Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-24)
Cô gái dưới cây hoa đào
14:46 | 26/04/2024

LÊ NHUNG

Lúc Lưu đốn xong mớ củi, cột lại thành bó gọn gàng bằng dây mây thì mặt trời đằng xa sắp lặn vào khe núi.

Cô gái dưới cây hoa đào
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Anh đứng thẳng lưng hướng mặt về phía quầng sáng màu tím thẫm, nơi đàn chim rừng dáo dác bay thành hình mũi tên về thượng nguồn như được phóng ra từ một cánh cung khổng lồ lao vun vút trên đường bắn.

Trong rừng nhanh tối hơn ở làng. Khí núi mỗi lúc càng đậm đặc, sương trắng từ các hốc đá bay là là như có ai dưới lòng đất quạt lửa thổi cơm. Nhiệt độ xuống thấp đến mức Lưu cảm thấy lạnh. Anh xốc bó củi trên vai, tay cầm rựa phát quang chuỗi dây leo lòaxòa trước mặt. Đi trên con đường mòn ngổn ngang cỏ dại, anh nhớ ngày thơ bé đã thích thú thế nào khi được cha dẫn vào rừng. Hồi ấy anh chẳng chú ý gì đến con chim con thú, chỉ mải mê đạp chân lên những mảng nắng nhạt chập chờn lay động khi tán lá trên cao chao nhẹ bởi gió chiều.

Vậy mà đã xa rồi, cha Lưu qua đời mấy năm trước vì bệnh nặng, mẹ anh vì nhớ mong ông mà ngày càng lẩn thẩn. Là đứa con độc nhất, Lưu trở thành trụ cột, làm chỗ dựa để mẹ vui vẻ sống nốt những ngày còn lại. Lưu chưa lập gia đình, nhưng chỉ nay mai thôi anh sẽ tìm lấy cho mình một cô vợ. Anh sẽ có những đứa con và nuôi nấng chúng như cha mẹ đã vất vả nuôi nấng anh. Lưu chợt thấy buồn cười, cuộc đời cứ mãi quẩn quanh như thế: những đứa con, việc nương rẫy, và sự nghèo túng.

Phía trước có tiếng sáo mơ hồ vẳng lại. Lưu ngẩng mặt nhìn quanh, cả làng anh không ai biết thổi sáo, người ta chỉ hát những điệu dân ca cổ xưa buồn tẻ và sầu não. Như con thiêu thân bị ánh đèn dẫn dắt, anh vô thức đi về nơi có nhạc. Tiếng sáo mỗi lúc một gần, nghe như tiếng suối róc rách, nghe như tiếng gió đùa trong khe lá, lại nghe như tiếng con chim rừng tha thiết gọi bầy.

Vén đám lá cành mọc chìa trước mặt, Lưu kinh ngạc thấy dưới gốc hoa đào cổ thụ trước cửa rừng có cô gái áo trắng đang ngồi thổi sáo. Tóc cô dài như suối, bên cạnh là con nai rừng đốm trắng thiêm thiếp gối đầu lên chân chủ. Lưu đứng lặng dưới bóng chiều, anh nhớ cha lúc sinh thời vẫn hay kể về những nàng tiên trong rừng sâu có đôi cánh bạc gảy đàn cầm vào đêm trăng sáng.

Cô gái khẽ khàng hạ cây sáo xuống. Tiếng vi vu dội đập vào thân cây tán lá vỡ vụn rồi tan biến hẳn. Con nai mở bừng mắt, đôi tai như hai chiếc lá mềm khẽ động đậy. Nó đứng trên bốn chân khẳng khiu, bồn chồn gõ móng chạy quanh gốc hoa đào. Cô gái vuốt nhẹ tà áo, đăm đắm nhìn Lưu bằng đôi mắt xa xăm đã quen đuổi theo những vì sao. Khi cô tiến bước lại gần, anh nghe cánh mũi thấm nồng hương thơm của trăm loài thảo mộc.

Lưu hoảng hốt quỳ sụp xuống đất, anh biết trước mặt mình là bà chúa của khu rừng. Thật là phước phận của anh, thật là phúc đức cho cha mẹ anh. Anh tự hỏi chốc nữa đây, bà chúa sẽ nói với anh điều gì, nàng sắp thử lòng anh chăng? Anh từng nghe câu chuyện về một gã tiều phu đốn củi vô tình làm rơi chiếc rìu xuống suối. Gã ngồi khóc lóc trên bờ, rồi một nàng tiên hiện ra. Sau những phép thử, gã lấy lại chiếc rìu của mình, đã thế còn được tặng thêm hai chiếc nữa, một bằng bạc, một bằng vàng vì lòng trung thực.

Lưu có thừa lòng trung thực, anh còn dũng cảm vàgan dạ, ở anh đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp mà một con người cần có. Bà chúa hẳn sẽ dẫn anh đến hầm kho báu, nơi có những hũ vàng cùng những rương châu ngọc. Anh sẽ đem tất cả ban phát cho dân làng. Ngôi làng sẽ trở nên trù mật, chỉ có tiếng hát tiếng cười và đêm đêm nổi lửa, lúa ngô chất đầy trong kho, trâu ngựa từng đàn trên sườn núi. Còn gì hơn nữa, bao thế hệ cha ông của anh chỉ ước mong cuộc đời như thế.

Lưu run rẩy ngước mắt nhìn bà chúa, cả đời anh chưa từng thấy ai đẹp đến như vậy, cô gái đẹp nhất làng anh chẳng dám sánh với một sợi tóc của nàng. Những đường nét trên gương mặt nàng dứt khoát và quả cảm. Nàng lặng lẽ nhìn Lưu, có chút coi khinh lẫn giễu cợt trong đôi mắt. Vẫn không nói một lời, nàng giắt cây sáo ngọc vào dải lụa quanh thắt lưng, phất tay áo quay đi. Cây rừng tự động mở lối theo bước chân bà chúa, nàng biến mất giữa xa xanh, loáng thoáng chỉ còn một vầng sáng trắng.

Bà chúa đã đi rồi! Nàng đi mà không nhắn gửi một lời. Nàng không thử lòng Lưu, cũng không dẫn anh tới những kho tàng. Lòng đầy thất vọng, vẫn trong tư thế quỳ mọp xuống đất, Lưu vô thức bấu chặt những búi cỏ. Anh muốn khóc nấc lên nhưng mắt không sao rỏ ra một giọt lệ.

*

Những lúc cuốc đất làm nương, nhìn chất đất đỏ quạch trơ cằn sỏi đá dưới chân mình, Lưu vẫn không thôi nghĩ về bà chúa. Mấy năm nay đói rừng, hổ gấu ra phá nương, các loài gặm nhấm cắn nát không còn một hạt thóc. Lại thêm thiên nhiên khắc nghiệt, mùa mưa đến, lũ ống lũ quét từ thượng nguồn cuốn trôi nhiều nóc nhà. Vất vả gian nan là thế, nên con người sống trên vùng rẻo cao này phải thật kiên cường và giàu sức chịu đựng. Lưu vừa cuốc đất vừa ngẫm nhớ chuyện xưa, mồ hôi lẫn nước mắt chảy xuống môi anh mặn chát.

Lưu sống thầm lặng và cô độc, hiếm khi thấy ở anh một nụ cười. Chỉ những tối vui dân làng đốt lửa uống mừng mùa vụ, Lưu mới cho phép mình buông thả đôi chút. Anh ngửa cổ uống từng bát rượu lớn, nghe hai má nóng bừng và cả người ngây ngất như cưỡi trên những cụm mây. Nam nữ nắm tay nhau nhảy múa quanh ngọn lửa hồng, nhiều cô gái trộm ngắm đôi mắt u buồn của Lưu, ghé tai nhau bụm miệng cười rúc rích. Lưu không để ý đến những cô thiếu nữ kia, đứng giữa cái náo nhiệt bao giờ anh cũng thấy cô đơn, còn khi đứng giữa rừng sâu anh thấy lòng thanh thản.

Bỗng từ đằng xa, lẫn trong sương khuya vừa tụ, vẳng lại một giọng nữ đang hát, tiếng ca ngọt ngào, lời lẽ thiết tha:

Pá mé ơi
Con xa pá mé từ khi mới biết mình
Trên núi cao lạnh lắm
Con đốt một đốm lửa sưởi
Lửa tắt con không nhóm lại
Con nhớ lúc nằm trong vòng tay pá mé
Ấm như quạt lửa cời than

Bài hát chỉ có mấy lời như thế. Giữa đêm hội rộn ràng, tiếng hát âm vang xa mờ như vọng ra từ hẻm núi. Lưu đứng dậy đi theo tiếng ca. Chỗ bìa rừng có một cô gái gầy gò đang ngồi quay lưng trên mỏm đá. Lưu không gọi, cứ thế đứng lặng phía sau. Càng về khuya, giọng hát cô gái càng thêm vang vọng, khi trầm thì dịu dàng không tả xiết, khi cao thì xoáy tận tâm can.

Đêm hội tan từ lâu, người ta kéo nhau về nhà, đống lửa lớn vẫn bập bùng soi sáng một mảnh trời. Lưu nhìn đôi vai mảnh khảnh của cô gái, anh nhớ đến bài hát mẹ ru khi còn nhỏ. Thế là anh cất giọng:

Con kiến đào hang dưới đất
Con chim làm tổ trên cành
Anh thương em nhiều như lá rừng
Em theo anh về cất nhà bên suối
Để tiếng hát em không còn buồn
Mà vui như khoai sắn trên nương

Cô gái ngoảnh mặt lại, hai người im lặng nhìn nhau. Tất cả bỗng lịm đi, chỉ có tiếng chim ăn đêm gọi nhau trong khe đá và tiếng sói rừng hú gọi mảnh trăng treo.

Một năm sau Lưu đi hỏi vợ, người anh cưới chính là cô gái ngồi hát đêm nào ở bìa rừng. Cô gái không phải người làng anh. Nhà cô trước kia ở bên dưới thung lũng, phải năm bệnh dịch hoành hành, cha mẹ anh em cô đều chết cả. Từ đó cô lưu lạc khắp nơi, đi ở hết nhà này đến nhà khác. Cũng như Lưu, cô sống đơn độc và thầm lặng. Đám cưới hai người tổ chức đơn sơ, không có tiếng hát mừng cũng không có hoa rượu gì cả.

Nửa năm sau, mẹ Lưu qua đời. Chôn cất cho bà xong, cảnh nhà càng thêm túng bấn. Lưu làm việc đầu tắt mặt tối vẫn không đủ ăn, vợ anh mang thai đứa con đầu, cả người gầy yếu xanh xao vì ốm nghén. Mùa xuân hai vợ chồng đi vỡ nương, vợ Lưu chuyển dạ đẻ dưới gốc đào. Đứa con gái sinh ra không khóc mà cười khúc khích, nó đưa bàn tay bé xíu cố bắt những cánh hoa lả tả bay trong gió xuân.

Lưu đặt tên con là Hoa Đào. Con bé khỏe mạnh và xinh đẹp. Nằm trong chiếc nôi đan, nó ngước đôi mắt to tròn ngạc nhiên nhìn cha mẹ. Vợ chồng Lưu yêu con hết lòng, trong cảnh nhà thiếu thốn tiêu điều, hai người cố gắng mang đến cho nó những điều tốt đẹp nhất. Mỗi lúc đi làm nương, vợ Lưu địu con trên lưng, hát ru nó những khúc ca cô đã hát trong đêm trăng năm nào.

Hoa Đào lớn mau như cây cỏ trong rừng, cô bé biết đi biết nói nhanh hơn nhiều đứa trẻ khác. Cũng như cha mẹ, Hoa Đào thích cô độc, nó thường ngồi hàng giờ trước cửa bó gối ngắm mây bay. Thầm lặng ít nói là thế, nhưng hễ thấy cha vác rựa vào rừng là Hoa Đào trở nên hoạt bát, nó níu áo cha ngọng nghịu xin được đi cùng.

Năm mười ba tuổi, Hoa Đào xin phép cha sang sườn núi bên kia làng chăn dê. Khi dẫn đi chỉ có một đôi, lúc dắt vềđã thành một bầy đông đúc. Thời gian cứ thế chảy dài miên viễn, cây đào cổ thụ ở bìa rừng nở hoa rồi tàn rụi không biết mấy lần thì những huyền thoại về đứa con gái duy nhất của Lưu dần truyền tụng khắp ba quả núi. Người ta kháo nhau cô Hoa Đào chăn dê mới đôi chín đã là cô gái đẹp nhất làng. Cô hiểu tiếng nói của loài vật, được muông thú trong rừng thần phục. Cô có tài săn bắn, cô đặt mắt vào đâu thì mũi tên sẽ bay về nơi đấy. Cô hát rất hay, hay đến mức khi cô cất giọng thì cây rừng nghiêng ngả, suối thôi róc rách, gió ngưng xào xạc.

Chuyện về Hoa Đào lung tung, nửa hư nửa thực. Có lời đồn cô sở hữu sắc đẹp chết người. Gã thợ săn phàm phu nhìn trộm cô tắm ở khe nước cạn đã thổ huyết mà chết. Gã bị thú dữ tha vào rừng. Lại đồn Hoa Đào giấu vàng dưới gốc đào bìa rừng, ai thật sự đói khổ đến gốc cây lạy ba lạy sẽ lấy được vàng…

Vợ chồng Lưu nghe không sót một lời đồn đại nào về con gái mình. Những lúc vãn việc ruộng nương, cả hai ngồi bên bậc thang trước nhà nhìn Hoa Đào tự tay chuốt những mũi tên đồng mà lòng đầy nghi ngại. Con gái của họ đẹp và lạnh nhạt quá, đôi mắt cứ xa xăm phiêu lãng tận đâu đâu. Họ ôm nỗi muộn sầu thầm kín, cùng dự cảm mơ hồ sắp có cuộc cải biến lớn lao xảy ra trong gia đình.

Mùa xuân năm ấy, sau mùa đông giá rét mưa phùn, cây đào bìa rừng trổ hoa rực rỡ. Từng cánh hoa hồng thắm bay rợp khắp bản làng, quấn quýt đậu trên tóc người đi đường và trên nóc những ngôi nhà cao nhất. Mỏm đất bằng phẳng trước cổng làng rộn ràng tiếng hát tiếng ca của lễ hội đầu năm. Mẹ Hoa Đào vào buồng gọi con gái dậy đi chơi thì thốt lên kinh ngạc khi thấy một cô gái áo trắng đang ngồi chải mái tóc dài như suối. Người mẹ vừa mừng vừa lo, mắt nhòa lệ không thốt nổi thành lời. Người cha thấy con qua một đêm trở nên khác lạ, biết có sự bất thường, chắp tay lên ngực âm thầm cầu nguyện.

Hoa Đào đi đến đâu, đám hội theo đến đấy, người ta nhảy múa vòng quanh cô, tung hoa lên váy áo cô, chim rừng sà xuống vai cô líu lo ca hót. Tiếng đồn truyền đi khắp mười quả núi, người ta lũ lượt kéo nhau đến thung lũng xem mặt cô gái áo trắng. Khi con mắt đã thỏa thì cái bụng bồn chồn, lác đác có kẻ đem lễ vật đến hỏi cưới Hoa Đào. Của cải, lương thực, gia súc xếp đầy từ sân nhà đến tận cổng làng. Ai cũng muốn hỏi cưới cho bằng được cô gái xinh đẹp hiếm có. Vợ chồng Lưu chẳng biết tính thế nào. Thấy cha mẹ bối rối, con gái liền trấn an: “Cha mẹ đừng lo lắng, hãy nhận lễ vật của kẻ đến nhà ta sớm nhất sáng ngày mai.”

Ngày hôm sau, khi mặt trời hồng vừa leo lên khỏi khe núi, có một đoàn người ngựa đến trước nhà Hoa Đào. Lễ vật xếp dưới chân núi: Vàng bạc đựng trong những rương lớn, gia súc đi lại cả một bầy. Người ta chưa từng thấy số của cải nào nhiều đến như thế, gấp năm gấp mười số lễ vật của những đám trước cộng lại. Cha Hoa Đào nhớ lời con gái, lập tức gật đầu đồng ý. Đám rước diễn ra ngay sau đó. Hoa Đào được mẹ bới lại mái tóc dài, khoác lên người tấm áo cô dâu. Lạy chào song thân, cô leo lên lưng con ngựa hồng giật mạnh dây cương, đầu không ngoảnh lại.

Cha Hoa Đào đem số bạc vàng, gia súc chia đều cho dân làng. Ngôi làng bỗng chốc trở nên trù mật, dê ngựa chạy từng đàn trên sườn núi, thóc lúa đầy ắp trong bồ, ngô treo lủng lẳng trên giàn, bếp nhà nào cũng đỏ lửa cả ngày, tiếng nói tiếng cười không khi nào ngớt. Lại nói về Hoa Đào, cô theo đám rước vượt qua ba con sông bảy quả núi về làm dâu nhà giàu, sống trong nhung lụa chẳng động tay chân, an nhàn như thế được mấy năm thì không bệnh mà chết. Người ta thương khóc xây mộ cô cạnh gốc đào cổ thụ. Bốn mươi chín ngày sau từ trong mộ có con bướm trắng bay ra. Con bướm trắng đập cánh bay mãi vào rừng sâu lại hóa thành cô Hoa Đào. Cô Hoa Đào đội vòng hoa dắt con nai rừng biến mất trong làn sương trắng.

Câu chuyện kì bí về cô gái xinh đẹp lan truyền khắp một vùng núi rộng, vượt sông vượt núi bay đến nhà Hoa Đào. Cha cô quỳ sụp trước cửa vái lạy, miệng lẩm bẩm những lời vô nghĩa chẳng ai hiểu. Rồi một buổi chiều mưa trắng núi, người làng thấy cha Hoa Đào qua một đêm tóc đã bạc phơ, thơ thẩn đi về phía cửa rừng, sau đó chẳng ai còn nhìn thấy ông lão nữa.

Câu chuyện về cha con họ Lưu một thời gian dài được truyền tụng rộng rãi, qua năm tháng và những miệng người đã có nhiều biến thể. Một số chi tiết được thêm thắt. Tất cả những người quen biết nhà họ Lưu đều đã khuất núi, người quen biết họ cũng chẳng còn. Ngôi làng ngày xưa bây giờ trở thành một thị trấn vùng cao. Mỗi khi mùa xuân về, hoa đào bung nở rực rỡ, khách thập phương ghé đến vẫn được người dân kể lại câu chuyện bên bếp lửa. Kể là kể vậy thôi, còn tin hay không thì tùy vào trái tim của mỗi người.

L.N
(TCSH52SDB/03-2024)

 

 

Các bài mới
Trở về (07/05/2024)
Các bài đã đăng
Em sẽ về (26/04/2024)
Mùa xuân (19/04/2024)