Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-24)
Nhận diện Mỹ thuật Huế trong dòng chảy nghệ thuật dân tộc
10:19 | 22/07/2024


PHAN THANH BÌNH

Nhận diện Mỹ thuật Huế trong dòng chảy nghệ thuật dân tộc

1. Mở đầu

Nghệ thuật tạo hình ở Huế được hình thành và phát triển trên dải đất hẹp ở miền Trung, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa trong quá trình lịch sử. Nơi đây còn lưu lại những dấu tích thành lũy, đền tháp và những pho tượng linh thần, những tấm phù điêu chạm khắc tinh tế mang theo những huyền thoại, truyền thuyết tôn giáo Champa kỳ bí. Từ thời các chúa Nguyễn vàsau này là triều các vua Nguyễn, khi hòa nhập vào vùng đất mới đã tạo nên một sự hòa điệu văn hóa đa âm sắc, trong đó có khối hình, màu sắc, hình nét của ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình mang tính đặc trưng, độc đáo đầy thi vị của cả vùng đất.

Phụng trang trí Thái Bình lâu


Đặc điểm địa lý, lịch sử vùng đất và tâm khí con người nơi đây cùng những sáng tạo nghệ thuật đã tạo nên phong cách văn hóaHuế, hình thành nên những giá trị nhân văn thẩm mỹ có sự pha trộn, dung nạp lẫn nhau giữa các nền văn hóa từ nhiều phía quy tụ lại, mà trong đó cốt lõi vẫn mạch văn hóa Đại Việt và in dấu ấn đậm nét trong nghệ thuật tạo hình xứ Huế. Trong suốt nhiều thế kỷ đấu tranh sinh tồn và phát triển, xứ Huế dần hiện ra với tất cả những vẻ đẹp của sông núi, những giá trị nhân văn, tâm linh và tích đọng ở những tác phẩm nghệ thuật tạo hình mang tính sáng tạo của bao lớp người nơi đây.

Tượng rồng bậc thềm điện Gia Thành


Trong không gian địa văn hóa đa dạng của xứ Huế, với những đặc trưng thẩm mỹ rõ nét, nghệ thuật tạo hình Huế được hình thành qua bao thế kỷ và được tích tụ, bồi đắp, dung nạp các giá trị văn hóa bản địa, văn hóa bên ngoài một cách hài hòa suốt quá trình lịch sử. Trải qua quá trình lịch sử, Huế đã thu hút những tinh hoa nghệ thuật khắp mọi miền để phục vụ cho triều đình, tạo nên vùng đất tụ hội tài hoa sáng tạo nghệ thuật của cả nước. Kinh đô Huế trở thành một trong những chiếc nôi của nền nghệ thuật truyền thống đa dạng và được thể hiện trên nhiều loại chất liệu tạo nên những tác phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo và đa dạng như: pháp lam, kim hoàn, nghề chạm kim loại, nghề gốm sứ, nghề đúc đồng... nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn bàn tay tài hoa của các nghệ nhân và nghề truyền thống của Kinh đô xưa. Tác phẩm nghệ thuật trong trang trí trong kiến trúc dân gian và cung đình là di sản khá đồ sộ, phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình và kiểu thức, chúng được bảo lưu một cách quy mô và còn lại khá đầy đủ. Từ các vật dụng trong thường dân cho đến các phủ đệ quyền quý, các nhà thờ họ, đều có thể tìm thấy những sắc phong, hoành phi, câu đối, hộp, kiệu, võng, án thư được sơn thếp vàng lộng lẫy, tô điểm sang trọng và có mặt khắp nơi từ các đình chùa, làng xã, đến đền đài lăng tẩm, cung điện triều Nguyễn. Đến thế kỷ XX, Huế lại thu hút nhiều họa sĩ hiện đại khắp mọi miền đến vùng sông Hương núi Ngự sáng tạo, góp phần tạo nên những bình diện không gian nghệ thuật tạo hình mang sắc thái văn hóa truyền thống - hiện đại tinh tế, với những phong cách và phẩm chất của một không gian nghệ thuật tạo hình Huế đầy sức sống và được hình thành, phát triển tích tụ cho đến nay.

Phụng khảm sứ tại lăng Lệ Thiên Anh


2. Thành tựu sáng tạo và sự nhận diện về mỹ thuật Huế

2. 1. Nghệ thuật cung đình thời Nguyễn

Trong nghệ thuật tạo hình cung đình thời Nguyễn, nghệ thuật trang trí cùng điêu khắc, hội họa cung đình là nơi lưu giữ được nhiều giá trị sáng tạo và phẩm chất, phong cách mỹ thuật Huế. Trong nghệ thuật trang trí, sự hình thành các bộ đề tài, kiểu thức trang trí và những chất liệu độc đáo, kỹ năng trang trí tạo hình đặc sắc đã làm cho diện mạo mỹ thuật Huế hiện ra rõ nét và hàm chứa khá nhiều giá trị nghệ thuật phản chiếu tinh thần sáng tạo của người xứ Huế trong cả một dòng chảy lịch sử, với sự tương tác qua lại rất sâu sắc, đậm nét giữa nghệ thuật dân gian và nghệ thuật cung đình. Các đề tài trang trí theo kiểu thức phương Đông nói chung và truyền thống Việt nói riêng luôn ẩn chứa trong đó sức nặng của các ý nghĩa tượng trưng nhất định. Có những cấu trúc trang trí đã trở thành những biểu tượng văn hóa - thẩm mỹ mang đậm tính triết lý vũ trụ, nhân sinh như Tuế hàn tam hữu, Ngư ông đắc lợi, Mai điểu, Cúc điệp, Liên áp, Tùng lộc, Bát Tiên quá hải, Kim chi ngọc diệp (Cành vàng lá ngọc), Phụng hàm thơ, Cá vượt vũ môn... Đối với các đề tài trong nghệ thuật trang trí cổ, chúng hàm chứa tính tượng trưng, ẩn dụ đa nghĩa bên cạnh ý nghĩa chủ đạo ban đầu. Trong trang trí kiến trúc cung đình, đề tài Tứ linh chiếm vị trí trung tâm, chủ đạo với rất nhiều kiểu thức trang trí khác nhau, hầu hết đều hội đủ ở các kiểu thức trên các chất liệu khác nhau như: Lưỡng long chầu nguyệt, Lưỡng long tranh châu, Lưỡng long chầu nhật, Hồi long, Long ẩn vân, Hoa lá hóa rồng, Long vân khế hội, Phụng hàm thơ, Rùa đội bát quái... cùng nhiều hình thức biểu đạt và kết hợp khác. Nguyên lý bố cục ô hộc (ngăn ô) và các kiểu thức trang trí tiêu biểu là một hình thức phân chia không gian trang trí tạo hình rất đặc trưng của nghệ thuật trang trí Huế từ dân gian cho đến cung đình. Trong các hình thức trang trí, nghệ nhân xứ Huế còn thể hiện dưới nhiều dạng thức như tả thực hoặc cách điệu, các hình tượng mang tính ẩn dụ, tượng trưng và các đường nét thơ cô đọng, tối giản cũng tạo cho kiến trúc cung đình mang một sinh khí mới sinh động với những âm hưởng thẩm mỹ riêng.

Rùa khảm sành sứ, đất nung  tại điện Thái Hòa


Tứ thời - bộ đề tài được coi là rất phổ biến trong nghệ thuật trang trí với tính biểu hiện, tượng trưng cho bốn mùa: Xuân (mai, đào), Hạ (lan, sen), Thu (cúc, liễu), Đông (tùng, trúc). Chiếm chủ đạo trong trang trí Tứ thời ở ngoại thất là chất liệu nề vữa, bích họa và khảm sành sứ. Kỹ thuật trang trí, tạo hình của các chất liệu này đã góp phần làm nên những giá trị của mỹ thuật cung đình thời Nguyễn. Do gắn liền với thẩm mỹ và yêu cầu trang trí kiến trúc cung đình, đề tài Tứ thời phải tuân thủ những nguyên tắc chung của trang trí cung đình như sự phối hợp sắp đặt hài hòa giữa các đề tài khác. Nhiều trang trí trên các công trình kiến trúc lăng tẩm, cung điện và đôi khi cả những trang trí trên gốm hình thành từ ý tưởng và mỹ cảm của chính các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu trị, Tự Đức, Khải Định… Trang trí Tứ thời có những kiểu thức quen thuộc chứa đựng những giá trị tinh thần quý phái, trang nhã và đầy triết lý, tâm linh theo truyền thống triết lý Nho giáo như Mai điểu (hoa mai - chim), Liên áp (sen - vịt), Cúc điệp (cúc - bướm), Tùng lộc (con hươu - cây tùng), Tùng hạc (cây tùng - chim hạc). Cũng như các chất liệu khác trong trang trí kiến trúc, các kiểu thức Tứ thời cũng quy vào các bố cục ô hộc trong các đường cổ diêm, đường gờ mái, các góc hình cửa trụ, các đầu hồi, nhưng nổi bật nhất là các ô hộc đứng lớn ở các tam quan, cổng chính phụ khác nhau trong các công trình kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Có thể nói trong trang trí cung đình ở Huế, Tứ thời phản ánh khá sâu đậm mỹ cảm cung đình và khát vọng, mong ước về cuộc sống quý phái, trang nhã, về sự hòa nhập giữa con người và thiên nhiên, vũ trụ.

Trang trí Long mã trên lư đồng tại Triệu Miếu


Nghệ thuật điêu khắc cung đình thời Nguyễn bao gồm chủ yếu là tượng tròn ở các lăng và trang trí chạm khắc đá ở các cung điện. Một điểm khác cũng rất đặc trưng của tượng tròn ở lăng tẩm là trên bề mặt của các khối tượng người gần như đều có hoa văn chạm khắc dày đặc trên phục trang, điều này rất khác với điêu khắc từ thời Hậu Lê về trước ở miền Bắc. Thậm chí đó là những hoa văn chạm khắc khá tỉ mỉ, tinh xảo với những hình tượng mang tính tượng trưng rõ nét như: hoa văn sóng nước trên tà áo, hoa văn hình hoa dây, mặt hổ phù trên ngực áo của quan võ. Còn trên các khối tượng voi, ngựa chỉ chạm những vật dụng kèm theo như: đai, yên, bành theo thể thức hoa văn hóa. Trong đó, trang trí trên yên ngựa và bành voi có mật độ hoa văn dày đặc nhất và sự tập trung cao độ trong diễn tả hoa văn trang trí mang tính biểu tượng cho triều đại và nhà vua. Đồng thời qua hệ thống hoa văn chạm khắc đá cũng cho thấy bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân thế kỷ XIX, họ thể hiện rất rõ điều mà Cadière nhận định: “…các tác phẩm điêu khắc và hội họa này rất gần với nghệ thuật trang trí… cũng đều là những mẫu mực nghệ thuật…”1. Có thể nói, trong hệ thống tượng tròn thời Nguyễn, điêu khắc lăng tẩm là những tác phẩm tiêu biểu cho điêu khắc mang dấu ấn thời đại rõ nét, mỗi tác phẩm tượng quan văn, quan võ, lính túc vệ, voi, ngựa… đều thể hiện tinh tế ranh giới giữa tính tưởng niệm tâm linh và tính thẩm mỹ nghệ thuật. Nổi bật về chạm khắc đá là ở các lăng tẩm như lăng Minh Mạng, Thiệu Trị, Thánh Cung và Đại Nội. Ở Đại Nội tại nền điện Kiến Trung - một ngôi điện quan trọng trong hoàng cung được xây dựng từ năm 1921 đến 1923 bằng vật liệu mới là bê tông cốt thép dưới thời vua Khải Định (1916 - 1925) còn lại một đài nước chạm đá tinh xảo. Đài nước là một công trình nghệ thuật nhỏ bé nhưng đặc sắc ở nhiều phương diện mỹ thuật và tâm linh theo truyền thống phương Đông trong sự pha trộn một phần nét trang trí châu Âu. Cấu trúc đài nước bằng đá chạm khắc nằm sát bình phong cuối tận cùng thành bao của Tử Cấm thành. Hình tượng song ngư chạm nổi theo kiểu thức “Long ngư hý thủy” vừa quen ở thuộc tính phương Đông lại mang dấu ấn phương Tây cũng khá mạnh mẽ. Ở một góc nhìn khác, các nghệ nhân thời Nguyễn được trưng tập từ khắp các làng xã trong nước về kinh đô Phú Xuân, họ là những đại diện nghệ nhân tiêu biểu, tài hoa, những thợ cả đứng đầu các phường thợ, vì vậy họ đã tạo ra những giá trị mới trong nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XIX ở Huế, hơn thế nữa họ còn lập nên những làng nghề đục đá, chạm đá, chạm gỗ, làng nề khảm… xung quanh kinh thành và nhiều làng nghề đó vẫn còn đến nay.

Trang trí pháp lam tại lăng Kiên Thái Vương


Hội họa cung đình thời Nguyễn so với điêu khắc, trang trí, mỹ thuật ứng dụng ở hoàng cung… thật sự chưa có một vị thế quy mô và tính vật chất to lớn, nhưng tính chất và dấu ấn của chúng lại có mặt ở nhiều thể loại, chất liệu nghệ thuật khác nhau. Chúng hiện ra ở khá nhiều chất liệu như tranh nề (nề họa), tranh khảm xà cừ, khảm sành sứ, tranh thêu, sơn mài, tranh gương, tranh mộc bản trong mỹ thuật dân gian và cung đình. Tuy nhiên ở đề tài nghệ thuật và mục tiêu ở các dòng mộc bản, tranh thêu dân gian và cung đình lại rất khác biệt. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi tiếp nhận văn hóa Pháp có thêm tranh sơn dầu chân dung, phong cảnh và tranh tường, tranh trang trí. Trong đó có một số hình thức, thuộc tính tạo hình hội họa như tranh vẽ trên gốm, tranh giấy, trên vải, tranh thêu, vẽ trang trí diều, tranh gương... pha trộn phong cách cung đình và dân gian. Ngay cả tranh dân gian làng Sình (làng Lại Ân) và tranh trướng liễn làng Chuồn (làng An Truyền) cũng có phảng phất bóng dáng cung đình trong màu sắc phục trang, hoa văn. Hội họa cung đình thời Nguyễn khá độc đáo ở loại tranh chất liệu pháp lam và tranh gương, nề họa. Cả ba chất liệu/kỹ thuật này đều tạo nên những dấu ấn và tính thời đại rõ nét. Chúng mang trong mình những đặc trưng, phẩm chất sáng tạo tinh tế của nghệ thuật cung đình xứ Huế. Trong đó tranh nề tuy chưa có những dấu ấn vượt trội nhưng chúng trở thành một chất liệu kết nối khảm sành sứ với phù điêu đắp nổi không thể thiếu ở nhiều lăng và cung điện hoàng gia.

Khảm sứ tại lăng Khải Định Đài nước điện Kiến Trung


Tranh gương là một thể loại khá đặc biệt của hội họa cung đình Nguyễn, trong sách Cố đô Huế, tác giả Thái Văn Kiểm đã dành một số trang giới thiệu về thắng cảnh Huế theo tập thơ Thần kinh nhị thập cảnh (Hai mươi cảnh đẹp ở đất Thần kinh) do vuaThiệu Trị ngự chế. Tác giả cho biết một số bài đã được thể hiện với ngôn ngữ màu sắc bằng cách: “... cho vẽ từng cảnh một, rồi gởi sang Tàu vẽ lại vào gương, đóng khung chạm thếp vàng. Khoảng trên khung có lồng tấm gương ghi bài thơ của vua bằng chữ vàng”2. Tại lăng Tự Đức, các điện Hòa Khiêm, điện Lương Khiêm còn treo những tranh gương được lồng trong một khung thếp vàng. Vua Tự Đức đã chọn một số bài thơ của vua Thiệu Trị đưa sang Trung Quốc thuê vẽ lại trên gương. Thoạt nhìn những tranh gương trong khung có vẻ không ăn nhập với kỹ pháp tạo hình trong tranh, nhưng chúng được trang trí, chạm khắc khá tinh xảo chi tiết. Tranh gương còn lại ở Huế không nhiều, một số treo ở các lăng, một số khác hiện lưu giữ trong dân chúng, ở một số sưu tập tư nhân, nhiều tranh vẽ theo các điển tích cổ hoặc phản ánh những sinh hoạt, nghi lễ xưa. Kỹ thuật vẽ tranh gương cho đến nay vẫn không đổi thay lắm so với kỹ thuật truyền thống. Đó là kiểu vẽ ngược chiều, âm bản, màu được phủ nhiều lớp và tính toán rất thận trọng. Màu phía trong cùng được vẽ trước rồi phụ họa ở nhiều lớp màu, cuối cùng là màu nền. Ngày nay nghề làm tranh gương thờ cúng vẫn còn được lưu giữ trong dân gian Huế, nhiều nhà làm tranh gương có tiếng ở Chi Lăng và Thủy Xuân vẫn có khách hàng tiêu thụ.

Chạm đá tại lăng Hiếu Đông


Tranh tường trong dòng hội họa trang trí từ đầu thế kỷ XX đã có một thành tựu vượt bậc về nghệ thuật vẽ trang trí kiến trúc. Bức tranh Cửu long ẩn vân ở cung Thiên Định (lăng Khải Định) và bức Long vân khế hội (Rồng mây gặp gỡ) tại chính điện chùa Diệu Đế, vẽ nhiều con rồng uốn lượn trong mây với màu sắc chủ đạo là xám, đen nhạt, điểm xuyết chút vàng nhạt, tạo nên tổng thể màu sắc trang nhã, phù hợp với không gian nội thất, không gây cảm giác chói như màu sơn son thếp vàng trên cột gỗ. Những bức tranh này thực sự mang tính hoành tráng, độ bền màu sắc qua nhiều năm vẫn còn giữ đúng sắc độ. Đó cũng là những bức tranh quý hiếm trong hội họa thời Nguyễn. Mà nổi tiếng nhất vào đầu thế kỷ XX là 6 bức tranh về lăng tẩm triều Nguyễn trang trí trên tường đại sảnh cung An Định. Cảnh lăng Gia Long được vẽ nhìn từ điện Minh Thành ra trụ biểu thấp thoáng xa xa là đồi núi trập trùng, đã lột tả vẻ hoành tráng tự nhiên của lăng này. Các lăng Thiệu Trị, Tự Đức được vẽ từ mặt tiền. Cả 6 bức tranh đều được vẽ từng chi tiết, với ý thức vẽ đúng cảnh quan, thể hiện từng gợn ngói âm dương, bố cục tranh thoáng, bên trên là nền trời mây nhấp nhô những rặng tùng thông, thấp thoáng những đài tạ, cung điện, trụ biểu. Các tranh tường ở cung An Định là những tranh tường quý hiếm và có giá trị của mỹ thuật Việt Nam thời kỳ biến chuyển từ mỹ thuật truyền thống Á châu sang mỹ thuật hiện đại châu Âu.

Trang trí tại cung An Định (ảnh 1939)


Nghệ thuật khảm sành sứ Huế được hình thành vào khoảng thế kỷ XVI-XVII, đó là giai đoạn các chúa Nguyễn đã thiết lập ở Đàng Trong những phủ chúa, những trung tâm văn hóa có một sức sống tồn tại, lan tỏa mạnh mẽ và ảnh hưởng đến sự phát triển chung của vùng đất Thuận Hóa. Từ đặc điểm xã hội và địa văn hóa vùng miền cũng như sự thiết thực của nhu cầu trang trí trong dân gian mà các nghệ nhân đã sử dụng mảnh vỡ sành sứ để khảm ghép trang trí cùng với nề họa ở các chùa chiền, am miếu, bình phong, bể cạn trong các làng xã ở Huế. Dưới thời các chúa Nguyễn, chất liệu sành sứ đã được sử dụng trong trang trí khảm ghép ở các phủ chúa với những phù điêu đắp nổi gồ ghề mang nhiều tố chất Champa. Từ dân gian, chất liệu đơn giản, dễ kiếm này đã len lỏi và có mặt trong trang trí kiến trúc của nhà nước, mà trước hết là ở các phủ chúa và dinh thự của giới quý tộc. Trong Phủ biên tạp lục, nhà bác học Lê Quý Đôn đã mô tả Phú Xuân vào đầu thế kỷ XVIII và cho biết chất liệu khảm sứ đã được sử dụng: “…vườn sau thì núi giả sơn đá quý, ao vuông hồ quanh, cầu vòng thủy tạ, tường trong tường ngoài đều xây dày mấy thước, lấy vôi và mảnh sành sứ đắp thành hình Rồng phượng, lân hổ cỏ hoa”.3 Nghệ thuật khảm sành sứ đóng một vai trò quan trọng trong trang trí kiến trúc cung đình nhà Nguyễn ở Huế, những cung Thiên Định (lăng Khải Định), cung Trường Sanh, cổng Hiển Nhân, cổng Chương Đức, cung An Định... trở nên lộng lẫy cao sang một phần là nhờ nghệ thuật khảm sứ, nhờ bàn tay vàng của các nghệ nhân thời Nguyễn.

Nề họa tại lăng Khải Định


2.2. Nghệ thuật dân gian Huế

Mỹ thuật dân gian Huế hiện tồn trên nhiều loại thể và chất liệu, ở những làng nghề truyền thống lâu năm quanh Kinh đô Huế. Trong đó đáng chú ý là các làng tranh ở huyện Phú Vang là tranh thờ cúng làng Sình (Lại Ân) và tranh trướng liễn làng Chuồn (làng An Truyền) và một số hoạt động tạo hình dân gian không thường xuyên nhưng đáng chú ý như nghề nặn tò he bột, vẽ nón bài thơ, làm mặt nạ và đầu lân giấy… Mỹ thuật dân gian Huế phản ánh con người Huế yêu thiên nhiên, có những sự hòa hợp không chỉ đối với thiên nhiên, môi trường mà cả những ứng xử văn hóa với chính mình và cộng đồng. Tác giả Chu Quang Trứ viết rất đúng rằng: “Thiên nhiên đất nước đổi thay bốn mùa được nghệ nhân quan sát rất kỹ, am hiểu tường tận, chọn ra những cây cảnh và thú vật tiêu biểu để tái hiện trên gỗ, đá và những vật liệu quý”.4

Nhạc công dàn Bát Âm (Sình) Mẫu Thoải (Sình) Bản khắc tranh làng Sình


Một trong những làng nghề nổi bật về mỹ thuật chạm gỗ dân gian là nghề chạm khắc gỗ ở Mỹ Xuyên vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Điêu khắc gỗ ở Mỹ Xuyên mang nét đặc trưng trong kiến trúc Huế, thể hiện giá trị mỹ thuật với kỹ xảo nghề nghiệp, trình độ chạm khắc và sự phối hợp thuần thục với cảm quan thẩm mỹ được thông qua đôi tay người thợ bằng những chiếc đục tạo nên trên các chất liệu bằng gỗ. Nghề chạm khắc gỗ ở Mỹ Xuyên chiếm vị trí và có giá trị cao về trang trí nên có nhiều dạng khác nhau như chạm lộng, chạm chìm, chạm nổi, chạm xếp lớp, chạm lồng, chạm khảm. Đặc trưng của làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên là các sản phẩm tượng gỗ, tranh gỗ mang tính nghệ thuật cao mà hầu như những ngôi nhà rường nổi tiếng của Huế có sự tham gia của người thợ Mỹ Xuyên trong phần chạm khắc trang trí. Chủ đề chế tác của làng cũng rất phong phú. Những người thợ mộc Mỹ Xuyên tạc từ những linh vật như rồng, phượng, ngựa, voi,… đến những mẫu thuyền rồng, anh hùng tương ngộ, điển tích cổ phương Đông với những bức chạm tiên ông đánh cờ, người đi câu, người săn thú, bát tiên quá hải, liễu mã, ngũ phúc... Điểm nổi bật ở các hoa văn họa tiết được chạm khắc trên gỗ là chúng đều mang nét đặc trưng của vùng văn hóa xứ Huế với những giá trị mỹ thuật tinh tế được những người thợ tài hoa tạo nên.

Nghề khảm xà cừ đã xuất hiện ở Đồng bằng Bắc Bộ cả hơn ngàn năm trước. Thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn vào Nam mở cõi, hình thành trung tâm văn hóa Phú Xuân - Thuận Hóa, nghề khảm cũng du nhập và phát triển, nhờ đó, con em người Huế học được các ngón nghề tinh vi, khéo léo mà hiện các truyền nhân vẫn còn ở các vùng Địa Linh, Bao Vinh, Nam Phổ… Ở Thừa Thiên Huế chưa hình thành các làng nghề khảm xà cừ như ở miền Bắc, nhưng Huế trong thời gian dài là Kinh đô nên cũng đã trưng tập được các nghệ nhân khảm xà cừ giỏi nhất nước về sinh sống và truyền nghề. Đó là một trong nhiều lý do mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận ra: “... những thế hệ người Huế tuồng như được sinh ra để trung thành với một sứ mệnh cao quý được ủy thác, là bảo vệ di sản văn hóa trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình”5.

Một số hình ảnh về nghề in vẽ tranh làng Sình


Tranh dân gian nổi tiếng là tranh thờ làng Sình (Lại Ân), làng cách trung tâm thành phố Huế khoảng 9km về phía đông, nằm ven sông Hương. Đối diện bên kia sông là Thanh Hà, một thương cảng nổi tiếng thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong còn có tên là Phố Lở. Theo dòng lịch sử, làng Lại Ân đã được miêu tả như một điểm hội tụ văn hóa, giao lưu kinh tế từ thế kỷ XVI và đến thế kỷ XVII. Làng có một chùa cổ nổi tiếng từng được ghi danh trong Ô Châu cận lục của Dương Văn An từ hơn 400 năm trước là chùa Sùng Hóa. Khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa, nhân dân ở phía Bắc theo chúa vào Nam lập nghiệp, do đó vùng Thuận Hóa nói chung dân cư đến tụ họp ngày càng đông đúc hơn trước. Các nhóm cư dân từ các vùng Thanh, Nghệ Tĩnh, Hải Dương và một số ít người Minh Hương định cư, lập làng đã tạo nên những sự pha trộn nhất định trong đề tài và kỷ pháp in tranh dân gian ở làng Sình. Tranh dân gian làng Sình có một số thể loại chủ yếu mà trước hết là bộ tranh cúng gia tiên gồm có các tranh: Táo quân, Tiên sư, Thổ Công, con Tra Điệu, Khí dụng, Cung tên, Tiền xu, Bạch hổ, Hoàng hổ, Ngựa bay, Ngựa chạy… Vào dịp Tết Nguyên Đán xưa kia, người dân làng Sình và những vùng lân cận không kể giàu nghèo, sang hèn, trong lễ sắm Tết đều có bộ tranh cúng gia tiên đầu năm.

Tranh trướng liễn làng Chuồn (An Truyền) một thời có tiếng vang ở Huế, được hình thành khá sớm, cùng với sự phát triển của làng xã xứ Đàng Trong. Làng có một di tích lịch sử -văn hóa nổi tiếng là đình An Truyền. Cư dân nơi đây làm nghề nông, nghề cá sông đầm, và một số nghề phụ khác, nổi bật là nghề làm trướng - liễn giấy, nghề nấu rượu và gói bánh tét. Trướng liễn giấy làng Chuồn tranh thuộc dạng tranh đồ họa, gọi là tranh liễn, trướng, đối… là một loại vật phẩm để trang trí nhà cửa trong dịp Tết Nguyên Đán của dân gian Huế và miền Trung. Sản phẩm chỉ bán vào dịp cuối năm, công việc của nghề phụ này được tiến hành sau vụ thu hoạch Đông Xuân. Đây là loại tranh trang trí nặng tính lễ nghi, mỗi bộ gồm 6 hoặc 4 tấm liễn để treo trang trí sau vách gian chính nơi thờ phụng gia tiên và thường được giữ lại suốt năm cho đến những ngày chuẩn bị Tết Nguyên Đán người ta mới thay lại tranh mới.

Phù điêu lễ rước đám cưới của Shiva và Parvati (miếu Bà Lồi, chùa Ưu Điềm, Phong Điền, Thừa Thiên Huế)


2.3. Nghệ thuật Champa ở Huế

Vùng đất Thừa Thiên Huế ngày nay, xưa kia từng là địa bàn trọng yếu của vương quốc Champa cổ xưa, từng giữ vai trò quan trọng trong diễn trình hình thành và phát triển của vương quốc này từ thời kỳ tiền Indrapura đến thời kỳ Indrapura (khoảng thế kỷ IV đến thế kỷ IX), cũng là nơi ghi dấu một giai đoạn phát triển rực rỡ của văn hóa Champa. Ngày nay, với những gì được phát hiện và công bố cho thấy nghệ thuật tạo hình Champa ở Thừa Thiên Huế có một truyền thống lịch sử lâu đời với sự hiện diện của nhiều di tích và di vật điêu khắc, trang trí, gốm Champa có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật trong nhiều làng xã ở Thừa Thiên Huế. Hiện tại các tác phẩm mỹ thuật Champa đang được thờ tự, bảo quản ở nhiều địa điểm khác nhau, điều đó cho thấy: “Các pho tượng tròn, phù điêu, linh vật thuộc Hindu giáo từ những phế tích lụi tàn qua thời gian, hay trôi dạt khắp nơi, khi người nông dân Việt có cơ duyên tiếp cận, phần lớn họ đều gọi là Tượng Lồi, Phật Bà, Bà Dương, Bà Giàng (Yang), Bồ Tát… tất cả đều được họ lập đền thờ tại nơi phát hiện, hay mang vào chùa Phật, lập miếu trong làng, trong xóm, để thờ một cách cung kính”6. Riêng ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện nay vẫn lưu giữ gần 90 cổ vật Champa và trường Đại học Khoa học Huế, một số sưu tập tư nhân ở Huế cũng lưu giữ một số hiện vật mỹ thuật Champa khác. Một số tác phẩm mỹ thuật Champa ở Huế được coi là rất tiêu biểu: Phù điêu ở miếu Chuẩn Đề (làng Lương Hậu, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế): Phù điêu bằng sa thạch xám với chiều cao 96cm, đáy rộng 117cm, trong bố cục hình bán nguyệt gồm những đường diềm chạm hoavăn vạch nổi hình vạch kỷ hà hướng tâm. Nội dung chính là thể hiện điệu vũ Tandava của thần Shiva. Dưới chân là 2 vị tín đồ chắp tay quỳ hầu vào Shiva ở giữa với bàn chân dẫm lên đầu con quỷ. Phù điêu Kỳ thạch(Miếu Bà Đá, làng Thanh Phước, Hương Phong, Thừa Thiên Huế): Phù điêu bằng sa thạch xám với chiều cao 95cm, đáy rộng 125cm, trong bố cục hình bán nguyệt gồm hoa văn hoa dây trang trí bao quanh. Trung tâm là quỷ vương Ravana với 10 đầu, 18 tay, 4 chân căng đầy sức mạnh đang lay chuyển núi thần Kailash của thần Shiva trong huyền thoại Ấn Độ. Vòng xung quanh là nhiều nhân vật vũ nữ, chiến binh cầm chùy khác cùng voi, sư tử, binh khí. Phù điêu lễ rước đám cưới của Shiva và Parvati (Miếu Bà Lồi, chùa Ưu Điềm, Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Miêu tả Shivavà Parvati (Uma) ngồi trên bò Nandin. Thần Shiva trong dáng thế một chân co một chân duỗi, tay cầm một chiếc vòng giơ lên ngang mặt, đầu đội một mukuta, đeo hoa tai, ngoài quấn sampot. Thần Uma, ngồi trong tư thế để hai chân sang một bên, tay trái buông xuống, bàn tay ngửa lên, tay kia gấp trước bụng, bàn tay thẳng xuống, thân mặc một chiếc sarong với trang sức là hoa tai, vòng cổ, vòng cánh tay, bắp tay và ở chân. Bên phải phía trên là thần Brahma với 3 khuôn mặt (trong tượng tròn là 4 mặt) quen thuộc trong hình tượng điêu khắc Champa đang ngồi trong tư thế kiết già trên một chiếc đài sen, với đầu đội chiếc mukuta, cổ đeo kiềng, bụng thắt lưng. Dưới Brahma là một người lính túc vệ, tạo nên một mảng bố cục độc lập nhưng rất phù hợp với không gian chung. Góc sau phía trên là thần Vishnu 4 tay đang cưỡi thần điểu Garuda đang nắm chặt 2 chân của Vishnu và bay theo hộ trì cho đám rước. Dưới góc phải sau thần bò Nandin là thần chiến tranh Skanda cưỡi trên con công. Yoni (miếu Cây Thị, làng Phước Tích, Phong Điền, Thừa Thiên Huế): Đó là một bệ yoni bằng đá còn tương đối nguyên vẹn được chạm khối khá cân đối hoàn chỉnh, có giá trị thẩm mỹ cao. Trên bệ yoni này đã mất ngẫu tượng linga, nhưng mặt trên vẫn còn lỗ tra mộng cho chiếc linga như vẫn thường thấy phổ biến trong các ngôi đền tháp của người Chăm. Ngoài ra thường đặt trên bệ yoni ba viên đá hình tròn mà theo một số nhà Chàm học nó tượng trưng cho tam vị thần linh của Bà La Môn giáo là Brahma, Vishnu và Shiva. Bệ đá trang trí hoa văn(Quảng Thành, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế): Với trang trí những cụm và dải hoa văn chấm tròn, hoa văn dây lá, hoa hướng dương như những hoa văn tương tự trên các tháp ở Mỹ Sơn (Quảng Nam). Đây là một minh chứng về mối liên hệ của mạch văn hóa mỹ thuật Champa từ Huế đến Quảng Nam và xa hơn.

Phù điêu Kỳ thạch (Thanh Phước, Thừa Thiên Huế)


Tượng Bà Lồi (Miếu Bà Lồi, chùa Ưu Điềm, Phong Điền, Thừa Thiên Huế) cao gần 1m, bề ngang 0,75m có đôi vú tròn căng đang chắp tay ngồi trên tòa sen bằng đá có phù điêu vị thần với tư thế nâng đỡ, bộ, trên đỉnh đầu có búi tóc dựng cao giống một mukuta, hai tai to, dái tai chảy dài; khuôn mặt vuông vức, đường tạo lông mày rậm, mắt to, mũi thẳng, cánh và quả mũi nở lớn, môi dày. Tượng ngồi trong tư thế kiết già toàn phần hai tay chắp lên trước ngực, kết ấn liên hoa. Tượng ngồi trên một đài sen có chạm khắc phù điêu người và linh thú ở bốn cạnh. Một số chi tiết tạo hình trên đài sen bị vỡ, được phục chế bằng những lớp xi măng khá thô vụng. Phía cạnh bên phải của đài sen là một linh vật có khuôn mặt khá dữ, mắt tròn to, lồi ra, trán ngắn, gò má cao, hai tai to hướng lên phía trên, miệng rộng đến mang tai, nhe nanh. Đây là một pho tượng Phật Champa nhưng trải qua thời gian đã bị những lớp văn hóa Việt bồi đắp bởi tô màu, mặc khoác vải...

Tượng bò Nandin (Quảng Phú, Thừa Thiên Huế)


Tượng bò thần Nandin (Làng Đức Thuận, Quảng Phú, Thừa Thiên Huế): Tượng hiện được lưu giữ tại Thư viện Nguyễn Chí Thanh ở Quảng Điền trong tình trạng khá nguyên vẹn. Bố cục tượng Nandin và xây dựng hình tượng rất phổ biến trong điêu khắc Champa, bò Nandin nằm quỳ, cẳng chân gập vào trong với u vai nhô cao như một nhận diện về sức mạnh, khối tả vai, thân, móng và đầu rất chuẩn xác, mắt bò Nandin diễn tả nét và khối nhẹ rất sinh động.

2.4. Mỹ thuật Huế từ đầu thế kỷ XX đến đương đại

Mỹ thuật đương đại xứ Huế được hình thành và phát triển từ đầu thế kỷ XX đến nay, mặc dù thời gian đầu một số kỹ thuật hội họa, chất liệu phương Tây đã xuất hiện ở Huế khá sớm nhưng chưa thật được chú ý và phổ biến. Tuy nhiên minh họa sách báo thì rất phát triển ở Huế, ví dụ các hình vẽ trong cuốn L’Art à Hué của Léopold Cadière, với sự cộng tác của các họa sĩ M.E. Gras, Tôn Thất Sa, Trần Văn Phềnh, Lê Văn Tùng, Nguyễn Văn Nhơn. Tuy rằng mới chỉ có tính chất ghi chép, mô tả chứ chưa phải là một công trình nghiên cứu lịch sử mỹ thuật, L’Art à Hué vẫn là tác phẩm lớn nhất về mỹ thuật Huế từ trước đến nay.

Nguyễn Đỗ Cung, Cổng thành Huế,  bột màu, 1941


Trước khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập tại Hà Nội năm 1925, nơi đây đã xuất hiện lớp các họa sĩ vẽ tranh sơn dầu đầu tiên ở Việt Nam là họa sĩ Lê Văn Miến, Lương Quang Duyệt và một họa sĩ đa năng, tài hoa là Tôn Thất Sa... Giai đoạn trước năm 1945, mỹ thuật tạo hình tạo nên những phong cách nghệ thuật đa dạng, có nhiều biến động trong mỹ thuật, xuất hiện xu hướng hiện thực và lãng mạn, xuất hiện cuộc tranh luận giữa quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Phong cảnh, thiên nhiên, đặc trưng văn hóa, con người xứ Huế là đề tài mà rất nhiều nghệ sĩ quan tâm.

Có nhiều họa sĩ với những sở trường sử dụng chất liệu, tìm kiếm đề tài theo hai xu hướng sáng tác chính là lãng mạn và hiện thực đã góp phần vào sự định hình diện mạo nền hội họa cận đại Việt Nam. Huế là nơi hội tụ của những phẩm chất, giá trị mỹ thuật hiện đại đã thu hút các họa sĩ đến với Huế như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Phan Chánh, Phạm Viết Song, ngoài ra Huế còn thu hút các họa sĩ người Pháp của Trường Mỹ thuật Đông Dương như Victor Tardieu, Joseph Inguimberty.

Phạm Đăng Trí, Người suối bạc, giấy dó, 1945


Bước ngoặt góp phần quan trọng ghi dấu ấn về mỹ thuật Huế là sự thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1957, nay là Trường Đại học Nghệ thuật Huế, với những gương mặt quen thuộc như: Tôn Thất Đào, Lê Yên, Mai Lan Phương, Phạm Đăng Trí, Vĩnh Phối, Trương Đình Quế, Đinh Cường, Trịnh Cung, Đỗ Kỳ Hoàng, Dương Đình Sang, Phạm Đại, Trương Bé, Đặng Mậu Tựu, Tôn Nữ Tuyết Mai… Hội họa Huế có những họa sĩ tên tuổi như họa sĩ Tôn Thất Đào với những tranh lụa về thiếu nữ và phong cách Huế nhẹ nhàng, trữ tình. Vĩnh Phối với lối vẽ mạnh bạo nhưng ít khi quá rời xa cảnh đẹp và con người Huế, Tôn Thất Văn với những tranh sinh hoạt, phong cảnh trong sắc màu trầm, Phạm Đăng Trí với tranh “Người Suối bạc” (1946) đã tạo nên dấu ấn không phai mờ. Hồ Hoàng Đài với những tranh cắt xé dán độc đáo và không thể ai bắt chước, Đỗ Kỳ Hoàng với những tác phẩm sơn mài về phong cảnh Huế, lễ hội cung đình mà một trong những tác phẩm như “Hội truyền Lô” là mẫu mực về chiều sâu tư tưởng và kỹ thuật sơn mài điêu luyện. Đinh Cường với bóng dáng thiếu nữ Huế nhẹ nhàng, trong trẻo và lặng lẽ trầm tư, Tôn Nữ Tuyết Mai với cảnh sắc Huế được diễn tả trong tranh rất sắc mạnh và hình bóng thiếu nữ tà áo dài tha thướt, Dương Đình Sang với nhiều lối vẽ khác nhau, những xúc cảm tràn đầy và kỹ thuật luôn mới lạ, Hoàng Đăng Nhuận với lối vẽ phóng khoáng nhưng rất có ý về phong cách Huế xưa và nay, Bửu Chỉ không chỉ nổi tiếng với phong cách tranh bút sắt một thời tranh đấu mà sau này là một họa sĩ sơn dầu với kỹ thuật chất liệu bậc thầy, ông có cách nhìn về Huế trong chiều sâu triết lý và khơi gợi sự rung cảm sâu lắng và đầy suy tư.

Tôn Thất Đào, Thiếu nữ bên hoa sen, lụa, 1946 Dương Đình Sang, Bóng, sơn dầu, 2002


Bước sang thập niên 90, công cuộc đổi mới đã có kết quả rõ rệt, đất nước khởi sắc hẳn lên, mỹ thuật Huế cũng đạt được những thành tựu rực rỡ. Tại đây đã khởi xuất nhiều hoạt động mỹ thuật đương đại có tính chuyên nghiệp và tính nghệ thuật cao như triển lãm tranh trừu tượng đầu tiên sau 1975 của họa sĩ Trương Bé. Nhiều họa sĩ đã tạo nên Phong cách Huế như: Vĩnh Phối, Đỗ Kỳ Hoàng, Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận, Dương Đình Sang, Ngô Tâm, Đặng Mậu Triết, Đặng Mậu Tựu, Nguyễn Thiện Đức, Trương Bé, Đỗ Kỳ Huy, Lê Văn Nhường, Nguyễn Văn Hè, Nguyễn Thị Hải Hòa, Tô Trần Bích Thúy và nhiều họa sĩ khác. Từ những năm đầu của thế kỷ XXI, đã có các lớp đào tạo về nghệ thuật đương đại, những cuộc trao đổi nghệ thuật giữa Trường Đại học Nghệ thuật Huế với Viện Goethe Đức - Hội đồng Anh - Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội - L'Espace, do các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới thuyết giảng. Triển lãm sắp đặt và trình diễn của anh em song sinh Lê Ngọc Thanh - Lê Thanh Hải với nhiều “sóng gió” tích cực cùng với trưng bày sắp đặt đầy ấn tượng của Lê Thừa Tiến về hàng trăm cánh chuồn chuồn bên bờ sông Hương thơ mộng, Đinh Khắc Thịnh với những quả trứng gợi mở truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân tại biển Lăng Cô và những nón khổng lồ trong các kỳ Festival Huế… Đó cũng là tiền đề để mỹ thuật đương đại phát triển trong những năm gần đây. Nhiều nghệ sĩ đã đạt một số thành công như: Lê Thừa Tiến, Trương Thiện, Đỗ Kỳ Huy, Lê Ngọc Thanh, Lê Thanh Hải, Phan Hải Bằng, Nguyễn Văn Hè, Đinh Khắc Thịnh, Võ Xuân Huy… Họ đã góp phần tạo nên một không gian nghệ thuật rộng lớn, sôi động. Tiếp cận nghệ thuật đương đại là một quá trình có nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế, tính bảo thủ của văn hóa bản địa, thói quen trong tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ… Nhưng Huế đã có một thế hệ mới, nhanh chóng, mạnh dạn tiếp cận và thể nghiệm các loại hình mỹ thuật mới, mang lại nhiều triển vọng, sau khi thừa nhận những yếu tố tích cực trong hội nhập - phát triển - toàn cầu hóa. Các loại hình nghệ thuật đương đại đã tạo nên một diện mạo mới cho mỹ thuật Huế.

Vĩnh Phối, Tiết điệu, sơn dầu, 2000


Cùng với những hoạt động của mỹ thuật Huế đương đại, sự trở về tạo dựng 2 trung tâm trưng bày tác phẩm mỹ thuật mang tên hai nghệ sĩ Việt kiều là Điềm Phùng Thị và Lê Bá Đảng đã làm cho hình ảnh mỹ thuật đương đại Huế có nhiều cái mới lạ và khác biệt. Những tác phẩm điêu khắc mang đậm nét phương Đông, hồn Việt của Điềm Phùng Thị và những âm sắc hiện đại, mang tính nhân văn trong sáng tạo của Lê Bá Đảng đã góp phần làm cho đời sống mỹ thuật Huế trở nên thêm đậm đặc tính dân tộc - hiện đại và tạo nên sự tập hợp quý giá cho sự hình thành Bảo tàng Mỹ thuật Huế, cho dù hiện tại sự hiện tồn của Bảo tàng Mỹ thuật Huế chưa thực sự rõ nét, nhưng xu hướng phát triển tất yếu sẽ dẫn đến sự hiện hữu của một Bảo tàng mỹ thuật có nhiều ưu việt trong thời gian tới.

Đỗ Kỳ Hoàng, Lễ Truyền lô, sơn mài, 1992


3. Lời kết

Những thành quả sáng tạo mỹ thuật ở xứ Huế phản ánh sự phát triển của một dòng nghệ thuật có những pha trộn hài hòa qua quá trình lịch sử của vùng đất này. Với quá trình lao động sáng tạo không ngừng, nỗ lực xây dựng văn hóa xứ Huế, những lớp người nơi đây đã luôn mạnh mẽ vươn lên chinh phục và sáng tạo nhằm thỏa mãn những khát vọng, những yêu cầu thẩm mỹ của thời đại. Chính điều này làm cho mỹ thuật ở Huế luôn có một âm hưởng riêng, rất Việt trong dòng chảy mỹ thuật dân tộc và rất phương Đông ở những mẫu số chung của nghệ thuật tạo hình. Qua đó làm tỏa sáng những nét thẩm mỹ kín đáo trong mỗi hình tượng nghệ thuật, trong mỗi dáng hình, sắc màu, hình khối, đường nét và âm điệu vô hình mà mỗi tác phẩm biểu hiện ra. Tất cả đã góp phần vào kho tàng chung đa dạng của di sản văn hóa Huế nói chung và nghệ thuật truyền thống ở Thừa Thiên Huế nói riêng.

Tư tưởng mỹ thuật và tâm thức sáng tạo của người nghệ sĩ Huế góp phần vào việc tạo nên những giá trị văn hóa sâu lắng bền vững trong đời sống tinh thần của người Huế xưa và vẫn được nuôi dưỡng, lắng đọng, được cố gắng gìn giữ và phát huy hiện nay. Từ góc nhìn về tâm lý vùng miền cũng phản ánh một thực tại của đời sống văn hóa Huế rất đặc trưng đó là sự hòa hợp giữa văn hóa dân gian với văn hóa cung đình, cùng gặp nhau ở sự khai mở những giá trị văn hóa mỹ thuật bản địa với nền tư tưởng triết học phương Đông trong ranh giới mong manh, tinh tế của nó và góp phần vào việc tạo nên những giá trị văn hóa sâu lắng bền vững trong đời sống tinh thần của người Huế xưa và vẫn được nuôi dưỡng, lắng đọng, được cố gắng gìn giữ và phát huy hiện nay.

P.T.B
(TCSH53SDB/06-2024)

---------------------
1 Cadière (1998), “Mỹ thuật Huế”, Tập san Những người bạn Cố đô Huế, tập 6, 1919, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr 9.
2 Thái Văn Kiểm (1984), Cố đô Huế, Nxb. Đà Nẵng, tr 131.
3 Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr 45.
4 Chu Quang Trứ (2000), Văn hóa Mỹ thuật Huế, H.: Nxb. Mỹ thuật, tr 67.
5 Hoàng Phủ Ngọc Tường (1995), Tính cách Huế, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (8), tr 36.
6 Nguyễn Hữu Thông chủ biên (2017), Tượng thờ Hindu giáo từ đền tháp Chăm đến chùa miếu Việt, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr 13.

_______________

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Tiến Cảnh (1992 - chủ biên), Mỹ thuật Huế, Viện Mỹ thuật và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, Huế.
2. Cadière (1998), Mỹ thuật Huế, Tập san Nhữngngười bạn Cố đô Huế, tập 6, 1919, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
3. Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
4. Thái Văn Kiểm (1984), Cố đô Huế, Nxb. Đà Nẵng.
5. Nguyễn Hữu Thông (1992), Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế, Nxb. Hội Nhà văn, Thành phố Hồ Chí Minh.
6. Nguyễn Hữu Thông cb (2017), Tượng thờ Hindu giáo từ đền tháp Chăm đến chùa miếu Việt, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
7. Chu Quang Trứ (2000), Văn hóa Mỹ thuật Huế, H.: Nxb. Mỹ thuật.
8. Hoàng Phủ Ngọc Tường (1995), Tính cách Huế, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 8.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cha tôi (18/07/2024)