Tạp chí Sông Hương - Số 403 (T.09-22)
Về thời khắc vua Bảo Đại thoái vị
09:59 | 27/09/2022

DƯƠNG PHƯỚC THU

Một số cuốn sách bao gồm cả thể loại hồi ký, hồi ức được xuất bản gần đây đều có viết về thời khắc vua Bảo Đại thoái vị tại lầu Ngọ Môn, Kinh đô Huế.

Về thời khắc vua Bảo Đại thoái vị
Vua Bảo Đại thoái vị - Ảnh do TS. Huỳnh Thị Vân cung cấp

Có người ghi “Lúc 14 giờ ngày 30/8/1945”, có người viết “Vào khoảng 15 giờ ngày 30/8/1945”, nhưng cũng có người nhớ là vào hồi 16 giờ ngày 30/8/1945, tại lầu Ngọ Môn, vua Bảo Đại đã chính thức làm lễ thoái vị…

Chỉ một chi tiết nhỏ về thời khắc vua Bảo Đại chính thức làm lễ thoái vị, trao ấn và kiếm cho đại diện của Chính phủ nhân dân cách mệnh lâm thời, vào chiều ngày 30/8/1945, mà đã có mấy số liệu khác nhau như vậy.

Cũng tưởng là chi tiết “nhỏ” chẳng quan trọng gì đến lịch sử của chiều ngày 30/8/1945, tại Huế - vua Bảo Đại đã thoái vị. Câu chuyện về thời khắc lịch sử vua Bảo Đại thoái vị này đến nay đã trôi qua 77 năm rồi. Thời gian, cuộc sống cơm áo và chiến tranh vệ quốc kéo dài đã làm cho trí nhớ của nhiều người có mặt tại sân vận động trước Ngọ Môn hôm ấy mờ nhạt, khó nhớ chính xác được. Có điều, ai cũng khẳng định và xem tư liệu “của mình là đúng”!

Mới đây, trong một lần sao lục ở Thư viện quốc gia, rất ngẫu nhiên chúng tôi tìm được một số tờ báo của cách mạng xuất bản ở Huế, đã có bài tường thuật khá cụ thể về thời khắc vua Bảo Đại thoái vị tại lầu Ngọ Môn.

Dưới đây là những bài báo liên quan về nội dung trên. Chúng tôi trích nguyên văn và xin được để trong ngoặc kép:

Sau cuộc họp báo vào chiều ngày 29/8/1945 tại Huế, sáng ngày 30/8/1945, báo Quyết chiến1 - cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân cách mạng - trên măng sét ghi vậy, nhưng thực chất là cơ quan của Thị ủy Thuận Hóa và của Tỉnh ủy Thừa Thiên, đưa tin về thời gian: “Vua Bảo Đại chính thức thoái vị”. Mở rộng thông tin trên, bài báo viết: “Sau khi tiếp kiến đại biểu Chính phủ lâm thời nhân dân cách mệnh Việt Nam, vua Bảo Đại đã chịu chính thức thoái vị”.

“Chiều nay, lúc 7 giờ lễ thoái vị sẽ cử hành trước Ngọ Môn. Nhà vua sẽ trao quốc ấn, quốc kiếm và quốc bảo cho đại biểu Chính phủ lâm thời”.

Đúng 7 giờ chiều ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại chính thức thoái vị.

Tường thuật về sự kiện lịch sử quan trọng này, báo Quyết chiến2 ra sáng ngày 31/8/1945, đã viết:

“Trước đại biểu Chính phủ lâm thời và 10 ngàn quốc dân, Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố thoái vị”

“7 giờ chiều hôm qua trên lầu Ngọ Môn, trước 10 ngàn quốc dân đủ các giới, lễ thoái vị của Đức Việt Nam Hoàng đế Bảo Đại đã cử hành rất long trọng”.

“Ngỏ lời với quốc dân và đại biểu Chính phủ lâm thời nhân dân cách mệnh nhà vua đã tuyên bố trước máy truyền thanh bằng một giọng cảm động. Vì quyền lợi chung của xứ sở, và muốn làm dân một nước độc lập hơn là làm vua một nước nô lệ, ngài đặt quyền lợi quốc dân lên trên ngai vàng, nên ngài vui lòng thoái vị để trao chính quyền cho một chính phủ dân chủ cộng hòa”.

“Đáp lại lời tuyên bố của vua Bảo Đại, đại biểu Chính phủ lâm thời là anh Trần Huy Liệu trước hết tỏ lời cảm ơn tấm thịnh tình của Hoàng đế, đã vì quốc dân mà hy sinh ngôi báu”.

“Hôm nay là ngày đáng nhớ trong lịch sử nước Việt Nam, nền quân chủ đã nhường bước cho chính thể dân chủ cộng hòa, vậy quốc dân đã đoàn kết thì cần phải đoàn kết thêm, đã phấn đấu thì cần phấn đấu thêm để củng cố nền độc lập của Việt Nam”.

“Sau khi anh Trần Huy Liệu dứt lời, vua Bảo Đại thân hành trao lại gươm vàng, biểu hiệu quân quyền, cho đại biểu Chính phủ nhân dân”.

“Năm tiếng lệnh phát, cờ vàng kéo xuống, cờ đỏ Sao vàng rút lên trong khi bài Thanh niên cứu quốc trỗi giữa một bầu không khí trang nghiêm và cảm động”.

“Để tỏ lòng thiết tha với nền dân chủ, đức Bảo Đại ngỏ lời tặng Chính phủ nhân dân cách mệnh 2 chiếc phi cơ riêng của ngài”.

“Và đáp lại tấm thịnh tình ấy, đại biểu Chính phủ lâm thời có gắn huy hiệu màu đỏ sao vàng cho công dân Bảo Đại của nước Việt Nam cộng hòa dân chủ”.

“Trước cử chỉ rất dân chủ của một vị hoàng đế, dân chúng hoan hô nhiệt liệt”.

“Sau khi bế mạc lễ thoái vị của Đức Bảo Đại, đoàn thanh niên tiền tuyến, các  đội bảo an, chữa lửa và dân chúng sắp hàng trật tự biểu diễn qua trước Ngọ Môn”.

Theo báo Quyết chiến tường thuật thì vua Bảo Đại chính thức thoái vị vào lúc 7 giờ chiều ngày 30/8/1945. Nhưng 7 giờ chiều năm ấy không phải là 7 giờ chiều giống như giờ của những năm sau này.

Sự thật thì trước dòng thác cách mạng, ngày 23/8/1945, khởi nghĩa ở Huế đã giành chính quyền về tay nhân dân. Tại sân vận động Bảo Long (nay là sân vận động Tự Do) Ủy ban nhân dân cách mệnh lâm thời tỉnh Thừa Thiên chính thức thành lập, nhà giáo Tôn Quang Phiệt được cử làm Chủ tịch.

Ngày 24/8, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh Nguyễn Tri Phương (bí danh của Việt Minh tỉnh Thừa Thiên), thông qua cơ sở của cách mạng, đại diện Việt Minh đã tiếp xúc với Bảo Đại (nhiều tài liệu cho biết, trước ngày 23/8 một thời gian, những người Việt Minh đã liên hệ được với một số quan lại ở Huế cảm tình Việt Minh rồi và họ đã hợp tác). Sau các cuộc gặp đó, để tránh sự đổ máu, để có một cuộc chuyển giao chính quyền trong hòa bình, vua Bảo Đại đã chấp nhận thoái vị. Những ngày tiếp theo là công tác chuẩn bị nội dung, nghi thức, tìm nơi ở cho nhà vua và gia đình sẽ chuyển đến sau lễ thoái vị, đồng thời chờ lệnh Hà Nội cử đại diện vào nhận quốc bảo, chính quyền về tay nhân dân. Vua Bảo Đại lúc này thực chất chỉ còn cái ngai vàng hư danh. Bộ máy quân chủ của ngài đã tan rã. Nhiều quan lại cấp cao của ngài đã rũ áo đi theo Việt Minh. Nếu không vì đại cuộc thì Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên có thể buộc vua Bảo Đại thoái vị ngay tức khắc. Nhưng họ đã không làm thế.

Việc chọn ngày 30 tháng 8 và kéo dài thêm một tuần nữa sau khi chính quyền nhân dân đã thành lập ở Huế để vua Bảo Đại thoái vị là một ứng xử tầm cao của văn hóa chính trị có tính lịch sử và dịch lý của nó.

30 là ngày cuối tháng. Giờ chính thức làm lễ để nhà vua thoái vị cũng là giờ cuối của một ngày làm việc.

Ngày cuối tháng, giờ cuối ngày. Và sau khi nhà vua trao quốc bảo cho chính quyền cách mạng thì kết thúc sứ mệnh chính trị của hoàng đế. Bóng hoàng hôn tối dần rồi chuyển về đêm. Sau một giấc ngủ sẽ bắt đầu một giờ mới, một ngày mới, ngày của chính thể mới - chính thể dân chủ cộng hòa.

Cũng cần trao đổi thêm, về thời khắc 7 giờ chiều ngày 30/8/1945, không phải là 19 giờ như giờ sau này nước ta vẫn dùng. Vào thời điểm ấy, 7 giờ chiều của chính quyền Bảo Đại là lấy theo giờ của Đại Đông Á, nghĩa là mới 5 giờ chiều của ngày hôm nay.

Sở dĩ có múi giờ như thế, vì theo một sắc lệnh của Nội các Trần Trọng Kim quy định về giờ mới: “Từ ngày mồng 1 tháng 4 năm 1945, tức là ngày 15 tháng 2 năm Bảo Đại thứ 20, giờ cũ sẽ không còn trên đất nước Việt Nam nữa. Theo thông cáo của chính phủ, bắt đầu nửa đêm nay, nhân dân phải theo đúng giờ mùa hạ, nghĩa là phải vịn đồng hồ thêm lên một giờ3”.

“Sự đổi giờ này không những thi hành ở Việt Nam mà thôi, mà còn khắp cả xứ Đông Dương nữa”.

“Đối với chuyện thay đổi giờ này, ta đừng xem là việc thường”.

“Từ ngày khởi sự cuộc chiến tranh Đại Đông Á đến nay, nhiều nước khác được giải phóng như Phi Luật Tân, Djawa, Mã Lai, Diến Điện v.v.. đều đã theo giờ mới này. Giờ này tức là giờ chính thức của Đại Đông Á. Mấy lâu nay, xứ Đông Dương vẫn đứng ngoài như khách bàng quan, nhưng bắt đầu ngày mai theo như các nước láng giềng”.

“Thế là tất cả các nước ở Đại Đông Á cũng theo một giờ như nhau, ví dụ 10 giờ sáng ở Huế cũng là 10 giờ sáng ở Rangoon, Chiêu Nam, Đông Kinh. Giả thử khi 8 giờ sáng ông Chan dra Bose, thủ lĩnh “Ấn Độ tự do” diễn thuyết trước máy truyền thanh về vấn đề dân tộc giải phóng, thì dân Đông Dương cứ theo đúng giờ ấy là nghe được. Còn như ở Huế là Kinh đô Việt Nam, nếu có lời tuyên ngôn quan trọng như lời tuyên ngôn chung Đại Đông Á hai năm về trước, thì nước Diến Điện cứ theo cùng một giờ mà ghi chép việc quan hệ ấy vào lịch sử của mình. Dân Đại Đông Á khi nào muốn vặn máy truyền thanh nghe tin tức và ca hát sẽ không cần để ý đến giờ chính thức của từng xứ”.

“Trọng tâm của vấn đề ấy không phải là theo “tiện lợi chủ nghĩa”.

“Giờ Đại Đông Á đã nhất định: ấy là biểu hiện cho cuộc tinh thần thống nhất ở Đại Đông Á. Chuyện bỏ giờ cũ theo giờ mới, sẽ làm cho nước Việt Nam độc lập thành một cánh tay mạnh mẽ ở Đại Đông Á, giúp vào việc thiết lập khối thịnh vượng chung”4.

Và như vậy, giờ của nội các Trần Trọng Kim quy định trước đó chỉ tồn tại đến hết ngày 31/8/1945.

Nghị định do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký, đăng trên Việt Nam Dân quốc Công báo, số 1 ra ngày 29/9/1945, tr. 13

Để thống nhất giờ mới trong cả nước, ngày 1/9/1945, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ký Nghị định về giờ mới gồm có hai điều:

Điều thứ nhất: “Trong toàn cõi nước Việt Nam, giờ chính thức do nghị định ngày 29/3/1945 ấn định, sẽ lùi lại hai giờ, kể từ 24 giờ ngày mồng 1 tháng 9 năm 1945”.

Điều thứ hai: “Nghị định cựu Toàn quyền Đông Dương ngày 29/3/1945 kể trên từ nay sẽ bãi bỏ”.5

Đúng 7 giờ chiều ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại chính thức thoái vị, nghĩa là vào lúc 5 giờ chiều - 17 giờ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay.

Thiết nghĩ, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia độc lập không chỉ có biên giới trên không, trên bộ, trên biển mà còn cả sự thống nhất về múi giờ nữa!

Sau lễ thoái vị, ngày 31/8/1945, cùng đoàn công tác, cựu hoàng Bảo Đại lên đường ra Hà Nội theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tư cách công dân của “một nước tự do độc lập”, ngài bắt đầu với một vai trò mới: Cố vấn Chính phủ lâm thời.

D.P.T
(TCSH403/09-2022)

-----------------------------
1 Số 4 ra sáng ngày 30/8/1945.
2 Số 5 ra sáng ngày 31/8/1945, bài in ở trang nhất.
3 Công bố trên Việt Nam tân báo, số 8 ra ngày 31/3/1945.
4 Theo Dụ Thượng dụ số 3.
5 Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Việt Nam Dân quốc Công báo, số 1 ra 29/9/1945, tr.13.

 

 

Các bài mới
Chùm thơ Khét (28/10/2022)