Tạp chí Sông Hương - Số 420 (T.02-24)
Lễ Tết trong cung điện Việt Nam
15:49 | 06/02/2024

PHAN THANH HẢI

Việc đón Tết năm mới, nhất là nơi cung điện triều đình, là lễ tiết rất quan trọng trong năm theo quan niệm truyền thống.

Lễ Tết trong cung điện Việt Nam
Lễ ban sóc. Ảnh: Lê Đình Hoàng

Các triều đại độc lập của Đại Việt từ Đinh (968 - 980), Tiền Lê (980 - 1010), Lý (1010 - 1224), Trần (1225 - 1400), Hồ (1400 - 1407) đã có những quy định cụ thể về việc đón Tết năm mới. Thời Lý - Trần, văn hóa Việt Nam phát triển rất phong phú và thịnh đạt, ảnh hưởng của Phật giáo trong toàn xã hội rất sâu sắc, kể cả chốn cung đình. Thành Thăng Long, kinh đô của Đại Việt lúc ấy đã có quy mô to lớn với cấu trúc 3 lớp thành lồng vào nhau với hệ thống cung điện, đàn miếu khá hoàn chỉnh, trong đó trung tâm là điện Kính Thiên, sau lưng là điện Thắng Thọ, gác Thánh Thọ, nơi diễn ra các nghi lễ chính của triều đình1. Nhưng ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo trong thời kỳ này chưa thật sâu sắc, nên cách đón Tết có nhiều bản sắc riêng, trong các lễ hội đón Tết, phần hội hè vẫn nhiều hơn phần nghi lễ.

Việc đón Tết được chuẩn bị công phu, thời gian tổ chức lễ Tết kéo dài, yến lễ trong cung bắt đầu từ tiết Lập xuân đến tháng Trọng xuân (tháng 2 âm lịch) mới kết thúc. Nhìn chung, các nghi thức đón Tết được chia thành hai phần: phần các nghi lễ trước Tết (trước ngày 1/1 âm lịch) và phần hoạt động trong Tết. Trước Tết thì có các lễ Tiến lịch, lễ Tiến Xuân, lễ Tiến xuân ngưu; trong Tết thì chủ yếu là lễ Chính đán, lễ hưởng ở các miếu điện, lễ tuyên thệ trung thành và các hoạt động du xuân.

Nghi lễ trong và sau Tết

Lễ Chính đán: 正旦節

Chủ yếu là lễ mừng nhà vua, từ thời Lê Trung Hưng thì lễ này gắn với lễ mừng chúa Trịnh. Đây là buổi lễ đầu năm quan trọng nhất, được tổ chức trong khu nghi lễ từ ngoài cửa Đoan Môn 端門đến điện Vạn Thọ 萬壽殿của vua; rồi tổ chức cả ở phủ chúa Trịnh và phủ Tiết chế. Trình tự buổi lễ thời Lê Trung Hưng được Phan Huy Chú mô tả như sau:

Sáng sớm ngày mồng Một, Tiết Chế phủ (quan đứng đầu quân đội của phủ chúa) vâng chỉ chúa, đem các đại thần công hầu bá và các quan văn võ mặc phẩm phục vào chầu mừng vua. Trước một ngày, Thượng Thiết Ty (thuộc Lễ bộ) đặt ngự tọa của nhà vua ở chính giữa cửa Kính Thiên, đặt bảo án ở phía đông, đặt hương án ở trước ngự tọa, Liễn Giá Y (thuộc Lễ bộ) đặt tàn vàng ở hai bên tả hữu ngự tọa, Giáo Phường ty (thuộc Lễ bộ) đặt thiều nhạc và đại nhạc ở hai bên Đông Tây sân rồng. Thủ Vệ ty (thuộc Lễ bộ) dàn cờ xí và khí giới theo nghi thức. Nghi Chế ty (thuộc Lễ bộ) đặt cái án để các tờ biểu của Thừa ty các xứ ở giữa công đường Lễ bộ. Quan Lễ bộ và quan Thừa ty các xứ trực đêm ở công đường Lễ bộ. Đợi sáng đến khi canh năm điểm lần thứ năm, trống và nhạc dẫn đi trước, các quan Thị dạ (hầu đêm) rước án biểu, Nghi Vệ Ty (thuộc Lễ bộ) mang tàn vàng che. Thừa Dụ cục (thuộc Lễ bộ) khiêng án biểu đến ngoài cửa Đoan Môn vào để ở phía Đông sân rồng (hơi về phía Bắc, các quan rước án biểu đều đứng). Trống nghiêm hồi đầu, các quan văn võ (cả các quan chấp sự và triều yết) đứng sắp ban ở ngoài cửa Đoan Môn. Trống nghiêm hồi thứ hai, quan Đạo lễ (dẫn dắt nghi lễ) dẫn Tiết Chế phủ vào chỗ đình ở tả hữu sân rồng ngồi tạm. Các viên chấp sự (quan đạo lễ) tiến trước vào sân điện Vạn Thọ, rước vua lên ngự giá, được triệu đến trước, làm lễ 5 lạy 3 vái, lễ xong, lui ra hai bên Đông Tây sân rồng ở chỗ đứng trước. Ngự giá đến cửa Kính Thiên thì quan Đạo lễ dẫn Tiết Chế phủ đứng ở phía Đông sân rồng (hơi về hướng Bắc), Ban Tế tự dẫn các quan đại thần đầu ban và các quan văn võ vào sắp hàng đứng hai bên Đông Tây sân rồng. Các quan Thừa ty và các quan Triều yết chia đứng ở ngoài cửa Đoan Môn 端門. Vua lên ngai. Giáo Phường ty tấu khúc nhạc Văn Quang (nhạc nổi). Dứt tiếng chuông vút roi (nhạc nghỉ), Tư Thần lang báo trời sáng xong thì Thông tán xướng: “Bài ban”. Quan Đạo lễ dẫn Tiết Chế phủ đến bái. Quan Đạo lễ lui ra chỗ đứng trước. Thông tán xướng: “Ban tề”. Lại xướng: “Cúc cung bái (nhạc nổi), hưng (4 lần), bình thân” (nhạc nghỉ). Quan Điển Nghi xướng: “Tiến biểu” (nhạc lại nổi). Hai viên Khoa quan dẫn bốn viên quan ở ban Tế tự rước án biểu, có tán vàng che, từ bên đông sân rồng đem đặt ở giữa ngự đạo. Các Khoa quan và Tự ban lui ra chia đứng hai bên Đông Tây. Quan Dẫn tán xướng: “Tuyên biểu mục”. Quan Tuyên biểu mục vào giữa ngự đạo quỳ tâu bài biểu mừng2. Tâu xong, lạy xuống, đứng dậy, lùi ra chỗ đứng trước. Dẫn tán xướng: “Bách quan giai quỵ” (trăm quan đều quỳ xuống). Quan Triển biểu phó lấy tờ biểu phó của các quan triều thần trao cho quan Tuyên biểu, đọc xong, trao lại cho quan Triển biểu phó đem để lên án. Quan Triển biểu lui ra chỗ đứng trước. Thông tán xướng: “Phủ phục, hưng, bình thân”. Các khoa quan dẫn ban Tế tự nhắc cái án biểu lại đặt ở bên đông ngự đạo. Quan Đại Trí Từ tâu: “Khâm sai tiết chế thủy bộ chư doanh tên là… cùng công hầu bá và các quan văn võ vâng chỉ của chúa kính cẩn dâng lời: nay gặp tiết Chính Nguyên đán, chúng thần kính nghĩ rằng Hoàng đế bệ hạ vâng chịu mệnh trời, sáng cầm nghiệp lớn, gặp ngày Chính đán, thêm hưởng phúc lành, chúng thần khôn xiết vui mừng chúc tụng, kính chúc nhà vua sống lâu muôn năm”. Tâu xong, lạy xuống, đứng dậy. Quan Truyền chế đến quỳ ở giữa ngự đạo nói: “Tấu truyền chế”, lạy xuống, vẫn quỳ. Quan Tư lễ giám bưng tờ chế trao cho quan Truyền chế, viên này đi ra đứng dựa về phía đông, hướng sang phía tây, nói lên rằng: “Hữu chế” (có bản chế). Thông tán xướng: “Bách quan giai quỵ”. Quan Truyền chế đọc bản Chế. Đọc xong, lại mang tờ chế đến giữa ngự đạo, quỳ xuống dâng lên. Quan Tư Lễ giám nhận lấy, quan Truyền chế đứng dậy, lui ra chỗ đứng trước. Thông tán xướng: “Phủ phục, hưng, bình thân, cúc cung tam vũ đạo”. Lại xướng: “Bách quan giai quỵ, tung hô”. Các quan đều giơ tay ngang trán hô theo “vạn tuế”. Lại xướng: “Tung hô”. Lại hô theo: “vạn tuế”. Lại xướng: “Tung hô”. Lại hô theo: “vạn vạn tuế” (khi hô vạn tuế thì những quân sĩ và phường nhạc đều đồng thanh hô cả). Lại xướng: “Phủ phục, hưng, cúc cung bái (nhạc nổi), hưng (4 lần), bình thân” (nhạc nghỉ). Quan Đạo lễ dẫn Tiết Chế phủ đến bên đông đứng ở vị trí trước.

Thông tán xướng: “Bách quan phân ban thị lập”. Nghi Chế ty đến giữa ngự đạo quỳ: “Tấu lễ tất”. Giáo phường ty và các thự Đồng văn Nhã nhạc tấu khúc Hựu Minh (nhạc nổi). Vút roi. Vua ngự về cung. Quan tư lễ giám bưng tờ biểu đệ tiến vào nội điện (nhạc nghỉ). Tiết Chế phủ về phủ. Các quan thứ tự đi ra. Lễ mừng thọ nhà vua kết thúc (Phan Huy Chú: 1992).

Tiết Chế Phủ lại thân dẫn các thân huân đại thần và các quan văn võ đến bên ngoài cửa Cáp Môn, phẩm phục đại triều, dây thao và mũ, tiến vào bên ngoài phủ đường của chúa Trịnh đứng chực sẵn. Bốn viên Điển giám (dùng khoa quan), hai viên đứng ở hai bên tả hữu trong phủ đường, hai viên đứng hai bên tả hữu ngoài phủ đường. Chúa Trịnh ngự lên long tọa. Tiết Chế Phủ đem các quan văn võ sắp ban từ ngoài phủ đường tiến vào trong phủ đường. Tiết chế phủ lạy mừng, các quan đều theo thứ tự vào lạy mừng, rồi được chúa ban yến. Lại lễ tạ, xong, chúa vào trong cung, Tiết Chế Phủ về phủ. Các quan văn võ lại đến phủ Tiết Chế chào mừng theo như nghi thức. Lễ kết thúc, các quan được trở về nhà riêng ăn Tết.

Lễ hưởng ở miếu điện 廟 殿 享節

Triều Hậu Lê, thờ tất cả các đời vua đều gộp chung vào tòa Thái Miếu tại Thăng Long3, đến cuối triều Hậu Lê có đến 25 vị vua được thờ tại đây. Đời Lê Trung Hưng, dựng thêm tòa điện Chí Kính ở sau Thái Miếu, phía Tây Bắc điện Kính Thiên để thờ tổ tiên 5 đời của nhánh Lê Anh Tông, sau thờ phụ luôn các cung phi, công chúa, và cả 4 vị vua không được thờ tại Thái Miếu (Phan Huy Chú: 1992).

Cũng tại Thăng Long, chúa Trịnh lập tòa Chính Cung Miếu để thờ các vị chúa từ Trịnh Kiểm trở xuống. Đến năm 1782, chúa Trịnh Sâm lấn át mọi quyền hành của vua Lê và âm mưu chiếm đoạt luôn ngôi hoàng đế nên cho đổi tên Chính Cung Miếu thành Thái Miếu (Phan Huy Chú: 1992).

Đầu xuân, vua Lê chúa Trịnh đều đến làm lễ ở miếu tổ và các miếu thờ thần tại kinh đô. Lễ này được gọi là lễ Bảo thần 保神禮(mong thần ban phúc lành), tuy vậy, việc tế cúng không thấy ghi chép cụ thể. Ngoài ra, trong 3 ngày Tết (từ mồng Một đến mồng Ba) đều có cúng tế vật phẩm cho tổ tiên gọi là lễ Hưởng 享節. Triều Hậu Lê 後黎朝quy định lễ tế hưởng ở Thái Miếu 太廟 (thờ các vua Lê) như sau:

c lễ thời tiết: Lễ thờ cúng trong ba ngày Tết, cộng chi 41 quan tiền quý, 375 bát gạo nếp, 45 bát gạo tẻ và dầu, mật, mắm, muối (Theo lệ thì nha môn Hộ bộ lĩnh ở Lễ phiên 禮藩giao cho thái quan làm). Mỗi ngày quan Lễ phiên 禮番 dâng cúng 20 mâm cỗ chín, lấy vào tiền chế lộc mà làm.

c tiết Chính đán 正旦節, Nguyên tiêu 元宵và Thanh minh 清明, mỗi lễ chi 12 quan tiền quý, 50 bát gạo nếp và muối mắm (Nha môn Hộ bộ lĩnh ở quan Lễ phiên 禮 藩 giao cho thái quan làm)”4.

Còn lễ tế hưởng ở điện Chí Kính thì lễ vật được quy định ở mức thấp hơn:

Lễ thời tiết cũng chọn ngày như tế ở Thái miếu. Lễ cúng thờ 3 ngày Tết, cộng chi 37 quan tiền quý, 240 bát gạo nếp, 36 bát gạo tẻ và dầu, mật, muối, mắm.

Lễ các tiết Nguyên đán, Nguyên tiêu Thanh minh, mỗi lễ chi 11 quan tiền quý, 45 bát gạo nếp, 12 bát gạo tẻ và muối mắm”5.

Lễ chúc thọ nhà vua 萬壽節

Đầu xuân còn có lễ rất quan trọng là lễ chúc thọ nhà vua, lễ này được tiến hành sau lễ Bảo thần 保神禮. Theo Lê Quý Đôn, từ năm Quang Thuận thứ 8 (1467), triều Lê quy định dùng ngày 16 tháng Giêng làm ngày cử hành lễ mừng thọ ở điện Cần Chánh và định thành lệ6. Từ đời Lê Trung Hưng trở đi thì lấy ngày 27 tháng Giêng làm ngày tổ chức lễ mừng thọ tại điện Vạn Thọ. Quy trình lễ được thực hiện như sau:

“Trước ngày hành lễ thì dựng đình bằng lá ở chợ huyện, đặt giường ngự. Ngày làm lễ, vệ binh cầm cờ quạt nghi trượng, âm nhạc và khiêng hương án; viên quan giữ nghi lễ khánh hạ bưng cây thiên tuế từ nội điện ra đến đình, đặt lên trên giường, che quạt vả để hộ vệ; thầy cúng quỳ trước hương án khấn khứa cầu đảo, gieo quả xin âm dương. Quẻ gieo được tốt thì hoan hô, quạt vả mở ra, trăm quan đều mặc triều phục, chia ra từng ban đứng ở giữa đường, hướng vào hương án mà lạy, lạy xong thì trở ra đi trước dẫn đường. Viên quan giữ lễ khánh hạ lại bưng cây thiên tuế đi trước hương án, nghi trượng theo sau, vào đến giữa điện trước giường ngự, đi vòng quanh 9 lần, xong rồi kính cẩn đặt cây trước xa giá, thị vệ bưng cây an trí vào trong trướng nhà vua. Nghi lễ xong, vua lên ngự ở điện, bách quan lạy mừng, chia thành hai ban ngồi chầu. Vua ban yến và cho uống hải tửu. Viên quan giữ nghi lễ xướng từng tên người tham dự. Hai ban, mỗi ban cử 1 viên quan tiến vào quỳ đối diện với nhau, viên quan giữ nghi lễ dùng gáo rót rượu đầy chén, đặt lên kỷ, các quan bưng chén rượu, đưa lên ngang trán rồi mới uống, uống xong úp chén lên kỷ, cúi đầu bước ra, lại cùng nhau vào lạy tạ rồi lui ra. Lễ xong. Viên quan giữ nghi lễ được thưởng 5 quan tiền”7.

Nghi lễ chúc thọ chúa Trịnh (gọi là lễ Diên thọ 延壽節) cũng tương tự, nhưng diễn ra sau đó 2 ngày tại phủ chúa.

Lễ tuyên thệ trung thành

Ngoài ra, ở thời Lê, vào đầu mùa xuân còn tổ chức lễ tuyên thệ trung thành của bá quan. Nghi lễ này đã có từ thời Lý - Trần, nhưng thời ấy tổ chức vào ngày 4 tháng Tư8. Đến triều Lê Thái Tông (1434 - 1442), mới quy định dùng ngày 15 tháng Giêng để tổ chức; từ thời Lê Trung Hưng thì quy định lấy ngày mậu của tháng Giêng.

Thời Lê Sơ, ngày này nhà vua ngự ra trường đua xem bách quan tổ chức hội thề tấu cáo trời đất, quỷ thần, núi cao, sông lớn và giết ngựa trắng làm lễ ăn thề. Nội dung thề là “làm tôi trung thành, làm quan thanh liêm” (Phan Huy Chú: 1992). Thời Lê Trung Hưng, lễ thề được tổ chức ở bến sông. Trước ngày làm lễ, các quan trong Lại phiên (cũng như Lại khoa) phải dựng một đàn tế bằng tre, đàn giữa tế trời đất, thứ hai tế liệt thánh đế vương, đàn thứ ba tế các thần núi sông được phong. Sau khi đốt tờ chúc văn, viên quan giám thệ ở đàn chính giữa giết gà, lấy máu hòa với rượu, văn võ bá quan đều tới bản đàn quỳ xuống thề, mỗi đàn đều có quan giám sát. Thề xong, các quan đều tới phủ chúa Trịnh lạy tạ, chúa phụng mệnh truyền cho miễn lễ. Còn tại điện Kính Thiên, lầu Kính Thiên9 và Cung Miếu (miếu thờ tổ của họ Trịnh) đều đặt hương án để thuộc lại và quân dân hội thề. Ở ba ty tại các xứ thì Lại điển (viên chức lo hành chính ở địa phương) và quân dân hội thề tại các trấn sở, có quan giám sát việc thề10.

Hot động du xuân. Hoạt động du xuân vốn được xem là phong tục truyền thống. Vua Lê, chúa Trịnh đều có hoạt động du xuân sau ngày mồng Một, chủ yếu là đến các đền chùa lễ bái. Tuy nhiên, việc du xuân cũng không ghi thành điển lễ.

*

Gần giống với triều Lê, Tết trong cung điện triều Nguyễn cũng nặng về nghi lễ hơn là phần hội hè. Nghi lễ của triều Nguyễn cũng gồm 2 phần, trước và sau Tết, các nghi lễ đều được quy định rất chặt chẽ về trình tự. Sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (gọi tắt là Hội điển) còn quy định chi tiết về nghi thức, áo mũ của những người tham dự lễ, lỗ bộ nghi trượng xếp đặt ra sao, các vật phẩm đồ dùng trong buổi lễ...

c nghi lễ trong và sau Tết

Lễ mừng nhà vua

Đây là nghi lễ quan trọng nhất trong dịp Tết ở chốn cung đình. Không gian tổ chức nghi lễ chủ yếu diễn ra ở khu vực từ điện Cần Chánh đến Ngọ Môn, tức khu nghi lễ trong Hoàng cung Huế11. Các nghi thức từ lỗ bộ nghi trượng, cờ quạt, âm nhạc, triều phục đến trình tự tổ chức cũng có thể xem là điển hình nhất.

Lễ mừng Thái hậu

Cũng theo sách Hội điển, nghi lễ mừng Thái hậu của triều Nguyễn trong ngày Tết được thực hiện rất trang trọng do các vua Nguyễn đều đề cao chữ hiếu. Không gian tổ chức chủ yếu diễn ra tại cung Trường Thọ (nay là Diên Thọ cung), nằm ở phía Tây của Hoàng thành. Đây là một khu cung điện khá lớn với khoảng 10 công trình kiến trúc lớn nhỏ nằm trong khuôn viên rộng 2,5ha.

Triều Nguyễn quy định, hàng năm gặp lễ Tết Nguyên đán 元旦節,trước 1 ngày, Bộ Lễ sửa soạn đủ long đình, tàn, lọng, phái 1 viên Lang trung thuộc bộ mặc triều phục đưa hộp tờ mừng đến nhà hành lang bên tả điện Cần Chánh để chuyển báo. Một viên Thái giám mặc mũ áo tiếp nhận bưng dâng trình, đợi vua phê điền xong giao ra, mang đặt lên ngự án trên điện Cần Chánh.

Quan hữu ty hội đồng với viên Thái giám phục trực, đặt 1 chiếc Hoàng án ở phía Nam nơi bảo tọa của Từ cung, đặt chỗ vua vào lạy ở trước Hoàng án, hướng lên phía Bắc, đặt chỗ vua đứng ở gian thứ nhất bên tả hơi lùi xuống phía Nam (đợi bày những hộp tờ mừng, hộp đồ lễ), đặt chỗ vua ngồi ở gian thứ 2 bên tả, hướng về phía Tây, đều chiểu từng khoản bày đặt sẵn đủ. Lại đặt chiếu lạy theo phẩm thứ của các thân công, bách quan, các Tôn tước tam phẩm trở lên cùng ấn quan tứ phẩm ban văn ở tả hữu điện trước, đặt chiếu lạy theo phẩm thứ của văn, võ, tôn tước tứ phẩm trở xuống và ủy viên các địa phương ở tả, hữu trước sân trong cửa cung Trường Thọ.

Đến ngày lễ, trống canh năm, sau khi bắn súng, sẽ đặt đủ nghi giá, lỗ bộ và nhã nhạc trực sẵn. Sáng sớm, thân phiên, hoàng thân, bách quan văn võ và các công tử, ngoài làng họ ngoại đều mặc triều phục trực đợi ở tả, hữu đường, 1 viên lang trung Bộ Lễ, 1 viên thị vệ hiệp lĩnh đều mặc triều phục đem long đình, tàn lọng đưa hộp Kim tiên, hộp mừng đến Từ cung, chuyển giao viên Thái giám tiếp nhận bưng, để lên trên chiếc hoàng án đã đặt sẵn, rồi lui ra. Bộ Lễ giữ tâu lên, vua đội mũ cửu long, mặc hoàng bào đai ngọc, cầm ngọc khuê, từ Đại Nội đi sang Từ cung.

Thái giám chuyển báo, biền binh bày hàng nghi giá, lỗ bộ và nhã nhạc ở tả hữu trước điện.

Lại lĩnh chỉ tuyên triệu thân phiên, hoàng thân, văn võ tam phẩm và ban văn ấn quan tứ phẩm trở lên cùng những viên Tán xướng ở ty Bộ Lễ đều đến, chiểu theo ban đứng đợi. Văn, võ tứ phẩm trở xuống và ủy viên các địa phương đều chia 2 bên tả hữu, đứng trực đợi trước sân trong cửa Từ cung. Vua vào đứng tại chỗ, Thái giám gửi tâu vào, Hoàng thái hậu mặc ngự phục lên bảo tọa.

Xướng: “Bài ban”, nhạc nổi lên.
Xướng: “Tấu: xin đến chỗ lạy”.
Xướng: “Bái, Hưng” đều 5 lần. Nhạc ngừng tiến.
Xướng: “Tấu, xin làm lễ Khánh hạ”. Nhạc nổi.
Xướng: “Tấu, xin quì xuống”, “Bách quan đều quì”.
Xướng: “Tấu, dâng tờ mừng”. Một hoàng thân Công bưng hộp tờ mừng đưa dâng. Vua tiếp nhận đưa lên ngang trán rồi chuyển trao cho hoàng thân Công đã bưng đó đỡ bưng lấy, đứng lên. Một hoàng thân Công đồng thời bưng hộp đồ lễ đi theo, đưa dâng lên đặt ở án vàng ở gian chính giữa, rồi lui ra.

Xướng: “Tấu, xin phủ phục, Hưng”.
Xướng: “Tâu, Bái, Hưng...” đều 5 lần.
Xướng: “Tâu, lễ Khánh hạ làm xong”. Vua về chỗ đứng.
Xướng: “Phân ban”. Nhạc ngừng tiếng. Thái giám dẫn hoàng đệ nhỏ tuổi, Bộ Lễ dẫn các công tử đến trước điện. Lại dẫn những người làng họ ngoại đến trước sân, đều làm lễ 5 lạy xong, lui ra.

Thái giám bỏ mành mành và màn che xuống. Các cung tần, các công chúa, công nữ, các phủ thiếp và các mệnh phụ văn, võ đều mặc mũ áo đi tới bên hữu trong điện trước, theo thứ tự làm lễ “túc bái” (kiểu lạy ngồi của phụ nữ) xong, đều lui ra. Vua ngự về cung. Lễ kết thúc.

Ngoài các lễ mừng quan trọng đối với Hoàng đế và Hoàng thái hậu nói trên, triều Nguyễn còn quy định lễ mừng đối với Hoàng quý phi 皇 貴 妃 và Hoàng thái tử.

- Lễ mừng Hoàng thái phi (vương hậu) diễn ra tại điện Khôn Đức thuộc cung Khôn Đức (sau đổi thành Khôn Thái cung). Từ năm Gia Long thứ 2 (1803), triều Nguyễn đã quy định, hàng năm gặp Tết mừng vương hậu trong dịp Nguyên đán, bách quan văn võ trong ngoài kinh và các tỉnh và các trang ở huyện Tống Sơn, họ Lê, họ Trịnh đều dâng lễ trầu cau, đến ngày Tết thì dâng đủ bản kê đồ lễ, tờ mừng để làm lễ khánh hạ.

- Lễ mừng Hoàng thái tử diễn ra ở Thanh Cung (điện Thanh Hòa). Năm Gia Long thứ 7 (1808), triều Nguyễn có lệ định, vào lễ mừng Tết Nguyên đán Hoàng thái tử, phủ Tôn Nhân, cung tần, ban văn võ các thành, doanh, trấn kính dâng lễ trầu cau. Đến ngày Tết đều phải dâng đủ tờ mừng, bản kê lễ vật để làm lễ khánh hạ.

Sau các lễ mừng của ngày mồng Một, ngày mồng 2, nhà vua cùng thân công vào bái lạy tại điện Phụng Tiên (miếu riêng của hoàng gia, nơi thờ tất cả các vua Nguyễn đời trước); ngày mồng 3 thì vua và bách quan đều đi thăm thầy dạy, sư trưởng của mình; ngày mồng 5 đi du xuân, thăm viếng lăng tẩm, chùa đền bên ngoài Kinh thành; ngày mồng 7 làm lễ Khai hạ (bỏ nêu), ngày này các viên quan giữ ấn tín làm lễ mở niêm các hòm ấn tượng trưng năm làm việc mới bắt đầu.

Du xuân 遊 春

Việc du xuân đầu năm mới vốn là truyền thống của người Việt. Thường thì các vua Nguyễn bắt đầu du xuân từ ngày 5/1 âm lịch. Tuy nhiên, việc này không ghi thành điển lễ. Chỉ từ triều Đồng Khánh về sau, các vua nhà Nguyễn mới có lệ “du xuân” ngay trong ngày mồng Một Tết.

Triều vua Đồng Khánh, sau lễ khánh hạ ở điện Thái Hòa và điện Cần Chánh, đúng vào giờ tốt trong ngày (đã được Khâm Thiên Giám xem quẻ chọn giờ trước), nhà vua lên kiệu cho quân lính cáng đi. Các quan văn, võ cùng một số lính tráng mang gươm giáo, cờ quạt theo sau hộ giá. Cứ vậy, vua được cáng đi một vòng quanh kinh thành và một vài nơi vua thích để vừa du xuân lại vừa xem dân tình ăn Tết ra sao.

i lời kết luận

Trong chốn cung điện, từ thời Lý - Trần đến đời Nguyễn, các hoạt động nghi lễ đón Tết cũng có những khác biệt: Thời Lý Trần, Tết trong cung điện còn ảnh hưởng nhiều của Phật giáo, nhưng bản sắc dân tộc còn đậm đà, phần hội hè vui chơi chiếm chủ yếu, các nghi lễ ít hơn; từ thời Lê đến thời Nguyễn, càng về sau, do ảnh hưởng của Nho giáo ngày càng sâu sắc hơn nên các hoạt động nghi lễ đón Tết càng trở thành điển lễ, nặng về lễ hơn là hội, khoảng cách giữa cung điện và dân gian ngày càng lớn.

Các nghi lễ đón Tết trong chốn cung điện, nếu xét về nội dung và mục đích thì có thể chia làm mấy loại: Tôn vinh triều đại, tôn vinh nhà vua; đón mừng năm mới; cầu mong quốc thái dân an và tưởng nhớ tổ tiên. Các triều đại từ Hậu Lê về sau, do ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo nên các nghi thức ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn, mang tính chất của các quốc lễ.

Hoạt động đón Tết trong cung điện của các triều đại Việt Nam dù ở triều đại nào cũng đều thể hiện rõ truyền thống văn hóa của người Việt, nhất là truyền thống xem trọng tổ tiên, đặc biệt là ở thời Nguyễn, các nghi lễ đối với tổ tiên trong ngày Tết được tiến hành rất trang trọng và chiếm phần rất lớn trong các nghi lễ nói chung.

Tết Nguyên đán trong cung điện gắn liền với các nghi lễ cung đình là một phần rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người xưa, tuy nhiên, tại Việt Nam nó lại chưa được nghiên cứu nhiều. Có thể nói đây là một “khoảng trắng” về lịch sử văn hóa Việt Nam mà giới nghiên cứu cần tìm cách khắc phục.

P.T.H
(TCSH420/02-2024)

---------------------
1 Kinh đô Thăng Long thời Lý gồm có Kinh thành, Hoàng thành cùng các trại. Thăng Long có nhiều vòng thành, ngoài cùng là La thành, vừa phòng ngự vừa chống lũ lụt, dài 30 dặm. Trong khu vực này có nhiều phường, phố chợ, các cơ sở sản xuất thủ công... tất cả gồm 61 phường.

Hoàng thành (Long Phượng Thành có vòng tường bằng gạch bao bọc, trong lại có Cấm thành, nơi dành cho nhà vua và gia đình ăn ở sinh hoạt. Hoàng thành có 4 cửa: phía Đông là cửa Tường Phù, phía Tây là cửa Quảng Phúc, phía Nam là cửa Đại Hưng và phía Bắc là cửa Diệu Đức. Ba lớp thành bao bọc lẫn nhau, tăng cường khả năng phòng thủ (Đại Việt Sử Ký toàn thư: 1993).

Triều Trần kế tục triều Lý vẫn duy trì cấu trúc cũ với 3 lớp thành như trên với 61 phường, 4 chợ cửa thành và 13 trại, nhưng có cho đắp thêm La thành (hay Đại La thành) và Kinh thành (Đại Việt Sử Ký toàn thư: 1993).

2 Nội dung bài này như sau: “đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Lại bộ thượng thư, v.v… chúng thần là… kính cẩn tâu lên: nay gặp tiết chính Nguyên đán, xin dâng biểu chúc mừng của công hầu bá và thần liêu văn võ cùng nha môn Đô Thừa Hiến các xứ trong nước, cộng 12 đạo, công hầu bá và thần liêu văn võ 1 đạo, nha môn Đô Thừa Hiến các xứ Thanh Hoa, Nghệ An, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Thái Nguyên, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Yên Quảng, 11 đạo”.

3 Thái Miếu được dựng năm 1437 tại Thăng Long. Năm 1448, triều Lê cho dựng thêm miếu điện để thờ tại Lam Kinh - Thanh Hóa, quê hương của họ Lê.

4 Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Lễ nghi chí - Nghi thức tế lễ bốn mùa, Bản dịch của Nguyễn Thọ Dực, Tủ sách cổ văn - Ủy ban dịch thuật, Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa. Sài Gòn, 1972; tr 45.

5 Phan Huy Chú, sđd, tr 45.

6 Lê Quý Đôn, (1962), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb. Sử học, Hà Nội, tr 79.

7 Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, sđd, tr. 79-80.

8 Đại Việt sử ký toàn thư, quyển V, tờ 4a-4b.

9 Lầu Kính Thiên ở phía hữu bên trong phủ chúa Trịnh, mỗi năm gặp dịp lễ đầu năm hoặc cầu đảo bái tạ thì nhà chúa đều thực hiện tại đây (Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, sđd, tr. 70).

10 Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, sđd, tr. 78.

11 Hoàng cung Huế được chia thành nhiều phân khu với chức năng riêng, khu nghi lễ kéo dài từ cửa Ngọ Môn đến điện Cần Chánh. Chức năng của khu vực này khá giống khu “Tiền tam đại điện” ở cung điện Bắc Kinh thời Minh Thanh (Beijing royal palace in Ming Qing dynasties). Trong khu vực này, Ngọ Môn là cửa chính của Hoàng thành, dưới là nền đài bình diện hình chữ U, trên có 2 tầng kiến trúc gỗ gọi là lầu Ngũ Phụng, diện tích mặt nền 1500m2. Điện Thái Hòa là ngôi điện chính, kiến trúc kiểu nhà kép, mặt nền rộng 1306m2. Điện Cần Chánh là điện chính của cung Càn Thành, hình thức khá giống điện Thái Hòa, nhưng nhỏ hơn đôi chút, diện tích mặt nền khoảng 1000m2 (Phan Thanh Hải: 2003).

 

Tài liệu tham khảo:

- Đại Việt sử ký toàn thư (1993), Nội Các quan bản ấn hành (1697). Bản dịch của Hoàng Văn Lâu - Ngô Thế Long. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

- Nguyễn Đình Toàn (2002), Kiến trúc Việt Nam qua các triều đại. Nxb. Xây dựng, Hà Nội.

- Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (1972), phần Lễ nghi chí và Dư địa chí. Bản dịch của Nguyễn Thọ Dực, Tủ sách cổ văn - Ủy ban dịch thuật, Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa. Sài Gòn, 1972.

- Quốc sử quán triều Nguyễn (1978), Đại Nam nhất thống chí. Bản dịch của Viện Sử học. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

- Quốc sử quán triều Nguyễn (1957-1960), Việt Sử thông giám cương mục. Bản dịch của Viện Sử học, 20 tập. Nxb. Văn Sử Địa (tập 1- tập 15) và Nxb. Sử học (tập 16- tập 20).

- Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, phần Bộ Lễ, quyển 69-136, bản in khắc ván năm Khải Định thứ 2 (1917).

- Phan Khoang (1967), Lễ Tiến xuân, Nghênh xuân dưới triều Nguyễn, Tập san Sử Địa, số 5.

- Lê Quý Đôn (1962), Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb. Sử học, Hà Nội.

- Đỗ Bằng Đoàn - Đỗ Trọng Huề (1992), Những đại lễ và vũ khúc cung đình Việt Nam. Nxb. Văn hóa, Hà Nội.

 

 

Các bài mới
A Roàng mãi xanh (08/03/2024)
Xuân đầy (04/03/2024)
Các bài đã đăng