Tạp chí Sông Hương - Số 421 (T.03-24)
Sóng gió quan trường
14:38 | 09/04/2024


NGUYỄN ANH TUẤN

Sóng gió quan trường
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

1.

Nguyễn Khoa Đăng bật dậy lúc tảng sáng. Toàn thân ướt đẫm mồ hôi. Chàng lại gặp ác mộng. Đã mấy đêm liền. Trong cơn mộng mị, chàng thấy mình lạc vào giữa một khu rừng u ám. Chàng chạy mãi, chạy mãi mà chẳng thể tìm được lối ra. Bất giác, chân chàng vấp phải thứ gì đó khiến người ngã sập xuống. Lồm cồm bò dậy, chàng kinh hoàng khi thấy những xác người trước mặt. Đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con. Chàng nhìn xuống dưới chân, một người đầu còn rỉ máu, mắt trừng lên, trắng đục, những tia máu đỏ rực trong hai con ngươi ửng lên như tích đầy oán khí. Chàng giật bắn người, lùi lại, cố định thần thì bất ngờ, giữa xác người bỗng có tiếng động. Hay đúng hơn là những tiếng thở “khò khè”. Những xác chết bắt đầu cựa quậy. Đầu tiên là một người đàn ông, bụng bị đâm, nhầy nhụa. Tiếp là một người đàn bà tóc tai rũ rượi, cổ có một vết lõm sâu, máu đỏ ròng ròng. Tiếp nữa, một cái xác không đầu cũng từ từ bò dậy, quay qua bên này, quay qua bên kia như đang tìm kiếm thứ gì đó. Và cứ thế, những xác người đều bật dậy, lê từng bước về phía Nguyễn Khoa Đăng. Mặt cắt không còn giọt máu trước cảnh tượng quỷ dị, nhưng vốn là con nhà võ tướng, chàng cố sức trấn tĩnh, tuốt gươm, hét lớn:

Ta là Nguyễn Khoa Đăng, quan Nội tán kiêm Án Sát sứ của Chúa thượng, một đời ta liêm chính, chí công, há lại sợ lũ ma quỷ bọn mi bày trò hù dọa”.

Nghe đến đó, những cái xác chững lại rồi gào khóc thảm thiết. Nghe bi thương, ai oán và não nề. Duy chỉ có cái xác không đầu vẫn lững thững bước tới, hai tay với ra phía trước. Nguyễn Khoa Đăng lùi lại, thủ thế. Tay siết chặt thanh gươm. Tập trung cao độ. Và rồi, khi chỉ còn vài bước, cái xác không đầu cúi xuống nhặt lấy chiếc đầu lâu mà Nguyễn Khoa Đăng vấp phải lúc nãy. Cái đầu được đặt lại trên cổ. Sau một lúc căn chỉnh, đầu với thân đã nhất thể làm một. Khuôn mặt trên cái đầu lúc nãy còn đơ cứng thì giờ, mắt, miệng đã bắt đầu hấp háy cử động. Một ông lão lớn tuổi hiện ra, đưa mắt chằm chằm nhìn Nguyễn Khoa Đăng như muốn nói điều gì đó.

Ông là ai? Các ngươi là ai?” -Nguyễn Khoa Đăng lớn tiếng hỏi để cố xua đi nỗi sợ hãi.

Ông lão đáp lại:

Truông nhà Hồ…”.

Truông nhà Hồ…” - Đám xác người cũng gào theo. Thảm thiết.

Nguyễn Khoa Đăng ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Bất ngờ, thanh gươm trên tay chàng bỗng hóa thành một con rắn màu trắng. Nó nhe hàm răng sắc nhọn rồi đớp thẳng vào mặt khiến chàng kinh hãi hét lên. Cũng nhờ vậy, chàng mới thoát khỏi cơn chiêm bao đã hành hạ mình. Là người không tin vào chuyện quỷ thần, nhưng mấy đêm liền mơ thấy những xác người gào khóc réo gọi “truông nhà Hồ” khiến Nguyễn Khoa Đăng không khỏi hồ nghi. Một điềm báo chăng?

Vừa lúc ấy, lính vào cấp báo. Một toán quân đi tuần phát hiện hơn chục thi thể ở khu vực bìa rừng, cách dinh phủ của Nguyễn Khoa Đăng khoảng ba mươi dặm về phía Tây. Chàng vội vã đến hiện trường. Sửng sốt không tin vào mắt mình. Những xác người bị đâm bụng, bị xiên cổ, bị chém đầu, đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con nằm la liệt. Cảnh tượng y hệt như trong giấc mơ. Những cái xác đã bắt đầu phân hủy, mùi thối rữa bốc lên nồng nặc. Vài người lính nôn thốc nôn tháo vì không chịu được mùi tử khí, nhưng Nguyễn Khoa Đăng vẫn lại gần để khám nghiệm tử thi. Nhìn trang phục của các nạn nhân và những gì còn sót lại, chàng đoán, họ là một gia đình thương buôn giàu có, khi đi qua đây đã bị cướp bóc và giết hại. Chàng dừng lại ở cái xác cuối cùng. Đó là một cái xác bị chém cụt đầu. Nhìn cái đầu lâu cạnh đó mấy bước, Nguyễn Khoa Đăng hãi hùng. Dẫu đã bị biến dạng một phần, nhưng đường nét trên khuôn mặt vẫn khiến chàng nhận ra.

Đó là ông lão mình gặp trong giấc mơ.

2.

Sau khi hậu táng cho những người xấu số, Nguyễn Khoa Đăng trở về dinh phủ trong sự căm phẫn tột độ. Nơi gia đình thương buôn gặp nạn chính là “truông nhà Hồ” - vùng đất khét tiếng hiểm địa của xứ Đàng Trong. Nằm ở khu vực tiếp giáp giữa hai châu Bố Chính và Minh Linh (nay thuộc hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị), đây là vùng rừng núi hoang vu, cây cối rậm rạp. Thuở đó, con đường thiên lý Bắc - Nam phải đi qua đây. Là đường độc đạo để giao thương nên chốn này luôn tấp nập thương nhân, người dân qua lại. Với địa thế như vậy, một băng cướp đã chọn làm nơi tụ họp và thường xuyên cướp bóc người đi đường. Lũ cướp rất manh động và tàn ác. Hễ ai đi qua đều bị cướp sạch, giết sạch, đến mức dân gian còn lưu truyền rằng:

Thương em, anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang

Gia đình thương buôn bị hại đã là vụ việc thứ ba, kể từ khi quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng đến kinh lược ở Hồ Xá (Quảng Trị). Chàng thề phải tiêu diệt bằng được lũ hung ác, trừ họa cho dân, phải tận tay thiêu trụi cái truông nhà Hồ khét tiếng mới hả giận. Thấy quan Nội tán ngồi suy tư mãi không thôi, cậu gia đinh thân tín mới lân la hỏi chuyện:

- Bẩm! Có gì làm quan không vui ạ?

Nguyễn Khoa Đăng quay lại:

- Con tin có ma quỷ không?

Cậu gia đinh ngạc nhiên, gãi đầu:

- Dạ, con nghe kể nhiều mà chưa gặp bao giờ. Nhưng con tin là có ạ. Mà sao quan lại hỏi vậy ạ?

- Có lẽ... ta đã gặp ma rồi.

Cậu gia đinh kinh hãi khi nghe Nguyễn Khoa Đăng kể về cơn ác mộng. Cậu chăm chú lắng nghe, tóc gáy dựng đứng từ lúc nào không hay. Vốn chủ nhân của cậu là người cương trực, khẳng khái nên không tin vào mấy chuyện ma quỷ. Thế nhưng, sự trùng khớp của các chi tiết trong giấc mơ với sự việc bày ra trước mắt khiến cho Nguyễn Khoa Đăng không khỏi đăm chiêu.

- Nhưng ta nghĩ… - Nguyễn Khoa Đăng chậm rãi nói - Nếu ma quỷ có thật, chúng cũng chỉ dọa người, chứ chẳng thể hại người. Xưa nay, ta chỉ thấy người hại người mà thôi. Con người mới là loài ma quỷ đáng sợ nhất thế gian.

Nghe thế, mặt cậu bé trắng bệch:

- Quan đừng làm con sợ…

Nguyễn Khoa Đăng cười phá lên trước sự nhát gan của cậu bé. Vừa lúc ấy, lính lại vào báo. Có người đến xin gặp. Chàng nghĩ thầm, chắc lại vị quyền quý nào đó đến xin cho mấy thuyền buôn bị bắt đây mà. Chuyện là từ lúc kinh lý xứ này, Nguyễn Khoa Đăng đã cho kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán của thương nhân và giám sát việc thu thuế của quan lại địa phương. Nhiều thuyền lớn bị phát hiện buôn lậu, chủ thuyền bị phạt đánh và tịch thu hàng hóa. Nhiều quan viên, binh lính nhận hối lộ bị xử nặng, kẻ bị giáng chức, kẻ bị đánh đòn. Một đồn mười, mười đồn trăm, cánh thương buôn khắp vùng đều khiếp uy quan Nội tán, không dám trốn thuế, còn lũ quan viên cũng không dám hó hé ăn hối lộ như trước. Trong số các thuyền buôn bị giữ, có thuyền là của con cháu, thân thích của các quan lại quyền thế. Đã mấy ngày nay, dinh quan Nội tán không lúc nào vắng người đến xin xỏ.

Người xin gặp ra mắt. Hắn dâng lên một mâm vàng rồi khẩn khoản chuyển lời của chủ nhân.

- Hãy về nói lại với chủ của ngươi, việc ngài ấy nhờ, ta không thể giúp.

Nguyễn Khoa Đăng lắc đầu. Kẻ chuyển lời sửng sốt trước thái độ dứt khoát của quan Nội tán. Ngay cả khi, hắn đã nói rõ danh tính của chủ nhân mình, là thân tín của một người quyền thế nhất nhì xứ Đàng Trong, đến cả Chúa thượng cũng phải nể mặt đôi phần. Hắn cố van nài.

- Bẩm… xin ngài xét cho...

- Ta chỉ làm theo phép nước. Ngươi đem vàng về đi. Còn nhiều lời nữa là ta cho lính đuổi cổ ra đó.

Nguyễn Khoa Đăng trừng mắt. Kẻ chuyển lời không dám nói gì thêm. Hắn cúi chào rồi đem mâm vàng ra về. Rời khỏi dinh một đoạn, hắn rẽ sang một hẻm vắng, cột bức thư vào chân con chim bồ câu rồi tung nó lên trời. Hắn đoán, nhận được thư, chủ nhân của hắn sẽ tức giận lắm đây.

Vượt gần trăm dặm đường, con bồ câu dừng lại trước một dinh thự bề thế. Đó là nhà của quan Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thế. Một gia nhân bắt lấy con chim, tháo bức thư rồi đem vào trong. Nguyễn Cửu Thế xem thư, mặt không biến sắc, chậm rãi nhìn vị khách ngồi trước mặt mình, cất lời:

- Nguyễn Khoa Đăng là kẻ có tài, nhưng xem ra không hiểu đạo làm quan.

Vị khách bí ẩn đặt tách trà xuống bàn, đáp:

- Có lẽ… tôi phải đi một chuyến.

Nguyễn Cửu Thế vội đáp:

- Trăm sự trông cậy ở ngài.

Vị khách sầm nét mặt. Gật đầu.

3.

Một chiều nọ, trên con đường xuyên qua truông nhà Hồ, thấp thoáng mấy chiếc xe ngựa ì ạch trên đoạn đường gồ ghề. Có vẻ như là người từ xa đến. Biết vùng này có giặc cướp nên ai cũng lo lắng, cố vượt qua ngọn đồi trước khi mặt trời lặn. Thế nhưng, mọi động tĩnh của họ đã bị theo dõi chặt chẽ từ khi bước chân đến bìa rừng. Một tiếng hú vang lên, từ trong lùm cây, hơn chục tên cướp xông ra. Người trên các xe liền hoảng hốt bỏ chạy. Đám cướp đuổi theo nhưng không bắt được ai. Tên đầu lĩnh hạ lệnh không cần truy đuổi. Đoạn, hắn đến các thùng xe, mở ra bên trong toàn là thóc lúa. Đám cướp hí hửng đánh xe đưa chiến lợi phẩm về hang ổ.

Khi bọn cướp chuẩn bị chuyển các thùng gỗ xuống, tên đầu lĩnh phát hiện có điều bất thường. Ở xe ngựa cuối cùng, dưới đáy thùng xe có một lỗ thủng, thóc lúa từ đó rơi ra, vương vãi cả đoạn đường từ chỗ cướp hàng đến tận sào huyệt của chúng. Hắn giật mình:

- Trúng kế rồi!

Vừa dứt lời, chiếc ván gỗ đậy thùng xe bật ra, một người lính nhảy xuống, tay lăm lăm thanh mã tấu. Tiếng tù và nổi lên. Quan quân từ đâu ập đến. Thì ra, quan Nội tán đã cho người giả làm thương nhân chở hàng dẫn dụ bọn cướp, rồi bí mật cho một người lính nằm trong thùng xe rải thóc làm dấu dẫn đường cho quan quân tiến vào hang ổ của lũ thảo khấu.

- Lũ giặc cướp chúng bay đã đến ngày đền tội.

Nguyễn Khoa Đăng quát lớn. Quan quân lao vào đánh giết dữ dội. Đám cướp tan rã, quá nửa bị giết, số còn lại bị bắt. Nguyễn Khoa Đăng cho khám xét, thu giữ nhiều của cải, khí giới. Đoạn, cho người châm lửa, đốt sạch hang ổ của bọn cướp. Ngọn lửa bừng lên, thiêu trụi cả một ngọn đồi. Lửa bốc cao nghi ngút, rực đỏ cả góc trời. Trong tiếng lửa cháy phừng phực, người ta nghe được những âm thanh kỳ quái, tựa như những tiếng khóc ai oán của những linh hồn vong mạng dưới tay bọn thảo khấu hung ác.

Tin về bọn cướp truông nhà Hồ bị quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng diệt trừ làm chấn động cả xứ Đàng Trong. Nguyễn Khoa Đăng sai đóng cũi rồi giải bọn cướp về Chính dinh1 xử tội. Dân chúng đổ ra xem rất đông, chật kín cả đường đi, họ gào thét dữ dội, hò nhau ném đất đá, rau củ, trứng thối vào chúng khiến quan quân vất vả lắm mới áp giải được đến nơi.

Trăng lên cao. Nguyễn Khoa Đăng nhẹ nhõm chìm vào giấc ngủ sau một ngày lao lực. Cơn chiêm bao lại đến, chàng gặp lại những oan hồn mấy đêm trước. Nhưng họ không còn hình hài quỷ dị nữa, ai nấy đều trong hình người, mặt mũi sáng sủa, áo quần sạch sẽ. Họ quỳ xuống, cảm tạ ân đức của quan Nội tán rồi dần dần biến mất. Duy chỉ có ông lão cụt đầu vẫn nấn ná chưa đi.

- Ông muốn nói gì với ta chăng?

- Bẩm quan…- Ông lão ấp úng - Thiên cơ bất khả lộ, làm trái sẽ bị trời phạt… nhưng cảm tạ ân đức của ngài, lão xin có lời này…

Nguyễn Khoa Đăng chăm chú lắng nghe.

- Ngài sắp gặp họa, hãy cẩn trọng phòng thân…

Chưa kịp hết lời, một luồng sáng rọi tới, ông lão đã tan biến vào hư vô.

4.

Từ sau lần dẹp yên lũ cướp truông nhà Hồ, Nguyễn Khoa Đăng không còn gặp ác mộng nữa. Lời của ông lão trong giấc mơ chẳng còn vương lại tâm trí, nhường chỗ cho những bộn bề chính sự. Mà đúng hơn là cho điều khổ tâm trong chàng bấy lâu. Chúa thượng giao cho chàng điều tra một vụ án tham ô liên quan đến nhiều quan lại trong triều. Ròng rã năm trời, nay đã có kết quả. Bản danh sách quan lại nhúng chàm có đến mấy chục người, toàn những người không dễ động tới. Trong đó, có một người khiến chàng băn khoăn mãi.

Thế rồi, đêm nay, chàng lại bị đánh thức. Không phải bởi cơn ác mộng với những hình hài quỷ dị, mà là một người chàng mang ơn rất lớn. Đó chính là quan Cai bạ Phạm Lễ, ân sư của chàng. Hay tin chàng đi kinh lý đến Cam Lộ, quan Nha úy không quản đường xa đến thăm người trò cũ. Hai thầy trò gặp nhau, mừng rỡ khôn xiết. Trăng lên cao. Chén rượu ngà ngà nhưng hai thầy trò vẫn trùng phùng không dứt.

- Ta rất tự hào về con. Nhưng cũng rất lo lắng cho con.

Phạm Lễ thấp giọng khiến cuộc rượu đang cao hứng bỗng trầm lại.

- Ân sư có điều chỉ dạy chăng? -Nguyễn Khoa Đăng kính cẩn.

Phạm Lễ trầm ngâm một hồi. Trong số các học trò, Nguyễn Khoa Đăng là người mà ông yêu mến nhất. Chàng là người có tư chất thông minh, lại con nhà thế phiệt, mười tám tuổi đã ra làm quan, được bổ Văn chức viện rồi được thăng đến Nội tán kiêm Án Sát sứ coi hết việc quân quốc trọng sự, định rõ điều lệ. Vừa rồi đã dẹp tan đám cướp khét tiếng ở truông nhà Hồ, xong lại cho dân đào nắn ở phá Tam Giang, giúp thuyền bè đi lại dễ dàng, dân chúng ai nấy đều ca tụng. Chúa thượng hài lòng lắm. Tương lai của chàng đầy hứa hẹn, gia tộc Nguyễn Khoa tiếp tục được rạng danh, người làm thầy của chàng cũng được tiếng thơm lây.

Nhưng Nguyễn Khoa Đăng cũng là người khiến ông lo lắng nhất. Bởi chàng vốn tính cương trực, khẳng khái, không e sợ cường quyền, nên nhiều kẻ oán ghét, ngặt vì Chúa thượng mà chưa dám làm gì.

- Ta luôn dõi theo con và biết được những gì mà con đã làm. Từ đòi nợ hoàng thân quốc thích ăn tiêu xa xỉ, mượn tiền kho lâu trả, đến ban lệnh hạn chế mua thịt, ai mua nhiều thì bắt tội, rồi bắt gian thương buôn lậu, xử phạt quan viên ăn hối lộ, tới dẹp thảo khấu ở truông nhà Hồ, bắn súng ở phá Tam Giang…

Nguyễn Khoa Đăng vẫn kính cẩn lắng nghe.

- Nhưng quan trường hiểm ác. Nước trong thì không có cá, người cương trực thì hay ôm họa. Con phải biết trên dưới, biết trước sau, biết lợi hại, biết nặng nhẹ, biết cứng mềm thì mới mong tồn tại được ở cái chốn quan trường quyền mưu chìm nổi ấy. Đôi khi, chừa cho kẻ khác một con đường lui cũng là đang chừa cho mình một con đường sống. Con cứ đắc tội hết người này đến người khác, là có ngày chuốc họa.

Phạm Lễ tin là Nguyễn Khoa Đăng hiểu được ý tứ sâu xa mà mình muốn gửi gắm.

- Ân sư. Nhưng chẳng nhẽ, chỉ vì cái lợi riêng mình mà bịt mắt, che tai mặc cho kẻ quyền thế lộng hành, chà đạp vương pháp, hà hiếp lê dân. Đó đâu phải là cái đạo của người làm quan.

Nghe đến đó, Phạm Lễ không kiềm chế được, lớn tiếng:

- Đạo làm quan. Con lăn lộn quan trường được bao nhiêu mà đòi dạy ta về đạo làm quan? Giờ con được Chúa thượng chống lưng nên mới thỏa sức hành sự, nhưng nay mai thiên hạ đổi chủ, liệu chắc còn được tin dùng như trước. Khi đó, con có sống yên được với đám quyền thế đang hận con thấu xương kia không?

Nguyễn Khoa Đăng cúi đầu mong ân sư bớt giận. Chàng không nghĩ thầy lại kích động vì lời tỏ bày của mình đến thế.

Phạm Lễ nói tiếp:

- Con còn muốn bao nhiêu quan viên phải bị bắt nữa thì mới chịu dừng lại?

Nghe đến đó, Nguyễn Khoa Đăng không thể tiếp tục im lặng.

- Ân sư, thực lòng con không muốn đẩy ai vào chốn lao ngục. Nhưng luật Chúa đã ban, con phải thi hành. Những kẻ con bắt đều là bọn gian tham, mọt dân hại nước, tuyệt không có ai oan ức cả.

Phạm Lễ phá lên cười chua chát:

- Thói đời, dân thì gian, quan thì tham. Con đã tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của cái tệ “tham” trong hàng ngũ quan lại hay chưa?

Nguyễn Khoa Đăng không đáp, để Phạm Lễ tiếp lời.

- Quan hay dân đều cũng là người. Đều phải ăn, phải mặc, đều phải báo hiếu mẹ cha, đều phải chăm lo vợ con, vun vén cửa nhà. Khi chuyện cơm áo đè nặng tâm trí, con muốn họ vẫn thanh liêm để làm việc, không gian, không tham ư?

- Thưa thầy, quan viên đã có bổng lộc của triều đình chu cấp, không thể lấy đó mà bao biện cho việc…

- Bổng lộc của triều đình ư? Con biết bây giờ, một đấu thóc ngoài chợ bao nhiêu tiền không? Lương bổng bình quân của một quan viên trong một tháng mua được bao nhiêu đấu thóc. Từng đó thóc chia ra mấy miệng ăn gồm vợ chồng, con cái thêm cả cha mẹ già thì ăn được trong mấy ngày?

Nguyễn Khoa Đăng vẫn chưa vội đáp, kính cẩn rót rượu cho ân sư. Chàng muốn để thầy nói hết những nỗi niềm còn chất chứa. Chén rượu nồng đi qua cuống họng khiến Phạm Lễ sảng khoái đến lạ, tiếp tục cao hứng:

- Ta ủng hộ việc con đang làm. Nghiêm trị tham ô để răn đe các quan và làm yên lòng dân chúng. Nhưng nó chỉ mới diệt được cái ngọn của tham ô. Còn cái gốc rễ sâu xa thì chưa. Từ khi Chúa thượng ra sức chống tham ô, biết bao quan viên bị tra xét, kẻ bị chém, bị tống ngục, bị lưu đày, bị cách chức. Lòng người hoan hỉ lắm nhưng mà con thấy đó, tệ tham ô vẫn như đầu Phạm Nhan, chặt chỗ này lại mọc chỗ kia, mãi không hết được?

- Căn nguyên sâu xa mà ân sư muốn nói phải chăng là bản tính tham lam của con người? Nó khiến người ta không còn biết sợ mà bất chấp tất cả?

Phạm Lễ gật gù:

- Đúng rồi! Không hổ là trò giỏi của ta. Khà… khà… Con người ai mà không tham. Người thì tham danh, kẻ thì hám lợi. Chúng ta đâu có phải là thánh nhân. Mà thánh nhân có hạ phàm với cái bụng đói meo thì cũng chẳng làm được chi cho đời. Cách chống tham ô hữu hiệu nhất chính là làm sao cho quan viên không muốn tham ô, không cần phải tham ô. Khi gia đình được no đủ, chẳng phải lo chạy bữa từng ngày thì tự khắc họ sẽ biết ơn trời bể của triều đình mà hết lòng tận tụy, ra sức vì nước vì dân.

- Nhưng lòng tham của con người là vô đáy. Biết bao nhiêu cho đủ ạ. Trong khi ngân khố quốc gia thì có hạn.

Phạm Lễ chững lại một lúc.

- Nhưng chí ít cũng không nên để quan viên hết gạo chạy rông. Rồi ngay cả chuyện xử lý quan lại tham ô, cũng phải có tình, có lý. Luật pháp của triều đình cũng còn nhiều bất cập, làm sao bắt các quan viên tránh khỏi sai sót cho được. Phàm chuyện công vụ, kẻ làm nhiều thì sai nhiều, kẻ làm ít thì sai ít, kẻ chẳng làm gì thì mới không sai. Có những quan viên vì hoàn cảnh đưa đẩy mà trót nhúng chàm, nay đã biết hối cải, ra sức làm việc để bù đắp lỗi lầm, thì cũng nên khoan dung cho họ. Chứ đè cổ ra mà bắt hết, xử hết thì lấy ai làm việc cho triều đình nữa?

Nguyễn Khoa Đăng lắc đầu:

- Làm thế khác nào dung túng cho việc làm sai mà không phải chịu trách nhiệm. Thế là cứ mặc sức làm sai rồi ăn năn hối lỗi là được xóa hết tội trạng ư? Chúng ta nghe được nhưng dân chúng liệu có nghe được không ạ?

Phạm Lễ thở dài:

- Con vẫn bướng bỉnh như xưa. Nguyễn Khoa Đăng im lặng. Hụt hẫng khó tả.

Không phải chàng vẫn bướng bỉnh như xưa. Mà ân sư đã không còn như xưa nữa rồi. Người thầy mảnh khảnh năm đó trong chiếc áo sờn vai, say sưa giảng cho chàng về trung nghĩa, về liêm chính, về quan nhất thời, dân vạn đại, về dân là gốc, dân như nước, nước chở thuyền cũng lật được thuyền… Người thầy ấy giờ đây lạ lẫm, béo trắng, mập mạp trong chiếc áo lụa sang trọng, nói những điều mà chàng nghe cũng lạ lẫm không kém.

Điều gì đã khiến thầy thay đổi chỉ qua từng ấy năm?

Ôi! Vinh hoa chăng? Phú quý chăng?

Những thứ xưa kia thầy chỉ xem là áng phù vân.

- Nếu một ngày… người con phải bắt… là ta. Chúa thượng cho con được quyền bắt hay không bắt. Liệu con có bắt không?

Phạm Lễ quyết định ngửa bài, chăm chú nhìn người học trò yêu quý, hồi hộp chờ đợi đáp án. Nguyễn Khoa Đăng không đáp, rời khỏi ghế, dập đầu xuống đất thật mạnh ba cái. Chàng hiểu ý thầy nhưng không biết đáp sao cho phải, đành mượn lễ mà tỏ bày. Phạm Lễ có được câu trả lời, bèn đứng phắt dậy:

- Quan Nội tán nghỉ ngơi. Tôi không làm phiền ngài nữa.

- Ân sư… Con…

- Có câu cuối này, tôi muốn nói với ngài. “Ném chuột” thì “vỡ bình”. Nếu ngài cứ khăng khăng ném chuột, chẳng màng đến chiếc bình. Thì một khi bình vỡ, người bị đứt tay sẽ chính là ngài.

Đoạn, Phạm Lễ dứt áo quay đi. Nguyễn Khoa Đăng nhìn theo, bùi ngùi nhưng chẳng thể níu. Sau đêm nay, chàng và ân sư, học trò và thầy giáo, hai người hai ngả, chẳng thể nhìn mặt nhau nữa rồi. Hai mắt chàng nhòe đi. Bản danh sách vẫn còn dắt trong người. Đã có lúc chàng yếu lòng, toan lấy nó ra. Nhưng chàng đã không thể. Cả ngàn nạn dân đói rét vì lũ tham quan cắt xén cứu trợ của triều đình không cho phép chàng làm điều đó. Chàng phải bắt chúng đền tội. Dù cho những kẻ đó có là ai.

Trong chiếc áo lụa màu trắng, Phạm Lễ chìm dần vào màn đêm. Mờ mờ, ảo ảo như một con rắn trắng.

5.

Nguyễn Cửu Thế ung dung nhấp ngụm trà trong khi Phạm Lễ đứng ngồi không yên.

- Phạm đại nhân, trời đã sập đâu?

Phạm Lễ cau mày:

- Đến lúc này, ngài còn uống trà được à? Ngài giả chiếu thư triệu Nguyễn Khoa Đăng…

Nguyễn Cửu Thế cười phá lên:

- Sao lại là tôi? Phải là “chúng ta” chứ?

Phạm Lễ bị nắm thóp, không nói được nữa. Lòng như lửa đốt. Vừa lúc ấy, hơn chục người che mặt xuất hiện. Tên đầu lĩnh cao lớn bước tới, nhìn Nguyễn Cửu Thế toan bẩm báo nhưng thấy Phạm Lễ thì ngập ngừng không nói.

- Không sao. Cứ nói đi.

Nguyễn Cửu Thế ra lệnh. Tên đầu lĩnh lấy từ trong người ra một bản tấu chương dính máu. Nguyễn Cửu Thế mở xem rồi chuyển cho Phạm Lễ.

- Nếu bản tấu này về đến Chính dinh, tôi và ngài sẽ bị chém cả họ.

Phạm Lễ run rẩy khi đọc thấy mình ở hàng thứ ba trong danh sách của bản tấu. Giờ đây, mọi chuyện đã được hé lộ. Năm Nhâm Dần (1722), một dải từ Bố Chính đến Cam Lộ gặp lũ lụt. Chúa Nguyễn Phúc Chu giao một người thân tín trong họ xuất kho cứu trợ dân chúng. Nhưng kẻ quyền thế này lại bòn rút của công, khiến cho lương thực triều đình đến tay nạn dân chỉ còn là cháo loãng. Chúa biết chuyện nhưng không có chứng cứ, bèn sai Nguyễn Khoa Đăng vờ đi kinh lý ở Hồ Xá để điều tra. Nguyễn Cửu Thế và Phạm Lễ là thân tín của kẻ vai vế kia. Họ tìm cách ngăn cản Nguyễn Khoa Đăng điều tra chân tướng. Nhưng giấy không bọc được lửa, họ lại dùng thủ đoạn để chàng thỏa hiệp nhưng bất thành. Mùa hạ năm Ất Tỵ (1725), Chúa Nguyễn Phúc Chu mất. Nguyễn Cửu Thế vu cho Nguyễn Khoa Đăng mưu việc phế lập rồi giả chiếu cho đòi về, giữa đường bố trí người mà giết đi.

- Thế còn Nguyễn Khoa Đăng… - Phạm Lễ run rẩy hỏi.

Tên sát thủ đáp:

- Hắn đã vong mạng rồi.

Phạm Lễ gục xuống. Rụng rời. Đau nhói. Nguyễn Cửu Thế lắc đầu:

- Nguyễn Khoa Đăng có tài. Nhưng không hiểu đạo làm quan. Cứ cho là hắn tra xét được chân tướng, thì liệu Chúa thượng có xuống tay được với người nhà của mình. Xưa nay, kẻ trí mấy ai “ném chuột” mà để “vỡ bình”. Người nhà của Chúa mà Chúa quản không nghiêm, để vỡ lở ra, mặt mũi của Chúa thượng để đâu.

Đoạn, Nguyễn Cửu Thế châm lửa. Bản tấu chương hóa thành tro. Lửa chưa tắt, một tiếng sét dữ dội giáng xuống, Phạm Lễ chết ngay tại chỗ, thân thể cháy đen, khét lẹt. Nguyễn Cửu Thế kinh hãi khuỵu xuống. Giữa ban trưa mà sét đánh chết người thì chỉ có là trời phạt. Hắn run rẩy hiểu rằng: “Có những thứ giấu được người nhưng chẳng thể giấu được trời”.

Còn về quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng, sau khi mất, ngài được an táng ở Quảng Trị rồi cải táng trong khu đất của dòng họ Nguyễn Khoa ở thôn Tứ Tây, xã Thủy An, Huế. Ghi nhớ công đức của ngài, dân gian truyền tụng rằng:

Thương em, anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ, Nội tán cấm nghiêm

Ngẫm ra, đạo làm quan muôn hình muôn vẻ. Một kiếp bể dâu, giữa vòng tranh đoạt, nhắm mắt xuôi tay có mang được gì. Chỉ có tiếng thơm lưu truyền hậu thế.

6.

Con đò cập bến cũng là lúc lão lái đò tóc bạc kết thúc câu chuyện. Những người đi đò lần lượt xuống bến, không thôi bàn tán xì xầm về chuyện lão kể. Người tin, kẻ ngờ, nói qua nói lại, râm ran cả bến. Duy chỉ có hai người khách vẫn chưa rời đi. Đó là một thanh niên khá trẻ, ăn mặc sang trọng, nói mình làm nghề buôn vải, lên Phú Xuân để kiếm mối làm ăn, đi cùng là người hầu của anh ta.

- Vì răng lão lại chọn cái kết đầy “huyền ảo” cho câu chuyện?

Người khách cất lời. Lão lái đò lau mồ hôi, cười đáp:

- Quan khách! Rứa cậu muốn cái kết như răng?

- Tôi nghe kể... - Người khách chậm rãi - Quan Cai bạ Phạm Lễ không hề bị sét đánh chết. Sau cái đêm hàn huyên với Nguyễn Khoa Đăng, ông ta đã cắn rứt rất nhiều, không muốn sai lại tiếp tục sai. Một mặt, Phạm Lễ phải làm theo lời của Nguyễn Cửu Thế, giả chiếu thư của Chúa Thượng gọi Nguyễn Khoa Đăng về, một mặt, ông ta đã mật báo cho quan Nội tán biết để không đi con đường có sát thủ mai phục. Thế nhưng, việc đó không qua mắt được Nguyễn Cửu Thế. Sau khi giết Nguyễn Khoa Đăng, cướp đi chứng cứ phạm tội, ông ta cũng đã ra tay luôn với Phạm Lễ để trừ hậu họa...

Nghe đến đó, lão lái đò mặt thoáng biến sắc, nhưng rồi lại cười phá lên:

- Quan khách, cái kết mà cậu nói, nghe cũng rất hay. Thấy được một chút ấm áp trong nhân tính còn sót lại của người thầy vì trót nhúng chàm mà hại chết người học trò yêu quý của mình. Nhưng lão vẫn thích cái kết của mình hơn. Dù cho nó huyền ảo, hư hư, thực thực, nhưng nó khiến người ta ít nhiều tin vào luật trời, tin vào nhân quả. Từ đó mà còn biết sợ, còn biết răn mình, răn người. Nhất là với những người đang mải mê giữa chốn quan trường. Khi ai đó bất chấp mọi thủ đoạn mà thoát được sự trừng phạt của vương pháp, thì vẫn còn đó lưới trời lồng lộng. Như rứa không phải là hay hơn à?

- Nhưng cái kết của lão sẽ khiến Phạm Lễ bị hậu thế phỉ rủa ngàn đời. Ít ra thì ông ta cũng không nhẫn tâm hại chết học trò của mình, cũng đã biết quay đầu phục thiện nhưng không kịp...

- Hahaha... Không hề chi. Chỉ riêng tội tiếp tay cho kẻ quyền thế, bớt xén lương thực cứu trợ nạn dân trong lúc thiên tai đã khiến ông ta đáng làm tội nhân thiên cổ rồi.

Người khách vẫn chăm chú lắng nghe. Nét trầm tư thoáng lên đôi mắt cương nghị, sáng rực như sao khiến lão lái đò nhận ra, người trước mặt mình không phải tầm thường. Hẳn phải là một bậc quyền quý, sau này sẽ theo nghiệp trị nước trị dân chứ không thể là một người buôn vải từ phương xa đến.

- Quan trường quả đầy sóng gió. Tìm được người liêm chính, chí công, không tham, không gian, vì dân, vì nước như Nguyễn Khoa Đăng giữa thời buổi này quả thật là khó.

Nghe vậy, lão lái đò lại đáp:

- Thực ra, quan không tham chưa chắc đã là quan tốt. Dân vẫn ghét nhất là quan bất tài.

- Hahaha... Lão nói phải lắm - Người khách cười lớn rồi lấy từ trong túi áo ra một nén bạc. Ông lão ngạc nhiên:

- Quan khách trả cho tôi nhiều rứa?

Người khách xua tay không đáp, cất bước rời thuyền. Gã người hầu vội vác hành lý lật đật theo sau. Quả đúng như lão lái đò nhận định. Vị thương nhân buôn vải kia có thân thế không đơn giản. Chàng ta chính là Thế tử Nguyễn Phúc Khoát, người mà chỉ vài năm nữa sẽ bước lên ngai vị, trở thành vị Chúa đầu tiên xưng Vương của dòng họ Nguyễn Phúc ở Đàng Trong. Đồng thời, sẽ là người hoàn thành công cuộc mở cõi về phương Nam của các đời chúa Nguyễn, qua đó, định hình nên lãnh thổ Việt Nam từ Bắc đến Nam. Nhưng đó là chuyện của những năm sau này.

Nhìn quanh thấy bến đò vắng hoe, gã người hầu bèn ghé sát chủ nhân của mình, hỏi nhỏ:

- Bẩm Thế tử! Chúng ta không bắt người về quy án nữa ạ?

- Bắt ai?

- Bẩm, thì bắt...

- Ngươi không nghe lão lái đò nói à. Phạm Lễ đã bị sét đánh chết rồi còn mô nữa.

- Ớ... Thế tử tin... cái chuyện sét đánh thiệt á?

- Hì... Ta có phải con nít mô.

Gã người hầu tròn xoe mắt. Nguyễn Phúc Khoát quay lại nhìn xuống bến sông. Lão lái đò đang tu ừng ực gáo nước cho thỏa cơn khát. Làn nước mát chảy xối xả, ướt đẫm khuôn ngực ọp ẹp, xương xẩu và cả tấm áo cũ rách, vá trùm vá đụm. Một kiếp người lay lắt theo những chuyến đò, cố thoi thóp chút ngày tháng còn lại như để trả nghiệp với đời.

Nguyễn Phúc Khoát mỉm cười.

- Ớ... rứa chừ... mình về gặp Chúa Thượng ạ?

- Không, về thôn Tứ Tây trước, ta muốn thắp hương cho quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng. Ngươi tìm xe ngựa đi.

Gã người hầu liền tuân mệnh làm ngay. Vừa lúc ấy, ông lão tóc bạc cũng chuẩn bị quay đò để sang bờ bên kia. Bất giác, lão sờ tay xuống bụng. Một vết sẹo đang ửng đỏ. Lão rùng mình. Nếu năm đó, nhát đâm chỉ nhích thêm một chút nữa thôi, lão đã vong mạng rồi. Vết sẹo ấy đã đi theo lão gần chục năm nay, chứng kiến sự đổi thay trên thể xác của lão. Từ một thân hình béo tốt, mỡ màng trở nên khô khoắp, xám ngoét còn mỗi da bọc xương. Mỗi lúc trái gió trở trời hoặc bùi ngùi nhớ về chuyện cũ, nó lại khiến lão buốt tấy, ngứa ngáy khó chịu. Lão tự hỏi vì sao người khách trẻ kia lại biết tường tận câu chuyện năm đó. Nhưng rồi lão tặc lưỡi, chả muốn quan tâm nữa, đoạn ra sức đẩy mạnh chiếc sào mới cắm xuống nước.

Con đò rời bến, nhẹ nhàng lướt trên dòng Hương giang khi những vệt nắng cuối ngày lững thững hắt xuống lòng sông. Những con sóng lăn tăn đuổi nhau giữa làn nước biếc, lặng lẽ cuốn đi bao nhân tình thế thái cõi người. Nhẹ nhàng. Êm ả.

N.A.T
(TCSH421/03-2024)

 

 

Các bài mới
Chùm thơ Kim Loan (17/04/2024)
Mặt nạ giấy (12/04/2024)
Các bài đã đăng
Phù vinh (04/04/2024)
Khúc ru (01/04/2024)