Tạp chí Sông Hương - Số 58 (T.11&12-1993)
Đô cũ các vua Hùng chính thức đóng ở đâu?
14:56 | 19/07/2024

THÁI VŨ

Theo Đại Việt sử lược, nước Việt Nam ta xưa tên nước là Văn Lang, chính thức thành lập với các vua Hùng (696-682 trước TL), kinh đô đóng ở vùng tam giác sông Hồng, để thu phục các "bộ" vào các "bộ lạc" trên cả nước với một thể chế thống nhất.

Đô cũ các vua Hùng chính thức đóng ở đâu?
Núi Hồng sông Lam - Ảnh: tư liệu

Về nguồn gốc thì các sử liệu cho là khởi nguyên tổ tiên ta thuộc họ Hồng Bàng, dòng dõi Đế Minh, cháu ba đời Viêm đế Thần Nông, nhân đi tuần thú xuống phương nam, lấy một người thiếp mới sinh ra Lộc Tục (Trần Trọng Kim trong V.N sử lược ghi là một nàng tiên, tr.11). Phương nam là địa bàn nước ta, còn người con gái đó thuộc dòng Vụ Tiên, mẹ sinh Lộc Tục. Lộc Tục lớn lên được Đế Minh cho làm vua phương nam, xưng là Kinh Dương Vương, còn người anh khác mẹ là Đế Nghi thì được nối ngôi cha. Hai anh em sống rất hòa thuận.

Như vậy Kinh Dương Vương Lộc Tục là vị vua đứng đầu họ Hồng Bàng, kế tục họ Việt Thường trong cộng đồng Bách Việt cổ, đồng thời là vị vua khai sáng đầu tiên. Thuở ấy chưa có danh gọi vua Hùng là vùng tam giác sông Hồng, trên Ngã Ba Hạc chưa có vùng đất được gọi là Phong Châu, kinh đô các vua Hùng như ngày nay vẫn gọi.

Nơi dựng đô nguyên thủy của Kinh Dương Vương là vùng đất xưa cổ có tên là Ngàn Hống-Rào Rum mà ngày nay được gọi là núi Hồng-sông Lam, thuộc vùng đất Nghệ An - Hà Tĩnh hiện nay...

Xin giải minh một chút về ý kiến trên: Khi Nhà xuất bản Trẻ mới được thành lập, các anh Trương Khuê và Hoàng Phủ Ngọc Phan có đề nghị tôi viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử cho tuổi trẻ, nói về tình yêu (1986). Đề tài được nhất trí là chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy. Thời gian đó ở thành phố Hồ Chí Minh sân khấu đang diễn nội dung chuyện tình đó và bị xuyên tạc kinh khủng. Vậy là, ngoài việc tìm đọc các tài liệu, tôi phải ra Hà Nội đến Cổ Loa, rồi vào vùng đất Nghệ Tĩnh lúc đó, đặt nghi vấn "Tại sao khi An Dương Vương bị Triệu Đà đánh bại, chiếm thành Loa, cưỡi ngựa kèm cả con gái yêu là Mỵ Châu chạy vào tận vùng đồng Cấm giáp Diễn Châu và Nghi Lộc (Nghệ An) để trầm mình ở mỏm núi Công (hiện còn đền thờ gọi là đền Cuông - tức Công sát bên quốc lộ 1), sau khi chém con gái ở núi Đầu Voi? Hoặc giả, Phong Châu là đô cũ các vua Hùng mà chính An Dương Vương nối nghiệp, lại không chạy trốn lên đó để chiêu lại binh mã mà chạy tuốt vào tận Nghệ An thời đó, đường đá hoang sơ, núi rừng, thú dữ, cách nay trên 2.000 năm (208 trước TL). Quả đó là chuyện phải đặt nghi vấn...". Mặt khác, tôi cho là trách nhiệm của nhà văn trước nghi vấn lịch sử mà tôi thấy chưa được giải đáp. Tôi phải đi hai lần vào hè 1986 và hè 1987, tổng hợp các tài liệu và dữ kiện để viết xong vào mùa thu 1987, mãi đến tháng 8-1988 sách mới ra mắt bạn đọc. Cho đến nay tôi vẫn canh cánh về đô cũ các vua Hùng, đồng thời cũng cho rằng nên gọi danh hiệu là Hùng Vương, còn Lạc Vương vốn là tên gọi theo bộ tộc Lạc Việt lớn nhất thời đó, mang một thể chế thống nhất của đất nước Văn Lang.

Vậy đô chính của nước Văn Lang khi tách khỏi cộng đồng Bách Việt thời Kinh Dương Vương có phải được dựng lên đầu tiên ở vùng Ngàn Hống, sông Lam hay không, nhất là khi Lộc Tục trở thành Kinh Dương Vương, đứng đầu họ Hồng Bàng, khai sáng nước Văn Lang, truyền ngôi cho con là Lạc Long Quân sau này. Dù thuở xa xưa có nằm trong cộng đồng Bách Việt, nhưng khi đã là vua đứng đầu một họ gồm nhiều bộ tộc, cát cứ tại phương nam, cội nguồn chính họ Hồng Bàng hẳn phải được tính từ nơi đóng đô đầu tiên là vùng Ngàn Hống sông Lam. Các sách xưa, cũng như các mục tài liệu thư tịch đều xác định là "ở miền Nam ngoài cõi trung nguyên Trung Quốc xưa” (Hùng Vương dựng nước, tr.184-85,92 xb KHXH 1970), không vượt ngoài phạm vi 15 bộ (VN sử lược, tr. 12-13).

Gần đây, trong cuốn VN. truyện cổ - Triết lý và tình thương (tr. 164), Bùi Văn Nguyên dẫn thần tích xã Phương Khê, huyện Quảng Oai, (Hà Tây, 1991) nêu chuyện Nàng Nhớn (tên chữ Hồng nương), em gái Kinh Dương Vương Lộc Tục từ phương Bắc vào thăm anh ở Đô Thành Ngàn Hống, rồi cùng anh ra vùng Tuyên Quang thăm mộ tổ tiên... Khi Nàng Nhớn chết, có miếu thờ ở Ngàn Hống và Tuyên Quang, Bùi Văn Nguyên cho biết “Ngàn Hống” (tức dãy Hồng Lĩnh) thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay, sau có tên thật là núi Thứu Lĩnh, hoặc động Hương Tích (sđd tr. 29 và 164).

Dẫn chứng trên hợp với chúng tôi khi đến Nghệ Tĩnh (1986-87) tìm hiểu về nơi trẫm mình và giết Mỵ Châu của An Dương Vương. Ở trang 10-11, Tình sử Mỵ Châu, chúng tôi ghi trong lời minh: "Truyền thuyết dân gian Nghệ Tĩnh (núi Hồng - sông Lam) xưa gọi là Ngàn Hống - Rào Rum, gặp nàng Long nữ tại đó (Thần Long), lấy làm vợ, sinh ra Lạc Long Quân (tức Sùng Lãm). Điều này khác với thư tịch và sách sử gần đây, cho Kinh Dương Vương lấy Long nữ, con gái Động Đình Quân. Vấn đề này liên quan đến việc An Dương Vương từ thành Loa chạy về trẫm mình ở vùng núi và đồng Mụ Dạ (hay Mộ Dạ?). Mụ Dạ, Bùi Văn Nguyên cho có nghĩa là Bà Mụ (sđd tr. 14). Anh cũng không giải thích được sông Lam tên cũ gọi thế nào, khi anh thừa nhận Ngàn Hống là núi Hồng (dãy Hồng Lĩnh).

Lịch sử và nhất là trong sinh hoạt dân gian vẫn để lại tên hai con sông: sông Cái, tức sông Hồng ở phía Bắc và sông Cả, tức sông Lam ở phía Nam trên vùng đất Nghệ Tĩnh, phải chăng từ thuở nước Văn Lang còn trong phạm vi 15 bộ. Cái có nghĩa cổ là Mẹ, như mẹ tổ, đức Thánh Mẫu huyền thoại, sinh con như chính con gái dòng Vụ Tiên lấy Đế Nghi đã sinh ra Lộc Tục Kinh Dương Vương, còn Cả là con trưởng, con đầu lòng hay chính Lộc Tục Kinh Dương Vương. Vậy theo hệ phổ họ Hồng Bàng, Đế Nghi và Vụ Tiên là hệ phổ gốc có con sông được đặt tên là sông Cái, sông Mẹ, sông Cha (Cái, trong Con dại, Cái mang, nghĩa cổ vừa là cha cũng là mẹ). Còn Cả hẳn phải là Lộc Tục khi được Đế Nghi cho làm vua phương Nam, vùng Ngàn Hống Rào Rum. Đôi câu đối trên cột cổng đền Bồ Sơn gần Việt Trì nôm na là ao Việt, cũng gọi là làng Cả hiện nay, nơi thờ Hùng Vương thứ 18, tức Hùng Duệ Vương, nhắc tới đô cũ Ngàn Hống (theo sách truyện cổ VN... của Bùi Văn Nguyên, tên thật là Thứu Lãnh) thời Kinh Dương Vương và đô mới do Lạc Long Quân lập với Hùng Hiền Vương Lân Lang, tức vua Hùng thứ nhất, có ngai thờ số một ở đền Hùng:

Khâm đế mệnh, trấn hoàng châu, Thứu Lĩnh thiên thu diễn phái
Hộ dân sinh, phù quốc vân, Bồ Sơn vạn cổ minh công.

(Vâng mệnh vua, giữ đất quê vua xưa, Thứu Lĩnh ngàn năm nối dõi
Phò vận nước, giúp cuộc sống cho dân, Bồ Sơn muôn thuở ghi công).

Bồ Sơn là đất cũ nằm gần Việt Trì, phía trên (Việt Trì, đúng ra tên gốc là Ao Việt). Kẻ Sủ (tên chữ sau này là Lâu Thượng) nơi làm việc trước đây, bên bờ sông Lô, của vua Hùng, Kẻ Cát (tên chữ Tiên Cát), nơi ở của các bà vợ thứ (các phi) của vua Hùng. Những nơi này đều là trung tâm đô mới của các vua Hùng, trên Ngã Ba Hạc, giữa sông Lô và sông Cái (sông Hồng). Phong Châu, hẳn cũng chỉ là tên chữ nghĩa được gọi sau này, khi chữ Hán trở thành một thứ văn tự ghi chép, giao lưu trên ngàn năm Bắc thuộc.

Như vậy, rõ ràng có thể giải minh được vấn đề đô cũ các vua Hùng thời Kinh Dương Vương là Ngàn Hống - Rào Rum, khi Lạc Long Quân theo lệnh cha ra tuần thứ vùng quê phía Bắc, gặp nàng con gái ở động Lăng Xương, nàng Âu Cơ, lấy làm vợ. Động Lăng Xương, thuộc xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy cũ (nay là huyện Thanh Sơn), tỉnh Vĩnh Phú. Đứng trước cảnh đẹp hùng vĩ giữa Ngã Ba Hạc, đóng khung giữa ba con sông lớn, sông Đà, sông Hồng, sông Lô, và hai lĩnh núi tuyệt đẹp Tam Đảo (ba hòn đảo trên đất liền), Ba Vì, ba đỉnh núi mây phủ trời xanh con người lãng mạn kiểu Lạc Long Quân, bên nàng Âu Cơ xinh đẹp, mới chọn vùng đất Bồ Sơn làm nơi đóng đô mới, dựng nghiệp cho các vua Hùng của nước Văn Lang, họ Hồng Bàng.

Phải chăng Lạc Long Quân thoạt đầu, người lãnh tụ tối cao cầm đầu các bộ tộc đã được tôn xưng là Lạc Vương (từ chính tên vua, tên bộ tộc chính, cũng như các tước phong Lạc hầu, Lạc tướng v.v... để rồi sau này vì là người nhân đức, trung hiếu vẹn toàn, được tôn xưng là Hùng Hiền Vương để rồi truyền ngôi cho con trưởng Tân Lang (tên này có quan hệ gì với tên nước Văn Lang?) với tên thụy là Hùng Quốc Vương. Đô mới, đất Phong Châu hẳn bắt đầu từ đó, với Lạc Vương Lạc Long Quân. Ta có thể dẫn chứng thêm việc Thục Phán An Dương Vương sau đời các vua Hùng chuyển đô về thành Loa (cứ tạm gọi vậy) khi vùng Kẻ Dâu (tức Luy Lâu, chùa Dâu) đã trở thành nơi Kẻ Chợ thời đó) với việc giao thương mở rộng và Phật giáo từ xứ sở Thiên Trúc (Ấn Độ) đã khởi đầu truyền sang. Hoặc cụ thể nhất là Lý Công Uẩn đã bỏ đất đô cũ Hoa Lư của hai triều vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành để lập đô mới bên bờ sông Hồng với câu chuyện rồng lên (Thăng Long) cũng là đất thiêng của "Rốn Rồng”.

Như trên, Ngàn Hống thì như vậy, nhưng chính ra lại thường đi đôi với sông Lam: núi Hồng - sông Lam. Đất nước có cội nguồn thì mọi truyền tích hay huyền thoại, cả thần thoại đều có cội nguồn cụ thể từ dân gian. Thư tịch chữ Hán của các nhà chép sử, nhiều khi chỉ là vấn đề thư tịch... chữ Hán, làm rối đầu đám con cháu bố Rồng mẹ Tiên. Một bài sau chúng tôi sẽ trình bày vì sao Kinh Dương Vương đóng đô đầu tiên ở Ngàn Hống, và vì sao An Dương Vương thua trận từ thành Loa lại chạy tận Nghệ Tĩnh để trẫm mình ở đồng Cấm. Còn sông Lam còn có tên chữ là Thanh Long hay Thanh Giang. Trong sách Lĩnh Nam Chích quái, chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy, kể thần Kim Quy gặp An Dương Vương tự xưng là sứ giả sông Thanh Giang. Chữ nghĩa nôm na thì Lam hay Thanh đều có nghĩa là màu xanh, tiếng cổ hiện nay của Nghệ Tĩnh, màu xanh gọi là Rum, như ngàn chỉ núi, rào chỉ những con sông nhánh đổ vào sông chính không đổ ra biển. Ở Nghệ Tĩnh hiện có những tên chỉ các con sông nhỏ lượn mình giữa các lũng núi như Ngàn Phố, Ngàn Trươi, Cửa Rào... còn ở Quảng Bình thì có tên các nhánh sông Gianh như Rào Nan, Rào Nậy, Rào Con. Đặc biệt khúc sông Lam từ Bến Thủy sau Rú Quyết (Yên Quyết hay tên chữ núi Phượng Hoàng) lên đoạn phía chợ Tràng qua các làng Triều Khẩu, Nghĩa Liệt, dân sở tại (có tuổi cao) còn cho biết khúc sông đó gọi là Rào Rum. Ngay Rú Thành phía chợ Tràng có tên gọi đó là vì thời nhà Minh đô hộ xây thành trên núi để chống nghĩa quân, chữ tên gốc là Rú Rum, tức là rú (núi) nằm bên sông Rum, nên mang tên sông đó. Như vậy không nên gọi Ngàn Hống - một tên cổ - cặp đôi với sông Lam một tên sau này, dù cũng có nghĩa dân dã, khi nghiên cứu cội nguồn các vua Hùng, mà có thể gọi chung là Ngàn Hống - Rào Rum, nói lên một thời xa xưa cội nguồn của đô cũ các vua Hùng, khởi đầu với Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân. Chữ nghĩa theo người Hán hẳn chỉ sau này...(1)

Rằm Thượng Nguyên Quý Dậu
T.V
(TCSH58/11&12-1993)

 

-------------------
([1]) Có thể tóm tắt như sau:
Đất nước ta từ thời Kinh Dương Vương có đô ở Ngàn Hống - Rào Rum (Nghệ Tĩnh), các vua Hùng ở Phong Châu (Vĩnh Phú), An Dương Vương ở Thành Loa, các đời Đinh Tiên Hoàng - Lê Đại Hành ở Hoa Lư (Ninh Bình), các triều Lý, Trần, Lê v.v... sau nầy ở Thăng Long (Đông Đô, Hà Nội).

 

Các bài mới
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)
Các bài đã đăng