Tạp chí Sông Hương - Số 421 (T.03-24)
Công chúa Huyền Trân và thực hành tín ngưỡng, lễ hội hiện nay
15:06 | 01/04/2024


NGUYỄN THỊ TÂM HẠNH

Công chúa Huyền Trân và thực hành tín ngưỡng, lễ hội hiện nay
Khu vực tượng đá Thích Nữ Hương Tràng tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân Huế - Ảnh: tư liệu SH

1. Mở đầu

Mối nhân duyên giữa công chúa Huyền Trân nhà Trần với vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân) vào đầu thế kỷ XIV (1306) gắn với việc hai châu Ô, châu Rí/Lí trở thành châu Thuận và châu Hóa của Đại Việt là sự kiện quan trọng trong diễn trình lịch sử Việt Nam. Cuộc hôn nhân xuyên quốc gia mang đậm màu sắc chính trị này là chủ đề gây nhiều tranh luận trong giới sử học với nhiều tồn nghi và cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác văn chương nghệ thuật qua các thời đại.

Với người Việt ở miền Trung Việt Nam, sự kiện trên đây không chỉ là ký ức xa xăm của huyền thoại - lịch sử hay những rung cảm thẩm mỹ qua các áng văn thơ mà gắn liền với hiện thực hơn 700 năm di cư, cộng cư, xen cư với cư dân tiền trú; từng bước khai đất lập làng; tiếp nhận văn hóa mới, giữ gìn và phát huy bản sắc cội nguồn.

Truyền thống uống nước nhớ nguồn cùng yếu tính nữ của cư dân nông nghiệp lúa nước đã khiến cho ở bất cứ nơi đâu, trong đời sống tâm linh của người Việt, nữ thần luôn dành một vị trí đặc biệt. Nhất là khi đến miền Trung.

Việt Nam, gặp gỡ những bà Yang địa phương và bà mẹ xứ sở Po Inư Nagar, họ đã hoặc tiếp nhận nguyên vẹn để tôn kính dưới các tên gọi bình dân, như: bà Vú, bà Lồi, bà Đá, bà Ngọc hoặc Việt hóa thành những nữ thần hay Bồ tát quen thuộc để phụng thờ, như: Chuẩn Đề Bồ tát, Ngũ Hành Nương Nương, Tứ Vị Thánh Nương, Bà Chúa Ngọc, Thai Dương Phu Nhân, v.v. Bằng cảm thức tâm linh đó, Huyền Trân công chúa cũng đã được người miền Trung nữ thần hóa với những đền, miếu được tạo lập và gắn liền với các hoạt động thờ cúng ở nhiều địa phương, với quy mô khác nhau.

Trên cơ sở tài liệu liên quan đến Huyền Trân công chúa ở Thừa Thiên Huế, tham chiếu với các tỉnh thành lân cận, bài viết sẽ trình bày quá trình nữ thần hóa một nhân vật lịch sử gắn liền với lịch sử mảnh đất miền Trung; sự thay thế, kết nối và đồng nhất các vị thần của người Chăm với Việt cũng như ý nghĩa của các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội gắn liền với Huyền Trân công chúa trong giai đoạn hiện nay.

2. Dấu ấn của công chúa Huyền Trân ở Thừa Thiên Huế, tham chiếu với thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Trị

Dấu ấn của Huyền Trân công chúa ở Thừa Thiên Huế trước hết phải kể là cửa biển Tư Dung1, một địa danh được cho là hình thành dưới thời nhà Trần nhằm ghi dấu nơi mà công chúa Huyền Trân bái biệt quê hương trước khi đến làm dâu ở đất Champa. Đồng thời, như ý nghĩa tên gọi, nhằm tưởng nhớ dung nhan của một nàng công chúa Đại Việt đã vì hoàng thất và đất nước, vượt nghìn trùng sông núi, làm tròn trách nhiệm và bổn phận của mình.

Gắn với cửa biển Tư Dung, vào cuối thế kỷ XVIII, khi theo hầu xa giá vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản (1796), văn thần Ngô Thì Nhậm cũng đã nhắc đến địa danh Huyền Trân phù đảo/玄珍浮島/Đảo nổi Huyền Trân trong bài thơ Thị ngự chu quá Hà Trung hồi cung ký (Kính ghi (khi) hầu thuyền Ngự qua phá Hà Trung)2. Địa danh Huyền Trân cũng được Ngô Thì Nhậm nhắc đến ở bài Tích vũ Huyền Trân/積雨玄珍/Mưa dầm (trên đảo) Huyền Trân. Trên các phương tiện thông tin truyền thông ở Thừa Thiên Huế hiện nay có 3 ý kiến khác nhau về vị trí của đảo Huyền Trân: (1) Đảo Huyền Trân chính là vùng duyên hải Phú Lộc ngày nay, thuộc các xã Vinh Hiền, Vinh Hải, Vinh Giang, Vinh Mỹ, Vinh Hưng3. (2) Đảo Huyền Trân chỉ là cách mà nhà thơ Ngô Thì Nhậm “phóng bút” để chỉ Quy Sơn (Linh Thái), nơi mà ký ức dân gian ở vùng Vinh Hiền - Hà Trung cho là nơi mà vua Champa đã tổ chức lễ đón dâu long trọng đối với công chúa Huyền Trân4 và (3) Đảo Huyền Trân chính là Hòn Chảo hay còn gọi là Đảo Sơn Chà, Đảo Ngọc, Ngự Hải Đài5.

Dù ở vị trí nào thì rõ ràng, vùng cửa biển Tư Dung là nơi mà Huyền Trân công chúa ghi dấu ấn đậm nét trên phương diện lịch sử, văn học nghệ thuật cũng như tâm thức dân gian. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là tại sao công chúa Huyền Trân có công lao lớn trong việc mở mang bờ cõi, nhưng những miếu thờ của người Việt dành cho vị công chúa ngay ở vùng Ô, Rí (Thuận Châu, Hóa Châu) hầu như vắng bóng?

Điều này có lẽ cần giải thích từ sự độc tôn Nho giáo dưới triều Lê và Nguyễn với quan niệm Hoa Di6 vốn ảnh hưởng từ Trung Quốc được đẩy lên đến cực đoan. Chính quan niệm xem người Việt là trung tâm, xung quanh là các sắc dân Man, Di, kém văn minh, chưa được giáo hóa nên các triều đại phong kiến Việt Nam không ủng hộ việc nhà Trần gả công chúa cho vua nước Chiêm Thành. Các sử quan triều Lê cũng đã phê phán sự kiện này trong Đại Việt sử ký toàn thư:

“Ngày xưa Hán Cao Hoàng vì nước Hung Nô nhiều lần làm khổ biên cương, mới lấy con gái nhà dân làm công chúa gả cho thiền vu. Kết hôn với người không cùng giống nòi, các tiên nho đã từng chê trách, song dụng ý là muốn binh yên, dân nghỉ, thì còn có thể nói được. Nguyên Đế thì vì Hô Hàn sang chầu, xin làm rể nhà Hán, nên lấy nàng Vương Tường mà ban cho, cũng là có cớ. Còn như Nhân Tông đem con gái gả cho chúa Chiêm Thành là nghĩa làm sao? Nói rằng nhân khi đi chơi đã trót hứa gả, sợ thất tín thì sao không đổi lại lệnh đó có được không? Vua giữ ngôi trời mà Thượng hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi lại lệnh đó thì có khó gì, mà lại đem gả cho người xa không phải giống nòi để thực hiện lời hứa trước, rồi sau lại dùng mưu gian trá cướp về, thế thì tín ở đâu”7.

Theo đó, đối với công chúa Huyền Trân, các văn Nho thường thể hiện niềm xót thương hơn là ghi nhận công lao. Đây có lẽ chính là lí do mà công chúa Huyền Trân hầu như không được sắc phong như một người có công với đất nước và không có miếu thờ chính thức trên dải đất miền Trung8.

Cho đến đầu thế kỷ XXI thì ở miền Trung mới thực sự xuất hiện các miếu thờ được định danh là miếu Huyền Trân. Tại thành phố Đà Nẵng, tồn tại một ngôi miếu được xem là nơi thờ phụng công chúa Huyền Trân, còn có tên gọi khác là miếu Bà, ở chân núi Kim Sơn (nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Ngôi miếu này được trùng tu vào năm 2007, từ cặp đối Thiên Thu (天秋) - Vạn cổ (萬 古), người dân địa phương đã đặt thành cặp câu đối ở hai bên án thờ: “Quốc tôn thần nữ vọng muôn thu. Thiên tạo Kim Sơn danh vạn thế” (國尊神女望天秋. 天造金山名萬世). Tại cổng của miếu thờ còn có hai chữ Nôm: miếu Bà (廟妑) một cách phiếm xứng. Đáng chú ý là những dấu tích còn lại cho thấy đây vốn là một di tích kiến trúc Champa và ngày 16 tháng 02 Âm lịch hằng năm được chọn làm ngày tế lễ.

Ngoài ra ở Đà Nẵng còn có miếu Bà ở mỏm Hạc (làng Nam Ô) cũng được xem là nơi thờ Huyền Trân công chúa. Theo lưu truyền, thần vị được thờ ở miếu Bà là “Chúa Tiên Thần Nữ chi vị”. Năm 1915, sau khi miếu bị bão đánh sập, thần vị của Bà được thỉnh về miếu Liễu Hạnh. Hiện nay, Bà được phối thờ cùng Thánh mẫu Liễu Hạnh, Ngũ Hành nương nương tại miếu Liễu Hạnh (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu). Đặc biệt, người dân địa phương đã đồng nhất chúa Tiên thần nữ với Huyền Trân công chúa; lấy ngày 20 tháng 02 Âm lịch hằng năm làm ngày lễ vía.

Hiện tượng đồng nhất Huyền Trân và chúa Ngọc còn có thể thấy ở Quảng Trị. Đó là trường hợp miếu bà chúa Ngọc ở xóm Chùa (thôn Kim Đâu, xã Kim An, huyện Cam Lộ), sau nhiều lần trùng tu, vào năm 2010, một số tổ chức và cá nhân đã xây mới hoàn toàn và đặt tên là miếu Huyền Trân.

Chúng ta biết rằng, Chúa Tiên hay Chúa Ngọc chính là thần hiệu rút gọn của Chúa Ngọc Tiên Nương hay Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc mà nhà Nguyễn sắc phong cho Yang Inư Poh Nagar, nữ thần xứ sở của người Chăm. Từ các miếu ở Đà Nẵng và Quảng Trị nêu trên, có thể thấy một diễn trình chung: nơi thờ tự của một vị Mẫu thần của người tiền trú được người Việt tiếp nhận, tôn kính → được triều đình nhà Nguyễn đưa vào điển chế thờ tự và ban tôn hiệu → được đồng hóa với nơi thờ tự Huyền Trân công chúa vào thời hiện đại (đầu thế kỷ XXI). Sự tiếp nhận, chuyển hóa, điền thế này đồng thời phản ánh sự uyển chuyển, linh hoạt trong ứng xử của người Việt ở miền Trung đối với Thần và Người trên vùng đất mới cũng như trong quá trình tạo lập các giá trị văn hóa mới mà yếu tố hòa hợp, tri ân là nền tảng, cốt lõi.


Tại Thừa Thiên Huế, sự vắng bóng của miếu Huyền Trân công chúa cũng kéo dài cho đến năm 2006, khi Trung tâm Văn hóa Huyền Trân chính thức được Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang khởi công xây dựng tại núi Ngũ Phong (151 Thiên Thai, phường An Tây, thành phố Huế). Với tổng diện tích 28,5ha, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân gồm các hạng mục công trình: đền thờ Huyền Trân Công Chúa, đền thờ Đức Vua Trần Nhân Tông và các công trình phụ trợ khác, như: miếu Sơn Thần, miếu Thủy Thần, Tháp chuông Hòa Bình, tượng Phật Di Lặc, nhà Thư pháp, nhà Phong Lan, Thiền viện Hương Vân, rừng Thông, hồ Cá… Từ năm 2017, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân được chuyển giao cho Trung tâm Văn hóa Thông tin (nay là Trung tâm Văn hóa điện ảnh) thuộc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế quản lí. Cũng từ thời điểm này (2017), Trung tâm Văn hóa Huyền Trân tổ chức lễ hội “Ngưỡng vọng tiền nhân” hằng năm vào ngày giỗ công chúa (09 tháng Giêng) với nhiều hoạt động, như: dâng hương, tưởng niệm, Đại lễ cầu Quốc thái dân an, chương trình biểu diễn nghệ thuật tái hiện lịch sử, các trò chơi và nghệ thuật truyền thống, v.v.

3. Ý nghĩa của thực hành tín ngưỡng, lễ hội liên quan đến công chúa Huyền Trân và một số vấn đề đặt ra hiện nay

Thực tiễn hình thành các thiết chế cũng như thực hành tín ngưỡng, lễ hội liên quan đến công chúa Huyền Trân đã nêu trên cho thấy, đây là hoạt động tâm linh xuất hiện khá muộn. Sự hiện diện của các thiết chế này hoặc xuất phát từ nhu cầu của chính cộng đồng, từng bước tiếp biến trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần và được đồng thuận (trường hợp các miếu thờ ở Đà Nẵng) hay gây nên sự tranh cãi (trường hợp miếu thờ tại Quảng Trị)9; hoặc xuất phát từ kế hoạch của chính quyền địa phương (trường hợp đền Huyền Trân công chúa của tỉnh Thừa Thiên Huế), vừa phục vụ nhu cầu tâm linh, vừa hướng đến mục đích văn hóa - du lịch - sinh thái10. Dù con đường, thời điểm hình thành và quy mô đền miếu cùng thực hành nghi lễ khác nhau, song, các lễ hội liên quan đến công chúa Huyền Trân đều mang nhiều giá trị tích cực trong bối cảnh hiện nay:

- Giá trị lịch sử: Đền miếu và các lễ hội tưởng nhớ Huyền Trân công chúa được tổ chức theo định kỳ thời gian cùng tâm thức “uống nước nhớ nguồn” giúp gợi nhắc cho người đương thời về lịch sử, cội nguồn của vùng đất. Quá trình chuyển hóa những ngôi miếu phi Việt thành Việt, những nữ thần là nhiên thần tiền trú thành một nhân thần có gốc tích rõ ràng trong lịch sử cũng đồng thời phản ánh quá trình giao thoa, cộng hưởng, hòa hợp nhờ ứng xử mềm dẻo, khéo léo của người Việt. Sự gợi nhắc lịch sử thông qua các sự kiện kịch và thi tranh tài của lễ hội (như kịch bản nghệ thuật tái hiện cảnh công chúa Huyền Trân chấp nhận gả cho xứ khác để được mở mang bờ cõi nước nhà trong lễ hội đền Huyền Trân ở thành phố Huế; hội đua thuyền mô phỏng cảnh thủy quân Chiêm Thành đuổi theo tướng Trần Khắc Chung trong lễ hội ở Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng), ngoài giá trị nghệ thuật, vui chơi giải trí còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về đức hy sinh, sự can trường, về trách nhiệm và bổn phận với quốc gia, dân tộc, v.v. mà các bậc tiền nhân chính là những tấm gương sáng.

- Giá trị văn hóa: Lễ hội liên quan đến công chúa Huyền Trân góp phần làm đa dạng bức tranh văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, cùng với hoạt động tế lễ đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, các sinh hoạt văn hóa văn nghệ cổ truyền của địa phương (trò chơi dân gian, nhạc lễ, thư pháp, ẩm thực chay, biểu diễn võ thuật, thi đấu cờ người, ca Huế, v.v.) cũng có cơ hội được thực hành, nối tiếp, sáng tạo, bồi đắp, trao truyền.

- Giá trị xã hội: Thông qua hoạt động xây dựng, trùng tu, tôn tạo đền miếu hay tổ chức lễ hội nói chung, liên quan đến Huyền Trân công chúa nói riêng, sự gắn kết cũng như vai trò, năng lực giám sát và tự giám sát trong cộng đồng và giữa cộng đồng với các tổ chức Nhà nước, tư nhân được nâng lên. Sự tái lập hay tạo lập thêm những không gian riêng, thiêng và xanh (như trường hợp đền Huyền Trân công chúa ở thành phố Huế) cũng góp phần tạo nên sự cân bằng trong đời sống tinh thần của người dân thông qua các hoạt động thờ tự, chiêm bái, vãng cảnh. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh của nhịp sống hiện đại, vốn gấp gáp và phải đối diện với nhiều căng thẳng. Ngoài ra, từ chỗ hầu như không được thừa nhận công lao dưới thời Lê - Nguyễn, sự xuất hiện ngày càng nhiều đền/miếu thờ Huyền Trân công chúa ở miền Trung Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trên phương diện bình đẳng giới.

- Giá trị kinh tế: Truyền thuyết lịch sử, đền miếu, lễ hội liên quan đến Huyền Trân công chúa là những “nguồn lực mềm” góp phần vào phát triển kinh tế địa phương thông qua các hoạt động du lịch, lưu trú, tiêu dùng của người dân địa phương, du khách. Ngoài ra, một bộ phận người lao động có thêm cơ hội việc làm.

Tuy nhiên, những huyền thoại, di tích đền miếu và thực hành tín ngưỡng, văn hóa, du lịch liên quan đến công chúa Huyền Trân cũng đang phải đối diện với những vấn đề liên quan đến tính thiêng, bao gồm cả sự thiêng hóa lẫn giải thiêng; mối quan hệ giữa tính tâm linh và khai thác kinh tế. Đặc biệt, do Trung tâm Văn hóa Huyền Trân tại tỉnh Thừa Thiên Huế, với tính đặc thù của một trung tâm văn hóa - tâm linh, Trung tâm đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn thu phục vụ cho vệ sinh, chăm sóc sân vườn; phòng cháy chữa cháy, chăm lo thờ cúng tại các đền thờ, v.v.

Có thể nói rằng, Huyền Trân công chúa đã hiện diện trên mảnh đất miền Trung từ quá khứ đến hiện tại, từ khai mở đất đai đến góp phần tạo dựng bản sắc, hun đúc nên những giá trị gắn liền với nhu cầu tâm linh lẫn sinh kế của một bộ phận người dân nơi đây. Xây dựng và thực thi những chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt cũng như tạo điều kiện cho thực hành tín ngưỡng, du lịch tâm linh gắn liền với Huyền Trân công chúa, do đó, cần được sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan hữu quan, trước hết là các cơ quan trong lĩnh vực tôn giáo, văn hóa và du lịch.

N.T.T.H
(TCSH421/03-2024)

--------------------------
1 Vốn mang tên cửa Ô Long, dưới đời nhà Trần, cửa biển này được đổi thành Tư Dung; do kỵ húy của Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) nên dưới thời nhà Mạc, được gọi là Tư Khách; đến thời vua Thiệu Trị, được đổi thành Tư Hiền cho đến ngày nay.
2 Địa danh “Huyền Trân phù đảo” được nhắc đến trong câu: “Xích nhật dục uyên sơ xuất sắc/ Huyền Trân phù đảo thượng vi dung”, được Ngô Linh Ngọc dịch thơ: “Vầng nhật ửng hồng, nhô đáy vực. Đảo Huyền khoe biếc, nổi ngang dòng” (Theo https://www.thivien.net/).
3 Trần Đại Vinh (2020), Công chúa Huyền Trân trong tâm thức của hậu thế, https://ttvhda.thuathienhue.gov.vn.
4 Phương Thi (2010), Đảo nổi Huyền Trân, https://baothuathienhue.vn/du-lich/di-san-van-hoa/daonoi-huyen-tran -771.html
5 Đan Duy (2012), Sơn Chà - Đảo Ngọc, https://baothuathienhue.vn/thua-thien-hue-cuoi-tuan/diendan/son-cha-dao-ngoc-2962.html
6 Theo kinh điển thời Xuân Thu, các khái niệm “Hoa”, “Hạ”, “Trung Quốc”, “Trung Hạ”, “Trung châu”… dùng để chỉ vùng đất nhưng cũng có khi chỉ những người văn minh ở trung tâm, có lễ giáo, khu biệt với các sắc dân Man, Di, Nhung, Địch ở bốn phía xung quanh. (…) Từ quan niệm “trung tâm văn minh”, Á thánh của đạo Nho, Mạnh Tử chủ trương “dụng Hạ biến di”, đem văn minh tiên tiến của trung nguyên truyền bá ra xung quanh như công cuộc khai hóa. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận một phần văn hóa Hán, hấp thu tư tưởng Xuân Thu, vua tôi các nước Việt, Triều, Nhật đều tự nhận mình là Trung Quốc, Trung Hạ, tức chủ thể của một nền văn minh có đầy đủ lễ giáo, văn hiến không thua kém các triều đại Hán Đường” (“Quan niệm Hoa Di”, Tạp chí Tia Sáng, https://tiasang.com.vn/vanhoa/ky-2-quan-niem-hoa-di-6513/). Theo đó, người Việt tự nhận mình là văn minh, các tộc người bản địa phương Nam cần giáo hóa. Điều này được thể hiện trong nội dung văn cúng của người Việt ở miền Trung, thường nhắc đến các đối tượng Chăm, Chợ, Mọi, Rợ, Man, Di…
7 Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Hoàng Văn Lâu (dịch và chú thích), Hà Văn Tấn (hiệu đính), Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1998, tr. 90.
8 Quan niệm này cũng có thể để giải thích cho trường hợp các con gái của chúa Sãi (Hi Tông Hoàng Đế) là Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II (1620) và Ngọc Khoa được gả cho vua Champa là PôRôMê (1631) đều không được ghi lại trong mục “Công chúa” của Đại Nam liệt truyện: “Hoàng nữ Ngọc Vạn. Là em cùng mẹ với hoàng trưởng tử Kỷ. Không có truyện”; “Hoàng nữ Ngọc Khoa. Cũng là em cùng mẹ với hoàng trưởng tử Kỷ. Không có truyện. Trong khi đó hôn phối của các công chúa còn lại của chúa Sãi là Ngọc Liên và Ngọc Đĩnh đều được ghi lại đầy đủ: “Hoàng nữ Ngọc Liên là chị cùng mẹ với hoàng tử Kỷ, bà lấy Trần biên doanh trấn thủ Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh (Vinh là con trưởng Mạc Cảnh Huống, được ban quốc tính, sau lại đổi làm họ Nguyễn Hữu”; “Hoàng nữ Ngọc Đĩnh. Sinh mẫu là ai không rõ. Chúa Ngọc Đĩnh lấy phó tướng Nguyễu Cửu Kiều. Năm Giáp Tỵ (1684, Lê Chính Hòa năm thứ 5), mùa đông, Ngọc Đĩnh mất” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện - tập 1, Viện Sử học dịch, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 67 - 68).
9 Xem thêm “Ai đã biến đền thờ Bà Chúa Ngọc thành đền thờ Huyền Trân công chúa?”, https://baoxaydung.com. vn, cập nhật ngày 31/07/2013.
10 Tại quyết định số 2643/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, phường An Tây, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định rõ tính chất của Trung tâm “là nơi để tôn thờ tưởng nhớ đến công đức của Huyền Trân công chúa. Là trung tâm văn hóa, du lịch sinh thái”.

 

Tài liệu tham khảo:

1. “Ai đã biến đền thờ Bà Chúa Ngọc thành đền thờ Huyền Trân công chúa?”, https://baoxaydung.com.vn, cập nhật ngày 31/07/2013.
2. Báo cáo về tình hình Tổ chức và Hoạt động của Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2021.
3. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Hoàng Văn Lâu (dịch và chú thích), Hà Văn Tấn (hiệu đính), Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1998.
4. Đại Nam liệt truyện - tập 1, Viện Sử học dịch, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 67 - 68.
5. Đan Duy (2012), Sơn Chà - Đảo Ngọc, https://baothuathienhue.vn.
6. “Quan niệm Hoa Di”, Tạp chí Tia Sáng.
7. Quyết định số 2643/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, phường An Tây, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
8. Phương Thi (2010), Đảo nổi Huyền Trân, https://baothuathienhue.vn.
9. Trần Đại Vinh, “Công Chúa Huyền Trân trong tâm thức của hậu thế”, http://tapchisonghuong.com.vn.

 

 

Các bài mới
Chùm thơ Kim Loan (17/04/2024)
Mặt nạ giấy (12/04/2024)
Các bài đã đăng
Khúc ru (01/04/2024)