạ!
Bây giờ con lớn rồi, con hứa sẽ không cãi nhau với em Linh như ngày còn bé nữa.
Thằng bé hớn hở, chạy ngay xuống nhà dưới thu xếp sách vở, quần áo. Nó nói mẹ đang ốm, phải về bên đó ngay để đỡ đần mẹ chứ. Nhìn nó vui, tôi không kìm được nước mắt. Những đứa trẻ phải sống trong cảnh thiếu thốn tình thương bao giờ cũng hiểu chuyện.
Thấy cháu ngoại một tay xách túi du lịch, vai khoác ba lô, trông khấp kha khấp khởi như người đi buôn trúng mánh, mẹ vợ tôi khẽ lấy tay lau nước mắt. Sợ bà ngoại buồn, thằng bé vội cầm lấy tay bà, dỗ dành.
- Bà ơi, tối thứ bảy tuần nào con cũng xuống đây ngủ với bà nhé!
Chiều nào không phải đi học, con lại xuống chơi với bà, bà đừng buồn nữa nhé! Hôm nào mẹ con rỗi rãi, con sẽ nói mẹ đèo bà lên chơi với con và các em.
Mẹ vợ tôi sụt sịt cầm lấy tay thằng bé, rồi quay sang nhìn tôi.
- Mẹ cảm ơn con!
Mười năm làm con rể của bà, đây là lần đầu tiên bà gọi tôi là “con”. Từ trước đến nay tôi chỉ nghe bà gọi mình là “bố cu Bi”, giống như lâu lâu, bà lại nhắc tới Khải và gọi anh ta là “bố đẻ thằng Mạnh”.
Trước khi leo lên xe, thằng Mạnh còn vẫy tay rối rít, chào bà ngoại thật to. Gương mặt nó rạng rỡ, hai mắt sáng lên vì hạnh phúc. Mẹ con thằng bé đã chờ ngày này từ lâu lắm rồi.
*
Tôi có một gã bạn thân từ thời học cấp ba. Tên hắn là Trung, gã này chỉ trung thành chứ không chung thủy. Ngày độc thân, hắn thay bồ như thay áo, đến khi có vợ, hắn vẫn giở trò mèo mỡ với các em như thường, vợ hắn chấp nhận vì hắn có tiền.
“Muốn suy đoán về tuổi tác của đám đàn bà trung niên, đừng nhìn mặt. Hơn ai hết, họ rất sợ già sẽ dùng son phấn che đi những dấu vết của tuổi tác. Thay vào đó, hãy nhìn cổ ấy, nó không biết nói dối”. Trong một lần uống bia tán gẫu, hắn nhìn chằm chằm vào mấy người phụ nữ bàn bên và nói một câu đầy lọc lõi.
Có lần, nhìn vợ chải đầu, bất giác tôi nhớ đến câu nói của Trung. Da dẻ của Liên vẫn giữ được độ căng sáng, mịm màng, như thể vừa được tráng men. Trước kia Liên đẹp lắm, bây giờ em vẫn đẹp. Đã qua mấy lần sinh nở, cực nhọc nuôi con, nhưng cái vóc dáng mảnh mai của em gần như không hề hấn gì. Thỉnh thoảng cô ấy vẫn khoe với tôi về chuyện mặc vừa mấy cái áo đã may từ thời con gái. Áo đã ố nhiều chỗ, còn em vẫn thon thả như vậy.
Đặc biệt, đôi mắt em rất đẹp. Dù dưới mắt đã lộ nếp nhăn, nhưng cái vẻ lúng liếng, sáng trong ấy dường như không bị thời gian cướp mất. Giông tố đời người cũng chẳng thể bào mòn cái ánh nhìn ngây thơ xinh đẹp ấy.
Hồi học cấp ba, có rất nhiều anh chàng thích Liên, trong đó có cả tôi. Nhưng Liên lại yêu Khải. Dù ghen, nhưng tôi vẫn phải công nhận họ rất xứng đôi. Khải vừa đẹp trai, lại là con nhà khá giả, khi biết cậu ta và Liên yêu nhau, đám “vệ tinh” xung quanh em, trong đó có cả tôi rụng dần.
Tốt nghiệp phổ thông, Liên lên phố học may, còn Khải ra Hà Nội học đại học. Họ vẫn yêu xa như thế. Do cảnh nhà khó khăn, bố mất sớm, dưới tôi còn mấy đứa em đang đi học, nên tôi quyết định đi xuất khẩu lao động để giúp mẹ nuôi các em. Sang bên đó làm mấy năm, tôi gặp Lan.
Lần đầu tiên nhìn vào mắt em, tôi ngẩn người hồi lâu. Đó là một đôi mắt rất đẹp, cái vẻ lúng liếng ấy khiến tôi không thể quên được, nó giống hệt mắt của Liên. Biết Lan chưa có người yêu, tôi mạnh dạn tấn công cô ấy. Hai chúng tôi yêu nhau, rồi làm đám cưới. Tôi cứ tưởng đời mình như thế là ổn. Không thể yêu Liên, nhưng ít ra ông trời cũng se duyên cho tôi một cô gái giống em. Nếu cuộc đời là một đường thẳng như chúng ta kỳ vọng, thì chẳng ai phải oán thán ông trời.
Lấy nhau được mấy năm, công việc của tôi gặp trục trặc. Hai vợ chồng phải chuyển đến một căn phòng trọ chật hẹp ở tầng gác mái. Từ bến xe bus về nhà chắc phải hơn hai cây số, đi bộ dưới trời mưa tuyết một quãng đường dài như thế là một việc không đơn giản. Vì phải nuôi con mọn, nên Lan ở nhà chăm bé Linh, một mình tôi đi làm nên cũng khá chật vật.
Đến lúc con được đầy năm, em gửi nó cho một người phụ nữ, nhận trông mấy đứa trẻ tại nhà, để đi làm đỡ đần tôi. Ban đầu, Lan nói em phụ việc lặt vặt ở một tiệm may, bà chủ rất tốt bụng. Từ ngày vợ đi làm, kinh tế của chúng tôi khá hơn. Lương của Lan khá cao so với mặt bằng chung của những người phụ nữ sang đây làm việc chân tay. Tôi cứ nghĩ là do vợ nhanh nhẹn, tháo vát nên được bà chủ thưởng thêm. Nhưng hóa ra không phải…
Trong một lần đi uống rượu với mấy anh em làm cùng xưởng, tôi thấy vợ mình đang đứng trước cửa một khách sạn nhỏ. Hôm ấy, tuyết rơi khá dày, áo choàng đỏ của Lan nổi bật giữa trời tuyết trắng. Sợ mình nhìn nhầm, tôi đứng lại, dụi mắt thật kỹ. Đúng là Lan. Lát sau, có một người đàn ông đã luống tuổi bước ra. Hai người họ ôm nhau tình tứ, cùng bước đi dưới trời tuyết rơi.
Thấy tôi đứng như trời trồng ngoài tuyết, anh bạn còn tưởng tôi bị trúng gió, nằng nặc đòi đưa tôi về nhà. Hôm đó, là ngày dài nhất trong đời tôi.
Về tới nhà, tôi thấy Lan ngồi gấp quần áo. Cô ta đã thay bộ đồ nhàu nhĩ quen thuộc và chùi hết phấn son. Lan điềm tĩnh hỏi tôi, sao hôm nay đi về muộn thế. Vẻ mặt cô ta rất bình thản, không lộ chút sơ hở. Cái vẻ hiền lành ấy khiến tôi buồn nôn. Tôi giơ tay lên tát cô ta. Chẳng để Lan kịp nói gì, tôi cho người đàn bà lăng loàn ấy biết những gì mình đã nhìn thấy chiều hôm nay.
Gương mặt Lan hơi hốt hoảng rồi lặng lẽ thở dài. Cô ta thậm chí không hề rơi một giọt nước mắt, như thể đã chuẩn bị cho cái ngày này từ lâu lắm rồi. Tôi nói, bản thân mình có thể sống nghèo túng, nhưng không thể chịu nhục, rồi bảo Lan sáng mai hãy rời đi. Cô ta hãy sống cuộc đời mà mình muốn, còn con bé Linh, tôi sẽ lo cho nó.
Dù dưới sàn đã được đốt than rất ấm nhưng tối hôm đó tôi cảm tưởng như mình đang co ro giữa tháng Chạp. Ngắm đứa con đang ngủ say, tôi thấy thật xót xa. Sâu thẳm trong đáy lòng, tôi vẫn mong Lan đừng đi, để con còn mẹ.
Sáng sớm ngày hôm sau, tỉnh dậy thấy nhà cửa im ắng, trong lòng tôi đã có một linh cảm không lành. Lan đã bỏ đi. Cô ta thu dọn sạch sẽ mọi thứ thuộc về mình. Trên bàn là vài chữ nguệch ngoạc, người đàn bà đó nhờ tôi chăm sóc con gái. Cô ta nói thỉnh thoảng sẽ về thăm con!
Trước khi đến với tôi, Lan có quen vài người đàn ông, người Việt có, người bên này cũng có. Lan không phải là người hiền thục, cô ta chỉ có ánh mắt dịu dàng giống Liên mà thôi.
Cảnh gà trống nuôi con thật không dễ dàng. Con bé Linh khi ấy mới hơn hai tuổi. Đêm nào nó cũng khóc hết hơi vì nhớ mẹ. Hễ được bố mua cho cái bánh cái kẹo hay mấy xiên chả cá lề đường thì con bé hớn hở ra mặt, nhưng dỗ kiểu gì nó cũng không chịu ăn cháo, thỉnh thoảng hứng lên nó ăn được vài thìa cơm rồi lại nhìn bố ê a “kẹo”, “kẹo”.
Đã thế, tháng nào nó cũng ốm đau. Tôi đã quen với cảnh từ xưởng chạy thục mạng về nhà để đem con đi bệnh viện. Mấy bà hàng xóm nói tôi nên gửi con bé về nước, nhờ bà nội hay họ hàng trông giúp. Tôi cũng nghĩ tới chuyện này, nhưng vẫn lần lữa vì thương con quá. Nó đã bị chính mẹ đẻ bỏ rơi, giờ lại không được ở gần bố nữa thì tội nghiệp biết mấy. Nhưng để con ở đây, tôi cũng không chăm bẵm nó tử tế được, cứ luấn quấn với con bé, lấy đâu ra thời gian đi làm.
Có anh bạn cùng xưởng nói với tôi, nếu thương con như thế thì hãy về nước cùng con bé. Ở đâu cũng phải làm lụng, cũng phải kiếm tiền cả thôi. Trằn trọc suốt mấy đêm, tôi quyết định mang con về nước.
Lúc nhìn thấy tôi bế đứa con bé tí, mắt đỏ hoe, sưng to như quả nhót non vì khóc một chặp hết cả hơi, bà cũng không kìm được nước mắt. Đã thế, đầu tóc con bé Linh còn bù xà bù xù, do lúc xuống máy bay nó khó chịu quá, lăn lộn một hồi trong lòng bố chứ không chịu ngồi im. Mấy ngày đầu, con bé cũng chẳng theo ai, cứ bám rịt lấy bố, nửa bước chẳng chịu rời, cứ lũn cũn như cái đuôi.
Mẹ tôi thấy thương quá, liền bảo tôi hay gọi điện về “bên ngoại” hỏi bố mẹ Lan xem cô ta có liên lạc gì không. Dù sao hai đứa bỏ qua cho nhau, để con cái đầy đủ bố mẹ vẫn hơn. Tôi im lặng, không nói gì. Vì tự trọng của một thằng đàn ông nên tôi giấu nhẹm chuyện vợ bỏ đi theo trai. Chỉ nói là hai vợ chồng cãi nhau, vợ tức quá nên ra đi…
Về được vài tháng, tôi cũng tìm được việc, lĩnh tháng lương đầu tiên, tôi định mua quần áo mới cho hai bà cháu cái Linh. Đang loay hoay chọn tới chọn lui thì nghe tiếng ai gọi tên mình. Là Liên! Bao nhiêu năm rồi, em chẳng già đi. Khiến tôi ngẩn ngơ một lúc mới đáp lời.
Cô ấy giúp tôi chọn quần áo cho con. Khi nhìn thấy em mua một bộ quần áo của bé trai, lòng tôi buồn man mác. Tôi đã là cha, em cũng trở thành mẹ, chúng tôi đã bỏ lỡ nhau cả đời sao?...
Về nhà, tôi liền hỏi mẹ chuyện chồng con của Liên. Mẹ tôi nói em làm gì có chồng. Năm đó, Khải bỏ Liên để lấy con gái ông chủ tiệm vàng trên thành phố. Lúc đó, Liên có thai hơn bốn tháng. Em ngậm đắng nuốt cay nuôi con một mình. Tôi bần thần nén tiếng thở dài.
Ông trời run rủi thế nào, chỗ làm của tôi và Liên khá gần nhau. Mấy lần, xe đạp của em bị hỏng, tôi cho em quá giang về tới nhà. Có người trò chuyện, đường về cũng bớt xa xôi. Chúng tôi kể chuyện thời đi học, chuyện con cái, xen lẫn hồi ức là từng tiếng thở dài.
Có tuổi rồi, nếu thương nhau người ta không phải vòng vo nhiều nữa. Mấy tháng sau, tôi ngỏ lời với Liên, muốn cùng em xây dựng gia đình, để con cái hai đứa có gia đình đầy đủ như người ta. Liên gật đầu đồng ý. Mẹ tôi không thích Liên, chắc vì chuyện của em với Khải từ ngày xưa, nhưng thấy tôi đã có tuổi, lại một thân một mình nuôi con, nên bà không cản nữa, nhưng trong lòng chắc chắn còn nhiều bực dọc. Để tránh chuyện mẹ chồng nàng dâu, tôi quyết định xây nhà ra ở riêng.
Nhà cửa gần xong xuôi, Liên báo tin em đã có mang hơn hai tháng. Chúng tôi khi ấy cũng chẳng còn trẻ trung gì nữa, nên ngại bày cỗ bàn rình rang, hai đứa dắt nhau đi đăng ký kết hôn, rồi làm vài mâm cơm ra mắt họ hàng hai bên.
Chuyện con anh con tôi thật chẳng dễ dàng. Nhà cửa không lúc nào được yên với con Linh và thằng Mạnh, hai đứa chành chọe nhau suốt ngày. Một lần Liên đi chợ, để hai anh em chúng nó ở nhà chơi với nhau. Trong lúc đùa nghịch, cu Mạnh lấy đá ném bé Linh, khiến cho đầu con bé rách một mảng, phải khâu mấy mũi. Thấy con gái nằm trên giường, đầu quấn băng trắng toát, tôi giận quá cho thằng Mạnh một cái bạt tai. Liên xót con, nhưng chẳng dám nói gì, chỉ lặng lẽ ôm lấy nó rồi khóc nấc lên. Mẹ em biết chuyện, lẳng lặng lên nhà tôi đón cháu ngoại về. Ban đầu, Liên không chịu, nhưng nghĩ đi nghĩ lại em thấy thương cho đứa con ở trong bụng. Chẳng lẽ, cả hai lần sinh nở, con của em đều không có cha? Để thằng Mạnh ở với bà có lẽ là cách tốt nhất cho mấy mẹ con.
*
Mấy tháng trước, Liên kêu đau đầu, có lúc còn chóng mặt, mắt nhìn không rõ. Tôi thấy lo, nên giục em đi khám. Bác sĩ nói trong não Liên có một khối u. Vì nó ở vị trí khá hiểm, nên khi làm phẫu thuật, bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm tới tính mạng. Nếu chần chừ không mổ sớm, khi khối u phát triển, nó sẽ đè lên dây thần kinh, khiến bệnh nhân mất khả năng đi lại. May mắn, đây là u lành, nếu ca mổ thuận lợi, vợ tôi sẽ khỏi bệnh hoàn toàn. Bác sĩ nói, điều người nhà cần làm lúc này là chăm sóc tốt cho bệnh nhân, để người bệnh có một tinh thần thật tốt trước khi bước vào ca mổ.
Nghe thấy cái tin như sét đánh ấy, Liên thẫn thờ như người mất hồn. Ban đêm, trằn trọc mãi em mới ngủ. Chợp mắt được một lúc, đã mơ màng, ú ớ gọi tên thằng Mạnh. Bao nhiêu năm qua, tôi biết vợ mình vẫn đau đáu vì thằng bé. Lúc đó, nếu không mang bầu thằng Bi, chắc em không chịu để con lại cho bà ngoại để đến với tôi. Mười năm qua, phải chăng tôi đã quá ích kỷ.
Tôi quyết định đón thằng Mạnh về sống chung. Nó là con của Liên thì cũng là con của tôi kia mà. Vì muốn cho Liên một sự bất ngờ, nên tôi không bàn bạc gì với em cả. Đã thế, tôi còn nói dối là hôm nay phải đi ăn tiệc tân gia của một người bạn, nên không về ăn cơm.
Chín giờ tối, nhà vẫn sáng đèn. Dù tôi về muộn đến mấy, em vẫn cố thức đợi cửa, đó là thói quen của Liên. Nhìn thấy con trai cùng đống quần áo, sách vở lỉnh kỉnh, Liên đứng ngẩn ra như tượng. Em quay lại nhìn tôi với ánh mắt rưng rưng. Tôi chẳng nói gì, chỉ khẽ gật đầu. Thằng Bi chạy ào đến chỗ anh trai nó.
- Sao muộn rồi anh mới xuống chơi với em?
Tôi âu yếm xoa đầu hai cậu con trai.
- Anh Mạnh không xuống chơi đâu, từ nay anh sẽ ở cùng con và chị Linh. Cả nhà mình sẽ ở bên nhau.
Trong ánh đèn vàng ấm áp, cả tôi và Liên lặng lẽ rơi nước mắt.
P.H
(TCSH46SDB/09-2022)