Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-22)
Phủ Cẩm Xuyên quận vương
10:18 | 09/02/2023

NGUYÊN TRÍ

Theo điển lệ triều Nguyễn, khi các ông hoàng bà chúa đến tuổi trưởng thành đều được nhà vua xét duyệt ban tước vị và cho xây dựng phủ đệ. Đây là nơi để ở và làm việc, có người hầu hạ, phục dịch và binh lính canh gác.

Phủ Cẩm Xuyên quận vương
Cổng phủ Cẩm Xuyên quận vương

Lúc hoàng tử, hoàng thân còn sống, phủ đệ xem như cơ quan làm việc, lúc qua đời thì được con cháu chuyển đổi thành nơi thờ phụng nên được gọi là phủ thờ hoặc từ đường. Phủ đệ là một loại hình di sản sống động, phản ánh bóng hình của kinh đô Huế xưa dưới góc nhìn kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật.

Trải qua thời gian cùng với những biến động của lịch sử và xã hội, phần lớn phủ đệ của các ông hoàng bà chúa đã bị biến đổi và mai một dần. Nhưng may mắn vẫn còn đó những phủ đệ được bảo tồn, giữ gìn khá nguyên vẹn. Một trong số đó cần phải nhắc đến là phủ Cẩm Xuyên quận vương. Trải hơn 100 năm, ngôi phủ đệ này vẫn được các thế hệ hậu duệ của ông hoàng Miên Ký phụng thờ và lưu giữ những dấu ấn vàng son một thuở của hoàng gia nhà Nguyễn mặc cho Cố đô Huế và vùng đất Vạn Xuân nói riêng đã trải bao phen dâu bể. Nhìn vào phía bên trong cổng vòm và vòng tường thành rêu phong phủ kín là một cõi riêng tôn kính và hoài niệm về Cẩm Xuyên quận vương Miên Ký.

Toàn cảnh phủ Cẩm Xuyên quận vương


1. Vị hoàng tử nổi tiếng học hạnh

Nguyễn Phúc Miên Ký 阮福綿寄 sinh ngày 11 tháng 3 năm Mậu Tuất (5/4/1838), là con trai thứ 75 của vua Minh Mạng, mẹ là Cung nhân Nguyễn Văn Thị Xuân. Ông hoàng Miên Ký là anh ruột cùng mẹ với hoàng nữ Nhu Tĩnh (1839-1845). Khi còn là hoàng tử, học hạnh của ông có tiếng nên được nhà vua nhiều lần khen ngợi1 và trọng thưởng. Năm 1840, vua Minh Mạng cho đúc các hình con thú bằng vàng để ban thưởng cho các hoàng thân, hoàng tử theo thứ bậc khác nhau. Ông hoàng Miên Ký được ban cho một con voi bằng vàng nặng 3 lạng 1 đồng cân2. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), thầy dạy học của các hoàng thân là Võ Xuân Cẩn (1772-1852), đồng thời là cha vợ của vua, dâng sớ nói: “Các hoàng thân phần nhiều chỉ thích chơi đùa, không đến nghe giảng. Vua sai phủ Tôn Nhân xét hạch, chỉ có Miên Ký là người chăm học không bỏ gián đoạn, thưởng cho một đồng kim tiền Song long hạng lớn”3. Một số hoàng thân khác do bỏ học mà bị phạt lương bổng.

Niên hiệu Tự Đức năm thứ 12 (1859), hoàng thân Miên Ký được vua Tự Đức phong tước Cẩm Xuyên quận công 錦 川 郡 公 , cùng với hoàng đệ Hồng Tiệp4 được phong tước Mỹ Lộc quận công5. Đến năm 1878, nhân dịp Ngũ tuần đại khánh6 của vua Tự Đức, nhà vua thấy Cẩm Xuyên quận công Miên Ký, Triệu Phong quận công Miên Triện và Văn Lãng quận công Hồng Dật7 đều là những hoàng tử giỏi văn hay chữ nên thăng tước cho hoàng thân Miên Ký làm Cẩm Quốc công 錦國公, hoàng thân Miên Triện làm Quỳnh Quốc công, hoàng đệ Hồng Dật cũng được thăng làm Lãng Quốc công. Dụ rằng: “Mở khánh hạ, ban ân huệ, tất từ người gần trước, ấy là ý nghĩa thân người thân vậy… Triệu Phong quận công Miên Triện, Cẩm Xuyên quận công Miên Ký, Văn Lãng quận công Hồng Dật đều là những người chăm học, biết cố gắng để thành đạt, nay ở trong phên giậu nhà nước có được những hạng người này cũng rất hiếm; vậy Miên Triện nghĩ tấn phong tước Quỳnh Quốc công, Miên Ký nghĩ tấn phong tước Cẩm Quốc công, Hồng Dật nghĩ tấn phong tước Lãng Quốc công, để được khuyến khích; song cũng nên giữ lễ trau dồi đức hạnh, vì chỉ có văn thôi thì cũng chưa đủ để giữ mình”8.

Cẩm Quốc công Miên Ký cũng là một ông hoàng thi sĩ. Ông tham gia tao đàn thơ văn mang tên Tùng Vân thi xã (về sau đổi thành Mặc Vân thi xã) do ông hoàng Miên Thẩm sáng lập. Đây là một hội thơ nổi tiếng tại kinh đô Huế lúc bấy giờ. Thi đàn này tập hợp được nhiều hoàng thân nhà Nguyễn như Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh, Hòa Thạnh vương Miên Tuấn, Thọ Xuân vương Miên Định, Tương An quận vương Miên Bửu, Hoằng Hóa quận vương Miên Triện, Phú Bình quận vương Miên Áo, Cẩm Quốc công Miên Ký, Hàm Thuận công Miên Thủ, Trấn Biên quận công Miên Thanh và các danh sĩ đương thời, trong đó có Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Hà Tôn Quyền, Phan Thanh Giản, Nguyễn Đăng Giai…

Ngày 24 tháng 10 năm Tân Tỵ (15/12/1881), niên hiệu Tự Đức năm thứ 34, ông hoàng Miên Ký qua đời, hưởng thọ 44 tuổi, được ban thụy là Cung Mục 恭 睦 . Đến năm 1918, vua Khải Định truy tặng Cẩm Quốc công Miên Ký tước vị Cẩm Xuyên quận vương 錦川郡王, cải thụy là Đoan Túc 端肅.

2. Không gian sống giao hòa với thiên nhiên

Khi hoàng thân Miên Ký được vua Tự Đức phong tước vị quận công, ông rời kinh thành Huế ra ngoài sinh sống, lập phủ đệ riêng ở vùng Vỹ Dạ, bên bờ sông Hương thơ mộng. Ông hoàng Miên Ký sống và làm việc tại ngôi phủ đệ cùng các phủ thiếp và con cháu. Tổ chức phủ Cẩm Xuyên quận công gồm có 1 Quản gia, 1 Tòng bát phẩm Thư lại, 1 Chánh và 1 Tòng cửu phẩm Thư lại, 20 vị nhập lưu Thư lại, 1 Chánh Đội trưởng suất đội, 1 đội Thuộc binh. Sau khi hoàng tử Miên Ký qua đời, nhà vua cấp tiền bạc để con cháu trùng tu, tôn tạo phủ đệ trở thành phủ thờ/từ đường. Khoảng những năm 20 của thế kỷ XX, Trung quân Đô thống Hồng [Hường] Thỏa chuyển phủ thờ Cẩm Xuyên quận vương từ làng Vỹ Dạ đến Vạn Xuân (nay tọa lạc tại địa chỉ số 73 Vạn Xuân, phường Kim Long, thành phố Huế). Vùng đất Vạn Xuân cũng là nơi tập trung nhiều phủ đệ, tư dinh của các ông hoàng, bà chúa, quan lại triều đình nhà Nguyễn.

Giống như những phủ đệ khác trên đất Huế, phủ Cẩm Xuyên quận vương được quy hoạch thiết kế theo kiểu nhà vườn, với lối kiến trúc và thiên nhiên hòa quyện vào nhau. Đồng thời tuân thủ theo những nguyên tắc phong thủy của kiến trúc truyền thống phương Đông, mang màu sắc cổ kính và đầy bí ẩn. Toàn bộ diện tích khuôn viên phủ Cẩm Xuyên quận vương rộng 6 sào 6 thước 13 tấc9, gồm các hạng mục kiến trúc cổng ngõ, bình phong, nhà chính và sân vườn được xây dựng trên trục cảnh quan chính theo hướng đông, quay ra phía sông Kẻ Vạn.

Ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên là cổng vòm giả cổ lâu hai tầng nằm chếch về phía bên phải phủ thờ ông hoàng Miên Ký, xây bằng gạch, vôi vữa. Nóc mái của cổng đắp nổi biểu tượng “lưỡng long triều nhật”. Chính giữa cổng, ở mặt ngoài, bên dưới mái thứ hai là biển ngạch đắp nổi dòng chữ “Cẩm Xuyên quận vương từ 錦川郡王祠” (Phủ thờ Cẩm Xuyên quận vương) bằng nghệ thuật khảm sành sứ hai màu xanh và trắng. Trên cổng có các ô hộc hình vuông, hình chữ nhật trang trí hoa văn kỷ hà dạng hồi văn, bát bửu. Trên các đầu đao là bốn con giao long được cách điệu đang quay đầu vào vị trí trung tâm của cổng. Toàn bộ những họa tiết trang trí này đều sử dụng bằng kỹ thuật đắp nổi vôi vữa và khảm sành sứ. Hai bên trụ cổng có trang trí câu đối bằng chữ Hán theo kiểu khảm sành sứ, nay đã phai mờ, mất nét theo thời gian. Ngoài ra trên các mũ trụ và chân trụ đều được trang trí ô hộc với mô típ hoa văn tứ thời, tứ quý.

Tiếp giáp la thành với cổng có hai con lân nằm uốn khúc trườn mình về phía trước rồi quay lại nhìn hướng cổng. Thân lân đắp vỏ sò, vỏ ốc có kích cỡ đều đặn, đuôi và chân khảm sành sứ. Kỳ Lân là linh vật báo hiệu điềm lành, là biểu tượng của sự thông thái, trường thọ và hạnh phúc. Mặc dù nhiều mảnh sứ, màu vẽ và nề ngõa trang trí trên cổng phủ Cẩm Xuyên quận vương đã bị bong tróc, nhưng các mảng họa tiết này vẫn rất sống động, tao nhã và mang những ý nghĩa tượng trưng đầy cao quý. Đồng thời điều này cũng cho người đời sau thấy tài nghệ của những nghệ nhân tài hoa bậc nhất kinh thành Huế lúc bấy giờ. Cổng phủ, la thành không những giúp bảo vệ an toàn cho chủ nhân phủ đệ cùng gia quyến mà còn tạo nên cảnh quan lý tưởng cho không gian sống.

Từ ngoài cổng bước vào là hai hàng chè tàu mang đến cảm giác bình yên mát mẻ cho chủ nhân và quan khách khi bước vào thăm viếng phủ đệ. Điểm cuối của con đường ấy là khoảng sân nhỏ, phía trước có chiếc bình phong án ngữ. Bình phong xây theo kiểu có mái, mặt trước có trang trí các ô hộc hoa văn tứ quý, bát bửu và chính giữa có trổ chữ “Song hỷ”. Bình phong này trước đây dùng để che chắn cho ngôi chùa trong phủ Cẩm Xuyên quận vương. Ngôi chùa này do Trung quân Đô thống Hường Thỏa xây dựng cho mẹ của mình là bà Võ Thị (phủ thiếp Cẩm Xuyên quận vương) thuận tiện việc cúng bái cầu nguyện, làm nơi tụng kinh và niệm Phật. Sinh thời, bà hết lòng sùng kính Tam bảo. Sau khi yên bề gia thất, bà đã phát nguyện xuất gia, thọ giới cụ túc (Tỳ kheo ni). Bà mệnh chung năm 1926, nhục thân nhập bảo tháp xây trong vườn chùa Tường Vân. Văn bia tại bảo tháp khắc dòng chữ: “Hiển tỷ Cẩm Xuyên quận vương phòng phủ thiếp đệ nhị gia phong chánh nhị phẩm đoan nhân Võ Thị tỳ kheo ni pháp danh Trừng Vân hiệu Thanh Minh chi tháp 顯妣錦川郡王房府妾第二加封正二品端人武氏比丘尼法名澄雲號清明之 塔 (Tháp mộ của bà họ Võ thọ giới Tỳ kheo ni, pháp danh Trừng Vân, hiệu Thanh Minh. Đệ nhị phủ thiếp phòng Cẩm Xuyên quận vương, gia phong chánh nhị phẩm đoan nhân); dòng lạc khoản viết: “Bảo Đại nguyên niên tuế thứ Bính Dần mạnh thu cát nhật 保大元年歲次丙寅孟秋吉日(Ngày tốt đầu mùa thu năm Bính Dần niên hiệu Bảo Đại thứ 1 [1926]), “Tự tử Hường Thỏa phụng lập 嗣子洪軃奉立” (Con trai Hường Thỏa phụng lập).

Cách bình phong thứ nhất khoảng 7m về bên trái phía sau so với bình phong thứ nhất là chiếc bình phong thứ hai. Bình phong này xây dựng trước phủ Cẩm Xuyên quận vương có chức năng ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi xâm nhập vào phủ đệ. Về mặt kiểu dáng chiếc bình phong có kết cấu gần như tương tự bình phong thứ nhất. Chính giữa bình phong trang trí chữ “Vạn Thọ”, xung quanh có trang trí các ô hộc họa tiết bát bửu, tứ thời và câu đối chữ Hán:

帝世藩翰千古重
王侯第宅萬年留

Phiên âm:

Đế thế phiên hàn, thiên cổ trọng;
Vương hầu đệ trạch, vạn niên lưu.

Tạm dịch:

Sự che chở của vương triều, nghìn đời còn nặng;
Phủ đệ của vương hầu, vạn năm còn mãi.

Kiến trúc chính của phủ Cẩm Xuyên quận vương là một ngôi nhà nằm ở vị trí trung tâm với kết cấu nhà rường 1 gian 2 chái10, tường gạch 3 mặt, mái lợp ngói liệt. Đây là một ngôi nhà rường cổ thể hiện rõ nét nghệ thuật kiến trúc và phương pháp kỹ thuật truyền thống Huế thời Nguyễn. Hai bờ nóc hơi vênh lên có trang trí hoa văn mềm mại, uyển chuyển. Nóc mái đắp nổi biểu tượng “lưỡng long triều nhật”, làm ngôi nhà toát lên vẻ thanh cao, quý phái. Toàn bộ tòa nhà nằm ngang này có cột gỗ chắc khỏe để mộc, bào nhẵn và đứng song hành từng cặp tựa trên chân đá tảng. Hệ thống cột này có khả năng chịu lực lớn, chống đỡ bộ khung nhà bằng gỗ lim, mít. Các cấu kiện trong bộ khung gỗ liên kết bằng kỹ thuật lắp ráp mộng và kèo chồng chắc chắn, tháo lắp dễ dàng. Hàng cột ngoài cùng là bốn cột đỡ mái phụ đưa ra phía trước cho mái hiên, bảo vệ khung nhà và làm cho ngôi nhà thấy cao hơn. Loại hình liên kết vì nóc ở đây thuộc kiểu vì kèo dân dụng biến thể đặc trưng xứ Huế. Bộ vì kèo nằm bên dưới mái có hai kẽ dài đan chéo nhau ăn mộng (giao nguyên) ở đỉnh vì, đỡ thượng lương (đòn dông) rồi chạy dài theo chiều dốc của mái xuống đầu cột cái ở hàng nhất. Kẽ tiếp tục ăn mộng cột quân và xuống tận cột biên. Ở mỗi đầu trếnh và đầu kèo có chạm khắc biểu tượng hoa văn mây lá phong phú.

Ra vào phủ thờ ở hàng cột biên có 12 lá cửa thượng song hạ bản nằm trên xà ngưỡng cao. Ở gian giữa bên trên hàng cột nhất treo bức hoành đề “Cẩm Xuyên quận vương từ 錦川郡王祠” (Phủ thờ Cẩm Xuyên quận vương), dòng lạc khoản viết: “Khải Định tam niên quý hạ 啓定叁年季夏” (Mùa hạ năm Khải Định thứ 3 [1918]), “Tử Hường Thỏa phụng kiến 子洪軃奉建” (Con trai là Hường Thỏa phụng kiến). Trên nền màu sơn son, tất cả các chữ đều chạm nổi và thếp vàng. Chung quanh hoành phi được viền bằng một khung chạm nổi, trên đó trang trí đề tài cành lá hoa cúc và biểu tượng “ngũ phúc” (5 con dơi tượng trưng cho 5 điều mong ước quan trọng nhất trong đời người: thọ, phú, khang ninh, du hảo đức, khảo chung mạng). Phía dưới hàng cột treo câu đối chữ Hán:

品重侯門家孝子
位魁武服國規臣

Phiên âm:

Phẩm trọng hầu môn gia hiếu tử;
Vị khôi vũ phục quốc quy thần.

Tạm dịch:

Tại hầu môn, phẩm hàm cao, gia đình có người con hiếu nghĩa;
Dòng võ tướng, địa vị lớn, đất nước có bề tôi trung thành.

Dòng lạc khoản: “Hoàng triều Bảo Đại ngũ niên xuân 皇朝保大五年春” (Mùa xuân năm Bảo Đại thứ 5 [1930]), “Tả quân Đô thống phủ Đô thống Chưởng phủ sự chính sự Võ Bân trang phụng 左軍都统府都统掌府事政事武彬莊奉” (Tả quân Đô thống phủ Đô thống Chưởng phủ sự chính sự Võ Bân kính tặng).

Ngay trên cửa chính để đi vào phủ thờ, mặt hướng vào phía nội thất có treo bức hoành phi hình cuốn thư đề chữ “Đạt tôn tam 達尊三” (Đạt 3 điều tôn quý: Nhân, Trí, Dũng); dòng lạc khoản viết: “Trung nhất vệ Chánh phó quan, Suất bang tá đồng bái hạ 中一衛正副官,率帮佐仝拜賀” (Chánh phó quan Vệ Trung nhất, Suất bang tá cùng kính bái). Đặc điểm bức hoành phi có phần thân chính sơn màu đen. Đây là nơi chạm nổi nhóm văn tự được thếp vàng. Chung quanh nền đen hình cuốn thư là một đường viền rộng chạy gấp khúc nhưng liên tục. Nền của đường viền sơn son nhưng những hình ảnh trang trí nổi trên đó lại được thếp vàng, bao gồm các đề tài kỳ lân, long hóa mai trang trí kết hợp Hán tự, hồi văn chữ vạn và mắt lưới. Giữa hai bên phải trái của cuốn thư còn thể hiện hai nửa chữ “hỷ”, nếu ghép lại với nhau làm một thì thành lời cầu chúc hưởng trọn niềm vui, an lạc trong cuộc sống. Phía trên phần thân chính là nơi nghệ nhân xưa đã đầu tư công sức nhiều nhất để chạm lộng đề tài “lưỡng long triều nhật” một cách công phu và tinh xảo.

Bức hoành phi hình cuốn thư đề chữ “Đạt tôn tam”


Không gian nội thất của ngôi nhà chủ yếu dành cho việc thờ phụng và tiếp khách. Gian giữa là gian thờ Đức từ Cung nhân Nguyễn Văn Thị Xuân, gian bên trái (hướng nhìn ra) thờ Đức ông Cẩm Xuyên quận vương, Trung quân Đô thống Hường Thỏa, cùng các thế hệ hậu duệ đã khuất của phủ-phòng, gian bên phải thờ cha mẹ của Đức từ là Chánh đội trưởng thủy quân Nguyễn Văn Châu và bà Ngô Thị Nhâm. Các hàng cột trước án thờ có treo câu đối chữ Hán do các quan viên trong triều đình tặng mừng thọ Trung quân Đô thống Hường Thỏa tròn 60 tuổi.

Câu đối thứ nhất:

桂禮香花麟趾長歌垂廟宇
國稱元老年逢六裹慶霞杯

Phiên âm:

Quế lễ hương hoa, lân chỉ trường ca, thùy miếu vũ,
Quốc xưng nguyên lão, niên phùng lục lý, khánh hà bôi.

Tạm dịch:

Người tài kính dâng hương hoa, con cháu hiển vinh trường ca vang vọng nơi phủ thờ;
Người đời tôn kính nguyên lão, nhân dịp tròn sáu mươi tuổi nâng chén rượu chúc mừng thọ.

Dòng lạc khoản: “Khải Định lục niên xuân 啓 定 陸 年 春 ” (Mùa xuân năm Khải Định thứ 6 [1921]); “Trung nhất vệ, Kinh tượng đội, phó đội Hoàng Trọng Châu đồng nội đội bái 中 一衛京象隊副隊黃仲洲仝内隊拜” (Phó đội đội Kinh tượng, vệ Trung nhất Hoàng Trọng Châu cùng đồng đội kính bái).

Câu đối thứ hai:

鐘鼎奉慈歡五福拜瞻堂上壽
袞花隆帝命一翰頌播間中軍

Phiên âm:

Chung đỉnh phụng từ hoan, ngũ phúc bái chiêm đường thượng thọ;
Cổn hoa long đế mệnh, nhất hàn tụng bá khổn trung quân.

Tạm dịch:

Chung đỉnh hiếu thảo dâng lễ, mừng năm điều phúc, lễ bái chúc thượng thọ;
Cổn hoa hoàng đế ân sủng, lại ban lời khen, ngợi ca khắp trong quân.

Dòng lạc khoản: “Khải Định lục niên xuân 啓 定 陸 年 春 ” (Mùa xuân năm Khải Định thứ 6 [1921]), “Thủ hiến đường Trung quân Hồng đại nhân lục thập thọ chi khánh 首憲堂中軍洪大人六十壽之慶” (Mừng sinh nhật 60 tuổi của Thủ hiến đường Trung quân Hồng đại nhân); “Trung nhất vệ, Lý thiện đội, phó đội Nguyễn Văn Tài đồng nội đội bái” 中一衛理膳隊副隊阮文材仝内隊拜” (Phó đội đội Lý thiện, vệ Trung nhất Nguyễn Văn Tài cùng đồng đội kính bái).

Tiếp đến phía trước và xung quanh phủ thờ là sân vườn với rất nhiều loại cây bốn mùa xanh tươi. Mỗi loài hoa, loài cây được trồng ở từng vị trí khác nhau đều mang một ý nghĩa nhất định và thể hiện quan niệm sống của người hoàng phái. Trong khuôn viên ấy, các thế hệ con cháu của ngài Cẩm Xuyên quận vương vẫn sống ở đây như một biểu tượng về tình nghĩa, đạo hiếu, trách nhiệm chăm sóc, bảo tồn di sản quý giá của dòng tộc, là sự kết nối giữa hiện tại với quá khứ. Lễ húy kỵ Đức ông Cẩm Xuyên quận vương vào ngày 23/10 Âm lịch cũng chính là ngày hiệp kỵ những người đã quá vãng trong phủ-phòng, đây được xem là nghi lễ lớn nhất trong năm. Dù con cháu đi làm ăn xa cũng cố gắng sắp xếp thời gian về sum họp tại phủ thờ để lễ bái Tổ tiên, để được gắn bó với cội nguồn, và hơn nữa, để thực thi trách nhiệm đạo lý - tâm linh của mình. Vì vậy đến thăm phủ Cẩm Xuyên quận vương, chúng ta không chỉ có dịp tham quan một mẫu mực của kiến trúc nhà vườn xứ Huế, mà còn có cơ hội tìm hiểu nề nếp gia phong của con cháu hoàng gia triều Nguyễn vang bóng một thời, khám phá những góc khuất sâu lắng trong tâm hồn Huế, cũng là một bộ phận cấu thành di sản văn hóa Huế.

Toàn cảnh viên tẩm Cẩm Xuyên quận vương
Nhà bia và nấm mộ Cẩm Xuyên quận vương


3. Nơi yên nghỉ vĩnh hằng

Người xưa quan niệm rằng “Sinh ký tử quy” (sống gửi thác về), cuộc sống ở nhân gian chỉ để tạm, còn thế giới bên kia mới thực là cõi của con người. Chính vì thế, viên tẩm Cẩm Xuyên quận vương được triều đình xây dựng, quản lý để tương xứng với danh phận và địa vị của hoàng tử Miên Ký lúc còn tại thế. Viên tẩm của Cẩm Xuyên quận vương được an táng tại ấp Ngũ Tây, làng An Cựu (nay thuộc phường An Tây, thành phố Huế), với quy mô diện tích đất rộng 1 mẫu 7 thước 3 tấc11. Vị trí này phản ánh những quan niệm về phong thủy của người Việt, đặc biệt là quan niệm về cuộc đất “vạn niên cát địa”, cách chọn thế núi, dòng nước, tàng phong, tụ thủy, cách tầm long, điểm huyệt. Trước năm 1945, viên tẩm của ông hoàng Miên Ký có các phu lăng canh gác và bảo vệ ngày đêm. Cấu trúc viên tẩm với các đơn nguyên kiến trúc chính như bình phong tiền, cổng, la thành, bình phong chính, nhà bia, bia mộ, nấm mộ, bình phong hậu và được bao quanh bởi một khu vườn rộng. Sự quy mô, đạt chuẩn mực trong phong thủy của viên tẩm ông hoàng Miên Ký không đơn thuần chỉ để khẳng định danh phận cao quý, mà còn ảnh hưởng đến an nguy của các thế hệ con cháu trong phủ-phòng.

Bình phong tiền được xây trước cổng tẩm mộ, nằm chính giữa trục thần đạo. Bình phong này có dạng hình chữ nhật, kích thước tương xứng với quy mô tẩm mộ, được xây bằng gạch, bên ngoài trát vôi vữa truyền thống. Qua bình phong tiền là đến cổng chính đi vào khu vực tẩm mộ xây dựng theo kiểu “Nguyệt môn” (trổ một lối đi, theo dạng cửa vòm), với những họa tiết trang trí bằng chất liệu khảm sành sứ theo các chủ đề trang trí phổ biến thời Nguyễn như bát bửu, tứ thời, bát quả... La thành của viên tẩm có 1 vòng thành. Bình phong hậu theo kiểu hình “cuốn thư” gắn liền với la thành.

Ngay sau vòm cổng là bình phong chính được xây bằng gạch để ngăn chặn tà khí từ các hướng xấu chiếu vào tẩm mộ. Nhà bia nằm ở trước tẩm mộ, đây là nơi đặt bia mộ, bát nhang và thiết soạn quả phẩm phục vụ việc cúng bái vào những ngày tổ chức lễ húy kỵ. Dạng bia hình Tam sơn, với phần trán bia, tai bia, diềm bia được chạm khắc nhiều hình nét hoa văn tỉ mỉ và tinh xảo, trau chuốt. Hình tượng long ẩn vân, hoa lá với nét chạm khắc trên đá khá chuẩn mực, với kỹ thuật điêu luyện. Dòng đại tự bố trí chính giữa lòng bia ghi “Cẩm Xuyên quận vương, thụy Đoan Túc chi viên tẩm 錦川郡王諡端肅㞢園寢” (Viên tẩm của Cẩm Xuyên quận vương, thụy Đoan Túc), có nét chữ khắc sâu, bố cục đăng đối; với dòng lạc khoản: “Tự Đức tam thập tứ niên thập nhị nguyệt cát nhật 嗣德三十四年十二 月 吉 日 (Ngày tốt tháng 12 năm Tự Đức thứ 34 [1881]), Khải Định tam niên đông phụng chỉ cải khắc 啓定叁年冬奉㫖改刻” (Phụng chỉ cải khắc vào mùa đông năm Khải Định thứ 3 [1918]). Phần nấm mộ xây theo kiểu thức “Trúc cách” (Long đình), đây là mô hình thu nhỏ của một ngôi nhà rường, có 4 mái, các bờ nóc, đầu hồi đều được trang trí tinh xảo. Điều này thể hiện ý nghĩa lúc còn sống ông hoàng Miên Ký đã sống trong ngôi nhà rường thì lúc trở thành người thiên cổ cũng nằm lại dưới nấm mồ theo kiểu kiến trúc nhà rường.

Ngày nay, phần đất xung quanh viên tẩm Cẩm Xuyên quận vương cũng là nơi chôn cất của các thế hệ con cháu đã qua đời trong phủ-phòng.

4. Những hậu duệ danh tiếng

Cẩm Xuyên quận vương Miên Ký có 7 con trai và 13 con gái. Ông hoàng Miên Ký được ban cho bộ chữ “Thân 身”để đặt tên cho các con cháu trong phủ-phòng. Niên hiệu Kiến Phúc nguyên niên (1884), con trai thứ hai của hoàng tử Miên Ký là công tử Hường Thỏa 洪軃 (1862 - 1934), tự Hậu Khanh 厚卿 được tập phong làm Cẩm Hương hầu 錦 鄉 侯 . Trải qua hơn 30 năm dấn thân chốn quan trường từ triều vua Kiến Phúc đến triều vua Khải Định, Hường Thỏa lần lượt được thăng thưởng, đảm nhận các chức vụ trọng yếu khác nhau trong triều đình như Quản Cơ sung làm Hiệp quản Kiền Thị vệ (1887), Thủ Hộ sứ (1889), Chưởng vệ Kỳ Vũ vệ (1894), Đề đốc Thanh Hóa (1897), Thống chế sung Chưởng vệ Nhất vệ kinh binh (1901), Đô thống Nhất vệ kinh binh (1906), Đặc tiến Tráng Võ tướng quân, Trung quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự (1916). Với chức việc của Trung quân Đô thống, ông đã tham gia nhiều sự kiện quan trọng trong triều đình. Ngoài ra, Hường Thỏa còn nắm giữ cương vị Phù liễn đại thần khi vua Thành Thái ngự giá Bắc tuần (1906), Lưu kinh Đại thần khi vua Khải Định ngự giá đi thăm phong cảnh ở Quảng Nam (1918) và trực tiếp chỉ huy, trông coi việc xây dựng, sửa chữa nhiều công trình kiến trúc liên quan đến hoàng gia triều Nguyễn như trùng tu quốc tự Thánh Duyên, lăng vua Đồng Khánh (Tư lăng), xây dựng lăng Từ Dũ hoàng thái hậu, lăng Lệ Thiên Anh hoàng hậu (Khiêm Thọ lăng), lăng Từ Minh hoàng thái hậu…

Mệ Bửu Lộc cầm thanh kiếm đứng bên di ảnh của Trung quân Đô thống Hường Thỏa

Với những huân công và đóng góp to lớn đó, Trung quân Đô thống Hường Thỏa được chính quyền Nam triều, chính phủ Bảo hộ phong thưởng nhiều danh hiệu và kỷ vật cao quý như Đại Nam ngân tiền, Kim tiền, Kim khánh, Long Bội tinh, Bắc Đẩu Bội tinh,... Đặc biệt vào năm 1918, khi Hường Thỏa đã được thăng đến hàm chánh nhất phẩm võ ban thì vua Khải Định đã ban ân huệ truy tặng cho cha của ông là cố hoàng tử Miên Ký tước vị Cẩm Xuyên quận vương. Quốc Sử Quán triều Nguyễn có ghi chép về sự kiện này như sau: Trung quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự Hường Thỏa, nguyên là cựu thần của Tiên đế, vất vả tòng sự suốt hơn ba chục năm. Chiếu theo lệ quan viên tử hàng Tam phẩm trở lên đều được đội ơn tặng phong vẻ vang cho cha mẹ, thì ông là con của cố hoàng thân Cẩm Quốc công Miên Ký, quan hàng Nhất phẩm mà vẫn chưa được đội hưởng ân huệ. Trẫm luôn có lòng thân quý người trong họ tộc, huống chi năm nay nhân gặp dịp tế Giao tiến hành đại lễ thăng phối, việc suy ân là rất thích hợp. Truyền truy tặng cho cố Cẩm Quốc công Miên Ký làm Cẩm Xuyên quận vương12.

Con trai trưởng của Trung quân Đô thống Hường Thỏa là Ưng Đĩnh 膺  (?-1935) được tập phong tước Trợ Quốc khanh (1909), từng giữ chức vụ Thủ hộ phó sứ dưới triều vua Bảo Đại (1933), con trai út Ưng Bảo 膺 軉 (1912- 1979) được tập phong tước Đình hầu 亭 侯 , cháu nội là Bửu Đào13 寶 䠷 (1912-1979) được tập phong tước Tá Quốc úy 佐 國 尉 . Hiện nay, mệ Bửu Lộc14 cùng con cháu đang quản lý, thờ phụng và gìn giữ một số hiện vật, tư liệu Hán Nôm quý liên quan đến hoàng tộc triều Nguyễn nói chung và phủ Cẩm Xuyên quận vương nói riêng. Đặc biệt, mệ Bửu Lộc đang bảo quản 1 thanh kiếm của Trung quân Đô thống Hường Thỏa thường mang theo khi thực hiện nhiệm vụ. Đây được xem là một bảo vật vô giá của dòng tộc.

Thay lời kết

Hiện nay, di sản phủ đệ của các ông hoàng bà chúa triều Nguyễn đã và đang bị phá hủy, biến đổi nhiều do những biến cố của lịch sử và tác động của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, phủ Cẩm Xuyên quận vương vẫn còn lưu giữ được khá nguyên vẹn hình hài xưa, từ cảnh quan khuôn viên ở bên ngoài, đến lối bài trí, thờ tự bên trong nội thất. Ngôi phủ đệ này là một trong những bộ phận quan trọng trong quần thể di tích kiến trúc cung đình triều Nguyễn. Đây là hệ thống di sản vô cùng giá trị về mặt lịch sử văn hóa, mỹ thuật và kiến trúc, gắn liền với một giai tầng vương tôn quý tộc dưới triều đại quân chủ. Đó cũng là một nét đặc trưng riêng biệt của Huế trong văn hóa kiến trúc đô thị di sản ở Việt Nam.

Qua các kiểu thức trang trí tạo hình tại phủ đệ và viên tẩm Cẩm Xuyên quận vương, chúng ta có thể nhận thấy hoa văn trang trí đa dạng về kiểu thức, khác biệt, tinh tế và phong phú về đề tài. Những giá trị trang trí này đã bổ sung một phần đáng kể trong nghệ thuật trang trí thời Nguyễn được thể hiện trên nhiều chất liệu tạo hình như nề vữa, khảm sành sứ,... Mặc dù bị phôi pha theo thời gian nhưng chúng ta vẫn nhận ra nét tinh tế, tỉ mỉ, khéo léo ở từng chi tiết được các nghệ nhân tài danh sắp xếp một cách chính xác, phối màu hài hòa và có tính nghệ thuật cao. Sự kết hợp này tạo nên một tổng thể tạo hình nhất quán hợp lý trên cùng một công trình kiến trúc, góp phần vào việc mở rộng hơn nữa về ngôn ngữ nghệ thuật trang trí thời Nguyễn nói riêng, trong mạch nguồn nền mỹ thuật truyền thống dân tộc nói chung.

N.T
(TCSH47SDB/12-2022)

---------------------------------
1 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, tập 3, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 176.
2 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 5, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 696.
3 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 164.
4 Hồng Tiệp (1840-1863) là con trai thứ 18 của vua Thiệu Trị, mẹ là Tài nhân Trần Thị Sâm.
5 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 7, Sđd, tr. 597.
6 Lễ mừng vua Tự Đức tròn 50 tuổi.
7 Vua Hiệp Hòa sau này.
8 Tự Đức (1971), Thánh chế văn tam tập, Bản dịch của Tây Hồ Bùi Tấn Niên, Ủy ban dịch thuật, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa xuất bản, Sài Gòn, tr. 147.
9 Theo trích lục đất đai do Sở Địa chính tỉnh Thừa Thiên (Đại Nam Trung kỳ Chính phủ) cấp năm 1938 lưu giữ tại phủ Cẩm Xuyên quận vương.
10 Nguyên xưa nhà chính có kiến trúc nhà rường 3 gian 2 chái.
11 Theo trích lục đất đai do Sở Địa chính tỉnh Thừa Thiên (Đại Nam Trung kỳ Chính phủ) cấp năm 1936 lưu giữ tại phủ Cẩm Xuyên quận vương.
12 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2010), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, Nxb. Thời đại - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tr. 309.
13 Bửu Đào là con trai trưởng của Ưng Đĩnh.
14 Mệ Bửu Lộc (sinh năm 1941) là con của Đình hầu Ưng Bảo, cháu nội của Trung quân Đô thống Hường Thỏa, hiện đang đảm nhiệm Trưởng hệ Đệ nhị Chánh hệ, Trưởng phòng Cẩm Xuyên quận vương. Mệ đã cung cấp cho chúng tôi nhiều tư liệu quý giá để hoàn thành bài viết này. Nhân đây, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn mệ Bửu Lộc, mệ Vĩnh Tín.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Lão Kình (02/02/2023)