Tạp chí Sông Hương - Số 58 (T.11&12-1993)
Chỗ đứng
15:23 | 27/08/2024

HOÀNG THÁI SƠN

Truyện ngắn dự thi 1993

Chỗ đứng
Ảnh: tư liệu

Ra Hà Nội, thế nào tôi cũng ghé nhà Hàn. Phần vì chỗ bạn bè, phần vì Hàn là người biết nhiều chuyện thời sự văn nghệ khá hấp dẫn trong lúc tôi đang đói thông tin. Anh từng cho tôi biết những rối rắm tơ vò của nhà văn nọ, những hục hặc trong nội bộ tờ tạp chí kia, rồi chuyện đám tang nhạc sĩ L. có ông nào ở Trung ương đến viếng, cho đến Mac-Ket hiện đang viết cuốn gì, tác giả "Những vần thơ quỷ ám" giờ sống ở đâu...

Hàn là một kiến trúc sư giỏi. Hà Nội nhiều người biết anh. Nhiều Việt kiều về thăm quê cũng cố tìm đến anh, để có được bản vẽ độc đáo pha trộn chất Việt cổ với chất phương Tây hiện đại cho ngôi nhà của nơi mình xa xứ. "Thức một đêm, mình có thể kiếm vài trăm ngàn đồng như chơi, nhưng đâu có cần. Mình dành thời gian cho đọc sách là chính". Anh nói với tôi như vậy. Tôi có anh bạn từng ham viết lách, bỗng anh vớ được người mối lái, trở thành trung tâm chuyển giao mua bán tôm cua rùa rán, từ đó tôi không hề đọc lấy một chữ nào nữa, đừng nói tới chuyện cầm bút. Hàn khác. Anh giàu tiền và giàu cả tâm hồn. Thế mới quý hoá.

Nhà Hàn có nhiều tranh, tượng, phù điêu. Anh yêu hoa và cây cảnh. Có điều cây cũng như tranh, như tượng; anh tham quá, ban-công chật những chậu là chậu, không có một bố cục nào hết, trông rối cả mắt. Đặc biệt Hàn có cả một thư viện gia đình đủ loại sách. Một hôm, nhân anh đi vắng, tôi bèn tò mò lần xem. Năm kia, nhờ bạn bè giúp, tôi may mắn xin "trình làng" tập truyện ngắn đầu tay Nơi bắt đầu có gió. Tôi tặng Hàn một cuốn. Anh mừng lắm, bảo sẽ đọc và giới thiệu với bạn bè. Cuốn sách được bạn tôi đặt cạnh sách của những tác giả tên tuổi. Tôi với tay lấy xuống, sung sướng mình gặp lại mình, không rõ Hàn đánh giá thế nào? Anh ta đọc kĩ lắm đây. Nhưng... rõ ràng Hàn chưa hề mó tới! Chứng cứ là cuốn sách ấy có nhiều trang nhà in đóng hụt, cần phải rọc đã rồi mới xem được. Thế mà ở đây tất cả vẫn y nguyên. Tôi không ngạc nhiên. Tôn trọng mình, người ta nhận sách mình biếu, còn đọc hay không là quyền người ta. Chợt tôi nảy ra ý nghĩ hay Hàn lười đọc? Sinh nghi, tôi bèn lấy xuống một chồng, trong đó có mấy cuốn tiểu thuyết mới xuất hiện viết về đề tài chiến tranh đang được dư luận xôn xao chú ý. Sách của ta bìa mỏng, gáy yếu, nếu đọc rồi là biết ngay, dù mới đọc một lần, dù cẩn thận mấy cũng không còn vẹn nguyên màu hồ được nữa. Ấy vậy mà tất cả ở đây hầu như đang mới cứng, vuông thành sắc cạnh. Một chú gián bò ra từ một tờ bìa gấp, vểnh râu nhìn tôi ra chiều ngạc nhiên lắm. Nhiều người mua sách rồi đọc dần, hoặc để đó cuối đời rảnh rang mới đọc. Hắn không thuộc loại này. Theo anh cho hay là anh đọc rất kỹ, đọc kịp thời rất chi vồ vập. Vậy đọc bằng cách nào? Hay anh có lối đọc thần bí nào chăng?

Cuốn sách nào của Hàn cũng có những dấu tích đáng nhớ. Ví dụ ở một tập thơ anh ghi: "Đây là cuốn sách cuối cùng còn lại ở Thành phố Hồ Chí Minh”, hay ở một cuốn tiểu thuyết, ta đọc thấy "Mua tại cố đô Huế nhân chuyến đi cùng Bộ trưởng V.T.C"... Đáng nể hơn là anh quen biết rất nhiều nhà văn, bởi khá nhiều cuốn do chính tay tác giả đề tặng hoặc cho chữ ký lưu niệm. Tôi vốn mê nhà thơ N.K.A. Thấy cuốn Tơ vương của anh, tôi liền mở ra xem. Giữa trang lụa của trang thơ nổi lên dòng chữ “Thương yêu tặng Đỗ Trọng Hàn và Mộng Huyền. Hà Nội, ngày...tháng...năm...” và cuối cùng là chữ ký khá bay bướm của tác giả. Trời đất quỷ thần ơi! N.K.A. đã chết từ cuối năm ngoái, có cáo phó rõ ràng; và theo chỗ tôi biết thì lúc giám đốc nhà xuất bản đặt bút ký đưa in tập Tơ vương, cũng là lúc tác giả nói với vợ con lần cuối, vậy sao còn có chuyện tặng thơ tặng phú cho ai!...

Hàn có nhiều loại bạn, trong đó có một số cán bộ biên tập văn nghệ ở một tờ báo và nhà xuất bản tại Hà Nội. Chỉ cần tiếp xúc với họ, anh cũng nắm được khối chuyện hay dở trong làng văn nghệ để đưa ra làm quà lúc trò chuyện. Tiếp xúc với Hàn, dần ra tôi đã hiểu được con người anh. Kể ra không phải anh không có kiến thức, nhưng của đáng tội là những hiểu biết của anh chắc lép lẫn lộn và chắp vá quá. Một lần, anh hỏi tôi:

- Theo cậu giữa tiểu thuyết và truyện ngắn, cái nào dễ viết hơn?

- Không cái nào dễ hết! - Tôi trả lời - Có thể xem viết tiểu thuyết là công việc của người làm vườn, viết truyện ngắn là công việc của người chăm một luống hoa. Mỗi anh đều có cái khó riêng của nó.

- Xì! - Hàn lắc đầu - Dù sao truyện ngắn vẫn dễ hơn nhiều, là vì nó ngắn. Có ông nhà văn viết truyện ngắn kêu không còn thời gian viết tiểu thuyết. Nói thế mà nghe được! Thà cứ nói thẳng ra là không có tài viết tiểu thuyết, thì nào có ai chê gì đâu!

Nói xong, anh vung cao tay ra chiều đắc ý lắm, rồi mở to mắt để đón ở tôi những cái gật đầu. Nhưng tôi chỉ mỉm cười, không tỏ ra đồng tình. Thế là hăng lên, cung cách y hệt các nhà thơ tỉnh lẻ khi ngồi với nhau bên cốc rượu; vừa nói, anh vừa trỏ vào tôi, lại với tay đấm vào vai tôi để chấm câu, để buộc tôi chấp nhận điều anh nói là chân lý. Hàn hơn người ở khẩu khí bốc đồng, cộng thêm trí nhớ tốt, lại khéo bịa như thật; nên nhiều người, nhất là những ai ít quan tâm đến đời sống văn nghệ nhất định tin anh là bậc học giả, đọc nhiều, hiểu rộng. Có lần tôi đưa vợ tôi ra Hà Nội, sau khi tiếp xúc với Hàn, cô ta liền nhăn nhó phàn nàn: “Uyên thâm như bác Hàn, tài hoa như bác Hàn, mà bác ấy không thèm viết văn, anh thì đáng gì mà hì hục viết hoài cho mệt!”.

* * *

Lần nọ, tôi cùng một người bạn đến nhà Hàn gặp lúc anh đi vắng. Hai chúng tôi ngồi nói chuyện với mẹ anh ở nhà dưới tại nơi nghỉ ngơi của cụ. Vừa uống cạn chén nước, bạn tôi nhìn quanh, rồi chợt kêu lên:

- Vì sao anh Hàn để cụ ở chỗ này nhỉ? Lạ thật! Nghèo, chật, thì còn nói làm gì; đằng này...

Tôi bỗng giật mình. Tôi đến đây luôn, nhưng rõ ràng chưa lúc nào chú ý tới bà cụ. An bạn tôi tinh thật. Chỗ nghỉ ngơi của cụ quả là không xứng đáng chút nào, bởi vị trí này những nhà giàu có vốn chỉ dành cho bọn con sen, thằng nhỏ. Cái giường kê sát tường là thứ giường một của cơ quan hoá giá bằng gỗ thô. Trên đầu giường bề bộn một bọc vải màu nước ốc, chắc đó là tất cả áo xống của cụ gói lại dùng làm gối? Xe máy, xe đạp đi về đều đẩy cả vào sát mạ giường. Ngồi ở đó có thể bước ngay tới chân cầu thang ngổn ngang những giày với dép. Nhìn sang trái là lối vào gian bếp, nhìn sang phải là lối vào buồng toa-lét. Cần đi toa-lét, không thể không bước qua chỗ cụ nằm nghỉ! Phòng không có đèn. Có lẽ đêm đêm cụ vẫn lần mò nhờ ánh sáng khuếch tán từ ngọn đèn thường trực nơi lưng chừng cầu thang hắt lại. Tôi hình dung ra, tối tối, vợ chồng con cái anh ở cả gian trên xem ti-vi, còn bà cụ thì nằm một mình dưới đây, bỏm bẻm nhai trầu trong bóng tối. Nói dại chứ vào tuổi hạc, đêm nằm các cụ nhà ta có khi rất dễ ngủ rồi ngủ thẳng luôn, đến khi con cháu biết ra thì đã muộn! Hàn có nghĩ tới điều này không nhỉ?

- Tôi già rồi, ở đâu chả được - Bà cụ thanh minh - Nó cũng định để tôi ở trên lầu, nhưng không leo nổi.

Bà cụ kể là lúc làm nhà, Hàn có ý đồ dành cho mẹ một phòng khang trang tại gian thờ ông bố ở trên gác, cho ông bà gần nhau; nhưng khi làm xong nhà mới thông minh nhận ra là bà già gần tuổi tám mươi không thể ở cao được, đành để bà ở thấp vậy! Chuyện này nếu lọt tai một anh chuyên viết tiểu phẩm châm biếm, nhất định sẽ thành một mẩu chuyện khá đáo để.

- Thế phòng này? Phòng này? - Bạn tôi chỉ tay qua hai căn phòng nằm bên kia cầu thang.

Bà cụ lại thanh minh. Nhà hai mặt tiền không phải làm ra để mà hứng chịu mọi ồn ào ngoài phố. Hai phòng ấy Hàn dùng cho thuê. Một phòng có mấy người thợ chữa ti-vi đang ở, một phòng nữa ban ngày đóng kín, nhưng đêm đến sẽ có một bọn bán cao đơn hoàn tán ngoài chợ kéo về. Có hôm họ đánh bài ồn đến sáng, chắc bà cụ không ngủ được mới biết tường tận đến thế.

Nếu bịa đặt, tôi sẽ kể là bà cụ bị Hàn bỏ quên ở quê, phải đi ăn mày; rồi một ngày kia, tình cờ bà gõ gậy đúng cổng nhà con, liền bị anh xua chó bẹc-giê ra đuổi. Bậy! Hàn đâu có thế. Anh đâu dám để cụ đói rách. Nhưng một khi người ta đã bỏ tiền ra để mua lấy cái hợm hĩnh ở đời, thì người ta cũng không băn khoăn gì việc mẫu thân mình phải mang áo của vợ mình hết mốt thải ra, nó dài vạt mà ngắn tay, nó rắc rối bởi nhiều viền, nhiều mảng màu không phù hợp chút nào với tấm lưng còng của cụ!

Như đọc được ý nghĩ của chúng tôi, cuối cùng bà cụ mới thốt ra cái điều tâm niệm mà không phải với bất kỳ ai bà cũng sẵn sàng bộc bạch: - Tôi còn đứa con gái ở quê. Vợ chồng nó quý tôi lắm. Có lẽ tôi sẽ về với chúng.

- Liệu anh Hàn có cho cụ đi không?

- Nó thì nó có dám cho đi đâu, nhưng tôi sẽ đi thôi. - Rồi bà hạ thấp giọng - ở đây thấy xấu mặt con trai quá hai bác ạ!...

Mỗi lần chia tay nhau, tôi vẫn nắm lấy cái bàn tay trắng múp cộm nhẫn. Tôi cứ nghĩ anh hẵng đeo hết vàng cây đá quý lên người đi, hẳn không ai nghĩ ngợi gì; nhưng anh chớ khoác lên vai manh áo tâm hồn, như một ông vua tồi khoác hoàng bào để hòng làm lóa mắt thần dân trăm họ!

* * *

Vừa qua, đi Hà Nội, tôi lại ghé thăm Hàn. Lần này không còn nghe anh nói tới chuyện văn chương nghệ thuật nữa. Trông anh như người mất hồn. Anh rầu rĩ than với tôi chuyện bà cụ bỏ về quê, cùng những nỗi đắng cay khi nhận ra mình đã đánh mất mình!

Hôm ấy, Hàn đi làm về, thì bà cụ đã gọi xích lô đi rồi, chỉ nhắn lại với đứa cháu út lên mười. Hàn vội vàng phóng xe ra ga, nhưng đã muộn. Tàu sắp chuyển bánh. Anh hớt hải chạy dọc các toa, nhìn, gọi, nhưng tiếng anh bị chìm lấp giữa biển âm thanh. Cuối cùng anh đành nhảy đại lên toa cuối để đi tìm mẹ.

Chuyến tàu hôm ấy đông quá. Hàn bị xô đẩy giữa rất nhiều thúng mủng, quang gánh, áo quần tầng tầng nồng mùi mồ hôi và khét nắng. Xung quanh anh là những khuôn mặt không mấy vô tư. Có người nói luôn mồm, có người chỉ lặng im nhìn đăm đăm vào một nơi nào đó. Có khuôn mặt như tạc bằng rìu, lạnh khô, xương xóc mang dấu ấn của đám anh hùng lục lâm một thời nay đã sa cơ. Có người như tâm trạng không yên, không dứt khoát trong chuyến đi. Có cặp mắt thiếu nữ thảng thốt, vô hồn, đầy hoang vắng...

Không rõ bà cụ ngồi toa nào? Hàn cố chen lên nhưng không lên nổi. Mệt nhoài, nóng không chịu thấu, áo quần mướt mồ hôi, cra-vát nhùng nhằng trên cổ. Lại còn đôi giày. Vô tình, Hàn giẫm phải bàn chân một gã râu quai nón, áo phanh ngực có mấy đường xăm rồng rắn. Gã này liền túm ngay cổ Hàn, mắt vằn máu. Nếu Hàn không kịp thời xin lỗi, chắc chắn sẽ phải xơi đẹp mấy cú đấm nghề nghiệp!

Con tàu đi vào một quãng đường vòng, uốn cong tựa một cánh cung khổng lồ, êm đềm lượn giữa đồng xanh bát ngát. Hàn nhìn qua ô cửa, cảm giác như mình bị bỏ rơi lại đằng sau! Anh cảm thấy ngạc nhiên về sự hiện diện của mình trên toa chót của một chuyến tàu chợ với bấy nhiêu khuôn mặt nhếch nhác không tương lai như thế này! Rồi một tia chớp chợt lóe lên trong lòng khiến anh giật mình: Hay chuyến tàu lạ kỳ hôm nay là hiện thân của con tàu Đời? Và ta đang ở đâu? Chỗ đứng đích thực của ta, phải chăng là một nơi cao sang nào như ta vẫn tưởng, hay chính ở cái vị trí chót cùng của Con tàu Cõi Người - xứ sở vốn bị Chúa Trời quên lãng?!

- Cho tôi lên toa trên.

Con tàu băng băng lao đi!

- Làm ơn cho tôi lên toa trên! - Hàn lại bươn bã chen tới, giọng khẩn khoản.

- Dẹp! Tưởng lên mà dễ à?

Hàn đành chôn chân một chỗ. Và, anh ứa nước mắt.

Quảng Bình, 1991-1993
H.T.S
(TCSH58/11&12-1993)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hai người cha (16/08/2024)