Tạp chí Sông Hương - Số 422 (T.04-24)
Người lính trở về…
10:18 | 10/05/2024


NGUYỄN NGỌC LỢI

Người lính trở về…
Minh họa: PHAN THANH BÌNH

Đang bần thần một mình trong lán A thông tin thì Nam nghe tiếng bước chân, rồi anh Đề b trưởng b chỉ huy bước vào với giọng vui vẻ:

- Làng Vòng gần trường Sư phạm không hè?

- Gần anh ạ, đi bộ độ một tiếng. Mà anh hỏi làm gì?

Quen với lối nói trống không của anh, Nam trả lời:

- Trường đó bên phải đường lên thị xã Sơn Tây, một cụm toàn nhà tranh, chỉ cách đường một hàng phi lao thôi, không cần hỏi cũng thấy anh ạ.

Gần ba năm trước huấn luyện xong, lính mới được bổ sung cho các đơn vị chiến đấu. Về trung đoàn pháo đóng quân ở Hà Tĩnh, Nam và mấy anh em người Hà Nội, Hà Tây được giữ lại tiểu đoàn bộ của tiểu đoàn 5. Nam được biên chế vào tiểu đội thông tin. Hôm đó vào lán chào hỏi mọi người, ai cũng hồ hởi bắt tay, riêng một anh dáng tầm thước, mặt tròn da ngăm ngăm, có râu quai nón, từ hai má xuống tới cằm bộ râu mới cạo chân lông dày đen như bôi nhọ than cứ chăm chú nhìn Nam. Phải công nhận bộ râu của anh rất đẹp, rất đàn ông. Bộ râu khiến trông anh vừa có vẻ dữ tướng nhưng cũng vừa dễ mến. Đó là anh Đề, trung đội trưởng trung đội chỉ huy. Anh Đề hất cằm vừa cười vừa hỏi: “Mi quê mô cu?” “Anh hỏi gì cơ?” Nam nghe chưa ra. “Anh ấy hỏi cậu quê ở đâu”. Ai đó nhắc. “Dạ, em Hà Nội”. “Hà Nội nhưng ở mô?” “Dạ, em làng Vòng, Cầu Giấy đi lên”. Anh gật gật. “Tau biết Cầu Giấy là chỗ mô”. Rồi anh cười. Buổi đầu chỉ thế, không lễ nghi không thủ tục, chân thành, mộc mạc, mới đó mà đã hơn hai năm rồi. Hơn hai năm, hết Hà Tĩnh, rồi đi Lào, rồi Quảng Bình, và lúc này là Vĩnh Linh, đi đâu anh em cũng có nhau, gần gụi thân thiết bảo ban nhau. Hơn hai năm, những ngày đánh trả máy bay Mỹ ở Hà Tĩnh, ở chiến trường Trung Lào, rồi huấn luyện sẵn sàng tham gia giải phóng miền Nam… Nam cảm thấy giữa mình và anh có điều gì đó thật đặc biệt, mộc mạc tươi nguyên khối tình cảm ấm nồng luôn tỏa ra từ người cán bộ trung đội là anh. Lúc này anh lại nhắc đến làng Vòng quê Nam.

- Anh đi phép hay…

- Tau đi công tác.

Anh ấy đi công tác Hà Nội, lại nhắc đến làng mình? Nam khấp khởi:

- Nếu đến thăm chị, anh ghé nhà em chơi nhé?

- Ừ, ừ, phải đến chứ!

Anh Đề vừa nói vừa cười tủm tỉm, vẻ mặt dãn nở và ánh mắt lấp lánh.

Đi công tác, kết hợp thăm vợ. Cha cha… Tuy chưa có vợ nhưng Nam cũng hình dung ra tình cảm vợ chồng lâu ngày gặp nhau sẽ như thế nào, hơn nữa là vợ chồng trẻ, với nhau chỉ vài ngày đã phải khoác ba lô ra đi.

Chuyện anh và chị Hà yêu nhau Nam đã được nghe nhiều lần. Mắc võng nằm với nhau bên chân lèn Na Cốc, câu chuyện được anh kể say sưa khiến Nam rung động cả lòng mình. Anh Đề gốc Huế, mẹ mất sớm, theo bố đi tập kết lúc mới sáu tuổi. Ra Bắc, bố chuyển sang công nhân nông trường ở Thanh Hóa. Mãi khi anh lên cấp 2 bố mới lấy vợ khác. Anh quen thân chị Hà rất sớm vì hai nhà cùng xóm. Anh lên lớp 10 thì chị lớp 8. Và năm đó tình cảm hai người đã quyến luyến. Thế rồi hết lớp 10 anh xung phong đi bộ đội với mong ước tìm về quê. Đi bộ đội, tình yêu nảy nở giữa hai người qua những dòng thư. Chị Hà nói thương anh, nhớ anh, chị mong anh bình an trở về để cưới nhau. Tình cảm chị dành cho anh như sợi dây thắm đỏ để anh tin yêu cuộc đời, cho dù chiến tranh còn tơi bời bom đạn, sống chết bất kỳ. Sau chiến dịch, tiểu đoàn kéo về Hà Tĩnh, anh nhận được thư chị: “Anh yêu của em! Năm tới em sẽ đi học Đại học Sư phạm Hà Nội. Em mong anh về để chúng mình cưới nhau, nếu không sẽ lỡ dịp.” Anh Đề đưa lá thư cho Nam xem, cậu xuýt xoa. “Tuyệt, tuyệt, ra trường chị sẽ là cô giáo cấp 3”. Nghe Nam nói, mắt anh lấp lánh. Thế rồi anh được đơn vị cho đi tranh thủ. Bây giờ thì anh sắp được gặp chị rồi. Trong Nam đã thấp thoáng bóng hình người con gái vợ anh. Chị nghiêng mặt, tay che nón với mái tóc đen óng, cái mũi thẳng dọc dừa và cặp môi hé mở trong tấm ảnh anh khoe hôm nào.

- Bao giờ anh đi? - Nam hỏi.

- Có thể chiều, hoặc mai. Mi viết thư, và có chi gửi thì chuẩn bị đi.

Nam lục giấy viết thư, cũng chỉ mấy dòng báo tin sức khỏe, hỏi thăm bố mẹ anh em. Trong thư Nam nhấn mạnh, nhắc “bố mẹ đón tiếp anh Đề cho chu đáo hộ con”. Viết xong Nam quay ra soạn mấy thứ. Bịch bột ngọt, cái áo len cho em gái, cái khăn len cho mẹ, và cái đài xinh xinh cho bố. Mấy thứ mà Nam mua được ở chợ Kênh bên kia cầu Hiền Lương. Tất cả Nam gói thành một bọc đặt sẵn nơi đầu giường.

Đã giữa trưa, trung đội chỉ huy có thêm mấy người đi công tác về. Cơm dọn trên tấm phản, mấy anh em ăn trong cái nắng hầm hập.

Buổi trưa mọi người ngủ hết, riêng anh Đề soạn sửa ba lô. Nam không ngủ được, nằm nhắm mắt hình dung cảnh anh Đề vào thăm nhà, trao quà, hẳn bố mẹ rất vui. Nam hình dung cảnh anh chị gặp nhau, vợ chồng đoàn tụ, vui vầy.

- Chuyến này phải đúc cho được thằng cu anh nhỉ. Bây giờ có con là vừa rồi.

Nam nhổm người nói. Là bởi chỉ còn mấy tháng nữa là chị Hà ra trường. Lúc mới cưới, anh chị vừa mong có con lại vừa lo. Lo có con lại sợ ảnh hưởng việc học, anh còn phải đi.

- Không biết răng mà nói.

Anh trả lời bâng quơ rồi quay lại len lén nhìn Nam. Trong tay anh là mấy cái quần nhỏ mỏng, cạnh ba lô là cục len và mấy tấm soa màu hồng, màu tím mua lần về Huế lúc thành phố vừa giải phóng. Anh kể về chuyến lần đầu về Huế. Làng anh ngay bên kia Đập Đá, chỉ mấy bước chân là ra phố nhưng vẫn cũ kỹ tre pheo, thôn dã. Ngày ra Bắc cùng bố vì quá bé nên chẳng nhớ gì hết, nay trở về mọi thứ với anh đều lạ lẫm. Ông bà nội ngoại mất cả, chỉ còn hai chú. Chú em kế bố cũng là bộ đội nhưng bặt tin. Chú út hơn anh đâu mười tuổi, là lính Sài Gòn thì đã trở về. Sau mấy phút ban đầu ngỡ ngàng ngượng ngập rồi tình huyết thống đã kéo chú cháu lại với nhau. Ăn vội với nhau bữa cơm rồi chú cháu anh em chia tay. Anh hứa hôm sau sẽ mang cả vợ vào. Ngày đó chắc hẳn là ngày đoàn viên đầy ắp tiếng cười. Nhà chú út có chiếc Honda 50 cũ, vài cái quạt điện. Chú út bảo anh thích gì cứ lấy, thấy anh lắc đầu liền tháo chiếc đồng hồ trên tay bắt anh phải nhận. Cầm chiếc đồng hồ không kịp đeo vào tay, sau khi đùn đi đẩy lại, anh vội vã ra xe đang đợi bên chân cầu. Qua chợ Đông Ba, anh ghé mua vội mấy thứ này. Hàng đẹp rất nhiều nhưng đâu có tiền. Anh nói. Toàn những loại đồ miền Bắc, ngay ở Hà Nội cũng hiếm. Người miền Nam ăn mặc khác hẳn, áo chẽn quần loe... Nhìn anh Đề lúng túng ngượng ngập với mấy thứ đồ cho phụ nữ trên tay trông vừa tội nghiệp vừa buồn cười. Giải phóng sau một dạo không lâu, bờ Nam cầu Hiền Lương hàng hóa tràn ngập. Đầu làng Trung Sơn có một chợ gọi là chợ Kênh. Chợ quê này cũng không thiếu hàng gì. Bộ đội bờ bắc tìm cách qua sông vào chợ xem cho đã, xem cho sướng mắt, xem rồi ao ước, thèm thuồng. Lính tráng lấy đâu ra tiền, người nào cũng chỉ mấy thứ lặt vặt, gói mì chính, vài lạng len, cái áo phông. Có được chừng đó đã sướng râm ran rồi. Chiếc Titoni người chú cho rất đẹp nhưng anh ít đeo. Những lúc anh đeo nhìn anh khác hẳn, nói theo ngôn ngữ bây giờ nom rất đẳng cấp.

Nam quay mặt cố ngủ, mặc cho anh soạn sửa gói đồ đạc. Ba lô đã gọn ghẽ, anh nhét hai hộp thịt mới nhận từ bếp về lúc nãy vào chiếc túi mìn Claymo, nói: “Cậu chuẩn bị xong chưa, dậy đi. Xe trung đoàn xuống rồi”. Cùng lúc Nam nghe tiếng bim bim vọng vào từ ngoài Đài Anh hùng. Nam vùng dậy lấy gói đồ và lá thư trao cho anh Đề:

- Anh giúp em. Anh đi vui nhé, cho em gửi lời thăm chị Hà.

- Yên tâm! Em yên tâm.

Họa hoằn lắm anh Đề mới gọi ai đó bằng em, nghĩa là lúc anh đang xúc động. Anh Đề mở ba lô đặt gói đồ của Nam lên trên rồi cột chặt. Thêm gói đồ Nam gửi, ba lô anh cao ngồng lên. Xong xuôi anh nhét lá thư vào túi áo rồi xốc ba lô lên vai:

- Ở lại vui khỏe nhé.

Anh bắt tay Nam. Cái bắt tay từ tốn của anh khiến Nam thấy dễ chịu quá. Nam xúc động.

Nam theo chân anh Đề, qua nhà Ban Chỉ huy tiểu đoàn, chính trị viên Lâm nói vọng ra khi nghe anh chào: “Hoàn thành nhiệm vụ nhé”.

- Anh cũng về thăm nhà chứ? -Rảo chân bước theo anh, Nam hỏi.

- Có, phải về thăm bố chứ, nhưng có lẽ để hôm quay vô. Xe trung đoàn chở thẳng ra Vinh vì còn người đi phép nữa, ra đó mua vé tàu đi thẳng Hà Nội luôn.

- Chờ em với, chờ em với.

Có tiếng thằng Tiến gọi từ phía sau.

Nam không ngờ thằng Tiến nhà cạnh Cầu Giấy, làm liên lạc tiểu đoàn cũng được đi phép đợt này. Bất ngờ thật. Nam quay lại gặp nó lắp xắp mang ba lô hối hả đuổi theo. Đến cạnh Nam, Tiến dừng lại nói nhỏ, “anh Đề đi thẩm tra lý lịch mày đấy”.

Ôi, thế mà Nam không biết.

Anh Đề đi thẩm tra lý lịch mình, Nam lâng lâng trong lòng, thế là mơ ước lâu nay sắp thành hiện thực. Được vào Đảng cũng là mong mỏi của bố đối với Nam. Bố chỉ dặn, làm gì thì làm cũng lấy danh dự làm đầu, cố gắng bằng anh bằng em. Cậu bỗng hồi hộp nghĩ đến việc anh Đề đến làm việc với xã với làng. Làng Nam ở Hà Nội nhưng còn là vùng quê, nhìn về hướng nam là cánh đồng mênh mông. Những ruộng sâu ngập nước, vụ mười được cấy nếp. Tháng Mười, những bông nếp cái hoa vàng vừa tròn hạt đã được cắt về tuốt lấy đem rang. Khi mùi thơm ngậy tỏa ngào ngạt khắp trong bếp ra ngoài ngõ thì mang ra giã. Những lúc đó làng vang rộn tiếng chày thậm thịch, lốp cốp rộn ràng và không gian cái làng tre pheo của Nam như được ướp hương thơm. Mùi thơm của hạt nếp tươi nguyên mới hấp dẫn làm sao. Những mẻ cốm dẹp sau khi sàng sảy xanh màu ngọc thơm nưng nức được gói bằng lá sen xanh, cột bằng sợi rơm nếp được các bà các chị áo nâu gánh vào phố... Nhớ lần nghe Nam kể, anh Đề nói thích hè, thích hè. Tiếc là anh ra làng Nam lúc này chưa đến mùa cốm.

- Được đi cùng anh Đề, thích thế. Mày nhớ lên nhà tao trước, dặn bố mẹ đón anh Đề chu đáo giúp tao.

- Yên tâm đi, mày khỏi phải dặn.

Nói rồi Tiến rảo chân đuổi theo anh Đề. Đứng nhìn theo hai người hăm hở lắp xắp chạy theo tiếng gọi của còi xe, Nam chộn rộn trong lòng, giá mình cũng được như thằng Tiến. Anh Đề đang vui. Sau ngày 30 tháng 4, nhiều người được thăng quân hàm; số nhập ngũ năm 1974 như Nam được phong binh nhất. Anh Đề từ thượng sĩ được phong vượt cấp lên thiếu úy, giờ lại được đi thăm vợ. Gì mà anh ấy không vui. Tiếng còi xe lại bim bim lần nữa. Bóng anh Đề và Tiến đã khuất sau mé đồi. Nam lững thững quay về.

*

Anh Đề và Tiến đi rồi, Nam đếm từng ngày.

Tiểu đội thông tin còn lại năm người thay nhau. Nam chỉ trực ngày đầu, ngày thứ ba cậu được Ban Chính trị Trung đoàn điều lên viết huân chương, huy chương vì chữ đẹp. Thế rồi một tuần nữa trôi qua.

Hết đợt công tác, Nam quay lại tiểu đoàn thì chiều đó anh Đề vào. Anh Đề vào đơn vị sớm một ngày, nét mặt trầm buồn. Trao Nam gói quà bố mẹ gửi có mấy bao thuốc, mấy lạng chè và ít kẹo lạc, anh nói bố mẹ khỏe, cả nhà khỏe, nỏ có chi phải lo. Đúng là không còn gì phải lo. Hòa bình thống nhất rồi, không lo chuyện sống chết nữa. Nam không dám đả động gì tới kết quả thẩm tra lý lịch mà chỉ thắc thỏm lo.

Thế rồi năm ngày sau, Tiến vào. Tiến nói: “Yên tâm nhé. Chi ủy, Đảng ủy phê rất tốt và đề nghị kết nạp Đảng cho mày. Nhưng…”.

- Nhưng sao? - Nam giật mình.

- Việc của anh Đề thôi.

Nói đến đây thì anh Đề vào, Tiến nháy mắt với Nam rồi mang cân chè móc câu làm quà sang lán Ban Chỉ huy.

Thị trấn Vĩnh Linh thật nhộn nhịp. Bộ đội về Bắc, xe khách ra xe nào cũng lặc lè chất ngất hàng hóa. Dân tập kết hồi hương, nghe đâu chờ làm thủ tục phải rải ni lông nằm kín những đám ruộng khô dọc đường bên bờ bắc cầu Hiền Lương. Đơn vị số ra quân, số đi công tác, vãn hẳn. Sáng đó anh Đề cũng đi đâu từ sớm, Nam đang trực ban thì Tiến sang ngồi cạnh. Và sau đây là câu chuyện về chuyến Tiến đi phép cùng anh Đề. Mãi tới tối hôm sau mới ra tới Vinh. Chờ phà lâu nhất ở Phà Gianh đến Bến Thủy. Tàu chợ Vinh - Hà Nội như rùa bò và chen chúc. Tàu đêm, xình xịch lạch cạch suốt chặng dài, cuối cùng cũng về tới ga Hàng Cỏ lúc trời chưa sáng. Hai anh em quyết định cuốc bộ. Hơn hai năm đi xa, đoạn từ phố Cửa Nam lên Kim Mã, lên Cầu Giấy vẫn trống trơ vài ngôi nhà cấp bốn tường mốc trơ trọi, thi thoảng sót lại vài dấu tích bom đạn chưa kịp san lấp. Qua khỏi Cầu Giấy, tới lối rẽ vào làng, Tiến rủ anh vào nhà để Tiến lấy xe đạp đèo anh lên chỗ chị. Anh Đề không chịu. “Thôi, cậu về đi, về cho bố mẹ mừng.”. Nói rồi anh Đề rảo bước.

Khỏi nói về việc Tiến gặp bố mẹ và các em. Chiều đó Tiến đạp xe lên trường Sư phạm. Vừa tới cổng trường Tiến gặp vợ chồng anh cùng một cô thấp đậm đi chợ về, tay anh xách con cá quả cỡ bắp tay; chị xách nải chuối vàng trứng cuốc thêm bó rau cần và xà lách, hành tỏi. Không khí giữa ba người có phần trầm lặng. Anh Đề giới thiệu Tiến với vợ và cô gái tên An hay Anh gì đó. Chị Hà nhìn Tiến và mỉm cười nói có phần gượng gạo:

- Anh Tiến ở lại dùng cơm với vợ chồng em.

- Gọi nó là chú thôi. - Anh bảo.

- Em cũng nghĩ thế. - Tiến nói. -Bố mẹ bảo em lên mời anh chị xuống dùng cơm.

- Thôi, để hôm sau, mình còn ở đây mà. - Anh Đề nói.

Tiến dắt xe theo vợ chồng anh Đề vào trường. Cô gái tụt lại đi sau.

Dãy nhà kí túc xá sinh viên cách khu lớp học quãng ngắn và hàng phi lao chắn. Hai gian nhà nứa kê độ hai chục tấm ván làm chỗ nằm. Trong nhà đồ phụ nữ bề bộn. Vợ anh Đề quáng quàng vơ mấy bộ đồ dẹp gọn rồi nói ngập ngừng: “Anh ngồi chơi với anh, à, chú Tiến”. Nói xong, chị và cô gái đi ra bếp phía sau. Nhìn vẻ không vui của anh Đề, Tiến băn khoăn không hiểu chuyện gì. Tiến nghĩ, chắc vợ chồng anh có chuyện. Cơm dọn lên. Thức ăn có món canh cá quả nấu dứa, rau sống, nem rán, và đĩa thịt lợn luộc. Cũng vừa lúc một anh chàng mặt mày trắng trẻo phởn phơ, sơ mi trắng trong quần, tóc ngôi chải lật đỏm dáng, dép nhựa tiền phong trắng, đi vào:

- Xin chào cả nhà.

Tiến nói, nhìn hắn rất dễ ghét, tuy chẳng biết vì điều gì. Rồi Tiến thấy cô bé, lúc này nghe rõ tên là An, cô nháy mắt rồi cùng hắn đi ra bên kia dãy nhà nói gì đó với nhau. Gã ta xua xua tay vẻ phớt đời, còn nét mặt cô gái khá nghiêm trọng. Cả hai vào nhà, anh ta ngồi xuống, miệng cười vẻ không tự nhiên nhìn anh Đề:

- Anh ra chơi với Hà được lâu không? Quà miền Nam cho vợ chắc nhiều.

Rồi anh ta nhìn xoáy vào chiếc đồng hồ Titoni trên tay anh Đề, mắt sáng lên:

- Anh có cái đồng hồ.

Hắn tặc tặc lưỡi rồi xin anh đeo thử. Đeo đồng hồ của anh Đề vào tay, hắn vừa ngắm nghía vừa nói:

- Nghe bảo trong đó hàng nhiều lắm, cái đồng hồ của anh mua bao nhiêu, để lại cho tôi được không? Bận học, nếu không… Đồ điện dễ mua không anh?

Thật ngượng không để đâu cho hết. Chị Hà vợ anh Đề vẻ xấu hổ, kín đáo đưa mắt cho hắn. Lúc này chị mới giới thiệu:

- Đây là anh Xân lớp trưởng. Em… em…

Vẻ mặt xinh đẹp của chị đầy lúng túng, ngượng ngùng.

Tiến không thể biết diễn biến tình cảm của anh Đề lúc đó như thế nào. Tiến đâu biết lòng anh nguội ngắt ngay từ lúc bước chân vào trường. Đầu tiên là anh gặp cô bé tên An mà anh nhận ra ngay. Trái với vẻ nhí nhảnh qua những lời thư cô bé thường viết kèm theo trong thư vợ anh là sự ngượng ngập, ở cô gái như có điều gì đó sợ sệt, có điều gì đó muốn lẩn tránh. An nói, chị đang đi đâu đó. Rồi An gọi to, chị Hà ơi, chị Hà ơi, anh về này. Tiếng kêu như muốn đánh động cho người được gọi. Thế rồi vợ anh từ trong cái phòng tranh cuối dãy bước ra… Cũng cười, cũng hỏi, anh mới về. Anh đi đường mệt không? Toàn bộ, giọng nói, nụ cười, là của một người hoàn toàn khác. Vào phòng, An rót cho anh cốc nước, vợ lấy khăn thấm nước đưa, bảo anh lau tạm đi. Lát ăn xong em đưa đi tắm. Anh lục đồ trao quà, của An là chiếc mùi soa mỏng in hoa, của vợ anh chưa vội đưa. Anh lau qua mặt mũi, vắt khăn lên dây rồi ngồi xuống bưng cốc nước, nghe bên ngoài vợ anh và cô gái tên An trao đổi gì đó. Rồi vợ anh và An bước vào. Vợ anh bảo, anh chịu khó ngồi một mình, em và An đi chợ một lúc, nhanh thôi… Anh bảo muốn cùng đi. Thế là anh theo hai người đi chợ.

Sau bữa cơm, Tiến về, tay Xân cũng đi ra, vợ anh cùng An dọn dẹp. Quay vào, mặt ửng đỏ chị nói ta sang bên ni đi anh. Anh bước theo vợ. Khu nhà giáo viên nằm cách biệt mấy vạt ruộng. Đến gian cuối dãy, chị nói nhà của cô Yến dạy triết, cái An dạm mượn lúc chiều. Chiếc giường đơn, tấm chăn mỏng và thêm chiếc gối vợ anh mang sang. Vợ anh ra ngoài một lúc quay vào nói, anh tắm trước đi, em tắm sau. Quần áo thay ra để đó mai em vò. Nhà tắm cũng chỉ mấy tấm cót che phía sau, nước máy vòi nhỏ lấy vào thau. Tắm gội xong quay vào anh thấy vợ ngồi bần thần. Vợ anh giật mình quơ vội nắm quần áo đi ra.

Vợ tắm thật lâu, tiếng dội nước ào ào… Anh ngồi nghe, rồi có lúc như quên hết, tâm trí anh như tan loãng. Mọi cảm xúc, mọi háo hức lúc dâng trào lúc nguội ngắt… Lấy ra mấy thứ đồ lót phụ nữ định đưa cho vợ lúc nãy mà anh lại quên cứ cầm mãi trên tay. Vợ anh vào, tóc ướt, mặt đỏ bừng, quần lụa đen, sơ mi hoa ngắn tay. Anh trao mấy thứ, nói, của em. Vợ anh mở xem, nói đẹp quá, đẹp quá. “Răng mấy tháng không có thư?” Anh hỏi. “Anh thông cảm, em bận học quá, phải thi mấy môn”. “Hôm nay xong chưa?” “Chưa, còn một môn nữa”. “Hôm trước anh về thăm Huế rồi, bên nội còn…”. “Rứa à anh, thích không?”. “Vội quá, chỉ đến được một lúc, vì đi theo đoàn”.

Câu chuyện đứt đoạn chắp nối rời rạc đã làm mất thêm sự háo hức. Anh nói: “Hôm nào em về, vợ chồng mình về Huế thăm quê”. Chị nói, “để đến lúc đó hẵng hay”. Thế rồi rụt rè lên giường, vợ buông màn, anh nằm xuống. Vợ anh cũng nằm xuống, một lúc xoay người quàng tay qua ngực anh, dụi mái tóc còn ẩm ướt vào ngực anh… Và rồi chuyện vợ chồng cũng đến. Phút ái ân cũng ôm xiết, cũng hưng hức cũng chao đảo, nhưng trong mơ hồ anh nhận ra sự lười nhác của vòng tay, và nụ hôn đâu còn bỏng cháy… Lòng bỗng nhiên nguội lạnh, anh nhận ra sự gắng gượng ngượng ngùng trong từng động tác của vợ. Anh nhớ lúc cùng vợ đi chợ về, những cô bé sinh viên đứng xa hỏi ai thế nhỉ, ai đi cùng cái Hà thế. Và những người giáp mặt cũng nhìn anh rất lạ lùng. Anh lại nhớ bữa cơm gặp mặt của vợ chồng cũng trầm lắng ngượng ngùng. Ăn dọn rửa xong, bên bàn nước, tay lớp trưởng tiếp tục xoáy vào hỏi chuyện hàng hóa miền Nam. Ánh mắt hắn sáng rực lên khi nghe anh nói về vải vóc, len dạ và ngỏ ý muốn gửi tiền nhờ anh mua một số thứ. Anh nhận lời. Thấy thế, cô bé An cũng nói, vậy phiền anh mua hộ em cái áo len.

Lúc đó độ hơn 8 giờ. Tiến đứng dậy nói để anh chị nghỉ rồi ra về.

Lòng đầy nghi hoặc, dắt xe ra cổng, Tiến dừng, đứng nép sau hàng phi lao nhìn lại. Đúng như dự đoán, Tiến thấy gã lớp trưởng đi ra rồi lẩn vào bóng tối bên hồi nhà, và lúc sau chị Hà cũng ra, họ chìm trong bóng đêm nhưng Tiến cũng nhìn thấy tay kia dang tay nhưng bị chị Hà đẩy ra. Thế đấy, thế là rõ rồi. Chỉ tội anh Đề không biết. Dọc đường quay về đầu óc Tiến mông lung, may mà đường về Cầu Giấy đêm ít xe, nếu không… Mấy lần Tiến suýt đâm phải người quảy gánh đi bộ. Chắc chắn chị Hà và gã kia có tình ý với nhau. Và chắc cô bé tên An cũng biết việc đó. Tiến về nhà thì đã gần 10 giờ đêm, trả lời rằng được anh chị giữ lại, nói qua quýt, rửa ráy chút rồi lên giường, tâm trí chìm trong miên man về chuyện của anh Đề rồi ngủ lúc nào không biết.

Việc vợ chồng anh Đề, Tiến cũng chỉ biết có vậy. Tiến không biết sáng hôm sau, vợ anh Đề dậy rất sớm đi đâu một lúc, trở về trao cho anh chiếc bánh mì rồi vừa chải tóc vừa nói, em lên lớp, anh chịu khó ở nhà một mình. Anh cũng có việc rồi. Em cứ đi học, trưa có thể anh không về. Vợ anh cắp cặp bước ra. Còn lại một mình, anh trệu trạo nhai miếng bánh, chưa hết nửa anh thả xuống tờ báo rồi gói lại đặt lên bàn. Hôm nay phải làm nhiệm vụ, đến làm việc với Chi bộ và Đảng ủy Dịch Vọng. Mấy lần nhấc ba lô lên rồi anh lại đặt xuống, chần chừ một lúc anh chỉ khoác xà cột, khép cửa bước ra. Đường xuống Dịch Vọng không xa, thong thả bước cũng chỉ hơn chín giờ anh đã có mặt nơi cần tới. Và cũng rất nhanh, địa phương quê Nam có phong cách làm việc nhanh gọn. Vấn đề là thân nhân Nam có thành phần cơ bản, gia đình gương mẫu… Bản nhận xét của địa phương về Nam rất tốt, không còn gì phải băn khoăn. Gấp mấy thứ giấy tờ cho cẩn thận vào túi, anh bắt tay vị lãnh đạo địa phương rồi hỏi đường sang nhà Nam. Dịch Vọng đất chật người đông, đường làng ngoắt ngoéo nhưng sau vài lần hỏi anh cũng tới nơi bức tường xây gạch bám rêu, mảnh sân gạch và mé bên có cây vú sữa già. Nếp nhà ngói cũ kỹ thấp nhỏ. Chưa kịp cất lời anh đã thấy Tiến và bố Nam bước ra. Có lẽ được Tiến báo trước nên câu chuyện trở nên cởi mở, thân tình. Anh trao quà Nam gửi cho người mẹ và nói những điều về cậu khiến cả bố và mẹ Nam mừng rơm rớm nước mắt. Gia đình Nam giữ anh lại ăn bữa cơm đã được chuẩn bị khá tươm tất. Nhận quà bố mẹ Nam gửi cho con, anh cùng Tiến xuôi Cầu Giấy. Ngồi sau xe xuống thăm nhà cậu liên lạc tiểu đoàn, mắt anh thờ ơ nhìn người đi đường. Những xe đạp thồ rau vào nội thành, vài chiếc ô tô khách chạy lên hướng Sơn Tây. Tâm trạng mông lung… Nhà cạnh sông Tô Lịch, chuyện trò với bố mẹ Tiến một lúc anh nghĩ mình phải về, nhưng khi chào đứng lên anh lại chần chừ. Anh hình dung ra ánh mắt vợ. Lúc này vợ anh đang làm gì? Anh nhớ tới tình chồng vợ đêm qua… Trên xe Tiến đèo về. Anh nói. Có lẽ tau vào trước, mi cứ thong thả hết phép. Anh còn những mấy ngày mà. Tau còn phải qua nhà.

Thả anh nơi cổng trường, Tiến ra về mà không biết bữa cơm chiều của vợ chồng anh diễn ra lặng lẽ và ngượng ngập. Vợ anh dọn rửa xong thì An đến, rồi tay lớp trưởng cũng đến. Hai người đến gửi tiền và dặn nhờ anh mua mấy thứ. Uống nước chuyện trò một lúc, cả hai chào ra về. Anh có thêm một đêm bên vợ đầy gượng gạo và nước mắt. Anh nói sáng mai phải đi. Vợ anh bảo, sao vội thế? Ở với em vài hôm nữa. Anh bảo còn phải thăm bố.

Cái phút chia tay nhau ở ga Hàng Cỏ như một vết cứa làm rớm máu tim anh. Sáng đó mượn được chiếc xe đạp, chị đèo anh ra ga. Chưa đến giờ tàu, mua vé rồi hai người đèo nhau xuôi ra công viên ngồi bên nhau lặng lẽ nghe vọng đến những hồi còi như xé ruột xé gan. Vì sao nên nông nỗi này? Biết nói gì với nhau đây? Anh ngồi lặng phắc như hóa đá. Vợ anh dụi đầu vào vai chồng, người rung lên nhè nhẹ và cũng không nói gì. Lúc rời nhau vai anh đẫm ướt một mảng. Anh linh cảm, chị như có điều gì đó đang cố kìm nén. Lên tàu rồi tàu chuyển bánh, nhìn qua ô cửa hình bóng vợ lùi xa, anh quay mặt khóc trong lặng lẽ. Không tận mắt chứng kiến, nhưng những gì anh cảm nhận trong mấy ngày qua đủ để anh biết vợ anh đã khác rồi. Hơn hai năm trở thành vợ chồng nhưng vỏn vẹn bên nhau chỉ hơn hai ngày, những ngày còn lại… Người đàn bà xa chồng phải chịu đựng bao nhiêu là đòi hỏi, bao nhiêu thiếu thốn. Càng nghĩ lòng anh càng nhói lên từng cơn đau thắt. Xuống ga Thanh Hóa, xin đi nhờ chiếc xe tải của bộ đội về làng. Chuyến về làng với bao dự định, mọi việc suôn sẻ anh sẽ đưa cả vợ và bố đi Huế. Chuyến đi đoàn viên hẳn sẽ nhiều tiếng cười. Bố sẽ được về thăm nơi chôn nhau cắt rốn, sẽ gặp anh em họ mạc sau hơn hai chục năm dằng dặc… Vậy là không thành, và chẳng biết đến lúc nào, và có thể chẳng bao giờ. Ở với bố và dì được một hôm, kể cho ông nghe chuyến về công tác, và cả việc ra thăm vợ. Bố hỏi sao không đưa con Hà về? Dì cũng nói, lâu rồi, không thấy nó về? Anh chỉ nói là Hà bận học không về được. Rồi anh đi.

Nam và Tiến đang nói chuyện với nhau thì anh Đề vào. Anh lẳng lặng lục trong túi ni lông ra mấy thứ mà anh nói vừa đi vào Đông Hà mua ra. Tất cả bày la liệt lên chỗ giường anh nằm. Nam để ý thấy thật nhiều đồ.

- Anh mua nhiều thế? - Nói xong biết mình lỡ lời, Nam lúng túng.

Đồ anh Đề mua gồm mấy tấm vải vừa xoa, vừa vải may quần, téc-tờ-rông, tec-gan, tấm màu xám tấm màu nâu và chiếc áo len nữ màu hoàng yến. Rồi anh trải ra hai tờ báo đặt mấy thứ vào mỗi tờ. Anh nói, bạn bè vợ gửi mua.

- Tiến ơi... - Có tiếng chính trị viên gọi, Tiến chào ra về.

Anh Đề gạt hai gói đồ lên đầu tấm phản, lấy chăn đè lên. Cơm xong, tối nghỉ sinh hoạt, anh Đề rủ Nam đi dạo. Từ nhà Ban Chỉ huy, hai anh em đi bộ qua Đài Anh hùng ra đường 1, đến quán bên đường. Hai anh em chọn chỗ ngồi khuất sau bụi bông bụt góc sân. Khách vào quán chỉ mới thưa thớt. Ngồi ở quán, giọng rầu rầu:

- Tau sắp sửa xa mi rồi.

- Anh đi đâu? - Nam sửng sốt.

- Biên giới Tây Nam. Trong đó đang đánh nhau to. Khmer Đỏ trở mặt. Mi sắp được kết nạp đó.

Điều anh Đề nói Nam mong từ lâu, nhưng lúc này việc anh đột ngột ra đi khiến cậu hụt hẫng. Sống với nhau mấy năm, Nam nhận ra anh là một người cực tốt với bản chất mộc mạc, nhân hậu và đầy bao dung. Chuyến đi chiến trường vừa qua, nếu không có anh che chở chắc cậu đã bị kỷ luật vì sơ suất khi lau súng, suýt bắn chết anh. Còn nữa, khi di chuyển trận địa, Nam còn để mất cả xanh-tuya-rông có 3 quả US, hai băng đạn và con dao găm. Với trung đội chỉ huy anh yêu quý hết thảy, mỗi điều anh nói, tuy có lúc nạt nộ nhưng chân tình. Giờ đây, khi chuẩn bị chia tay cậu mới thấy thương anh vô cùng. Anh được điều đến một sư đoàn mới thành lập tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, chẳng biết rồi đây sống chết thế nào. Chiến trường K nghe nói vô cùng ác liệt và tàn khốc. Một thoáng, Nam rùng mình, khóe mắt cay cay.

- Anh chị có chuyện buồn à? - Nam định nói “anh nhớ giữ gìn” nhưng lại nói sang điều khác.

- Không. Nhưng… Thôi thì… mai anh đi rồi...

Anh nói trong tiếng thở hắt ra. Vợ tau quan hệ với tay lớp trưởng ngoài đó. Mà cũng khó trách cô ta. Mình xa đằng đẵng cả năm trời. Người chứ phải sắt đá mô.

- Giờ anh định thế nào?

- Biết làm răng, mình còn phải đi… Thôi thì cứ để vậy, nếu còn sống về được hẵng hay.

Hai người như chìm trong màn đêm bên góc sân, chìm đi trong cõi lòng u ám nặng nề.

- Anh nhờ chú một việc, mai anh sẽ đi sớm nên không kịp nữa.

Anh Đề nói như kéo Nam ra khỏi cảm xúc đang đè nặng trong lòng:

- Mấy thứ ngoài kia gửi mua, anh đã chia làm hai, địa chỉ anh để sẵn đó, thư chưa có bì, mà không cần phong bì đâu, cứ gấp lại bỏ vào. Chú nhớ ghi địa chỉ cho rõ, mai mốt ra bưu điện gửi hộ anh kẻo ngoài đó mong.

Hai người rời quán khi đã khá khuya. Chốc chốc có chiếc xe khách đường dài chất ngất hàng cột trên nóc chạy ngược ra, ánh đèn pha quét loang loáng mặt đường nhựa đến lóa mắt. Về lán, ai về giường người nấy lặng lẽ.

Sáng ra, xe từ trung đoàn bộ chở theo mấy người, bấm còi gọi từ ngoài đường. Anh Đề rút trong túi áo ra nắm tiền lẻ. Anh nói, “tiền thừa của họ chú cứ bỏ cả vào trong gói đồ; trả tiền cước nữa, còn bao nhiêu chú giữ lấy. Cũng không còn nhiều mô. Nói rồi anh ôm lấy Nam vỗ vỗ, miệng nói như pha lẫn nước mắt, “anh đi, anh đi...”. Buông vai Nam, anh khoác ngay ba lô lên vai bước ra. Mấy người b chỉ huy chực sẵn bên ngoài, anh bắt tay từng người. Qua lán Ban Chỉ huy, chính trị viên Lâm đứng chờ sẵn, hai người bắt tay nhau. Theo chân anh, thằng nào cũng rơm rớm nước mắt.

Rồi anh leo lên xe. Xe bấm hồi còi dài, nổ máy bò xuống đường 1 nhắm hướng Nam lao đi.

Sáng hôm sau, mọi người đi đâu hết. Nam bần thần trước mấy thứ anh Đề nhờ gửi. Gói gửi chị Hà gồm một áo len nữ màu hoàng yến, tấm soa màu lòng tôm và hai tấm tec-gan một xám một nâu. Gói kia gửi “Nguyễn Văn Xân” chỉ một tấm tec-gan màu lông chuột. Hai lá thư, anh bảo cứ bỏ vào gói bưu phẩm cho tiện giờ cậu mới mở đọc. Thư gửi vợ, anh viết: … Hà em, An gửi 20 đồng nhờ mua áo len, áo len mua hết 18 đồng, dư 2 đồng. Anh Xân gửi 300 đồng, mua 2 tấm tec gan hết 200 đồng, tấm soa 10 m hết 80 đồng, dư 20 đồng. Tất cả còn 28 đồng của cả hai người, em trả lại cho họ hộ anh. Hà ạ, anh biết em và anh Xân có tình cảm với nhau, có lẽ lỗi một phần do anh. Mấy tối buồn chắc chúng mình không có con đâu. Em yên tâm nếu muốn tiếp tục với anh ta. Và nếu anh ta thực lòng với em thì tùy em quyết định. Phần anh, chưa biết lúc nào về, mà nếu có về được anh cũng không trách gì em đâu… Tạm biệt em. Thư gửi lớp trưởng Xân, anh viết: Anh Xân à, anh đẹp trai, dáng khỏe khoắn, quần vải này may loe một chút, anh mặc chắc rất đẹp. Vải anh gửi mua tôi đã mua đủ và gửi anh, cả tiền thừa. Riêng tấm vải này tôi biếu anh. Tôi biết anh và Hà có tình ý với nhau. Nếu anh yêu Hà thật lòng thì hãy chăm lo cho cô ấy. Tôi xin rút lui. Còn nếu anh chỉ chơi bời, còn về được tôi sẽ nói chuyện với anh.

“Trời ơi, anh Đề ơi”. Nam buông rơi tờ giấy. Ngồi lặng một lúc lâu rồi Nam cũng phải gói ghém hai gói bưu phẩm. Hai tay Nam cứ luống cuống, gói rồi lại mở, mảnh vải nhựa bọc ngoài cứ chực bung ra. Hai mảnh giấy ghi địa chỉ người nhận Nam phải viết đi viết lại đến lần thứ ba. Mọi điều trong đầu cậu chỉ còn hình bóng anh Đề.

Sáng đó Hồ Xá mưa.

N.N.L
(TCSH422/04-2024)

 

Các bài mới
Sao hôm sao mai (17/05/2024)
Các bài đã đăng
Người về (03/05/2024)