Tạp chí Sông Hương - Số 412 (T.06-23)
'Sông Hương' - Một dòng sông chở nặng phù sa
15:13 | 13/06/2023

ĐẶNG THỊ NGỌC PHƯỢNG - PHẠM PHÚ PHONG

Sông Hương là dòng sông được đất trời ban phát, chuyên cần chảy mãi từ bao đời. Con người hết thế hệ này đến thế hệ khác, từ nhiều nơi khác nhau trên khắp hành tinh từng đến đây uống nước, tắm gội, nghiêng mình soi bóng và chiêm ngưỡng, hít thở và hưởng thụ bầu không khí tràn ngập hương hoa.

'Sông Hương' - Một dòng sông chở nặng phù sa
Một số gương mặt lý luận phê bình tiêu biểu - Ảnh: tư liệu

Không chỉ có thế, cách đây tròn bốn mươi năm, nơi đây còn sinh hạ thêm một dòng sông con, dòng sông nhân tạo, cũng thao thiết chảy trong sự chào đón của mọi người, đó là Tạp chí Sông Hương, cơ quan ngôn luận của những người làm văn hóa, văn nghệ, nơi mát trong nuôi dưỡng tâm hồn, hun đúc và phát huy đời sống tinh thần của con người. Và, cũng giống như sông mẹ, dòng sông này cũng vượt qua bao bờ bãi, thác ghềnh, cần mẫn đưa đến cho người đọc trong tỉnh, trong nước và cả nước ngoài, một trữ lượng văn hóa, văn chương, nghệ thuật nặng đầy, như một dòng sông chở nặng phù sa, theo đúng nghĩa của từ này. Lần lại hơn bốn trăm số báo (chưa kể mấy chục số Sông Hương Số Đặc biệt), chỉ riêng mảng lý luận, phê bình văn học viết theo nhiều tâm thế và giọng điệu khác nhau, ngót nghét số lượng bài viết có đến cả nghìn bài!

Về đội ngũ người viết lý luận phê bình, Sông Hương không thua kém bất kỳ tờ báo nào ở Trung ương trong việc thu hút những cây bút cự phách ở trong nước và cả ở nước ngoài tham gia: từ các cây bút thuộc thế hệ những người đã trưởng thành thời đất nước còn chiến tranh, các tên tuổi lẫy lừng như Đỗ Đức Hiểu, Hà Minh Đức, Hoàng Ngọc Hiến, Phan Ngọc, Nguyễn Văn Hạnh, Phong Lê, Trần Đình Sử, Văn Tâm, Đặng Anh Đào, Lê Thị Đức Hạnh; đến thế hệ những người là cầu nối của chiến tranh và hòa bình như Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Đỗ Lai Thúy, Phan Trọng Thưởng, Trương Đăng Dung, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Văn Dân, Mã Giang Lân, Bùi Việt Thắng, Vũ Tuấn Anh, Bích Thu, Lý Hoài Thu, Nguyễn Ngọc Thiện, Hồng Diệu, Ngọc Trai, Phạm Xuân Nguyên, Lưu Khánh Thơ, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh, Văn Giá, Lê Dục Tú; đến cả những cây bút là người Việt, định cư ở nước ngoài vẫn gửi những gì sâu nặng nhất trong tâm hồn mình về cố hương với tình nghĩa đồng bào, như Hoàng Xuân Hãn, Cao Huy Thuần, Đặng Tiến, Nguyễn Đức Tùng, Khế Iêm, Nguyễn Hàn Chung, Linda Lê; và nhất là thế hệ trẻ, những người là sản phẩm của thời kỳ đổi mới, như Lê Huy Bắc, Inrasara, Đỗ Hải Ninh, Đoàn Ánh Dương, Lường Tú Tuấn, Châu Minh Hùng, Đỗ Văn Hiểu, Trần Ngọc Hiếu, Nguyễn Mạnh Tiến, Trần Thiện Khanh... Những trang lý luận phê bình trên Tạp chí Sông Hương, cũng có sức hút mạnh mẽ đối với những người sáng tác đã thành danh, họ dạo chơi trên trang báo bằng những khám phá đầy bất ngờ và hứng khởi, nhạy cảm và tự tin, không thua kém bất cứ một cây bút lý luận phê bình chuyên nghiệp nào, đó là các bài viết của Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Cầm, Nguyễn Khắc Phê, Thu Bồn, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Mạnh Hảo, Hoàng Hưng, Nguyễn Khắc Thạch, Ngô Minh... Chỉ nhìn lướt qua, cũng có thể nhận ra những cây bút tiêu biểu nhất cho thành tựu lý luận phê bình văn học thời kỳ đổi mới của đất nước, đều là những cây bút thường xuyên xuất hiện trên Tạp chí Sông Hương: Trần Đình Sử với lý thuyết thi pháp học, Đỗ Lai Thúy với lý thuyết phân tâm học, và Trương Đăng Dung, người chỉ ra con đường từ văn bản đến tác phẩm thông qua người đọc.

Đặc điểm dễ nhận ra từ góc nhìn địa - văn hóa của xứ Huế, đó là một trong ba trung tâm học thuật về khoa học văn học, chỉ sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, bởi những nơi này là những nơi tập trung các trường đại học, nơi có truyền thống đào tạo, ươm mầm, ký thác những cây bút lý luận phê bình. Và trước tiên, hầu hết những nhà lý luận phê bình đều không phải chuyên nghiệp, mà chủ yếu xuất thân từ nghề giáo, từ các trung tâm đại học: “Ở nước ta rất ít người làm nghề lý luận phê bình chuyên nghiệp. Phần lớn họ là nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu văn học chuyển sang làm lý luận phê bình” [1, tr.7]. Huế không phải là trung tâm báo chí nhưng là nơi có ba khoa văn của hai trường đại học và một trường cao đẳng (trong một thời gian dài đến vài chục năm còn có thêm ngành văn học ở Đại học dân lập Phú Xuân), đã tạo ra một bầu không khí mang thói quen của văn hóa đọc, hình thành nên một đời sống lý luận, phê bình sôi động thật sự và Tạp chí Sông Hương đã “hưởng lợi” từ môi trường này. Huế đã tập trung và có tiềm lực về lâu dài, với một đội ngũ lý luận phê bình đông đảo, chủ yếu là xuất thân từ nhà giáo. Ngoài một số nhà nghiên cứu, ít nhiều có tham gia lý luận phê bình như Bửu Ý, Tôn Thất Bình, Trần Đại Vinh, Nguyễn Đắc Xuân, Phan Hứa Thụy, Triều Nguyên, Trần Hoàng, Ngô Thời Đôn, Phan Thị Đào, Phan Quỳnh Nga, Hà Văn Lưỡng, Trần Thị Thanh, Nguyễn Mỹ Lộc, Nguyễn Hồng Dũng... là một đội ngũ đông đảo các nhà lý luận phê bình bản địa xuất hiện trên Tạp chí Sông Hương, thuộc nhiều thế hệ nối tiếp nhau, như Lê Xuân Việt, Trường Ký, Khải Phong, Bửu Nam, Phan Ngọc Thu, Tạ Đình Nam, Phạm Phú Phong, Trần Thái Học, Hồ Thế Hà, Lê Thị Hường, Nguyễn Thành, Hoàng Thu Thủy, Trần Huyền Sâm, Hoàng Thị Huế, Đặng Thị Ngọc Phượng, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Thuấn, Phan Trọng Hoàng Linh, Trần Thị Vân Dung, Phạm Phú Uyên Châu..., trong đó, có những gương mặt trẻ, có bản lĩnh, có giọng điệu và cách hành ngôn mới mẻ, đã xuất bản nhiều công trình lý luận phê bình được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận, không chỉ thường xuyên xuất hiện trên Sông Hương, mà còn là cây bút chủ lực của nhiều báo và tạp chí ở Trung ương và các địa phương, được bạn đọc cả nước chú ý như Phan Tuấn Anh, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Thái Phan Vàng Anh...

Về thành tựu nổi bật, được nhìn nhận dưới góc nhìn hai tiểu loại, là lý luận văn học và phê bình văn học. Cả hai đều thuộc về thể văn chương phi hư cấu/ văn chương lý trí, là hai bộ môn thuộc khoa học về văn học.

Lý luận văn học vừa là tiểu loại văn chương vừa là một bộ môn khoa học lý thuyết về văn học. Trên Tạp chí Sông Hương, những bài viết về lý luận khá đa dạng, nhưng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sau đây: 1. Giới thiệu một cách cập nhật các lý thuyết văn chương đã trở thành các giá trị hiện đại của nước ngoài, như Lý thuyết tiếp nhận và phê bình văn học (số 6/1999) của Trần Đình Sử, Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại (số 7/2008) của Hoàng Ngọc Hiến, Những đặc điểm của hệ thống lý luận văn học Macxit thế kỷ XX (số 1/2003) và Tác phẩm văn học như là cấu trúc ngôn từ động (số 4/2004) của Trương Đăng Dung, Góp phần tìm hiểu phương pháp cấu trúc (số 3/2004) của Nguyễn Văn Dân, Phê bình sinh thái - khuynh hướng nghiên cứu văn học mang tính cách tân (số 11/2012) của Đỗ Văn Hiểu, Về một xu hướng thơ Việt hải ngoại: Thơ tân hình thức (số 6/2009) của Đặng Tiến, Ngôn ngữ nhị phân - đặc điểm kiến tạo văn hóa nghệ thuật hậu hiện đại (số 11/2009) của Phan Tuấn Anh... 2. Khảo sát những thành tựu của văn học Việt Nam trước những tác động của các trào lưu văn học thế giới, như Nghiên cứu văn học so sánh ở Việt Nam - những bài học thực tiễn và lý luận (số 5/1998) của Nguyễn Văn Dân, Vai trò của cái kỳ ảo trong truyện và tiểu thuyết Việt Nam (số 8/2006) của Đặng Anh Đào, Thử dẫn vào nghiên cứu văn học từ góc nhìn cổ mẫu, (số 7/2012) của Nguyễn Quang Huy, Từ cái nhìn tham chiếu phân tâm học qua một số truyện ngắn hiện đại Việt Nam (số 9/2008) của Hồ Thế Hà, Đáp lời con quái Sphinx hay cội nguồn sáng tạo thơ Xuân Diệu (số 1/2008) của Đỗ Lai Thúy, Thế giới siêu thực trong thơ Ngô Kha (số 10/2001) của Trần Thị Mỹ Hiền, “Thoạt kỳ thủy” dưới góc nhìn tâm thức hiện sinh (số 9/2014) của Phạm Tấn Xuân Cao... 3. Nhiều tác giả khác, đã thử đưa ra một cái nhìn tổng kết có ý nghĩa lịch sử cho một giai đoạn, một trào lưu, một vùng đất về lý luận phê bình văn học, như Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Thừa Thiên Huế những năm đầu thế kỷ XX (số 3 và số 4/2017) của Phạm Phú Phong, Ba mươi năm lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học - thành tựu và suy ngẫm (số 11/2005) của Trần Đình Sử, Quy ước diễn ngôn văn chương giai đoạn 1986 - 1991 (số 4/2010) của Trần Thiện Khanh, Tinh thần dân chủ lý luận như một thành tựu và như một kinh nghiệm (số 3/2006) của Phan Trọng Thưởng, Lý luận văn học trước thử thách của thực tiễn sáng tạo (số 5/1995) của Nguyễn Xớn và cả công trình dài ba kỳ vừa có tính chất văn học sử, vừa tùy bút, vừa phê bình Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam (số 8/2009) của Nguyễn Đức Tùng... Sông Hương ra đời năm 1983, thời kỳ manh nha chuẩn bị cho hội nhập và đổi mới, hệ thống lý luận chỉ dựa vào duy nhất chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã tỏ ra bất cập, không còn phù hợp với sự phát triển của đời sống đang hướng đến và đòi hỏi phải đối mặt với thế giới hiện đại, nếu không thay đổi sẽ rơi vào tụt hậu. Trong không khí đó, lý luận văn học xuất hiện trên tạp chí không chỉ với tư cách là lý thuyết văn chương trong thời đại hội nhập với thế giới, giới thiệu các trào lưu, các trường phái văn học xuất hiện trên thế giới với tư cách là thành tựu của tâm thức sáng tạo và trí tuệ của nhân loại, mà còn tìm tòi, khám phá để đưa ra những phát kiến mới, trên cơ sở thành tựu của văn học dân tộc, dưới góc nhìn đồng đại, thể hiện rõ nhất là trong các bài viết của Đỗ Lai Thúy, Trương Đăng Dung, Trần Đình Sử... Bên cạnh đó, dưới góc nhìn lịch đại, các tác giả cũng nhận diện thành tựu lý luận văn học trên từng chặng đường, để rút ra bài học có ý nghĩa lịch sử. Theo Trần Đình Sử, “lý luận văn học Việt Nam thế kỷ XX đã trải qua ba lần thay đổi hệ hình tư duy” vào các năm 1932 - 1945, 1945 - 1986, và từ 1986 cho đến những năm về sau. Sau ba mươi năm thống nhất đất nước, nhìn lại có khá nhiều thành tựu từ sau công cuộc Đổi mới, nhưng “những thành tựu ấy tuy đáng kể, song chưa nhiều, và cũng khó mong có nhiều trong một đất nước mà lý luận còn rất thiếu thốn. Tuy nhiên, với những thành tựu ấy (...) là kết quả của tinh thần thời đại, nhu cầu của người đọc và tinh thần chủ động sáng tạo của những người có tâm huyết. Điều đó nói lên rằng, một thời đại lý luận do Nhà nước hoàn toàn bao cấp đã đi qua và thời đại lý luận văn học của những người làm lý luận văn học đã đến” [2].

Một chân trời rộng mở, đầy hoa thơm cỏ lạ trong hệ hình tư duy của Trương Đăng Dung, Trần Đình Sử, Nguyễn Hồng Dũng về lý thuyết tiếp nhận; của Đỗ Đức Hiểu, Trần Đình Sử, Phạm Phú Phong về thi pháp học; của Đỗ Lai Thúy, Hồ Thế Hà, Nguyễn Quang Huy về phân tâm học; của Đặng Anh Đào, Bửu Nam, Trần Huyền Sâm về văn học kỳ ảo; của Phan Tuấn Anh, Nguyễn Văn Thuấn về hậu hiện đại; của Nguyễn Văn Dân về văn học so sánh, và nhiều trào lưu/ trường phái của nhiều tác giả khác nữa... Sự xâm nhập của lý thuyết mới mang tinh thần, hơi thở của thời đại, được kiến tạo thành hệ thống, phù hợp với logic phát triển trong quá trình tiếp nhận nhưng không quá lệ thuộc một cách khô cứng đến mức “xám xịt”, không chỉ định hình trong một hệ thống như trước đây, mà đã trở nên tươi xanh như một thảm cỏ non trải dài đến cuối chân trời, khi hầu hết các tác giả đều vận dụng lý thuyết một cách nhuần nhuyễn vào trong phê bình văn học, đối với từng hiện tượng, tác phẩm, tác giả, trào lưu hoặc giai đoạn của văn học nước nhà.

So với lý luận văn học, phê bình văn học xuất hiện trên Sông Hương phong phú về nội dung, đa dạng về giọng điệu, với nhiều góc độ tiếp cận vấn đề và nhiều phương thức thể hiện khác nhau, mà chủ yếu là phê bình tác phẩm và chân dung tác giả. Phê bình đã bám sát sự vận động và phát triển của đời sống văn học đương đại, nhìn theo con đường sáng tạo của từng tác giả, sự xuất hiện của từng tác phẩm được bạn đọc chú ý, không chỉ ở địa phương, mà còn ở cả nước và nước ngoài. Tiêu biểu có các bài viết như “Nhật ký trong tù” trong hành trình thơ của Bác (số 13/1984) của Phong Lê, Vũ Đình Liên (số 1/1987) của Vũ Tuấn Anh, Hải Triều - trang sách và thời gian (số 2/2002) của Hồ Thế Hà, Thanh Tịnh và những trang viết nặng tình “Quê mẹ” (số 11/2000) của Lưu Khánh Thơ, Nhớ mãi anh Hoàng Trung Thông (số 11/1997) của Hà Minh Đức, Một đời thơ Phùng Quán - tình yêu, chiến đấu và sự vĩnh hằng (số 3/1999) của Thu Bồn, Đọc “Ai đã đặt tên cho dòng sông” nghĩ về chặng đường sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường (số 20/1986) của Phạm Phú Phong, Nét riêng của thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, nhân đọc “Trái tim sinh nở” và “Bài thơ không năm tháng” (số 7/1984) của Hồng Diệu, Hoài niệm, mặc cảm, định kiến trong “Những thiên đường mù” (số 39/1989) của Đặng Anh Đào, Thơ Hữu Thỉnh - một hướng tìm tòi từ truyền thống đến hiện đại (số12/2000) của Lý Hoài Thu, Thơ trong gió của Bằng Việt (số 4/2002) của Văn Tâm, Lưu Quang Vũ, tâm hồn trở gió (số 1/1999) của Phạm Xuân Nguyên, Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp (số 6/2000) của Đỗ Đức Hiểu... Phê bình văn học không chỉ là quá trình nhận thức lại, sáng tạo lại tác phẩm, đặt trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể bằng cái nhìn lịch đại, mà còn có thể khám phá, phát hiện ra những giá trị mới trong các tác giả, tác phẩm đã ra đời trong quá khứ, mà đương thời chưa nhận thức một cách đầy đủ, như Nguyễn Du, nhà phân tích tâm lý (số 11/1984) của Phan Ngọc, Nguyễn Cư Trinh, thơ văn và tư tưởng (số 4/1992) của Phan Hứa Thụy, Đặng Huy Trứ nhà văn hiện thực giữa thế kỷ XIX (số 5/1993) của Trần Đại Vinh, Thiên nhiên và ý thức nghệ thuật của Tùng Thiện - Miên Thẩm trong thơ, (số 7/2000) của Bửu Nam, Thiên nhiên trong “Ngọa du sào thi tập” của Nguyễn Thông (số 8/1996) của Lê Cảnh Vững, Nghệ thuật thơ Nguyễn Khoa Vy qua “Thảo Am thi tập” (số 3/1991) của Nguyễn Xuân Hòa... Đã có quá nhiều công trình nghiên cứu về Nguyễn Du, nhưng có lẽ chỉ có Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều (1986) của Phan Ngọc có một cách đọc khác, phát kiến được những giá trị mới mẻ, có thể sánh ngang với công trình Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du (1972) trước đây của Lê Đình Kỵ. Một trong những điều tâm đắc, nằm trong cốt lõi công trình này, đã được tác giả dành cho Sông Hương, với lời khẳng định một cách xác tín: “Truyện Kiều là một tiểu thuyết phân tích tâm lý, và Nguyễn Du là một trong những nhà văn đầu tiên trên thế giới đã dốc toàn bộ thiên tài của mình vào việc xây dựng một thể loại tiểu thuyết chưa có ở Việt Nam và Trung Quốc đã đành, mà ngay cả ở châu Âu, trước ông cũng chưa có ai đạt được một thành công to lớn như vậy” [3]. Với nhiều dẫn chứng bằng cứ liệu từ văn bản và lịch sử, Phan Ngọc đã chứng minh nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật của Nguyễn Du là chính xác, khoa học, khách quan và “tàn nhẫn đến cùng”, cách làm này “phải đợi đến Standal, tức sau 1830 mới có người làm được”, và Nguyễn Du đã “tìm ra biện chứng pháp của tâm hồn. Về điểm này chỉ có Tolstoi mới sánh được”.

Còn phải kể đến những thành tựu đã đi vào lịch sử và những giá trị của văn học nước ngoài cũng không ra khỏi tầm ngắm của các cây bút phê bình văn học viết cho Tạp chí Sông Hương: Vị trí tư tưởng Nho giáo trong “Tam quốc” (số 8/1996) của Lê Huy Bắc, Tính kịch trong thơ ngụ ngôn La Fontaine (số 11/1995) của Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Một số đặc điểm của thơ Haiku Nhật Bản (số 8/2001) của Hà Văn Lưỡng, Edgar Poe với Hàn Mặc Tử (số 4/2005) của Nguyễn Hồng Dũng... và hầu hết các tác giả được giải thưởng Nobel về văn chương hàng năm đều được giới thiệu trên Tạp chí một cách tương đối đầy đủ.

Bốn mươi năm, Tạp chí Sông Hương cũng đã vượt qua những bước thăng trầm. Có khoảng ba năm đầu trăn trở, ươm mầm cho thời kỳ đổi mới, rồi đến một giai đoạn dài vật lộn với cuộc đấu tranh không mấy dễ dàng để mở ra chân trời thoáng rộng cho công cuộc đổi mới. Nhưng dường như ở lĩnh vực lý luận, phê bình không hề có sự “va chạm” với những vấn đề nằm ngoài văn học. Bằng nhiệt huyết và cái tâm trong sáng của mình trước sự phát triển của văn học vùng đất giàu trữ lượng văn hóa thẩm mỹ, với một lý tưởng thẩm mỹ sáng rõ và bản lĩnh văn hóa vững vàng, các tác giả đã tập trung vào chuyên môn, khám phá đời sống văn học một cách tường tận, đem đến cho người đọc một cái nhìn thấu đáo. Và, quan trọng hơn, phê bình văn học trên tạp chí không chỉ đảm nhiệm tròn vai trong việc kiến tạo môi trường văn hóa đọc, mà còn định hình và thúc đẩy quá trình/ thói quen đọc văn hóa.

Một đặc điểm nổi bật dễ nhận ra ở trang lý luận, phê bình trên Tạp chí Sông Hương khác biệt với tạp chí của các địa phương khác, là không chỉ quan sát sự vận động và phát triển văn học xứ sở mình mà còn chú ý đến những hiện tượng, tác giả, tác phẩm của cả nước và thế giới. Sông Hương ngay từ những số đầu tiên đã không tự giới hạn mình trong địa phương, mà đã tự cho mình cái quyền được phát ngôn về đời sống văn chương cả nước và thế giới, nên Sông Hương chưa bao giờ là tạp chí của riêng địa phương xứ Huế. Nhờ thế, bạn đọc của xứ Huế được hưởng thụ những thành tựu văn học cả nước và thế giới, và ngược lại, bạn đọc khắp mọi nơi đều quan tâm đến Sông Hương, đều coi Sông Hương là cơ quan ngôn luận của chính mình. Đó là con đường quang rộng để Sông Hương tự biến mình thành trung tâm, không thua kém bất kỳ tờ báo văn nghệ nào của Trung ương. Bên cạnh đó, trên cơ sở quan tâm đến nền văn học của đất nước, tạp chí còn đề ra mục tiêu khai thác những vỉa tầng văn hóa nghệ thuật còn tiềm ẩn ở địa phương, nhằm góp phần làm phong phú thêm cho cả đất nước và nhân loại. Ngay từ những số đầu tiên ra mắt độc giả, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Tổng Biên tập đầu của Tạp chí, đã nhấn mạnh: “Có lẽ trên cơ sở một nền văn học quốc gia thống nhất, đã đến lúc phải biết cách khai thác các khả năng văn học từng vùng đất, từng địa phương như khai thác sức mạnh kinh tế địa phương vậy. Bởi vì so với bề dày lịch sử, văn chương hiện đại của chúng ta cũng chỉ bắt đầu trong vòng nửa thế kỷ, phần còn lại là hệ thống văn chương cổ điển và đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh là tầng tầng lớp lớp truyền thống văn học dân gian, các truyền thuyết và cổ tích, các ca dao và tục ngữ, các truyện cười dân gian và các trường ca dân tộc anh em, cùng vô vàn các biểu hiện văn hóa nghệ thuật khác, những di sản mà chúng ta chưa bắt mạch khai thác đầy đủ chính cái bề dày lớn lao đó đang tản mát trên các địa phương, nó chỉ sống dậy nhờ những nhóm tác giả biết bám chặt các vùng đất, đi sâu vào ngày hôm nay, đi sâu vào ngày hôm qua để dựng dậy những tòa kiến trúc văn học có sức mạnh nhân dân đầy đủ. Trên thế giới có nhiều trường phái, nhiều tên tuổi đã trở nên độc sáng bởi vì họ bắt mạch được với chiều dày của văn hóa bản địa của họ hơn là chữ nghĩa cầu kỳ của thế giới văn chương hiện đại” [4].

Điều cần nói thêm là, Sông Hương chỉ là một tạp chí văn nghệ, “tạp chí sáng tác phê bình nghiên cứu văn học nghệ thuật - văn hóa” nhưng đọc lại trang lý luận phê bình văn học trên tạp chí, chất lượng chuyên môn có thể sánh ngang với các tạp chí chuyên ngành, nhất là trong khuynh hướng vận động và cổ vũ cho cái mới, kịp thời phát hiện và đón nhận những tín hiệu mới, xác lập hệ hình cho một chân trời rộng mở thấm đẫm bản sắc văn hóa của vùng đất và tầm vóc dân tộc trong định hướng tương lai.

Có được những điều này, chính là nhờ những người làm tạp chí, ngay từ đầu, đã là nơi thu hút, hội tụ được tinh hoa của đội ngũ những người cầm bút có tâm huyết và bản lĩnh trong và ngoài nước. Trải qua bốn mươi năm xây dựng và phát triển, nhiều Tổng Biên tập, và các thế hệ biên tập khác nhau, bất cứ thời kỳ nào cũng đòi hỏi sự nỗ lực hết mình, để có một dòng Sông Hương tuôn chảy đầy kiêu hãnh như hôm nay. Những thành tựu của các thế hệ đi trước, là gánh nặng đặt trên đôi vai của những người làm tạp chí hôm nay, để Sông Hương vẫn tiếp tục là một dòng chảy ngày càng mãnh liệt hơn trong chiều sâu văn hóa của xứ Huế. Những người làm tạp chí hiện nay cần phải nỗ lực, tự nâng mình lên ngang tầm vóc và chiều kích mà Sông Hương đã có, mới mong giữ vững được “thương hiệu” - một địa chỉ văn hóa tinh thần mang hồn cốt, thần thái và tâm thức của xứ sở, để không phụ lòng các thế hệ tiền nhân đã dày công vun đắp. Đó là đòi hỏi riết róng và mong muốn thiết tha của đông đảo người đọc, trong đó có chúng tôi, những người viết bài này.

Đ.T.N.P - P.P.P
(TCSH412/06-2023)

 

_________________

Tài liệu tham khảo:

[1] Phan Cự Đệ (2001), Lời giới thiệu sách Lý luận phê bình văn học miền Trung thế kỷ XX, Nxb. Đà Nẵng.
[2] Trần Đình Sử (2005), “Ba mươi năm lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học - thành tựu và suy ngẫm”, Tạp chí Sông Hương, số 11/2005.
[3] Phan Ngọc (1984), “Nguyễn Du, nhà phân tích tâm lý”, Tạp chí Sông Hương số 11/1984.
[4] Nguyễn Khoa Điềm (1983), “Bản sắc văn học các vùng đất và việc xây dựng đội ngũ của nó”, Tạp chí Sông Hương, số 5/1983.

 

 

Các bài mới
Tiếng Huế chay (05/07/2023)
Đất thiêng (05/07/2023)
Chiều Hàm Luông (05/07/2023)
Các bài đã đăng