Tạp chí Sông Hương - Số 420 (T.02-24)
Hình tượng con rồng trong các nền văn hóa thế giới
15:34 | 06/02/2024

HUỲNH THẠCH HÀ

Rồng (trong tiếng Anh gọi là dragon) là loài vật mang tính tưởng tượng, một biểu tượng văn hóa, ra đời từ sự nỗ lực của con người trong việc tìm hiểu và nhận thức thế giới tự nhiên.

Hình tượng con rồng trong các nền văn hóa thế giới
Rồng trên mái điện Thái Hòa Huế - Ảnh: tư liệu

Tuy nhiên, nó lại có vai trò quan trọng trong rất nhiều nền văn minh trên thế giới. Nó còn được biết đến qua những hình ảnh khắc họa trong các truyền thuyết và thần thoại, trong nghệ thuật tạo hình tại nhiều nền văn hóa phương Đông lẫn phương Tây. Ở mỗi quốc gia, vùng miền, mỗi thời kỳ, chúng đều mang những hình dáng và ý nghĩa thú vị, chúng có thể đại diện cho điều may, điềm lành, cũng có thể đại diện cho cái ác, cái hung dữ.

Con rồng trong các nền văn hóa trên thế giới

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, hình ảnh loài rồng đều được biểu thị cho loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường. Các nước phương Tây xem rồng là biểu tượng của sự hung dữ. Theo tự điển Larousse do Pierre Larousse (1817 - 1875) biên soạn, rồng là một con vật hoang đường, hình rắn nhưng lại có cánh và đuôi. Nó có hình dáng của khủng long có thêm sừng, cánh, vây lưng và có thể phun ra lửa hoặc nước... Da của nó rắn chắc, không loại vũ khí nào có thể sát thương được nhưng lại có điểm yếu nằm ở mắt và lưỡi, thường sống nơi hẻo lánh, con người ít đặt chân đến1.

Vết tích cổ xưa nhất về rồng ở phương Tây nằm trong truyền thuyết Hy Lạp nói về Cadmus. Khi di dân đi khai khẩn, Cadmus được một con bò thần dẫn tới một địa điểm ở Boeotia (thuộc miền Trung của Hy Lạp). Khi ông ta phái người của mình đi lấy nước ở một con suối, tất cả mọi người bị một con rồng canh giữ ngọn suối giết chết. Sau đó, Cadmus đã giết chết con rồng, nhổ răng của rồng và gieo xuống mảnh đất. Một toán người có vũ trang mọc ra từ mỗi chiếc răng được gieo. Họ đánh và giết lẫn nhau cho đến khi chỉ còn năm người sống sót. Những người này giúp Cadmus xây dựng một tòa thành. Cuối cùng, tòa thành đó phát triển thành thị trấn Thebes. Năm người kia trở thành tổ tiên của tầng lớp quý tộc thành Thebes. Trong số đó có một người, mệnh danh là “con trai của rắn”, tên là Echion, cưới con gái của Cadmus làm vợ. Sau nhiều vụ rối loạn, vua Cadmus rút về Illyria, ở đó ông cùng vợ là Barmonia biến thành rắn, sau khi chết đã được các thần đem lên cõi cực lạc. Thần thoại Hy Lạp cũng mô tả rồng dưới nhiều dạng: có con rồng bảy đầu, có con rồng chín đầu chuyên ăn thịt con gái đẹp, có con trăm đầu mắt trợn trừng... Các chuyện kể về rồng đan xen với những chuyện về người khổng lồ và quái vật. Hầu hết đều theo một mô típ: rồng có nhiều đầu, chuyên gieo rắc tai họa, sống trong hang, người anh hùng giết rồng để cứu cả một dân tộc hay các nàng công chúa. Song các câu chuyện về rồng vẫn thực sự hấp dẫn qua các cuộc phiêu lưu của những vị anh hùng để chinh phục rồng. Ý nghĩa ẩn đằng sau tích các truyện về rồng của phương Tây là coi rồng như hiện thân của sự xấu xa, cần bị trừng phạt...; từ đó làm nổi bật các nhân vật chính là các anh hùng - những người đã chiến thắng rồng để đem lại điều tốt đẹp. Theo một truyền thuyết khác của Hy Lạp kể rằng, có một vị thần là Achilles, dũng sĩ vô địch. Anh là con của Thetis, nữ thần biển với vị vua Hy Lạp Peleus. Từ thuở nhỏ Achilles được tắm máu rồng nên cơ thể trở thành mình đồng da sắt, có sức mạnh vô song, nhưng chỉ có gót chân máu rồng không thấm tới nên chỗ này trở thành nhược điểm duy nhất của Achilles. Trong trận chiến thành Troy, Achilles bị trúng tên của Paris bắn vào gót chân và chết. Từ đó người ta mới dùng ngạn ngữ “gót chân Achilles” để ám chỉ một người dù có mạnh mẽ đến đâu vẫn có một yếu điểm nào đó.

Rồng đỏ là biểu hiện của xứ Wales, Mabinogion (truyện) về Lludd và Llefelys kể về cuộc chiến đấu giữa rồng đỏ và rồng trắng, rồng trắng là biểu tượng của những người Saxon xâm lược. Cuối cùng hai con rồng, say rượu mật ong, được nhốt ở chính giữa đảo Bretagne, tại Oxford, trong một chiếc hòm đá. Khi chưa ai tìm ra được chúng thì hòn đảo sẽ không bị bất cứ một cuộc xâm lược nào. Rồng được nhốt lại là biểu tượng của những sức mạnh giấu kín và được kiềm chế: hai mặt của một bản thể bị che. Trong sách Khải Huyền chương 12, Người Phụ Nữ và Con Mãng Xà kể rằng một người phụ nữ xuất hiện với cảnh tượng: mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà sinh một con trai để “dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân”. Một con mãng xà (có lẽ tượng trưng cho Satan) cố gắng để giết cậu bé, nhưng không được. Tổng lãnh thiên thần Micae và thiên binh giao chiến với con mãng xà. Bại trận, con mãng xà bị giáng xuống trái đất, nơi đó, nó tiếp tục gây chiến với những người con hậu duệ của người phụ nữ này, là những người tuân giữ mười điều răn và lời của Chúa Giêsu. Cậu bé được sinh ra chính là Chúa Giêsu.

Nhưng các phương diện tiêu cực không phải là những phương diện duy nhất, cũng không phải là quan trọng nhất. Ý nghĩa biểu tượng của rồng mang tính đôi chiều, vả chăng đó là điều được biểu thị trong tranh hình Viễn Đông về hai con rồng đương đầu với nhau, mà ta lại tìm thấy trong nghệ thuật Trung Cổ, và đặc biệt hơn nữa trong thuật giả kim châu Âu và Hồi giáo, ở đó cuộc đương đầu này mang hình dáng tương tự như ở cây gậy rắn thần. Đấy là sự vô hiệu hóa các khuynh hướng trái ngược nhau, lưu huỳnh và thủy ngân giả kim (trong khi đó bản chất tiềm tàng, không bộc lộ, được biểu hiện bằng con ouroboros, con rồng tự cắn lấy đuôi mình). Ngay cả ở Viễn Đông, rồng cũng mang nhiều dáng vẻ khác nhau, là con vật sống lúc dưới nước, trên mặt đất - thậm chí dưới mặt đất - và trên trời; khiến ta có thể coi nó là gần gũi với con Quetzalcoatl, con rắn có lông vũ của người Aztèque2.

Trong thực tế, đấy chỉ là những dáng vẻ khác nhau của một biểu tượng duy nhất, là biểu tượng của bản nguyên tích cực và sáng tạo: sức mạnh thần thánh; nhiệt tình tinh thần như Grousset nói.

Trục của các con rồng, trong đề tài chiêm tinh học, cũng gọi là trục số mệnh. Đầu rồng, là điểm của đề tài, tại đấy phải thiết lập tiêu điểm của tồn tại hữu thức, đối lập với đuôi rồng, có khả năng nhào trộn tất cả các ảnh hưởng đến từ quá khứ, đó là cái Karma (nghiệp) ta phải thắng. Hai bộ phận ấy của rồng cũng được gọi là các điểm nút của mặt trăng, Bắc và Nam; đó là những điểm giao hội giữa quỹ đạo mặt trăng và quỹ đạo mặt trời.

*

Đối ngược với ý nghĩa tiêu cực, đại diện cho sức mạnh hủy diệt, của cái ác thì con rồng trong tâm thức các dân tộc phương Đông lại được xem là vua trong thế giới sinh vật, là biểu tượng của điềm lành, sự may mắn và tốt đẹp, là con vật huyền thoại duy nhất trong 12 con giáp. Trong truyền thuyết, thần thoại của phương Đông, dù cốt truyện có khác nhau nhưng rồng bao giờ cũng ẩn chứa ý nghĩa biểu tượng cho sự cao quý tốt đẹp. Thậm chí trong sử sách còn ghi chép lại nhiều lần rồng xuất hiện thì có mưa, điều này càng khiến cho con vật huyền thoại này trở nên huyền bí lại có sự hiện hữu quyền năng thực sự đâu đó trong đời sống.

Ở Trung Hoa xưa, người ta xem rồng là tinh linh núi, là thần linh bảo hộ năm vùng, nghĩa là bốn phương và vùng trung tâm; là kẻ bảo vệ năm hồ bốn biển (có nghĩa là mọi hồ, mọi biển). Người Trung Quốc còn cho rằng rồng bất tử. Các con rồng Trung Hoa cũng là những con vật cưỡi của các thần tiên bất tử. Di chỉ rồng được cho là tìm thấy sớm tại văn hóa tiền Hồng Sơn trong vùng sông Liêu ở Đông Bắc Trung Quốc, với hình tượng rồng được sắp xếp bằng đá, có niên đại vào khoảng 8000 năm trước. Người Trung Quốc lưu truyền rất nhiều truyền thuyết về loài rồng, ngoài hô mưa gọi gió, chúng có thể đội sông lật biển, gọi mây che mặt trời. Truyền thuyết “Chín rồng giỡn nước” kể về việc làm ra mưa gió do 1 con rồng điều khiển. Nhưng nó không thể làm cho nơi nơi mưa thuận gió hòa. Ngọc Hoàng bèn cử tám con rồng nữa xuống hạ giới giúp sức và phong con rồng kia làm đầu đàn. Nhân dân mọi nơi đón tiếp. Chín con rồng ăn uống quá đà, say túy lúy nên làm mưa gió gây lụt lội, nhấn chìm làng mạc. Chín con rồng bay lên núi cao, rừng sâu ngủ một giấc dài. Khi nạn lụt qua đi, vào vụ mùa, nhân dân cần mưa thì không thấy chúng xuất hiện. Khi rồng đầu đàn tỉnh giấc cố sức gọi gió kêu mưa, còn 8 con kia không chịu hành động. Lụt lội, hạn hán, người dân lại kêu đến trời. Ngọc Hoàng triệu 9 con rồng về thiên đình nhưng chúng vẫn đang chìm đắm trong giấc ngủ. Ngọc Hoàng tức giận truyền chỉ sai tám con rồng bay tám hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc và cử con rồng đầu đàn ở chính giữa kiểm soát tám hướng. Từ đó nhân gian mưa thuận gió hòa.

Là sức mạnh thần thánh, sáng tạo, xếp đặt, rồng đương nhiên là biểu tượng của đế vương. Rồng là thể hiện quyền lực tối cao của hoàng đế Trung Hoa; mặt rồng có nghĩa là mặt của hoàng đế; dáng đi của rồng oai vệ như dáng đi của chủ tướng; viên ngọc rồng, mà người ta bảo là nó ngậm trong họng, là vẻ rực rỡ không thể chối cãi trong lời nói của chủ tướng, sự hoàn thiện trong tư tưởng và các mệnh lệnh của nhà vua. Hoàng đế đã dùng rồng để thắng các khuynh hướng xấu xa, đã cưỡi lên lưng một con rồng mà bay về trời. Nhưng chính ngài cũng là rồng, cũng giống như Phục Hy, vị hoàng đế đầu tiên, người đã nhận được Hà đồ từ một long mã. Chính nhờ có rồng mà Đại Vũ đã có thể tạo nên thế giới bằng cách tiêu nước thừa đi: con rồng được đưa từ trời xuống, đã mở đường cho ngài (khai đạo).

Rồng là biểu tượng của cơn mưa thần thánh làm tươi nhuần đất đai. Các điệu múa rồng, việc trưng bày các con rồng có màu sắc thích hợp cho phép cầu được mưa, là phép lành của trời. Do đó rồng là dấu hiệu của điềm lành, rồng hiện lên là tôn phong những triều đại hạnh phúc. Có lúc, từ những chiếc mõm há rộng của nó, tuôn ra những chiếc lá: đấy là biểu tượng của sự nảy mầm. Theo một phong tục ở Indonesia, ngày đầu năm, một đoàn người trẻ tuổi đội lốt rồng bằng giấy nhảy múa trên đường, trong khi những người dân phố dồn ra ở các cửa sổ dâng lên rồng những mớ rau cải xanh mà nó nhai ngốn trong niềm vui lớn của mọi người. Ở Campuchia, con rồng nước sở hữu một viên ngọc phát ra ánh chói - và ánh chớp, gây mưa.

Rồng cũng là biểu tượng của sự sống, sự đổi mới theo chu kỳ, được biểu thị bằng sự xuất hiện của rồng, tương ứng với mùa xuân, với phương Đông với màu xanh lục: vào tiết Xuân phân, rồng bay lên trời và vào tiết Thu phân lại lao sâu xuống vực thẳm; điều đó được thể hiện bằng vị trí của các sao Kio và ta-kio, bông của chòm sao Xử Nữ và Arcturus, những chiếc sừng của rồng. Việc sử dụng hình con rồng trong trang trí các cửa ra vào ở phương Đông cũng khiến nó mang một ý nghĩa biểu tượng chu kỳ, nhưng đúng hơn là có tính chất điểm chỉ. Về mặt thiên văn học, đầu và đuôi của rồng là những điểm nuốt của trăng, tức các điểm diễn ra nguyệt thực: từ đó mà có hệ biểu tượng Trung Hoa về con rồng nuốt mặt trăng và hệ biểu tượng Ả Rập về đuôi rồng được coi là vùng tối tăm. Ở đây ta gặp một mặt tối tăm trong ý nghĩa biểu tượng của rồng, nhưng tính hai mặt của biểu tượng vẫn không thay đổi: rồng là dương với tư cách là dấu hiệu của sấm và mùa xuân, của hoạt động của trời; nó là âm với tư cách là chúa tể các vùng nước; nó là dương ở chỗ nó đồng nhất với ngựa, với sư tử - là những con vật thái dương - và với gươm; là âm ở chỗ nó là hóa thân của một con cá hay đồng nhất với một con rắn; là dương với tư cách là nguyên lý giả kim (thủy ngân)3.

Đối với người Nhật, con rồng là vật chủ yếu trong lý tưởng. Họ cho rằng, mỗi kỳ sinh nở, rồng cái đẻ ra chín con. Rồng thứ nhất ưa ca hát và thích mọi âm thanh êm ái, do đó đỉnh các chuông Nhật Bản được đúc hình con vật này. Rồng thứ hai thích âm thanh của nhạc cụ nên đàn koto hoặc đàn thụ cầm nằm ngang và trống suzumi - một thứ trống con gái đánh bằng ngón tay, được trang trí bằng hình con rồng. Rồng thứ ba ưa uống và thích các loại rượu nên chén uống rượu được trang trí hình rồng. Rồng thứ tư thích những chỗ cheo leo nguy hiểm, nên đầu hồi nhà, ngọn tháp, các dầm mái chìa ra của đền chùa đều chạm nó. Rồng thứ năm hay giết các sinh vật nên được dùng trang trí cho các thanh gươm. Rồng thứ sáu ham học, thích văn chương, hình nó dùng để trang trí cho bìa sách. Rồng thứ bảy nổi tiếng về thính tai, nghe được âm thanh của lá cây nên các lá cây dùng chữa bệnh được bỏ vào chai có trang trí hình rồng. Rồng thứ tám ưa ngồi nên chúng được chạm vào ghế. Rồng thứ chín ham mang vật nặng nên nó được chạm ở chân bàn. Như vậy, vị trí tạo hình của các con rồng được người Nhật quan niệm, giải thích một cách khá đơn giản.

Đối với người Triều Tiên, rồng là một trong bốn con vật siêu tự nhiên có phép lạ. Nó có sức mạnh khủng khiếp và có năng lực tiến công. Về mùa xuân nó bay lên trời, về mùa thu nó náu mình dưới đáy nước sâu. Người Triều Tiên xưa tin rằng, các sông suối cũng như đại dương bao quanh Triều Tiên là nơi ở của một con rồng, người dân thường thờ cúng quyền lực này và tin rằng rồng kiểm soát mưa và cần được con người làm cho vui vẻ để mùa màng bội thu. Ngoài ra còn tin rằng, nó có khả năng làm phiền nhiễu cho những người chèo thuyền và những thủy thủ ở biển khơi nên phải làm hài lòng nó để được bình an. Do đó, không những người dân nông thôn và người làm ruộng ở nông trại, mà cả chủ tàu bè muốn có thời tiết thuận lợi để đi xa, đều làm lễ cầu an. Mỗi loại thuyền làm một thứ lễ riêng để đảm bảo an toàn. Lễ đó được coi như một thứ cống nộp cho thần nước.

Đối với người Hàn Quốc, rồng cũng là biểu tượng của sức mạnh tâm linh, của may mắn, phước lành. Trong ngôi chùa, ngoài chức năng bảo vệ ngôi tam bảo, nó còn đem lại sự bình yên, giàu có và thịnh vượng cho con người. Biểu hiện riêng của rồng Hàn Quốc là thường ngậm ngọc đỏ trong miệng hoặc cắp trong lòng bàn chân biểu trưng cho trí tuệ và chân lý.

Như vậy có thể thấy, trên thế giới, các nền văn minh phương Đông hay phương Tây đều có sự xuất hiện của con rồng với ý nghĩa mang những sức mạnh to lớn. Nó chỉ khác nhau ở quan niệm sức mạnh đó phục vụ cho điều xấu, điều ác hay là điều tốt, điều thiện ở mỗi nền văn minh khác nhau.

Rồng ở chùa Diệu Đế - Ảnh: tư liệu

Hình tượng con rồng trong văn hóa Việt

Người Việt cũng tin tưởng rằng rồng là linh vật mang biểu tượng của thiên tử, mỗi khi xuất hiện là có điềm lành hoặc minh chúa ra đời để mang thái bình thịnh trị cho thiên hạ. Hẳn người Việt Nam nào cũng biết về truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” giải thích nguồn gốc người Việt. Truyền thuyết kể: Lộc Tục, con vua Đế Minh, lên ngôi vua và lấy hiệu là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi vua xưng hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, đẻ ra một cái bọc chứa một trăm quả trứng, nở ra một trăm người con. Ngày kia, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: Ta là dòng dõi Long Quân, tức là Vua Rồng. Còn nàng là dòng dõi thần tiên. Cả hai ăn ở lâu với nhau e rằng không ổn. Nay được một trăm đứa con, nàng hãy đưa năm mươi con lên núi, còn ta sẽ dẫn năm mươi con xuống biển chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp nguy hiểm thì báo cho nhau, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên. Từ truyền thuyết này mà người Việt Nam tự hào có “long phụ tiên mẫu”.

Người Mường và người Thái là hai tộc người có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt, trong đó người Mường có nguồn gốc chung với người Việt, tách ra muộn trong lịch sử, người Thái có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt trong vùng nam Đông Á, tới thời nhà Đường về sau bắt đầu di cư về các vùng phía Nam. Các tộc người này hiện vẫn giữ những truyền thuyết có sự tương đồng với truyền thuyết họ Hồng Bàng của người Việt, cũng với ý thức về Tiên - Rồng hay hai nhân vật đối lập làm nên nguồn gốc của dân tộc họ.

Truyền thuyết của người Mường kể rằng, người Mường vốn là hậu duệ của nàng công chúa Hươu sao: Ngu Cơ, với chàng hoàng tử Cá chép: Lương Vương con vua Yịt (Việt). Cuộc hôn phối huyền thoại của mẹ Hươu và bố Cá, giống ở cạn/núi và giống ở thấp/nước, có kết quả là 100 người con. Huyền thoại Mường ghi nhận, bất hòa đã nổ ra, nàng Hươu sao và chàng Cá thường xuyên cãi vã, cuối cùng, đường ai nấy đi. Nàng Hươu sao dẫn 50 con lên miền núi đồi khai sinh dòng vua áo đen, còn chàng Cá đem 50 con về miền cửa sông khai sinh dòng vua áo vàng.

Về truyền thuyết của người Thái, thì họ cho rằng dân tộc mình là sự kết hợp của chim én - loài chim biểu tượng của linh hồn đẳm pú (đàn ông, phía cha) và thuồng luồng, loài rắn lớn sống dưới nước và có thể lên cạn, biểu tượng của đẳm nái (đàn bà, phía mẹ).

Như vậy, không chỉ người Việt, mà một số tộc người khác trong cộng đồng các dân tộc Việt vẫn giữ được truyền thuyết về cội nguồn Tiên - Rồng, nó cũng chứng minh ý thức Tiên - Rồng có từ thuở sơ khai trên đất Việt.

Hình ảnh rồng trải qua các triều đại với những biến tướng khác nhau được lưu lại trên các di chỉ khảo cổ, các di tích văn hóa. Cơ sở nhận diện hình tượng thường trên các chi tiết thể hiện: đầu rồng (mắt, mũi, mồm, râu, bờm, sừng); hình dáng thân rồng (các khúc uốn lượn); các chi tiết (vây, móng, đuôi) và đối chiếu với niên đại di tích để xác định rồng các thời. Từ thời Lý, thời Trần, phong cách rồng nhất quán hoặc tập trung rõ đặc trưng (ở đầu và khúc uốn). Từ thời nhà Lê sơ, Mạc đến thời Nguyễn hình tượng rồng phát triển rực rỡ với nhiều tư thế đa dạng là biểu tượng dân tộc. Nhìn chung, với các triều đại, hình ảnh của rồng được gắn liền với bậc đế vương, thể hiện quyền uy, mang năng lực tâm linh siêu nhiên.

Trong ngôn ngữ Việt Nam, hình tượng rồng được ghép với uy quyền của nhà vua, như áo bào của vua gọi là long bào, sân điện là long đình, xe của vua là long giá, gương mặt vua là long nhan, giường vua nằm là long sàng, thân thể vua là long thể, thuyền của vua thì là thuyền rồng, ngai vua ngồi là long tọa... Trong thuật phong thủy, việc tìm đất để khai phá, làm nhà, gieo vãi, nuôi trồng, hầu an cư lạc nghiệp cần xác định phương hướng, những mạch đất tốt gọi là long mạch.

Rồng không chỉ xuất hiện ở cung vua, phủ chúa, rồng còn xuất hiện trong dân gian và mang tính đậm đà của hiện thực, xuất hiện với nhiều hình dáng khác nhau ở nhiều công trình kiến trúc dân gian như đình, chùa, miếu bằng nhiều hình thức như chạm lộng, đắp sành sứ… với các mô típ được thể hiện thường xuyên như: lưỡng long chầu nguyệt, tam linh (rồng, phượng, lân, long mã), rồng ổ, cá hóa long, rồng chầu hoa cúc… Rồng không được thờ cúng trong đền chùa như những linh vật khác, nhưng hình ảnh rồng luôn trong tư thế nằm chầu, rồng cuốn quanh cột xây, rồng nằm uốn lượn trên mái đình… Hình ảnh này chính là biểu tượng cho sự che chở, phục vụ, luôn sẵn sàng bảo vệ cho con người.

Trong nghệ thuật tạo hình của người Cơ Tu, hình ảnh con rồng bắt nguồn từ nguồn cảm hứng sáng tạo của người Kinh, đã được người Cơ Tu tiếp nhận và thể hiện trong nghệ thuật chạm khắc và trang trí hoa văn trên những đồ dùng, tranh, tượng, phù điêu, trên những công trình kiến trúc với hoa văn trang trí độc đáo.

Đặc biệt, người ta thấy hình ảnh thân rồng uốn kiểu yên ngựa có sừng có tai kiểu Trung Hoa đứng bên cạnh thần điểu Garuda được trang trí trên nhang án ở chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Tây). Ở đây có thể có sự giao lưu tiếp biến văn hóa Hindu và văn hóa Việt?

Hình ảnh rồng còn đến gần hơn trong đời sống người dân Việt qua ca dao, tục ngữ, lời ăn tiếng nói hằng ngày. Có khi dân gian sử dụng hình ảnh con rồng để nói đến tình cảm trai gái bằng các cặp phạm trù như rồng - mây, rồng -phượng để gửi thông điệp yêu thương: Nhớ anh ấy như vợ nhớ chồng/ Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây/ Tình cờ gặp được anh đây, như cá gặp nước, như mây gặp rồng; Trai ơn vua cỡi thuyền rồng/ Gái chịu ơn chồng nằm võng ru con. Cuộc tình đẹp cũng được gọi là phượng cỡi rồng; Rồng giao đầu, phượng giao đuôi/ Nay tui hỏi thiệt, mình thương tui không nào?...

Hình ảnh con rồng cũng được thể hiện trong những lời phê phán pha trộn sự bông đùa ví von những thói xấu qua thành ngữ: Ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo, làm như mèo mửa; kiểu vẽ rồng vẽ rắn thì được người đời gán cho kẻ bất tài, làm gì cũng sai, cũng kém. Đôi khi lại còn vẽ rắn thêm chân, vẽ rồng thêm mắt thì cũng sẽ bị cho là làm những việc thừa hay là thường thêu dệt những chuyện không có thực để gây hại cho người.

Trong hội họa dân gian cũng xuất hiện hình ảnh con rồng. Tranh chuột rước rồng của dòng tranh dân gian Đông Hồ với hình ảnh 11 chú chuột lớn bé mang kèn trống cờ quạt và đèn cá chép, đèn lồng rộn ràng đi. Thoạt nhìn tổng thể, bức tranh như miêu tả trò chơi của trẻ em nông thôn xưa, khiến bầy chuột hồn nhiên thêm ngộ nghĩnh. Mô hình rồng uy nghi trùm lên, thu hút ánh nhìn vào trung tâm, nhưng vẫn không át được số đông của đàn chuột. Vì vậy, gọi là “chuột rước đèn”, có nơi gọi “chuột rước rồng”, nhưng không phải để tôn vinh rồng phượng, mà như một ngày hội vui, ngày biểu dương lực lượng của những chú chuột có thân phận thấp kém hơn rồng. Chuột vốn sợ ánh sáng, nhưng vẫn rước đèn, như ngầm gửi thông điệp về việc đàn chuột sung túc tự tin hội hè khi tết đến xuân về. Hai con chuột cầm sào nâng hình con rồng cao lên thụp xuống, một con cầm sào đính vào đầu rồng, một con cầm sào đính vào đuôi rồng. Nhìn chung bức tranh chuột rước rồng nổi tiếng không những về bố cục, đường nét, cấu trúc, màu sắc mà còn bởi nội dung triết lý về nhân văn, nhân bản, tính hài hước, châm biếm về sự bất công giữa dân chúng cần lao với bọn tham quan ô lại thời phong kiến.

Trong phong thủy, rồng là linh vật hội tụ các yếu tố tự nhiên, do đó được coi như một linh vật của sự thịnh vượng, may mắn, trí tuệ, được gửi gắm những ước vọng trong đời. Người Việt quan niệm trong 12 con giáp thì con rồng được xem là con vật bay cao nhất và mang nhiều khát vọng lý tưởng nhất. Vì thế người tuổi rồng thường chỉ thích nghĩ đến những gì cao siêu vời vợi, coi nhẹ những gì lặt vặt của cuộc đời, sống trượng nghĩa hào hiệp, thích giúp đỡ mọi người. Người mang tuổi rồng là tuổi đại cát, nhiều may mắn hanh thông và thường có số lãnh đạo. Dọc dài lịch sử, con rồng vẫn là một phần trong cuộc sống văn hóa của người Việt Nam.

Dù có nhiều quan niệm khác nhau về hình tượng rồng ở nhiều dân tộc trên thế giới thì chúng cũng là một loài vật có sức mạnh to lớn. Loài rồng vừa có những đặc tính tốt đẹp vừa thể hiện những mặt nguy hiểm, như một điều dĩ nhiên của sự vật. Nhưng nhìn chung, dù ở vùng đất nào, cộng đồng nào thì con rồng cũng ngự trị với một vị thế tâm linh khả kính và hằn sâu trong tâm thức văn hóa từng vùng.

H.T.H
(TCSH420/02-2024)

 

-------------------------
1 Jean Chevalier, Alain Gheerbant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, (Đà Nẵng: Đà Nẵng - Trường Viết văn Nguyễn Du, 2002), tr. 529.
2 Jean Chevalier, Alain Gheerbant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, sđd, tr. 530.
3 Jean Chevalier, Alain Gheerbant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, sđd, tr. 258.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Văn Hiệu (1983), “Từ hình tượng thực của con rồng Việt Nam đến tên Lạc Long Quân trong tiếng Việt”, Khảo cổ học, Số 2.
2. Phan Huy Chú (1960), Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
3. Jean Chevalier, Alain Gheerbant (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Trường Viết văn Nguyễn Du, Đà Nẵng.
4. Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo, Nguyễn Thị Huế (1995), Kho tàng thần thoại Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.
5. Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (1990), Truyện cổ nước Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Minh Hạnh, Phan Hồng Sơn (1986), Truyện ngụ ngôn Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội.
7. Hoàng Văn Khoán (2013), “Nguồn gốc con rồng”, Thông báo Khoa học, Số 2.
8. Trần Thế Pháp (1960), Lĩnh Nam chích quái(Bản dịch Lê Hữu Mục), Khai Trí, Sài Gòn.

 

 

Các bài mới
A Roàng mãi xanh (08/03/2024)
Xuân đầy (04/03/2024)
Các bài đã đăng