Tạp chí Sông Hương - Số 58 (T.11&12-1993)
Đọc "Ca dao xứ Huế bình giải"
10:06 | 02/08/2024


TRẦN HOÀNG

Đọc "Ca dao xứ Huế bình giải"
Ảnh: tư liệu

Khác với một số tập sách sưu tầm, khảo cứu ca dao dân ca khu vực Bình Trị Thiên xuất bản những năm trước đây(1), ba tập “Ca dao xứ Huế bình giải” do soạn giả Ưng Luận biên soạn(2) giới hạn việc sưu tập tư liệu trên một địa bàn hẹp hơn, tập trung hơn - ấy là vùng đất cố đô Huế, một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, và một thời từng là trung tâm chính trị, văn hoá của Xứ Đàng trong và của cả nước. Hơn thế nữa, tập sách không dừng lại ở việc ghi chép, tập hợp tư liệu mà còn mở rộng ra lĩnh vực bình luận, giải thích nội dung ẩn chứa trong nhiều câu ca dao được soạn giả tuyển chọn vào ba tập sách. Những điều trên, do vậy, tạo cho người đọc bao điều lý thú khi cầm trên tay những tập sách, tuy mỏng mảnh nhưng được in ấn rất công phu, đẹp đẽ và trang trọng.

Điều đầu tiên mà người đọc cảm nhận được là trong số 546 câu ca dao in trong ba tập sách có rất nhiều câu mới, hay, chưa một lần được in trên sách báo; rất đặc sắc, độc đáo cả về nội dung và nghệ thuật. Phải công phu lắm và am tường đến chân tơ kẽ tóc văn học dân gian mới chọn được trong số hàng trăm, thậm chí hàng ngàn “... Những câu hát ru con, những câu hò trên sông thường được nghe ở Huế và các vùng phụ cận (gọi chung là xứ Huế)...”(3) ra được những câu ca dao hay để phục vụ bạn đọc gần xa.

"Ca dao xứ Huế bình giải" xếp các câu ca dao được tuyển chọn thành ba phần lớn (tương ứng với ba tập sách):

- Địa lý - Thắng tích - Lịch sử.

- Kho trí tuệ dân gian.

- Người phụ nữ Huế với Tình yêu và Gia đình.

Mỗi phần lớn, lại chia thành các mục nhỏ. Từ phần này qua phần khác, ý trước sang ý sau, người soạn dẫn dắt người đọc đi vào kho tàng ca dao xứ Huế bằng những lời dẫn giải ngắn gọn. Điều đó vừa làm cho mạch văn liên tục, vừa tạo nên sự liên kết nhuần nhị giữa các chương mục và các câu ca dao - những sáng tác nghệ thuật ngôn từ vốn có vị trí độc lập trong quá trình tồn tại của nó. Do vậy, người đọc dễ tiếp nhận, dễ tra cứu khi cần tìm hiểu, xem xét một nội dung nào đó của ca dao Huế.

Phần bình giải, soạn giả chủ yếu hướng vào việc giải thích, bình luận những vấn đề có liên quan đến địa lý, thắng tích, lịch sử, phong tục tập quán của vùng đất cố đô xưa. Đây là một đóng góp lớn của soạn giả trong việc làm cho người đọc hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn nội dung của nhiều câu ca dao. Bằng sự hiểu biết phong phú, sâu sắc về thực tiễn địa phương và bằng các dẫn liệu chuẩn xác trích từ nhiều sách báo cổ-xưa, đông-tây, người soạn đã làm sống lại bao điều về đất nước, lịch sử, con người của một vùng đất. Từ một ngôi chùa, một khu lăng tẩm, một cây cầu,... đến một sản vật - một cảnh sinh hoạt ở Huế..., hễ được ca dao nói đến là đều được người soạn sách chú giải rõ ràng, cặn kẽ, tỉ mỉ, chính xác. Rồi nữa, một từ cổ, một tiếng địa phương (thí dụ: các từ chèo chẹc, lụt lịt ở câu ca dao số 4 tập III tr. 61), nếu không được dịch giả Ưng Luận minh giải thì hẳn là rất nhiều bạn đọc không thể hiểu những từ ấy có nghĩa gì...v.v. Một điều rất đáng ghi nhận là: trong quá trình bình giải các câu ca dao, người soạn sách đã liên hệ, viện dẫn nhiều câu tục ngữ và thơ ca của cả hai dòng văn học dân gian (VHDG) và văn chương bác học Việt Nam, Trung Quốc, Pháp để giúp người đọc có dịp đối chiếu, so sánh với nội dung các câu ca dao in trong tập sách.


Trên đây là những nét thành công nổi bật của tập "Ca dao xứ Huế bình giải", mà bất kỳ người đọc nào cũng dễ dàng nhận ra và bày tỏ lòng trân trọng, quý mến đối với soạn giả. Dù vậy, chúng tôi cũng xin mạnh dạn trình bày một đôi điều băn khoăn, suy nghĩ của mình chung quanh ba tập sách này, xét trên phương diện tuyển chọn tác phẩm và bình giải một vài câu ca dao lịch sử.

Ba tập sách mang tựa đề: “Ca dao xứ Huế bình giải”. Vậy là đã có sự giới hạn về không gian sưu tầm tư liệu. Vấn đề đặt ra là: Những câu hò, câu hát ru nào thì được xếp vào: "Ca dao xứ Huế"? Điều này có liên quan đến vấn đề tiêu chí tuyển chọn các tác phẩm VHDG mang danh là VHDG địa phương. Các nhà nghiên cứu cho rằng: Chỉ nên xếp vào kho tàng VHDG địa phương các loại tác phẩm sau đây:

- Các tác phẩm ghi rõ địa danh, sự kiện nhân vật, lịch sử, phong tục tập quán... địa phương.

- Các tác phẩm lần đầu tiên được phát hiện ở địa phương (mà các địa phương khác không có) hoặc biết đích danh do chính người địa phương sáng tác tại chỗ (chẳng hạn các câu hò do Thủy Bình đặt lời)

- Các tác phẩm mang dấu ấn địa phương về ngôn ngữ, về thể loại, về phương thức diễn đạt... (thí dụ: hò mái nhì, mái đẩy Huế)

- Các di bản cùng loại với các tác phẩm Văn học dân gian của địa phương khác. Chẳng hạn:

- Đường vô xứ Huế quanh quanh.
- Núi Truồi ai đắp mà cao.(4)

Do vậy, không nên đưa vào các tập sách, VHDG của một vùng quê các tác phẩm đã được phổ biến rộng trong phạm vi cả nước (mà không ghi rõ dấu ấn về nhiều phương diện của một địa phương cụ thể nào) dù các tác phẩm ấy có được người địa phương lưu truyền diễn xướng. Ở ba tập "Ca dao xứ Huế bình giải” có khác nhiều câu(5) làm cho người đọc băn khoăn, ngỡ ngàng, không rõ đích thực chúng có phải là cao dao Huế không? Xin nêu một vài ví dụ:

- Bầu ơi thương lấy bí cùng (tập II tr. 86)
- Thân em như tấm lụa đào (tập III tr. 7)

Ngay cả một đôi câu mang rõ dấu ấn của địa phương khác cũng được xếp vào ca dao Huế: - Bâu ra cho khỏi tay qua (tập III tr. 71)

- Nhất cao là núi Tản Viên (tập II tr. 73)

Vẫn biết rằng những câu ca dao trên đây hiện đang được lưu truyền ở xứ Huế, và phần nào cũng nói lên được những khía cạnh khác nhau của tình cảm con người cố đô. Song khi đã không xác định được dấu ấn địa phương của nó, hơn nữa nó lại quá phổ biến, quá quen thuộc với đồng bào khắp các miền Bắc Trung Nam, mà đưa vào một bộ sách sưu tập VHDG xứ Huế, thì chúng sẽ làm loãng, làm mất đi phần nào cái bản sắc riêng của tập sách.

Cũng nằm trong phần sưu tập, việc đưa các câu đố giải (từ câu 7 đến câu 17 tập II phần II) vào tập Ca dao xứ Huế, là chưa hợp lý lắm. Bởi Câu đốca dao thuộc hai loại hình VHDG khác nhau, dù chúng có nhiều câu sử dụng thể lục bát để tạo nên tác phẩm.

Về cách thức bình giải, người đọc thấy ở tập II và tập III, nhiều chỗ lời bình còn đơn điệu, chỉ dừng ở mức một lời dẫn giản đơn, hoặc diễn xuôi câu ca dao. Giá soạn giả nâng lên cấp độ bình giảng với sự phân tích sâu sắc, trọn vẹn nội dung, nghệ thuật của từng tác phẩm thì người đọc chắc chắn sẽ cảm thấy hứng thú hơn, hữu ích hơn khi tiếp cận ba tập "Ca dao xứ Huế bình giải".

Cuối cùng, người đọc xin được giải bày một chút băn khoăn xoay quanh một số câu ca dao lịch sử. Ở tập I có hai câu ca dao số 43 và 44 theo soạn giả là nói về sự kiện Huyền Trân công chúa đi cống chiêm. Thực ra, trước đây đã có một số bài viết giải thích nội dung hai câu ca dao này như cách bình giải của soạn giả Ưng Luận ở trang 44 - 45 (tập I). Song chúng tôi vẫn rất băn khoăn về tính xác thực của nội dung các lời bình giải này. Sự kiện vua Trần gả Huyền Trân công chúa cho Chế Mân diễn ra cách đây đã gần sáu trăm năm. Do vậy, khó mà xác định thời điểm ra đời của câu ca dao có liên quan đến sự kiện lịch sử trên. Hiển nhiên chúng ta không loại trừ các câu ca dao do đời sau sáng tác để nói về các sự kiện lịch sử đời trước. Nhưng chỉ nên xếp chúng vào các câu ca dao lịch sử khi biết chắc nội dung lịch sử mà nó chứa đựng; hoặc biết rõ người viết câu ca dao này là để nói về sự kiện lịch sử ấy, không nên dựa vào truyền ngôn, vào huyền thoại để gắn các sự kiện, các nhân vật lịch sử cụ thể vào một câu ca dao nào đó. Theo thiển ý của chúng tôi, hai câu ca dao số 43 - số 44 nói trên mang ý nghĩa khái quát hơn là chứa đựng nội dung lịch sử cụ thể. Nó có thể xếp vào môtíp các câu ca dao có cụm từ mở đầu bằng hai chữ "tiếc thay...":

- Tiếc thay cái đọi bịt vàng...
- Tiếc thay hạt gạo tám xoan...

Theo cách hiểu về ca dao lịch sử như đã trình bày ở trên thì câu ca dao số 47 cũng không nên gắn với nhân vật Đào Duy Từ.

Nhân đây, xin được có một đính chính nhỏ có liên quan đến sông Gianh. Con sông này nằm trên đất Quảng Bình, cách Nam Hà Tĩnh chừng 30 km, không phải "nằm giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh" như lời soạn giả viết ở trang 33 tập I.

* * *

Được biết soạn giả Ưng Luận là một nhà giáo lão thành, dù tuổi đã cao vẫn giành bao tâm huyết, sức lực để soạn nên ba tập "Ca dao xứ Huế bình giải". Tấm lòng và nhiệt huyết của người viết đối với di sản Văn hoá dân tộc, với vùng đất cố đô thực đáng trân trọng. Ba tập sách của soạn giả Ưng Luận, dù còn có chỗ này chỗ nọ cần trao đổi lại, vẫn là những đóng góp đáng quý cho việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá - tinh thần mà ông cha ta đã để lại cho ngày hôm nay. Người đọc hy vọng và chờ mong được đọc nhiều hơn những tập sách khảo cứu, sưu tầm công phu, nghiêm túc của soạn giả trong thời gian tới.

Huế 7.93
T.H
(TCSH58/11&12-1993)

-------------------
(1) Xin xem: - Dân ca Bình Trị Thiên. Nxb. Văn học. H. 1967. Ca dao - dân ca. Nxb Thuận Hoá. 1988.
(2) Sở Văn hoá Thông Tin Thừa Thiên Huế xuất bản 1991 (tập I), 1992 (tập II), 1993 (tập III).
(3) Lời nói đầu (Tập I. Sđd - tr. 05).
(4) Ca dao Xứ Nghệ có câu:
- Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Núi Hồng ai đắp mà cao
Sông Lam ai bới ai đào mà sâu.
(5) Theo sự thống kê sơ bộ của chúng tôi, có chừng hơn 150 câu ca dao nằm trong loại này.

 

 

Các bài mới
Cô gái Thiên Hà (24/12/2024)
Máy lạnh (02/12/2024)
Hoàng hôn biển (22/11/2024)
Các bài đã đăng