Tạp chí Sông Hương - Số 57 (T.09&10-1993)
Loài hoa trắng
15:00 | 26/06/2024

THÁI ĐÀO
     Truyện ngắn dự thi 1993

Họ đã ra đi rồi...
Tôi một mình lang thang trở về bãi Chợ.

Loài hoa trắng
Minh họa: Phạm Đại

Con Khờ đứng ở cổng chợ chờ tôi. Nó đưa tay vẫy vẫy. Bây giờ người thân thích còn lại của tôi là nó, con mắt nó cũng đượm buồn. Nó đưa mắt hướng về đường cái, quốc lộ. Tôi hiểu nó cũng xót xa vì những người ra đi.

Con Khờ đưa cho tôi những củ khoai luộc chín. Tôi lắc đầu. Sáng nay dì tôi cũng bới theo những củ khoai luộc chín. Tôi thấy hai bàn tay chìa ra với những củ khoai sao mà giống nhau lạ. Có cái gì của nỗi u buồn và cay cực, có cái gì của sự hao hụt và cam đành, cầm lòng không đậu, tôi nắm lấy tay nó đặt lên ngực tôi. Tim tôi đập trong nỗi thổn thức của bàn tay nó run run.

Đã sống lâu với con Khờ trên bãi chợ của phố huyện này nên tôi hiểu nó. Tôi thương nó. Nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy cần có nó như sáng hôm nay. Sáng hôm nay tôi bơ vơ, lạc loài. Sáng hôm nay tôi thực sự chẳng còn ai ngay trên quê hương xứ sở của mình. Tôi chỉ còn mỗi con Khờ là người thân thiết. Tôi nắm lấy tay nó mà mắt còn ngó tới đâu đâu. Ngó tới những đoàn, những lũ người ảm đạm, tay xách, vai mang, dắt dìu, bồng bế nhau đi.

- Đừng có khóc, để tôi kể chuyện cho anh nghe.

- Ừ kể đi, lại chuyện đời xưa, đời xưa.

- Không. Xí quẹt vào chuyện đời xưa, đời xưa. Chuyện sáng hôm nay hay hơn nhiều.

- Ừ... kể đi.

Nó mím môi, ngoảnh đầu chỉ về phía ngôi nhà gạch bên hông chợ. Tôi hiểu nó nói đến thằng quân sư quạt mo chạy mánh, mưu sĩ tài ba kiếm rượu, kiếm thịt phường chợ búa.

- Hắn làm gì?

- Đổi một bộ tam sự bằng đồng có ba chục lon gạo của một người ra đi kinh tế mới. Bây chừ hí hửng trúng quả.

- Rồi sao nữa.

- Khi đổi lão chê tạt nhưng người ta cúi đầu mà đổi. Bây chừ lão đang đánh bóng lại, hả hê đặt lên bàn thờ nhà lão. Lão gật gù ăn ý lắm.

Tôi cười ngao ngán mà không nói gì. Tôi biết con Khờ vô cùng ghét lão. Cái lão già đời mà không nên nết. Cặp mắt lão dê cụ chăm nhìn đàn bà con gái thiếu đường muốn lột hết quần áo người ta. Bao nhiêu lần nó đã nhổ toẹt nước miếng vào mặt lão, coi khinh lão. Thế mà lão vẫn cười khề khề, thích thú ngắm nhìn cái thân thể nở nang, mới lớn của nó.

- Hết chưa?

- Chưa.

- Thằng Hải râu đồ tể lại vớ bở, mua rẻ mấy con lợn bự chác.

- Cũng của mấy người ra đi.

- Ừ, bây chừ bọn chúng đang nhậu mừng trúng mánh.

Tôi chọc nó:

- Em nhập hội trúng quả với nó đi!

Nó bĩu môi dài thượt:

- Xí quẹt...

Tôi chăm chú nhìn nó. Nó mang tiếng là con Khờ nhưng bao giờ nó cũng sạch sẽ. Sáng nào nó cũng có mặt ở chợ này. Nó đón tôi. Cười với tôi. Phường kẻ chợ đã cặp đôi tôi với nó. Một thằng quét chợ và một con Khờ sống giữa chợ. Điều đó cũng được thôi! Cái đáng nói là lai lịch của nó. Một lai lịch mờ mịt, khó lần ra gốc gác. Một lai lịch thâm u, buồn bã khó để biết được cội nguồn.

Có lẽ nó là kết quả của một mối tình vụng dại nào đó. Hay là quả trái của một trận hứng tình nào đó của một thằng cha và con mẹ nào đó, để rồi bê nó ra vất bên bờ sông, mặc kệ nó với dòng nước chảy; mặc kệ với cuộc đời trắng đen, trong đục thế nào. Nó được một mụ già ăn xin, cô độc nhặt được. Mụ già đem nó về nuôi. Và nó thừa hưởng của mụ già ăn xin đó cái vốn liếng ăn mày, nghèo kiệt. Suốt từ tuổi thơ đến khi chập chững vào đời, nó vẫn chỉ là con Khờ đi giúp việc kiếm ăn giữa chợ.. Mụ già chết. Nó tứ cố thân cô. Những bãi chợ vẫn là quê hương xứ sở của nó.

Tôi nhìn nó. Nó cúi đầu bẻn lẻn. Tay nó vân vê cành hoa trắng. Cái cành hoa này tôi nhặt được ở cửa hàng bách hóa năm xưa. Không biết để làm gì, tôi đem cho nó, và nó giữ mãi, nó đeo lên tóc, lên ngực cho đến tận bây giờ.

Nó nói nhỏ nhẹ:

- Cái hoa trắng này khi nào cũng đẹp.

Tôi gật đầu đồng ý với nó, dầu cái hoa trắng kia là hoa nhựa.

Bỗng dưng nó đập nhẹ vào vai tôi, má ửng hồng lên rồi chạy vụt đi.

Lòng tôi cũng có chút gì mang mang về nó. Tôi đưa mắt nhìn theo.

2.

Khi những người bà con thân thích cuối cùng đã ra đi, tôi không còn ngôi nhà nào để trở về nữa. Làng quê tôi bên kia dòng sông, nơi bạt ngàn một màu lau trắng.

Ngày ngày tôi qua sông để lên bãi chợ bằng một con đò. Nhưng từ nay bãi chợ là nhà. Tôi không còn nơi chốn để trở về. Dì tôi cho tôi hai chục phòng khi có cơ sự. Đó là những đồng tiền ít ỏi được chia từ số tiền ít ỏi bán ngôi nhà tranh và khu vườn nhỏ... Rồi thì, tôi trở về khu bãi chợ của tôi. Thời buổi khó, khó ai cưu mang, bao bọc được ai. Lòng đau nhưng phải đành lòng làm vậy. Tôi sống bằng nghề quét rác và làm vệ sinh chợ. Tự tôi nuôi tôi bằng những hạt cơm nghèo khó. Ai gọi gì tôi cũng làm giúp: bửa củi, gánh nước, lợp nhà, che quán, sửa quán, đắp nền...

Từ đây, đêm đêm tôi ở lại trên bãi chợ. Và tôi cũng cảm thấy thân phận mình, cũng thuộc loài sống vô gia cư và chết vô địa táng. Hàng đêm, giữa những lều quán xiêu vẹo, tả tơi, tôi nằm gác tay, ngửa mặt nhìn trời, đăm chiêu nghĩ ngợi.

Người ta gào lên: Giảm chợ. Đông đồng. Tăng gia sản xuất. Nên chợ một thời người ta bỏ bê, thu hẹp cho nó tả tơi, rách nát, đói nghèo. Nhưng rồi người ta cũng phải chui vào đó để đổi trao, mua bán. Bởi vì, còn sống, còn ăn, còn ỉa đái, còn tiêu dùng, còn mang mặc thì phải còn bãi chợ đủ dưới dạng này hay dạng khác. Cao cấp hay bần hàn. Còn khu chợ thì tôi còn sống được. Tôi cảm ơn nó và thù ghét ai đòi nó.

Chợ là nhà cửa của tôi; là đất thánh của cõi hồn tôi; là chốn về vĩnh hằng của cuộc đời ghẻ lạnh, côi cút, đơn độc của tôi. Tôi ngồi ngậm điếu thuốc phì phèo trên môi. Con Khờ mang tới cho tôi bát nước chè xanh với mấy củ khoai luộc chín. Nó lại mỉm miệng cười:

- Sao không ăn cơm. Ăn khoai mãi thế?

Nó lắc đầu:

- Không đủ tiền ăn cơm.

Tôi cảm thấy tội nghiệp cho nó. Nó vừa đi hát dạo vừa đi xin, vừa phụ việc cho những người buôn bán giữa chợ. Đồng tiền nó kiếm được cũng ít ỏi như những đồng tiền tôi kiếm được. Nó hào sảng với tôi bằng tất cả tấm lòng nó. Nó khờ dại chốn chợ đời mà chơn chất chốn trái tim. Tôi thương nó như thương một phần thân thể của tôi; một phần rách nát, tả tơi của số kiếp tôi. Tôi chụm đầu với nó, ăn những bữa ăn nghèo khó. Tôi thấy cay nồng mùi vị hạnh phúc góp nhặt giữa chốn trần ai. Tôi thấy thảm cỏ hạnh phúc của mình nhiều lắm cũng chỉ chừng ấy thôi mà bao la, bất tận.

- Cả ngày nay anh ngồi thừ... đau phải không?

Tôi gật đầu chỉ vào trái tim mình. Nó gật đầu và hiểu.

Ngôn ngữ của hai chúng tôi vỏn vẹn chỉ có thế. Ngắn ngủi vài dòng mà bề dày, bề sâu thì vô kể. Con Khờ đưa cành hoa trắng trên mũi. Nó hít hà một mùi hương tưởng tượng:

- Em giữ nó suốt đời em...

- Vì sao?

- Vì của anh tặng cho em.

Tôi lại lặng người đi và ngồi nhìn cái thân thể mới lớn của nó. Có lẽ nó cũng gần kịp tới hai mươi. Tuổi của một người con gái vào đời, ươm mộng. Nhưng mà với một con Khờ thì cái mộng nó ươm là gì nhỉ? Có lẽ cũng như tôi thôi. Một thằng quét chợ, quét tàn hết rác rưỡi một ngày rồi ngồi thở dốc, nhìn khói thuốc bay. Nó sẽ nhảy múa xin ăn, quày quặt giúp việc cho những người buôn bán, tàn hết một ngày rồi thơ thẩn dạo bờ sông.

Tôi cười nắm tay nó.

Nó gật đầu và im lặng nhìn sâu vào mắt tôi.

- Thằng chấn lột đêm qua lại được mánh.

- Vụ gì?

- Mấy người buôn lậu hàng Lào về, họ tắt đường qua khe Rú bị bọn thằng trấn lột mai phục cướp sạch hàng.

Nhắc đến thằng trấn lột là tôi nổi gai ở xương sống và khó chịu trong người. Nghe đâu xưa kia nó là võ sĩ, đã từng thượng đài, đấu đá mấy trận ở miền Trung và miền Nam. Sau một thuở kỳ hồ, lang bạt, bây giờ hắn trở về quê hương, xứ sở của hắn. Người ta nể danh tiếng thủa xa xưa, mời hắn ly trà, chén rượu, bữa nhậu... Hắn đổ đốn bởi thói hoang đàn xưa cũ; bắt địa những thằng có máu mặt. Hắn mời vào quán nhậu, nhưng chưa một lần hắn trả tiền cho những mâm nhậu kiểu đó. Người ta kiêng mặt hắn mà vẫn anh anh, em em với hắn. Hắn xăm đầy mình những hình đàn bà ở lỗ, ở truồng phơi mông phơi vú. Thỉnh thoảng hắn đánh quả áp-phe hay trấn lột gì đó rồi trở về hiền từ ngồi bên góc quán với be rượu nhìn đời mặc kệ trôi qua.

Tôi ghét cái bản mặt của hắn. Nhưng mà sợ hắn. Hắn có thể đấm một quả đến tan xương nát thịt người ta. Hắn trấn lột ngay cả tôi. Thỉnh thoảng hắn rờ nắn túi áo, túi quần của tôi. Có đồng nào hắn bảo tôi đi mua rượu đãi hắn. Tôi thù hắn mà không làm gì được hắn.

Nghe con Khờ nhắc đến hắn, tôi lắc đầu:

- Kệ chúng, đừng xí vào chuyện chúng mà chết!

Con Khờ le lưỡi ra giễu tôi rồi cười khì khì.

3.

Vầng trăng như vỡ ra, xác trôi bồng bềnh trên dòng sông lạnh ngắt. Tôi ngồi gục đầu bên dòng sông. Mặt tôi sưng húp, bầm tím. Thân xác tôi rã rời, mệt lả, cổ họng tôi khô đắng.

Tôi ngó mãi dòng sông trôi.

Tôi ngó mãi xác con trăng lềnh bềnh. Cái màu vàng ải trôi lên dạt xuống, như muốn tấp vào bờ, như muốn xô tạt ra xa làm tôi kinh hãi. Tôi tưởng như xác Con Khờ còn đâu đó trong dòng trăng tan nát. Nó chết rồi. Nó nhảy xuống dòng sông. Thân xác nó người ta vớt lên và chôn cất ngày hôm qua, nhưng mà với tôi, mãi mãi nó vẫn còn đâu đó trên bến chợ, trên bãi sông và dật dờ ẩn hiện trước mắt tôi.

- Khờ ơi! Tôi là một thằng tồi. Tôi là một thằng không xứng đáng... làm đàn ông.

Bỗng dưng tôi muốn khóc. Khóc cho vơi nỗi buồn. Khóc cho dịu cơn đau.

Bọn chúng có bốn thằng say rượu, đã thay phiên nhau hãm hiếp con Khờ ngay trước mắt tôi. Tôi là một thằng đàn ông không làm được gì để cứu nó. Tôi còn bị chúng đánh cho nhừ tử để đến bây giờ những vết bầm, vết tím, vết sưng còn mưng mủ trên da thịt và ngay cả trong cõi hồn tôi.

Tôi vò đầu vào hai bàn tay chảy máu.

Hai hàm răng tôi nghiến lại. Tôi muốn cắn nát cả cuộc đời, cắn nát cái đêm ô nhục đau thương. Vù vù bên tai tôi tiếng gió. Tiếng gió đập lên những lều quán xiêu vẹo tả tơi. Con trăng bị đám mây che khuất. Mưa phùn rơi lất phất. Tôi choàng thức dậy bởi tiếng la của Con Khờ. Tôi vùng dậy chạy tới cái quán nước của người đàn bà què, bán nước chè xanh để sống qua ngày ở góc chợ. Hai hôm nay bà về quê để tiễn những người bà con thân thích đi kinh tế mới vào Nam. Con Khờ ở lại một mình. Hồi hôm tôi đã ngồi kể chuyện đời xửa đời xưa với nó ở đó. Nó đuổi tôi về khi khu chợ đã vào khuya. Tôi bâng khuâng ra về, và chui vào cái sập hàng của mấy mụ hàng rong. Tôi nằm bên những thùng ruốc, thùng mắm mà ngủ.

Tôi thức dậy và nghe rõ ràng là tiếng la của Con Khờ. Nhưng bây giờ nó có vẻ khác lạ; như ai đó đã bịt mồm, bịt miệng nó lại và nó cố chống trả. Tôi lao thẳng tới đó. Và kịp khi tôi xông vào, một cú đấm như trời giáng nện xuống vai tôi. Tôi ngã sấp. Mặt đập vào nền chợ. Máu mũi chảy ra. Tôi kịp nhìn lên và thấy bọn chúng. Thằng võ sĩ chuyên nghề trấn lột. Thằng đồ tể mổ heo. Thằng mưu sĩ chạy mánh giữa chợ và thằng bán hàng rong lẻo mép, theo đám ăn tàn chuyên tiêu thụ hàng gian phi.

Bọn chúng đang lột hết quần áo con Khờ ra. Bọn chúng dận khăn vào miệng con Khờ cho nó hết la hét. Bọn chúng, thằng cầm tay, đứa cầm chân dằn ngửa con Khờ ra trên cái nền đất xám xịt. Tiếng con Khờ thở dốc, vung vẫy. Tôi nghiến răng vùng dậy. Một cú đá làm tôi bật ngửa. Thằng võ sĩ giọng lè nhè mùi rượu:

- Nằm yên, nhỏ. Tao đập bể họng mày bây giờ.

Và hắn đạp một chân lên cổ họng tôi đến nghẹt thở. Tôi đã biết giá trị bàn chân của hắn. Tôi đau đớn phẫn uất. Cả vùng da thịt con Khờ phơi bày ra trắng toát, phì nhiêu như một vùng châu thổ. Ôi những thằng già mất nết, đốn mạt, dâm bôn. Ôi những thằng trẻ phi luân, mất dạy. Một lũ cường đồ chè rượu. Nó phá nát cái thiên đường ngà ngọc của tôi. Nó biến miền đất hứa của tôi thành vũng sâu đọa lạc. Nó làm tôi điêu đứng khổ đau. Tôi thà chết với nó. Tôi đạp tung hai chân và vùng dậy. Nhưng lần này lại là thằng đồ tể. Nó đá ngược tôi với một tuyệt chiêu như từng vật bò, hạ heo. Nó dí vào miệng tôi mũi dao nhọn:

- Tao sẽ thọc hết con dao này vào miệng mày như thọc heo vậy.

Mồ hôi tôi vã ra. Cứt đái són cả quần. Mũi dao dí vào miệng tôi đụng tới bờ răng. Hắn là chuyên gia giết mổ, có bao giờ ghê tay một cú đâm thọc đâu. Tôi trở nên bất lực, yếu hèn, nằm im thin thít và khổ đau nghe tiếng thở phì phì của bọn chúng và tiếng nấc tức nghẹn của con Khờ.

Sau cùng thằng bán hàng rong, loài theo đóm ăn tàn, giải quyết việc tôi, hắn nện vào mặt tôi một đấm. Bình thường hắn là thằng ốm o, nhu nhược, nhưng khi có cơ hội, theo bè, theo cánh, đánh hùa, đánh hôi thì hắn là một thằng ác độc, ti tiện nhất. Hắn đấm thẳng tay và liên tục. Hắn vừa đấm vừa lè nhè:

- Mày phải biết giữ kín chuyện này, lép bép là tụi tao làm thịt mày không thương tiếc.

Tôi muốn rên lên mà không được. Thằng già mất nết mưu sĩ quạt mo đã lấy một túm giẻ rách, nhét đầy miệng tôi. Nó cũng lột hết quần áo của tôi và vất nằm bên con Khờ, để cả hai trần truồng như nhộng. Đó là kế sách mưu sĩ, nhằm đánh lận con đen, gây hỏa mù với thiên hạ.

Tôi biết được ý đồ đen tối của nó. Tôi gắng đau lết dậy khi chúng đi rồi. Trên vùng ngực hoen ố, nát tan của con Khờ tôi bỗng bật khóc; tấm tức như một kẻ mất hết gia tài vốn liếng của đời mình. Tôi đau xót lau chùi những vệt máu lấm với đất bùn nhơ bẩn, hoài thương trinh tiết một đời người.

Phương đông trời hừng sáng. Tôi đắp cho con Khờ những manh áo còn sót lại. Nó khóc nức nở mà không nói gì. Tôi lần mò ra bờ sông, rửa mặt, rửa những vết thương bầm tím.

Ba ngày liền con Khờ im lặng không thiết tha gì đến chuyện ăn uống. Nó lảng tránh tôi. Nó không còn đem đến cho tôi những bát cơm, những củ khoai, những miếng kẹo, những bát nước chè xanh. Ba ngày liền nó thẫn thờ tìm kiếm trên khắp nền đất chợ, trong những đống rác. Nó bươi cào. Nó lục lọi. Nó kiếm tìm cái bông hoa trắng mà trong cái đêm khốn nạn đó, lũ cường đồ đã làm tan nát và ném mất đi đâu. Nó rầu rĩ, lặng câm như người mất trí. Nó không còn hát, còn ca, còn ngửa tay xin tiền như mọi bữa. Tôi đau khổ ngồi nhìn nó. Tôi và nó không có đứa nào dám nghĩ đến chuyện thưa báo với chính quyền. Chúng tôi làm thế nào mà thưa kiện được chúng nó.

Tôi ngồi xua đuổi những con ruồi, con nhặng bay vo ve trên những vết mưng, vết mủ. Ba ngày liền tôi cũng không đói. Nhưng cái đang hành hạ tôi lúc này là tôi không biết làm sao an ủi được con Khờ.

Sáng hôm qua tôi lên cửa hàng bách hóa tìm mua một cành bông trắng đẹp nhất. Tôi tìm nó ở sau bãi chợ và trao cho nó, thế cái bông đã mất. Nó lắc đầu:

- Không phải cái bông này. Cái này là đồ "dỏm".

- Cái kia cũng bằng nhựa mà.

- Nhưng anh cho em đã hai năm rồi. Hồi đó anh dễ thương và thương em lắm. Em giữ nó mãi. Không cái nào thế được nó đâu.

Tôi lặng người đi.

- Nhưng cái này cũng của anh cho em mà.

Nó lắc đầu:

- Anh bây chừ không phải anh hồi xưa. Có mỗi cái bông hoa trắng mà không giữ được cho em. Thằng đồ tể nó giữ cho con vợ béo ụ của nó cả tòa nhà. Thằng thầu khoán nó giữ cho vợ nó cả áo đầm, xe cúp, ti vi, tủ lạnh.

Tôi nói như phân bua, giải bày:

- Nhưng mà... Em cũng thấy anh bị chúng đánh đến tả tơi.

Nó gật đầu và ứa nước mắt:

- Tội nghiệp cho anh, nhưng mà cái bông trắng đã mất rồi!

Và nó bỏ đi. Tôi đứng sững nhìn theo. Nó tiếp tục tìm kiếm suốt ngày hôm đó. Nó như kẻ khất thực đi xin lại loài hoa trắng giữa thế gian. Nó sầu não. Nó đau thương. Nó hỏi thăm khắp phố chợ. Có ai bắt gặp được bông hoa trắng của nó không. Người ta ngỡ ngàng. Người ta ngạc nhiên. Và người ta hiểu rồi ái ngại cho nó, buồn bã cùng nó.

Nó như kẻ hành hương cô độc, lặng lẽ tìm về xứ sở của loài hoa trắng và nó kiệt sức vì chốn quê hương kia mãi mãi đã mất rồi.

…Cho đến buổi chiều, khi ráng chiều ối đỏ cả trần gian và mặt trời như đẫm máu, nghiêng về phương tây chờ dẫn độ... thì nó nhảy xuống dòng sông. Nó tuyệt vọng vì sẽ không bao giờ tìm lại được cho mình bông hoa trắng của cuộc đời. Nó đã đi tìm bông hoa trắng trong dòng sông và trong cõi chết.

Bây giờ chỉ còn lại mình tôi giữa bãi chợ hoang vắng này.

Tôi ngồi gãi những vết mưng, vết mủ đã lở ra. Lũ ruồi nhặng cứ bám lấy tôi và tôi không ngừng xua đuổi chúng.

Như một tiền oan nghiệp báo; như một số phận khốc liệt phải đeo mang. Cái bóng con Khờ với đôi mắt buồn thăm thẳm, mãi ám ảnh lấy tôi. Tôi như bị mê hoặc từ một cõi xa xăm. Tôi như bị một ma lực từ cõi chết dội về, hút lấy, tung vào một cuộc kiếm tìm hoài mãi...

Thế là tôi đi. Tôi đi mãi trong mỏi mòn, kiệt sức. Người tôi xiêu đổ trên đôi chân ốm yếu. Trí tôi hoảng loạn trong mịt mù sinh tử đời người. Nhưng không bao giờ tôi được quên: Loài hoa trắng và nụ cười bát ngát của Con Khờ. Tôi phải tìm nó dẫu ở dưới vực sâu, ở trong đọa lạc, hay ở giữa trời cao...

Tôi đã kiếm tìm đến kiệt sức.

Thành C Quảng Trị
1985-1992

T.Đ
(TCSH57/09&10-1993)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Trang thơ Nabokov (14/06/2024)
Lửa đen (30/05/2024)