Tạp chí Sông Hương - Số 58 (T.11&12-1993)
Hoàng hôn biển
15:47 | 22/11/2024

TÔ VĨNH HÀ

        Truyện ngắn dự thi 1993

Hoàng hôn biển
Minh họa: Thiệp Đáng

Buổi sáng hôm đó, tôi đi coi thi lớp kinh tế du lịch Bốn. Với mười lăm năm thâm niên của nghề nghiệp, tôi thực hiện các thủ tục thi cử một cách máy móc và thành thạo. Thậm chí, đề thi khá hấp dẫn cũng chẳng hề làm tôi băn khoăn, dầu chỉ một chút. “Trình bày những đặc điểm của thị trường cạnh tranh hoàn hảo và thị trường độc quyền. Những đặc điểm đó ảnh hưởng như thế nào đến vấn đề quyết định sản lượng và giá cả của doanh nghiệp?”.

Chép xong đề thi lên bảng, tôi thả nhẹ mẩu phấn vào cái hộp đựng phấn ở góc bảng rồi xoa tay, đến tựa lưng vào cửa sổ. Công việc còn lại như: nhắc nhở sinh viên nói chuyện, ngăn chặn sự quay cóp v.v... tôi phó mặc cho cậu Hiệp, một cán bộ trẻ lo lắng.

Khoảng một giờ trôi qua, Hiệp lại gần chỗ tôi đứng, mời tôi hút thuốc lá và nói:

- Chiều nay liên chi đoàn sinh viên tổ chức đi biển, mời thầy đi với bọn em. Hình như lúc ấy tôi đã cố gắng mỉm cười, nghĩ nhanh trước khi trả lời: “Cậu quên rằng mình hơn bốn chục tuổi, già, yếu và sáng nay đi coi thi với cái bụng chẳng có cái chất gì đáng kể ở trong đó?”

Dù sao, thì sau khi rít xong một hơi thuốc dài, tôi đã nói:

- Cảm ơn Hiệp đã mời mình. Rất có thể là mình sẽ đi với các bạn. Còn xem xem đã...

- Em nghĩ thầy đi với tụi em sẽ hợp hơn là đi với hội gia đình sắp tới.

- Hiệp năn nỉ.

Nếu tôi không nhầm thì lúc nãy Hiệp mời tôi với giọng, kiểu “How do you do”(1) của người Anh.

Còn câu sau thì ngược lại, giống với lời tâm tình của một người bạn.

Tự nhiên, tôi nghĩ “ừ nhỉ, tại sao lại không nhỉ? Mười một năm rồi mình chưa trở lại Thuận An, chắc bây giờ ở đó (một nơi cách chỗ tôi đứng coi thi mười hai cây số) đã đổi khác nhiều lắm”.

Sau buổi coi thi, tôi quên béng lời mời của Hiệp, về đến cư xá, bé Lan, con của bà chủ quán giữ xe đạp trước nhà tập thể bọn tôi, nói:

- Chú Tâm nhắn là mời chú chiều nay đi biển. Bốn giờ chiều xe chạy.

- Ồ, cảm ơn cháu. - Tôi đáp, hơi tỏ vẻ thờ ơ.

Lời mời thứ hai này làm tôi bực mình vì tôi cảm thấy tự ái: dường như tôi đang được mọi người (lớp trẻ) quan tâm theo cung cách “Tội nghiệp quá!”. Có thể chúng nó thấy tôi đang cô đơn, đang có chuyện trục trặc trong gia đình. Có thể chúng nó biết tôi nghèo, đang buồn nên sẵn có xe trường và kinh phí tập thể, muốn có dịp cho tôi vui hơn? Và, cũng rất có thể là tôi hợp với chúng nó ở một vài điểm gì đấy... Ý nghĩ sau cùng này làm cho tôi dịu đi.

Trưa đó, tôi không ngủ được và cũng chẳng buồn ăn cơm nữa. Chiều đến, một mình tôi ra ngồi ở quán rượu trước cư xá. Khu tập thể Đống Đa của tụi tôi giống như một thị trấn nhỏ nằm giữa thành phố Huế yên tĩnh. Buổi sáng, buổi chiều, tối rất nhộn nhịp, nhưng quảng hai, ba giờ chiều thì rất vắng. Mọi người đang ngủ trưa.

Trời rất nóng, nghe đâu là ba mươi tám độ. Ly rượu nồng trong một buổi trưa oi bức làm cho bụng tôi sôi lên ầm ầm. Ruột gan như có lửa đốt, nó cứ tức tưởi, bức bối làm sao ấy.

Vừa lúc đó thì Nguyễn Hồng, bạn tôi, xuất hiện ở chân cầu thang với cô em gái, hai đứa cháu, cậu em trai vợ và cô vợ mới cưới. Cả đoàn lỉnh kỉnh với khá nhiều túi xách, chai lọ, bịch nước.

Nguyễn Hồng thấy tôi:

- A! Đi biển chứ?

Hồng có kiểu chào rất tự tin của một gã đàn ông rất điển trai, thông minh. Hắn ngoác miệng cười có vẻ khoái chí lắm. Tôi tin là cái quần bò soọc, áo pull màu tàn thuốc với dòng chữ đen to tướng “New Fashion” cộng với cô vợ trẻ, đẹp có làn da trắng nõn đã làm cho nụ cười của hắn tươi lên ít nhất là ba mươi sáu lần (!)

Tôi đáp lễ:

- Đồ ngốc. Chẳng có xu nào cả. (Tôi nói với hắn bằng tiếng Anh để cho mụ chủ quán không biết tôi hết tiền, kẻo mụ lại chẳng cho ký thêm).

Hồng cho tay vào túi. Chớ có ai nghĩ là hắn sẽ lôi tiền ra cho tôi “chộ” tận mắt như dân Nghệ Tĩnh vẫn thường nói. (Hồng là người Huế nhưng sống một phần năm thế kỷ ở Vinh).

- Có hai “xéng”(2) đây. - Hắn nháy mắt nhìn quanh - Đủ đấy.

Hắn lại phẩy tay sau khi đã đặt phịch cái túi xách khá nặng xuống đất. Điệu bộ Hồng như khẳng định rằng hắn đã tính kỹ: Bảy chúng tôi (kể cả tôi với hai chục ngàn, dư sức ăn chơi theo kiểu người Mỹ tới tận cửa Thuận (!)).

Tôi bật cười. Vui lây với niềm vui của Nguyễn Hồng. Tất nhiên tôi thừa hiểu cái khoản mà hắn làm cho kêu sột soạt trong túi là “tài khoản riêng” của hai thằng - có trừ đi chút ít chi phí “sô” khi cần thiết.

- Các chi phí “lặt vặt” khác đã có bà xã và cán bộ đoàn (hắn ám chỉ Tâm và Hiệp) lo.

Mọi chuyện coi như thế là xong. Tôi đã tìm thêm được một lý do để bào chữa cho cái sự đi biển của mình: Lời mời của Hồng như một đề nghị. Hắn ở khác khoa với tôi, hắn không muốn “ăn theo” khoa khác khi kéo theo cả một cái “rờ moóc” dài đến thế. Tôi có nghĩa vụ và trách nhiệm (!)?

Ngay bản thân tôi, tôi cũng không dám thú nhận với mình rằng, tôi rất muốn trở lại thăm cửa Thuận, rất muốn đắm mình trong biển, trong cát, nắng... Tôi, không mất tiền mà lại có đủ cả ba trong bốn thứ hợp thành tiêu chuẩn du lịch mà rất nhiều người phương Tây đòi hỏi khi đến một vùng đất mới...(3)

* * *

Thuận An không phải là bãi biển đẹp nhất của miền Trung, nhưng chí ít, nó cũng là địa danh được nhiều người biết đến. Trước hết, bởi nó gắn liền với Huế, trung tâm chính trị và văn hóa của Việt Nam trong gần hai trăm năm. Sau nữa, bởi người ta thường nhắc đến cái thời mà Huế, với đường ra biển qua cửa Thuận đã từng là...

Khi tôi tới đây lần trước, cửa Thuận là một bãi biển nghèo, người Huế và khách thập phương chưa có thói quen tắm biển. Có thể vì lý do kinh tế cũng có thể là vì dân cư còn ít ỏi. Thời đó, ra bãi biển còn bị công an biên phòng hỏi giấy vì sợ... vượt biên.

Còn bây giờ là một khung cảnh khác hẳn. Thay cho bến đò xưa là một cây cầu vững chãi vắt qua sông, nối liền đất liền với bãi biển. Qua cầu, bước đến bãi biển là cả một rừng lều, quán đủ màu sắc: bằng tre, bằng vải, bằng tôn... Lều quán ở đây không có cửa, tất cả đều hướng ra biển, rộng mở, mời chào. Cùng với sự đon đả lồng lộng ấy là cả sự hứa hẹn chắc chắn: Bạn sẽ để lại đây cho đến đồng cuối cùng, trước khi tạm biệt một lần được tận hưởng cái xa xỉ, dễ dãi của thiên nhiên: cát trắng và nước mặn; sóng và mặt trời chói chang.

Dù là một ngày giữa tuần, bãi biển cũng rất đông người.

Đoàn chúng tôi ngồi gần chật cả chiếc xe Hải Âu, nhưng đến góp vui với bãi tắm chiều đó cũng chỉ là một nhóm người bé nhỏ. Vì phần lớn là nữ sinh nên chúng tôi tự nhiên đi xa mãi về phía cuối bãi. (Cũng có thể là vì nghèo nên chúng tôi muốn đi càng xa các quán xá càng tốt).

Cảnh nhộn nhịp, sống động của biển đã làm tôi khuây khỏa. Để mặc mọi người lo chuẩn bị, sửa soạn đồ tắm, tôi cởi nhanh quần áo ngoài rồi lội ào xuống biển. Sóng khá lớn, và vì thế tôi nhanh chóng có được cảm giác chao đảo, bồng bềnh.

Lúc đầu, tôi định bơi thật xa bờ, nhưng ngay sau đấy, sợ bị chuột rút nên vội quay lại. Tôi nhìn quanh. Xung quanh tôi là vô số những nụ cười rạng rỡ, thỏa mãn. Những thân hình rắn chắc, rám nắng của các chàng trai, quấn quýt bên những tấm thân căng tròn, mềm mại, trắng hồng của các thiếu nữ. Bất chợt, tôi tự ngắm mình: ngực lép, da bắt đầu nhăn và đầu gối đã đến độ đầy đủ hình dạng. Tóc tôi bết lại, dính sát vào da đầu (tại nước biển?) để lộ một mảng hói, lấy tay sờ vào thật chẳng dễ chịu chút nào.

Tự nhiên, một nỗi buồn vô cớ, không rõ hình dạng làm cho tôi không thích tắm nữa. Tôi đi dần vào bờ, cố tình lờ đi cái vẫy tay của Nguyễn Hồng đang chỉ vào cô em gái. Trên đường đi - hắn đã tế nhị giao cho tôi “trông nom” ba mẹ con đứa em, “để đề phòng...” (Thực ra tôi hiểu đây không phải là lý do chính. Hắn muốn cho tôi đỡ buồn, và để cho tôi có cớ mà sử dụng túi tiền của hắn thoải mái hơn).

Tôi chọn một chỗ vắng cách xa lều của chúng tôi vài chục mét rồi nằm dài trên cát. Chưa bao giờ tôi thấy thấm thía đến cái tuổi xế chiều cô đơn và bất lực của mình. Tôi cố tìm xem ngoài kia, phía biển, có người đàn bà nào đó tắm một mình, nhưng chẳng thấy. “Mình lên là đúng”. Tôi lẩm bẩm. Tôi nhìn xa về phía chân trời, mặt trời đang hắt vào mây những ráng đỏ cuối cùng. Chiều đang tàn.

Không biết tôi đã nằm như thế bao lâu, chỉ để nghĩ vẩn vơ, cho đến khi chợt tỉnh vì một giọng nói nhẹ mà tôi tin chắc đó là giọng của người Đà Nẵng.

- Mời thầy ăn dưa.

Tôi ngồi dậy. Trước mặt tôi là cô gái tầm thước, mặc bộ đồ tắm khá “độc”: quần lửng, áo thun màu hồng bó sát thân hình thật đẹp. Nước biển đang ròng ròng đổ xuống cát dưới chân cô gái. Cô gái có cái nhìn gợi cảm và quyến rũ đến kỳ lạ.

Tôi quên mất là mình đã già:

- À, ờ... Cảm ơn... À... Tôi không muốn ăn.

- Thầy ăn một chút cho vui.

Cô gái nài nỉ. Mắt cô ta đen và lấp lánh những ánh nhìn tinh nghịch, thẳng thắn. Tôi cầm trái dưa gang cô gái trao, bàn tay vô tình đụng phải những ngón tay mềm, mát rượi. Tôi cố gắng bẻ đôi trái dưa sao cho phần của mình thật ít rồi đưa cho cô gái phần lớn hơn.

- Cảm ơn. Tôi bấy nhiêu đủ rồi.

Cô gái thoáng cười:

- Thầy cho phép?

- Ồ. Không sao mà. Em ngồi xuống đi.

Rất tự nhiên, cô nữ sinh ngồi xuống cát, hơi nghiêng người về phía mặt trời. Hai chân cô hơi co lại. Và không hiểu bằng cách nào, hầu như cả hai chân cô ta đều ngập trong cát ướt.

- Em học năm thứ mấy rồi? - Tôi hỏi, trước khi cắn một miếng dưa.

- Dạ em học năm thứ hai. À, em xin lỗi. Em thấy thầy có vẻ buồn. Tại sao ra tới biển rồi mà thầy lại không vui?

Tôi cười. Đây là lần thứ ba, thứ tư gì đó trong ngày tôi đã cố gắng cười:

- Theo em thì vì sao nào?

Cô gái cười khúc khích:

- Ôi, em đâu có biết. Có lẽ bởi không có cô và các cháu đi cùng nên thầy buồn đúng không?

- Đún...ng.

Cô gái nhướn mắt:

- Như vậy là còn một nguyên nhân nữa.

“Chà, với con bé này phải cẩn thận. Mình mới chỉ kéo hơi dài chữ “đúng”, hắn đã nhận ra liền”. Tôi tự nhắc mình và lắc đầu, trả lời.

- Trên đời chẳng có cái gì có một nguyên nhân cả.

- Câu ấy của thầy Tân dạy triết đó thầy.

Bài đầu tiên, năm một cộng một cái nhìn lạnh một khuôn mặt nghiêm bằng thuyết phục và ghi nhớ.

- Cô “quái” lắm.

Cô gái lại mỉm cười:

- Quái là tên kèm của em đó thầy. Nó còn chính hơn cả tên chính trong khai sinh nữa cơ.

- Cô là công an chăng?

- Ô, không. Tính em thế. Ai tìm cách nói chuyện thì em lảng ra và ngược lại. Em cứ thích bắt chuyện với những ai ngồi một mình.

- Cảm ơn em đã động viên. Con gái đầu của tôi năm nay mười một tuổi.

- Chính vì thế mà em đến đây. Bọn em ăn dưa, cái Vinh nó bảo: “Đứa nào đi mời thầy gì ở đằng kia ăn dưa”. Vậy là em đi liền. Thầy ạ, em rất thích nói chuyện với người lớn tuổi.

- Em có vẻ thích biển lắm nhỉ?

- Chà, khỏi chê, thầy. Em thích biển vô cùng. Tới biển em thấy mình thoải mái, tự do hơn. Cả tự tin và khỏe mạnh hơn nữa. Biển cho em được cười không phải giữ ý, được nói to mà chẳng sợ mấy đứa cùng phòng nhăn mặt. Nhiều, nhiều nữa... Thế thầy có thích không?

“Nhờ có biển mà tôi được ngắm thân hình tuyệt đẹp của cô nữa”. Tôi tự thầm nói nhanh với mình.

- Cũng vừa vừa thôi.

- Thầy khách sáo quá à. À, mà em chỉ không ưa người lớn một chuyện: họ hay nói vòng vo, tránh đi thẳng vào vấn đề. Xin lỗi thầy. Thầy nghĩ thế nào về biển ạ?

Tôi hơi nhướn mắt, cố hiểu xem cô bé này muốn gì. Không lẽ chỉ đến gặp một lão già để nói chuyện cho vui thôi sao? Đằng kia thiếu gì các chàng sinh viên đẹp trai, khỏe mạnh.

- Tôi nghĩ gì về biển ư? Ồ nó giống như tình yêu ấy. Nó xô vào ta khi ta không muốn. Nó kéo ta ra xa khi ta muốn đứng lại. Nó dìm ta xuống đáy sóng khi ta cười và rồi, nó nâng ta lên, giễu cợt ta khi ta bị ngạt nước...

Cô gái vỗ tay, cười ròn rã. Còn tôi, sém chút nữa thì tôi tự đánh mất mình vì cái tội quên mất giới hạn thầy trò. “Vớ vẩn. Tôi tự trách mình - Chưa gì đã mở máy hát. Ca những giọng ca cũ rích sặc mùi tán tỉnh. Sao mày không biết xấu hổ? Sao mày dám nói với một cô gái ngây thơ những lời như thế? Sao mày đã từng bảo - mày căm ghét, ghê tởm khi nhìn thấy cảnh một con sâu róm già nua, mốc thếch đang bò trên một chiếc lá rau diếp xanh non? Trời đất, thật là đốn mạt!”.

Vẻ mặt tôi lúc đó có lẽ trông khác lắm nên cô gái chợt hỏi, với ánh mắt rất băn khoăn:

- Thầy làm sao thế? Cho phép em tò mò chút xíu. Nghe thầy nói về biển, em tin rằng hồi trẻ thầy đã yêu nhiều lắm.

- Ừ, đúng. - Tôi quên mất là đang bị cô bé ranh này dẫn chuyện, trả lời như một cái máy - thậm chí tôi đã không nhớ nổi những kỷ niệm thời tuổi trẻ của mình. Nói theo ngôn ngữ của Vương Hồng Sển - tác giả của cuốn khảo cứu tuyệt vời “Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa” - Ngừng một lát để chờ cái gật đầu của cô gái, tôi nói tiếp - tôi đã có “nửa đời hư hỏng”...

Tôi hơi bối rối khi cô nữ sinh trẻ hơn tôi một nửa tuổi đời cứ mở to mắt nhìn tôi chăm chú. Tôi nói tiếp:

- Có một người tôi đã yêu tha thiết rốt cục tôi phát hiện rằng cô ấy mắc bệnh đồng tính luyến ái. Một cô nữa tôi yêu không kém, nhưng lại chê tôi nghèo. Và có một người, tôi đã dành hầu hết cuộc đời mình cho cô ta, nhưng cô ấy có lần đã bỏ tôi đi theo một gã tài xế xe hỏa. Và tất nhiên cũng có vài ba cô gái yêu tôi nhưng tôi lại bỏ rơi họ...

Tôi chưa kịp tự trách mình đã nói chuyện vô duyên thì cô nữ sinh lớn hơn con gái tôi chừng 8 - 9 tuổi gì đấy xoay hẳn người lại, nhìn thẳng vào mắt tôi thật bạo dạn, rồi nói:

- Vậy em đã biết ai trong số đó là vợ thầy, ồ mà không. Cũng có khi không đúng. Có thể vợ thầy có cả ba tính cách cũng nên.

“Đây là một cô gái không bao giờ khuất tất trước bất kỳ việc gì; nhưng đồng thời cũng là một tiểu thư nhõng nhẹo có hạng”. Tôi nghĩ, hơi lắc nhẹ cái đầu vốn rất nhẹ vì ít tóc đen, nhiều tóc trắng của mình.

- Cô hiểu đời hơn tôi tưởng đấy. Lại còn tin và hay võ đoán nữa. Giả sử tôi còn nói đùa cho vui thì sao?

- Thầy yên tâm vì em sẽ không đem chuyện thầy kể cho cư xá nghe đâu. (Chà, con ranh. Tôi nghĩ. Nhưng cũng suýt phì cười vì cảm thấy mình đỏ mặt).

- Nhưng em không hiểu tại sao khi thì thầy gọi em là “cô”, lúc lại là “em” thế?

Tôi lúng túng:

- Ờ kể ra cách xưng hô ở trường đại học cũng nên quy định mới phải. Thầy gọi trò lung tung cả lên: anh, chị, cô, em, bạn, đồng chí, các ông, các bà... Chà. Cái này tôi sẽ nghiên cứu sau. Tôi tìm cách thoái thác - Trường hợp của cô đơn giản thôi. Khi tôi thấy mình già, tôi có thể gọi cô là em một cách thoải mái. Khi cần “tỏ thái độ” tôi gọi là “cô” cho có vẻ cách biệt.

- Thầy vẫn chưa trả lời em vì sao thầy buồn cả?

Cô gái nói, hơi cúi đầu. Cô đang như có vẻ mải mê chuyền cát từ tay này sang tay kia.

Đến lượt tôi nhìn thẳng vào mắt cô gái:

- Thế này nhé. Một trong những nguyên nhân có thể nói được...

- Em xin lỗi thầy, nhưng mà chớ có giảng bài đấy.

Tôi bật cười, không giận vì cô gái đã cắt ngang lời tôi.

- Được rồi. Tôi quan niệm biển - tắm biển là đặc trưng của tuổi trẻ. Chỉ dành riêng cho lớp trẻ. Chỉ có tuổi trẻ mới có thể đem lại cho bãi tắm sức sống và sự mạnh mẽ mà nó đòi hỏi. Những người như tôi chỉ làm cho biển buồn thêm.

Cô gái nhìn như thể tôi sắp chết đuối:

- Em xin phép thầy. Hình như thầy hơi cực đoan. Thầy thử ra tắm một lần nữa đi.

Tôi xua tay:

- Cảm ơn. Rất cảm ơn em nữa là khác. Nhưng tôi không muốn và không thể. Biển bây giờ lạnh lắm. Em xuống tắm với bạn bè đi.

Cô gái đứng lên:

- Dạ, em xin phép thầy. Em...

Cô bỏ dở câu nói, hơi quay người và đi như chạy về với biển.

Bóng cô nhanh chóng chìm khuất trong chiều biển tím nhạt nhòa. Đến lúc đó tôi mới sực nhớ rằng, chúng tôi chưa hề biết tên nhau.

* * *

Đêm đó, đoàn chúng tôi trở về trường muộn vì thiếu mất một người - một cô nữ sinh. Tôi không dám hỏi người con gái không cùng trở về với chúng tôi hôm ấy là ai. Tôi đã cố gắng nhìn kỹ từng gương mặt thiếu nữ xung quanh tôi để tìm xem có cô gái đã nói chuyện cùng tôi chiều ấy hay không, nhưng cuối cùng, tôi cũng không dám đoán chắc là không có. Nét mặt ai cũng nghiêm nghị, mệt mỏi. Không ai dám nghĩ cô gái “mất tích” đó đã chết đuối, trừ trưởng đoàn, cậu Tâm. Cậu ta lo lắng đi trình báo công an. Câu trả lời là một lời an ủi: “Yên chí, biển ở đây cạn lắm, không sao đâu”. Có một người nào đó nói rằng, có lẽ cô ta đã gặp một người bạn trai và ở lại đêm trên biển. Hẳn rồi, chiều biển làm sao đẹp bằng một đêm trăng biển? Ai cũng muốn tin là thế. Còn tôi, tôi không dám nghĩ là mình hoàn toàn mong như thế.

Trước đây, tôi rất thích và rất tin vào tính chính xác của câu ngạn ngữ của người Pháp: “Phải có hai người mới có thể khen trời đẹp”.

Nhưng bây giờ, chỉ có một chiều ấy thôi, tôi vẫn mãi tin rằng, hoàng hôn ở biển thật là tuyệt vời. Dẫu chỉ có một người...

Huế 30.6.1993
T.V.H
(TCSH58/11&12-1993)

 

 

Các bài đã đăng
Chỗ đứng (27/08/2024)
Hai người cha (16/08/2024)