Tạp chí Sông Hương - Số 421 (T.03-24)
Đồng tính nữ - một vệt khác
15:01 | 16/04/2024

LÊ THỊ HƯỜNG

Khi WHO công nhận đồng tính không phải là bệnh lí tâm thần1 và khi quan niệm đa giới tính đã công khai đối thoại với xã hội thì văn chương không thể đứng ngoài.

Đồng tính nữ - một vệt khác
Ảnh: tư liệu

Trong văn học Việt Nam, đề tài đồng tính không còn xa lạ và đã thuận chiều trong tầm đón nhận của người đọc. Tuy vậy, phần lớn những tác phẩm viết về đồng tính là của các nhà văn nam và chủ yếu viết về gay. Đồng tính nữ (lesbian) vẫn còn là mảng trống, chưa lan tỏa. Khi nữ viết về đồng giới nữ, họ đã tạo một vệt khác trong văn chương.

Les - một thế giới khác, không lệch lạc

Khi tình yêu đồng giới bắt đầu từ vùng ngoại biên đi vào trung tâm của văn học Việt Nam, một số nhà văn nam hào hứng khai thác miền đất lạ với lối viết dữ dội, thiên về nhục thể (Một thế giới không có đàn bà, Song song, Nháp,...). Nhìn lại, lối viết ấy đã thành của một thời. Từ góc nhìn văn hóa xã hội, đồng tính, đặc biệt là đồng tính nữ không còn là “lệch lạc”. Với lối viết của nữ giới, có lẽ khái niệm “lệch pha” (queer) và cái nhìn theo “thuyết lệch pha” (queer theory) ít còn phù hợp. Trong văn hóa đa giới tính, họ là một cặp tự do, không phải giấu mình trong bóng tối hoặc “bất thường” trong cái nhìn của xã hội.

So với nam giới, vì nhiều lí do, phụ nữ viết về đồng tính không nhiều. Trong văn học miền Nam (1955 - 1975), Nguyễn Thị Thụy Vũ là một trong những nhà văn nữ đầu tiên đề cập đồng tính nam, với những cảm xúc bi thương. Mặc cảm khiếm khuyết khiến nhân vật tiểu thuyết của Nguyễn Thị Thụy Vũ co mình lại, tự kiềm chế, sợ hãi “căn bệnh” của mình. Chuyên (chàng trai á nam á nữ và thiên về nữ) vừa thương cho “sự tật nguyền bất hạnh”, “cái thân xác tội nghiệp của mình”, vừa soi ngắm mình như “một con quái vật đáng kinh tởm”. Dẫu chưa đi sâu vào khám phá những trạng thái đa phức của những con người bị cho là “lệch lạc” nhưng Nguyễn Thị Thụy Vũ đã sớm đặt ra câu hỏi nhức nhối vẫn còn bỏ trống, “ngày mà Chiêu ý thức được cái thân xác của nó đang đứng chàng ràng giữa hai cánh cửa nam, nữ trong các cầu tiêu của rạp hát, tiệm ăn, nó sẽ chọn cánh cửa nào? Chắc chắn người ta không hề nghĩ đến gian phòng vệ sinh dành cho loại người lưng chừng vì một chút lơ đãng lười biếng của mười hai Mụ Bà” (Khung rêu - Nguyễn Thị Thụy Vũ).

Cùng với sự thay đổi trong quan niệm về tính dục, về queer, văn chương viết về đồng tính nữ đa dạng hơn với những thông điệp nhân bản về sự đồng cảm và thấu hiểu. Một số cây bút nữ công khai ngay từ nhan đề truyện (Tôi là les - Keng). Nhân vật của Keng là những cô gái vừa mềm yếu vừa bản lĩnh. Họ sống trong những miền cảm xúc đối nghịch, khao khát và tỉnh táo, mong manh và mạnh mẽ, và luôn tự nhìn nhận, phân tích những cảm xúc của chính mình: “Có thể tôi là Les ngay từ lúc mới sinh, có thể tôi chỉ là Les theo trào lưu một cách nông nổi, hoặc có thể Les là một sự may mắn giúp tôi tháo gỡ bế tắc sợi dây sinh học của đời mình” (Tôi là les). Một số nhà văn khác chạm bút vào miền “kiêng kị” với những câu chuyện nhẹ nhàng, thoáng qua những cảm xúc vu vơ (truyện ngắn Tình thầm - Nguyễn Ngọc Tư, tiểu thuyết 1981 - Nguyễn Quỳnh Trang). Càng về sau đề tài này được viết một cách tự nhiên, hoặc là chủ đề chính của tác phẩm hoặc đan xen vào mạch truyện (Bầy thú bông của Quỳnh - Trần Thùy Mai, Đàn bà hư ảo - Nguyễn Khắc Ngân Vy, Sậy - Thuận, v.v). Các nhà văn nữ đã khai thác miền sâu của những cái tôi phụ nữ nhiều khao khát, kìm nén và bung phá.

Trần Thùy Mai là một trong những nhà văn sớm đặt bút ở mảng đồng tính nữ. Những trang viết về les của Trần Thùy Mai thường gợi cảm giác mỏng manh, dễ vỡ, tình cảm ngỡ như thoáng nhẹ nhưng day dứt, bâng khuâng. Năm 2005, Bầy thú bông của Quỳnh (trong tập truyện ngắn Mưa đời sau) điểm một nét tươi mới trên mảng truyện về đồng tính nói chung. Lần đầu tiên, những tình cảm, cảm xúc cùng giới nữ được đề cập một cách quyết liệt với lối viết nhẹ nhàng, lãng mạn theo phong cách Trần Thùy Mai. Nhân vật của Trần Thùy Mai bị chối bỏ, bị gạt ra khỏi các mối quan hệ xã hội, kể cả gia đình. “Ông anh lật trong sổ tay, lôi ra một tấm hình chụp nhiều người, trong đó có một cô gái cao, gầy, dài ngoằng, với đôi mắt to đen. Trên khuôn mặt cô gái, có ai dùng bút bi đỏ gạch một dấu chéo thật to, như đánh dấu tội phạm”. Chấp nhận tình yêu khác giới, Quỳnh muốn quên đi quá khứ và chối bỏ con người thật của chính mình. Cô tâm sự: “Đâu phải chỉ có hai đứa sống trên đời. Dư luận. Gia đình. Tương lai, nghề nghiệp... Em đã tính đương đầu, nhưng rồi đuối sức”. Để chống lại một hệ thống quyền lực vô hình trong đó có dư luận xã hội, Quỳnh chỉ biết trốn chạy. Quỳnh “cần một không gian rộng hơn để sắp đặt thứ hạnh phúc ngoại khổ của nàng”. Quỳnh lên tận miền cao nhưng mỗi sinh nhật cô vẫn nhận được đều đặn những chú gấu bông ngơ ngác buồn. Cô không mặc cảm, cũng không thể chạy trốn chính mình. Sau những giây phút cố quên, họ lại tìm đến nhau với bầy thú bông có ánh nhìn khắc khoải. Còn lại là niềm tin về hạnh phúc - “Mơ hồ, tôi nghĩ đến Quỳnh, đến Minh, đến những con thú bông với đôi mắt khắc khoải câm lặng. Có tiếng gọi nào trong ánh mắt ấy, tôi không rõ, một tiếng gọi tha thiết và nung nấu từ trong bản thể đã khiến họ chấp nhận bước lên con đường đầy bất an và đau đớn. Và tôi, dù không hiểu hết điều bí ẩn, cũng chẳng bao giờ đủ nhẫn tâm làm họ đau đớn thêm.” (Bầy thú bông của Quỳnh).

Một số tác giả nữ sớm viết về vấn đề chuyển giới với những con người muốn khẳng định bản thể và phải chịu đựng cái nhìn khắc nghiệt của tha nhân. Là Nghi chối bỏ chính mình khi “vật vã muốn cắt phăng, nghiền nát vật biểu trưng cho giới tính của mình” (tiểu thuyết 1981 - Nguyễn Quỳnh Trang). Là “cậu” với “những cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, những đẽo gọt, điêu khắc lại một hình hài.” (Truyện ngắn Từ bỏ - Nguyễn Ngọc Tư). Nguyễn Ngọc Tư là tác giả sớm viết về vấn đề chuyển giới tính nữ, một lĩnh vực liên quan đến đồng giới. Nhà văn vùng sông nước Cà Mau vẫn giữ một giọng tỉnh khô mà đau đến lặng khi viết về những con người lạc lõng, lẻ loi từ mắt nhìn của xã hội. Từ bỏ là câu chuyện về chuyển giới tính nữ của một chàng trai (“người đàn bà mảnh khảnh, là nhân vật chính đắng cay trong những câu chuyện thường ngày của ông ngoại”). Nhân vật từ bỏ những gì thuộc về nam tính nhưng những khơi gợi quá khứ của người cha đã khiến “cậu” chìm trong cõi riêng đau đớn, “mầy có thành tiên thành quái, thì cũng không chối được đã từng là thằng nhỏ ở truồng tắm sông. Thoát cách nào, con?”. Từ bỏ, thậm chí xóa bỏ quá khứ, “cậu” hạnh phúc trong những cơn riết róng của dư luận, của người thân. Nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư ráo riết tìm kiếm chính mình dù phải bị sỉ nhục, bị khước từ, bị ruồng bỏ. Sau câu nói cay độc của ông nội: “Ờ, con gà trống, gáy sao cũng là tiếng gà trống”, “cậu” cắt dây thanh quản để không còn giọng nam. Và lại là những cuộc chạy trốn để được là chính mình, “cậu lại sắp đổi nhà, đến một nơi không ai biết cậu từng là ai. Truy tìm bản thể. Sự lựa chọn giới. Bi kịch sống đúng chính mình được kể bằng giọng điệu và lối viết “mộc mạc” quen thuộc của Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn của những phận người nhỏ bé. Mượn chuyện đổi giới để phát tín hiệu, truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư đã góp một tiếng nói đưa les từ bóng tối ra ánh sáng.

Les - khát vọng vượt lên giới hạn thân xác

Nhân vật trong tác phẩm đồng tính nữ phần lớn là những con người chấn thương. Ám ảnh quá khứ, ký ức đen, sang chấn tuổi thơ, nỗi lo âu, hoài nghi chính mình, những rào chắn vô hình... đẩy họ vào tình thế chơi vơi, chênh vênh. Nhưng tuyệt nhiên họ không mặc cảm, không cảm thấy mình “khiếm khuyết”, chỉ có khát vọng vượt lên giới hạn thân xác/thân phận, dẫu sự vượt lên luôn vấp phải rào cản của đám đông. Họ sống trong một “thế giới khác”, hạnh phúc lẫn đắng cay. Trong tiểu thuyết Sậy (2022), nhà văn Thuận xoay quanh tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ của những con người luôn hoài nghi sự lựa chọn của chính mình. Những đối thoại liên văn hóa đặt ra gay gắt. Sự va chạm, đối kháng giữa hai nền văn hóa Á Âu, cái khác giữa phương Tây và phương Đông (nền giáo dục, văn hóa, quan niệm văn chương, tình yêu, tình dục...). Cụm từ “thế giới khác” xuất hiện với tần suất cao trong tác phẩm. Thế giới khác của ông bố là Paris. Còn Tôi có một thế giới riêng. Tôi muốn làm khác bố, tôi muốn có một cuộc sống khác ngoài việc làm NCS ở Pháp theo ước muốn của bố tôi; “tôi thà đi giữ trẻ hay làm bồi bàn còn hơn là ngồi tìm ý nghĩa cho những tán hươu tán vượn của các nhà văn”. Tôi mang tâm thế xa lạ của những con người bị lạc loài trong các thành phố hiện đại. Là Paris, là Hà Nội, là căn phòng như nhà tù hoặc căn biệt thự, chung cư. Căn hộ sang trọng khiến tôi “không sao thoát được cảm giác đang đi ở nhờ”. Chẳng ở đâu, nowhere, trở thành kiểu không gian biểu tượng xuyên suốt trong tiểu thuyết Thuận, mà Sậy khá tập trung. Nên Tôi, một nửa ở Paris một nửa ở Việt Nam và luôn trong tâm thế “không nơi chốn”. Nên cô bé mang tình yêu đồng giới lễnh loãng chẳng biết bám tựa vào đâu. Không chủ ý viết về đồng tính nữ, nhưng ở những trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết, nhà văn đã nêu lên những tín hiệu les qua cảm giác (chứ không phải là hành vi). Là cảm giác mơ hồ của tôi về một cô gái trong nửa tháng ba lần tự tử; về Trang, em học trò tóc đờ mi, xanh xao - “con bé mười sáu tuổi rưỡi, nữ sinh năm thứ nhất, trông như một chú bé con cá tính tuổi mới lớn”, “bị đám bạn cùng lớp tránh như hủi; thường xuyên bỏ học và lảng tránh lũ bạn gái cùng lớp”. Trong mạch phát triển của truyện, les chỉ là câu chuyện ngỡ vu vơ giữa vô vàn chuyện về tôi, ba tôi, chị tôi, về ngổn ngang Paris, Hà Nội... nhưng vết dấu của cô bé (có “khuôn mặt có vẻ dài và tái”, “xanh lét và lờ đờ”, “khuôn mặt ngây dại”) vẫn ám đen trên những trang viết với nhiều câu hỏi đặt ra. Nó góp phần khắc họa đậm hơn một cuộc sống khác, một thế giới khác mà nhiều lần Thuận nhắc lại trong tác phẩm. Nó điểm thêm một vệt cô đơn, khát vọng tình yêu và thân xác, khát vọng muốn sẻ chia và không được tin cậy, không tìm thấy sự hòa nhập. Nó đậm tô thêm nỗi niềm vong thân ngay trên xứ sở của mình. Linh giác về tình yêu đồng giới chỉ thoáng qua, như một ngẫu nhiên trong sáng tạo nhưng lại mang ý đồ nghệ thuật của nhà văn.

Qua những trang văn nữ, đồng tính nữ không còn xa lạ, bởi các nhà văn đã chạm và phơi ra bản năng gốc của con người. Nhục cảm đồng tính mang tính thẩm mĩ. Là những tín hiệu khát khao. Là ánh mắt rực lên, là “cái nhìn nóng như lửa”, là khuôn mặt ngây dại đầy khao khát của đứa trò nhỏ (Sậy); là “ánh mắt tai tái của hai đứa con gái”, những “đường nét nhợt nhạt, xanh xao, bộ vó yếu đuối não nùng” và nụ hôn thầm lặng hai cô gái trong một quán cà phê “cũ kỹ. Nhàu nhĩ. Mụ mị” (Tình thầm); là cảm giác đắm say gần gũi nhưng thảng thốt vì “đã từng ấm nóng da thịt mình” mà vẫn “chưa thuộc hết nhau” (Sông). Trong khi phần lớn các nhà văn nữ tìm đến cảm giác, cảm xúc thì Nguyễn Khắc Ngân Vy đã vượt thoát lối viết bóng gió của kiểu tình yêu trong bóng tối. Vạn sắc hư vô là câu chuyện của một nhóm trí thức nghệ sĩ trong các mối quan hệ phức tạp. Tính dục đồng giới, với họ là để tìm chính mình, hoặc cũng có lúc như một cách làm khác đi cuộc sống khuôn mẫu quanh mình. Ở đó, hai nửa cùng giới tìm đến nhau như một sự lựa chọn, với người này là bản chất, với người kia là để khỏa lấp cô đơn, tìm chính mình giữa một thế giới vỡ nát và xích dần đến hư vô, “tôi chạy thật nhẹ bẫng trên đôi chân mang vác thân phận con người”. Họ là những mảnh đơn độc, lạc lõng gặp nhau, “tôi thất lạc thời gian, cô thất lạc không gian” với nỗi niềm riêng trong nỗi buồn thời đại. Bản dạng đồng tính nữ trong tiểu thuyết của Ngân Vy phức tạp, là sự lựa chọn tính dục tự do với cảm-giác-thân-thể. Tính dục đồng giới được đẩy đến tận cùng cảm giác. Sức hấp dẫn đồng giới. Sự mời gọi của bản năng. Sự quyến rũ của những đường nét phụ nữ. Những cuộc truy hoan thân xác. Những ham muốn, dục vọng không dồn nén ngụy trang qua những giấc mơ khoái lạc mà trần trụi hóa, chiều theo bản năng. Tình dục lạ và sự thỏa hiệp. Khoái lạc và thống khổ. Những cơn say tràn và thế giới chênh vênh, vỡ vụn. Dẫu vậy, tất cả chỉ là cái vỏ che chắn “tiếng gào thét đã tắt lịm rất lâu nơi nội tâm”. Sau những khóc cười, say tỉnh, sau những trò-chơi-đồng-tính, là câu hỏi bật lên từ chốn thành thật nội tâm, “tụi mình tại sao lại ra nông nỗi này”. Nhà văn công khai phơi bày những hành vi nhục thể không chỉ như một niềm khoái cảm mà để nói cho đến cùng khát vọng vượt lên những mặc định về tình yêu, tính dục, đàn ông đàn bà, hôn nhân. Nhân vật của Ngân Vy không che giấu bản chất thật của mình và luôn ý thức mình tồn tại trong một “thế giới tan vỡ”, một cõi rối rắm và phi lí. Tình yêu là nỗi bất hạnh trước cuộc hiện sinh. Lẫn lộn và ngộ nhận, con người mất định vị trong cái nhìn của chính mình. Bao trùm tất cả là sự trống rỗng. Trống không. Tuy vậy, cuộc sống vẫn tiếp diễn theo cách của nó. Nhưng khi con người thiếu vắng một “trú xứ” thì trần gian vạn sắc cũng hóa hư vô.

Những câu chuyện đồng tính nữ thường dở dang. Những cô gái bị xem là “lệch pha” luôn mang cảm giác xa lạ, không tìm được tiếng nói chung. Không nơi chốn. Lưng chừng và chia xa. Đánh vắng nhân vật trở thành điểm nhấn tạo khoảng trống trong nhiều tác phẩm. Nhìn vào những khoảng trống trơn đó, người đọc thấy gì?

L.T.H
(TCSH421/03-2024)

-------------------------
1 Đồng tính và chuyển giới được WHO đưa ra khỏi chương Bệnh rối loạn tâm thần và hành vi trong Danh mục các bệnh Quốc tế (ICD), lần lượt vào năm 1990 và 2019 [https://tuoitre.vn/...].

 

 

Các bài mới
Chùm thơ Kim Loan (17/04/2024)
Các bài đã đăng
Mặt nạ giấy (12/04/2024)
Chùm thơ Vĩ Hạ (10/04/2024)