Tạp chí Sông Hương - Số 418 (T.12-23)
Về “Cổ chiến trường hành” của thi ông Miên Thẩm
09:36 | 19/01/2024

TRẦN VIẾT ĐIỀN

Bài “Cổ chiến trường hành” (Bài hành về chiến trường xưa) của Miên Thẩm thuộc tập Mãi Điền trong bộ Thương Sơn thi tập, được viết vào những năm cuối đời của thi ông.

Về “Cổ chiến trường hành” của thi ông Miên Thẩm
Ảnh: tư liệu

Thường thì những bài hành được viết khi tác giả cảm xúc với sự kiện mắt thấy tai nghe, thế nhưng trong bài có câu với cụm từ “漢家” (Hán gia) (nhà Hán) khiến người đọc nghĩ rằng thi ông đọc cổ sử rồi tưởng tượng để viết. Nhờ hai câu kết của bài thơ “御屏山登髙” (Ngự Bình sơn đăng cao) (Leo cao núi Ngự Bình) của Miên Thẩm và phát hiện mới về những dấu tích cuộc nổi dậy của Đoàn Trưng - Nguyễn Văn Quý năm 1866, có thể tìm ra xuất xứ của bài hành. Thật vậy, khi đứng trên đỉnh Ngự Bình, Miên Thẩm nhìn về phía trước, bên phải gò cát pha, sau lưng phủ Dận Quốc công… có bãi chiến trường xưa, nơi một cánh quân của Đoàn Trưng rút về chùa Long Quang, căn cứ địa, đánh trận cuối cùng và lớp bị giết, lớp bị bắt và bị hành hình ngay gò cát ấy, thi ông hạ bút: “烈士算年多感慨/誰兮硗缺剑光嗯” (Liệt sĩ toán niên đa cảm khái, Thùy hề khao khuyết kiếm quang ân) (Bao năm nghĩa sĩ còn căm hận, Đất khô ánh kiếm hừ chôn ai?).

Mười năm trở lại, chúng tôi phát hiện mối liên hệ khăng khít giữa Đông Sơn (Long Sơn, Thiên Thai ngoại), chùa Long Quang (dưới chân núi Long Sơn, lò võ phái Sơn nhân), chùa Thiên Phúc (chùa Khoai), chùa Thiền Lâm, phủ Dận Quốc công Nguyễn Phúc Điền… trong cuộc nổi dậy ở kinh thành vào năm 1866, do Đoàn Trưng lãnh đạo, nhằm truất ngai vàng vua Tự Đức, phò Ưng Đạo lên ngôi nắm phe chủ chiến đánh Tây Dương. Sau cuộc nổi dậy thất bại, một bộ phận quân khởi nghĩa rút về căn cứ chùa Khoai và một bộ phận rút về Long Quang - lò võ phủ Dận Quốc công, cả hai đều bị tiêu diệt sau khi đánh nhau và bãi chiến trường dưới chân núi Đông Sơn (Long Sơn, Thiên Thai ngoại) và cũng là nơi hành hình tử tội. Vài năm sau, có dịp qua bãi chiến trường xưa, Miên Thẩm đã cảm tác “Cổ chiến trường hành” đầy xúc cảm. Khi xác định nơi có chiến trường xưa, sau đây chúng tôi mạnh dạn trình bày cảm thụ bài hành.

Trước núi Ngự Bình có những trảng cát, dân sở tại trồng dâu nên có gò Trĩ, lại có trảng cát trồng dưa nên gọi là trảng Dưa. Thường vẫn có người canh tác, lui tới. Sau khi xảy ra trận đánh (1866), gò, trảng biến thành bãi tha ma, toàn “vùi nông” cả xác lẫn gươm gãy giáo cùn… chỉ vài năm thì cát trôi, may nhờ cỏ dại che phủ một phần. Tất nhiên không ai dám công khai đến thắp hương cho những tử tội. Miên Thẩm hạ bút:

黃沙無人草根苦, 斷骸执戟半淪土(Hoàng sa vô nhân thảo căn cổ, Đoạn hài chấp kích bán luân thổ) (Trảng cát vắng hoe gốc cỏ úa, Cốt tàn giáo gãy đất vùi nông).

Bãi cát vàng, đồi đất thó dày đặc cốt người, khí phosphine hoặc diphosphine bốc lên, thoát ra gặp không khí với điều kiện thích hợp sẽ bốc cháy thành những đốm lửa nhỏ (xanh nhạt), lập lòe khi ẩn khi hiện, xé màn sương thành dăm ba mảng. Cả bầu trời mây lặng, không mưa được. Lẽ thường “tức cảnh sinh tình”, ở đây “tình sinh cảnh”; cụ thể trong lòng Miên Thẩm vướng víu chữ trung nhưng đấng quân vương không phải là minh quân và những “nghĩa sĩ” trong cuộc nổi dậy không thành công để rồi thành “ma trơi” nằm giữa trảng vắng gò hoang đầy uất hận: “鬼燐穿煙散三五/亙天凝雲雨不雨” (Quỷ lân xuyên yên tán tam ngũ/ Cắng thiên ngưng vân vũ bất vũ) (Ma trơi đốm đốm xé sương khói/ Thâu ngày mây lặng mưa chẳng rơi).

Do vùi nông ở trảng cát, chỉ vài năm đất cát trôi, trơ cốt trơ xương; sọ đầu với hốc mắt, hốc mũi trở thành “nhạc cụ”, gặp gió sẽ phát ra âm thanh nỉ non. Còn gò đất thó lẫn những viên “sỏi” màu đỏ thẫm, qua mắt nhìn đầy ám ảnh “chiến trường xưa” của Miên Thẩm, thi ông tưởng chừng như những vết máu trong trận chiến tàn khốc còn lưu vết: “独髅掍風相耳女/ 血近斑斑埴紅塿” (Độc lâu cổn phong tương nhĩ nhữ/ Huyết cận ban ban thực hồng lũ) (Sọ khô bắt gió tiếng nỉ non/ Gò đất sỏi đỏ lưu vết máu).

Tự đáy lòng Miên Thẩm không ủng hộ cách Đoàn Trưng - Nguyễn Văn Quý đã làm; nổi dậy kiểu ấy như “trứng chọi đá” nhưng thi ông biết được “nỗi lòng” của họ. Những người chủ trương cuộc nổi dậy khát khao có một triều đình giữ được nước, lấy lại phần đất nước bị rơi vào tay giặc. Vì muốn “thác khu vũ” (mở cõi bờ) nên phải “thủ hùng”. Khi đánh nhau, tiếng gào thét của những chiến binh hai bên, hòa lẫn tiếng gươm giáo chạm nhau, tiếng súng tiếng trống trận làm thành tạp âm nói lên sự khốc liệt: “當年取雄厝區俁/ 惨惨死声裂拖 皼” (Đương niên thủ hùng thác khu vũ/ Thảm thảm tử thanh liệt đà cổ) (Năm ấy ra tay mở bờ cõi/ Tiếng rú thảm thê át trống lệnh).

Thường đoản binh không thể thắng cường binh nhưng điều ngược lại xảy ra khi chỉ huy đoản binh dùng mưu kế đánh phục kích, vu hồi, hỏa công, thủy công,… Năm 1866, các cánh quân ô hợp của Đoàn Trưng, tiếp chiến với quân triều đình được chỉ huy bởi các tướng lĩnh có tài thì quá thất thế. Tất nhiên những giờ phút đầu tiên cuộc nổi dậy, các toán quân khởi nghĩa rất khí thế nhưng chỉ cần vấp phải sự chống trả mạnh mẽ thì đội quân khởi nghĩa đã nhụt chí, bỏ hàng ngũ, trốn khỏi trận. Miên Thẩm khái quát đang “thế ích nộ” sớm “hổ biến thử”: “短兵接戰势益怒/ 失势一滅虎变鼠” (Đoản binh tiếp chiến thế ích nộ/ Thất thế nhất diệt hổ biến thử) (Binh yếu tiếp chiến khí càng hăng/ Thất thế một thua “hùm thành chuột”).

Khi “thừa thắng xông lên” thì tướng hay binh lính đã “say máu”. Không có chuyện bắt làm tù binh để mà xét xử! Trong cuộc nổi dậy, dẫu những nghĩa binh đã buông chày chạy trốn, hễ quan binh bắt được là “giết không tha”. Kết quả trên gò Dương Xuân, gò Trĩ để lại hàng ngàn “mả loạn”. Tất nhiên sẽ có luận công luận tội, kẻ thất bại thì bị hành hình cùng với người thân. Kẻ có công sẽ được ban thưởng lớn. Trong thâm tâm Miên Thẩm rất ngưỡng mộ thương cảm những nghĩa binh “vì nước vong thân”, còn những tướng quân được phong hầu ăn lộc vạn hộ thì Miên Thẩm không phục, nếu quân công ấy có được khi đánh thắng Tây Dương, giành lại cõi bờ đã mất mới đáng tôn vinh: “漢家論功上首虏/ 将军封 侯邑万戶” (Hán gia luận công thượng thủ lỗ/ Tướng quân phong hầu ấp vạn hộ) (Nhà vua luận công theo đầu giặc/ Tướng quân phong hầu lộc vạn nhà).

Hồn phách những nghĩa sĩ - tử tội hằng tồn, không thể thành đất bụi. Qua chiến trường xưa ban đêm, sóng lòng thi ông liên tưởng “đêm” đang gào thét uất hận. Chính câu kết bài hành là nỗi lòng của Miên Thẩm trong những ngày cuối đời u uất: “仪魄千年氣不土 / 战塲夜夜唤大語” (Nghi phách thiên niên khí bất thổ/ Chiến trường dạ dạ hoán đại ngữ) (Khí phách ngàn năm không hóa đất/ Khuya qua chiến trường, đêm thét gào).

Xin thảo luận một vấn đề nhỏ: vì sao chúng tôi không dịch “夜 夜” (dạ dạ) thành “đêm đêm” theo nghĩa “hằng đêm” như dịch giả Ngô Linh Ngọc (Chiến địa đêm đêm gào thét đó)? Xin mạn phép đơn cử một trường hợp tương tự khi Ngô Thì Nhậm viết bài: 朔望侍奏樂太祖廟恭記(Sóc vọng thị tấu nhạc Thái tổ miếu cung ký) (Ngày lễ rằm, mồng một tấu nhạc miếu Thái tổ kính ghi), với hai câu kết đầy cảm xúc:

“祇今法曲 陳弦 晦(Chỉ kim pháp khúc trần huyền hối), 淚 落 銜盃 夜 夜 心” (Lệ lạc hàm bôi dạ dạ tâm), được Ngô Linh Ngọc dịch:

(Gặp nay nhạc pháp khúc trình diễn ngày tuần tiết. Nhỏ nước mắt, tấm lòng đêm đêm ngậm nỗi đau buồn). Khi phân tích ý từ trong câu kết của bài thơ, cụm từ “陳 弦 晦” (trần huyền hối) trong đó từ “陳” (trần) là động từ với nghĩa “nêu lên, vẽ ra”, “弦 晦” (huyền hối) là danh từ kép với nghĩa “tối trăng non”. Câu 7 có thể dịch xuôi như dịch giả Ngô Linh Ngọc. Còn câu 8, dịch giả Ngô Linh Ngọc dịch “夜 夜” (dạ dạ) thành “đêm đêm” theo nghĩa “hằng đêm”, người đọc sẽ hiểu rằng tác giả Ngô Thì Nhậm đêm nào cũng khóc, cũng “uống rượu”, đau buồn thương nhớ tiên đế Quang Trung! Một chữ “夜” (dạ) là động từ theo nghĩa “đi trong đêm”, đối với động từ “陳” (trần) ở câu 7. Một chữ “夜” (dạ) ghép với chữ “心” (tâm) thành “夜 心” (dạ tâm) có nghĩa “lòng u buồn” để đối với “huyền hối” của câu 7. Như thế câu 8 muốn nói sau khi chấm dứt lễ thì trời đã tối, vua và quần thần ra về trong đêm, mắt rơi lệ, những ngụm rượu lễ được uống do “thừa thần chi huệ” trong cảm thái u buồn, trong lòng buồn thêm.

Câu cuối bài hành theo chúng tôi thì hai chữ “夜” (dạ), một là động từ ghép với “战塲” (chiến trường) thành “战塲夜” (chiến trường dạ) với nghĩa “Khuya qua chiến trường”, một là danh từ ghép với “唤大語” (hoán đại ngữ) thành “夜 唤大語” (dạ hoán đại ngữ) với nghĩa “Đêm thét gào”.

 

古战塲行

Cổ chiến trường hành


黃沙無人草根苦(Hoàng sa vô nhân thảo căn cổ - Bãi cát vàng vắng hoe gốc cỏ úa).

斷骸执戟半淪土(Đoạn hài chấp kích bán luân thổ - Cốt tàn dáo gãy đất vùi nông).

鬼燐穿煙散三五(Quỷ lân xuyên yên tán tam ngũ - Ma trơi đốm đốm xé sương khói).

亙天凝雲雨不雨(Cắng thiên ngưng vân vũ bất vũ - Thâu ngày mây lặng mưa chẳng rơi).

独髅掍風相耳女(Độc lâu cổn phong tương nhĩ nhữ - Sọ khô bắt gió tiếng nỉ non).

血近斑斑埴紅塿(Huyết cận ban ban thực hồng lũ - Gò đất sỏi đỏ lưu vết máu).

當年取雄厝區俁(Đương niên thủ hùng thác khu vũ - Năm ấy ra tay mở bờ cõi).

惨惨死声裂拖皼(Thảm thảm tử thanh liệt đà cổ - Tiếng rú thảm thê át trống lệnh).

短兵接戰势益怒(Đoản binh tiếp chiến thế ích nộ - Binh yếu tiếp chiến khí càng hăng).

失势一滅虎变鼠(Thất thế nhất diệt hổ biến thử - Thất thế một thua “hùm thành chuột”).

漢家論功上首虏(Hán gia luận công thượng thủ lỗ - Nhà vua luận công theo đầu giặc).

将军封侯邑万戶(Tướng quân phong hầu ấp vạn hộ - Tướng quân phong hầu lộc vạn nhà).

仪魄千年氣不土(Nghi phách thiên niên khí bất thổ - Khí phách ngàn năm không hóa đất).

战塲夜夜唤大語(Chiến trường dạ dạ hoán đại ngữ - Khuya qua chiến trường, đêm thét gào).


Thay lời kết

Bài “Cổ chiến trường hành” không phải Miên Thẩm do đọc cổ sử, xúc cảm để viết ra mà tác giả “tường thuật” một sự kiện lịch sử với tư cách là người “đương thời”. Chỉ mười bốn câu cũng đủ khái quát cuộc nổi dậy của Đoàn Trưng - Nguyễn Văn Quý. Một triều đình Tự Đức xoay xở không hiệu quả, để mất lục tỉnh Nam Bộ, không trị được bọn tham quan ô lại và bản thân nhà vua tập trung nhân vật lực để xây dựng Vạn Niên Cơ cho riêng mình. Việc khao khát đánh đuổi giặc Tây Dương, lấy lại bờ cõi của Tổ quốc là chính đáng, Miên Thẩm vẫn coi những người chủ trương cuộc nổi dậy là “thủ hùng” nhưng cách làm của họ không phải. Thật vậy, “đoản binh” làm sao chống lại “cường binh”, chưa kể quân ô hợp, hăng hái lúc đầu nhưng gặp trở ngại là chùn bước run tay (Hổ biến thử). Để hiểu rõ tâm giới của Miên Thẩm khi viết Mãi Điền từ 1864 đến cuối đời không thể bỏ qua bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh sáng tác và hành trạng tác giả trong giai đoạn đầy biến động ở xứ Huế nói riêng và đất nước nói chung. Những hậu viên có nơi chôn những nghĩa binh chết trận khi một bộ phận chạy về “sào huyệt” là chân núi Thiên Thai ngoại thuộc làng An Cựu! Dân sở tại cho biết trước sân một ngôi nhà cổ có nhiều mả vôi, khi họ khai quật để di dời thì phát hiện hai bộ xương còn nguyên trong tư thế quỳ, tay bị xiềng bởi vòng xích sắt… còn “mả loạn” và “mộ cô hồn” rất nhiều, xen lẫn còn nhiều gươm mẻ, kiếm gãy đã rỉ sét; có khi bọn trẻ trong xóm phát hiện được chúng lấy làm đồ chơi binh khí đánh trận giả. Đơn cử 12 mẫu ruộng thờ Tùng Thiện công mua, có dựng “Phương thốn thảo đường”, “ao hoàng tử” là ở Dương Xuân Bắc - La Khê - Lễ Khê chứ không phải ở Dương Xuân Thượng.

T.V.Đ
(TCSH418/12-2023)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chùm thơ Vân Phi (18/01/2024)