Tạp chí Sông Hương - Số 403 (T.09-22)
Vọng niệm tri ân bởi tấm lòng
15:21 | 28/10/2022

HOÀNG PHƯỚC
      Bút ký dự thi

Nội tổ của tôi ở đất Hiền Lương, một ngôi làng chuyên nông nhưng lại nổi tiếng với nghề rèn truyền thống của xứ Huế.

Vọng niệm tri ân bởi tấm lòng
Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ và các mẹ Việt Nam anh hùng tại thôn Tứ Chánh

Tôi có người chú ruột đi bộ đội giải phóng, bị địch phục kích hy sinh ở gần thôn Tứ Chánh về chặng cuối năm 1967 khi chú cùng đơn vị trinh sát vũ trang Quân khu Trị Thiên chuẩn bị bước vào chiến dịch Xuân 68. Hàng năm cứ vào dịp tháng bảy, dù bận thế nào tôi cũng dành thời gian về lại Tứ Chánh, xã Phong Sơn để được tự tay thắp nén linh hương nhớ cái nơi người chú của mình ngã xuống.

Tứ Chánh, cái thôn nhỏ bình yên nằm cạnh dòng Bồ giang, ngước mắt là gặp ngay những ngọn đồi nhấp nhô nhiều tháng trong năm mây trắng vờn bay sát dãy Trường Sơn hùng vĩ. Trước năm 1945, nơi đây chỉ là một cái ấp nghèo không tên được hàng tổng Phò Ninh cho bạ vào làng Cổ Bi quản nhiệm. Cả ấp nghèo khó, dân cư thưa thớt, đa phần dân trong ấp chuyên nghề cày thuê cuốc mướn, chăn trâu, cắt cỏ cho nhà giàu; cuộc sống nô lệ cơ cực thiếu ăn thiếu mặc quanh năm, thân phận bần cùng. Rồi Cách mạng Tháng Tám thành công, đem lại luồng sinh khí mới về tận nơi đây để người dân được quyền tự do làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống và cái ấp nhỏ này mau chóng có tên hiệu hành chính: Tứ Chánh. Từ đây thôn Tứ Chánh bắt đầu một cuộc sống mới, một vị thế mới giữa cộng đồng làng xã… Cách mạng đã phá tan xiềng gông, giải phóng kiếp người nô lệ, đã xóa bỏ ranh giới bao đời lạc hậu với quan niệm chánh cư và ngụ tạm. Mọi người dân Tứ Chánh đều được bình đẳng học hành cái chữ, được bàn việc làng việc nước, được cầm lá phiếu tự do bầu chọn những đại biểu xứng đáng thay mặt cho mình vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp…

Mặc dù địa cuộc xác xơ và chính sách cai trị hà khắc của đế quốc, phong kiến đã làm cho người dân Tứ Chánh bao đời nghèo khó, thất học, chết phải bó chiếu lặng lẽ chôn đêm về nơi nghĩa địa heo hút, nhưng nhân dân nơi đây vẫn một lòng chung thủy với tổ tiên, tha thiết đến tận cùng yêu thương cái mảnh vườn quê nghèo khó nhọc đầy kỷ niệm. Bởi vì chính đó là“Vườn nhà như thể ngọc ngà/ Vườn nhà chính thật sơn hà càn khôn/ Vườn nhà nơi đó đã chôn/ Cái nhau, cái rốn, cái hồn của ta”…

Cuối năm 1946, thực dân Pháp bội ước xua binh đánh chiếm nước ta một lần nữa, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với đồng bào cả xã, cả huyện, nhân dân Tứ Chánh đã đứng lên cầm vũ khí, hòa vào dòng thác cách mạng và đã tận hiến những gì mình có để Tứ Chánh bước vào cuộc chiến đấu mới, biến nơi đây thành căn cứ lòng tin của cách mạng. Cùng với các thôn trong xã, Tứ Chánh đã tổ chức du kích chặn bước tiến của quân thù khi chúng mon men đặt chân vào chiến khu Hòa Mỹ.

Ngay từ những ngày đầu kháng Pháp, già trẻ, gái trai con dân Tứ Chánh đã có nhiều người hăng hái tham gia lực lượng du kích, xung phong vào bộ đội chủ lực. Nhiều gia đình thiếu cái ăn vẫn lặng lẽ góp từng củ sắn củ khoai, cân ngô rổ đậu, âm thầm tiếp tế, nuôi giấu cán bộ cách mạng giữa vòng vây quân thù. Cả vùng này đã trở thành hậu cứ rồi chiến khu của tỉnh. Trước sự lớn mạnh không ngừng của các lực lượng cách mạng, kẻ thù đã tìm cách khủng bố, với vũ khí chiến tranh hiện đại, quân Pháp đã nhiều lần càn quét đánh vào chiến khu. Đầu năm 1948, thực dân Pháp đã bắt 16 người dân đưa về xử bắn ngay tại đầu thôn Tứ Chánh, chúng gán cho họ cái tội “theo Việt Minh chống Pháp”. Khoảnh đất nơi các anh hóa thân nay thành gò linh, cây cối um tùm và hoa cỏ thấm máu liệt sĩ vẫn nở tím mỗi sáng mai lên.

Trong suốt những năm chống Pháp, cả thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, thôn Tứ Chánh chỉ có chưa đầy trăm nóc nhà dân. Gọi là nhà cho oai chứ thực ra chỉ là những mái lều tranh tre nứa lá nhiều hơn cả. Cứ dựng xong thì đạn Pháp dội, rồi sau này là bom Mỹ thả, xóm thôn trơ trụi hoang tàn. Chiến tranh do giặc Pháp gây ra quá khốc liệt. Chỉ gần trăm nóc nhà nghèo, qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc, thôn Tứ Chánh có trên 110 người con liệt sĩ, nhiều gia đình có 2 đến 3 người anh dũng hy sinh, ví như gia đình bà Thái Thị Tuân có 4 người con và cháu nội trở thành liệt sĩ và còn rất nhiều người thương binh, bệnh binh, gia đình có công với nước trở về sau khi kết thúc chiến tranh, chung tay rà phá bom mìn, xây dựng lại xóm thôn. Tứ Chánh dần hồi sinh và phát triển. Một thôn nhỏ Tứ Chánh mà liệt sĩ nhiều như thế cũng không phải là chuyện nơi nào cũng có! Cho thấy sự kháng cự và chiến đấu của quân dân thôn Tứ Chánh với kẻ thù là rất quyết liệt.

Hơn chục năm trước, bằng sức dân tự nguyện, chính quyền ủng hộ, Tứ Chánh góp công góp sức dựng lên ngôi chùa thờ Phật, xây đình thờ thần, mở trường cho con trẻ học hành, bê tông hóa các ngả đường quanh thôn, điện sáng bừng đêm, nước sạch về tận ngõ, nhà ngói cao tầng dần mọc đỏ xóm thôn. Giữa cánh đồng xanh lúa, đô thị hóa từng bước tràn về sức sống mới… Tứ Chánh ngày nay thật sự đổi đời!

Và rồi chiến tranh đã lùi xa, nhiều người già năm xưa ra trận đã khuất, nhưng vết thương lòng về hậu chiến vẫn chưa lành hẳn. Có những vết thương đeo đẳng suốt cuộc đời. Có những chuyện đau lòng phải chờ thời gian mới nguôi ngoai. Nhận thức và tri ân đối với những người có công vì đất nước là con đường ngắn nhất để hướng đến cái đẹp văn hóa về đời sống tâm linh trong cuộc hành trình suy niệm khắc khoải lòng biết ơn của hậu thế.

Ứng xử nhân văn với người đã khuất cũng là một hình thức tiếp thêm nguồn năng lượng để hôm nay ta sống tốt hơn, thanh thản hơn. Đành rằng đã có nơi thờ tự của mỗi gia đình, đã có nghĩa trang liệt sĩ yên nghỉ của xã nhưng người ta vẫn thấy trống vắng điều gì đó ở Tứ Chánh mỗi khi nghĩ về những bà mẹ anh hùng đã sinh ra những chiến binh quả cảm đang nằm lại các nghĩa trang mà chưa biết tên…

Như đã nói ở phần đầu, hàng năm tôi thường về Tứ Chánh, lần mới đây nghe câu chuyện kể rằng, có đoàn cựu chiến binh các tỉnh miền Bắc, từng chiến đấu ở đất Phong Sơn trở lại chiến trường xưa, vào một buổi trưa nắng hè, họ đã dừng chân trên cánh đồng lúa xanh Tứ Chánh, bái lạy đất trời, thắp nén tâm nhang viếng đồng chí, đồng đội, đồng bào đã hy sinh tại mảnh đất này. Những nén tâm nhang cắm giữa trời đất mây mù nhân ảnh. Phải thấy tận cảnh những cựu chiến binh úp mặt vào hai bàn tay nức nở nghẹn lòng tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ người ta mới ngộ ra đâu đây hương linh vẫn còn ngơ ngác, vẫn còn trú ngụ bờ tre ruộng lúa cánh đồng quê. Và những tiếng kêu bi thảm vang lên. Hỡi các anh ơi! Các anh ơi đồng đội các anh đã về đây! Hỡi anh Ba, anh Việt, anh Năm… Tiếng gọi đồng vọng đánh thức ký ức một thời xa xăm nhớ về những gương mặt trẻ… Và thế là một cuộc họp bàn, nhiều người xúm lại, cùng nhau trao đổi để rồi đồng thuận: Cần phải có một Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ và các mẹ Việt Nam anh hùng dựng trên mảnh đất nghèo Tứ Chánh để linh hồn các mẹ, các con của mẹ hội tụ về đây mỗi khi hương thơm vọng niệm.

Dù tâm nguyện tha thiết và chính đáng vẫn cần có một tổ chức và sự quyết tâm cụ thể của những con người nơi đây mới thành công. Để biến tâm nguyện xây dựng Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ và các mẹ Việt Nam anh hùng tại Tứ Chánh thành sự thật, ngay từ đầu năm 2020, dân thôn đã họp, chính quyền xã ủng hộ, chi bộ đồng lòng, con em xa quê vui mừng hưởng ứng… rồi một Ban vận động xây dựng Nhà bia gồm 16 người đủ thành phần các giới, từ Bí thư Chi bộ, trưởng làng, trưởng thôn, trưởng ban mặt trận, chủ nhiệm hợp tác xã, đến các cực chiến binh đủ cả… đã ra đời, khẩn trương bắt tay triển khai nhiệm vụ.

Theo ông Thái Công Nguyên, một cựu chiến binh quê ở Tứ Chánh, cũng là một thành viên tích cực của Ban vận động xây dựng Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ quy mô toàn bộ công trình này bao gồm cả Nhà bia, sân bãi xây dựng trên diện tích gần

500 mét vuông, bằng bê tông cốt thép; và dù công trình còn khiêm tốn, ít cầu kỳ nhưng cũng cần phải có gần tỷ đồng mới làm được. Dù biết hiện nay đời sống của dân thôn Tứ Chánh đã khấm khá hơn trước, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều, chính quyền còn phải lo toan bao nhiêu chuyện vì dân khác nữa.

Trong lúc nghe chuyện, tôi chợt nghiệm rằng, thì ra bất cứ điều gì dù khó khăn đến vạn lần, nếu mà lòng dân đồng thuận, cán bộ quyết tâm thì đều làm được và làm hay. Chính vì lẽ ấy, thể theo tâm nguyện của cựu chiến binh và nhân dân thôn Tứ Chánh, Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh Thừa Thiên Huế đã trích ra ba trăm triệu đồng để hỗ trợ xây dựng công trình Nhà bia liệt sĩ, số tiền còn lại phải trông cậy vào sự năng nổ, sức tín nhiệm đối với Ban vận động và lòng tri ân cởi mở của các nhà doanh nghiệp trong huyện, trong tỉnh…

Sau một thời gian kêu gọi của Ban vận động, kinh phí cũng như vật liệu xây dựng đã được tập kết, thông qua Phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện để chuyển nguồn về xây dựng công trình Nhà bia liệt sĩ thôn Tứ Chánh. Thời gian chỉ còn chờ đến ngày tốt để động thổ khởi công. Phải hơn một năm tận lực, vừa chạy kinh phí, vừa gom vật tư, vừa giám sát thi công, vừa tránh dịch, chạy lũ… của Ban vận động và cả cộng đồng dân cư Tứ Chánh, để đến ngày Quốc khánh năm 2022 thì Nhà bia mới cơ bản hoàn thành các hạng mục chính.

Theo hồ sơ bản vẽ, Nhà bia Tứ Chánh được dựng trên 6 trụ tròn quấn rồng mây ẩn hiện, lầu mái hai tầng dạng trùng thiềm theo hình lục giác, mái lợp ngói ống hoàng lưu ly. Nền lát gạch chống trượt ba cấp, tiền đường, hậu chẩm đều bê tông hình gạch lát hè phố. Chính giữa Nhà bia dựng tấm bia đá khổ lớn màu đen.

Như người chờ mong, thấp thỏm bấy lâu, đầu tháng 9 năm nay nghe tin Nhà bia Tứ Chánh sắp hoàn thành, tôi cậy nhờ xe ông Thái Công Nguyên theo về lại Tứ Chánh để kịp thắp nén hương thơm trên bệ thờ đặt uy nghiêm dưới chân bia đá ghi danh liệt sĩ và mẹ Việt Nam anh hùng. Ở đó, tôi đã đứng thật lâu, lặng lẽ nhìn, lặng lẽ đọc, lắng nghe âm thanh núi đồi truyền vọng. Ở mặt trước tấm bia người ta ghi danh trang trọng thẳng hàng hơn 110 liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và cả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, cùng với các liệt sĩ là những dãy chữ khắc đậm họ tên của 38 Mẹ Việt Nam anh hùng quê hương Tứ Chánh đã hiến dâng những người thân yêu nhất của đời mẹ vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Mặt sau tấm bia đá khắc lời văn truy niệm: “Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ - Những người con ưu tú của gia đình, dòng họ, của quê hương đất mẹ Tứ Chánh, xã Phong Sơn giàu truyền thống chống giặc ngoại xâm, đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

“Toàn thể cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Tứ Chánh, với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, thành kính dựng tấm bia này để đời đời ghi nhớ những công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ và mẹ Việt Nam anh hùng trên quê hương Tứ Chánh”.

“Tiếp bước tấm gương “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi nguyện đem hết sức mình quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc thiêng liêng và xây dựng Tứ Chánh ngày càng khang trang, giàu đẹp”.

Cùng với lời truy niệm là bài minh văn có đoạn rằng:

Một nén tâm nhang Thành tâm tưởng nhớ…
Ngàn năm sau, vạn năm sau
Không nguôi thương nhớ
Muôn vàn nỗi tiếc thương Noi gương thầm khấn gọi
.

Lòng tri ân hướng về những người đã đổ máu xương vì đất nước xưa nay là một truyền thống quý báu, nặng nghĩa hiếu trung của dân tộc. Nhưng càng quý hơn bởi những tấm lòng ân đức lại được nhân dân ở một vùng quê nghèo khó như Tứ Chánh - một thôn mới có tên hành chính sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đồng lòng thực hiện với hình thức tự nguyện. Nghĩ cho cùng thì chỉ riêng chuyện dựng Nhà bia ghi danh liệt sĩ này thôi, Tứ Chánh cũng đáng mặt anh tài rồi. Tôi thật sự xúc động và thầm biết ơn những người vì nghĩa hiếu trung đã chung tay xây dựng nên Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ ở đây. Và tôi cũng tin chắc rằng hương hồn người chú của tôi cũng đã hội tụ về đây cùng đồng đội quanh Nhà bia linh ứng này.

Tôi đứng lặng giữa cánh đồng vào buổi chiều cuối ngày tháng Tám, gió nội mơn man thoang thoảng mùi hương trầm bay lên từ ngôi đình thôn, tiếng chuông chùa Tứ Chánh gần đó vọng tới, nay kề bên lại có thêm một Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ và mẹ Việt Nam anh hùng lại càng linh diệu hơn. Trong miên man suy niệm về những gì người dân Tứ Chánh đã làm cho quê hương cách mạng còn nghèo “mở mặt mở mày” với thiên hạ, trước mắt tôi bỗng hiện lên những cơn gió lạ như đang rì rào reo cười trải dài trên cánh đồng lúa chín. Ngọn gió mát lành mùa thu báo hiệu một mùa vàng đủ đầy khát vọng mới.

Huế, tháng 9 năm 2022
H.P
(TCSH403/09-2022)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chùm thơ Khét (28/10/2022)