Tạp chí Sông Hương - Số 408 (T.02-23)
Lễ cúng Tổ nghề tết Huế
15:22 | 19/01/2023

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

Dưới thời các chúa Nguyễn, Huế là thủ phủ của xứ Đàng Trong, rồi Huế từng là một thuở kinh đô dưới triều Tây Sơn và triều Nguyễn.

Lễ cúng Tổ nghề tết Huế
Nghi thức cúng tổ nghề kim hoàn - Ảnh: internet

Do đó, Huế từng là trung tâm hội tụ tinh hoa của những người thợ thủ công Việt Nam với hàng ngàn người thợ tài hoa tinh xảo hoạt động trong các tượng cục như thợ vàng gọi là Nội kim tượng cục; cục thợ bạc gọi là Ngân tượng ty; cục thợ sơn son là Tất tượng; cục thợ đúc gọi là Chú tượng ty; cục thợ nề gọi là Nê ngõa tượng cục… Ngoài việc phục vụ cho triều đình thì những người thợ còn có cơ hội hành nghề phục vụ quần chúng nhân dân.

Trong đời sống nghề nghiệp, người Huế quan niệm rằng nghề nào cũng có tôn sư, tổ sư hay thánh sư của nghề ấy. Hàng năm vào những ngày định kỳ húy nhật của tổ sư, hay là ngày cúng tổ tất niên của tết Huế thì các phường thợ thủ công ở Huế đều tổ chức lễ cúng Tổ nghề một cách long trọng.

Ngày trước, theo chế độ tượng cục của triều đình, mỗi tượng cục đều có một tổ đường chung để thờ tổ sư. Nhưng từ khi triều Nguyễn cáo chung, tượng cục tan rã. Tuy vậy, thợ thủ công Huế vẫn phát triển ngày càng nhiều nhưng không còn cố kết một nơi thờ chung nữa, mà cúng Tổ nghề ngay ở nhà thầy mình, nhà thợ cả. Riêng nghề thợ nề chỉ còn tổ đường Nê ngõa tượng cục tại làng Địa Linh, phường Hương Vinh, thành phố Huế, đền chính thờ Tổ thợ nề ở Huế, là còn được thờ chính thức.

Hằng năm, trước và sau tết Nguyên đán, tức là từ đông chí đến hết mùa xuân, thợ thầy trong tất cả các nghề ở Huế có lễ cúng Tổ nghề nhằm để tỏ lòng tri ân những bậc tôn sư, tổ sư, thánh sư. Đồng thời cầu mong cho một năm mới làm ăn công việc được trôi chảy, thợ thầy đều được sức khỏe, an toàn trong lao động và hanh thông trong cuộc sống với nghề mà mình đã chọn. Và lễ cúng Tổ nghề tết Huế cũng là một trong những nét văn hóa đặc sắc trong chiến lược bảo tồn và phát triển để Huế trở thành một đô thị di sản mang nét đặc trưng của Việt Nam.

I. Lễ cúng Tổ nghề tết Huế

1. Cúng Tổ nghề nề, nghề mộc

Trong hệ thống các Tổ ngành nghề, có một nữ thần được xem là Tổ khai sáng của nhiều nghề chính, như thợ mộc, thợ cưa, thợ nề. Thần thoại kể rằng: “Ngày xưa. Trời thấy loài người sống chui rúc trong hang, mới sai nữ thần xuống hạ giới dạy cho dân gian cách làm nhà ở. Thần hiện hình một bà lão xuống trà trộn với người.

Một hôm, mọi người ra suối tắm, bà chỉ vào một cây dứa dại, bảo bứt một lá đầy gai, cứa vào chân làm rách da. Hai anh em Lỗ Ban và Lỗ Bốc tinh ý bắt chước làm một cái cưa, từ đó người ta biết dùng cưa để xẻ gỗ.

Lại một hôm, bà đứng thẳng, chống hai tay vào hai bên hông có ý ngầm ra kiểu làm nhà. Lỗ Ban và Lỗ Bốc nhờ đó chế ra kiểu nhà đầu tiên, mỗi vài gồm một cột chính giữa, với hai kèo giáp nhau hai bên.

Bà còn dạy cách làm thuyền bằng lối ra dấu: nằm ngửa hơi cong người lên. Lỗ Ban và Lỗ Bốc học theo, lấy gỗ đục cong làm thân ghe, các thanh gỗ mỏng làm chèo, dùng đi lại trên mặt nước1.

Sau đó bà biến về trời, dân gian tôn xưng bà là Cửu Thiên Huyền nữ, có nghĩa là bà linh thiêng ở chín tầng trời. Từ đó, người dân chăm lo việc phụng thờ bà, với thần hiệu là Cửu Thiên Huyền nữ Thánh tổ đạo mẫu nguyên quân.

Những người làm thợ mộc ở Huế, họ cúng Tổ nghề của mình vào ngày 19 tháng Chạp hằng năm. Thông thường những người thợ bạn ở các làng, xã sẽ tập hợp tại nhà ông thợ cả để làm lễ dâng cúng. Nếu chưa có điều kiện thiết án thờ Thánh sư, Tổ sư trong nhà thì khi làm lễ cúng, dân gian đặt tạm bàn ngoài hiên. Lời khấn vái theo đúng nghi thức, trước hết là nêu danh hiệu Cửu Thiên Huyền nữ, kế đến là danh hiệu của các Tổ sư như Lỗ Ban, Lỗ Bốc nhị vị tiên sư tôn thần, sau cùng là các bậc tiền hiền.

Khi nói đến nghề nề thì cho thấy nghề nề và nghề mộc có liên quan với nhau, vì cùng xuất phát từ mô thức của Cửu Thiên Huyền nữ. Với lại Lỗ Ban và Lỗ Bốc là hai anh em, một người khai sáng nghề mộc, một người khai sáng nghề nề. Do đó khi cúng tổ nghề nề chủ lễ vẫn khấn vái tên Cửu Thiên Huyền nữ và nhị vị tiên sư tôn thần Lỗ Ban, Lỗ Bốc. Ngoài ra, người thợ nề ở Huế còn thờ cha con vị tổ nghề xứ Huế. Cụ thể là:

- Tổ sư Hoàng ngọc quý công gia tặng Đức Bảo Trung Hưng Linh phò tôn thần.

- Đệ nhất trưởng tử Hoàng ngọc quý công tôn thần.

- Đệ nhị thứ tử Hoàng ngọc quý công tôn thần.

Sau cùng là một danh hiệu tập hợp gồm tiên hiền và hậu hiền bổn nghệ.

Ngày cúng Tổ của nghề nề được tổ chức vào ngày 24 tháng 11 âm lịch. Các thợ tập trung tại nhà thợ cả, làm lễ chung sau đó ăn uống trao đổi kinh nghiệm. Sau đó, tùy tâm có một số thợ về tổ chức thêm mâm cúng tại nhà mình, mời bạn bè, hàng xóm cũng như những bạn bè từ ngành nghề khác đến chung vui.

Ngày nay, ở làng Địa Linh, phường Hương Vinh, thành phố Huế, tại xóm Nam Hòa có Linh Hòa từ, là nhà thờ Tổ nghề thợ mộc do các hiệp thợ mộc và làng Địa Linh xây dựng nên. Trên án thờ, tôn trí bài vị ngài Lỗ Ban, Lỗ Bốc và Cao Lỗ là ba vị tổ sư của nghề mộc, nghề nề và nghề rèn. Và cao nhất là bài vị “Cửu Thiên Huyền nữ Phạm Thị nương nương tôn thần” đều có sắc phong của vua Khải Định năm thứ 9 (1924). Cũng tại làng Địa Linh, có xóm Ngõa Tượng, có miếu thờ Tổ nghề thợ nề của Nê Ngõa tượng cục thời Nguyễn, đã được trùng tu, thờ 2 vị Tổ sư Hoàng Ngọc quý công.

Riêng ngôi nhà thờ Tổ nghề mộc, do thấp lè tè, tối tăm, ít được người ở bên cạnh chăm sóc nên ít người biết đến. Hy vọng, chính quyền địa phương cần có những giải pháp cụ thể để phát huy giá trị di tích này, đồng thời làm nơi hội ngộ của những người làm nghề mộc trên địa bàn tỉnh qua những lần cúng tế Tổ nghề mộc.

2. Cúng Tổ nghề rèn

Tại Huế, nghề rèn hầu như xuất phát từ một làng duy nhất đó là làng Hiền Lương, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền. Do đó, việc thờ cúng Tổ nghề rèn ở Huế căn cứ theo làng này. Lễ cúng Tổ thường niên được diễn ra vào ngày 18 tháng 2 âm lịch. Các chi hội thợ rèn trong tỉnh, và các tỉnh lân cận đều cử đại diện về tham dự lễ tế Tổ tại Tổ đình nghề rèn ở làng Hiền Lương.

Trong sách Hiền Lương chí lược, nhà nghiên cứu Huỳnh Hữu Hiến đã cho hay: “Về kinh tế, toàn thể trong làng lấy kỹ nghệ thợ rèn làm sinh kế. Vì vậy, con dân trong làng một số rất lớn cần phải tha hương sinh lý, khắp các châu thành không có nơi nào mà không có bóng con nhà Hiền Lương. Tuy nhiên, ly hương bất ly tổ, dầu nghìn dặm xa xăm, tấm lòng luôn hướng về Tổ2.

Vị Tổ sư dạy nghề rèn cho làng được truy nguyên đến một vị thần cao cấp là ngài Tây Nhạc Kim Thiên Thuận Đế, sau được phong Thái Lợi chi thần. Kế đó là các tiên sư, tổ sư, tiền hiền, hậu hiền bổn nghệ trong làng. “Nhờ có nghề rèn mà người Hiền Lương bôn tẩu đi làm ăn, làm giàu khắp nơi. Đến ở đâu người Hiền Lương cũng quây quần bên nhau rồi lập nên Hàng kỉnh nhằm bảo lưu giúp đỡ, truyền giữ cái nghề rèn truyền thống, dần dần trở thành một tổ chức nghề cơ khí khác chặt chẽ. Hàng kỉnh là một dạng của hiệp hội ngành nghề ngày nay, nhưng đầm ấm tình nghĩa hơn vì đa số thành viên đều là con dân, dâu rể của nghề rèn Hiền Lương. Ngày giỗ Tổ sư hằng năm vào 18 tháng 2 âm lịch, người xa quê không về được thường họp nhau ở nhà Kỉnh trưởng để tưởng niệm, dâng hương bái vọng về cố thổ3.

Trong văn tế Tổ nghề rèn làng Hiền Lương có văn thức Lễ túc yết đọc tại Tổ đình vào chiều tối ngày 17 tháng 2 âm lịch; văn thức lễ Chánh tế đọc tại Tổ đình vào ngày 18 tháng 2 âm lịch. Tất cả đều ca ngợi công đức của ngài Tổ sư, các bậc tiền hiền, hậu hiền của làng đã gia hộ độ trì cho con dân của làng rèn Hiền Lương được hưởng lợi lạc quanh năm.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nghề rèn phát triển ở làng Phù Bài, xã Thủy Phù; làng Thần Phù, Châu Sơn, cầu Vực, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy. Được biết thế kỷ XVIII, khi nghề rèn làng Hiền Lương phát triển mạnh, một số gia đình đã đến mở lò rèn lập nghiệp ở Phù Bài, phát triển nghề rèn đến nay đã truyền được 9 đời. Từ đó đến nay, họ vẫn theo nghề gốc; tuy trở thành người của làng Phù Bài nhưng họ vẫn có một tổ chức riêng mang tình đồng hương và nghề nghiệp là Hàng kỉnh. Nay cả làng có 10 lò rèn tập trung hoạt động tại Xóm Rèn. Còn ở Cầu Vực, phường Thủy Châu còn chừng 12 lò rèn hoạt động tốt. Hằng năm các lò rèn vẫn có sản phẩm gửi tham gia Hội chợ Festival Nghề truyền thống Huế hoặc Festival Huế được người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm cho gia đình.

3. Cúng Tổ nghề kim hoàn

Nghề nữ trang vàng bạc ở Huế được phục hưng từ đầu triều Nguyễn, người có công lớn từ một thợ cả trong Nội Kim tượng cục đầu đời Gia Long, đó là ông Cao Đình Độ sinh năm Giáp Thìn (1744), tại làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Ông di cư vào Huế làm con nuôi họ Trần Duy ở làng Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền. Từng được phong chức Lãnh binh dưới triều Tây Sơn. Dưới triều Gia Long ông tham gia ở Nội kim tượng cục. Vào ngày 27 tháng 2 năm Canh Ngọ (28/2/1810), ông Cao Đình Độ qua đời, hưởng thọ 66 tuổi, được truy phong tước hiệu “Đệ nhất tổ sư”, an táng tại ấp Trường Cởi (nay là phường Trường An, thành phố Huế).

Ông Cao Đình Hương cũng được truyền nghề tinh xảo từ cha của mình và từ đó dân làng Kế Môn theo học thành thạo nghề kim hoàn, truyền từ đời này sang đời khác, đi khắp nơi ở trong nước hành nghề thợ kim hoàn. Sau khi cha mất, ông Cao Đình Hương quyết định từ quan về quê để tìm người nối nghiệp gia đình. Quan Thượng thư bộ Lại ở Thuận Hóa lúc bấy giờ là Trần Minh cùng vợ là Huỳnh Thị Ngọc đã mời ông về phủ dạy nghề cho 3 người con là Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền và 3 người cháu là Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo, Huỳnh Nhật.

Ngày 7 tháng 2 âm lịch (8/2/1821), ông Cao Đình Hương qua đời, hưởng thọ 48 tuổi, được vua Minh Mạng phong tước hiệu “Đệ nhị tổ sư”, phần mộ được an táng bên cạnh mộ của cha là Cao Đình Độ tại ấp Trường Cởi. Lăng Đệ nhất tổ sư (Cao Đình Độ) xây dựng năm Canh Tuất (1810). Lăng Đệ nhị tổ sư (Cao Đình Hương) xây dựng năm Tân Tỵ (1821). Hai lăng mộ tổ nghề kim hoàn được trùng tu lần thứ nhất vào năm Khải Định thứ 4 (1920) do cụ Huỳnh Công Truyền chủ trì với công sức của toàn thể môn đệ Cục Kim hoàn đóng góp xuất phát từ ý thức tôn sư trọng đạo. Do bị ảnh hưởng bởi thời gian và chiến tranh tàn phá nên đã hư hỏng một số lớn các bộ phận, năm 1970, Khu lăng mộ được trùng tu sửa chữa lại với quy mô kiến trúc khang trang, hiện đại như hiện nay. Hai lăng cùng một quy cách kiến trúc và do cụ Triệu Mân, Chủ tịch Nghiệp đoàn ngành Kim hoàn Trung - Cao Nguyên và Nam Phần chủ trì. Là một sự hội tụ tinh hoa về nghệ thuật và đóng góp của tiền của toàn thể môn sinh ngành kim hoàn. Cùng với di tích Từ đường Kim Hoàn ở số 7 đường chùa Ông, phường Gia Hội, thành phố Huế và khu lăng mộ đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 168VH/QĐ ngày 2/3/19904.

Hàng năm, vào ngày 7 tháng 2 và 27 tháng 2 âm lịch, phường thợ kim hoàn cùng nhau dâng cúng Tổ sư nhân húy nhật của hai vị.

Khu lăng mộ nhị vị Tổ sư Kim hoàn Việt Nam tại phường Trường An, thành phố Huế
Nhà thờ Tổ nghề Kim hoàntại số 7 đường Chùa Ông, thành phố Huế.


Năm Khải Định thứ 9 (1924), nhân dịp lễ Tứ Tuần Đại Khánh Tiết, xét hai ngài có nhiều công lao trong việc truyền bá nghề kim hoàn nên vua Khải Định hạ chiếu sắc phong: “Dực bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần”. Nguyên văn:

敕承天府香茶縣弟六坊金環局奉事金環開藝高廷度高廷香大郎稔著 靈應肆金正值朕四旬大慶節經寳詔覃恩禮隆登秩著封為翊保中興靈扶之 神準其奉事用誌國慶而申祀典欽哉

啟定玖年柒月貳拾五日

Phiên âm:

Sắc Thừa Thiên phủ, Hương Trà huyện, Đệ Lục phường, Kim hoàn cục. Phụng sự Kim hoàn khai nghệ, Cao Đình Độ, Cao Đình Hương đại lang. Nẫm trứ linh ứng tứ kim chính trực Trẫm Tứ Tuần Đại Khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Trứ phong vi Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần. Chuẩn kỳ phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai!

Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.

Dịch nghĩa:

Sắc cho Cục Kim hoàn, phường Đệ Lục, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên phụng thờ hai vị khai sáng nghề Kim hoàn là Cao Đình Độ và Cao Đình Hương. Linh ứng đã lâu, nay gặp dịp Tứ Tuần Đại Khánh của Trẫm đã bảo chiếu ra ân huệ rộng rãi, lễ lớn nên phong tặng Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần. Chuẩn cho phụng thờ và dùng để ghi nhớ ngày mừng của nước mà tỏ rõ phép tắc thờ tự. Kính thay!

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (Ngày 25 tháng 8 năm 1924)5.

Lễ tế tổ nghề kim hoàn là một hoạt động tín ngưỡng đặc trưng, khá quy mô, thu hút nhiều người thợ kim hoàn khắp cả nước về Huế để tham gia nhằm thể hiện sự phát triển của nghề kim hoàn không chỉ ở quy mô sản xuất mà còn ở những hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần nghề nghiệp. Đồng thời, đây còn là dịp để các đồng nghiệp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp.

Nghề kim hoàn tuy phát xuất tại làng Kế Môn nhưng lại truyền đi và phát đạt ở nơi khác, đầu tiên là tại kinh đô, sau đó nghề kim hoàn Kế Môn có mặt trên khắp các thành phố trong cả nước như Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh. Có gia đình đã sống qua 4 - 5 đời làm thợ kim hoàn; có gia đình mới làm vài chục năm. Song họ luôn phát huy truyền thống đoàn kết thân ái, chia sẻ khó khăn, giúp nhau phát triển kinh tế. Với quan niệm ly hương bất ly tổ, người dân Thừa Thiên Huế dù có đi đâu cũng không bao giờ quên văn hóa nguồn cội của quê hương. Mạch sống tinh thần của người dân xa quê luôn được kết nối bằng những hoạt động văn hóa thông qua lệ tục, tín ngưỡng làng xã. Văn hóa dân gian truyền thống làng xã là mối dây thắt chặt tình đoàn kết của những người dân ly hương đều được thể hiện qua lễ cúng Tổ nghề tết Huế.

Ngày nay, tại làng Kế Môn còn có các di tích liên quan đến nghề kim hoàn đó là địa điểm di tích Đe Thợ Vàng, di tích Búa Thợ Vàng nằm ở ruộng Cồn Nổi ven bờ sông Ô Lâu. Còn trong làng có nhà thờ Tổ Kim hoàn tọa lạc ở trục đường làng, phía sau lưng đình làng Kế Môn. Những di tích này là địa điểm để những người thợ kim hoàn trong tỉnh, trong cả nước tề tựu về nơi gốc gác phát tích làng nghề nổi tiếng từ xưa đến nay.

4. Cúng Tổ nghề thêu, nghề lọng

Các nghề như thợ thêu, thợ lọng xa xưa gần như chỉ phục vụ cho cung đình. Hai nghề này xuất phát từ miền Bắc, lan truyền vào Nam. Nhân vật được tôn phong Tổ sư là Lê Công Hành, tên thật là Trần Quốc Khái (1600 - 1661), sinh tại làng Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín (tỉnh Hà Tây) nay thuộc thành phố Hà Nội. Ông đỗ tiến sĩ năm Dương Hòa thứ 3, Đinh Sửu (1637), nhân đi sứ Trung Quốc, học thêm kỹ xảo thêu rồng, phượng, hoa và nghề làm lọng tinh tế hơn nghề cũ ở quê nhà. Trở về nước, ông đã truyền nghề cho dân gian. Dân thợ thêu và thợ lọng ở Thăng Long tôn ông là Tổ sư nghề thêu, sau đó lan truyền vào Huế, theo chân hậu duệ của ông.

Nghề thêu truyền thống Huế ra đời cùng với quá trình phát triển xứ Thuận Hóa - Phú Xuân từ thế kỷ XIV và phát triển rực rỡ vào thời các chúa Nguyễn và nhất vào đầu thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đến đời Khải Định, thợ thêu ở Huế tập trung vào phổ Cẩm Tú. Hàng năm, các thành viên trong phổ Cẩm Tú tổ chức lễ cúng Tổ vào ngày 12 tháng Giêng kỷ niệm sinh nhật và ngày 4 tháng 6 kỷ niệm húy nhật của ngài Lê Công Hành.

Trong lễ cúng này, người hành lễ thường đọc bài văn tế cổ truyền, tán dương công đức của ông:

Viết cung duy:

Tiên sư tài cao xuất loại, trí mại tiên tri.
Nam triều khanh nguyệt. Bắc địa thiện tinh.
Tú khẩu cẩm tâm, ký dĩ văn chương minh thanh thế:
Đạt châm ty tuyến phục truyền tinh xảo dẫn Ly phương.
Năng thuật vi minh, Đẩu Sơn tại vọng.
Hữu công tác tự, tang hải bất vong.
Thích phùng xuân tiết, kính thiết phi nghi.
Nguyện giảm đơn thổn, tích dĩ hồng hy.
Phục duy thượng hưởng!

Dịch nghĩa:

Kính nghĩ rằng:
Tiên sư tài cao xuất chúng, trí vượt tiên tri.
Là vầng trăng sáng Nam triều, là ngôi sao lành đất Bắc.
Lòng tựa gấm, miệng như thêu, đã lấy văn chương soi sáng đời thịnh trị;
Mũi kim, sợi chỉ, lại truyền tinh xảo đến phương Nam.
Tài khéo sáng tỏ, như ngắm Thái Sơn, Bắc Đẩu.
Có công thờ tự, dù dâu biển chẳng hề quên.
Gặp lúc xuân tiết, kính dâng lễ mọn,
Nguyện soi xét lòng son, ban cho ơn phước lớn.
Kính mong thượng hưởng!

Ông đã được triều Lê - Trịnh sắc phong và triều Nguyễn gia phong thần hiệu như sau: Đặc tấn Kim tử Vinh Lộc đại phu, Công bổ Tả thị lang Thanh Lương hầu, tặng: Công bộ Thượng thư, Thái bảo Lương quận công, thượng trụ quốc thượng trật Bùi tướng công tứ danh Lê. Bao phong Thông tục Trung chánh Tinh úy Huy công đại vương. Gia phong: Tuấn mại Cương trung trung đẳng thần. Tác gia phong: Dực Bảo Trung Hưng chi thần6.

5. Cúng Tổ nghề gốm và nghề chạm khắc gỗ

Làng Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những ngôi làng hình thành từ lâu đời (thế kỷ XV). Tên làng Cảm Quyết dưới thời chúa Nguyễn được đổi thành Phước Giang, đến thời Tây Sơn, đổi lại là Hoàng Giang, cho đến đầu triều Gia Long đổi lại thành Phước Tích và tên gọi này tồn tại cho đến nay. Làng Phước Tích còn có tên nôm xưa là Kẻ Đôộc, hay là làng Đôộc Đôộc chuyên làm các sản phẩm gia dụng bằng đất nung như: om, nồi, hủ, đột. Làng đã lập miếu Đào nghệ (nghề gốm) thờ cúng tại làng. Cư dân trong làng hàng năm đến ngày xuân kỳ, thu tế đã dâng cúng tại miếu này. Danh hiệu Tổ được phụng thờ chỉ có ý nghĩa tập thể, gồm tổ tiên 3 họ chính ở làng đã truyền bá nghề này “Tam vị chánh tộc Đào nghề tư công liệt vị tôn thần”7.

Ở văn bia đặt tại miếu Đào nghệ và miếu Khai canh làng Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền đã nói rõ như sau: “Từ thế kỷ XV, 12 họ trong làng Đoàn, Hoàng, Hồ, Lê Ngọc, Lê Trọng, Lương Thanh, Nguyễn, Nguyễn Duy, Nguyễn Phước, Phan, Trần và Trương, nguyên ở làng Cảm Quyết, sau là Dõng Quyết, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nhờ có ngài Hùng Minh Hầu Hoàng Minh Hùng, người làng. Đặc tấn phụ quốc tướng quân, Cẩm Y vệ Đô chỉ huy sứ Ty chỉ huy sứ quản trị Phó tướng phò giúp di cư vào Nam, định cư tại phần đất tự ngài khảo sát thích ứng với nghề gốm là Cồn Dương, khai hoang lập ấp, xã hiệu Phước Giang nay là Phước Tích, nghề gốm hưng thịnh giàu có vẻ vang.

Tưởng niệm công đức của ngài Thủy tổ họ Hoàng sinh nhật 3 tháng 8 năm không rõ, kỵ nhựt 5 tháng 11 năm không rõ, mộ tại xứ Mèo Lang, làng Mỹ Xuyên, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Làng tôn vinh bổn thổ khai canh. Xây miếu thờ, dựng bia mộ. Xây miếu thờ các vị trong 3 họ chính cai quản công việc nghề gốm”. Thành kính tri ân xây dựng bia tưởng niệm. Ngày 6 tháng 6 năm Mậu Thìn (1988). Cẩn chí8.

Làng Mỹ Xuyên thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là ngôi làng cổ có lịch sử hình thành từ lâu đời và đóng góp cho xứ Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế những người thợ chạm khắc gỗ tài ba. Làng chạm khắc gỗ Mỹ Xuyên không có miếu thần Bổn nghệ, mà chỉ thờ cúng ở nhà thợ cả. Vị Tổ sư là Nguyễn Văn Thọ sống vào đời Tự Đức, học nghề với thân phụ của mình, sau một thời gian làm việc trong Mộc tượng cục ở kinh thành, đã trở về quê vợ là làng Mỹ Xuyên sinh sống và truyền nghề ở đây. Do đó, vẫn được dân thợ trong làng tôn xưng là Tổ sư, lễ cúng Tổ diễn ra hàng năm vào ngày mồng 4 tháng Giêng. Khi đó, “các thợ học nghề tùy sức mình mà đóng góp tiền bạc, gạo nếp đến nhà thầy để cúng Tổ đúng ngày quy định9.

Ở Huế, ngoài những công trình kiến trúc ở cung đình, còn có hệ thống kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng như chùa, đền miếu, đình làng, nhà thờ họ, hệ thống phủ đệ, nhà ở của người dân, đều có đôi bàn tay tài hoa của những người thợ Mỹ Xuyên tạo tác nên.

Ngày nay, trong cơ chế thị trường, người thợ chạm khắc gỗ Mỹ Xuyên sinh sống tập trung ở các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột hoặc một số nước như Thái, Lào, Campuchia… để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu với nhiều mẫu mã hàng hóa mới đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, dù sản xuất ở địa phương nào, thế hệ thợ chạm khắc gỗ Mỹ Xuyên ngày nay vẫn luôn gìn giữ phát huy nghệ thuật chạm khắc truyền thống của cha ông.

6. Cúng Tổ nghề tranh giấy làng Sình

Làng Lại Ân có tên Nôm là làng Sình ở bờ Nam hạ lưu sông Hương, xã Phú Mậu, thành phố Huế. Từ Sình có khả năng là chỉ sình lầy ven sông. Trong làng phát triển nghề làm tranh giấy phục vụ tín ngưỡng thờ cúng của dân gian Huế.

Đối với nghề này có tổ chức hội được gọi là Hội Bồi, đây là một hình thức có tính tương tế của những người cùng nghề làm tranh. Họ tự nguyện liên kết với nhau trong một tổ chức, đứng đầu là chủ bồi, phó bồi, sau đó là các con bồi. Từ mức thu nhập của nghề làm tranh nhiều hay ít, các con bồi sẽ đóng góp phần mình gây quỹ cho các hoạt động tế tự của làng vào ngày mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng âm lịch.

Vì là làng làm nghề dán áo giấy, nên phải đem sản phẩm này dâng cúng lên thần linh, tiên tổ của làng theo định kỳ, có lẽ là dịp Tết hàng năm. Và lễ của nghề bồi của làng (tức nghề dán áo giấy) diễn ra vào tháng 5, làng quy định: mua 8 con gà trống, giấy vàng bạc, trà, hương trầm, trầu rượu đủ dùng, chuẩn tiền 3 quan, nạp thuế xong làm lễ tất cũng chuẩn tiền 3 quan.

7. Cúng Tổ nghề làng Mậu Tài

Trong Ô Châu cận lục của Dương Văn An, làng Hoài Tài, sau này là Mậu Tài đã được nhắc đến một nghề truyền thống “Rèn sắt thành khí là dân Tân Lạn, Hoài Tài”. Ngày nay, trên vùng đất ở, đất vườn, rải rác từ xóm Chợ đến xóm Đình, khi canh tác người dân vẫn còn gặp nhiều xỉ sắt. Một vị tiên tổ họ Lê tên là Lê Tuấn Thi thành thạo nghề rèn, đã được triều đình thừa nhận là “Giỏi huấn luyện thợ rèn, có công với nước”, được cấp ba sào ruộng tự điền tại làng. Ngài đã lấy vợ làng Hiền Lương và truyền dạy nghề rèn cho cư dân làng này. Tại Mậu Tài ngày kỵ của ngài là 18 tháng 2 âm lịch.

Đến đời chúa Nguyễn, làng phát triển thêm nghề kéo dây thau dây thép, làm kim chằm tơi lá. Hai vị tổ sư nghề này là hai anh em ruột thuộc đời thứ 5 của một phái họ Trần: Trần Trọng Điểm và Trần Thúc Kiệm. Ngài Điểm tự là Phú Nhuận đã tháp tòng tàu buôn sang Quảng Đông, Trung Quốc học nghề kéo dây thau. Khi trở về nước đã cùng em là Thúc Kiệm dạy cho dân làng làm nghề này, trở thành tổ sư của tượng cuộc Mậu Tài tại chánh dinh Phú Xuân. Ngài em lại vào Quảng Nam hành nghề, phổ biến nghề cho dân làng trú ngụ tại Hội An, trở thành tổ sư của tượng cuộc Mậu Tài tại dinh Quảng Nam.

Từ đó con cháu trong họ và làng đều tham gia ty thợ Mậu Tài của triều đình. Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776 đã mô tả tình hình sản xuất nghề này vào thời chúa Nguyễn trước đó: “Xã Mậu Tài huyện Phú Vang biết làm dây thau dây thép. Khi quan cai Đồ gia truyền lấy dùng thì thủ hợp ty Lệnh sử và dân xã ấy khai giấy lĩnh đồng đỏ 1000 cân, kẽm 400 cân, sắt 500 khối, tiền than 45 quan, luyện thành đem nộp, theo lệ 100 cân đồng chế vào 40 cân kẽm, trừ hao 50 cân, nộp dây thau cân được 90 cân; 1 khối sắt thì nộp dây thép 1 cân10.

Ngoài việc cung ứng cho vua chúa, nghề làm dây thau còn đáp ứng nhu cầu dân gian, dân làm nghề cá mua để cắt lưỡi câu vàn, làm dây buộc, hay chế tác các loại kim thô, tiêu biểu như kim chằm tơi lá.

8. Lễ cúng Tổ những nghề khác

Ở Huế hiện nay vẫn có một số phường hội buôn bán của giới tiểu thương nhưng được tổ chức chủ yếu là liên kết nghề nghiệp và chung sức cúng tế chư thần bảo hộ nghề nghiệp. Cụ thể là:

- Cư dân làng Nam Phổ, phường Phú Thượng, thành phố Huế ngoài một ít làm ruộng, đa số lập vườn trồng cau, hình thành nên phổ buôn cau, bao gồm những người kinh doanh mua cau tươi bửa ra sấy làm cau khô bán ra miền Bắc trước năm 1954. Cứ 3 năm họ tổ chức một lần đại lễ vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch dâng cúng lên Bà, tức là Liễu Hạnh công chúa - Đệ Nhất Vân Hương thánh mẫu. Ngày trước phổ còn rước đoàn hát bội chuyên nghiệp về công diễn. Miếu thờ của phổ gọi là miếu Can lang (can lang là cau khô) dân gian không rõ nghĩa thường gọi trệch là miếu Tào lao11.

- Phổ buôn đồng của phường Đúc cũng là một tập hợp các phụ nữ cùng nghề mua nguyên liệu đồng, bán sản phẩm của các lò đúc, cũng liên kết nhau, hằng năm chung sức tổ chức lễ cúng Bà ở giữa sông Hương. Họ kết 4 hoặc 6 chiếc thuyền làm thành một chiếc bằng cúng giữa sông, nhiều chiếc thuyền nhỏ được kết dài làm cầu nối liền ra bằng cúng. Lễ cúng diễn ra vào một ngày tốt trong tháng 6 âm lịch, với lễ vật bát xôi, con gà, miếng thịt, mâm cơm và hương hoa quả phẩm. Tất cả những người buôn, đứng đầu là hội chủ, cùng đội một dải lụa điều, rồi đứng quanh án thờ, thay nhau vào lễ bái12.

- Một số chợ và một số nghề lao động phổ thông khác như phu xe, phụ khuân vác, xe thồ, xe ôm, xích lô, ve chai, vé số, đánh giày, gánh hàng rong không có tổ chức phường hội, nhưng hàng năm vào dịp 23 tháng 5 âm lịch và những ngày cuối tháng Chạp. Tùy theo công việc thuận lợi hay khó khăn đến đâu họ cũng đóng góp ít hay nhiều cho buổi cúng Tổ cuối năm. Đồ cúng với đầy đủ các thứ như gà luộc, xôi, hoa quả, quần áo giấy, vàng mã với ước muốn sẽ làm ăn may mắn, được ông Trời phù hộ không gặp rủi ro.

Sau khi lễ cúng Tổ nghề đã xong thì đa phần các phường nghề đều tạm ngưng hoạt động để đón tết, trừ thợ may và nghề cắt tóc vẫn làm nghề cho tới tận chiều 30 tết.

II. Kết luận

Lễ cúng Tổ nghề cùng với lễ cúng tất niên tết Huế đã làm cho không khí chào tết đón xuân càng thêm rộn rã. Sau một năm tất bật mưu sinh, cuối năm góp tiền tổ chức lễ cúng Tổ nghề, cúng tất niên là dịp để những người láng giềng ngồi lại với nhau, tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới, thấm đượm tình làng nghĩa xóm, tình thợ thầy.

Lễ cúng Tổ nghề tết Huế không chỉ tưởng nhớ người sáng lập ra nghề đó mà còn thể hiện sự biết ơn công lao người đã gìn giữ và phát triển ra ngành nghề, giúp nghề nghiệp ngày càng đi lên, càng phổ biến trong xã hội và đem lại thu nhập cao hơn. Bên cạnh thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ những người đã có công sáng lập và phát triển ngành nghề, lễ cúng Tổ nghề tết Huế còn là cách để những người làm nghề xin các Tổ sư phù hộ, dõi theo để công việc làm ăn luôn may mắn, suôn sẻ, tránh được các tai nạn không đáng có.

Xuân đến tết về, ngồi mà nghĩ lại các bậc Tổ sư, Thánh sư, các bậc tiền hiền, hậu hiền trong các làng nghề xứ Huế đã để lại cho Huế một sự giàu có cả về di sản văn hóa vật chất lẫn di sản văn hóa tinh thần, tạo được tiếng vang tốt không chỉ trong nước mà còn lan ra tới hải ngoại.

Còn nhớ nhà thơ Đặng Huy Trứ, là người đã ngợi ca nhiều loại sản phẩm từ nghề truyền thống Huế, đến những địa danh nổi tiếng làng nghề, những nghệ nhân truyền nghề của Huế đương thời. Trong đó, xin đơn cử 1 bài thơ mang tên Dã Nhương Hiền Lương để thấy rõ điều đó:

Cửu dã gia truyền thích thế nhu
Hiền Lương thanh dự chấn trung đô
Cách giang lôi hưởng Ngô Cương phủ
Mãn tọa phong thanh Thái Ất lô
”.

Nghĩa là:

Nối nghiệp được nghề rèn gia truyền đáp ứng nhu cầu của đời
Tiếng tốt của làng Hiền Lương chấn động chốn kinh đô
Tiếng sấm vọng cách sông là tiếng búa của chàng Ngô Cương
Gió mát đầy nhà là gió của nhà Thái Ất
13.

Ngày nay, xứ Huế vẫn còn một số làng nghề duy trì phát triển nối nghiệp Tổ sư nghề như làng nghề gốm Phước Tích, làng nghề chạm khắc gỗ Mỹ Xuyên, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, làng nghề tranh thờ cúng Lại Ân (làng Sình), làng nghề Ông Táo Địa Linh, làng nghề chằm nón Mỹ Lam, Tây Hồ, làng đan gót Dạ Lê Chánh, Lai Thành, làng nghề đúc đồng Phường Đúc, làng nghề đan lát Bao La, Thủy Lập… đã tôn vinh vẻ đẹp của văn hóa Huế hiện nay.

Những điều được trình bày trên chứng tỏ rằng trong tâm thức của người dân Huế luôn luôn hằn sâu một niềm tin, một lòng biết ơn các vị thánh thần, vong hồn tôn sư, tổ sư, thánh sư, tiền hiền, hậu hiền vẫn quan tâm giúp đỡ, phù hộ, độ trì cho người thợ trong cuộc sống lao động được an lành.

T.N.K.P
(TCSH408/02-2023)

------------------------------
1 Trần Đại Vinh: Tín ngưỡng dân gian Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1995, trang 151.
2 Huỳnh Hữu Hiến, Hiền Lương chí lược, Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế xuất bản, Huế, 1991, trang 14.
3 Dương Phước Thu, Dương Thị Hải Vân, Văn bản Hán Nôm làng Hiền Lương, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2013, trang 18, 19.
4 Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, Di tích lịch sử văn hóa ở Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2017, trang 142.
5 Trần Văn Dũng, Lăng mộ Tổ nghề kim hoàn Việt Nam - Lịch sử kiến trúc và lễ tế tổ nghề, Tập Nghiên cứu Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế, tháng 12/2016, trang 129, 130.
6 Trần Đại Vinh, Tín ngưỡng dân gian Huế, Sđd, trang 154, 155.
7 Nguyễn Hữu Thông, Huế nghề và làng nghề thủ công truyền thống, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1994, trang 131.
8 Tư liệu điền dã của Trần Nguyễn Khánh Phong ngày 31/12/2021.
9 Nguyễn Hữu Thông: Huế nghề và làng nghề thủ công truyền thống. Sđd, trang 113.
10 Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Trần Đại Vinh dịch và bổ chính, Nxb. Đà Nẵng, 2018, trang 192.
11 Trần Đại Vinh, Tín ngưỡng dân gian Huế, Sđd, trang 156.
12 Nguyễn Hữu Thông: Huế nghề và làng nghề thủ công truyền thống. Sđd, trang 71.
13 Nguyễn Hữu Thông: Huế nghề và làng nghề thủ công truyền thống, Sđd, trang 174.

 

 

Các bài mới
Bức tranh thêu (16/03/2023)
Huế ru (10/03/2023)
Về nhà đi (10/03/2023)
Các bài đã đăng