Tạp chí Sông Hương - Số 419 (T.01-24)
Tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na (Pô Inư Nagar) tại Huế nhìn từ hệ thống sắc phong làng Hải Cát
16:07 | 02/02/2024


VÕ VINH QUANG

Tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na (Pô Inư Nagar) tại Huế nhìn từ hệ thống sắc phong làng Hải Cát
Toàn cảnh lễ hội Điện Hòn Chén - Ảnh: wikipedia

1. Lời mở

Tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na (Pô Inư Nagar) là một trong những tín ngưỡng thờ Mẫu (gốc bản địa) đặc trưng hiện hữu trong đời sống và tâm thức của cư dân miền Trung nói chung, xứ Huế nói riêng. Tại Huế, những dấu ấn và di tích Chăm Pa đã và đang tồn tại ở hầu hết các làng xã chốn Thần kinh, với những di tích kiến trúc văn hóa hiện tồn độc đáo như phế tích tháp Vân Trạch Hòa, tháp Chăm - Linh Thái, tháp đôi Liễu Cốc, tháp Chăm Phú Diên (tức tháp Mỹ Khánh), thành Lồi - Long Thọ, Điện Hòn Chén (Huệ Nam điện) làng Hải Cát, tượng Chăm ở các làng Ưu Điềm, Chiết Bi, Thanh Phước... Đồng thời các vị nữ thần Chăm được hiện hữu trong rất nhiều đền miếu và nhất là hệ thống văn bản sắc phong qua các đời (phổ biến nhất vẫn là hệ thống sắc phong triều Nguyễn 1802 - 1945).

Tại Huế, các nữ thần Chăm có nhiều hiện thân, được cộng đồng làng xã tôn kính phụng thờ, và lịch đại vương triều ban cấp sắc phong, chỉ chuẩn cho thờ phụng hàng trăm năm nay như Thạch Tượng Dương thần (bà Dàng), Thai Dương Phu nhân, Kỳ Thạch Phu nhân, Hồng Hoa phu nhân, và nhất là Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi... đã góp phần làm phong phú, đặc sắc cho đời sống tâm linh tín ngưỡng của cư dân xứ sở này.

Trong các miếu điện thờ nữ thần Chăm, bên cạnh những ngôi tự miếu linh thiêng do người dân lập ra và thực hiện nghi lễ tế tự truyền thống, thì vùng đất Cố đô nổi bật lên ngôi Huệ Nam điện (điện Hòn Chén) ở núi Ngọc Trản, làng Hải Cát - một chính điện mang tầm quốc gia, do triều đình nhà Nguyễn cho dựng lập và tổ chức lễ “quốc tế” (lễ tế cấp quốc gia) để tế tự các vị tôn thần tại đây, đứng đầu là Thánh mẫu Thiên Y A Na, Vân Hương Thánh mẫu, rồi đến Thủy Long thánh phi, Nhị vị Thượng ngàn... từ đời vua Đồng Khánh (1885 -1888) trở đi.

Theo lời kể của dân làng, vào triều Nguyễn, vua Gia Long1 là vị hoàng đế đã ban phong cho nữ thần Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi 敕天依阿那演玉 妃 (hoặc còn gọi là Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc 敕天依阿那演妃主玉) danh hiệu cao quý Hồng Nhân Phổ Tế Linh Cảm thượng đẳng thần 洪仁普濟 靈感上等神, chuẩn cho dân làng phụng thờ tế lễ. Kể từ đó, các đời vua Nguyễn tiếp theo đều có những đợt sắc phong cho chư vị tôn thần ở núi Ngọc Trản và làng Hải Cát.

Bài viết dưới đây của chúng tôi xin được tập trung luận bàn về hệ thống sắc phong làng Hải Cát, nhất là những sắc phong liên quan đến các tôn thần được thờ phụng tại điện Huệ Nam (điện Hòn Chén)2.

2. Lược khảo về hệ thống sắc phong làng Hải Cát

Nói về việc triều đình nhà Nguyễn ban cấp tặng sắc, chuẩn cho thờ phụng các vị thần ở điện Hòn Chén núi Ngọc Trản (điện thờ ở núi Ngọc Trản này gọi là Ngọc Trản sơn từ 玉盞山祠), sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 122 Xếp hạng (mục Phong tặng sắc cho các thần kỳ) của Nội các triều Nguyễn có đoạn:

Năm [Minh Mạng] thứ 15 (1834), xuống Dụ: Đền ở núi Ngọc Trản, chuẩn cho bộ Lễ truy nguyên mà tra xét, nếu chưa được ban thần sắc thì ban cấp ngay, phải kính tuân đấy. Chuẩn lời tâu: chúa Ngọc [Thiên Y A Na] vốn là thượng đẳng chính thần, từ trước đến nay chưa được phong tặng, chiếu cấp 1 đạo tặng sắc. Vị thần Thủy Long Thánh phi, đã tặng 2 chữ mỹ tự, thì cấp 1 đạo tặng sắc, còn 2 chữ Thánh phi, đổi làm 2 chữ Tôn thần, 3 chữ “Hương Chén sứ” đổi làm núi Ngọc Trản; 2 đạo sắc văn ấy, đều ở bên dưới chữ “Sắc” viết rõ các chữ “Ngọc Trản sơn từ” rồi đến thần hiệu”3. Quy định này được thể hiện khá rõ trong một số đạo sắc phong giai đoạn đầu triều Nguyễn ở đền Ngọc Trản (điện Hòn Chén).

Theo Đại Nam nhất thống chí, mục Đền Miếu (Thừa Thiên phủ): “Đền thần núi Ngọc Trản: Ở sườn núi Ngọc Trản xã Hải Cát huyện Hương Trà, gọi là đền Hàm Long, thờ thần Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc và thần Thủy Long. Năm Minh Mệnh thứ 13 sửa lại. Phía trước có vực rất sâu, tương truyền, đáy vực là hang thủy tộc, có con rùa lớn bằng tấm chiếu, mỗi khi nổi lên tất có sóng dữ dội, người ta trông thấy gọi là sứ giả của Hà Bá”4.

Thực tế, Huệ Nam điện (điện Hòn Chén) ở núi Ngọc Trản hiện không chỉ thờ thần Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc và Ngọc Trản sơn từ Thủy Long tôn thần, mà còn là sự phối thờ nhiều vị thần khác. Điều đó có nhiều nguyên do, nhưng tựu trung lại là bởi các biến động của lịch sử, thời cuộc nên có nhiều thay đổi qua từng thời kỳ. Mặt khác, sắc phong thần điện Huệ Nam trước nay vẫn được chức sắc và dân làng Hải Cát cất giữ, bảo vệ. Cho nên, việc tìm hiểu sắc phong điện Huệ Nam, nằm trong hệ thống sắc phong thần làng Hải Cát sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện về hệ thống thần linh hiển rõ linh ứng, được phối thờ nơi đây (mà nổi bật là Thánh mẫu Thiên YANa Diễn Phi Chúa Ngọc thượng đẳng thần).

Hệ thống sắc phong làng Hải Cát, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay có 20 sắc phong, phân bổ trong các đợt ban cấp từ năm Minh Mạng nguyên niên (1820) cho đến năm Khải Định thứ 9 (1924), ghi nhận các vị tôn thần liên quan tại đây được triều đình ban phong và sắc chuẩn cho thờ tự (bên cạnh hai vị thần Thiên YANa, Thủy Long tôn thần) như Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị thượng đẳng thần 大乾國家南海四位上等神, Cao Các Quảng Độ thượng đẳng thần 高閣廣度上等神, Tiên Cung Thông Minh Thượng tướng quân tôn thần 僊宮聰 明上將軍尊神, Sơn Trung Tiên Nương trung đẳng thần 山中僊娘中等神, Tiên Cung Linh Thông Đại tướng quân tôn thần 僊宮靈通大將軍尊神, Ngũ Hành Tiên Nương thượng đẳng thần 五行僊娘上等神, Thủy Tinh Lực Dũng Tướng quân tôn thần 水晶力勇將軍尊神, Thủy Tinh Uy Dũng Tướng quân tôn thần水 晶威勇將軍尊神, Sơn Tinh Quả Dũng Tướng quân tôn thần山精果勇將軍尊神, Sơn Tinh Vũ Dũng tướng quân tôn thần 山精威勇將軍尊神...

Trong các vị tôn thần được phụng thờ nơi đây, có những vị thần khá phổ biến trong đời sống tín ngưỡng của cư dân xứ Huế, như Thánh mẫu Thiên Y A Na, thần Cao Các Quảng Độ (từ Hà Tĩnh trở ra thì gọi là thần Cao Sơn Cao Các), thần Thủy Long Thánh phi, thần Ngũ Hành tiên nương, song cũng có một số vị chính thần khá đặc trưng và hiếm thấy ở các nơi khác, như Tiên Cung Thông Minh Thượng tướng quân tôn thần, Sơn Trung Tiên Nương trung đẳng thần, Tiên Cung Linh Thông Đại tướng quân tôn thần, Thủy Tinh Lực Dũng Tướng quân tôn thần, Thủy Tinh Uy Dũng Tướng quân tôn thần, Sơn Tinh Quả Dũng Tướng quân tôn thần, Sơn Tinh Vũ Dũng Tướng quân tôn thần... Đấy hẳn nhiên là điểm nhấn độc đáo để thấy rõ sự đa dạng, phong phú trong tín ngưỡng thờ phụng ở mỗi nơi, mỗi vùng đặt trong hệ thống tín ngưỡng chung của toàn bộ vùng đất.

Dưới đây là bảng liệt kê hệ thống sắc phong làng Hải Cát5.

3. Một số nhận xét về hệ thống sắc phong làng Hải Cát (thay lời kết luận)

Qua bảng thống kê chi tiết về 20 sắc phong gốc hiện được làng Hải Cát giữ gìn, lưu trữ ở trên, cùng những thông tin được ghi chép trong chính sử triều Nguyễn (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam nhất thống chí) chúng tôi thấy rằng tín ngưỡng thờ phụng Thánh Mẫu Thiên YANa - một nữ thần gốc Chăm - được lưu truyền từ lâu đời. Và, rõ ràng triều đình cũng đã nắm chắc, và khẳng định vị thế hiển hách của Thượng đẳng thần Thiên YA Na Diễn Phi Chúa Ngọc. Dẫu vậy, khác với tôn thần Thủy Long được ban cấp sắc phong từ đầu niên hiệu Minh Mạng (1820), chính thần Thiên Y A Na chính thức được tặng sắc của triều Nguyễn bắt đầu từ năm Minh Mạng thứ 15 (1834), chứ không phải từ triều vua Gia Long như thông tin được lưu truyền trong dân gian. Điều đó được chứng thực bởi Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (đã dẫn) cũng như văn bản sắc phong đầu tiên cho Ngọc Trản sơn từ Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc tôn thần vào ngày 30 tháng 03 niên hiệu Minh Mạng thứ 15 (1834).

Đồng thời, hệ thống sắc phong làng Hải Cát nêu trên góp phần khẳng định vị thế ngày càng cao của Thánh Mẫu Thiên YANa không chỉ trong đời sống tín ngưỡng làng xã mà còn trong chế định của triều Nguyễn. Xuyên suốt từ triều vua Minh Mạng cho đến triều vua Khải Định, Thánh mẫu Thiên YA Na được phong tặng ở 8 sắc phong (niên hiệu Minh Mạng: 1 sắc; niên hiệu Thiệu Trị: 2 sắc; niên hiệu Tự Đức: 2 sắc; niên hiệu Đồng Khánh: 1 sắc; niên hiệu Duy Tân: 1 sắc và niên hiệu Khải Định: 1 sắc), và sắc phong nào hầu hết đều gắn liền với tiền tố “Ngọc Trản sơn từ” (đền thờ núi Ngọc Trản) của Thánh mẫu.

Nếu theo ghi nhận của Đại Nam nhất thống chí, đền Ngọc Trản cơ bản thờ Thiên YA Na Diễn Ngọc Phi và Thủy Long tôn thần, thì qua hệ thống sắc phong, chúng tôi thấy rằng dẫu là Sắc phong đơn (Phong riêng cho từng vị thần) hay sắc phong gộp (hợp phong nhiều vị thần), tôn thần Thiên YA Na vẫn luôn hiện hữu và ở vị trí cao, còn Thủy Long tôn thần thì có thể không hiện diện (như tại sắc hợp phong năm Khải Định thứ 9 - 1924 chỉ có 4 vị thần được xướng danh là thần Đại Càn, Thiên Y A Na, Ngũ Hành Tiên nương và Sơn Trung Tiên phi). Thế nên, có thể thấy vai trò vị thế của nữ thần Thiên YANa tại đền Ngọc Trản, làng Hải Cát là không thể thay thế được.

Hệ thống sắc phong làng Hải Cát cũng cho thấy rằng quy định đổi chữ “thánh phi” (ở mỹ tự của Thủy Long thánh phi) thành chữ “tôn thần” được áp dụng từ năm Minh Mạng thứ 15 (1834)7 như Hội điển ghi chép đã bị “phá vỡ” 1 lần vào năm Đồng Khánh nguyên niên (1885). Bởi, văn bản sắc hợp phong ngày 11 tháng 8 năm Đồng Khánh nguyên niên ghi danh hiệu vị thần thứ 3 là “Trứ Linh Chiêu Ứng Mục Uyên Hoằng Bác Uông Nhuận Thủy Long Thánh phi trung đẳng thần”. Điều này hẳn nhiên có thể hiểu rằng sau khi lên ngôi, vua Đồng Khánh vì rất mến mộ công đức của các vị thần đền Ngọc Trản (nhất là sự linh ứng giúp vua được đăng cơ) nên danh xưng có sự nâng tầm, tức không dùng “Thủy Long tôn thần” mà sử dụng “Thủy Long thánh phi”. Đấy cũng là điều khá thú vị, gợi mở nhiều suy nghĩ về triều vua Đồng Khánh.

Cũng vào niên hiệu Đồng Khánh, chúng ta thấy xuất hiện sắc hợp phong cho 6 vị tôn thần mới, đó là: 1- Tiên Cung Thông Minh thượng tướng quân tôn thần; 2- Tiên Cung Linh Thông đại tướng quân tôn thần; 3- Thủy Tinh Lực Dũng tướng quân tôn thần; 4- Thủy Tinh Uy Dũng tướng quân tôn thần; 5- Sơn Tinh Quả Dũng tướng quân tôn thần; 6- Sơn Tinh Vũ Dũng tướng quân tôn thần (Bản sắc phong ngày 11 tháng 8 năm Đồng Khánh nguyên niên - 1885). Đấy ắt là các vị thần án ngự tại những cung điện do nhà vua cho xây dựng (1- Minh Kính Cao đài đệ nhất cung 明鏡高臺第一宮 - Thượng cung; 2- Minh Kính Trung đài đệ nhị cung明鏡中臺第二宮- cung Hội đồng; Minh Kính Tiểu Đài đệ tam cung 明鏡小臺第三宮- Tiền điện) cũng như các vị thần xung quanh của điện Huệ Nam - một ngôi điện thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na mang tầm quốc gia thời bấy giờ.

Các sắc phong làng Hải Cát còn thể hiện sự hợp hòa trong tín ngưỡng thờ phụng của dân làng nơi đây, đó là những đạo sắc phong cho một số vị thần phổ biến trong đời sống làng xã miền Trung gồm Đại Càn Quốc gia Nam hải Tứ vị thánh nương, Ngũ Hành tiên nương8, Cao Các Quảng Độ tôn thần, cùng đó là một vị thần mới như Diệu Phu Quảng Độ Linh Ứng Ý Nhã Trai Tĩnh Dực Bảo Trung Hưng Anh Bình Sơn Trung Tiên Phi trung đẳng thần (bên cạnh 6 vị thần Tiên Cung, Thủy Tinh, Sơn Tinh... đã kể ở trên). Những dấu ấn văn hóa ấy góp phần cung cấp thêm sự đa dạng cho việc tìm hiểu tín ngưỡng thờ phụng thần linh xứ Huế.

21/8/2023

V.V.Q
(TCSH419/01-2024)

----------------------
1 Thực tế, theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của Nội các triều Nguyễn, thì phải đến triều vua Minh Mạng, vào năm Minh Mạng thứ 15 (1834), tôn thần Thiên YA Na (thượng đẳng thần) mới được ban cấp sắc phong, chứ không phải được ân ban từ triều vua Gia Long như dân gian lưu truyền. Thông tin cụ thể được chúng tôi chuyển tải ở đoạn dưới của bài viết.
2 Các bài viết khảo tả về điện Hòn Chén cũng như các nghi lễ tế tự ở điện Hòn Chén qua từng thời kỳ thì do đã có nhiều công trình khảo cứu, giới thiệu, vì vậy nội dung bài viết của chúng tôi xin được giới thiệu và luận bàn về hệ thống sắc phong làng Hải Cát, chứ không đi sâu vào việc giới thiệu tín ngưỡng thờ phụng và quy trình thực hành tín ngưỡng thờ phụng Thánh Mẫu Thiên YA Na tại đây.
3 Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 8 (bản dịch Viện Sử học), Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.177.
4 Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam nhất thống chí, tập 1 (Bản dịch Phạm Trọng Điềm, Viện Sử học), Nxb. Thuận Hóa, tr. 196.
5 Theo ghi nhận của các nhà nghiên cứu trước, làng Hải Cát có tổng cộng 22 bản sắc phong. Nhưng, hiện chúng tôi chỉ tiếp cận được 20 bản sắc phong (có thống kê cụ thể ở mục dưới của bài viết). Số còn lại, chúng tôi xin được bổ khuyết sau, khi đã tiếp cận thêm được.
6 Đổi chữ “Điều” 調đời vua Thành Thái (ở sắc phong Ngũ Hành tiên nương năm Thành Thái thứ 2 (1890) thành chữ “Hòa” 和đời các vua Duy Tân (sắc phong năm Duy Tân thứ 3 - 1909) - vua Khải Định (1924), theo hình thức kiêng húy Từ Minh Thục Thiện Nhu Thuận Huệ hoàng hậu (慈明淑善柔順惠皇后), tức bà Phan Thị (húy) Điều 潘氏調- vợ vua Dục Đức, mẹ ruột vua Thành Thái. Điều đó chứng tỏ ở triều vua Thành Thái thì không kiêng húy Điều. Về sau mới có lệ kiêng húy Điều mà sắc phong niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) đã thể hiện như trên.
7 Theo ghi chép của Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, đã trích dẫn ở trên.
8 Hiện tại điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) có dinh Ngũ Hành, thờ Mộc Tinh Chúa Thỏi Tiên Bà [Phi] và Ngũ Hành tiên nương (Bắc Phương Nhâm Quý Thủy Bà; Tây Phương Canh Tân Kim bà; Trung Ương Mậu Kỷ Thổ bà; Nam phương Bính Đinh Hỏa bà; Đông phương Giáp Ất Mộc bà).

 

Tài liệu tham khảo chính:

1. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 8 (bản dịch Viện Sử học), Nxb. Thuận Hóa, Huế.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam nhất thống chí, tập 1 (Bản dịch Phạm Trọng Điềm, Viện Sử học), Nxb. Thuận Hóa, Huế.

3. Nguyễn Đình Hòe (1997), “Điện Huệ Nam”, Những người bạn Cố đô Huế - BAVH 1915 (bản dịch), tập 2, tr. 342-346, Nxb Thuận Hóa, Huế.

 

 

PHỤ LỤC: BẢN DỊCH MỘT SỐ SẮC PHONG LÀNG HẢI CÁT

Sắc phong cho Thủy Long Thánh phi (năm 1820)

Nguyên văn:

敕水龍聖妃護國庇民顯有功德原肇豐府香茶縣金龍總海葛社香茶處從前奉事肆今甫膺大寶廣賁新恩盍隆顯號可加封靈妙昭應聖妃准許海葛 社依舊奉事神其相佑保我黎民故敕

明命元年七月二十六日 [硃印]: 封贈之寶


Phiên âm:

Sắc Thủy Long Thánh phi hộ quốc tí dân hiển hữu công đức. Nguyên, Triệu Phong phủ Hương Trà huyện Kim Long tổng Hải Cát xã, Hương Chén xứ tòng tiền phụng sự. Tứ kim phủ ưng Đại bảo, quảng bí tân ân, hạp long hiển hiệu, khả gia phong Linh Diệu Chiêu Ứng Thánh phi. Chuẩn hứa phụng sự, thần kỳ tướng hữu bảo ngã lê dân. Cố sắc!

Minh Mạng nguyên niên thất nguyệt nhị thập lục nhật.

[Châu ấn]: phong tặng chi bảo.

Dịch nghĩa:

Sắc ban cho Thủy Long Thánh phi bảo hộ quốc gia, che chở dân tình, công đức rực rỡ. Vốn [thần được dân làng] xứ Hương Chén, xã Hải Cát, tổng Kim Long, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong thờ phụng từ trước. Cho nên nay, ta đảm nhiệm ngôi báu to lớn [lên ngôi Hoàng đế], phát dương bao trùm rực rỡ ân điển tươi mới, sao chẳng nêu cao hiển hách danh hiệu [của thần], bèn gia phong là Linh Diệu Chiêu Ứng Thánh phi, chuẩn cho thờ phụng. Thần cùng che chở giúp đỡ muôn dân của ta. Cho nên ban sắc!

Ngày 26 tháng 07 năm Minh Mạng thứ nhất [1820].

[Ấn son]: Phong tặng chi bảo.

 

Sắc phong cho Thánh mẫu Thiên YA Na (1834)

Nguyên văn:

敕玉盞山祠天依阿那演妃主玉尊神護國庇民顯有功德經有社民奉事奉 我世祖高皇帝統一海宇慶被神人肆今光紹鴻圖緬念神庥宜隆顯號可加贈洪 仁普濟靈感上等神仍準香茶縣海葛社依舊奉事神其相佑保我黎民欽哉

明命拾五年參月參拾日 [硃印]: 敕命之 寶


Phiên âm:

Sắc Ngọc Trản sơn từ Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc tôn thần hộ quốc tí dân hiển hữu công đức, kinh hữu xã dân phụng sự. Phụng ngã Thế tổ Cao hoàng đế thống nhất hải vũ, khánh bị thần nhân. Tứ kim, quang thiệu hồng đồ, miến niệm thần hữu, nghi long hiển hiệu, khả gia tặng Hồng Nhân Phổ Tế Linh Cảm thượng đẳng thần. Nhưng chuẩn Hương Trà huyện, Hải Cát xã y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai.

Minh Mạng thập ngũ niên tam nguyệt tam thập nhật.

[Châu ấn]: sắc mệnh chi bảo.

Dịch nghĩa:

Sc cho Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc tôn thần ở đền thờ núi Ngọc Trản, bảo vệ đất nước, che chở dân tình, rực rỡ công đức, trải đã được dân xã phụng thờ. Vâng mệnh Thế tổ Cao Hoàng đế [vua Gia Long] triều ta thống nhất non sông biển trời, thần người đều vui sướng. Cho nên nay cơ đồ sáng rõ, nghĩ đến công lao che chở của thần, nên long trọng nêu cao danh hiệu, bèn gia tặng là Hồng Nhân Phổ Tế Linh Cảm thượng đẳng thần. Chuẩn cho xã Hải Cát, huyện Hương Trà phụng thờ như cũ. Thần hãy che chở giúp đỡ dân ta. Khâm tai!

Ngày 30 tháng 3 năm Minh Mạng thứ 15 (1834).

[Ấn son]: sắc mệnh chi bảo.

Sắc hợp phong năm Duy Tân thứ 3 (1909)

Nguyên văn

敕旨承天府香茶縣海葛社從前奉事含弘光大至德浦博顯化莊徽翊保中 興大乾國家南海四位上等神弘惠普濟靈感妙通默相莊徽翊保中興天依阿那 演玉妃上等神贊化默運順成和序資元莊徽翊保中興五行僊娘上等神著靈顯 應穆淵弘博汪潤翊保中興水龍中等神妙孚廣度靈應懿雅翊保中興英平山中 僊妃中等神節經頒給敕封準其奉事維新元年晉光大禮經頒寶詔覃恩禮隆登 秩特準依舊奉事用誌國慶而申祀典欽哉

維新參年捌月拾壹日


Phiên âm:

Sắc chỉ Thừa Thiên phủ, Hương Trà huyện, Hải Cát xã tòng tiền phụng sự Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị thượng đẳng thần, Hoằng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi thượng đẳng thần, Tán Hóa Mặc Vận Thuận Thành Hòa Tự Tư Nguyên Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Ngũ Hành Tiên Nương thượng đẳng thần, Trứ Linh Hiển Ứng Mục Uyên Hoằng Bác Uông Nhuận Dực Bảo Trung Hưng Thủy Long trung đẳng thần, Diệu Phu Quảng Độ Linh Ứng Ý Nhã Dực Bảo Trung Hưng Anh Bình Sơn Trung Tiên Phi trung đẳng thần, tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự. Duy Tân nguyên niên, tấn quang đại lễ, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Chuẩn y cựu phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai.

Duy Tân tam niên bát nguyệt thập nhất nhật.

[Chu ấn]: sắc mệnh chi bảo.

Dịch nghĩa:

Sắc chỉ xã Hải Cát, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên, theo xưa phụng thờ Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị thượng đẳng thần, Hoằng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi thượng đẳng thần, Tán Hóa Mặc Vận Thuận Thành Hòa Tự Tư Nguyên Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Ngũ Hành Tiên Nương thượng đẳng thần, Trứ Linh Hiển Ứng Mục Uyên Hoằng Bác Uông Nhuận Dực Bảo Trung Hưng Thủy Long trung đẳng thần, Diệu Phu Quảng Độ Linh Ứng Ý Nhã Dực Bảo Trung Hưng Anh Bình Sơn Trung Tiên Phi trung đẳng thần, trải đã ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ tự. Duy Tân năm đầu (1907), nhân đại lễ đăng quang [lên ngôi Hoàng đế], từng ban Chiếu báu ân sâu, nghi lễ thịnh dày phẩm trật to lớn. Đặc biệt chuẩn cho thờ phụng như xưa, dùng để ghi nhớ ngày khánh tiết quốc gia và đưa vào tự điển (điển chế thờ phụng). Khâm tai!

Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 [1909].

[Ấn son]: Sắc mệnh chi bảo.

 

 

Các bài mới
Cái đó (20/02/2024)
Các bài đã đăng
Hoài niệm (02/02/2024)
Hồ cá (30/01/2024)