Tạp chí Sông Hương - Số 425 (T.07-24)
Trong ngây ngất hương rừng
15:18 | 31/07/2024

LỮ MAI
               Bút ký

Như lời hẹn hò từ trước với bà con - “Nhớ lên bản mùa táo mèo nở rộ” - chúng tôi rủ nhau đi về hướng núi.

Trong ngây ngất hương rừng
Ảnh: tư liệu

Sau chuyến xe đêm đường dài rồi lên xe ca tuyến huyện, đến điểm hẹn, con trai và cháu rể nhà ông Thào A Vạng xe máy chờ sẵn, đón đoàn từ “cây gạo cô đơn” đầu bản Phày để lên Nậm Nghẹp (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La). Cuối xuân đầu hạ, gạo trơ trụi lá, hoa như thắp lửa cháy quên mình. Lên miền núi mùa này, dễ gặp những cây gạo cô đơn như thế. Dưới xuôi, ta vẫn gặp “gạo đôi” hoặc dăm ba cây rải rác trên một cung đường, còn mạn ngược, cây cứ một mình sừng sững và bất chấp tỏa giữa cái nền xanh sâu của rừng, giữa bời bời mây trắng.

Để đến được “thủ phủ táo mèo”, du khách có thể chọn hai hướng: hoặc từ Hà Nội đến Sơn La, đi theo hướng Mường La dọc đường 106 tới biển rẽ Ngọc Chiến (khoảng 25 km); hoặc từ Hà Nội đi hướng Mù Cang Chải, Yên Bái tới chân đèo Khau Phạ có biển chỉ dẫn tới Nậm Khắt, hơn chục cây số nữa thì rẽ sang Mường La - Ngọc Chiến. Ai dư dả thời gian, còn có thể kết hợp phiêu lưu thám hiểm trên con đường leo đỉnh núi Tà Chì Nhù (đi từ phía Yên Bái) ngắm mùa hoa đỗ quyên đỏ rực.

Đường lên Nậm Nghẹp đang thi công, ngổn ngang đất đá rải khắp những khúc cua hiểm trở. Chàng thanh niên người Mông đen chở tôi tự hào nói át cả tiếng gió: “Không lâu nữa, đường làm xong thì đẹp lắm! Bản em cao tít trên kia”. Nhìn ngược theo hướng ấy, mây trắng ngút tầm mắt. Nậm Nghẹp có độ cao gần 2.500 mét so với mực nước biển, nằm trọn vẹn trên triền phía Tây của dãy Hoàng Liên Sơn, trước mặt là núi Phú Lương cao 2.985 mét thuộc huyện Trạm Tấu, Yên Bái. Mà nói đến Phú Lương không thể không nhắc tới đỉnh cao nhất là Tà Chì Nhù - xếp thứ 6 trong 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam. Quanh năm mây ấp núi, núi hòa trong mây. Nếu phía Tà Chì Nhù rừng núi đỏ rực màu hoa đỗ quyên, thi thoảng điểm xuyết những vạt hồng mơ màng của hoa chi pâu thì mạn bên này trùng trùng táo mèo trên năm năm tuổi trắng xóa như đắp cho những vạt rừng, vạt đồi bao nhiêu tấm chăn chỉ thuần ruột bông gòn xốp tơi, thuần khiết.

Khác với Sa Pa, nằm ở sườn trước của dãy Hoàng Liên Sơn, thường phải chịu những đợt không khí ẩm lạnh giá buốt từ phía Bắc, Đông Bắc tràn về, Nậm Nghẹp có hình dáng tựa đứa con được núi cha, núi mẹ che chở một cách vững chãi, bình yên. Mùa đông, bản không quá lạnh, mùa hè thì mát mẻ và đặc biệt các luồng gió nóng từ Lào kéo sang không thể nào vượt qua được những dãy núi trùng điệp kéo dài từ Điện Biên, tới Sơn La, qua Mường La để mà phủ lên Nậm Nghẹp. Ấy là lý do ngay giữa mùa hè, Mường La có thể thật oi bức, khó chịu nhưng vào tới đây thì mọi thứ trở nên trong veo, nhẹ nhõm lạ thường.

Những chiếc xe máy được dân bản lựa chọn kiểu dáng, thiết kế hợp với đường rừng, khỏe như chiến mã cũng đến lúc ù ì kháng cự con dốc dựng đứng - khúc ngoặt dẫn lên nhà Thào A Vạng. Xe thốc lên, như bay, rồi chầm chậm lao xuống khoảng sân đất, khách xa tai còn ù đặc, đầu óc lâng lâng, đã nghe tiếng chào: “Mọi người lên sớm thế, đi xe đêm à?”. Thật ngạc nhiên, trước mắt chúng tôi là Tráng A Chu - người đàn ông dân tộc Mông khỏe khoắn tươi vui nhà ở mãi Mộc Châu. Tráng A Chu cũng là chủ một homestay có tiếng. Đoán ý khách xa, anh giải thích: “Hoa táo mèo nở nhiều thì mình lên mình ngắm thôi, một vài tuần nữa có muốn ngắm cũng chẳng còn…”. Gắn bó với người Mông từ nhiều đời nay, táo mèo không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà mỗi mùa xuân hoa nở còn thu hút khách xa đến ngắm cảnh. Trong bình minh, bản nhỏ hiện lên như một bức tranh sống động. Từng bông hoa dền phất phơ dưới ánh nắng chan hòa rót mật, kéo từng vạt từ khoảnh rừng này đến khoảnh rừng khác. Từ mỏm núi nhà AVạng dõi mắt xa xa, lúp xúp những nếp nhà sàn thấp của người Mông đen ẩn mình dưới tán táo mèo như trò ú tim đầy kỳ thú. Nậm Nghẹp từng chênh vênh, thưa thớt và hoang sơ. Nậm Nghẹp cũng có những khi lạnh giá, se sắt và khô khát. Nhưng, bây giờ, ở chính nơi này, những điều đó lại làm ửng hơn những quả táo căng nhức như má hồng thiếu nữ.

Cuối đông, táo mèo trút sạch lá để xuân đến đơm hoa. Nếu còn lá, cây không đủ sức đơm hoa ở thời tiết lạnh khô cùng độ cao hơn hai ngàn mét được. Khi bung nở, năm cánh hoa màu trắng sữa với nhụy vàng dần ngả sang màu nâu đất tỏa hương ngây ngất, đê mê, ứa mật. Chúng rủ nhau đồng loạt nở, sắc trắng loang vào nắng sớm, mây chiều, bừng sáng như sức sống bền bỉ, kiên cường của đồng bào dân tộc Mông. Được mệnh danh là “thủ phủ táo mèo” cũng chẳng sai, toàn xã Ngọc Chiến có tổng diện tích gần 2.600 ha, trong đó gần 800 ha là cây cổ thụ tuổi đời vài trăm năm, riêng Nậm Nghẹp diện tích sơn tra đã chiếm hơn 1.500 ha. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng công nhận Ngọc Chiến là “xã có rừng hoa sơn tra (táo mèo) lớn nhất Việt Nam”.

Bà con dân bản kể rằng, cách đây khoảng 300 năm, những cư dân Nậm Nghẹp đầu tiên di cư từ Trạm Tấu qua đỉnh Tà Chì Nhù. Cũng giống như bao bản người Mông khác trên khắp dải đất hình chữ S, quá trình hình thành cụm dân cư ban đầu đều là di cư tự nhiên. Hiện ở bản Nậm Nghẹp đang có năm dòng họ chính, là: họ Kháng, họ Sùng, họ Thào, họ Giàng, họ Phàng. Trong đó họ Kháng lớn nhất ở đây. Bản có 135 hộ với hơn 700 nhân khẩu, toàn đồng bào dân tộc Mông đen. Rừng là đặc sản lớn nhất mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này. Vì là bản cao, xưa kia hầu như tách biệt so với các vùng khác, đời sống kinh tế tự cung tự cấp nên cho đến tận bây giờ, bà con vẫn chưa có khái niệm về kinh tế thị trường. Ruộng bậc thang của bà con cheo leo ở sườn đồi, giống lúa trụ được ở đất này cũng đặc biệt, nấu cơm lên hạt to, đỏ đục như… hạt đậu. Người dưới xuôi ăn cơm hạt to thấy thật lạ lẫm vô cùng…

Nếu hoa ban đã đi vào huyền thoại của đồng bào dân tộc Thái, biểu trưng cho sự thanh cao, tình yêu sắt son, chung thủy thì hoa táo mèo đầy mộc mạc, gần gũi như tình cảm của đồng bào dân tộc Mông. Đến đây, mùa này, du khách không chỉ được ngắm hoa nở mà còn được nghe bao câu chuyện đầy thú vị về tình yêu lứa đôi của các chàng trai, cô gái Mông nơi rẻo cao. Chuyện kể rằng, trong mỗi lần hẹn hò, chàng trai thường thổi sáo, thổi khèn thay cho những lời tâm sự và cả bao ước mong về những điều bình dị nhất trong cuộc sống với người con gái mà họ yêu thương, muốn “bắt” về làm vợ. Những tiếng sáo, tiếng khèn đó khiến má thiếu nữ thêm ửng đỏ, trái tim loạn nhịp, rung rinh để rồi tình yêu ban sơ chớm nở. Sau bao tháng ngày vun đắp, đúng mùa hoa nở rộ, tình yêu của họ cũng viên mãn, đong đầy.

Hết mùa hoa, táo mèo bắt đầu đơm quả. Sau sáu tháng, cây sẽ cho quả chín. Quả táo nơi đây đặc biệt hơn những miền đất khác, chủ yếu là loại nhỏ, có màu hồng rực, người buôn thường gọi là táo má đào với hương thơm đặc trưng, vị ngọt ngào và ít chát. Người dân vừa hái táo, vừa có thể ăn ngay, mỗi lần cả chục quả mà không phải nhăn nhó bởi vị chát thường gặp ở loại quả này. Ngoài bán ra ngoài địa phương, bà con cũng tự ngâm rượu hoặc học người miền xuôi cách làm trà hoa, si-rô, chế biến món ăn…

“Những năm trước, ít khách du lịch đến bản lắm, chủ yếu vì đường sá đi lại khó khăn nhưng từ năm 2022, nhất là thời điểm đại dịch Covid-19 qua đi, dân nhiếp ảnh hay các đoàn khách đi phượt đến đây và đăng tải thông tin trên mạng xã hội thì mọi người biết đến nhiều hơn” - ông Thào A Vạng vừa tiếp chuyện vừa chỉ vào cây táo mèo nở hoa trắng như mây mà nói: “Từ đời ông mình đã có cây này, tới đời bố, đời mình, đời con đời cháu, cây cứ tự nhiên nở hoa, ra quả thế thôi”.

Bữa cơm mời khách nhà A Vạng có món cá suối nướng, trứng vịt luộc, rau cải mèo xào thịt mỡ gác bếp. Khách vừa cầm đũa, chủ nhà đã hớt hải xua tay: “Thiếu rồi, thiếu đặc sản rồi!”, miệng nói, chân chạy lên nhà trên, AVạng khệ nệ mang những bình rượu táo mèo nhà ngâm mời khách. Để tăng dư vị thưởng thức, vợ chủ nhà còn mang thêmcả rượu na rừng. Rượu táo mèo màu hổ phách non, trong veo như ánh nắng rẻo cao. Rượu na rừng màu hồng ngọc long lanh, giống với vang hồng. Vừa mời khách, A Vạng vừa kể chuyện, táo ngon nhất, đậm vị, tụ lắng mọi tinh hoa và tinh thần của thiên nhiên, đất trời phải thu hoạch khi quả già đủ tuổi. Bản này, bà con quẩy gùi hái quả vào giữa tháng chín hàng năm. Cả bản mới có dăm, bảy hộ làm homestay và phong cách những căn nhà này cũng gần với nhà của người bản địa. Đó là những căn nhà gỗ giữa vườn táo mèo mang nét độc đáo trong kiến trúc truyền thống ở đây là nhà gỗ, lợp mái pơ mu. Xưa kia, nhà nào có điều kiện thì đi rừng tích lũy gỗ pơ mu, tích cỡ năm mười năm thì làm được một cái nhà to thật to. Gỗ pơ mu vừa nhẹ, vừa bền, vừa thơm, lại có thể chịu được nước nên bà con xẻ ra để làm mái nhà, để hàng trăm năm vẫn bền. Còn bây giờ, người dân ý thức rõ việc bảo vệ rừng nên không còn khai thác gỗ quý.

Những ngày lưu trú nhà A Vạng, mọi sinh hoạt của chúng tôi thường quây quần dưới gốc táo mèo. Sáng nghe chim hót, uống trà hoa dưới gốc cổ thụ. Chiều dạo quanh bản, đi đâu cũng không qua nổi những tán cây lúc nào cũng rù rì bầy ong tức cánh đi mật. Hương thơm ngây ngất đến say sưa. Ai nấy đều ôm ấp một hình dung về những cánh hoa đang ửng dần, càng héo càng thơm và vị ngọt ngào pha nhân nhẩn đắng trong tận sâu vòm nhụy. Chiều dần buông dưới những tán sơn tra muôn muốt ẩn tàng sức vóc đại ngàn. Vầng mặt trời như lòng đỏ trứng gà dịu dần, từ từ chìm xuống biển mây. Như thể trời đã trải sẵn tấm chăn vô cùng nhẹ nhõm, êm ấm. Chúng tôi men theo suối và phóng tầm mắt thật xa về những rặng núi trước mặt, phía bên phải là bản làng thấp thoáng. Những con đường mòn ven sườn đồi táo cứ thế dẫn ta đi mà có khi ngước lại, ta đã thấy cảnh và người hòa trong sương, trong mây. Chỉ còn tiếng chim kêu, tiếng suối chảy và ai đó bắc loa tay gọi nhau về ăn cơm.

Khắc khoải nhất là những bữa tối dưới gốc cây táo mèo trăm tuổi, đồ ăn thức uống bày trên bàn gỗ thô mộc. Sợ khách chưa quen khí hậu, bị nhiễm hơi lạnh, vợ chồng A Vạng hò nhau kéo ra một cái bếp hình thuyền và đốt củi bập bùng. Khách mời cùng ăn cơm, A Vạng ngại ngần chỉ đến chúc ly rượu rồi lại quay về ngồi bên cạnh bếp, đun củi cùng vợ, ánh mắt lấp lánh niềm vui. Khách vui là mình vui. Khách ấm là mình ấm. Đêm khuya, ngủ trong nhà gỗ, giấc mơ vẫn chập chờn tiếng gió hú như âm vang hùng thiêng vọng tự thuở nào. Mọi người trò chuyện rầm rì: “Y như đồi gió hú ấy”, “Cũng phải thôi, nhà A Vạng ở đỉnh gió, cái gì cũng hào phóng đến cực độ”, “Có lẽ thế nên sắc hoa mới đẹp một cách lạ lùng…”.

“Mình cảm ơn ạ!”, “Mình xin ạ!”… giọng AVạng hòa sương khuya. Chấp nhận thay đổi, khao khát vươn lên, cái tinh thần đáng quý ấy như lửa bập bùng đáy mắt. Cuộc vui có thêm con trai, cháu trai nhà AVạng - những người buổi trước vừa đón khách. Con dâu, cháu dâu trong nhà thanh thản tựa lưng vào gốc táo mèo, tay xoa bụng bầu, má ửng đỏ, chờ chồng đón khách xong sẽ chở về. Ở bản Mông, bà con vẫn còn giữ được trang phục truyền thống, giữ được nghề dệt, nghề rèn; dịp lễ dịp hội người người nô nức mặc trang phục Mông đi múa khèn, đi hái táo, đi thi đấu chọi dê… trông thật vui mắt. Mấy năm gần đây, bản bắt đầu phát triển du lịch cộng đồng, bà con đang hướng dẫn cho các con, các cháu hát múa những bài hát cổ truyền; khôi phục lại các bài khèn truyền thống; luyện tập thổi kèn môi, kèn lá, sáo Mông.

Bà con hồ hởi chào mời khách xa, ý rằng, đừng nhất nhất chỉ lên bản mùa hoa thơm quả ngọt, phong tục ăn Tết của bà con Mông đen cũng vui lắm, đáng hòa mình lắm. Mọi người, già trẻ lớn bé đều xúng xính quần áo truyền thống với những kiềng, những tràng xu bạc kêu xủng xoẻng, rung reng theo từng bước đi, điệu nhảy. Bản phân công, mỗi ngày một tổ sẽ chịu trách nhiệm tổ chức một ngày hội vui khác nhau, cho đến khi xong hết cả các tổ. Bà con tổ chức nhiều trò chơi như: tu lu, ném pao, đẩy gậy, múa hát, đá bóng... Mỗi trò lại dành cho các đối tượng khác nhau. Phụ nữ chơi đẩy gậy, ném pao; đàn ông đá bóng, tu lu... ai vui thì cũng chơi tất cả các môn. Cái sân chung của bản, nằm ở khoanh đất đẹp nhất, giữa bát ngát núi rừng. Hễ gió nổi lên thì ôi thôi, bởi sân bằng đất, không khí lại khô, cả trăm người cùng bị cuốn vào cuộc rong chơi trong cơn gió bụi.

Bản thường ăn Tết, chơi Tết đến hết rằm tháng Giêng. Sáng sớm, khi cái lạnh nhường chỗ ánh mặt trời, bà con tụ lại giữa bản để tổ chức các trò chơi dân gian. Từ mồng một đến mồng ba Tết, phong tục người Mông đen cũng kiêng kỵ nhiều, như không ăn rau xanh, không chải đầu gội đầu, không quét nhà vứt rác... Từ ngày mồng bốn, bà con bắt đầu đi chơi các bản Mông khác để chúc Tết bà con họ hàng. Thường, người Mông ở Nậm Nghẹp kết hôn với người Mông ở Trạm Tấu, ở Nậm Khắt (Mù Cang Chải). Bây giờ vẫn còn nhiều người đi bộ qua núi Tà Chì Nhù hơn vài chục cây số thăm nhau. Kháng ALệnh - một trong những người đầu tiên làm dịch vụ lưu trú cho khách du lịch - Tết nào cũng diện quần áo mới, băng dốc vượt đèo mấy chục cây số đường núi sang xã Xà Hồ bên Trạm Tấu thăm bố vợ.

Nhớ dăm năm trước, khoảng thời gian chưa hề trở thành ký ức xa xôi, trong chuyến công tác lên đây, chúng tôi không khỏi bị ám ảnh bởi câu chuyện của ông Kháng ASấy - trưởng bản - về cái chết đầy ám ảnh của ông Kháng A Vang - người trong bản. Một ngày tháng 6 năm 2021, mưa to, nước đổ xuống xối xả, ngập cả đường đi, cuốn phăng cây cầu khiến bà con không thể di chuyển được. Trong bản, ông Kháng A Vang bị đau ruột thừa, người nhà phải đưa đi bệnh viện, nhưng đi qua con đường, cầu bị trôi, không cách nào vượt qua nổi đành phải quay về. Nước ngày thêm dâng cao, mất đến hơn một tuần không đi lại được, người đàn ông xấu số ấy chết ở nhà mà chưa kịp chữa trị. Cả bản bất lực, ngậm ngùi, buồn bã. Ở bản còn có thêm trường hợp chị Giàng Thị Sinh đau bụng chuyển dạ vào mùa hè năm 2022 phải đưa đến trạm y tế xã nhưng cũng vì cây cầu chìm trong mưa lũ nên không thể vượt qua được. Lo sợ tính mạng vợ và con bị đe dọa, chồng chị Sinh là anh Kháng A Nhạ đã phải cầu cứu người trong bản hỗ trợ, bế chị sang vệ đường khi những cơn đau vẫn quặn thắt. May mắn, hai mẹ con thoát khỏi cửa tử… nhưng với gia đình họ đó mãi là nỗi ám ảnh cho đến tận bây giờ.

Thuở ấy, đường đi lại cách trở, cây cầu tạm được dựng lên bởi thân cây gỗ rừng thường xuyên bị ngập và cuốn trôi mỗi khi mưa lũ về. Chặng đường từ bản ra đến trung tâm xã khoảng 12km, con đường có cây cầu này là lối đi duy nhất. Ngoài bà con bản Nậm Nghẹp, còn có đến gần 400 người ở bản Chăm Pộng muốn vào xã để tỏa đi các nơi cũng phải qua con đường này. Người dân đi lao động, các em học sinh đến trường, người già ốm đến bệnh viện… đều phải qua đây nên với họ mùa mưa lũ không khác gì một cơn ác mộng. “Nhiều lần bố chở con đến đây nhưng không đi lại được nên phải về nhà, làm con nghỉ học hơn một tuần mới đến trường được”, hai chị em cô bé Kháng Thị Mây kể chuyện khi vừa qua cây cầu.

Cây cầu là niềmmơ ước để người dân bản không phải bất lực đứng nhìn vì không thể di chuyển, là niềm khao khát của các em học sinh để không phải nghỉ học mỗi khi mưa lũ về. Năm 2024, cây cầu mới đã được xây dựng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa do một tòa soạn báo huy động, góp phần mở ra con đường đi vào vùng lõi du lịch, thông thương kinh tế. Đây là cây cầu dân trí đầu tiên của năm mới 2024 được khởi công trên mảnh đất vùng sâu, vùng xa của núi rừng Mường La, tỉnh Sơn La. Số tiền hơn một tỷ đồng xây dựng cây cầu quan trọng đó chính là mồ hôi, công sức của hàng nghìn công nhân Tổng công ty May 10, đóng góp bằng những ngày lương, cùng sự ủng hộ của bạn đọc và các nhà hảo tâm thông qua tòa soạn báo Dân trí nhằm chia sớt những khó khăn, vất vả với bà con nhân dân.

Cán bộ xã cho biết, hai bản Nậm Nghẹp và Chăm Pộng có sản lượng quả táo mèo đạt trên 2.000 tấn mỗi năm. Trước đây, do không có cầu, việc mua bán, trao đổi hàng hóa gặp nhiều khó khăn và bà con thường xuyên bị thương lái ép giá gây thiệt hại về kinh tế. Cây cầu mới hoàn thành vào giữa tháng ba, đúng dịp Lễ hội hoa táo mèo lần thứ hai. Ngoài đặc sản này, địa phương còn có 300 ha chè cổ thụ, đỉnh núi Tà Chì Nhù cao gần 3.000 mét, 3.000 ha rừng nguyên sinh và rừng rêu nguyên sinh, thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch tắm rừng, có dòng suối mát lành để nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao đặc biệt là cá tầm, cá hồi… Bà con dân bản không chỉ phát triển kinh tế nông sản mà còn tiếp tục khai thác kinh tế du lịch.

Có lẽ, đây là một trong những bản làng cao nhất trên dải đất hình chữ S của Tổ quốc ta. Ở nơi chỉ có mây, gió và nắng tích đọng, dường như quả táo mèo cũng có khí chất riêng. Bà con hái quả mang về để chúng lăn lóc góc nhà, dăm hôm là “má” ửng lên màu đỏ hồng. Táo mèo chịu được sương gió, thân cây to, dẻo dai nên trụ lại ở đất này lâu lắm rồi, hiện có những khoảnh rừng đã trở thành cổ thụ. Không chỉ bà con người Mông tự hào, mà những người dưới xuôi lên làm kinh tế cũng có thể cả ngày nói chuyện về cây, về hoa, về quả… giọng điệu say sưa, ánh mắt nụ cười chứa chan hy vọng. Người dưới xuôi cũng tự hào về mùa hoa, mùa quả nơi đây như thể đó là quê hương mình. Trong số những con người ấy, không thể không nhắc tới Nguyễn Cường - chủ ngôi nhà The Lover Hill với điểm nhấn là quán cà phê trên đỉnh gió. Năm 2021, trong chuyến đi Tây Bắc, anh dự định chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, vậy là trên hành trình ấy, anh lạc vào rừng hoa trắng rồi “phải lòng” đến mức mê mẩn bản Mông này. Là người ưa xê dịch, lại đã đi khắp mọi nơi, nhưng trước đó Nguyễn Cường chưa hề chọn một nơi để dừng lại, ngay cả bản Lô Lô Chải ở Đồng Văn, Hà Giang - nơi chốn anh gắn bó - vẫn là những chuyến ngược xuôi không biết bao lần để hướng dẫn, hỗ trợ bà con làm du lịch cộng đồng.

Nậm Nghẹp hoang sơ, trong trẻo mà vừa cao, vừa xa. Phải là người thực sự yêu và muốn đắm mình mới có thể dừng chân mà gắn bó như máu thịt. Việc quen thuộc nhất, thích thú nhất với Nguyễn Cường là tổ chức cho trẻ con ở bản vẽ tranh, hát múa. Anh khuyến khích đội biểu diễn khèn Mông của bà con luyện tập đều đặn, lớp trước truyền dạy lớp sau. Vừa để bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, vừa là điểm nhấn du lịch với du khách khi ghé thăm. Mùa táo chín, Nguyễn Cường hào hứng mang xuống Hà Nội bán giúp bà con. Của một đồng công bao nén, nhiều khi bán chẳng được là bao, nhưng anh hài lòng bởi đặc sản và bản làng trên núi cao heo hút kia đã được mọi người dần biết đến. Theo mùa hoa, mùa quả… người ta rủ nhau lên đó chiêm ngưỡng, leo núi, đi bộ, hành thiền. Người ta nhớ vị chua nhẹ lẫn ngọt thanh, không đắng chát của quả táo má hồng, có thể ăn trực tiếp, hoặc phơi khô làm thuốc, ngâm rượu, làm dấm…

Những người Mông cấp tiến như Thào AVạng, Kháng ALệnh nắm bắt cái mới rất nhanh. Mỗi nhà đã có vài ba căn nhà làm dịch vụ lưu trú cho khách và hiện đang xây dựng thêm. Họ cũng vận động bà con làm mô hình này, mở thêm các đội hướng dẫn viên bản địa, xe ôm, văn nghệ, ẩm thực… và chăn nuôi lợn, gà, trồng rau để phục vụ khách tốt hơn. Bà con cũng ý thức rõ phải giữ cảnh quan bản làng sạch đẹp, bảo vệ môi trường nên lập ra các tổ vệ sinh dọn dẹp đường đi lối lại trong bản, trồng cây trồng hoa. Bây giờ, các thiếu nữ Mông đã thoăn thoắt phục vụ, pha chế đồ uống, hỏi han khách một cách tự tin, niềm nở; những người phụ nữ từng mặc cảm vì không nói tiếng Kinh đã mạnh dạn hơn, sẵn sàng giao lưu cùng du khách.

Tôi nhớ, khi rời xa Nậm Nghẹp, có những giây phút lòng đã nhói lên. Đó là một sáng tinh mơ cuối tháng 3 năm 2024, gia đình Thào A Vạng quay cảnh mưa đá đang trút xả, vần vũ. Cảnh tiêu điều, xác xơ diễn ra chỉ sau một vài tuần chúng tôi tạm biệt bản nhỏ. Trong câu chuyện chập chờn vì sóng điện thoại, vì thời tiết, có tiếc nuối, có xót xa… chẳng ai đoán biết được mùa hoa sắp tới thế nào, táo má đào có còn trĩu cành, ửng đỏ và theo chân người tỏa đi khắp hướng… nhưng rồi câu hát của ông Thào A Vạng đã vang lên, như son sắt, mộc mạc mãi một tình yêu, một niềm tin vào đất, vào người.

L.M
(TCSH425/07-2024)

 

 

Các bài mới
Con diệc trắng (22/08/2024)
Chùm thơ Kim Loan (16/08/2024)
Chùm thơ Vân Phi (12/08/2024)
Các bài đã đăng
Mẹ tôi (31/07/2024)