Tạp chí Sông Hương - Số 58 (T.11&12-1993)
Lễ cầu mưa, khấu tạnh trong lịch sử
15:08 | 14/06/2024

LÊ QUANG THÁI

Lễ cầu mưa hoặc cầu tạnh đều được gọi chung là lễ đảo vũ. Trong lịch sử có những năm hết cảnh nắng hạn đến mưa sa kéo dài.

Lễ cầu mưa, khấu tạnh trong lịch sử
Lễ rước kiệu trong Lễ hội cầu mưa ở Hưng Yên năm 2012 - Ảnh: NLĐO

Năm nay, năm Quý Dậu 1993, nhuận hai tháng 3 âm lịch, trời đại hạn khiến cho ruộng khô, đất nứt, sông hói, khe lạch ở một số vùng cạn kiệt nước, để trơ lòng đáy lởm nhởm đất đá, rêu rong. Độ nhiệt đều đều từ 38 trở lên. Thật là hiện tượng thời tiết bất bình thường. Lo nghĩ nhiều là đằng khác, một nỗi lo chung và chính là nỗi lo đời.

Nếu tìm đọc quốc sử chắc rằng sẽ trấn an được lòng dạ. Cả một chuỗi dài tràng hạt ghi khá chi li về những năm trời đại hạn kéo dài, mất mùa liên miên, dịch bệnh tàn khốc... Nhưng rồi tiền nhân tổ tiên ta đã vững tâm, từ vua quan cho đến thứ dân, ai nấy đều tìm đủ mọi cách để khắc phục hậu quả của thiên nhiên quá ư khắc nghiệt:

Kiền khôn chi quang tễ nan thường
Hào kiệt chi kinh luân hữu hội.

Dịch là:

Sự mưa tạnh của trời đất không thường
Tài tình luân của hào kiệt có hội
         
(Nguyễn Phi Khanh)

Dưới thời nhà Nguyễn, sử liệu ghi lại rất phong phú và gần như năm nào cũng có đến hai lần là ít, cầu đảo sao cho mưa thuận gió hòa. Hư thực thế nào, chưa vội bình phẩm nhưng đây quả là một sự thật hiển nhiên của lịch sử. Và không thể bảo là mê tín, dị đoan được.

Ở các nước Á đông lấy nghề nông làm gốc, nhất cử nhất động vua quan đều cầu lợi cho nhà nông. Sách Chu Lễ chép rõ:

"Trong nước bị đại hạn thì thầy cúng lập đàn VU để cầu mưa".

Quy chế của Tiêu Lương nói: Tháng tư mà đại hạn thì làm lễ cầu mưa và làm 7 việc:

1. Xét việc các tội oan và những kẻ không làm tròn chức trách; 2. Phát chẩn cho những kẻ góa bụa, mồ côi và cô độc; 3. Bớt phu dịch, nhẹ thuế má; 4. Tiến cử người hiền; 5. Bãi bỏ bọn tham ô nhũng lạm; 6. Làm cho trai gái sum họp; rủ thương người không vợ, không chồng; 7. Giảm bớt đồ ăn uống của vua, bỏ âm nhạc. Sau đó mới cầu thần Xã Tắc. Tế lễ ở quận mà không thấy có hiệu quả làm Đại vu (đắp đàn cầu mưa)" (1).

Nhận định về các việc làm kể trên, nhà bác học Lê Quý Đôn cho rằng "Phép ấy rất phải", vì tự trách mình trước, rồi sau mới cầu thần.

Xuất phát từ nguồn gốc của lễ đảo vũ, xin ghi lại một số chi tiết tiêu biểu về việc cầu mưa, cầu tạnh đã chính thức đi vào sử sách:

Theo “Đại Nam Thuyền Uyển Truyền Đăng Lục”, dưới triều vua Lý Anh Tông, có thiền sư Nguyện Học (? - 1174) chuyên trì chú để cầu mưa. Gặp năm bị đại hạn, vua Lý Anh Tông thỉnh cầu Sư Nguyện Học lập đàn đảo vũ. Sư lập đàn chay, tại kinh đô Thăng Long, trì chú Đà-La-Ni và ngay đó, sau một khắc, thì mưa lớn trút xuống, dân chúng thoát nạn hạn hán mất mùa. Nhà vua vô cùng cảm phục trước sự cầu linh nghiệm của Sư, tôn làm Quốc sư và đặc biệt ban lệnh cho pháp sư được tự do ra vào cung cấm.

Vào tháng 9 năm Quý Mão, 1843, niên hiệu Thiệu Trị thứ 3, tỉnh Nghệ An không mưa, nhà vua lệnh cho quan tỉnh hết lòng cầu đảo. Chỉ có vài huyện Đông Thành và Quỳnh Lưu lâu không được mưa, vua thấy dân địa phương ấy luôn bị tai hại riêng, bèn sai lại tiếp tục cầu đảo và ban tế đàn âm hồn; lại đặt đàn chay, tụng kinh cầu phúc.

Tháng 9 năm Kỷ Mùi, 1859, niên hiệu Tự Đức thứ 12, tỉnh Bình Thuận ít mưa, quan tỉnh là Nguyễn Hữu Cơ sai thổ cai tổng cầu mưa ở đền Hương Ấn, liền được mưa ngay.

Hết cầu mưa đến cầu tạnh. Vào tháng 3 năm Ất Sửu, 1865, niên hiệu Tự Đức thứ 18, bấy giờ làm lễ đảo vũ đã được mùa, nhưng lại gặp luôn mấy hôm mưa rét gió bấc, ruộng lúa lại tổn hại. Nhà vua sai phủ thần làm Lễ cầu tạnh nhưng chưa ứng nghiệm. Vua lại sai Biện lý bộ Lễ là Nguyễn Văn Thúy, Biện lý bộ Hình là Tôn Thất Tĩnh đến đền ở núi Ngọc Trản và miếu Đô Thành hoàng để cầu khẩn.

Đặc biệt, vào tháng 4 năm Ất Sửu, 1865, Đại thần Nguyễn Tri Phương cầu mưa ở núi Đường Sa (tỉnh Hải Dương). Vì lòng chí thành cho nên được việc. Mưa to dội xuống mấy hôm liền. Vua Tự Đức đọc bản chúc văn của Nguyễn Tri Phương đọc trong buổi lễ tế cầu mưa, đã cảm động đến rơi nước mắt. Nhà vua bèn ban thưởng cho vị đại thần một cấp trác dị và kèm theo một bài thơ như sau:

Quốc nhĩ vong gia phú tự trung
Cúc cung tận tụy cổ nhân phong
Tác lâm dĩ kiến thân thành khẩn
Tẩy giáp do vong tấn vô công.

Dịch là:

Bỏ nhà theo nước một niềm trung,
Phong độ người xưa chỉ hết lòng
Vì hạn cầu mưa, mưa đặng thấm
Mong ngày rửa giáp cáo thành công
                             
(Tư Lạc Tử) (2)

Riêng vào tháng 2 năm Bính Dần, 1866 tỉnh Quảng Nam bị hạn nặng, các quan đầu tỉnh chậm cầu đảo bị nhà vua phạt bổng 6 tháng. Tháng 5 năm Quý Dậu, 1873, tỉnh Nam Định ít mưa. Vua sai cầu đảo, quan tỉnh Nam Định tâu:

- Thời tiết làm ruộng đã muộn, xin đình lại.

Vua bảo rằng:

- Chức trách chăn nuôi dân, cẩu thả sơ suất như thế, bọn Nguyễn Hiên (Tổng đốc); Bùi Thái Bình (Bố chính), Nghiêm Xuân Thiều (Án sát) đều bị phạt.

Tất cả đều là những tin thời sự sinh động, nóng bỏng vào thời thượng, đã gây xôn xao dư luận từ trong triều cho đến ngoài quận về thời buổi mà cả thiên hạ đang thấp thỏm, hết đứng lại ngồi theo chuyện hết việc nắng hạn đến cảnh mưa sa.

Gặp những năm tháng có thiên tai, đại hạn, mất mùa, bệnh dịch thì vua quan mới thấy day dứt, thấm thía về nỗi khổ của dân mà những lo toan cứu giúp dân đen con đỏ chóng vượt qua tai trời ách nước. Chính vua Tự Đức sai bộ Lễ sao chép tức tốc tờ sớ và bản chúc văn trong lễ cầu mưa của đại thần Nguyễn Tri Phương để gửi đi khắp các phủ huyện, và đã tự nhận trước quốc dân: kẻ không xứng đáng này tự nhận lỗi, thành khẩn tha thiết cầu đảo.(3)

Ở kinh đô, lễ cầu mưa, cầu tạnh được tổ chức đầy vẻ tôn nghiêm ở miếu Đô Thành hoàng (làng Dương Xuân, xã Thủy Xuân, thành phố Huế); núi Ngọc Trản (nơi có điện Hòn Chén, nay thuộc làng Hải Cát, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà); miếu Vũ Sư (làng Dương Xuân); đền Xã Tắc (ở phường Thuận Hòa, Huế); đền Thai Dương phu nhân (ở làng Thai Dương, xã Hải Dương, huyện Phú Vang); đền Trang Mục ở làng Trạc Linh hoặc có khi lập đàn Tam Thất(4) ở phía tây cửa Ngọ Môn.

Vào ngày Tân Sửu tháng 2 năm Canh Thìn, 1820, sau khi tế trời, đất ở đàn Nam Giao xong thì trời mưa như đổ nước. Gặp năm ấy, trời đại hạn, vua Minh Mạng định tế Giao xong là lo lễ cầu mưa. Gặp lúc trời mưa liền, vua cho là lòng chí thành đã cảm động đến trời.

Dưới thời Gia Long, trong những năm đầu niên hiệu, nhà vua cầu mưa ở chùa Từ Vân, một trong những ngôi chùa cổ thuộc huyện Hương Trà. Ở chùa Hưng Long thuộc thôn Dương Lăng, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định có thờ tượng Phúc thần, mình người đầu voi với tư thế ngồi. Tương truyền trước kia mỗi lần trời nắng hạn, nhân dân yêu cầu chùa làm lễ đảo vũ, và tắm thần, sau đó là trời mưa.

Cầu cho âm dương điều hòa, đem lại hòa khí. Hễ mỗi khi cầu đảo chưa được linh nghiệm thì các quan đại thần tâu xin nhà vua cho tra xét lại việc hình ngục có bị oan lạm không. Theo Hán thư, hiếu phụ Đậu Thị bị oan là giết mẹ chồng, quan phủ giết chết, trời 3 năm không mưa. Vu Công nói với viên phủ rằng oan, mổ trâu tế Đậu Thị, trời mới mưa. Cũng theo Sử ký, Châu Diễn là tôi trung của Yên Huệ Vương, vua nghe lời gièm pha giam xuống ngục. Diễn kêu trời, đương tháng 6 mà sương xuống. Trịnh Hoằng đời Hậu Hán, làm quan Thái thú Hoài Âm, chính lệnh không hà khắc phiền nhiễu. Mùa xuân đến, đi tuần hành ở các huyện thì trời đương nắng, xe của Trịnh Hoằng đi đến đâu mưa theo đến đấy. Đới Phong đời Hậu Hán làm huyện lệnh Tây Hoa, gặp năm đại hạn, cầu đảo mãi không mưa. Đới Phong liền sai chất đống củi, tự ngồi lên trên để đốt mình, lửa bốc cháy lên, thì có mưa to đến rất mau. Các quan thanh liêm, chính trực được chọn cử đi khắp trong dân gian coi lại hình án, xem có tình trạng oan uổng để kịp thời thân oan. Một khi việc canh ngục được thanh thỏa, là không oan khổ thì vị tức đem lại sự thái hòa. Từ đó, triều đình lo chỉnh đốn lại các việc trọng yếu như lo kén chọn, tiến cử mà không bỏ sót người tài, lo cho người sống cô độc, hạn chế những chi tiêu xa xỉ, xây dựng hoang phí, vô bổ làm tổn hại ngân sách nhà nước, xin vua giảm bớt cung nữ... Đó là về mặt hiện tượng, còn cốt tủy của việc cầu mưa lại khác.

Xét về nguyên nhân sinh mưa, Kinh Dịch đã viết:

Mật vân bất vũ, tự ngã tây giao, công đặc thủ bỉ, tại huyệt (Quẻ Tiểu Quá, Hào Lục Ngũ).

Dịch nghĩa:

Mây dày chẳng mưa, ở cõi tây ta, ông bắn lấy ở hang (Quẻ Tiểu Quá, Hào Sáu Năm).

Trình Di giải nghĩa:

Dương lên Âm xuống, hợp nhau thì hòa nhau mà thành mưa, Âm đã ở trên, mây tuy dầy há nên được mưa? Đó là Âm quá không thể thành mưa(5).

Chu Hy lại giải thích thêm:

Lấy chất âm ở ngôi trên, lại nhằm vào thời âm quá, không thể làm việc mà bắn lấy hào Sáu Hai để làm kẻ giúp mình, cho nên có Tượng ấy. Ở hang là vật về Âm, hai khí gặp nhau, đủ biết không thể làm nên việc lớn(6).

Xét rằng về cách giải thích hiện tượng chưa được mưa của Dịch học đã tiệm cận, gần kề với khoa học và lại rất gần gũi với đời sống tâm linh của người Đông Phương. Được lẽ thái hòa là ý muốn cầu mong của con người, muôn vật ở trong trời đất. Một khi đã trừ được những tệ hại từ trong cung đình cho đến ngoài dân gian thì tức đem lại khí hòa. Gặp lúc hạn hán thì tốt nhất là cầu lời nói thẳng dẫu cho là "trung ngôn nghịch nhĩ" đi nữa cũng đành lắng nghe vì thuốc đắng mới diệt được mầm bệnh đã nhập lý, trở thành mãn tính.

Đó là cách suy nghĩ và thể hiện trong cách làm của người thiên cổ. Nhắc lại không có nghĩa là nói chuyện nắng mưa theo lối trà dư tửu hậu. Mà cốt để tự trách mình trước, cầu thần sau như lời nhận định của tác giả Lê Quý Đôn và vua Tự Đức về sau. Thiết nghĩ nói và làm phải là một, phải nhất quán, phải có đầu có đuôi, mới hầu mong xoay chuyển từ tình trạng chưa tốt, không tốt sang thế chủ động để lo liệu sớm khắc phục những hậu quả do thiên tai hạn hán gây nên.

Cầu mưa và tiếp tục cầu cho được mưa đổ xuống, cầu tạnh và tiếp tục mật đảo, khấu tạnh cho sao trời hửng mới thôi. Cầu nguyện với tất cả lòng chí thành sẽ động đến Trời vì người xưa tin rằng có Trời che Đất chở.

Biện pháp lo cứu nguy chữa cháy của các vua triều Nguyễn nhằm khắc phục hậu quả của hạn hán, lũ lụt, bệnh tật thì quá ư là nhiều, nhưng không thoát ngoài 7 điểm cốt tủy đã dẫn ở bên trên. Để dễ hình dung, không gì bằng trích gợi lại nội dung của bài Tâu của các quan đầu tỉnh Nghệ An và lời Dụ của vua Minh Mạng, năm thứ 21, 1840 đã được ghi lại trong sách Minh Mạng chánh yếu, quyển VII:

Tỉnh thần Nghệ An tâu rằng: “Tháng trước không mưa, gió nam thổi mạnh, lúa mùa hạ mới đâm bông không thể đậu được, tiếp đó mưa lại vượt quá mức thường, ruộng bị ngập nước có hơn một thước, các nơi thấp thời bị nước ứ, các hoa lợi như khoai đậu đều bị ngập và thiệt hại rất nhiều.”

Vua xuống dụ rằng: “Trẫm từ khi lên ngôi chấp chánh đến nay, sớm tối, đêm ngày khi thì cầu xin được mưa, khi thì cầu xin được tạnh, đều lấy việc dân làm trọng; về phần có người phàm đã dự vào hạng có phận sự chăn nuôi vỗ về dân, lẽ nên thể theo ý Trẫm, nếu trong dân gian có bị bệnh, hoặc đau khổ đều phải lập tức tâu lên, ngõ hầu Trẫm ban chỉ cứu giúp, như thế mới không phụ sự ủy thác của Trẫm...”.

Ngày trước, Ngô Thời Sĩ đã hết lòng chăm dân mà rút ra được kinh nghiệm quý giá:

“Làm chính trị như làm ruộng, ngày đêm lo nghĩ, nghĩ việc trước để thành việc sau, sớm tối phải làm, mà làm không vượt ra ngoài ý nghĩ, như ruộng có bờ, thì ít lỗi vậy”.

Nay thời mới, khoa học và kỹ thuật tiến bộ, chăm lo đời sống cho dân là quốc sách hàng đầu. Những nỗ lực của nhà nước các cấp trong việc giúp dân chống hạn không phải chỉ nhất thời như chữa cháy mà còn phải tiếp tục đề ra những biện pháp khoa học hơn, tiến bộ hơn, nhậm lẹ hơn, thật sự vì dân để nông dân và gia đình con cái họ yên tâm sản xuất, học hành và sống bình thường vào thời giáp hạt trong lúc chờ đợi và ước mong vụ mùa mới bội thu.

Huế 20.8.93
L.Q.T
(TCSH58/11&12-1993)

-------------------
(1) Lê Quý Đôn. Vân đài loại ngữ. Phạm Vũ và Lê Hiền dịch. Sài gòn 1973. tr. 186.
(2) Đào Đăng Vỹ. Nguyễn Tri Phương, Nha Văn hóa. Sài Gòn. 1974. tr. 154.
(3) Đại Nam Thực Lục Chính Biên. Đệ tứ kỷ. quyển XXXI. Hà Nội. 1974. tr. 189.
(4) Tam thất: Thái lệ. Công lệ. Tộc lệ. Tế lệ có từ thời Tam Đại. Lệ có nghĩa là trừ lệ khí, thần có nơi nương tựa thì không làm dịch lệ.
(5) Ngô Tất Tố. Kinh Dịch. TP. Hồ Chí Minh. 1991. tr. 746 -747.
(6) Ngô Tất Tố, Sđd, tr. 747.

 

Các bài mới
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Các bài đã đăng