Tạp chí Sông Hương - Số 403 (T.09-22)
Vương Hồng Sển - 'Hơn nửa đời hư'
15:36 | 28/10/2022

ĐẶNG THỊ NGỌC PHƯỢNG

Hồi ký Hơn nửa đời hư (1992) là một trong những tác phẩm quan trọng bậc nhất trong suốt cuộc đời cầm bút mấy mươi năm của Vương Hồng Sển.

Vương Hồng Sển - 'Hơn nửa đời hư'
Ảnh: internet

Đó là bảng “tổng phổ” ông tự tổng kết cuộc đời mình, bằng lối nói lộng ngôn mang tính tự trào, tự mỉa, rằng đã đến ngoài tuổi bảy mươi, vẫn chưa làm nên được sự nghiệp gì đáng kể. Tác phẩm được ông bắt đầu viết vào cuối năm 1974, mãi cho đến tháng 7/1978 mới hoàn thành và đến năm 1992, mới đến tay bạn đọc. Hoạt động sáng tạo của Vương Hồng Sển không chỉ dừng lại ở lĩnh vực văn học, mà thể hiện tầm vóc của nhà văn hóa, “một nhà văn đặc biệt Nam bộ mà cũng là một học giả, một nhà cổ ngoạn có một không hai ở Việt Nam. Ông có một bút pháp độc đáo, duyên dáng... mà vài thập niên của thế kỷ XX chưa có nhà văn nào có thể so sánh được” [1, tr.5]. Ngoài hơn hai mươi công trình đã được công bố, ông còn có mấy ngàn trang bản thảo di cảo, có thể in thành hàng chục tác phẩm khác, chưa được công bố.

Vương Hồng Sển còn có các bút danh Chàng Vương, Đạt Cổ Trai, Vân Đình, nguyên tên là Vương Hồng Thạnh, nhưng do phát âm giọng Phúc Kiến, người làm giấy khai sinh ghi nhầm là Sển. Quê gốc ông ở Đồng Ấn, Tuyền Châu, Phúc Kiến (Trung Quốc), tổ phụ sang ngụ cư ở làng Khánh Hưng, tổng Nhiêu Khánh, tỉnh Nguyệt Giang, nay là Sóc Trăng. Ông sinh ra tại đây ngày 27/9/1902. Ông học và đỗ bằng Thành chung, bắt đầu đi làm công chức từ 1923. Cách mạng Tháng Tám 1945, ông được tổ chức Thanh niên tiền phong cử làm Phó tỉnh trưởng hành chính tỉnh Sóc Trăng trong chính quyền cách mạng. 1947 ông bị ốm nặng phải về Sài Gòn điều trị. 1949 ông vào làm việc ở Viện Bảo tàng Sài Gòn cho đến lúc nghỉ hưu (1963). Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục viết sách và có tham gia giảng dạy một số chuyên đề về văn học miền Nam và cổ ngoạn tại Đại học Văn khoa Sài Gòn và Đại học Văn khoa Huế. Ông mất tại Sài Gòn ngày 9/12/1996, thọ 94 tuổi.

Vương Hồng Sển đến với sự nghiệp văn chương tương đối chậm. Trải qua hơn hai mươi năm công chức chính ngạch cho thực dân, mấy năm tham gia kháng chiến, rồi mười mấy năm làm công tác bảo tồn bảo tàng, trước khi nghỉ hưu ba năm, ông mới cho ấn hành công trình đầu tay là Thú chơi sách (1960), trong đó ông công bố 26 ấn bản Truyện Kiều mà mình sưu tầm được, đang lưu trữ tại thư viện riêng của mình. Điều này chứng tỏ nỗi ám ảnh sáng tạo không chỉ bắt đầu vào thời điểm đó mới có trong ông, mà nó đã trở thành niềm đam mê được ông ôm ấp từ thời còn trai trẻ. Ngoài việc mê/chơi sách, ông còn là người chịu khó sưu tầm văn bản, những tài liệu liên quan đến những vùng đất/ nhân vật nổi tiếng và chưa nổi tiếng mà ông quan tâm. Ông mở một hồ sơ cho mỗi nơi và cá nhân mỗi người. Khi cần viết về một vùng đất, về hành trạng cuộc đời và sự nghiệp của một người nào đó, ông đã có sẵn tài liệu trong tay. Thao tác luận cẩn trọng và đam mê đó, còn thể hiện từ nhiều năm, ông sưu tầm và thu thập phương ngữ miền Nam, lập phiếu cho từng từ, xếp theo vần ABC, để những năm gần cuối đời, chỉ trước khi mất hai năm, ông cho ra mắt công trình Tự vị tiếng Việt miền Nam (1994), vừa có tính sinh động của một tác phẩm văn chương vừa có giá trị học thuật, không thua kém bất kỳ công trình nghiên cứu của một nhà ngôn ngữ học đích thực nào. Trong ông có sự tích hợp và đan xen giữa tư duy hình tượng của một nhà văn và tư duy logic của một nhà khoa học, không chỉ quan tâm đến đời sống văn học mà còn khơi sâu những mạch nguồn văn hóa nhân văn của vùng đất Sài Gòn - Nam bộ trong tiến trình lịch sử. Với tư cách là nhà văn - nhà văn hóa, những tác phẩm khẳng định tầm vóc của một chủ nhân “văn minh miệt vườn” (Sơn Nam) và Sài Gòn phố thị, ngoài hồi ký Hơn nửa đời hư, còn có thể kể đến bộ sách dài ba tập Sài Gòn năm xưa (tập 2, có tên là Chuyện một cô gái lưu lạc, tập 3 có tên là Văn minh, được Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh tái bản năm 2013, lấy tên chung là Sài Gòn tạp pín lù) và Chuyện cũ ở Sóc Trăng (tập 1, 2020, di cảo). Hầu như tất cả các trang viết của ông, về bất cứ lĩnh vực nào, thì Sài Gòn và Nam bộ, nơi tác giả đã sống trọn đời xuyên qua gần tròn cả thế kỷ, vẫn là niềm cảm thức mãnh liệt trong ông và đã hiện lên đẹp một cách lung linh như một bức tranh tuyệt tác, đầy sức sống và lôi cuốn người đọc nhiều thời, nhiều lứa tuổi.

Hơn nửa đời hư tiêu biểu cho phong cách kể chuyện của Vương Hồng Sển là nhớ đâu kể đó, không được sắp xếp mạch lạc, nhưng vẫn có một sự nối tiếp không đứt đoạn nhờ cách dẫn dắt tự nhiên, bình dị và khá hóm hỉnh theo khẩu ngữ Nam bộ. Đó là những ô ngăn trong ký ức của một người sống gần trọn một thế kỷ với biết bao biến động đổi thay, những trải nghiệm thăng trầm, sướng cũng có nhiều mà khổ nhục, bầm dập cũng ê chề, hy vọng cũng tràn đầy mà thất vọng cũng cứ mãi đeo mang. Trải qua một thời gian dài mấy mươi năm, đan mắc trong bức tranh của không gian đô thị Sài Gòn và miền quê sông nước Nam bộ, những sự việc, những cảnh đời, những ngón nghề ma thuật; những cuộc tiếp xúc, ăn chơi với đủ hạng người sang hèn, tốt xấu, những tiệc tùng cao sang đầy hứng khởi và mỉa mai, đem lại không ít những triết lý sống ở đời, khi ông tự thức tỉnh và nhận ra rằng, quãng đời mình có khi tốt nhưng cũng có lúc xấu, dù có “bù qua sớt lại chỉ còn một cái HƯ to tướng... Tôi thấy nhiều người về già thường viết hồi ký bêu thơm. Riêng tôi lại muốn tự bêu xấu” [2, tr.198]. Đó là âm hưởng chủ đạo nhen lên từ những hơi nồng âm ấm tro than của chân trời ký ức, mà tác giả đã giãi bày minh bạch như một lời tự bạch chân thành.

Sài Gòn năm xưa (1961) là lấy cảm hứng và sự tiếp tục từ công trình Ký ức lục khảo về lịch sử Sài Gòn và vùng phụ cận của học giả Trương Vĩnh Ký viết năm 1885 (sau 25 năm Sài Gòn bị thực dân Pháp chiếm đóng). Vương Hồng Sển kể tiếp, lần lại các sự kiện, những biến đổi từ thuở đó cho đến khi Sài Gòn trở về với người Việt và chú trọng chủ yếu những sự kiện vụn vặt trong buổi giao thời: Pháp - Nam - Chà - Chệc chung đụng, những chuyện Tây đến Tây đi, những việc chưa ai nói rõ ràng, mà tác giả nghe tận tai, nhìn tận mắt; nhiều đoạn do hiểu biết riêng, lắm đoạn nhờ các cố lão thuật lại. Ông tìm hiểu danh từ Sài Gòn, xác định vị trí Sài Gòn, nhắc lại thời Nam tiến, thời nhà Nguyễn, thời Tây đến, cùng với đó là những nhân vật nổi tiếng... Có thể coi đây là bộ lịch sử về sự hình thành và phát triển của “Hòn ngọc Viễn Đông” dưới góc nhìn và cảm thức của một nhà văn. Như một sự bổ sung cần thiết, sự tiếp tục với Sài Gòn tạp pín lù (1991) là một thứ Sài Gòn vang bóng trong tâm thức sáng tạo của tác giả và tâm tưởng của mọi người, những ai từng trải nghiệm buồn vui trên mảnh đất này. Nếu ở Sài Gòn năm xưa chủ yếu giới thiệu về nguồn gốc và vị trí lịch sử của Sài Gòn, thì đến Sài Gòn tạp pín lù ông soi tìm về lối sống đô hội của người dân, khung cảnh sinh hoạt của Sài Gòn trong hơn bảy mươi năm đầu của thế kỷ XX mà tác giả đã chứng kiến và nghiền ngẫm như một phép nghiệm sinh. Sài Gòn không có chiều dài của một nghìn năm văn vật như Hà Nội, cũng không trải qua bảy trăm năm mở cõi như xứ Huế, nhưng nơi đây cũng có những nam thanh nữ tú, có câu chuyện tình duyên dang dở; chuyện bắt nợ, chạy nợ, chuyện chơi đẹp một cách hào phóng khí khái; lại có cả những cái tệ hại trong làng chơi đủ mọi tầng lớp, từ bình dân đến thượng lưu, từ công chức đến thương nhân... Tất cả những câu chuyện đó gợi lại cho người đọc, nhất là người dân Sài Gòn, những kỷ niệm khó nguôi ngoai, gây nên những rung động, thích thú về một thời quá vãng, một đi không trở lại của Sài Gòn trước năm 1945. Xã hội Sài Gòn thời Pháp thuộc là mội xã hội mang tính “siêu quốc gia”, gồm đủ loại Tây, Tàu, Chà Và, Ma Ní... với những con người có nhiều tính nết lạ lùng trong lối sống, nếp nghĩ, cách ứng xử, khiến cho thế hệ ngày nay đọc lại những thứ Vương Hồng Sển miêu tả, như đang đọc những câu chuyện thần thoại từ thuở hồng hoang. Những nhân vật như cô Ba Trà, cô Tư Nhị, cô Năm Pho, cô Sáu Ngọc Anh, cô Bảy Hột Điều... và biết bao người đẹp khác nổi tiếng một thời, được người viết nhắc lại và miêu tả với tất cả vẻ lung linh, ám gợi bao tiếc nuối bồi hồi. Sài Gòn tạp pín lù là một cuộc “đi tìm thời gian đã mất” mang ý nghĩa hiện sinh, một chuyến hành hương về quá khứ để hồi tưởng một cách đắm say, tràn đầy cảm xúc, mùi vị, thú vui, và ngay cả những vị ngon ẩm thực không bao giờ có nữa: “Tô cháo cá chợ Cũ, bát phở đường Turc (nay là Hồ Huấn Nghiệp), bò bún, bánh hỏi thịt bò nướng của ông già Thủ Đức...” [3, tr. 267] nay chỉ còn là những món ngon bình dân trong ký ức người xưa.

Chuyện cũ ở Sóc Trăng (tập 1, 2020) là một trong hàng chục bản thảo di cảo của Vương Hồng Sển, vừa được Nxb. Trẻ ấn hành. Sách có 3 chương, dày hơn 300 trang. Theo ngày tháng tác giả ghi cuối mỗi chương, thì đây là cuốn sách ông viết vào những tháng cuối năm 1986. Không phải bây giờ ông mới nói đến nơi chôn nhau cắt rốn của mình, mà những Mánh lới nhà giàu Sài Gòn chọi với phương pháp làm giàu dân Sóc Trăng, rồi Câu chuyện bán ruộng giữa nhà giàu Sài Gòn và chủ điền lớn Sóc Trăng đã từng được ông đề cập tới trong Sài Gòn tạp pín lù. Lần này, tập trung cày xới Chuyện cũ ở Sóc Trăng, ông giải thích các địa danh, lần lại lịch sử đất Sóc Trăng từ thời thuộc người Chăm, người Miên, họ Mạc trong cuộc Nam tiến, rồi thời nhà Nguyễn, trong đó có thời vua Thiệu Trị (1841 - 1847) giao cho người Miên cai trị, và cuối cùng là thời thuộc Pháp cho đến năm 1945. Theo ông, cái vùng đất từ Xuân Lộc đến chóp mũi Cà Mau là “Cõi Nam của bán đảo Ấn Độ - China, mọc từ dưới biển lên và có từ thuở nào, nay không có sử sách gì nói lại và chứng minh cho chắc chắn (...). Tôi viết đây là ký sự về tỉnh Sóc Trăng, quê hương của tôi, và muốn chứng minh đất Sóc Trăng và đồng Bạc Liêu, chỉ nổi tiếng độ hai trăm năm, tính từ năm 1780 là năm Mạc Thiên Tích từ trần, không con nối hậu, nên sự nghiệp thâu về cơ đồ nhà Nguyễn, và Sóc Trăng với Bạc Liêu, tuy hai mà một, vẫn phát tích và hưng sùng trở nên xứ “lúa gạo” là từ lúc nhà nước đô hộ Pháp cho xáng máy tức máy vét sông, đào kênh gọi kênh Xáng, khai thông vùng nê địa Cà Mau và Đồng Tháp, nhờ vậy, đất bùn nhả bùn, đất sình nhả sình lầy, đất sạch phèn và cây lúa mới tươi tốt và đơm bông trổ hột được, thì cũng độ trăm năm, từ 1900 đến nay thôi” [4, tr.21-22].

Còn có thêm một tác phẩm thể hiện đậm nét văn phong của Vương Hồng Sển, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương thức trần thuật theo lối kể chuyện và tư duy khảo cứu biên khảo là Năm mươi năm mê hát (1968). Đó là câu chuyện về một gánh hát cải lương, một loại hình nghệ thuật sân khấu đặc trưng của Nam bộ từ thuở xa xưa, với những nghệ sĩ nổi tiếng một thời như Năm Phỉ (1907-1954), Phùng Há, Năm Châu (1906-1978), Tư Chơi (1915- 1999)... song hành với những con người thời danh ấy, là hình tượng người công chức mẫn cán, nhưng sau giờ tan sở là lăn lộn hết rạp này đến rạp khác, dường như đã được định mệnh gắn số phận mình với số phận những người cầm ca mua vui cho thiên hạ. Sự gắn kết đó kéo dài đến nửa thế kỷ, chứ không phải một sớm một chiều...

Là người mê đắm những vũ điệu mỹ miều của từng con chữ, Vương Hồng Sển đọc nhiều hiểu rộng, đi nhiều biết sâu, với tâm thức sáng tạo của một nhà văn và tầm vóc của một nhà văn hóa, ông đưa cái nhìn chăm chú trải dài khắp “cõi Nam”, nghĩa là từ Xuân Lộc - Đồng Nai đến đất mũi Cà Mau; ở đó, ông không chỉ quan tâm đến đất và người, mà còn ngưỡng vọng về văn học, và rộng hơn là văn hóa. Ông kể chuyện, nhưng nhằm mục tiêu miêu tả, phân tích và so sánh với nhiều vùng văn hóa khác có truyền thống lâu đời như Thăng Long, Huế, để nhận diện các vùng thẩm mỹ như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp, Sa Đéc, Bến Tre, Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Đồng Nai... từ những phong tục, tập quán xã hội, đến lối sống, phép ứng xử, tình cảm bạn bè, thầy trò, cha mẹ, con cái, hàng xóm láng giềng. Về văn hóa tinh thần, ông tập trung vào các lĩnh vực văn học, lịch sử, phong tục tập quán và lễ hội dân gian. Về đời sống văn học, với sự chăm chú lần theo hành trạng cuộc đời và thành tựu trên bước đường sáng tạo của các tác giả mở đầu cho nền văn chương quốc ngữ ở Nam bộ cuối thế kỷ XIX, như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản, Nguyễn Chánh Sắt, Lương Khắc Ninh, Trần Chánh Chiếu, Bùi Hữu Nghĩa, và nhất là nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu; rồi đến các tác giả đầu thế kỷ XX như Nguyễn Hữu Huân, Đông Hồ, Hồ Biểu Chánh,... Ông đi sâu phân tích các tác phẩm có nội dung yêu nước như Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Tế vợ Khóc con gái của Bùi Hữu Nghĩa, các tiểu thuyết phóng tác từ văn học Pháp như Ngọn cỏ gió đùa, Con nhà nghèo của Hồ Biểu Chánh. Ông khẳng định với sự nghiệp đồ sộ hàng trăm tác phẩm của Trương Vĩnh Ký và xem ông là người “có tri thức uyên bác, am tường và có cống hiến lớn trên nhiều lĩnh vực văn hóa cổ kim Đông Tây, nên đương thời ông được giới học thuật châu Âu liệt vào một trong mười tám nhà bác học trên thế giới” [5, tr.1866]. Và, cùng với Trương Vĩnh Ký, bên cạnh đó còn có Trương Minh Ký và Huỳnh Tịnh Của, là “ba ông minh triết bản thân, gần bùn mà chẳng nhuốm mùi bùn, không ham “đục nước béo cò” như ai, chỉ say đạo lý và học hỏi, sống đất Tào mà lòng giữ Hán, thác không tiếng nhơ, thấy đó mà mừng thầm nước nhà những cơn ba đào sóng gió còn hiếm người xứng danh học trò cửa Khổng. Nghĩ cho tay dao tay súng làm nên sự nghiệp như những nhà kia, nhưng chỉ nhắm mắt, sự nghiệp hoen ố lụn bại, sao bằng một ngòi bút, một nghiên mực, sự nghiệp văn chương trường cửu của ba ông tiền bối này mới thực quý và thơm” [6, tr.237]. Thông qua tác phẩm văn học, ông nhận diện chân dung tác giả mang đậm đặc trưng cá tính sáng tạo và phong cách văn chương; thông qua nhân vật văn học, ông khẳng định những phẩm chất đáng quý từ truyền thống văn hóa dân tộc, tạo nên tính cách con người Sài Gòn - Nam bộ như cần cù chịu khó, trọng nghĩa khinh tài, phóng khoáng nghĩa hiệp, sắt son chung thủy, kiên trung bất khuất... Về lịch sử, ông dốc ngược thời gian sự hình thành vùng đất Sài Gòn - Nam bộ gắn bó với nhau từ thuở cha ông mở cõi về phương Nam: từ khi nhà Trần gả công chúa Huyền Trân cho vua Chăm để có hai châu Ô và Lý (1307), qua nhiều mốc lịch sử, cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945; về phong tục tập quán cổ truyền, ông quan tâm đến các nghi lễ tiêu biểu như cưới hỏi, tục nhuộm răng ăn trầu; về lễ hội dân gian ông giới thiệu hai lễ hội tiêu biểu là lễ chùa Bà Thiên Hậu thánh mẫu và lễ hội Lăng Ông Thượng là ngày giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt...

Về văn hóa vật thể, ông quan tâm miêu tả, so sánh và phân tích một cách tỉ mỉ văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, văn hóa ở, và ở mỗi lĩnh vực đều lần tìm ra những vỉa tầng sâu kín, trầm tích lâu đời làm nên bản lĩnh văn hóa và rút ra ý nghĩa sâu sắc, đáng quan tâm. Ví như, về văn hóa ẩm thực, ông cho rằng ẩm thực Sài Gòn là sự kết tinh của các món ngon và độc đáo trong ẩm thực truyền thống của cả Nam bộ, vì vậy nó thể hiện qua các món ăn bình dân, mang hương vị đồng quê sông nước đầy sức hấp dẫn, chứ không phải cao lương mỹ vị của bậc vương quyền hoặc những người giàu có: cháo cá, gỏi cá, cháo ngô, cháo bột gạo, bò bún, bún bò, bún bung, cao lầu, hủ tiếu, bánh bao, bánh mì thịt băm, bánh mì xíu mại,... Ở mỗi món, ông không chỉ nêu ra những hương vị đặc trưng, nguyên liệu, cách chế biến và giá trị bổ dưỡng cũng như cảm giác thưởng thức của con người, mà còn khái quát ở tầm cao văn hóa, dường như ông luôn có cả sự đồng cảm với nhận định của nhà văn Pháp Balzac khi cho rằng: “Món ăn xét bề ngoài chỉ là cái đích của sự thỏa mãn dạ dày mang tính thực dụng. Nhưng đi sâu, ta vô cùng ngạc nhiên khi thấy nó biểu hiện trình độ văn hóa vật chất thì ít nhưng nó biểu hiện trình độ văn hóa tinh thần của dân tộc thì rất nhiều” [7, tr.23]. Về văn hóa mặc, ông chỉ ra trang phục truyền thống xưa chủ yếu là mặc để che thân đến mặc đẹp, lối mặc cổ truyền đến Âu phục, các “mốt” thầy thông thầy ký đến các kiểu thời trang phù hợp với tuổi tác, nghề nghiệp, sinh hoạt đời sống ngày nay. Về văn hóa ở, luôn gắn liền với không gian sinh hoạt và lối sống của con người nơi đây phóng khoáng, trọng tiết nghĩa và tự do, không thích gò bó, nên ít chú trọng đến việc xây dựng những công trình nhà ở tráng lệ, ngoại trừ tiến trình đô thị hóa của Sài Gòn và các trung tâm tỉnh lỵ, từ khi có cuộc sống Âu hóa tràn sang... Vương Hồng Sển chỉ ra lối sống bắt đầu sa sút về đạo đức, thể hiện quan niệm ít nhiều mang tâm thức hiện sinh, gắn liền với không gian sinh hoạt ghi dấu ấn “sử thi” của những người thuộc tầng lớp trên “những năm 1920 đến 1945, ruộng Hậu Giang nhờ kinh Xáng khai thông vừa phát, mùa trúng liên tiếp, lúa lại được giá, con cháu các chủ điền lớn đua nhau giỡn với tiền rừng bạc biển. Có thằng, cha chết chưa kịp chôn, đã ăn cắp bằng khoán ôm đi cố cho chetty lấy bạc cho kịp mua xe chở em út ăn nem hứng gió. Các chủ ruộng có con trai đều háo hức cho sang Pháp. Thi đậu trung cấp bằng thứ thiệt làm nghề thầy cãi, thầy thuốc, thầy nhổ răng, nay thảy đều già cóp. Đám khác không chuyên học chữ, lại học khiêu vũ, nhiếp ảnh, cắt may, về xứ mở phòng chụp hình (Antoine Giàu), lập nhà may Âu phục (Nguyễn Phong Tân). (...), có nhóm ít tiền, cho con ra học trường Cao đẳng ở Hà Nội, về làm đốc phủ, đốc sự, mộng huỳnh lương chưa tỉnh, sự nghiệp đã đi đời, kẻ đau tim chết sớm, kẻ chờ con lãnh sang nước ngoài chờ thời, các con chủ điền muốn xứng danh “công tử bột, phá gia chi tử” [8, tr.16-17].

Hằn nổi lên giữa không gian văn hóa của miền đất dài rộng phương Nam, vừa cụ thể vừa trừu tượng, đường nét và màu sắc đều mờ nhòa, nhưng đẹp một cách lóng lánh là hình tượng con người, trượng nghĩa và cường tráng, cao cả và nhân văn, nghĩa khí và giàu lòng vị tha - là hình tượng trung tâm, biểu hiện đa dạng và nhiều chiều kích trong trang viết của Vương tiên sinh, trong đó có cả hình tượng tác giả, thể hiện ở nhân vật tôi, chi phối trong mọi tác phẩm.

Giọng điệu văn chương làm nên phong cách sáng tạo. Như đã nói, lối viết của Vương Hồng Sển là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa tư duy hình tượng và tư duy logic, giữa ngôn từ biểu cảm và ngôn ngữ khoa học, vì vậy, với công trình Năm mươi năm mê hát có thể gọi là tác phẩm hồi ký, nhưng nếu xếp nó vào loại công trình biên khảo cũng chẳng sai. Khi Sài Gòn năm xưa vừa mới xuất bản, học giả Nguyễn Duy Cần có lý, khi cho rằng: “Thú thật, tôi đã đọc quyển sách một cách say mê như một quyển tiểu thuyết hay và hấp dẫn. Lối hành văn của tác giả rất là duyên dáng, nhưng trong tiếng cười đùa, ta cảm thấy một cái gì buồn man mác, đau đớn và chua cay. Quả là tiếng cười trong nước mắt (...), cách hành văn trong tác phẩm của họ Vương pha lẫn tâm hồn của một học giả trang nghiêm đứng đắn với tâm hồn chất phác thật thà, với những tín ngưỡng thông thường của người dân bản xứ. Nếu bạn là người trí thức bạn sẽ tìm thấy hình thức bác học của câu văn, nhưng nếu bạn là một người dân quê, một dân thầy hay dân thợ, thì bạn cũng nhìn ra cái giọng nửa thầy, nửa thợ, nửa nông dân tay lấm chân bùn một cái gì rất quen thuộc của giới mình ngay.” [9]. Và, không phải đợi đến ở thể văn hồi ký đích thực như Hơn nửa đời hư, mà ở hầu hết các tác phẩm khảo luận khác ông đều ngang nhiên chiếm vị trí nhân xưng ở ngôi thứ nhất, đều dùng thể văn kể chuyện và đưa cái tôi nhân chứng/trải nghiệm của mình vào để trần thuật, phân tích và phán xét mọi điều. Mở đầu cho Sài Gòn năm xưa, ông đưa nhân vật tôi đi dò tìm bước chân người đi trước một cách khiêm tốn và ngang nhiên: “Đến bây giờ, còn phân phân bất nhứt: các học giả vẫn bàn cãi không thôi về hai tiếng “Sài Gòn”, chẳng biết từ đâu, bởi đâu mà có. Kẻ nói vầy, người nói khác, không ai chịu ai. Tranh luận mãi càng thêm rối trí, không bổ ích vào đâu. Một điều an ủi chung cho hạng gàn như tôi chính là trong tập khảo cứu năm 1885, nhà bác học uyên thâm trong Nam, cụ Trương Vĩnh Ký, cũng tỏ ra bối rối như ai!” [10, tr.11]. Đến Sài Gòn tạp pín lù, ông chủ động đưa nhân vật tôi điều hành xuyên suốt từ đầu đến cuối, với Thay lời tựa là lá thư của một độc giả gửi cho ông, ông viết theo lối văn trần thuật và để cái tôi xuất hiện khắp mọi nơi, khi thì “thú thật hôm đó lòng tôi đang ngổn ngang rối rắm” (tr.19), khi thì “nếu tôi cứ ăn ở theo sách” (tr.20), rồi “chép đến đây, tôi xin nói lời bà V.A” (tr.23)... Cái lối viết biên khảo bằng phương thức hành văn hồi ký, bắt đầu từ việc dẫn dắt có một độc giả gửi đến một tập hồi ký, nhà văn chỉ là người biên tập và cho công bố, đã tạo nên sự sinh động độc đáo cho công trình nghiên cứu của Vương Hồng Sển, hiếm thấy xuất hiện ở những tác giả khác. Tương tự, ở công trình biên khảo Chuyện cũ Sóc Trăng, nhân vật tôi cũng xuất hiện chi phối mọi thành tố làm nên chỉnh thể nghệ thuật, nhưng việc kể lại đặt trong mối quan hệ với bạn bè thuở xưa, với người thân hoặc với các học giả đi trước, khi thì “tôi nay ăn năn đã muộn, vì cha mẹ không còn” (tr.5), khi thì “đã từ lâu, tôi vẫn có ý muốn soạn về sự tích tỉnh Sóc Trăng” (tr.8), rồi lại “viết đến đây, tôi còn nhớ rành rạnh như việc vừa xảy ra ngày hôm qua” (tr.18)... Tóm lại, văn phong biên khảo của Vương Hồng Sển là văn phong sáng tác, nó mở ra một chân trời thênh thang cho tư duy tưởng tượng, nó đích thị là văn chương tưởng tượng chứ không gò bó trong khuôn vàng thước ngọc, mà đôi khi đến mức xám xịt của văn chương lý trí. Điều quan trọng là, các luận điểm, các vấn đề mà tác giả đưa ra đều có luận chứng để chứng minh và lý giải một cách chuẩn xác, tạo nên những giá trị học thuật minh bạch và khó bắt bẻ. Đó là điểm khác biệt của văn chương biên khảo Vương Hồng Sển với các nhà biên khảo khác. Và cũng chính điều này đã tôn cao hình tượng tác giả sừng sững trong tác phẩm, biến công trình biên khảo thành một sinh thể nghệ thuật đặc sắc. Đến như Sơn Nam - nhà văn tài danh của Nam bộ, tuy tuổi đời nhỏ thua ông nhưng đến với văn chương sớm hơn ông và đã có những thành công không thua kém - cũng phải ngước nhìn một cách thán phục rằng: “Những gì ông viết ra, có khi chỉ là chuyện lụn vụn “tào lao”, “loạn xà ngầu”, nhưng với những người đến sau, nó mang một giá trị to lớn, nó chất chứa những niềm say mê và quyến rũ khoa học thật lạ lùng” [11, tr.1].

Vương Hồng Sển là chứng nhân đã sống gần trọn thế kỷ XX, là người hiểu biết tường tận những sự kiện lịch sử và nhiều lĩnh vực liên quan đến văn hóa Nam bộ. Ông còn là nhà nghiên cứu đồ cổ nổi tiếng ở Việt Nam. Trong suốt cuộc đời, ông trút hết gia sản tiền bạc cho việc sưu tầm đồ cổ Việt Nam và Trung Hoa có giá trị nghệ thuật độc đáo. Ông mất tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/12/1996, hưởng thọ 94 tuổi: “Trước khi qua đời, Vương Hồng Sển tự nguyện hiến tất cả tài sản (gồm ngôi nhà cổ thời Minh Mạng (1820 - 1840), mọi đồ cổ ngoạn (hơn 1.000 hiện vật có giá trị - người viết), sách vở đã sưu tầm được và đã viết trong bảy mươi năm), để làm một Tàng cổ Vương Hồng Sển tại thành phố Hồ Chí Minh” [12, tr.2915], trong khi ngôi mộ ông đang yên nghỉ tại quê nhà, theo phong tục của người Phúc Kiến, chỉ là một ngôi mộ nhỏ đơn sơ, có xây bọc nền tròn, một tấm bia nhỏ nằm lẩn khuất như bao nhiêu chúng sinh khác, tại thành phố Sóc Trăng [13].

Huế 2022
Đ.T.N.P
(TCSH403/09-2022)

 

--------------------------------
[1] Nguyễn Q. Thắng (2013) Lời giới thiệu cho lần tái bản Sài Gòn tạp pín lù của Vương Hồng Sển, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
[2] Vương Hồng Sển (2013), Hơn nửa đời hư, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
[3,8] Vương Hồng Sển (2013), Sài Gòn tạp pín lù, sđd
[4] Vương Hồng Sển (2020), Chuyện cũ ở Sóc Trăng (tập 1), Nxb. Trẻ.
[5] Dẫn theo Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Huệ Chi (2004), mục từ Vương Hồng Sển trong Tự điển văn học (bộ mới), Nxb. Thế giới.
[6,10] Vương Hồng Sển (1991), Sài Gòn năm xưa, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
[7] Dẫn theo Cao Minh Mẫn (2011), Ẩm thực Nam bộ, đau đáu hương vị cội nguồn, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
[9] Nguyễn Duy Cần (1961), “Cảm tưởng của tôi về quyển Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển”, báo Tự do, ngày 7/4/1961.
[11] Dẫn theo Hoàng Thị Lắm (2014), Vương Hồng Sển - nhà nghiên cứu văn hóa, Khóa luận tốt nghiệp ngành Văn học, khóa 34, khoa Ngữ văn, ĐHKH Huế.
[12] Trần Mạnh Thường (2008), Các tác gia văn chương Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin.
[13] Phạm Phú Phong (2010), “Về Sóc Trăng thăm mộ chàng Vương”, báo Quảng Nam cuối tuần, ngày 7/10/2010.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chùm thơ Khét (28/10/2022)