Tạp chí Sông Hương - Số 424 (T.06-24)
Ức cố nhân
09:08 | 03/07/2024

TRẦN QUỲNH NGA

Côn Sơn một đêm lênh loang trăng. Ánh trăng nhạt như sữa non rải xuống thái ấp tịch lạnh. Nguyễn trầm ngâm uống trà.

Ức cố nhân
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức

Thái ấp này là phần đất vua ban cho ngoại tổ từ xưa, giờ Nguyễn làm nơi vui thú tuổi già. Mỗi lần ra khoảng sân lại uống trà, người vẫn nhớ tới lời ông: “chiếm thành thì lui binh”. Ấy vậy mà lui đến đây rồi, đêm hôm vẫn còn có kẻ quấy quả.

Đêm. Sương lạnh, trà lạnh, bàn cờ đã ướt đẫm sương rồi mà Lương Đăng vẫn còn chưa lui bước. Lòng Nguyễn vẫn lặng như nước hồ thu. Lương Đăng vốn dĩ là kẻ nhiều tham vọng, giỏi trò trí trá, lại là người trông nom ở nơi vĩnh hạng và hoàng môn nên lắm kế phơi bày.

Nguyễn nhìn vào nước cản mã trên bàn cờ thấy rõ như một cuộc đấu trí đã sớm được sắp đặt:

- Ta với huynh lâu không đánh cờ, giờ ngồi lại, nước cờ so với năm trước cũng khác nhiều rồi, Nguyễn ta có chút không quen.

- Hiểu nhau là thế, mà chỉ vì một Tiệp dư bị thất sủng, hai chúng ta lại biến thành xa cách như vậy - Lương Đăng úp mở.

- Huynh biết nguyên do Tiệp dư bị hãm hại cơ mà? - Nguyễn vừa nói vừa đi một quân cờ.

- Nguyễn huynh hãy xem lại thế cờ đi, một bên là Tiệp dư Dao thị yếu đuối, một bên là Nguyễn thần phi, mới ở một ngày đã mang dáng dấp mẫu nghi thiên hạ. Hiện tại thế lực của Nguyễn thần phi mới như ánh sáng mặt trời ban trưa. Huynh vì muốn đưa Tiệp dư chạy trốn không phải là bỏ sáng theo tối sao? Quân thượng nhắm mắt làm ngơ bỏ qua cho Tiệp dư nhưng sinh mạng của họ sống hay chết lúc này cho dù là huynh cũng không thể cứu gỡ được.

- Nho sinh lấy thiên hạ làm trọng trách của bản thân để khuyên bảo bệ hạ. Ta có thể chờ.

- Điểm này ta rất kính trọng huynh, nhưng lại không ngưỡng mộ huynh. Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt. Trong tình thế này sớm muộn gì cũng xảy ra sự tranh giành.

- Là huynh hăm dọa ta?

- Mọi chuyện chỉ như nước cờ thôi. Thuận theo thời thế là điều hiển nhiên. Huynh đã không hiểu thời thế thì đừng trách thời thế vô tình.

Lương Đăng nói rồi lui bước. Nguyễn ngồi trước bàn cờ vẫn còn dang dở trong lòng không khỏi xao động. Từ ngày nhận ra sự trung thành của mình đã không còn được trọng dụng, ông đã cáo quan không màng thế sự nữa. Ấy vậy mà sự việc Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao mang thai bị Thần phi Nguyễn Thị Anh cùng phe cánh đang tìm cách trừ khử. Nghe lời thị gièm pha, vua quyết định đem bà đi đày ở vùng đất xa kinh thành. Trước việc xử lý bất công với Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao, ông không thể làm ngơ, tìm cách cứu bà nên giờ mới có sự việc Lương Đăng đến nhà ngày hôm nay.

*

Thị Lộ từ nãy vẫn đứng sau mành trúc theo dõi cuộc cờ của chồng mình với Lương Đăng lòng không khỏi bồn chồn. Bà nổi tiếng thông minh. Không như mọi thê thiếp chỉ lo vun vén việc trong nhà, bà dạy dỗ cho đám học trò là trợ thủ đắc lực, mưu lược cùng chồng chăm lo việc nước.

n ba là thế, có việc gì mà bà chưa từng can qua. Ấy vậy mà từ sau khi thất thế về lại Côn Sơn, tưởng rồi đây hưởng cảnh thanh nhàn thì nhà vua lại cho mời hai người ra giúp việc nước. Lại thêm việc Lương Đăng đến nhà nửa như lôi kéo nửa như uy hiếp khiến bà phải cân nhắc mọi điều.

- Tướng công, ý người thế nào? - Thị Lộ bước nhanh ra khỏi bậc cửa lại gần chồng.

- Có những thứ đã là ý trời thì khó lòng tránh được - Nguyễn Trãi trầm ngâm - việc xảy ra trên triều vừa rồi đã làm kinh động đến bao kẻ khác. Chỉ tiếc mình ở ngoài sáng, chúng ở trong tối, khó lòng mà nắm hết mọi bề.

- Tôi trung chẳng thẹn với lòng mình - Thị Lộ nói rồi khoác thêm chiếc áo choàng mỏng cho chồng vờ trách - Ông ấy, có tuổi rồi mà cứ hay chủ quan, sang tiết Bạch Lộ rồi dễ nhiễm cảm lạnh. Vào nhà đi, tôi pha cho một tách trà gừng.

Nguyễn Trãi nghe lời vợ đi vào trong nhà. Người nhìn bóng Thị Lộ khuất sau rèm cửa trong lòng bao nỗi cảm kích. Con người đó trong lòng Nguyễn là một liệt nữ. Gần 20 năm làm nghĩa phu thê, từ một người con gái quê mùa bán chiếu bên sông cho đến bây giờ là Lễ nghi học sĩ của triều đình, nàng vẫn giữ được nét đoan trang, nhu mì của một người vợ uy quyền.

Chén trà gừng mật ong thơm nồng. Mùi gừng làm Nguyễn nhớ những đêm xưa cùng nghĩa quân chịu bao băng giá ở Đỗ Gia. Xứ đó kì lạ, địa hình dễ thủ khó công, nhân dân thuần chất. Ở đó, Thị Lộ học được bài thuốc dân gian giản dị chữa cảm lạnh bằng những thức uống sẵn có đơn thuần nhưng hiệu nghiệm vô cùng.

Nguyễn nhấp một ngụm trà:

- Đời tôi 10 năm phiêu chuyển, nhờ đêm nằm ở quán Trấn Vũ cầu mộng mà vào Lam Sơn. Tôi thật lòng nhớ về thời đó, có minh chủ, có tôi trung trên dưới một lòng… giờ vật đổi sao dời, lòng người khó đoán, tôi sao cứ thấy phân vân.

- Ông cứ mãi nghĩ đâu đâu - Thị Lộ gạt đi - Hoàng thượng giờ đã dần trưởng thành, không còn là một đứa trẻ nữa. Người đó thiên tư sáng suốt, lại được nối vận thái bình, 11 tuổi đã tự mình quyết định việc triều đình mà không cần ai nhiếp chính - Bà nói thế rồi thầm nghĩ trong lòng: “Chỉ ngặt nỗi việc hậu cung không nghiêm thì khó lòng quán xuyến”.

Lời Thị Lộ nói ra làm an lòng Nguyễn Trãi lúc ấy. Chỉ tiếc rằng, mệnh trời khó đoán, tai ương ập đến lại cũng liên quan từ vĩnh hạng, hoàng môn.

*

Tết Trùng Cửu1, mưa thu lất phất. Thái ấp lúc chuyển mùa chìm trong một trạng thái cô tịch, tĩnh lặng. Chiều nay, khi Nguyễn đang xem Hà đồ thì Lê Đạt trở về. Sự xuất hiện của cậu học trò tâm phúc tự nhiên làm Nguyễn bối rối:

- Hà đồ quả thật ảo diệu, nó khiến cho người ta không kiềm chế được mà đắm chìm vào.

- Thầy lo lắng gì sao?

- Ta nhớ lời ngoại tổ căn dặn “chiếm thành thì lui binh” nhưng giờ e khó lòng.

- Thế người định quay về Đông Kinh?

- Ta… dù gì cũng là mệnh quan của triều đình. Tại sao lại có thể không bận tâm vì nước được chứ?

- Thầy ơi, xưa Khổng Tử để lại cho chúng ta nói cho cùng cũng chỉ là một chữ nhân, còn ngày nay, không phải muốn cầu nhân là được nhân đâu?

- Trên quẻ bói đã chỉ ra, ông trời đã an bài, không phải là những kẻ phàm phu tục tử chúng ta muốn thay đổi là thay đổi được đâu.

- Nhưng… Dù là ý trời đi nữa, nhưng nếu như không có cho thế đạo, sao lại không thể thay đổi nó chứ.

Nguyn Trãi không nói chỉ lẳng lặng uống rượu. Lê Đạt là người tinh tế và có tình. Hình như trong lòng người trò đó chín mười phần đã nhận ra những điều mà thầy mình muốn tránh. Ông biết, chắc lúc Lê Đạt không quản ngại đường sá xa xôi về lại đây là đã có tính kế lâu dài. Chỉ ngặt nỗi lòng người thầy này khó lòng liên đới mà chạnh lòng với người tâm phúc. Hai thầy trò im lặng dẫu biết rõ trong lòng cả hai đều như có sóng dâng.

Nguyễn Trãi nhìn ra chiếc bể đá trước sân lai sen đã bắt đầu tàn rữa thở dài. Đó là vật phẩm được nhà vua ban tặng. Chiếc bể đá có ba mặt đều mang những ngụ ý giao tình. Mặt trước là hình cuốn thư có hai chữ Thọ ở giữa, hai kiếm và hai bút hai bên ngụ ý cho ý vua tôi một lòng. Mặt bên khắc hình hai con hạc, một con ngửa mặt lên trời, một con đang mò, phía trên có hoa an lạc trắng. Một bên hình ảnh sen - vịt, có 2 con vịt, một con đang bơi và một con ngoái đầu lại, phía trên là đài sen và lá sen thư thái ung dung biểu thị cho sự an hưởng thái bình… như muốn thốt lên sao giờ đây trong lòng người lại đầy nỗi nghi hoặc và bất lực thế này!

Nguyễn Trãi nhấp chén rượu, đoạn đọc bài thơ Thuật hứng, giọng xem chừng đã quá nhiều tâm tư:

“Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vạy then”.

Lê Đạt nhìn thầy, tay nghiêng bình rượu rót tràn ra cả chén nghẹn ngào:

- Tết Trùng Cửu trò về để mời thầy lên núi.

- Ta già rồi…

- Vâng… nhưng thầy ơi… - Lê Đạt phục xuống - Mưu kế khó lường, thầy nên nghĩ lại.

- Ta không thể để liên lụy đến con được, tương lai con đang rạng…

- Thầy đã cho con cả một tương lai sáng rạng rồi, chẳng lẽ thầy lại không cho con báo đáp thầy bằng cách bảo vệ cho thầy những ngọn nến hy vọng.

Lê Đạt nói rồi rấm rứt khóc. Hơi men nồng ấm đã quyện cả không gian xung quanh một mùi thơm nồng nàn. Nguyễn Trãi không nói gì thêm, nhìn bóng trăng sóng sánh trong chén rượu mà nhớ những đêm trăng trong rừng thẳm Đỗ Gia ngày trước. Thuở đó, hang đá lạnh, núi lạnh, sương lạnh, quân vương và quần thần ngồi đối ẩm bàn việc lập ấp, khai hoang, chiêu mộ nghĩa quân, tích trữ lương thảo và tìm cách đánh giặc, giữa khoảng lặng trong những lúc ngàn cân treo sợi tóc ấy vẫn còn ngâm vịnh những bài cổ thi. Vậy mà giờ đây, Nguyễn Trãi một mình, ngẫm phận mình mà nghĩ đến thời cuộc rồi chợt cười:

- Khá khen cho Hoàng Phúc.

- Thầy nói đến Hoàng Phúc vốn là thượng thư Minh triều sang nước ta coi hai ty Bố chính và Án sát. Rất giỏi phong thủy?

- Lần hắn bị bắt giải về dinh Bồ Đề có gặp ta. Ta vẫn nhớ nét mặt bình thản của hắn ngẩng lên nhìn ta mà nói rằng: “Mộ tổ nhà tôi có tướng Xá văn tinh, nên cho dù hôm nay, tôi có mắc nạn cũng giữ được mạng, nhưng mộ tổ nhà ông ở Nhị Khê mạch đoản, thảm họa tru di”. Lúc đó ta cười cợt rằng: “Ta tôi trung không thẹn với lòng mình”. Nhưng giờ ngẫm ra, thế thời như này rồi cũng phải tính…

- Tính gì nữa, Tướng công nên nghe lời Lê Đạt - Thị Lộ đặt đĩa bánh đậu xanh xuống bàn nước cắt ngang dòng suy tưởng thấm đẫm tâm tư của hai thầy trò. Lần này ông nên nghe lời Lê Đạt, trò ấy không quản đường sá xa xôi mà trở về là cũng mong cho có được kết quả như đã dự định.

- Nhưng đang yên đang lành lại ly gián sao đành?

- Thiếp đã bố trí cả rồi, những kẻ yếu đuối trong nhà cũng rồi phải có người chăm sóc, huống chi nay mai ta lại phải ra vào cung cấm. Chẳng bằng ta cứ nghe lời Lê Đạt lần này, Bồn Man tuy là xứ biên viễn nhưng cũng có thể làm nơi đứng chân được.

- Ừ… Thôi thì đành nghe lời sắp xếp của sư mẫu con vậy. Nhớ giữ ấm, đêm nay chắc lại gió mùa về.

Đêm khuya sương lạnh. Hai người đàn ông cùng đối ẩm. Nhà dưới, đám gia nhân lục đục ra vào. Ông nhìn lên bó lá thù du treo trước cửa nhà, rồi nhìn bình rượu ủ hoa cúc đậm vị sóng sánh như mật lòng chợt dâng lên hồ nghi, rượu hoàng hoa và cành thù du năm nay e khó lòng mang đến điềm lành.

Canh ba đêm ấy, một nhóm người lặng lẽ rời thái ấp. Đi trong mịt mù sương giăng không rõ mặt người.

*

Lãm giật mình tỉnh dậy. Đây là lần thứ ba khi ở chùa Côn Sơn anh gặp lại giấc mơ này. Ban đầu anh còn nghĩ đó là do ảo giác nhưng không phải, nó như một sự dẫn dắt mà anh trong vô thức bị cuốn vào đó không dứt ra được. Giấc mơ đó kể về những sắp đặt trước khi biến cố xảy ra với gia tộc Nguyễn Trãi chỉ được ghi lại thoáng qua trong các tài liệu nào đó. Nhưng nó là giấc mơ, giấc mơ thì khó lòng có thể chứng thực nó là sản phẩm của trí tưởng tượng hay là điềm báo.

Nghe ra tất thảy đều là sự hoang đường.

Mà cuộc sống giờ nhìn đâu cũng là sản phẩm của sự hoang đường.

Lãm nghe nhói ở sau gáy, cơn đau huyết áp khiến anh cảm thấy mặt mình đang hừng lên. Anh đi lại đẩy mạnh cánh cửa sổ. Một khoảng lặng mênh mông không rõ mặt người.

Trời tang tảng sáng. Sương mù như mưa gõ ướt cả khoảng sân trước cửa nhà tăng tịch lặng. Không gian núi rừng thâm u quyện lẫn trong mùi trầm phảng phất dường như không chịu tan trong gió mà quấn quyện mơ hồ khiến anh bước lại gần cửa hạ điện. Trong điện thờ, bức tượng quan Hành khiển Nguyễn Trãi đội mũ cánh chuồn chợt sáng lên khiến anh giật mình.

- Không ngủ được à? - Sư cô Chúc Từ bước vào hạ điện thắp thêm một vòng hương nói nhẹ như thở -Sắp tiết Trùng Cửu, thời tiết khó chịu lắm. Anh lại thường bị ho về sáng, vẫn cần phải cẩn thận hơn.

- Ừ, đã là tiết Trùng Cửu rồi, ngày mai anh phải đến Thành Lục Niên một chuyến.

- Giấc mơ đó vẫn không thoát được hả?

- Ừ. Nó mạnh mẽ thôi thúc, như hẳn kiếp trước anh phạm vào một tội lỗi nào đó khó tránh khỏi.

- Nghiệp nhân thiện ác đã quy định cho đời sống khổ vui ở kiếp hiện tại. Tuy nhiên, định mệnh đó có thể được xoay chuyển ít nhiều trong chính kiếp sống này.

- Phải chăng khi con người ta không chấp nhận được hiện thực, họ hay nghĩ về kiếp trước?

- Bi ai lớn nhất của đời người là chết về tâm tưởng. Anh không chấp nhận được hiện thực nghĩa là anh vẫn bị những thứ dục vọng đó án ngữ thì mãi mãi không thoát được kiếp nạn của đời người.

Sư cô Chúc Từ nói rồi bước đi. Dáng vẻ xa xưa của Tâm Như - cô bạn thanh mai trúc mã của anh biến mất nhường chỗ cho sự ung dung tự tại của sư cô Chúc Từ. Tâm Như thừa biết trước giờ anh là một người không màng danh lợi nhưng vẫn buông những lời như thế làm anh chạnh lòng. Học khảo cổ, anh chỉ say mê tìm kiếm và giải mã những bí ẩn của cổ vật, đã rất muốn để cho người ta hiểu rằng khảo cổ không phải là việc đào bới và tìm kiếm những cổ vật để đưa nó vào bảo tàng mà chính là để lắng nghe những tiếng vọng từ nó, từ đó hiểu rõ hơn đời sống văn hóa và tinh thần của người xưa, thậm chí có những tín hiệu được gửi gắm lại cho hậu thế.

Nhưng nàng không hiểu anh.

Và anh cũng không hiểu anh. Không hiểu rốt cuộc anh là ai trong vòng xoay chuyển luân hồi này và loài hữu tình này bao giờ mới được giải thoát… mà sư cô Chúc Từ lại tuyệt đối không trả lời những thắc mắc vô bổ này của anh vì những thắc mắc này sẽ tự thấu tỏ trên con đường tu tập và giác ngộ.

*

Người đàn ông đón anh từ đầu con ngõ hẹp và sâu hút ở chân Thành Lục Niên dẫn vào một điền viên bày đầy nghê đá và bể đá cổ. Người đàn ông ngồi trước mặt Lãm mặc đồ dáng vẻ cổ xưa. Cái áo giao lĩnh vạt chéo màu chàm chấm sát đất khoan thai rót trà từ chiếc ấm gốm hoa lam nhỏ bằng nắm tay vào hai cái chén hạt mít, đưa tay ngụ ý mời anh ngồi xuống tràng kỷ. Hương cúc thoang thoảng bay lên thư thái tinh thần. Lãm bước lại bàn nước. Đó là một chuyên gia nghiên cứu đồ cổ, một CEO lớn trong lĩnh vực tài chính, người đã tài trợ kinh phí để tu bổ và xây dựng chùa Côn Sơn. Lãm đã nghe nhiều về danh tiếng của ông nhưng lần hẹn này chính anh cũng không nghĩ tới. Ông ta chủ động hẹn gặp anh và mong muốn anh hợp tác với mình về nghiên cứu cổ vật:

- Tôi nghe đồn anh có thể “nói chuyện” được với các cổ vật?

- Ở một mức độ nào đó, khi tập trung công việc của mình tôi có thể nhìn thấy mối liên hệ quá khứ của các vật khi chạm đến nó - Lãm nói rồi lắc đầu cười - Có thể do tôi làm nghề này đã rất nhiều năm nên có được kỹ năng đó. Rất tiếc không ai tin vào điều đó.

- Tôi tin - Người đàn ông khẳng định - Đây là một dạng thức ngoại cảm. Người ta gọi là khả năng thấu thị.

- Tôi không định nghĩa được việc đó, chỉ cảm thấy khi mình quá tập trung vào một việc gì đó, tự nó sẽ có lời giải đáp.

Lãm nói rồi im lặng. Anh muốn giải thích về những điều anh gặp phải bởi một câu chuyện đã ngủ yên cả hàng trăm năm giờ lại như diễn ra trước mắt dù chỉ là qua một giấc mộng mơ hồ nên anh muốn đi tận cùng với nó, giải mã nó, thấu hiểu nó bởi với anh: Thấu hiểu được quá khứ, anh sẽ chủ động định đoạt khả năng thấu hiểu hiện tại. Vậy làm sao có thể sàng lọc sự thật ra khỏi đức tin? Làm sao để chúng ta viết lịch sử của mình, cá nhân hay văn hóa. Làm sao chúng ta có thể hiểu được lịch sử bị biến dạng qua nhiều năm, hàng thế kỷ để tìm ra sự thật nguyên bản… đó là điều anh suy nghĩ.

Sự gặp gỡ hôm nay đã làm anh hiểu những gì đang xảy ra với mình không phải là sự tẩu hỏa nhập ma hay sự hoang tưởng mà đó là một năng lực đặc biệt anh có được, nó được giới nghiên cứu tiềm năng con người xem như là một bộ môn khoa học đặc biệt gọi là Retrocognition: Hậu tri chứ không phải là sản phẩm của sự tưởng tượng hoang đường.

Lãm đặt tách trà xuống nhìn ra ngoài vườn. Giữa những ghế đá và bể đá, bên góc tường, một cây hạnh lựu trổ hoa đỏ rực làm cho không khí nơi đây nhuốm đẫm một màu sắc hoài cổ. Đang miên man chợt anh sững người:

- Chiếc bể đá này lạ nhỉ, thường các cuốn thư thông dụng chỉ có một bút, một kiếm và một chữ Thọ nhưng bể đá này lại có hai bút, hai kiếm và hai chữ Thọ. Một bên cuốn thư là hình đầu rồng được biến hóa từ hình một con rồng thời Lê, phía trên rồng có những cành mai, bên trái cuốn thư là hình đuôi rồng được biến từ hình con phượng đang bay và gốc mai.

Thật kì lạ - Người đàn ông đứng sau lưng từ lúc nào cúi xuống bên cạnh anh thì thầm - tôi cứ nghĩ con rồng này là từ thời Lý.

- Không, thời Lê. Những khác biệt của con rồng thời Lê sơ so với các thời đại trước thể hiện rõ nhất ở việc thay thế cái vòi bằng mũi của loài thú ăn thịt. Mặt rồng trông dữ hơn, lông mày cùng bộ râu quai nón rậm, thân hình to khỏe cứng cáp kết hợp với mây lửa, thể hiện sức mạnh uy quyền của bậc đế vương… nhưng tại sao nó lại làm một sự luân chuyển ngoạn mục đến như vậy?

- Luân chuyển? Ý anh nói là cái bể đá này đã được người ta mang đi khắp nơi?

- Tôi cũng không biết nữa - Lãm chạm tay, chăm chú vào bể đá - Đây là vật của vua. Hình ảnh con rồng 5 móng chỉ dành cho hoàng đế nhưng tôi thấy nó trong sân của một thái ấp ở Côn Sơn.

- Nghĩa là…?

- Có thể, nó là quà ngự ban của nhà vua dành cho Hành khiển Nguyễn Trãi.

Người đàn ông bỏ dở câu chuyện lặng lẽ đi ra phía cửa. Ông ta không tin ở mắt mình, càng không thể tin được năng lực lạ kỳ của Lãm. Quả thật khi tìm thấy chiếc bể đá này trong sân vườn của một người dân bình thường trong Thành Lục Niên, dù có biết niên đại ông cũng không nghĩ đến nó là của Đại Hành khiển Nguyễn Trãi. Chỉ thấy chủ nhà trả lời rằng nhà này nghe đồn là nhà của vị quan cai ngục, sau khi cáo lão, ông ta đã bỏ cả gia sản mua chiếc bể đá này, chở từ miền Bắc về đến quê này.

Trời đã xâm xẩm tối. Lãm vẫn không rời mắt khỏi bể đá đó. Mỗi khi vào việc, anh chẳng để ý đến những gì đang diễn ra xung quanh. Cái lặng lẽ của nghề nghiệp cộng với chút tâm tư của cá nhân đã khiến anh trở thành một kẻ cô độc.

Trước mặt người đàn ông bây giờ là căn phòng nhỏ ngập tràn bóng tối với ô cửa mở toang và ánh đèn đường hắt vào một khoảng sáng vàng quạch. Thật ra ông ta đã từng nghiên cứu về âm dương đạo về những bậc thầy dùng pháp thuật để dẫn dắt những điều bí ẩn, huyền huyễn đến dương gian với khả năng triệu hồi những thần thức. Nhưng cuộc gặp với Lãm khiến ông nhận ra việc ông đang ngồi trước một người có đôi mắt âm dương là hoàn toàn có thật.

*

- Nào, chạm ly…

- Tại sao anh lại đầu tư vào trùng tu chùa Côn Sơn?

- Vì phát triển doanh nghiệp gắn với trách nhiệm xã hội.

- Đó là câu dành để nói trên diễn đàn, còn đây, trong không gian của quá khứ và nỗi ám ảnh chẳng lẽ anh cũng chỉ có một câu nói đó.

Người đàn ông im lặng. Rượu đã ngà ngà say. Ánh trăng tiết Trùng Cửu đầy ma mị và ám gợi nó giống như a xít ăn mòn cả không gian xung quanh loang loáng nhạt nhòa. Người đàn ông thấy mình như bị nhấn chìm trong đó, trong tiếng u u ma quái của những âm hồn vọng từ Cửu U đài.

*

Tri Kim Mã nằm trong vùng Thập Tam Trại phía tây thành Đông Kinh là khu vực pháp trường, nơi xử trảm các tội nhân mang trọng tội lâu nay thưa vắng. Cỏ mọc kín lối đi đến nỗi có khi người ta quên luôn bên trong một bãi rậm rì đó là mấy phòng biệt giam những người sẽ bị hành quyết.

Người trong ngục danh tính bí mật không biết là ai. Viên cai ngục chỉ được nhận lệnh ngày đem hai bữa cơm thịnh soạn đặt trước cửa ngục rồi lui bước. Lần nào cũng thế, người trong ngục lặng lẽ thâm trầm ngồi như tọa thiền khiến ông không dám mở lời. Ông lặng lẽ nhìn người đó, điệu bộ ung dung, bình thản, kiêu bạc không giấu được nét u ẩn trên đôi mắt của một người chịu nhiều ấm ức, oan khiên khiến ông chạnh lòng. Đôi mắt chính là nơi chứa đựng tất cả những ký ức vui buồn, những tâm sự chất chồng. Thế gian, hết thảy có thể vứt bỏ, hết thảy có thể thay đổi, duy chỉ đôi mắt của một người là thứ chân thật nhất có thể lưu giữ lại. Đời thay đổi, người thay đổi, nhưng ánh mắt vĩnh viễn không thể thay đổi được.

Viên quản ngục đặt tráp cơm xuống đất ấp úng định nói thêm điều gì với người tử tù bên trong nhưng không dám mở lời, toan bước đi thì người ngồi trong gọi lại:

- Bữa cơm cuối cùng đúng không?

- Đại nhân, mời ngài ăn tối - Viên cai ngục ngồi sụp xuống, mở tráp cơm nói ngập ngừng - Canh ba đêm nay…

- Nhân sinh như mộng, kiếp người khó được, nhưng được rồi cũng không phải ai cũng tìm được cho mình một chân lý, một ý nghĩa chân chính để làm người. Ngươi hà tất phải ngập ngừng trước một kẻ như ta.

- Ngài… ngài… - Câu nói của người đó khiến viên cai ngục thêm lắp bắp, run run rút trong túi áo ra một bình rượu nhỏ chần chừ - Đại nhân có thể cho tiểu nhân hầu ngài bữa rượu cuối cùng được không?

- Ta thân là tội nhân, làm liên lụy đến ngươi thân ta gánh sao nổi?

- Đại nhân đừng nói thế - Viên quản ngục nghẹn ngào - Đêm nay là đêm cuối cùng tôi ở lại đây, ngày mai tôi được đặc xá cho về quê dưỡng già. Được hầu ngài bữa rượu là phúc phận một đời tôi có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới.

Người trong ngục không đồng ý cũng chẳng chối từ lẳng lặng ngồi gần sát lại. Người ngoài cửa nâng chén rượu qua chấn song, nước mắt rịn ra hai khóe chân chim. Người trong khoan thai nâng chén không hề động tĩnh. Người ngoài nhìn dáng vẻ ung dung tự tại thoáng nghẹn ngào. Không biết lòng người đối diện đang nghĩ gì khi sắp phải lên đoạn đầu đài như thế mà vẫn giữ được cốt cách của người quân tử:

- Một người có thể kiểm soát cảm xúc của mình còn vĩ đại hơn một vị tướng có thể đánh hạ một thành trì. Ngài có phải là…

- Ai cũng được, ma cỏ cũng được, người cũng được quan trọng gì đâu...

Người đàn ông nói một câu tưởng chừng như hờ hững mà viên quản ngục thấy như trong lòng có đầy vết cứa. Men rượu nóng thấm xuống cổ họng lại sực lên làm cả khuôn mặt đỏ bừng:

- Cũng không biết từ đâu chúng ta lại được ngồi cùng nhau trong những giờ phút cuối cùng này…

- Từ đây - người đàn ông nói rồi chỉ vào ngực mình - từ sự lương thiện.

Nghe đến đây viên quản ngục bật cười. Cai ngục mà là người có lương tri? Không. Anh ta chỉ là kẻ đắm chìm trong nỗi cô đơn tuyệt vọng thậm chí cùng quẫn của không biết bao nhiêu là kẻ tử tù đã đến nơi hoang vu này nên đã bày ra bữa tiệc rượu cuối cùng xem như một lời đưa tiễn. Nhưng lời nói của người tử tù kia lại làm ông xúc động thực sự, thương tiếc thực sự.

- Người lương thiện thì khó sống - Viên quản ngục thở dài…

- Khó sống nhưng phải sống cho xứng đáng.

Người đàn ông nói rồi khoan thai đứng dậy, lặng bước trong làn khói lam mờ ảo.

Viên quản ngục lui bước ngập ngừng.

Đêm đó trăng lạnh. Pháp trường lặng ngắt như tờ. Đao phủ bí mật xử trảm. Không trống giục, không cờ buông.

Viên quản ngục lưng đeo túi vải lặng lẽ theo lối mòn xuống núi ngạc nhiên khi không hề nghe thấy tiếng khóc ai oán của mấy trăm mạng người nơi pháp trường mà chỉ nghe một câu thơ vọng trở lại từ vách núi như một phúc âm buồn: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật/ Anh hùng di hận kỷ thiên niên”.

*

Người đàn ông lái chiếc xe vụt qua khúc quanh rồi dừng lại ở một Homestay trong vườn vải. Chủ nhà bê lên mời khách một đĩa vải hái trong vườn nhà vừa rót nước vừa chào mời.

- Tôi đến Ly Cung đã nhiều lần nhưng giờ mới ghé nơi đây - Lãm vừa uống nước vừa quay sang nói với người chơi cổ vật.

- Tôi thấy không mấy người gọi đây là Ly Cung.

Tiếng nói vọng từ phía sau khiến anh giật mình.

Người con gái đứng bên ô cửa trong ánh chiều màu hổ phách hắt tràn lên cả những khoảng tường tróc lở. Nàng xuất hiện ở đó, chiếc áo họa tiết chăn công màu bã trầu làm cho khuôn mặt nàng sáng bừng lên. Anh đứng trân trối nhìn vạt tóc mai ánh vàng bay lòa xòa và đôi mắt màu nâu khói mơ màng khẽ chớp dưới rèm mi dài.

- Ly Cung nó mang đúng tinh thần nhất của chốn này - Lãm thở dài cười.

Không biết do ấn tượng hay có một trường liên hệ nào đó mà mỗi lần nói đến Trại vải là anh đều có cảm giác như có một lớp sương mù bao phủ. Công việc khảo cổ là kiến giải những thắc mắc, vén màn bí mật của lịch sử qua các dấu tích được tìm thấy mà qua hàng trăm năm lãng quên chưa được thỏa đáng, thì với anh, nơi đây, trải qua mấy triều đại, nhiều tên gọi, Ly Cung vẫn là cái tên phù hợp để nói về nơi có dáng vẻ thâm trầm và lặng lẽ này nhất.

Lãm nhớ câu chuyện xa xưa tới giờ mọi người bàn tán về cung đường này. Cách thị trấn huyện Gia Bình không xa là thôn Bảo Tháp nơi Tiến sĩ khai khoa Lê Văn Thịnh, một công thần đời Lý bị vu là hóa hổ cướp ngôi vua, phải đày đi Thao Giang, nay có đền thờ ở sườn núi Thiên Thai! Qua chân núi Thiên Thai là tới Lệ Chi Viên, ngược lên một đoạn nữa, là tới lăng mộ và đền thờ Cao Lỗ vương - một trung thần vì khuyên can vua những điều thuộc lẽ phải để giữ nước mà bị An Dương Vương phế bỏ, rồi sau đó bị thiệt mạng oan uổng. Bởi thế, mỗi lần đi dọc dài khúc sông Đuống này, qua núi Thiên Thai, ghé Lệ Chi Viên, Lãm đều mang trong mình một ý nghĩ hoang đường rằng phải chăng chính những con người đó đang nắm giữ một bí mật lịch sử nào đó và cái chết của họ đã vô tình làm cắt đứt đi mối liên hệ này để cho đến nay trải qua nhiều thế kỷ, người ta vẫn đang miệt mài tìm kiếm lời giải đáp.

- Đúng vậy, một nỗi buồn đau bất đắc chí ở đời… - Người đàn ông quay sang Lãm - xong một cuộc giao dịch, tôi sẽ cho người chở bể đá kia về đúng nơi của nó.

- Thái ấp, nơi sân vườn của quan Hành khiển xưa?

- Ừ, nhờ anh mà tôi đã tìm ra nơi nó thuộc về…

Lãm nhắm mắt, những hình ảnh trong giấc mơ như hiện lên rõ mồn một buổi trò chuyện đó, trong đêm sương, người và Lương Đăng lặng lẽ đánh cờ trên chiếc bàn đá kê sát chiếc bể cạn. Nó là chiếc bể đá trong vườn Thành Lục Niên hôm bữa anh vừa thấy. Vậy anh là ai trong tiền kiếp, là Lê Đạt hay Lương Đăng? (“Nghiệp nhân thiện ác đã quy định cho đời sống khổ vui ở kiếp hiện tại”, sư cô Chúc Từ đã nói với anh như thế, phải chăng kiếp trước anh là người đã gây nên nghiệp chướng và người đàn ông này phải chăng kiếp trước đã vì một chút giao tình mà làm ra cả một cuộc luân chuyển?).

- Hậu sinh chúng ta cũng chỉ có thể cố gắng diễn giải xã hội con người trong quá khứ theo các chiềucạnh thời gian, không gian và văn hóa... còn bí mật thì vẫn mãi mãi là một vùng mờ.

- Vùng mờ… vùng mờ… vùng mờ… Sao tất cả những sự thật trên đời này lại bị che mắt bởi những vùng mờ.

- Anh đừng nghĩ nữa. Đời người một kiếp. Ta vui một đời. Ta cứ sống cho nó trọn vẹn một đời đi vậy.

Người đàn ông nói rồi nhìn ra cửa. Lúc chiều tà, dòng sông Đuống phủ sương mù mịt, ẩn hiện đôi chiếc thuyền câu… thật lạ lùng, một con sông chỉ là chi lưu phụ của sông Hồng thôi mà trên một đoạn chưa đầy ba chục cây số có tới ít nhất 3 địa danh liên quan đến 3 vụ án oan động trời, đến nỗi nó được mệnh danh là “Con đường oan khuất”2!

Chẳng lẽ là tạo hóa trêu ngươi…?

T.Q.N
(TCSH424/06-2024)

----------------------
1 Đời Hậu Hán (25 - 250) có Hoàng Cảnh, người huyện Nhữ Nam, theo học đạo tiên với Phí Trường Phòng. Một hôm Trường Phòng bảo Cảnh: “Ngày mồng 9 tháng 9 tới đây, gia đình của nhà ngươi gặp phải tai nạn. Vậy đến ngày đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, tay đeo túi đỏ, đựng hột thù du (một loại tiêu), uống rượu hoa cúc, tối sẽ trở về, may ra tránh khỏi tai nạn”. Hoàng Cảnh vâng theo lời thầy. Quả thực đến tối trở về thì thấy gà vịt heo chó trong nhà bị dịch chết hết. Vì tích trên, nên về sau hằng năm, ngày mồng 9 tháng 9, người ta gọi là tết Trùng Cửu.

2 Dọc đê sông Đuống - một con sông chỉ là chi lưu phụ của sông Cái (sông Hồng), trên một đoạn chưa đầy ba chục cây số mà có tới ít nhất 3 địa danh liên quan đến 3 vụ án oan động trời, đến nỗi nó được mệnh danh là “Con đường oan khuất”! Cách thị trấn huyện Gia Bình không xa là thôn Bảo Tháp xã Đông Cứu - nơi chôn nhau của tiến sĩ khai khoa Lê Văn Thịnh, một công thần đời Lý bị vu là hóa hổ cướp ngôi vua, phải đày đi Thao Giang, nay có đền thờ ở sườn núi Thiên Thai. Qua chân núi Thiên Thai vài cây số là tới Lệ Chi Viên (xã Đại Lai, Gia Bình). Đi ngược lên một đoạn nữa, là tới lăng mộ và đền thờ Cao Lỗ vương - một trung thần vì khuyên can vua những điều thuộc lẽ phải để giữ nước mà bị An Dương Vương phế bỏ, rồi sau đó bị thiệt mạng oan uổng.

 

 

Các bài mới
Tình Bolero (05/07/2024)
Các bài đã đăng
Bẫy tình (28/06/2024)