Tạp chí Sông Hương - Số 405 (T.11-22)
Hành trình đi tìm kịch bản tuồng cổ Huế
08:27 | 13/12/2022

NGUYỄN THẾ
        Bút ký dự thi

Trước năm 1975, tôi học ở Trường Quốc  Học  Huế.  Khi  chuyển từ lớp đệ tứ (đệ nhất cấp) lên lớp đệ tam (đệ nhị cấp), tôi đăng ký vào học ban C (phân ban văn chương và ngoại ngữ).

Hành trình đi tìm kịch bản tuồng cổ Huế
Ảnh: internet

Hồi đó, tôi thường xuyên đến thư viện của trường mượn sách đọc thêm để trau dồi văn chương và bổ sung thêm kiến thức. Có lần tôi đọc được cuốn Tuồng Huế của tác giả Đoàn Nồng (nguyên là giáo viên Trường Quốc Học), tôi mới hiểu biết thêm về tuồng, một bộ môn nghệ thuật thịnh hành dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn cho đến những thập niên 60 (thế kỷ XX) trên đất Huế. Là người đam mê văn hóa nghệ thuật, tôi nộp đơn thi vào Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế, tôi thi đỗ cả 2 môn âm nhạc và thoại kịch (kịch nói). Thấy tôi có hoàn cảnh khó khăn mà đam mê học tập, nên thầy Nguyễn Xuân Phong (Giám đốc trường) ngỏ lời giúp đỡ và nuôi tôi ăn học. Gia đình thầy ở ngay trong khuôn viên trường (nhà hát Duyệt Thị Đường), nên tôi có điều kiện tiếp xúc nhiều với các diễn viên lão thành của tuồng Huế, ca Huế, các thầy dạy nhạc lễ (nay gọi là Nhã nhạc cung đình), diễn viên đoàn ba vũ, các thầy cô và học viên ngành nhạc Tây phương, Quốc nhạc… Tôi thường xuyên được xem và nghe họ đàn hát, múa, diễn tuồng… Thỉnh thoảng tôi còn ra rạp hát Đồng Xuân Lâu ở đường Phan Đăng Lưu bây giờ để xem diễn tuồng. Kể từ đó, niềm đam mê về văn hóa nghệ thuật dân tộc bắt đầu ngấm vào mình lúc nào không hay.

Sau này, khi công tác ở Phòng Văn hóa huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi thường xuyên đi điền dã để nghiên cứu về lịch sử văn hóa ở các làng xã, được tiếp xúc với các bậc bô lão. Họ đã say sưa  kể cho tôi nghe những truyền tích xa xưa của vùng đất, những hoạt động về văn hóa văn nghệ dân gian sôi nổi một thời trong các dịp lễ hội làng.“Đám chay, hát bội” là thuật ngữ gắn liền với hoạt động văn hóa làng xã ngày xưa. Trong các dịp lễ hội, ngoài những trò chơi, trò diễn dân gian, các làng thường rước thêm gánh hát bội (đoàn tuồng) để biểu diễn cho dân làng xem.

Tuồng (hát bội, hát bộ) là một bộ môn nghệ thuật độc đáo có lịch  sử phát triển từ lâu đời ở nước ta. Dưới thời phong kiến, tuồng là món ăn tinh thần mà từ vua, quan cho đến thứ dân đều yêu thích. Huế là cái nôi của nghệ thuật tuồng dưới thời phong kiến. Thời Nguyễn, có nhiều những ông hoàng, bà chúa tham gia sáng tác tuồng, lập gánh hát tuồng. Những đoàn tuồng này không chỉ biểu diễn trong cung nội mà còn phục vụ cho dân chúng bên ngoài. Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân “vùng sâu vùng xa”, đã có những đoàn “tuồng làng” ra đời như: đoàn tuồng làng Chợ Cạn (Quảng Trị), đoàn tuồng làng Thế Chí (Thừa Thiên Huế)... Làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền trước đây có đoàn tuồng của ông Bang Heo. Nghệ sĩ tuồng Nguyễn Thị Liễu, từ khi lên 9 tuổi đã mê hát tuồng nên ông nội (cũng là một người mê tuồng) đã cho bà theo học tuồng với ông Bang Heo, chủ đoàn tuồng ở làng. Rồi sau đó cho bà tiếp tục vào học lớp tuồng đồng ấu ở Huế. Bà là một diễn viên tuồng xuất sắc, từng theo thầy lưu diễn khắp các tỉnh miền Trung. Bà Nguyễn Thị Liễu nổi tiếng với các vai diễn: Hồ Nô, Kỷ Lan Anh, Hồ Nguyệt Cô, Đào Tam Xuân… Năm 1997, bà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Với mong muốn góp phần vào việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là đối với bộ môn nghệ thuật tuồng truyền thống. Từ khi còn học ở Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế, tôi đã bắt đầu quan tâm về nghệ thuật tuồng. Sau này, khi còn  là một viên chức phòng văn hóa cấp huyện, với đồng lương ít ỏi nhưng tôi đã cố gắng đặt mua các sách, báo, tạp chí chuyên ngành để trau dồi thêm sự hiểu biết về lịch sử - văn hóa và các bộ môn nghệ thuật dân tộc. Nhiều năm liền, đến kỳ nghỉ phép   là tôi lại ra Bắc vào Nam, tìm đến những cơ quan văn hóa nghệ thuật, các nhà hát tuồng, gia đình các nghệ sĩ, diễn viên tuồng, các nhà nghiên cứu, để tìm kiếm những tư liệu liên quan đến nghệ thuật tuồng. Đặc biệt là tìm những kịch bản tuồng cổ của Huế đang lưu lạc khắp nơi trong nước. Vẫn biết việc tìm lại những kịch bản tuồng cổ viết bằng chữ Nôm ngày xưa là việc khó. Trước hết là phải đọc được chữ Nôm, một loại văn tự mà cha ông ta đã sáng tạo từ chữ Hán dùng để ký âm tiếng nói của dân tộc Việt. Có điều may mắn là tôi có học Hán Nôm, nên đọc được chữ Nôm. Mặc dù trình độ Hán Nôm của tôi chỉ ở mức trung bình, nhưng có thể phân biệt được đâu là những văn bản tuồng, chèo, thơ, văn xuôi… vì vậy tôi đã tiếp cận được khá nhiều kịch bản tuồng cổ viết bằng chữ Nôm. Trong đó có những bản tuồng của Huế.

Tuồng cổ viết bằng chữ Nôm là những vở tuồng nguyên gốc, ít bị “tam sao thất bản”, là di sản văn hóa quí giá của cha ông. Vì vậy, tôi đã quyết tâm lên đường tìm di sản tuồng cổ. Nơi tôi đến đầu tiên là Viện Sân khấu Việt Nam ở Hà Nội. Khi biết được mục đích của tôi, TS. Trần Đình Ngôn, Viện trưởng Viện Sân khấu và cô Trần Thanh Vân, chuyên gia Hán Nôm của Viện đã giúp tôi tiếp cận với các vở tuồng cổ bằng chữ Nôm do Viện Sân khấu mua năm 1976 từ ông Giám Cơ (tức ông Hoàng Ngọc Cơ), con nuôi của bà Tuần vũ Đặng Ngọc Oánh, trưởng đoàn hát bội Đồng Hỹ Ban, tiền thân của đoàn tuồng Đồng Xuân Lâu). Số lượng kịch bản tuồng ở đây có khoảng 50 vở, nhưng phần lớn các vở tuồng này đều không còn đủ chương hồi, một số bản đã bị mục, rách… Song đây là một phần di sản quý báu của bộ môn nghệ thuật tuồng truyền thống Huế. Đặc biệt, trong di sản tuồng cổ của Huế hiện đang lưu trữ ở đây còn có năm hồi (từ 1 - 5) của vở Quần Phương Tập Khánh gồm 273 trang chữ Nôm. Đây là một vở tuồng pho tiêu biểu của tuồng Cung đình Huế dài hàng chục hồi; tương truyền vở tuồng này do Nguyễn Thuật, Đào Tấn cùng một số văn quan nổi tiếng trong Ban Hiệu Thư sáng tác dưới thời vua Tự Đức. Các nhà nghiên cứu tuồng thường gọi vở tuồng này bằng nhiều tên khác nhau như: Quần Phương hiến thụy, Quần Phương hiến thọ hay Quần Trân hiến thụy.

Khảo cứu những văn bản tuồng cổ ở nơi đây, tôi đã tìm thấy những cứ liệu, bằng chứng để xác định đây chính là những vở diễn của sân khấu tuồng Huế vào cuối triều Nguyễn. Cụ thể trên các vở tuồng có đóng các dấu: Théâtre Đồng Xuân Lâu - Rue Gia Long, dấu tròn thứ hai được đóng nhiều trên các vở tuồng, vòng ngoài có dòng chữ: Đoàn Hát Bộ Đồng Hỹ Ban, ở giữa  là hai dòng chữ: Chủ Nhân - Hoàng Ngọc Cơ, dấu thứ ba hình quả trám: Phần vành trên dấu khắc tên: Lê Trung Cư bằng tiếng Việt, ở giữa dấu là tên Lê Trung Cư bằng chữ Hán. Dấu này được đóng ở đầu các bản tuồng, chồng lên dấu Đồng Hỹ Ban (chưa rõ ông Lê Trung Cư là ai). Còn ông Hoàng Ngọc Cơ chính là người chỉ huy (đốc công) trùng tu Thanh bình thự từ đường, nơi thờ cúng các vị tiền hiền ngành tuồng ở Huế vào năm 1958. Tấm bia chữ Hán ghi công cuộc trùng tu lần đó có khắc tên: Đốc công Hoàng Ngọc Cơ.

Sau khi khảo sát những vở tuồng cổ Huế ở Viện Sân khấu,  tôi  tiếp  tục đến Nhà hát Tuồng Trung  ương ở Khu văn công Mai Dịch, Hà Nội. Tiền thân của Nhà hát Tuồng Trung ương là Nhà hát Tuồng Bắc được thành lập từ năm 1959. Ngoài các nghệ sĩ tuồng xứ Bắc, đây cũng là nơi qui tụ của một số đạo diễn, nghệ sĩ tuồng nổi tiếng của miền Trung như: Tống Phước Phổ, Hoàng Châu Ký (Quảng Nam)… Đáng chú ý là có sự góp mặt của nữ nghệ sĩ tuồng Đoàn Thị Ngà, người gốc An Cựu,  Huế. Bà sinh năm 1906, là một đào hát nổi tiếng từ những năm 1925 - 1930, từng được nhiều đoàn hát ở miền Bắc mời biểu diễn. Buổi diễn trong dịp   lễ mừng thọ vua Khải Định ở Huế,  bà đóng vai Điêu Thuyền (vở Phụng Nghi Đình) rất xuất sắc, được nhà vua ban thưởng. Năm 1993, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú; bà mất trong cùng năm ấy ở Khu văn công Mai Dịch, Hà Nội.

Tại Nhà hát Tuồng Trung ương, tôi đã gặp NSND Hoàng Khiềm, Giám đốc Nhà hát. Ông đã tiếp tôi rất niềm nở, khi biết tôi là người chuyên nghiên cứu về tuồng và đang đi tìm những vở tuồng cổ của tiền nhân để lại, đặc biệt là những vở tuồng từ cung đình Huế. NSND Hoàng Khiềm đã cho tôi biết: ông (Hoàng Khiềm), NSND Đàm Liên và nhiều nghệ sĩ tuồng nổi tiếng đều là học trò của nghệ sĩ tuồng Đoàn Thị Ngà. Nghệ  sĩ Đoàn Thị Ngà là người đã trực tiếp truyền thụ các vai mẫu cho các nghệ sĩ, diễn viên ở nhà  hát  tuồng. Tôi đã hỏi ông về những tài liệu lưu trữ bằng Hán Nôm ở nhà hát có còn gì không? Sau một hồi suy nghĩ, ông bảo rằng có, nhưng không biết là tài liệu gì vì ông không đọc được chữ Hán Nôm. Ông đã đưa tôi đến phòng văn thư lưu trữ của nhà hát, nhờ cô nhân viên lục tìm. May thay, chúng tôi đã tìm được một bó tài liệu lớn viết bằng chữ Nôm. Sau khi khảo sát kỹ từng tập, tôi mới phát hiện đây là 18 vở tuồng cổ viết bằng chữ Nôm còn khá nguyên vẹn. Trong đó có vở tuồng Sơn Hậu (đầy đủ cả 3 hồi với 190 trang) được chép vào năm Khải Định thứ 8 (1923), lạc khoản ghi tên người chép như sau: “Văn Đình Phụ Nguyên Thị Văn Lan cẩn chí”. Một số vở có ghi thêm chữ: gia bảo, gia thư, hoặc ghi cả tên chủ nhân lẫn người chép tuồng. Song cho đến nay, tôi vẫn chưa có điều kiện khảo cứu thân thế của chủ nhân để biết đích xác xuất xứ của những bản tuồng này. Theo tôi, rất có thể những kịch bản tuồng ở Nhà hát Tuồng Trung ương có mối liên quan với nghệ sĩ Đoàn Thị Ngà. Vì ông thân sinh của bà Đoàn Thị Ngà là một cụ đồ Nho, ông thường xuyên sao chép các bản tuồng chữ Nôm và nhắc vở cho các diễn viên tuồng. Tên các vở tuồng cổ chữ Nôm được lưu giữ ở Nhà hát Tuồng Trung ương phần lớn trùng với tên các vở tuồng được diễn nhiều ở Huế trước đây. Phải chăng những bản tuồng này từng là hành trang của nghệ sĩ tuồng Đoàn Thị Ngà khi từ Huế ra Hà Nội?

Thư viện Viện  Nghiên  cứu Hán Nôm ở Hà Nội hiện đang lưu trữ hai loại văn bản tuồng cổ được viết bằng chữ Nôm: Loại thứ nhất là các văn bản tuồng cổ sưu tầm được  ở trong nước bao gồm các văn bản chép tay và các bản in khắc gỗ, gồm 12 vở, trong đó 2 vở: Giang tả cầu hôn Kim Thạch kỳ duyên mỗi vở có 2 bản. Đặc biệt có vở Tiểu Sơn Hậu diễn ca (còn gọi là Hậu Sơn Hậu) dài 128 trang. Loại thứ hai là bản chụp (photocopy) các vở tuồng cổ Việt Nam  đang  được  lưu  trữ  tại Thư viện Hoàng gia Anh quốc (British museum). Toàn bộ bản chụp các vở tuồng được đóng thành 27 tập, gồm 46 vở. Năm 1971, Chính phủ Anh đã trao tặng lại cho chính quyền miền Nam tại Sài Gòn. Tháng 11 năm 1988, Viện Thông tin Khoa học xã hội đã chuyển giao toàn bộ tài liệu này cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Trong 46 vở tuồng của Thư viện Hoàng gia Anh có một số vở chèo cổ.

Trong thời gian ở Hà Nội, tôi đã tìm đến nhà ông Nguyễn Huy Hồng, tác giả cuốn Truyền thống sân khấu Huế. Song, lúc đó ông đang bị bệnh nên chỉ nằm trên giường để tiếp chuyện với tôi. Tôi có hỏi ông về kịch bản tuồng cổ chữ Nôm, nhưng ông bảo rằng hồi trước, khi vào Huế nghiên cứu để viết cuốn Truyền thống sân khấu Huế, do không rành chữ Nôm nên mặc dù có thấy nhưng ông không sưu tầm những bản tuồng này. Ông bảo là có sưu tầm được tập “Thất cách bản”: lời bài hát văn khi tế tổ tuồng và một số pano, áp phích của đoàn tuồng Đồng Xuân Lâu… nhưng lại để tại ngôi nhà riêng của ông ở Chương Mỹ, Hà Tây. Ông cũng cho tôi biết là có vị đồng nghiệp đã từng mượn kịch bản tuồng của các lão nghệ sĩ tuồng ở Huế. Thế nhưng sau khi tìm hiểu lại các lão nghệ sĩ ở Huế thì được biết rằng những bản tuồng quí giá ấy đã không hề “hồi cố chủ”. Cho đến nay, người mượn và người cho mượn đã trở thành người thiên cổ. Số phận những bản tuồng quí giá ấy không biết bây giờ trôi giạt nơi đâu? Cũng có chuyên gia Hán Nôm đánh tiếng với tôi rằng, ông có sưu tầm được một số bản tuồng viết bằng chữ Nôm, muốn chuyển nhượng. Mặc dầu biết đó là di sản văn hóa quí giá, nhưng với thu nhập của tôi lúc đó, thì làm sao đủ để mua những bản tuồng ấy. Có lần do không còn tiền để tiếp tục công việc, tôi đã mạnh dạn đến Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế, gặp anh Nguyễn Xuân Hoa, Giám đốc Sở, tôi đã trình bày về công việc tôi đã làm và đề nghị anh tạo điều kiện hỗ trợ cho tôi một ít kinh phí. Lần đó, tôi được hỗ trợ một số kinh phí nhỏ thông qua một hợp đồng ký kết cung cấp danh mục và viết một báo cáo về di sản tuồng cổ Huế cho Sở Văn hóa - Thông tin.

Sau những chuyến đi tìm tuồng Huế ở Hà Nội, tôi tiếp tục vào Đà Nẵng để gặp ông Lê Văn Xuân, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng của miền Trung. Lúc này ông Lê Văn Xuân cũng đang ốm, nằm ở nhà người con gái để tiện bề chăm sóc. Nhưng ông cũng nhiệt tình viết mấy chữ cho tôi về nhà gặp cậu con trai để cậu ấy mở các rương hòm lưu trữ của ông cho tôi khảo cứu. Tôi rất mừng khi tiếp cận được một “kho tàng” Hán Nôm có xuất xứ từ Huế. Đây là những rương tài liệu do ông Lê Văn Xuân mua lại từ gia đình bà chúa Nhất (Hoàng trưởng nữ của vua Dục Đức), bà này từng là chủ của một đoàn tuồng ở Huế. Phần lớn kho tàng này là kịch bản tuồng cổ bằng chữ Nôm gồm: 31 hồi tuồng Tam quốc chí, 3 hồi Vạn bửu và một số hồi của các vở: Ngũ hổ, Trầm hương các, Bình Liêu, Điện Bắc, Lôi phong tháp... Sau khi khảo cứu những vở  tuồng  này, tôi phát hiện được rằng đây chính là những văn bản gốc của tuồng cung đình Nguyễn. Bởi lẽ, một số bìa đóng ở ngoài là loại giấy “long đằng”, loại giấy màu vàng có in nổi hình rồng; đây chính là loại giấy dùng để viết sắc phong nên còn gọi là giấy sắc. Đặc biệt ở vở Lôi phong tháp còn có dấu ấn “Diên thọ cung bảo”, tức vở tuồng này từng được lưu giữ ở Diên Thọ cung (Đại nội Huế). Vở tuồng Tam quốc chí ở đây có tập mang số thứ  tự 114. Như vậy, trong kho tàng tuồng cổ của triều đình Huế trước đây đã từng có pho tuồng “trường thiên” Tam quốc chí 120 tập, tương đương với 120 hồi của sách Tam quốc chí diễn nghĩa. Ngoài ra còn có nhiều tài liệu Hán Nôm khác, trong đó có cuốn Chinh phụ ngâm diễn âm từ khúc, đây là bản chép tay sao lại bản in Tân san Chinh phụ ngâm từ khúc, được in từ năm Gia Long 14 (1815) do Chính Trực đường hiệu tử (Bản này đã được chụp và in lại trong Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 13B). Tôi biết đây là di sản văn hóa quí giá của triều Nguyễn, nhưng không biết làm sao được. Tôi cũng đã báo với lãnh đạo của ngành văn hóa  ở Thừa Thiên Huế, nhưng các vị ấy lắc đầu. Sau đó tôi ra Hà Nội, gặp anh Phạm Thế Khang, Giám đốc Thư viện Quốc gia, trực tiếp trao đổi và báo cáo bằng văn bản với anh về di sản Hán Nôm của ông Lê Văn Xuân ở Đà Nẵng. Tôi nghĩ rằng, chỉ có ngành thư viện mới có điều kiện tiếp quản bằng hình thức mua hoặc biếu tặng. Sau đó anh Phạm Thế Khang đã liên lạc với lãnh đạo Thư viện Đà Nẵng. Nghe nói, hai bên đã thỏa thuận, nhưng khi ông Lê Văn Xuân mất thì Thư viện Đà Nẵng không tiếp quản được vì không có di chúc của ông Lê Văn Xuân về việc này. Anh Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên Huế) có cho tôi biết, bản quyền tác phẩm của ông Lê Văn Xuân đã có một công ty kinh doanh văn hóa phẩm mua lại. Nhưng không biết số phận di sản văn hóa Hán Nôm quí giá mà ông Lê Văn Xuân mua từ Huế sau đó ra sao?

Nhớ lại, có lần đến Thư viện Quốc gia, gặp anh Phạm Thế Khang, Giám đốc Thư viện. Khi biết được tôi muốn tìm những bản tuồng cổ chữ Nôm đang được bảo quản ở đây, ông đã nhiệt tình gọi cô phụ trách phòng bảo quản tài liệu, giao nhiệm vụ cho cô ấy giúp đỡ tôi tìm những vở tuồng cổ viết bằng chữ Nôm có ở Thư viện Quốc gia. Ở đây tôi đã tiếp cận được một số vở tuồng cổ chữ Nôm, nhưng theo quy định của thư viện, số tài liệu quý này không cho phép photocopy cho bạn đọc mà chỉ có cán bộ chuyên môn của thư viện thực hiện số hóa bằng phương tiện chuyên dụng mà thôi. Vì vậy, tôi chỉ thống kê được qua danh mục. Trước khi ra về, tôi đã đến chào và cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của anh Phạm Thế Khang. Tôi báo cáo với anh rằng, tôi rất muốn sao chụp lại vở tuồng Sơn Hậu nhưng đã có quy định của thư viện nên không thực hiện được. Anh mỉm cười bắt tay tôi và nói: Để đó mình giúp. Quả thật, sau khi vào Huế khoảng được một tuần thì nhận được bản sao chụp vở tuồng Sơn Hậu hơn hai trăm trang do anh Phạm Thế Khang, Giám đốc Thư viện Quốc gia gửi  tặng. Tôi  mừng vì việc làm của mình đã được các vị lãnh đạo ngành văn hóa quan tâm.

Theo sự chỉ bảo của GS. Hoàng Châu Ký, tôi tiếp tục rong ruổi vào Thành phố Hồ Chí Minh gặp GS. Nguyễn Lộc, tác giả cuốn Từ điển Nghệ thuật Hát bội Việt Nam (GS. Nguyễn Lộc là con rể của GS. Hoàng Châu Ký). Trước khi đi, tôi còn nhờ thầy Nguyễn Đình Thảng (thầy dạy Hán Nôm của tôi) viết thư giới thiệu với GS. Vì vậy GS. Nguyễn Lộc đã niềm nở đón tiếp khi biết được nội dung công việc của tôi. Ở nhà GS. Nguyễn Lộc, tôi đã đối chiếu lại danh mục tuồng mà tôi đã từng khảo cứu với danh mục liệt kê trong cuốn Từ điển Nghệ thuật Hát bội Việt Nam. Tôi phát hiện có một số vở tuồng GS chưa kịp đưa vào từ điển. GS ngỏ ý đề nghị tôi cộng tác, tiếp tục bổ sung đầy đủ thông tin cho lần tái bản cuốn Từ điển Nghệ thuật Hát bội Việt Nam. Song do điều kiện ở xa, hơn nữa công việc sưu tầm kịch bản tuồng của tôi vẫn đang tiếp tục nên lúc ấy tôi chưa nhận lời với GS.

Kho tàng di sản tuồng cổ chữ Nôm của cha ông ta ngày xưa rất đồ sộ, có thể kể đến hàng trăm vở. Song trải qua thiên tai địch họa và sự thoái trào nhanh chóng của bộ môn nghệ thuật tuồng nên số phận kịch bản tuồng cổ cũng theo đó mà dần bị quên lãng, ít người quan tâm. Hiện nay số lượng kịch bản tuồng cổ viết bằng chữ Nôm vẫn còn nhiều và được bảo quản ở các Bảo tàng, Thư viện, Trung tâm lưu trữ, tủ sách cá nhân... trong và ngoài nước. Tuy nhiên vẫn có tình trạng nhiều vở tuồng không còn đầy đủ chương hồi. Một số vở đang phải chịu số phận lưu lạc nghiệt ngã (có thể hồi một đang ở Việt Nam nhưng hồi hai, hồi ba lại nằm ở Pháp, ở Mỹ…). Rất tiếc đến nay, di sản văn hóa quí giá này vẫn chưa được khai thác để thế hệ hôm nay có thể hiểu giá trị của kịch bản tuồng cổ. Đặc biệt là những giá trị về lịch sử, văn học, triết học, ngôn ngữ… thông qua nội dung lời thoại, ca từ của tuồng. Phải nói rằng, ngôn ngữ văn chương của tuồng cổ chữ Nôm không kém gì Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc và những tác phẩm thơ Nôm, truyện Nôm khác trong kho tàng văn học cổ của Việt Nam. Xin dẫn một vài câu trong kịch bản tuồng mà tôi đã sưu tầm được:

Non Đoài chạnh chiều vàng xế xế,
Thiền đong đưa đủng đỉnh tiếng chày,
Tiều thung thăng chở củi chất am mây,
Mục eo óc đưa trâu về tụy dã,
Ngư vất chài nằm chơi thong thả,
Canh tựa cày đứng mát thảnh thơi...

                  (Tuồng “An trào kiếm” - Khuyết danh)

Tuồng từng là món ăn tinh thần và là bộ môn nghệ thuật sân khấu chính thống được triều đình Huế (ngay từ thời các chúa Nguyễn) quan tâm phát triển. Tham gia sáng tác kịch bản tuồng có sự góp mặt của các bậc vua chúa, hoàng thân quốc thích, quan lại, các bậc danh nho hoặc những người có học vấn ở các địa phương. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là tư tưởng Nho giáo, nên phần lớn nội dung của các vở tuồng trong thời kỳ ấy đều đề cao tinh thần trung quân ái quốc, đạo  đức,  luân  lý  gia  đình  và xã hội. Những điều được nêu trong tam cương, ngũ luân của học thuyết Nho giáo. Đó là mối quan hệ về Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa giữa vua tôi, cha con, anh em, bạn bè, chồng vợ..., ca ngợi chân thiện mỹ, đả phá những thói hư tật xấu của xã hội. Tuy vậy, khái niệm “trung quân” trong tuồng cũng được phân biệt rạch ròi, bề tôi hiền đức chỉ “trung” với đấng minh quân, chứ nếu “trung” với “hôn quân” thì đó là “ngu trung”. Vì vậy, họ đã mạnh dạn lên tiếng:

Trụ tàn bạo thì ta bội Trụ,
Chu đức nhơn sao chẳng phò Chu.

                                    (An trào kiếm)

Ngày nay, với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, người  dân  có thể thưởng thức văn hóa nghệ thuật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; phương tiện “số hóa” trên các thiết bị cá nhân như máy tính, điện thoại… Nhiều loại hình nghệ thuật mới ra đời, đáp ứng cho nhu cầu giải trí của xã hội đương đại. Đa số khán giả trẻ ngày nay ít mặn mà với nghệ thuật truyền thống dân tộc. Sân khấu truyền thống ngày càng thiếu vắng khán giả, nhất là đối với các loại hình nghệ thuật như: tuồng, chèo, cải lương… Vì vậy, thế hệ hôm nay khó mà hiểu được giá trị di sản văn hóa quí giá của cha ông để lại. Những năm qua, với mục tiêu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, nhiều loại hình nghệ thuât văn hóa dân tộc đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Mong rằng các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc, trong đó có di sản nghệ thuật tuồng tiếp tục được bảo tồn và phát huy một cách bền vững trong dòng chảy văn hóa của dân tộc.

Năm 2004, với kết quả sưu tầm và khảo cứu về tuồng cổ chữ Nôm, tôi được mời tham dự Hội thảo Quốc tế về chữ Nôm tổ chức ở Hà Nội, với tham luận: “Tuồng cổ chữ Nôm - di sản văn hóa Việt Nam”. Tôi đã trực tiếp trình bày nội dung tham luận này trong Hội thảo, được giới nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Đến năm 2008, thông qua Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, tôi  tiếp  tục nhận được học bổng của Viện Harvard - Yenching để nghiên cứu đề tài: “Tìm hiểu tư tưởng Nho giáo trong nghệ thuật tuồng Việt Nam qua vở tuồng Ngự Văn Quân”. Khi nhận công văn của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ông Nguyễn Viết Hoạch - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền đã nhất trí cho tôi được tạm nghỉ công tác ở huyện để ra Hà Nội thực hiện đề tài (nhưng vẫn được nhận lương ở cơ quan). Nhờ vậy, tôi mới có thêm một ít kinh phí để sao chụp và mua thêm một số bản tuồng do Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa của chính quyền Sài Gòn phiên dịch và ấn hành trước năm 1975. Ngự Văn Quân nguyên là vở tuồng gốc của Huế, phần giáo đầu mở bằng hai câu:

Linh phụng thê Ngự lĩnh,
Thần qui xuất Hương Giang…

 

(Chim phụng đậu trên đỉnh núi Ngự,
Rùa thần xuất hiện từ sông Hương…).

Hành trình đi tìm tuồng cổ đối với tôi tuy lắm gian nan, nhưng thành quả mang lại cũng vô cùng mỹ mãn, vì tôi đã giới thiệu được di sản văn hóa quý giá này với bạn bè thế giới thông qua cuộc Hội thảo Quốc tế về chữ Nôm và thực hiện đề tài về tuồng do Viện Harvard - Yen ching của Đại học Harvard, Hoa Kỳ tài trợ. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan, các nhà nghiên cứu, các đồng nghiệp mà tôi đã thống kê được khoảng 200 vở tuồng cổ, sao chụp được mấy chục vở tuồng viết bằng chữ Nôm. Có một kỷ niệm tôi không bao giờ quên là khi ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã đến thăm NSND Kim Cương, người đã từng trao học bổng cho tôi khi tôi còn học lớp thoại kịch năm thứ 2 ở Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế. Chị Kim Cương  không có bản tuồng cổ nào, nhưng chị đã tặng tôi một số sách, tài liệu quý về sân khấu kịch nói xuất bản từ những năm 1950. Quý mến công việc đi tìm “dấu vết vàng son” một thời của nghệ thuật tuồng, Viện Sân khấu và một  số cơ quan, cá nhân đã tặng cho tôi khá nhiều sách báo, tư liệu về tuồng. Cùng với việc thu thập qua nhiều năm, hiện nay tủ sách nghiên cứu về nghệ thuật sân khấu của tôi đã vượt lên trên số trăm. Tôi xem đó là thành quả của hành trình đi tìm tuồng cổ, di sản văn hóa của dân tộc. Kết quả là vậy, nhưng tôi vẫn còn một món nợ lớn đối với tuồng, đó là việc chọn lọc để phiên âm, thích nghĩa một số bản tuồng có giá trị để công chúng  có thể thưởng thức được giá trị nghệ thuật tuồng qua những kịch bản viết bằng chữ Nôm của cha ông. Khi biết ý định của tôi, có người hỏi tôi rằng, liệu tôi còn đủ sức khỏe để làm việc đó không? Khi những tác phẩm đó in ra, có bán được trên thị trường để bù đắp một phần chi phí đã bỏ ra không? Tôi chỉ cười và bảo, tôi đã chuẩn bị cho việc này rồi, tôi đã cho cô con gái thứ hai của tôi theo học ngành Hán Nôm. Cách đây mấy năm, cháu đã tốt nghiệp Cao học ngành Hán Nôm tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Tôi hy vọng rằng cháu sẽ tiếp tục hoàn thành tâm nguyện của tôi. Tôi chợt mỉm cười nhớ lại hai câu trong vở tuồng Hộ sinh đàn của Đào Tấn (vị hậu tổ tuồng của Việt Nam, người đứng đầu Ban Hiệu thư chuyên thu thập, san định và sáng tác kịch bản tuồng dưới thời Tự Đức).

Lao xao sóng vỗ ngọn tùng,
Gian nan là nợ anh hùng phải vay.

N.T
(TCSH405/11-2022)

 

 

Các bài mới
Chùm thơ Lữ Mai (16/12/2022)
Các bài đã đăng
Nỗi niềm (30/11/2022)
Đêm (28/11/2022)