Tạp chí Sông Hương - Số 422 (T.04-24)
Sao hôm sao mai
14:31 | 17/05/2024

VĨNH QUYỀN

Rien Ne Pese Tant Que Un Secret
Không Gì Trĩu Nặng Hơn Một Điều Thầm Kín

Sao hôm sao mai
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức

Chiếc Volkswagen xám khói rền rĩ như có thể đột tử vào mỗi xế chiều thứ Bảy, khi leo con dốc hẹp mở ra lắm nẻo quanh co dưới tán rừng thông, dẫn đến ngôi nhà gạch đỏ ấm áp của mẹ tôi, là kiến trúc duy nhất và chỉ có thể trông thấy sau vòng cung cuối đường. Dẫu sao, nơi ngoại ô hoang sơ này “con bọ” đỡ cô thân hơn khi len dòng ô tô đời mới trong thành phố lớn thứ ba của nước Pháp, Lyon. Cô giúp việc mở cửa chính đón tôi, nhưng tôi chưa vào nhà thăm mẹ ngay mà thả bộ trở ra bên ngoài cổng, nơi đặt hòm thư chế tác từ một lóng gỗ thông nguyên vỏ. Từ nhiều năm trước, khi mẹ tôi chọn lối sống ẩn dật, tôi đã đại diện pháp lý cho mẹ, dùng địa chỉ căn hộ của tôi để tiện xử lý sự vụ hành chính, kể cả thư tín, là thứ dần triệt tiêu sau chừng một năm, và vì thế, hòm thư này cũng ẩn dật cùng chủ nhân, tồn tại trong mưa nắng quên lãng, như chỉ để bảo lưu giá trị tượng trưng một chi tiết của bức tranh toàn cảnh ngôi nhà, chờ đến ngày tự đổ sụp vào bóng mình.

Chuyện là gần tháng nay, sau khi phát hiện vợ chồng khướu Cutia nương vào mái che hòm thư để xây tổ đón mùa sinh sản, tôi có niềm vui mới khi về nhà mẹ: ngồi xuống tảng đá bên đường, cách tổ chim chừng mươi bước chân, thư thả hút thuốc ngắm đôi chim cần mẫn gom lá thông khô lót ổ, tuần sau chỉ thấy chim trống bay đi bay về mớm mồi nuôi chim mái mải mê thiên chức ấp trứng. Còn ngay lúc này, chúng lại bay đôi và tôi có thể nghe tiếng kêu chiêm-chíp của chim non hóng lên cung trời xanh thiết tha. Nảy ý không định trước, tôi khẽ bước đến đặt lên mái che hòm thư một trái hồng chín nẫu, làm quà tặng nhà Cutia. Bỗng, qua kẽ vênh của nắp hòm tôi thấy có thư bên trong. Ngạc nhiên, tôi mở ra, là một phong thư mốc meo. Hẳn nó đã chờ đợi tôi qua một mùa đông. Chờ tôi, bởi tên người nhận là tên tôi: Denis Tôn Thất.

*

“Ngoài dấu bưu điện thành phố Huế từ miền Trung nước Việt, tịnh không thông tin về người gửi trên bì cũng như trong thư, điều khiếm nhã như vậy hẳn khiến tiến sĩ đang thầm nghĩ có nên đọc hay không. Xin nói ngay cho nhẹ lòng đôi bề: Đây chẳng phải thư tống tiền, càng không thể khủng bố. Vậy, tại sao ẩn danh? Ôi, ước gì có thể sẻ chia nguồn cơn đã dựng nên cái quy ước bất thành văn mà tôi là kẻ phải tuân thủ lâu nay, với tư cách và lời hứa danh dự một nam tử. Nhưng thôi, ẩn danh hay hiển danh không ảnh hưởng nhiều đến nội dung hay mục đích lá thư ngỏ về một vấn đề văn hóa - lịch sử cụ thể. Là tôi nói đến thiên du khảo của tiến sĩ xuất bản trên niên san Viện Viễn Đông Bác cổ Paris, cũng là nơi tiến sĩ vừa kết thúc tốt đẹp một năm thực tập, như trong lời giới thiệu trang trọng của tòa soạn.

Tôi đọc liên tục 90 trang in khổ lớn với tâm thế bị cuốn theo chuỗi xem-nghĩ-chạm-cảm lạ hóa, đầy cá tính về một nền văn minh cổ xưa xứ Đông Dương mà tôi từng biết. Sự khác biệt ấy còn được trình bày bởi văn phong bút ký khoa học trẻ trung, ngẫu hứng mở ra những cú rơi tự do vào chiêm nghiệm sâu lắng qua độc thoại, tự vấn rất phóng túng, nghĩa là rất tùy bút. Tôi chưa thể đọc thêm trang nào trong hơn 500 trang còn lại của niên san, bởi từng trang của thiên du khảo bằng cách nào đó đã neo vào tôi, đầy chật ám ảnh. Rồi tôi đọc lại, đọc chậm, nghiền ngẫm, kiểm chứng để càng yêu thích pha chút ganh tỵ về điều kiện, cơ hội giữa hai thế hệ, hai đất nước, và tất nhiên cả những bất đồng. Giờ đây, để nối dài hạnh phúc sự đọc, tôi viết đôi dòng gửi tiến sĩ, như một phản hồi, phải, phản hồi chứ không phản biện. Không nhớ lần cuối tôi viết tiếng Pháp lúc nào nữa, tiến sĩ bỏ quá cho những thô vụng ngôn từ đâu đó.

Phản hồi của tôi thu gọn vào mỗi hình tượng thuộc thế giới tự nhiên trong thiên du khảo: Cây ngô đồng. Tại sao ư? Vì thỉnh thoảng nó lại mọc lên trên dọc dài hành trình chuyển hóa nhận thức của tôi về lịch sử - văn hóa dân tộc. Chúng ta đều biết Cửu đỉnh được đúc dưới triều Minh Mệnh, gồm chín đỉnh đồng lớn bố trí trước sân Thế miếu trong Hoàng thành, mỗi đỉnh được đặt tên theo thụy hiệu một vua triều Nguyễn, khởi từ Cao đỉnh tượng trưng Thế Tổ Cao Hoàng Đế Gia Long. Trên mỗi đỉnh chạm nổi 17 hình tượng tiêu biểu thuộc các lĩnh vực thiên văn, địa lý, sản vật quý và vũ khí uy lực của nước Việt đương thời. Đọc thiên du khảo, tôi dừng lại khá lâu ở trang mà tôi hình dung tiến sĩ dừng chân đủ lâu trước Nhân đỉnh, đỉnh dành cho chính vua Minh Mệnh, Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế, vị chỉ huy trực tiếp trong hai năm liền thiết kế cũng như chế tác Cửu đỉnh, từ lập đông 1835 đến cuối xuân 1837, nhìn chăm chú vào một hình chạm trổ trên ấy, để ghim câu hỏi vào bài du khảo: “Trong hơn mười nghìn loài thực vật Việt Nam thời ấy, tại sao ngô đồng?”. Nhưng, bất ngờ, tiến sĩ buông lửng lời kiến giải.

Sau khi tôi đỗ tú tài, chuẩn bị du học, ba tôi kiêm luôn vai gia sư, luyện môn viết Pháp văn cho tôi. Có lần, ông chọn một đề luận rộng và khó, “Ảnh hưởng Trung Hoa trong văn chương Việt”. Trong bài, tôi có lời than: “Thi nhân Việt đời trước sử dụng nhiều thi ảnh ước lệ từ nguồn Trung Hoa, ví dụ “tuyết rơi” hay “ngô đồng rụng”, bất chấp thực tế tự nhiên Việt Nam không có tuyết, cũng chẳng có ngô đồng. Ấy là tôi nhớ những ý kiến từng nghe thấy đâu đó, chứ vốn đọc thơ Hán-Nôm của tôi lúc ấy bằng không. Chiều cuối tuần trả bài, chỉ thấy ba tôi sửa dàn ý và tất nhiên dành nhiều thời gian cho văn phạm, món tôi khá yếu. Xong, theo gợi ý của ba tôi, tôi đẩy xe lăn đưa ông vào Đại Nội dạo chơi. Ba tôi bất chợt hỏi tôi đã thấy cây ngô đồng chưa. Tôi lắc đầu. Lát sau, chúng tôi dừng trước một gốc cổ thụ. “Ngô đồng đó”, ba tôi nói. Cây cao gần 20 mét, vào thời điểm phô diễn vẻ đẹp bản thân: trút sạch lá, trổ hết hoa, những chùm hoa tím phớt hồng chi chít đang sáng lên lần cuối trong ánh hoàng hôn và trong sương mỏng. Tôi rời mắt khỏi cây ngô đồng, nhìn ba tôi với nụ cười biết ơn, và hẳn là rạng rỡ. Bỗng nhớ hai câu thơ, loại thơ không học vẫn thuộc, “Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ cộng tri thu”, tôi ngập ngừng: “Ba ơi, có chắc là ngô đồng không? Giờ mới cuối xuân, mà ngô đồng rụng lá ra hoa vào thu?”. Ba tôi vỗ lưng tôi: “Hỏi hay lắm. Ngô đồng con nói là ngô đồng bên Trung Hoa, đã trở thành biểu tượng mùa thu, thu Trung Hoa, có hoa màu vàng, hay vàng điểm trắng. Còn trước mắt con lúc này là ngô đồng do chính vua Minh Mệnh sai người tìm ra tại Trường Sơn nước Việt, có hoa tím hồng nở vào cuối xuân. Cùng một giống cây nhưng khác về sắc hoa và mùa hoa như vậy là do chúng sinh trưởng ở hai vùng khí hậu khác nhau, nhiệt đới và ôn đới”. Niềm vui nước mình cũng có cây ngô đồng không che được nỗi thất vọng về bản thân, tôi nói: “Vậy là con đã sai?”. Lại vỗ lưng tôi, ba tôi nói: “Điều con viết trong bài luận là đúng chứ, bởi từ trước triều Minh Mệnh, ngô đồng Trung Hoa đã sánh vai cùng thông, còn gọi tùng, có tần suất xuất hiện cao trong thơ Việt. Tuy nhiên, cái đúng của con chưa đặt trên nền kiến văn sâu rộng, là thứ đòi hỏi sức đọc và trải nghiệm. Buồn chi, vào tuổi con, ba không viết được như vậy”. Tôi muốn nghe thêm chuyện vua Minh Mệnh và cây ngô đồng Việt, nhưng ba tôi đã nói: “Muộn rồi, về thôi. Bản dịch “Đại Nam nhất thống chí” và “Minh Mệnh chính biên” có trong tủ sách, con tự tìm đọc, sẽ thấy thú vị hơn”.

Vài năm sau, từ Pháp tôi gửi bài biên khảo đăng trên Tao Đàn, tạp chí văn hóa trong nước. Trong đó có đoạn hồi cố chuyện ngô đồng: “Theo “Đại Nam nhất thống chí”, sau một thời gian hân hoan đón nhận hai cây ngô đồng, món quà từ Quảng Đông (Trung Hoa), vốn được cho không hiện hữu ở đất phương nam, vua Minh Mệnh đã sai biền binh mang mẫu lá và hình vẽ cây ngô đồng tỏa vào rừng sâu tìm câu trả lời cho câu hỏi trăn trở của chính ngài: “Vậy Đại Nam ta có ngô đồng không?”. Hóa ra loài cây vương giả đầy cảm hứng thi ca ấy vẫn nghìn năm ẩn tàng giữa ngàn xanh Trường Sơn chờ đợi ngày nước Nam xuất hiện một vị vua có câu tự vấn xưa nay hiếm. Từ đó, nhà vua cho tô điểm cảnh quan kiến trúc cung điện, lăng tẩm bằng giống ngô đồng nội địa. Niềm tự hào không thua kém phương bắc của vua Minh Mệnh còn thể hiện qua việc chạm hình cây ngô đồng phương nam lên Cửu đỉnh”.

Phải nhiều năm sau, khi tóc không còn xanh, và không còn nhớ nghĩ đến bài viết đầu tay ấy nữa, tôi mới có dịp tự vỡ. Rằng cái sự kiến giải “tự hào không thua kém phương bắc” mà tôi đính vào hào khí của vua Minh Mệnh, trong trường hợp ngô đồng, tuy không sai nhưng phiến diện, và thậm chí đắc tội tiền nhân. Chuyến ngược thượng nguồn sông A Vương, tìm nhặt những mảnh ghép cuối cho bức tranh toàn cảnh về một vùng văn hóa Katu, đã dẫn tôi lạc đến một góc rừng, vốn là một trong những “cái nôi” của “cố nhân”. Xa xa, một khóm đại thụ trút sạch lá, phô bật tán hoa sắc hồng tím đặc trưng ngô đồng Việt trên nền xanh dằng dặc rặng Trường Sơn. Người dẫn đường, già làng bản Alê, đứng lặng chờ tôi lắng dịu cơn xúc động, trước khi góp tiếng: “Người Katu từ thế hệ cha tôi trở về trước có thói quen cứ vào tiết xuân thỉnh thoảng lại ngước mắt hóng lên lưng chừng ngọn cao sơn. Các vị vẫn giữ lòng tin truyền đời từ tổ tiên: Rằng chim phượng hoàng rồi sẽ có ngày nương mây mù trở lại, đậu lên khóm ngô đồng ấy. Tục săn máu cúng Giàng cổ xưa ghi nhận điều đó: Khi đàn ông Katu bị đón đường “xin máu” họ sẽ hát bài “lý”: “Buổi sáng ta còn muốn thấy mặt trời mọc đàng đông, Giữa đêm ta còn muốn nghe vợ yêu cười dưới chăn, Trong mơ ta còn muốn thấy phượng hoàng trở lại trên cây ngô đồng, Ta không thể cho ngươi máu!”.

Cảnh giới tuyền lâm hoang dã thời xa vắng sống lại sinh động qua giọng hát “lý” và động tác minh họa của ông già Katu với cây đao dài đi rừng trên tay gân guốc. Tôi bất giác rùng mình. Không vì sợ “xin máu”, mà vì thoảng nghe tiếng đập cánh của lũ phượng hoàng trong mây mù. Yếu tố giấc mơ và loài chim không có thật xuất hiện quá bất ngờ trong lý lẽ từ chối “cho máu” của người đàn ông nơi rẻo cao. Hóa ra, mơ được thấy thời hoàng kim phục dựng cũng là lý do để sống. Tôi vỡ ra. Vua Minh Mệnh cho khắc chạm hình ngô đồng lên Cửu đỉnh như một biểu thị nhắc nhở vua quan triều đình ngày đêm lo nghĩ thực hiện trọng trách kiến tạo thời đại hoàng kim quốc thái dân an, như cây ngô đồng Việt kia không ngừng đau đáu ngóng trông đôi cánh phượng hoàng trở lại…

Tôi rất muốn đi thăm lăng Minh Mệnh, thắp nén hương tạ tội. Nhưng gần hai năm nay tôi không thể tự ra khỏi nhà, mà người nhà thì không ai đồng ý để cho tôi đi đâu nữa. Cảm ơn tiến sĩ đã buông lửng một lời kiến giải trong thiên du khảo, cho tôi khoảng trống tương tác đôi dòng chiêm niệm. Cũng cho tôi cơ hội thực hiện một kết nối một chiều, từ phía tôi”.

*

Trầm giọng, tôi đọc rời từng tiếng “từ - phía - tôi”, rồi ngừng bặt, tạo thanh điệu thay cho dấu chấm hết của lá thư. Ngồi đối diện tôi, bên kia mặt bàn tròn có thể tiếp mười vị khách, mẹ tôi giữ yên tư thế chờ nghe tiếp, hai tay chống cằm, mắt nhìn nghiêng xa xôi về phía mặt trời đang chìm dần sau đỉnh rừng thông với những chùm sáng vàng cam chấp chới chưa tắt hẳn. Tôi chợt hiểu, từ lúc nào đó, mẹ tôi đã không còn tiếp nhận lời đọc của tôi nữa. Gần đây bà dễ tự chìm vào cõi giới khác, ở đâu đó trong chính mình, đáng cho tôi e ngại. Chừng một giờ trước, giữa bữa ăn tối, nhận ra tôi ít trò chuyện, mẹ tôi hỏi về sức khỏe và công việc. Tôi đáp mọi thứ đều ổn. Chưa yên tâm, mẹ tiếp tục thăm dò tình trạng giữa tôi và vợ sắp cưới. Tôi nói cô ấy thực tập ở Ai Cập chưa về, nhưng đã tìm được món quà ưng ý dành cho mẹ, cái nón lá cọ rộng vành dùng khi thăm vườn. Mẹ tôi vui hẳn, tất nhiên không vì quà của con dâu tương lai. Thật ra tôi ít trò chuyện vì mải nghĩ đến lá thư đã đọc trước khi vào nhà, và cân nhắc có nên cho mẹ tôi biết về nó hay không. Là thư gửi tôi, tôi có thể im lặng, vì không muốn bà vướng vào lo nghĩ.

Sau bữa ăn tối, tôi đưa mẹ ra tiểu sảnh hình lục giác dưới mái hiên. Cô giúp việc đã bày cà phê và món tráng miệng. Lúc ấy mẹ tôi lại là người trầm ngâm ít nói. Tôi áy náy vì đã che giấu thứ mà trực giác mách bảo nó ẩn chứa điều liên quan đến mẹ mà tôi chưa thể giải thích. “Mẹ à,” cuối cùng tôi quyết định lên tiếng, khi tách cà phê sắp cạn. “Chiều nay con đã nhặt được một phong thư trong hòm thư cũ nhà mình. Đã đọc qua, chỉ là viết về bài du khảo con xuất bản năm ngoái, nhưng nặc danh, mẹ nghĩ có lạ không?”. Thấy mẹ tôi chưa chạm thấu vấn đề, tôi thêm chi tiết: “Nó được viết và gửi từ Huế, Việt Nam”. Mẹ tôi chợt tỉnh: “Huế? Đọc mẹ nghe”. Tôi vâng lời, và kết cuộc vậy đó, tôi đọc chưa xong lá thư, mẹ tôi đã trượt khỏi thì hiện tại.

“Từ Huế?”, mẹ tôi bất đồ trở lại. Thấy tôi gật đầu, mẹ dồn dập: “Các dấu móc cédille dưới chữ “ç”, và dấu hai chấm tréma trên các con chữ “ï”, “ë”, “ü” đều bị giản lược, đúng không?”. “Sao mẹ biết?”, tôi quá ngạc nhiên. Không trả lời, mẹ tôi quay nhìn ra cổng, giọng căng thẳng: “Là ông ấy!”. Tôi nghiêng người toan nắm lấy tay mẹ và trấn an “đừng sợ, có con đây”, thì mẹ nói trổng: “Trăm phần trăm là ông. Tới già vẫn chưa sửa được thói lười khi đánh máy chữ”. Tôi suýt bật cười khi nghe giọng chê trách mà mẹ tôi dành cho người vắng mặt, tác giả bức thư ngỏ, hẳn cũng là người cha của tôi, người mà gần ba mươi năm nay, mẹ tôi chỉ chia sẻ với tôi đúng mỗi dòng “trích ngang”: “Sinh viên du học đến từ Việt Nam”. Không nỡ làm khó mẹ, tôi bỏ qua giai đoạn hỏi han - xác nhận, mà thẳng vào “chuyện nhà”: “Cái quy ước khiến ông ấy không thể xưng cha với con là do mẹ đặt ra, phải không?”. Mẹ tôi chớp mắt thừa nhận. Cái chớp mắt đẹp khiến tôi nhớ tấm ảnh đen trắng của mẹ thời sinh viên thanh lịch duyên dáng và ngơ ngác. Sau một lúc đắn đo, mẹ tôi tiếp: “Ừ, mẹ đã viết thư báo với ông ấy là mẹ quyết định sinh con, nuôi dạy con ở Pháp mà không yêu cầu ông ấy bên cạnh. Mẹ cũng cho biết sẽ giữ họ Tôn Thất cho con, với điều kiện ông ấy không được chủ động liên lạc với con mà không có sự đồng ý của mẹ. Tôn Thất Long đã cam kết, và đã giữ lời, cho đến khi thư này được gửi đến con”. Tôi chấn động nghe tên cha lần đầu, dẫu qua giọng chế giễu của mẹ. Mất một lát tôi mới có thể phân bua: “Mẹ à, chỉ là thư nặc danh và toàn chuyện văn hóa - lịch sử. Thú thật, con đã xem đó là một trong những bài thuyết giảng thực nghiệm ấn tượng và cảm động mà con từng biết”.

Lườm mắt về phía tôi vẻ dọa dẫm “biết ngay mà, chưa gì cha con nhà ngươi đã bênh nhau”, rồi mẹ tôi trở lại tư thế sầu muộn: hai tay chống cằm nhìn nghiêng về hướng Tây, nơi mặt trời đã khuất phía bên kia bán cầu và bầu trời xanh sẫm đủ cho ngôi sao hôm le lói chớp nháy trên đỉnh rừng thông giờ là khối đen đông đặc. “Con ơi, niềm đam mê nghiên cứu văn hóa - lịch sử đã trao cha con cho mẹ, rồi thứ văn hóa - lịch sử thực tế lại cướp ông ấy khỏi đời mẹ…”. Giọng mẹ yếu ớt, ai oán như cất lên từ bóng tối chung quanh khiến tôi vội đến bên, ôm chặt lấy mẹ, khổ tâm như đứa bé lỡ tay đánh vỡ lọ thủy tinh quý giá nhất đời. Tôi ước gì mình đã không nghĩ ra việc đọc thư của cha, cứ để mẹ tiếp tục giấu tôi về mọi thứ như trước đây. Tôi thấy mình không tìm được lời thỏa đáng có thể an ủi mẹ. Cô giúp việc xuất hiện đúng lúc, cùng tôi dìu mẹ về phòng. Yên ổn dưới chăn ấm được một lát, mẹ bảo tôi hãy đi nghỉ, đừng lo lắng quá. Tôi vâng lời, nhưng vừa đến cửa phòng, mẹ tôi đã gọi giật, vỗ nhẹ tay lên mặt giường ra hiệu tôi đến ngồi bên. “Không gì trĩu nặng hơn nuôi giữ một điều thầm kín trong lòng. Nhưng mẹ cam chịu tất cả để giữ được con bên mẹ. Giờ gánh nặng ấy không còn nữa. Cảm ơn Denis của mẹ, cảm ơn cả lá thư đến từ Việt Nam, không sớm cũng không quá muộn”. Mẹ tôi vươn cánh tay gầy lau nước mắt cho tôi, thì thầm: “Trong tủ, ở kệ dành cho sách đã xuất bản của mẹ, có một sổ tay bìa tím…”.

*

“90 ngày ở xứ sở loài rồng”. Ấy là một nhan đề từ đâu trong đầu tôi bay đậu lên cuốn sổ tay khổ lớn vừa được khẽ khàng gấp lại, đặt ngay ngắn trên bàn. Ngửa cổ hẳn sau lưng ghế, giữ tư thế ấy lâu nhất có thể để tìm chút cân bằng sau một đêm đọc nghiến những trang viết có tuổi đời hơn tôi sáu tháng. Ngòi bút sắt của mẹ khi nắn nót dịu êm, khi xô xéo rách giấy, khi run rẩy hoảng loạn. Tôi đã rưng rưng ở trang cuối. Giọt nước mắt nào cho mẹ, giọt nước mắt nào cho cha, và cho cả ông nội nữa? Chung quy là nước mắt. Nước mắt đứa con hai dòng máu.

Mẹ tôi, nhà văn Annette Bellamy, viết truyện ngắn hư cấu, tất nhiên cuốn ghi chép này ngoại lệ, và được viết trước khi mẹ tôi chọn văn chương làm nghiệp dĩ. Viết vì không thể nói, viết để không phát điên. Không trình tự, không liên kết, chỉ là những gạch đầu dòng được dẫn dắt bởi tâm trạng hoài nhớ, đau đớn, và bất ổn. Dẫu vậy, giờ đây mớ bòng bong ấy là câu chuyện có đầu có đuôi, trong tôi.

Trước tiên hãy gặp Annette, sinh viên văn khoa năm ba. Cô đến Thư viện Sorbonne dự buổi sinh hoạt ngoại khóa chung cho ngành xã hội nhân văn. Người thuyết trình là một giáo sư tiến sĩ, khách mời từ Đại học Bắc Kinh. Khi đề cập hiện tượng vay mượn ngôn ngữ giữa các quốc gia, giáo sư đưa ra vài ví dụ, trong đó “Annam”, danh từ riêng tiếng Pháp, có nguồn gốc chữ Hán, “An Nam”, đầy đủ là “An Nam đô hộ phủ”. Một thanh niên châu Á đứng lên cắt lời giáo sư, tự giới thiệu là Tôn Thất Long, nghiên cứu sinh ngành khảo cổ, xin phát biểu. Đại diện thư viện nhã nhặn từ chối với lý do phần trao đổi được xếp cuối buổi. Nhưng Long đã đáp: “Vì tôi sẽ rời khỏi đây trong chốc lát, xin hãy cho tôi nói một lời thôi, với giáo sư. Rằng, tôi không chấp nhận ai đó gọi đất nước tôi là An Nam, ngay trước mặt tôi. Quốc hiệu nước tôi là Việt Nam”. Mọi người lặng phắc nhìn chàng trai nước Việt bước ra khỏi cửa hội trường. Annette tự dưng bừng tỉnh, cuống quýt đuổi theo, “vì không nỡ để anh ấy một mình như thế”. Họ gặp nhau vậy đó. Sau gần một năm yêu thương quấn quýt, Long ngỏ ý đưa Annette về Việt Nam, trải nghiệm kỳ nghỉ hè đặc biệt. Hiểu anh muốn giới thiệu cô với gia đình, Annette nhận lời.

Thích thú, tò mò nhưng e dè là cảm giác của Annette khi đặt chân vào không gian một vương phủ phương đông thời sa cơ. Vườn cây lưu niên rậm đến thiếu sáng. Sau ngôi nhà lớn thờ phụng tổ tiên là ba dãy nhà phòng liền kề bao quanh hồ sen trăm mét vuông, tất cả đều bằng gỗ nâu thâm u. Khi nhận phòng có cửa sổ nhìn ra sông Hương, Annette suýt reo lên trước mặt mẹ của Long. Tất nhiên lúc đó cô chưa hiểu thế nào là ngủ cùng tiếng ếch nhái ma quái từ bờ sông vọng vào. Âm thanh ấy chưa hẳn khiến Annette ngán ngẫm bằng lời “vo ve” nhắm tới cô của các bà các chị ở khu nhà bếp mỗi khi cô xuất hiện. Và nỗi sợ thật sự của Annette là mỗi dãy nhà dùng chung một toilette. Biết chuyện, Long mang đến phòng cô một va ly lớn, mở ra thấy toàn là bô nhựa dành cho trẻ con, mua ở chợ Đông Ba. Sau đó, thỉnh thoảng người nhà thấy anh xách lồng chim phủ khăn gió, vừa huýt sáo vừa đi ra bến sông. Tuy nhiên, đó chỉ là những chuyện vặt ngày thường.

Một chiều, Annette bắc ghế ngồi ngoài hành lang nhà khách hóng gió sông, vô tình nghe lỏm cuộc luận đàm của cánh đàn ông trong đại gia đình cùng vài thân hữu. Họ nói với nhau bằng tiếng Pháp, Annette toan quay về phòng mình, nhưng câu nói liên quan đến Long đã giữ chân cô: “Từ sự thất bại của phong trào Đông du, chúng ta chuyển hướng, đưa thanh niên sang Pháp du học. Mọi người kỳ vọng vào Long, tiếc là cháu chọn khảo cổ học chứ không phải ngành bá công như đã bàn định”. Long đáp: “Dạ, cháu muốn làm nghiên cứu tại Viện Viễn Đông Bác cổ, rất có ích cho di sản văn hóa nước nhà đó ạ”. “Đúng vậy. Chú chỉ muốn nhắc, Viện Viễn Đông Bác cổ là một trung tâm khoa học nhân văn uy tín. Những con người ở đó hầu hết đáng kính, chúng ta biết ơn họ góp phần nghiên cứu và bảo tồn văn hóa bản địa. Nhưng họ làm việc dưới quyền thực dân Pháp, mà mục đích thành lập Viện này không ngoài sách Tôn Tử: “Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bất đãi”, hiểu Đông Dương để thắng lợi trong công cuộc chinh phục Đông Dương. Niên san năm 1908 của Viện có bài kêu gọi đối xử bình đẳng với người bản xứ, lập tức Toàn quyền Bonhoure trực tiếp nhắc nhở Viện hãy chuyên tâm vào nghiên cứu khoa học. Trở lại việc chính của chúng ta: Để giành được chủ quyền đất nước chúng ta cần nhiều thanh niên giỏi kỹ thuật và quân sự. Khoa học xã hội rất quan trọng, nhưng không là ưu tiên lúc này”… Có tiếng động khẽ phía sau, Annette ngoảnh lại. Từ khá xa, dưới tán cây long não, cha của Long ngồi trên xe lăn, bất động. Sợ hãi, cô vội quay mặt, tránh cái nhìn của ông. Lát sau, cô quyết định giải thích về sự có mặt của mình ở đây. Nhưng ông già và chiếc xe lăn đã biến mất. Annette chạy về phòng, đóng chặt cửa, ngồi bệt vào góc khuất, trùm kín chăn, bật khóc.

Giờ cơm chiều của gia đình, sau một lúc gõ cửa và gọi mà Annette không đáp, Long phá then cài. Nghe động, mẹ của Long vội đến. Cả hai lo lắng, vỗ về trấn an cô gái. Đang có chút hiệu quả thì cha của Long và chiếc xe lăn xuất hiện. Annette rú lên, hai tay che mặt. Chính thái độ điềm tĩnh và giọng nói chân thành ấm cúng của ông giúp cơn bấn loạn của cô gái dịu dần. Như hiểu Annette sợ hãi điều gì, ông từ tốn mở đầu câu chuyện bằng chính đôi chân thương tổn của mình, rằng đó là hậu quả hai năm bị xiềng biệt giam tại ngục Lao Bảo vì tội viết những bài báo chống chính quyền bảo hộ trên tờ La Cloche fêlée. “Lúc chiều, ta hiểu cháu sốc khi nghe người nhà này nói những lời thù địch với đất nước cháu, và ta cảm thông. Ta tin cháu cũng sẽ thông cảm cho họ nếu biết ít nhất có đến ba người thân trong gia tộc họ bị chính phủ Pháp lưu đày: vua Hàm Nghi, vua Thành Thái và vua Duy Tân. Thông cảm hơn nữa nếu biết họ là con cháu của Điện tiền thị vệ Tôn Thất Đề, người bị xử chém sau cuộc khởi nghĩa 1916 thất bại, cùng các nghĩa sĩ Nguyễn Quang Siêu, Thái Phiên, Trần Cao Vân…”.

Tối hôm đó, lần đầu Long chung phòng cùng Annette. Và cô đã lý giải: “vì anh ấy không nỡ để tôi một mình sau một sang chấn như thế”.

*

Đặt phong thư ngỏ khuyết danh kề bên sổ tay bìa tím, vì tôi biết điều đó khiến cha tôi và cả mẹ tôi hạnh phúc. Nghĩ đến ông lại nhớ hình ảnh cây ngô đồng Việt trút sạch lá, trổ hết hoa, đau đáu phượng hoàng. Tôi rót hết phần còn lại trong chai vang ra ba chiếc ly thủy tinh. Uống thật chậm. Ly này cho mẹ. Ly này cho cha bên kia bán cầu. Và ly này cho con trai của họ.

Ngoài cao xanh kia, chỉ còn mỗi vì sao nán lại, không ngừng nhấp nháy phát tín hiệu chào ngày mới. Sao mai là sao hôm đó thôi.

V.Q
(TCSH422/04-2024)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng