HÀO VŨ
Truyện ngắn dự thi 1993
Bệnh án của ông không có gì đặc biệt. Họ và tên: Trần văn Sáu. Tên thường gọi: Sáu Lục. Tuổi: 53. Chức vụ: Giám đốc công ty trồng tràm. Chẩn đoán: Nhức đầu do cao huyết áp.
Đại khái như thế, căn bệnh thường gặp ở những người cao tuổi, lại là ông có “quá trình”, mà chức vụ khiêm tốn như thế, còn vất vả lăn lộn nơi đồng bưng nắng nôi, sình lầy... Người ta thì thầm với nhau, cái chức giám đốc cấp trên giao cho ông như bây giờ là để ông từ chối, đành chấp nhận về hưu non. Ông không có năng lực, ở lại chỉ cản chân người khác, gây khó cho tổ chức. Nhưng đưa ông về hưu thì... khó quá, giá như ông tự làm đơn là chuyện khác. Tổ chức tới gặp ông nói chuyện, động viên này nọ, nói xa, nói gần, rằng ông nên về hưu đi. Ông làm như ngu ngơ không hiểu người nói định nói gì, ông đánh bài lỳ. Không lẽ ra quyết định ép ông, giống như một hình thức kỷ luật ư? Coi sao được. Có lý, còn có tình nữa chớ. Vả chăng ngay người làm công tác tổ chức cũng nghĩ tới tương lai của mình khi ông nói một câu có vẻ bâng quơ:
- Tôi với ông kể ra cũng có nhiều điểm giống nhau, chỉ khác chút xíu là tôi không được ai “đỡ đầu”. Mà người “đỡ đầu” thì đi, ở mấy hồi.
Chẳng biết câu nói ấy tác động tới đâu, và tác động tới những ai, mà sau đó, ông được đưa xuống làm giám đốc công ty trồng tràm. Người ta giao cho ông một công việc theo tính toán là khó khăn với ông nhất, cần cái mà ông đang thiếu nhất: sức khỏe. Ông nhận chức vụ ấy khiến nhiều người ngạc nhiên.
- Sức khỏe anh có chịu nổi với công việc ấy không?
Ông lặng đi một hồi mới trả lời:
- Nổi.
Có lẽ ông biết ý định của cấp trên, và ông chấp nhận cuộc thách thức.
Ông nói thêm:
- Tôi sẽ cố gắng làm tốt nhiệm vụ được cấp trên tin tưởng giao phó. Không một lời phàn nàn, hay thắc mắc.
Nửa năm công tác trôi qua không êm ả.
Gần đây ông nhận ra mình mắc một căn bệnh kỳ lạ, và ông giấu biệt mọi người. Ông sợ hãi căn bệnh đó, càng sợ hãi hơn khi nghĩ rằng vì nó ông sẽ phải về hưu nếu cấp trên biết. Không còn một lý do để từ chối.
Lúc đầu chỉ là một que diêm cháy từ tay một công nhân của ông khi hai người vừa từ trong rừng tràm ra. Mặt mũi, tay chân rướm máu vì cành tràm cào. Họ luồn rừng suốt buổi sáng, lội bộ chớ không có xuồng, để tới đám tràm đang bị sâu phá. Cần xác định đó là giống sâu gì.
Một phương án trị sâu cho cả khu rừng tràm hình thành dần trong đầu ông suốt quãng đường từ rừng ra bờ kinh. Họ tới trạm bảo vệ rừng tràm nơi ngã ba kinh nghỉ ăn trưa, chuẩn bị giang ghe về trạm. Bắt đầu chỉ là một que diêm cháy.
- Chú hút thuốc đi.
Cậu công nhân bật diêm mời ông. Suốt buổi trong rừng hai chú cháu thèm thuốc mà không sao tìm được lửa. Thèm phát điên lên được, mà đành chịu. Giá một que diêm lúc ấy sao mà quý. Lội nước, lạnh ngấm vô, cái thèm thuốc thật không thể chịu nổi. Lội ra ngoài, tới trạm, việc đầu tiên là tìm lửa hút thuốc.
- Chú hút thuốc đi.
Ngọn lửa xòe cháy vàng rực như hoa. Chưa bao giờ ông nhìn thấy một ngọn lửa đẹp như thế, chưa bao giờ. Đôi ba lần ông quên đem theo lửa khi vô rừng, chịu nhịn thèm thuốc, nhưng bữa nay mới có sự lạ này. Ông mê man nhìn ngọn lửa tới quên cả đốt thuốc. Suốt buổi đó ông cứ ngồi một mình đốt hết que diêm này tới que diêm khác nhìn chơi. Một nỗi say mê kỳ dị.
- Chú đốt chi cho hết diêm, diêm này tốt, khỏi thử mà.
- Ừ, đốt coi chơi, cho đã thèm.
Chẳng ai để ý tới chuyện ấy, chính ông cũng không nhận thấy sự khác lạ ấy xảy ra trong ông. Chỉ tới lúc về trại, một căn lán nhỏ nằm ven lộ, con lộ đá đỏ chạy qua khu rừng mênh mông vắng vẻ, xe hơi chạy qua lần nào cũng phải nhận kèn inh ỏi để xua gà, xua chó chạy rông ra đường, về tới đó ông mới nhận ra. Một ý muốn không thể kềm được trong ông, đốt cháy cái chuồng gà của đơn vị, để được ngắm nhìn ngọn lửa. Ông còn đủ tỉnh táo nhìn trước, nhìn sau trước khi châm lửa đốt chuồng gà. Không ai biết việc làm của ông. Ngọn lửa bùng cháy vì cái chuồng gà quá cũ, đã khô nở với thời gian. Một nỗi sung sướng man dại tràn ngập trong ông trước ngọn lửa cháy. Chưa bao giờ ông ở trong trạng thái vui thích như thế. Rồi ông nhận ra những ngày trước đây ông mệt mỏi là do thèm được nhìn ngọn lửa cháy như vầy. Đúng như thế. Ngọn lửa tắt, ông bước vô nhà thấy trong người dễ chịu, thoải mái quá. Ông thấy đói thấy thèm một ly rượu, dấu hiệu cơ thể khỏe khoắn. Rồi ông giật mình nhận ra, có lẽ ông mắc một thứ bệnh kỳ lạ, thích nhìn lửa cháy. Không lẽ lại như thế. Ông thử nhiều lần, nhất là vào lúc cơ thể mệt mỏi không thèm cơm, không thèm thuốc, tới rượu cũng không muốn uống. Chỉ cần nhìn ngọn lửa cháy ở đâu đó, cháy càng lớn càng thích, ông thấy mình khỏe khoắn trở lại.
Không còn nghi ngờ chi nữa, ông mắc bệnh thiệt rồi, một căn bệnh chưa từng có trong y văn thế giới. Và ông ra sức giấu nó, ra sức tự kềm chế mình không nhìn vô ngọn lửa, không tới nơi nào ông biết sẽ có lửa cháy, theo cách của người thèm ăn đồ ngọt cương quyết không ăn đường, ông khổ sở vì căn bệnh của mình. Suốt ngày xung quanh ông có bao nhiêu thứ lửa cháy, chúng cám dỗ ông, mời mọc ông, ông ra sức kềm chế mình để không nhìn chúng, tuy nhiên sự kềm chế không phải lúc nào cũng có hiệu quả.
Từ ngày mắc bệnh ông nhận ra xung quanh mình quá nhiều lửa. Chỗ nào cũng có lửa cháy, chỗ nào cũng có thể bùng cháy. Một que diêm, một chiếc bật lửa, đầu điếu thuốc, ở các nhà bếp, trong mỗi căn nhà hiền lành, càng hiền lành càng có nhiều lửa, lạ như thế. Rồi trong các tiệm quán... Sao người ta xài nhiều lửa quá thế không biết. Nó làm ông khổ. Càng không muốn nhìn chúng, càng muốn trốn chạy chúng, ông càng thấy chúng hiện diện ở khắp nơi, thậm chí ngay cả trong giấc ngủ trưa của ông. Ôi chao, chắc ông phát điên lên vì những ngọn lửa xung quanh ông. Chúng bắt ông phải nhìn chúng, hoan hỉ với chúng, mà ông thì không muốn, ông sợ nỗi say mê man dại ấy của mình. Ông nhắm chặt mắt lại mỗi khi thấy lửa cháy ở đâu đó, ông ra lệnh cấm các nhân viên dưới quyền hút thuốc khi làm việc với ông.
Nhưng ông cũng cảm thấy mọi cố gắng của ông ngày càng trở nên tuyệt vọng.
Rồi khi một đám rừng tràm nhỏ bốc cháy do tàn lửa ở đâu đó theo gió rơi xuống. Đang mùa khô, lá tràm khô mục, những cành tràm khô gãy nằm khắp nơi trong rừng. Lửa bốc cao theo gió, lửa réo phần phật, đỏ gắt như máu. Đội chống cháy rừng chạy ra trước. Anh em xông vào rừng đào mương ngăn cách lửa, thu dọn những cành tràm khô, tạo một khoảng trống bao vây ngọn lửa... Ông chạy theo anh em, và chợt đứng mê man nhìn đám cháy, quên cả việc cứu rừng của mình. Ông cũng quên luôn cả việc kiêng cữ lâu nay của mình, ông quên tất cả, tất cả chỉ còn lại đám cháy rừng rực trước mắt ông, những ngọn lửa uốn éo như một vũ điệu huyền bí và gợi cảm, hơi lửa hầm hập phả ra xung quanh, táp vào da mặt ông...
- Lửa cháy lớn quá.
Ông hít hà sung sướng, mắt long lanh...
- Chú Sáu, chú cứ đứng đó, lửa cháy tới chú bây giờ...
Ai đó trong đám công nhân của ông nhắc, và ông giật mình. Ông nhớ ra chuyện kiêng cữ của mình, chuyện bệnh tật của mình, nhưng đã muộn rồi. Ngọn lửa đốt cháy luôn cả sự kềm chế của ông. Từ giờ phút này ông cho phép mình buông thả...
Thế là bắt đầu những ngày vui vẻ cực độ của ông, sự vui vẻ, dễ chịu cứ làm ông lo lắng khi ngồi một mình suy nghĩ. Ông cho là mình sắp chết, hoặc sắp bị điên. Không một người bình thường nào có sự say mê như ông cả. Sẽ có một ngày nào đó người ta nhốt ông vào thương điên, vào nhà thương điên chớ không phải về hưu như trước. Ông nhắm mắt chờ đợi ngày đó, cũng nhắm mắt thả sức cho niềm say mê man dại trong ông réo gào trước ngọn lửa cháy...
Ông hỏi một bác sĩ:
- Mình có một người bạn hình như mắc bệnh tâm thần, anh ta chỉ thích nhìn lửa cháy. Phải không ông?
- Đúng rồi, triệu chứng của bệnh tâm thần, nên chữa trị ngay trước khi quá muộn.
- Phiền ông cho thằng bạn mình cái toa thuốc, nó ở dưới mút tịt bưng biền, may khi lên được thị trấn chơi như vầy. Mình sẽ mua thuốc giúp nó.
Ông mua thuốc và tự điều trị. Chẳng có kết quả. Có lẽ xin nghỉ tĩnh dưỡng một thời gian, căn bệnh có khi sẽ bớt. Ông nghĩ, nhưng không đủ can đảm báo cáo với cấp trên. Ông sợ mình tạo thêm cớ cho cấp trên buộc ông về hưu. Ông chưa muốn về hưu.
Lại có thêm điều lạ xảy ra trong ông.
Từ ngày ông cho phép mình sống buông thả với lửa, không phải "nhịn thèm" như trước, thì như có đột biến xảy ra trong bộ não của ông, ông nhận thấy mình minh mẫn hơn, sáng suốt hơn, sức khỏe dĩ nhiên là dồi dào hơn. Ông làm việc có năng suất hơn, có những quyết định nhanh chóng và chính xác đến cấp trên của ông cũng không ngờ. Lạ như thế. Một con người khác, một tư duy hoàn toàn khác vừa xuất hiện trong ông. Ai cũng nhận thấy như thế.
- Một sự hồi xuân chăng?
Người ta khen ông, dù không khen trước mặt ông, nhưng ông cũng biết. Ông biết trong các buổi họp kín của cấp trên tên của ông được nhắc tới nhiều nhất với một sự ưu ái đặc biệt.
Chính ông cũng ngạc nhiên về khả năng làm việc của mình. Một loạt phương án công tác được đưa ra, được thực hiện trôi chảy chứng tỏ trình độ tổ chức của ông. Tràm đang được khoán cho từng hộ dân coi sóc, một số lô do chính cán bộ công nhân viên của công ty coi sóc, thu hoạch... Tràm cừ cho công việc xây dựng, tràm gió cho ngành chế biến dược liệu... Rồi công việc quản lý tinh dầu tràm của các hộ tư nhân nấu dầu tràm bằng phương pháp thủ công dọc theo con lộ... Ông lao vào công việc với niềm hưng phấn kỳ lạ, công việc giống như một cỗ máy, chạy ngày càng nhanh và hiệu quả ngày càng cao...
Cấp trên có ý định đề bạt ông ở chức vụ cao hơn. Dĩ nhiên là từ chối như ngày xưa ông từ chối về hưu. Ở cơ quan mới làm sao có nhiều lửa để ông nhìn ngắm như ở đây, nhất là không có những cảnh đốt đồng hùng vĩ dữ dội vào mùa khô để ông thỏa mãn cơn thèm của mình. Không ở đâu có.
Cho tới một ngày...
Đó là một ngày kinh khủng nhất trong đời ông, nhưng cũng là sung sướng nhất trong đời ông. Ông quyết định đốt cánh rừng tràm lớn nhất của công ty, một trong những cánh rừng do công ty trực tiếp bảo quản. Đó là cánh rừng rộng hơn chục hécta, ông và anh em trong đơn vị đã vất vả, cực khổ vì nó, những ngày luồn rừng tìm trị sâu bệnh, da mặt rướm máu vì tràm cào, những con mương đào ngăn cháy rừng, những trưa nắng chang chang bơm nước vào các dòng kinh nhỏ luồn sâu trong lòng rừng.
Ông trở thành nạn nhân của chính mình. Vì những việc làm tích cực và hiệu quả của ông, nạn cháy rừng giảm hẳn đi, rồi biến mất. Ông tích cực cùng với chính quyền sở tại vận động và hướng dẫn bà con nông dân bỏ tập quán đốt đồng, "đất ngún", làm lúa một vụ. Bà con giờ đây đã làm lúa hai vụ, ba vụ, cảnh đốt đồng không còn nữa. Và thế là ông cũng không còn sự sung sướng, nỗi say mê man dại của mình trước cảnh lửa cháy hùng vĩ, dữ dội của những ngày đốt đồng. Không còn. Hoàn toàn không còn. Ông thèm thuồng đến ngơ ngẩn, ông cảm thấy sức khỏe của mình giảm sút rõ rệt. Khả năng về hưu lại chập chờn trước mắt ông.
Chỉ còn cách duy nhất, đốt một cánh rừng, chính cánh rừng lớn nhất, mênh mông nhất, xanh tốt nhất, chỉ còn một năm nữa là thu hoạch. Ông đã quyết định. Chỉ có cánh rừng đó cháy mới lâu, ngọn lửa mới lớn, và sự thèm thuồng của ông mới thật sự được thỏa mãn. Lo gì. Sau khi "đã thèm", ông lại kiến tạo một khu rừng mới, lớn hơn, đẹp hơn, vĩ đại hơn gấp bao nhiêu lần. Khả năng của ông dư sức làm chuyện đó, nhất là khi ông đã được ngắm nhìn lửa cháy... Niềm an ủi này khiến ông không còn vương vấn khi tìm mưu kế đốt rừng.
Ông cũng biết đây là công việc nguy hiểm. Lộ ra ông sẽ bị đi tù, còn đáng sợ hơn cả về hưu. Có khi tử hình nếu người ta tính ra sự thiệt hại tới một mức nào đó. Ông biết tất cả, nghĩ tới tất cả, tất cả chỉ làm ông thận trọng hơn, nghĩ ra những mẹo hay hơn chớ không làm ông dừng tay. Cơn thèm lửa trong ông đã tới cực điểm.
Bây giờ ông đang trước cánh rừng tràm mênh mông xanh tốt, niềm tự hào của cả công ty, của chính cá nhân ông. Đã bao nhiêu lần ông một mình đứng trước nó mà cười một mình, kiêu ngạo nhìn ra xung quanh, đắc ý nghĩ tới những đối thủ chính trị của mình. Để chuẩn bị, trước đó ông đã buông lỏng quản lý, cho cả người lớn và trẻ em tự do vô rừng kiếm mật ong. Mật ong nhiều quá, do trước đây công tác quản lý tốt, ít người tới đây lấy mật ong. Giờ thì thoải mái đến vô chính phủ. Những đám khói đốt đỏ ong uốn éo bay lên như vẽ một vũ điệu đen, báo trước giây phút khoái lạc của ông. Hỡi những nàng tiên khói, hãy múa đi. Vẫn một cảm giác tự hào như cũ khi ông đứng trước đám rừng mênh mông. Ông thấy mình vĩ đại quá. Không có ông, không có tài năng xuất chúng của ông, làm sao có được đám rừng như vầy. Những cơn gió đem theo những tàn lửa từ đâu đó rơi xuống đã được ông tính toán ngăn chặn từ trước. Mùa khô mà tràm lên xanh như mùa mưa. Nhưng nó sẽ cháy rụi, sẽ có những tiếng nổ, tiếng gió gầm gào với hơi lửa hổn hển nóng rực phả ra khắp không gian, với những chùm lửa cháy rực rỡ. Tất cả sẽ cháy rụi. Thật kỳ diệu sức tàn phá của lửa.
Ông âm thầm chờ đợi giờ phút sung sướng cả tháng trời. Nước không được bơm lên các con mương chảy luồn trong rừng với các lý do hết sức hợp lý. Lá khô và những thứ dễ cháy được để đúng vào vị trí, không ai nghi ngờ được, nhưng khi cháy tất cả sẽ bùng lên bao kín khu rừng. Mục đích là không cho một ai nhảy vô rừng để ngăn cách ngọn lửa. Ông còn nghĩ tới cuộc họp kiểm điểm sau đó để tìm thủ phạm gây cháy rừng, thậm chí có thể quy kết ai đó, do vô tình hoặc cố ý để cháy rừng. Tất cả đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo.
Ông hồi hộp chờ đợi ngày đó, giống như chú rể hồi hộp chờ bước vô phòng tân hôn. Giờ phút sung sướng nhất của ông sắp bắt đầu.
Sẽ không còn ai nghi ngờ chuyện đốt rừng để phi tang dấu vết ăn cắp tràm. Khu rừng tới giờ phút chót vẫn được báo cáo là không hề có bất kỳ một dấu vết mất trộm nào, dù chỉ một cây nhỏ. Công ty ông lâu nay vẫn được tiếng là quản lý tốt rừng tràm, không có hiện tượng thất thoát nào như ở một vài công ty khác. Cấp trên đã gởi nhiều giấy khen cho công ty ông vì thành tích này. Tất cả đã được chuẩn bị, để chỉ có một nguyên nhân: tại trời. Có thể ai đó nói tới sự phá hoại của địch. Chắc không có. Trong tư duy đổi mới hiện nay hình như người ta ít nghĩ tới một kẻ địch, như thế có vẻ bảo thủ quá.
Giờ phút của ông sắp tới.
* * *
Cả cánh rừng bốc cháy ngùn ngụt theo đúng kế hoạch của ông.
- Cháy rừng, cháy đám rừng thí điểm của công ty rồi!
- Cứu! Cứu!
Ông la hét cùng với mọi người. Một đội chống cháy được cử ngay xuống. Ông hối hả cùng ra hiện trường với mọi người. Nước được bơm lên các con kinh nhỏ luồn trong rừng tràm, săng dự trữ chiến lược được tung ra. Mọi thứ cuốc xẻng, mọi lực lượng được huy động. Không ai vô được rừng để đào mương ngăn cách lửa. Nước bơm lên các con mương chảy tràn trở lại vì lâu nay mương không được nạo vét. Người ta cho ông biết hơn chục người dân vô rừng kiếm ong mật, trong đó hình như có cả hai đứa bé, đang bị kẹt trong đó. Có thể chính họ là nguyên nhân gây ra cháy rừng.
Lửa vẫn cháy rừng rực.
- Cứu! cứu.
Ông kêu lên như mọi người, và cũng như mọi người ông nhận thấy mọi cố gắng bây giờ là vô nghĩa. Ngọn lửa gào thét trên các ngọn cây tràm, hơi lửa thở hổn hển, hầm hập ra xung quanh. Có tiếng kêu cứu trong đám khói lửa đen ngòm, mù mịt:
- Cứu, cứu chúng tôi!
Có tiếng khóc thét của trẻ con trong đám khói lửa.
- Cứu, cứu những người đi lấy mật!
Ông kêu lên như mọi người và cũng như mọi người ông thấy mọi cố gắng là vô nghĩa. Một cậu thanh niên, rồi hai cậu thanh niên nhảy vô rừng vội ngược trở ra giống như khói và lửa hất các cậu ra chớ không phải họ chạy ra. Cả hai cậu ngã dụi xuống đất, ngay dưới chân những người đứng bên ngoài đang gào thét.
Trong lúc lộn xộn ấy không ai để ý tới ông. Ông len lén tách xa mọi người bỏ ra một nơi riêng biệt, chỉ mình ông biết, ông đi kiếm một chỗ vắng vẻ để thỏa mãn cơn thèm của mình. Ông tới một vuông tràm nhỏ kín đáo còn lên xanh, ông chui vô. Ở trong đó một mình, ông nhảy múa, ông thét gào, ông rên lên ư ử vì sung sướng đến tột độ. Ngọn lửa bốc cháy dội lên những âm thanh ghê rợn, nó làm ông mê mẩn, khoái trá. Ông quay tít người, rung người lên, nắm chặt tay vào một cây tràm rung mạnh. Mồ hôi nhễ nhại, người ông mỏi nhừ, nhưng ông vẫn không kềm nổi cơn sung sướng bệnh hoạn đang dâng ngập trong người. Ông thấy mình hóa thành ngọn lửa, và nhảy múa, và đốt cháy, và phá phách. Cứ thế ông quay cuồng theo nhịp thở hổn hển của ngọn lửa cho tới lúc cơ thể ông không thể chịu đựng nổi nữa. Ông gục xuống mặt đất như một ngọn lửa rụi tắt. Ông ngất đi...
* * *
Đám cháy được dập tắt sau đó mấy ngày, một bãi đất đen ngòm mênh mông trước mặt mọi người. Tuy nhiên mọi chuyện không đến nỗi phức tạp như ông tính toán. Đám cháy rừng nhanh chóng được cho qua sau những thủ tục kiểm tra, kiểm điểm. Một nguyên nhân giản dị, dễ chấp nhận: tai nạn thiên nhiên. Ông thở phào nhẹ nhõm.
Chưa bao giờ ông thấy trong người khỏe khoắn, sung mãn như lúc này. Ông thấy mình minh mẫn và sáng suốt kỳ lạ, muốn làm những công việc thật khó khăn, đòi hỏi trí tuệ lớn. Công ty trồng tràm trở nên quá nhỏ bé đối với ông.
Ông dự định xin chuyển công tác. Ông đã làm đơn, nghĩ thế nào, lại bỏ đi, ông muốn hỏi ý kiến vợ mình trước khi xin chuyển.
Ông nhớ vợ, có lẽ đó là điều quan trọng hơn cả. Cơ thể sung mãn quá. Nỗi nhớ bà vợ già ở nhà chợt quay quắt trong ông. Ừ, đã lâu lắm rồi ông không về thăm nhà, thăm vợ, ông cảm thấy mình có lỗi quá.
Ông quyết định xin nghỉ phép nửa tháng, và nhanh chóng được chấp thuận. Đám cháy rừng không hề làm sứt mẻ uy tín của ông với cấp trên, ông biết như thế, và hết sức tự tin. Ông nói đùa với anh em công nhân:
- Kỳ này nghỉ phép xong, mình sẽ xin nghỉ hưu luôn.
- Chú mà nghỉ hưu. Được đề bạt thì có. - Một công nhân nói.
- Các cậu cứ đề cao mình, thiếu gì người hơn mình.
Với thái độ tự tin như thế, ông bước lên chiếc xe đò vừa dừng trước lán của công ty.
Ông khóc lên như một đứa trẻ khi đứng trước ngôi nhà thân yêu chất chứa bao kỷ niệm của mình. Vợ ông ngồi đó, thấy ông khóc cũng khóc theo. Ngôi nhà ba gian, vách gỗ được quét nhớt chống nước mưa, gian bếp đầy mùi khói, những con gà, con vịt ra vào nhặt thóc rơi vãi. Ông nhìn ra cửa sổ. Tiếng tàu chuối đập phành phạch ngoài vườn. Nhà ông đó, do chính tay ông cùng với vợ ông làm ra đó. Ông bước vô trong nhà, thẫn thờ nhìn từng dấu đinh đóng nơi vách gỗ, bước xuống bếp lại thẫn thờ nhớ tới năm nào cùng vợ thức bên nồi bánh tét chuẩn bị cho đám giỗ ông nội, đám giỗ lớn nhất của gia đình ông. Ôi, phải chi hai ông bà có một đứa con, con trai, hay con gái cũng được... Ông quay nhìn vợ đang ngồi co chân lên ghế mà thấy lòng quặn thắt vì thương. Phải chi ông cho bà một đứa con để bà bớt hiu quạnh. Ông thì may khi có nhà đâu. Bác sĩ khám, nói là ông không có khả năng sanh con. Âu cũng là số phận.
Chưa khi nào ông xúc động như bữa nay khi bước vô ngôi nhà của mình. Và nỗi xúc động cứ thế tăng lên chớ không nguôi ngoai. Ông ở nhà tới ngày thứ năm rồi. Ông cứ tha thẩn quanh nhà, tha thẩn quanh vườn, nhìn thấy cái gì cũng khóc. Thương quá, thương quá. Ông hít hà một mình. Có khi ông ôm lấy vợ mình giữa ban ngày cũng hít hà thương quá, thương quá, rồi nước mắt chảy dài trên má. Vợ ông thấy ông khóc lại khóc theo.
Cho tới ngày thứ bảy thì ông nhận thấy ý muốn đốt ngôi nhà của mình bắt đầu cọ quậy trong ông. Rồi nó trở thành sự thôi thúc trong ông. Ông rờ rờ lên cây cột gỗ láng bóng, miệng cứ hít hà:
- Thương quá, thương quá.
Nước mắt chảy dài xuống má. Nhìn trước nhìn sau thấy không có ai, ông bước tới ôm chặt lấy cây cột, hôn chùn chụt lên từng thớ gỗ láng bóng. Phải rồi, ông phải đốt cho cây cột này cháy lên, cháy lên.
Không còn nghi ngờ gì nữa, bệnh tình của ông đã nặng hơn trước, ông muốn nhìn những vật mà ông yêu thương nhất bốc cháy. Ông nhận ra điều ấy, lo lắng và sợ hãi, nhưng cũng không thể làm khác. Ông nghĩ tới người vợ già của mình, lòng quặn thắt vì thương. Nhưng biết sao bây giờ. Trong cơ thể ông bây giờ ngọn lửa đam mê đang cháy rừng rực, cháy không ngơi nghỉ. Ông không thể chống lại được chính mình. Ông yêu vợ, vì tình yêu ấy mà ông cất được căn nhà này, thì cũng vì tình yêu ấy ông và bà sẽ cất được căn nhà khác. Ông chỉ còn biết tự an ủi mình như thế.
* * *
Ngọn lửa cháy nhà bốc cao làm ông sung sướng không thể tả siết. Những gì mà ông yêu thương đang cháy lên, ông nghệt người ra ngắm nhìn ngọn lửa trong lúc người ta hô hoán, kêu cứu: Ông nghe rõ tiếng vợ ông kêu khản giọng:
- Trời ơi, cứu, cứu, bớ người ta, cứu, cứu...
Ông không còn biết mình, ông mê man với ngọn lửa bập bùng trước mặt. Ông nhìn trước nhìn sau mong tìm được một chỗ vắng để nhảy múa. Không có. Không có. Người ta chạy ra chạy vô nườm nượp. Nước được dội lên. Không ăn thua gì. Gió thổi làm lửa bốc cao hơn. Càng lúc càng bốc cao. Ông chạy quýnh lên để tìm một chỗ kín đáo gần ngọn lửa để nhảy múa với chúng. Không có. Không có. Trời ơi. Thế này thì làm sao ông chịu nổi. Lửa cháy đã quá. Cây cột mà ông thích nhất đã cháy rồi, ông nhìn rõ ngọn lửa từ nơi đó bốc lên. Đã quá. Đã quá.
Trong cơn hưng phấn bệnh hoạn đến tột độ, ông nhảy vô đám lửa đang cháy ngùn ngụt. Ông muốn hòa tan vào nó. Và ông đã toại nguyện.
* * *
Đám ma ông được tổ chức khá lớn với đủ thủ tục long trọng. Một tai nạn đáng tiếc. Ông đã chết cháy khi nhảy vô lửa cứu căn nhà của mình. Tất cả các bài điếu văn đều nói như thế. Những lời chia buồn, những vòng hoa với dòng chữ tỏ lòng thương tiếc. Đám ma lớn nhất xã từ trước tới nay. Nhiều người trong xã tự hào nói như thế. Đúng ra ông được đưa lên tỉnh để làm đám, nhưng vợ ông không chịu. Phải rồi, chịu sao được, sống ở đâu thì chết ở đó. Cái chết của ông còn đem hào quang, cái hào quang chót cùng của ông cho cả làng của ông.
Phải chi ổng có đứa con thì đám ma còn long trọng hơn. Vậy là ông không có người nối dõi.
Tháng 9 năm 1991
H.V
(TCSH57/09&10-1993)