Tạp chí Sông Hương - Số 57 (T.09&10-1993)
Đặng Huy Trứ - nhà văn hiện thực giữa thế kỷ XIX
09:49 | 02/04/2024

TRẦN ĐẠI VINH

Sinh ra và trưởng thành trong một gia đình có truyền thống đạo đức ở vùng nông thôn Thừa Thiên - Huế, bác là một viên quan nhân chính, cha là thầy đồ, Đặng Huy Trứ đã hấp thụ một nền giáo dục nghiêm cẩn: thân dân và ái nhân.

Đặng Huy Trứ - nhà văn hiện thực giữa thế kỷ XIX
Chân dung Đặng Huy Trứ ở Quảng Đông năm 1865 - Ảnh: wikipedia

Cuộc sống ở một làng quê ven sông Bồ, chuyên nghề nông cũng giúp cho ông hiểu sâu đời sống mộc mạc nghèo khó của dân quê. Tấm lòng hồn nhiên, trong sáng của một thiếu niên giàu nhiệt tình lại càng làm cho ông quan tâm đến cuộc sống chung quanh. Sau 5 năm học tập, năm 15 tuổi, Đặng Huy Trứ đã viết những bài thơ đầu đời, khởi đầu cho một xu hướng hiện thực trong thơ văn ông.

Những bài: "Thấy ông lão bán than", "Lên núi làm đùa thành thơ" vừa có cái nhìn sắc sảo, vừa có tấm lòng rộng mở trước thiên nhiên và cuộc đời.

Tóc trắng dầy trong khăn,
Vàng đen đè trĩu lưng,
Ch vì sinh kế quẫn,
Nhọc nhằn quên tháng năm.
          (Khương Hữu Dụng dịch thơ)

Sắc màu của mưa xuân cũng được mô tả tường tận với chi tiết cụ thể:

Màu xanh nhỏ giọt trong mưa giữa từng không.
Sắc biếc tô lên tấm màn vây bốn phía
          (Lên núi đùa làm thành thơ)

Ba năm sau, vừa 18 tuổi, càng chuẩn bị thi hương, cậu bé thần đồng lại càng ham thích đề vịnh. Và không phải là những đề tài quen thuộc trong khoa cử, mà lại là những đề tài tạp vịnh chung quanh cuộc sống làng quê.

Bài thơ "ánh sáng ban mai trên đồng" ghi nhận cảnh sống tất bật của nông dân từ tinh sương của ngày mùa, với những chi tiết chân thực:

Giờ dần đã tính kế sinh nhai,
Ăn vội cơm đèn bữa sớm mai.
Đồng áng vào mùa bề bộn quá,
Mặt trời chưa mọc kéo ra rồi.
Thợ cày thoáng nhận nhau qua bóng,
Cơm trắng còn vương dính ở môi...
          (Khương Hữu Dụng dịch thơ)

Và cả một loạt đề tài, Trời tạnh mò hến, múc nước tưới rau, Ông già bện tre, Thợ cày vực nghé, Hàn nho bán chữ, Thả lợn vào chuồng, Hàng rong chạy chợ, Bà vú nuôi trẻ, Mùa lụt đánh cá v.v... đã tiêu biểu cho một bức tranh nông thôn khá toàn diện.

Điều đó chứng tỏ Đặng Huy Trứ là một nhà thơ của làng quê miền Trung, trong chặng sáng tác đầu tiên của đời thơ ông.

Đây là hình ảnh guồng xe nước của những làng bán sơn địa miền Trung:

Gỗ tròn làm trục, ống tre dong,
Chống hạn guồng này vượt hóa công.
Đấy xuống đây lên rồng nhả nước,
Trước đun sau đẩy h gây dông
Chung tay cả xóm người ra sức
Tuôn nước đầy mương, hạn chớ hòng.
Lúa má từ nay xanh trở lại,
Ôm vò, náo nức tiếng gieo mừng.
          (Khương Hữu Dụng dịch thơ)

Còn có vô vàn cảnh sinh hoạt phồn tạp, eo sèo của làng quê: Cảnh mở cửa rừng vào đầu xuân của quê hương Hiền Sĩ, cảnh gánh đám tang, cảnh giục mỏ cứu hỏa, và cả cảnh gọi hồn của mụ phù thủy.

Thổ sản của vùng đất Thừa Thiên được sống mãi trong thơ Đặng Huy Trứ: Gạo de An Cựu, An Xuân nuôi vịt, Giọng hò trên sông, cũng như tiếng chuông chùa của một vùng quê tín mộ.

Không chỉ là một nhà thơ làng cảnh miền Trung, Đặng Huy Trứ còn chan chứa, dào dạt tình quê. Tình cảm đó làm cho nhà thơ quan tâm chia sớt niềm vui, nỗi buồn, sự âu lo và cả cảnh đời tất bật, nghèo khó của nhân dân. Cấu kết trong những bài thơ trên bao giờ cũng đọng lại những xúc động bùi ngùi của một tâm hồn thi nhân gắn bó với dân nghèo.

Cuộc sống vật chất của gia đình, những sự biến của gia cảnh ông vẫn không cách biệt với cảnh đời ngắc ngoải của người dân, là một trong những yếu tố: Đồng cảnh tương lân.

Chịu sao nổi cảnh ốm nghèo quanh,
Con chết non, tin bác chẳng lành.
Đứt ruột quan san đau mấy dặm,
Kinh hồn mưa gió khóc năm canh.
Nhà đang dớp qua hồi đa sự,
Chồng chả ra chi gã bạc tình.
Nước mắt đôi dòng thư nửa bức,
Khuê phòng ai đó biết cho mình.
          (Gửi vợ - Khương Hữu Dụng dịch thơ)

Tình quê đó cũng là tình hoài vọng về sông Hương núi Ngự, trong những bước xa cách. Bài thơ "Thấy trăng nhớ quê" đã gởi hồn thi nhân từ sông Cẩm Lệ, Quảng Nam về với dòng Hương:

Yêu mấy đêm nay nguyệt đẫy đà,
Quê người thưởng nguyệt nh quê ta.
Cẩm giang mời khách soi vầng ngọc,
Hương Thủy vì ai rọi bóng nga?...
          (Khương Hữu Dụng dịch thơ)

Cũng như trong bước đường công vụ sau này, ông còn gắn bó với bao chốn quê hương: Quảng Nam, Thanh Hóa, Nam Định, Hưng Yên, Hải Phòng và cả vùng biên giới Việt Bắc.

Và cũng vì thế mà Đặng Huy Trứ, từ một nhà văn nhà thơ của làng cảnh miền Trung đã trở thành một nhà văn nhà thơ của làng cảnh Việt Nam giữa thế kỷ XIX, một trong những yếu tố khẳng định Đặng Huy Trứ, nhà văn hiện thực.

Xuất phát từ tình yêu quê hương, khi trưởng thành bước vào đời công bộc, Đặng Huy Trứ đã nảy nở một tình yêu nước sâu nặng. Tình cảm đó càng thắm thiết khi đất nước đang lâm vào cảnh dầu sôi lửa bỏng.

Nhân chuyến công cán đi khám thuyền năm 1856, qua Đà Nẵng, chỉ 2 tháng sau ngày quân Pháp bắn phá cửa Hàn, Đặng Huy Trứ đã xót xa tình cảnh quân dân:

Cuối tiết tàn thu cơn lũ lụt,
Muôn nhà thiếu bữa cnh thê lương
Diệt thù, sương gió thương quân sĩ.
Lo nước, đêm ngày bận đế vương.
Ăn lộc ví cùng lo việc nước,
Tính sao: hòa, chiến, giữ hay nhường?
          (Đi quân thứ Đà Nẵng, ghi lại. Trần Lê Văn dịch thơ).

Tấm lòng thương dân đói khổ và trách nhiệm của kẻ làm quan theo truyền thống nhân chính đã đặt cho Đặng Huy Trứ nhiều suy ngẫm. Ông không hề ảo tưởng xa vời, mà đã trực tiếp đối diện với nhu cầu cấp thiết nhất của dân nghèo: cái ăn.

Ăn bám, xưa coi nhục,
Đủ ăn, dân mi nhàn.
Dân miếng ăn chẳng có,
Ta ngồi ăn sao đang!
          (Miếng ăn gian nan - Vũ Đình Liên dịch thơ)

Đối lập bữa cơm rau của người dân với bữa cơm thịt cá của vua quan, Đặng Huy Trứ đã ray rứt, ông cũng nêu lên một mặt đối lập, giữa cảnh ruộng đồng xơ xác và công trạng thúc thuế của quan viên. Bưng chén cơm, ông đã từng trăn trở về một đối lập trớ trêu:

Chỉ cày sách, mặc gió sương,
Chỉ cấy chữ, chẳng lo lường nắng mưa
Máu m dân, dư thừa bổng lộc,
Của ci dân, đầy ắp bụng này!
Thấy chăng chồng cấy vợ cày,
"Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn vàn"
          (Trước bát cơm - theo Trần Lê Văn)

Những ngày làm một chức thuộc quan ở Thanh Hóa, trải qua các phủ huyện: Hà Trung, Quảng Hóa, Quảng Xương, ông đã bao phen lao tâm khổ trí với việc an sinh cho quần chúng, từ việc lập kho nghĩa thương, lặn lội thăm đồng, lo toan đê điều lũ lụt, nạn giết thịt trâu bò đến việc phòng thủ duyên hải...

Từng mảng công việc cụ thể của một ông quan phủ huyện cần mẫn hết lòng vì dân được tái hiện cụ thể trong thơ ông. Đây là cảnh "Thử súng đại bác ở cửa Triều":

Bin thẳm sông dài cuồn cuộn trôi,
Trời bày thế hiểm tự muôn đời.
Kết vòm bè nổi hàng bia ngắm.
Vút ngọn đài cao sóng nưc soi.
Pháo nổ sấm ran ngàn dặm gió,
Đạn bay khói ta vạn tầm khơi.
Chỉ chờ thiêu xác quân Tây hết.
Từ đó Kình nghê sẽ bặt hơi.
          (Khương Hữu Dụng dịch thơ)

Ngay cả trong bài văn tế "Cầu mưa" dâng lên thần linh, chỉ trong một đoạn mở đầu, Đặng Huy Trứ đã tái hiện cảnh sống đầy lo toan của người dân với bao trách nhiệm: làm cha, làm con, làm tôi, làm dân, bộc lộ tường tận cảnh đời eo sèo của nông dân Việt Nam trong một giai đoạn nửa hòa bình, nửa chiến tranh:

"Thứ mà dân nhờ để sống là thóc, vật nhờ để tốt tươi là mưa. Mưa không xuống, lúa không lên thì ức triệu sinh linh lấy gì nuôi vợ con, lấy gì phụng dưỡng cha mẹ, lấy gì làm xôi oản, lấy gì cất rượu cúng, lấy gì nuôi người sống, lấy gì đưa người chết, lấy gì mà nộp tô, lấy gì mà đóng thuế? Binh dịch thúc phía trước, đê điều ép đằng sau mà tiền xanh không có nửa đồng, gạo đỏ không một hạt. Kẻ ác tụ tập nơi rú rậm làm trộm cướp, người lành bỏ mồ mả cha ông, xa lìa thân thích. Dân này mắc tội gì, sao khổ đến thế!" (trích bản dịch)

Cho đến cảnh nghèo xác của mình, là một viên tri huyện bị phạt cắt một năm lương phải thiếu đói cũng được bộc lộ cụ thể. Nhà thơ đã xót xa cho chính mình, lại càng xót xa cho nhân dân (bài thơ: "Vay trước ít gạo").

Vượt lên trên nghịch cảnh, tấm lòng ông vẫn trong sáng như băng trong hồ ngọc. Người cầu cạnh đến nhà riêng, đều bị xua đuổi (bài tịch tứ yết). Bạn thân tình đến lỵ sở, cũng chỉ gắng thết bữa cơm thanh đạm:

Giá trong hồ ngọc, quan nghèo xác,
Vàng sạch đầu giường bạn đến chơi.
Cơm chỉ rau dưa, canh chủ chốt,
Nhắm bằng tôm cá, rượu khuyên mời...
          (Sảnh ngụ đối khách - Khương Hữu Dụng dịch)

Với tinh thần trách nhiệm trước dân, Đặng Huy Trứ đã lật rõ bộ mặt giả dối của một số người đội lốt tu hành, bưng thúng cầm gậy đi phổ khuyến thập phương. Bài thơ cổ phong trường thiên 86 vế: "Giữa đường gặp kẻ khuyến giáo" đã vạch trần chân tướng của những kẻ cơ hội này, từ ngôn ngữ, hành vi đến đạo lý. Đó là một bức biếm hoạ đậm đà tính hiện thực về một cảnh khuyến giáo nhan nhản đương thời. Đó cũng là một tuyên ngôn bảo vệ đường lối tu hành chân chính của đạo giác ngộ.

Từ năm 1861, Đặng Huy Trứ trở về kinh làm quan ngự sử. Ở giữa kinh đô, ông đã không còn trực diện nhìn thấy cảnh sống của người dân nơi thôn cùng xóm vắng, mà chỉ ghi nhận được qua văn thư gửi về triều đình chồng chất. Lúc này, với ý thức về gánh nặng của quan ngự sử, ngòi bút của ông phải càng thận trọng.

Bài thơ: "Tặng anh Thiếu văn, nhân được biếu bút lan trúc" khẳng định sự lựa chọn xu hướng hiện thực và nhân đạo của nhà văn:

Văn chương việc trọng dám khoe đâu,
Ngọn bút anh cho hiểu ý sâu
Mưa tưới dòng Tương, rau nưc Sở,
Không dưng trên giấy ý thu sầu.

Qua đó, ông quan niệm nội dung văn chương cần thể hiện là cảnh đời cơ cực của người dân đen, nỗi đau lòng vì chinh phụ trong chiến tranh, qua biểu tượng "rau kẻ nghèo trên đồng ruộng nước Sở, và giọt mưa rơi trên sông Tương".

Trong tình thế bức bách của đất nước, ông cũng tỏ bày sự chán chường những đề tài vịnh cảnh suông, mà chỉ ước ao có tài đuổi giặc, với một mối hùng tâm khẳng khái:

Chiếu vàng, sắc tía tng trao đổi,
Trăng nhạt, sao thưa ngán phẩm đề.
Những thẹn không tài câu đuổi giặc
Hùng tâm khẳng khái tiếng gà khuya.
          (Trực ở nội các, đòi thơ bạn. Bùi Hạnh Cận dịch)

Cuối xuân năm giáp tý 1864, Quảng Nam bị nạn đói hoành hành, sĩ phu trong tỉnh, đã cử người về kinh đưa đơn đến tham tri bộ lại Phạm Phú Thứ, khẩn cầu cử Đặng Huy Trứ hay Nguyễn Văn Tường vào làm quan Bố chính để cứu dân. Triều đình tức tốc cử Đặng Huy Trứ, giữa trưa nhận công văn, xế chiều lên đường ngay. Mới tới lỵ sở, nắm qua tình hình, ông đã xin thay tri phủ Điện Bàn, tri huyện Quế Sơn, và dốc sức chăm lo cứu trợ dân đói.

Những bài thơ " "Cho cháo" dân đói chạy đông chạy tây kiếm ăn..." đã mô tả cảnh khốn khổ của dân trước nạn mùa màng thất bát. Đặc biệt là bài văn "Cầu mưa" đã trình hiện cảnh đói khổ một cách sâu sát.

Tai ương dồn dập ập xuống đầu dân đen làm cho ông lo âu trăn trở. 10 bài thơ tự răn càng bộc lộ tấm lòng kiên định vì dân với một quan niệm chính trị phóng khoáng.

Muốn dân được lợi cần quyền biến
Tội vạ riêng mình cũng dám mang.
          (bài thứ 7, Lê Xuân Hòa dịch)

Ông đã lo toan những công việc thiết thực, xin thành lập ty chuyển vận để lúa gạo, hàng hóa được lưu thông, lập nghĩa trang để thu lượm, chôn cất hài cốt người chết đường...

Công việc chưa bao nhiêu, năm 1865 ông lại được chiếu cử đi Hương Cảng thăm dò, xem xét tình hình quốc ngoại. Với một tinh thần phản ánh hiện thực, mấy chục bài thơ sáng tác trong chuyến đi này như là một nhật ký ghi chép điều mắt thấy tai nghe trong một năm ở đất khách.

Trở về 2 năm 1866, 1867 ông phụ trách ty Bình chuẩn ở Hà Nội. Ngoài thơ văn thù đáp các danh sĩ Thăng Long, văn thơ ông hai năm này còn trực tiếp mô tả công việc cụ thể của ty Bình chuẩn, lo thu mua thóc lúa, hàng hoá, trữ vào, bán ra.

Năm 1867, ông được cử đi Quảng Đông công cán. Ngày sắp xuống thuyền cũng là ngày Bắc Bộ bị bão lớn, ông đã dò hỏi tình hình, quan tâm sâu sát, chỉ là vài nét phác thảo trong thơ, nhưng cảnh tiêu điều của dân đã hiển lộ:

Đồng ruộng lúa ngập chìm/ Núi rừng cây gục ngã/ Nước lụt thóc mọc mầm/ Sóng xô nhà đổ ngã/ người làm mồi cho trai/ Của vào đầy bụng cá/ Bờ ruộng dựng cột buồm/ Bến sông xương trắng xoá...! (Trần Lê Văn dịch)

Đến Quảng Đông, nhà thơ lại ngọa bệnh. Những ngày tháng ốm đau trên giường bệnh cô quạnh ở nước người, ông đã trăn trở nhiều điều, nhất là về phương lược tự cường tự trị của đất nước. Áng văn xuôi ghi câu chuyện đối đáp giữa mình và một người khách hiệu Dã trì chủ nhân, nhân vật ấy cũng là sự phân thân của tác giả, đã so sánh đối chiếu cảnh ngộ của mình ở quê nhà và ở đất khách, để giải bày tâm sự và ước vọng của mình, với một bút pháp hiện thực cao.

Cũng trong những ngày tháng nằm bệnh ở quê người, Đặng Huy Trứ đã đọc miệng cho người bạn viết nên bút ký "Đặng Dịch Trai ngôn hành lục", luôn trong 150 ngày, gồm tất cả 53 thiên, với một tinh thần tôn trọng sự thật cuộc đời, hành vi, lời dạy của phụ thân.

Tiếc thay thơ văn những năm tháng chiến trận của ông chưa tìm thấy, làm thiếu mất một mảng hiện thực của cuộc chiến tiểu phỉ gian truân của ông và quan quân trên một vùng mấy tỉnh biên giới Việt - Trung.

Thơ văn ông không phải là thứ phù hoa trang sức cho một đời trí thức quan liêu, mà chính là tim óc, là tâm huyết, là khí lực, là cốt tủy của một người sống chết cho nhân dân, như nhân dân, toàn tâm toàn ý, trọn vẹn cuộc đời lo toan cho dân.

Đó cũng là điều làm sáng tỏ nhân cách vẹn toàn của một Đặng Huy Trứ trên vòm trời Việt Nam thế kỷ XIX.

T.Đ.V
(TCSH57/09&10-1993)

----------------------------
Chú thích: Các đoạn thơ văn trích ở trong bài viết, đều lấy ở "Con người và tác phẩm Đặng Huy Trứ", Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh 1990.

 

 

Các bài mới
Loài hoa trắng (26/06/2024)
Trang thơ Nabokov (14/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)
Các bài đã đăng
Dì tôi (19/03/2024)