Tạp chí Sông Hương - Số 425 (T.07-24)
Tín ngưỡng thờ Trời của người Việt ở Thừa Thiên Huế
09:06 | 07/08/2024


NGUYỄN HỮU PHÚC

Tín ngưỡng thờ Trời của người Việt ở Thừa Thiên Huế
Ảnh: tư liệu

1. Ý niệm về “Trời” của người Việt ở Thừa Thiên Huế

Ý niệm “Trời” hay “Ông Trời” vốn đã hiện hữu trong tâm thức của người Việt từ thuở nguyên sơ, trước khi có các tôn giáo từ bên ngoài du nhập vào Việt Nam. Trong tâm thức người Việt, Trời là đấng tối cao, có quyền uy tuyệt đối trong vũ trụ, soi thấu được cả vạn vật. Người Việt tin Trời nhìn thấy và biết được mọi việc trong thế gian, thậm chí là những điều bí mật nhất. Trời còn là đấng tối cao sinh ra con người, nắm nhiều quyền phép, quyền thưởng phạt phân minh, điều hành vũ trụ một cách công minh, rất nhân từ và cũng là nguồn khổ. Để thể hiện đức tin và quyền uy của Ông Trời, người Việt thường thể hiện sự nhận biết này qua các câu ca dao, tục ngữ như: “Chỉ có Trời mới biết”, “Trời sinh Trời dưỡng”, “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”, “Đi đâu cho khỏi lưới Trời”, “Trời nào phụ kẻ có nhân”, “Phí của Trời, mười đời chẳng có”, “Trời xanh có mắt”.

Ban đầu, khi người Việt đặt chân đến vùng đất Thuận Hóa, họ không khỏi lo sợ trước cảnh tượng hoang vắng, trời nước mênh mông, rừng rậm hoang vu, thú dữ rình rập… hoàn cảnh sống khác biệt nơi quê nhà, người Việt xưa chỉ còn biết đặt lòng tin vào vị thần mà trong tâm thức họ cũng không hình dung ra hình dáng cụ thể. Đấng thần linh vô hình tối cao đó được họ liên kết với bầu trời mà họ nhìn thấy với danh xưng “Ông Trời”. Cũng vì thế, trong tâm thức của người dân Việt luôn có sự gắn bó mật thiết với “Ông Trời”. Trong cơn nguy khốn, đau khổ, chết chóc người Việt cũng chỉ nhớ đến mỗi một tiếng kêu “Trời ơi!”, hay khi thành công, hạnh phúc, bình an, người ta đều nói “Nhờ Trời”, “Ơn Trời”. Không chỉ có kêu Trời, người Việt trong buổi đầu đến vùng đất “con chim kêu cũng sợ, con chim vùng cũng ghê”, mà còn kính Trời, cầu Trời, tin Trời và thờ Trời. Trong nghiên cứu “Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt”, L. Cadière đã đưa ra một nhận xét mà theo tôi là hết sức thú vị về ý niệm Trời của người Việt, đó là: “Cảm thức về quyền năng tối thượng của Trời đã ẩn dấu sâu xa trong tâm thức tôn giáo người Việt. Ngôn ngữ bình dân không thiếu những dẫn chứng bày tỏ niềm tin vào quyền lực của Trời như một quan án, cầu Trời như một vị cứu tinh. Trời thấu suốt mọi chuyện, Trời phán xét và trừng phạt, Trời nhân từ, Trời yêu thương, Trời tác sinh, Trời bảo vệ: Trời làm chủ vận mạng nhân sinh.

Tuy vậy, các biểu lộ thờ Trời lại rất hiếm hoi. Nhiều vùng không biết có hay không nữa. Nhiều nơi thì ý niệm về Trời bao la, thông suốt, toàn năng lại được ẩn giấu và thu nhỏ trong những trạng thái mông lung, mơ hồ của chư thần đạo Lão, tuy vậy lại được thường xuyên thờ kính. Đôi khi, vào lúc tuyệt vọng, khi con người kiệt lực mà thần thánh cũng vô phương thì tâm hồn người Việt lại hướng về Trời bằng những động thái tín ngưỡng tuyệt đẹp bởi vì vô cùng đơn giản”1. Có thể nói rằng, người Việt Nam luôn sống trong mối tương quan hữu cơ: Thiên - Địa - Nhân, với niềm xác tín “dưới thì có Đất, trên cao có Trời”. Người nông dân Việt luôn luôn mong được Trời phù hộ trong mọi công việc hàng ngày, từ chuyện đồng áng cho đến những chuyện tình duyên, sinh con đẻ cái. Đứng trước Trời, con người luôn sợ hãi nhưng đồng thời cũng là nơi mang lại nhiều điều mong cầu, ước muốn nhất.

Trải qua nhiều thế kỷ, ngay cả khi các triết lý tôn giáo của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Lão giáo truyền đến, người dân Việt vẫn lấy tín ngưỡng thờ Trời làm nền tảng để giữ gìn truyền thống dân tộc, gia đình. Tất cả những tôn giáo này đã góp phần củng cố thêm cho niềm tin về Trời. Ngay cả Phật giáo với khái niệm mờ nhạt về Trời mà khi tôn giáo này đến Việt Nam cũng phải chấp nhận ý niệm “Cầu Trời khẩn Phật”, “Lạy chín phương Trời, lạy mười phương chư Phật”.

Cũng trên cơ sở này mà ý niệm thờ Trời của người Việt được phát triển cùng những ảnh hưởng của các tư tưởng triết học Trung Hoa, từ đó hình thành nên khái niệm Thiên tử nghĩa là con Trời. Để thờ Trời và tế Trời, các vị vua nhà Nguyễn đã xây đàn Nam Giao và thực hiện nghi lễ cúng tế một cách trọng thể tại đây. Còn trong dân gian, ý niệm về Trời cũng đã được cụ thể hóa bằng hình tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế mà xuất hiện khá nhiều trong các ngôi chùa Phật giáo và điện thờ Mẫu. Vào ngày 9 tháng Giêng hằng năm là ngày vía Ngọc Hoàng Thượng Đế, các đền am thờ Mẫu lại tổ chức lễ cúng cầu an đầu năm.

2. Tín ngưỡng thờ Trời của người Việt ở Thừa Thiên Huế - những sắc thái biểu hiện

2.1. Tế Trời ở đàn Nam Giao

Bàn về tín ngưỡng thờ Trời qua lễ tế Nam Giao, L. Cadière đã nhận xét như sau: “Có lẽ việc thờ Trời được tập trung nhiều nhất trong việc Tế Nam Giao. Trong nghi lễ này, việc tế tự mang sắc thái hoành tráng uy nghi tương xứng với sự cao cả của đấng tôn thờ, thể hiện sự tinh tuyền của niềm tin vào Trời, phản ánh những tâm tình sâu lắng mà Trời khơi dậy trong tâm hồn họ. Hoàng đế được xem như là vị thừa ủy, đại diện của toàn dân: Nhân danh hết thảy thần dân, ông ta phủ phục, dâng tế, tạ ơn và cầu khấn. Nếu như niềm tin vào quyền năng cao cả của Trời là cao quý nhất, thuần khiết nhất của toàn bộ tín ngưỡng người Việt, thì việc Tế Nam Giao thể hiện một cách trang trọng tín ngưỡng ấy cũng là hành vi cao cả nhất của việc sùng bái tôn thờ họ”2. Cũng bởi quan niệm vua là Thiên tử - con Trời, là người đủ tư cách đại diện cho thần dân trong nước đứng ra cúng tế Trời Đất nên dưới thời Nguyễn, lễ tế Nam Giao là nghi lễ quan trọng hàng đầu, được xếp vào hàng Đại tự. Việc xây dựng đàn Nam Giao và nghi lễ cúng tế tại đây còn là tuyên ngôn của tinh thần tự tôn dân tộc. Theo quan điểm của Nho giáo, chỉ có hoàng đế mới đủ tư cách và tính “chính danh” để tế Trời, vua của những nước phiên thuộc/ chư hầu chỉ được phong vương chứ không phải là “đế” nên không đủ tư cách tế Trời. Rõ ràng, việc xây dựng đàn Nam Giao và tự mình đứng ra làm lễ tế Trời, công khai khẳng định tư cách tế Trời với danh phận “hoàng đế”, một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với triều đại và đối với cả quốc gia, dân tộc3. Với mục đích như vậy, sau khi lên ngôi không lâu, đến năm 1806, vua Gia Long đã cho tiến hành khởi công xây dựng đàn Nam Giao ở phía Tây Nam Kinh thành Huế và tổ chức lễ tế Trời Đất lần đầu tiên tại đây vào năm 1807. Kể từ đó cho đến năm 1885, lễ tế Giao luôn được tổ chức đều đặn vào mỗi mùa xuân. Sau thất bại của cuộc phản công tại Kinh thành Huế do Tôn Thất Thuyết lãnh đạo vào năm 1885, lễ tế Giao đã bị gián đoạn trong suốt 7 năm. Đến năm 1891, dưới thời vua Thành Thái, lễ tế Giao mới được tiếp tục cử hành nhưng theo thể thức ba năm một lần vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu. Lễ tế Giao cuối cùng của triều Nguyễn được cử hành tại đàn Nam Giao vào ngày 23/3/1945 do vua Bảo Đại chủ trì. Cùng với sự cáo chung của triều Nguyễn, từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, lễ tế Giao cũng đồng thời chấm dứt.

Đàn Nam Giao nhìn từ trên cao. Ảnh: Minh Thuận


Sau Tết Nguyên Đán, Khâm Thiên Giám - cơ quan trông coi lịch pháp dưới triều Nguyễn sẽ chọn ra một ngày tốt để dâng lên nhà vua phê chuẩn. Sau đó, triều đình sẽ bắt đầu tiến hành các công việc chuẩn bị cho lễ tế Giao. Từ thời điểm này, nhà vua cũng như các quan lại phải tiến hành trai giới, diệt dục để mình được “sạch sẽ” trước khi bước vào lễ tế. Một ngày trước khi lễ tế Giao, nhà vua phải đến Trai Cung và lúc này mọi công tác đã gần như chuẩn bị xong.

Ban thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế ở chùa Đông Thuyền


Tại các án thờ trên các tầng đàn, hàng trăm loại đồ thờ bằng vàng, bạc, đồng, gỗ… được bày biện theo quy định của điển lệ triều đình. Ngoài việc mang ra sử dụng trong lễ tế Giao, những món đồ thờ này không được sử dụng trong bất cứ dịp nào khác. Sau lễ tế Giao, chúng sẽ được niêm phong và cất trở lại trong nhà chứa đồ tế lễ (Thần khố). Lễ vật dâng trong lễ tế gồm hàng trăm loại trái cây, hương hoa, trầm trà, bánh trái, đèn sáp và một trong những lễ phẩm không thể thiếu là tam sinh, gồm trâu, lợn, dê. Các con vật tế được lựa chọn với tiêu chuẩn kỹ lưỡng, giết mổ theo trình tự cụ thể, đảm bảo sự thanh sạch trước khi hiến tế.

Ban thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế tại chùa làng Thanh Phước


Một phần quan trọng khác không thể thiếu ở lễ tế Giao là âm nhạc và các vũ khúc do các nhạc công và vũ công thuộc Thanh Bình thự - cơ quan chuyên trách về vũ nhạc của triều đình thực hiện. Xuyên suốt trong quá trình hành lễ tế, các ca sinh sẽ xướng lên chín bài ca chương mang hàm ý ca ngợi công đức của các vị thần, nguyện cầu quốc thái dân an theo phần nhạc đệm của đội nhã nhạc. Cùng lúc đó, hai đội múa bát dật văn và bát dật võ với 64 vũ công sẽ lần lượt trình diễn các vũ khúc tương ứng với mỗi bài ca chương. Rõ ràng là, trong lễ tế Giao, âm nhạc không chỉ đơn thuần mang tính phụ họa, tạo sự trang nghiêm, uy nghi cho không khí của một ngày hội mà nó còn tạo ra nét đẹp trong văn hóa âm nhạc tâm linh, là mối liên kết, giao hòa giữa trời, đất, con người trong những giờ phút thiêng liêng của một ngày trọng lễ. Đó cũng là nét đặc trưng trong các nghi lễ của người Huế, ngoài phần lễ thì luôn có phần bổ trợ của âm nhạc, vì thế mà cũng được gọi là nhạc lễ. Sau khi lễ tế Giao đã hoàn tất, nhà vua và đoàn tùy tùng lên kiệu trở về lại hoàng cung. Khác với lúc xuất cung, đoàn ngự đạo đi trong im lặng để giữ sự trang nghiêm, thành kính. Khi hồi cung, nhạc và chiêng trống được tấu lên trên suốt quãng đường để báo hiệu với dân chúng rằng cuộc tế lễ đã hoàn thành tốt đẹp, ước nguyện về một thiên hạ thái bình đã được các đấng siêu nhiên ghi nhận4.

Ban thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế tại Phước Linh điện


Có thể nói, tế Giao là nghi lễ quan trọng, bởi vì nó là minh chứng cho sự “chính danh Thiên tử” theo triết lý Nho giáo của chế độ phong kiến. Theo đó, ông vua luôn tự xưng mình là Thiên tử, là người được Trời giao “thiên mệnh” và có nhiệm vụ “thay Trời hành đạo”. Là vì con của Trời nên ông vua là người thay Trời để hành động thì tế Nam Giao như là một hành động báo cáo với vua cha “con đang trị vì thiên hạ, cha giúp con để con điều hòa được mối tương hợp trong xã hội để luôn được bình an, phát triển”. Đây là một báo cáo lên Trời nên ông vua phải ăn chay, phải tinh sạch để tiếp cận được vua cha. Suy cho cùng đó là nghi lễ thể hiện tính chính danh của vị vua đứng đầu một đất nước độc lập5.

Ban thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế tại đình làng Hải Cát


Cũng cần phải nói thêm rằng, tế Nam Giao không chỉ lúc đất nước được thịnh trị, hòa bình mà những lúc chiến tranh, con người cũng thực hiện nghi lễ này để cầu Trời ban phát sự bình yên, quốc thái dân an. Đó là dịp tế Nam Giao vào năm 1972, khi chứng kiến cảnh chiến tranh ngày càng ác liệt, Đức Từ Cung (Đoan Huy Hoàng thái hậu, vợ vua Khải Định, mẹ vua Bảo Đại) đã đứng ra tổ chức một cuộc lễ tế Giao quy mô tại đàn Nam Giao ở Huế với sự tham dự của những thành viên Nguyễn Phúc tộc và sự chứng kiến của đại diện chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ, để cầu nguyện cho hòa bình. Đây là lễ tế Giao đầu tiên được tổ chức tại Huế sau khi triều Nguyễn kết thúc và cũng là lễ tế Giao cuối cùng do một thành viên của hoàng gia triều Nguyễn thực hiện6. Như vậy, với đức tin cao độ về Trời, lễ tế Giao không chỉ được thực hiện khi đất nước được thái bình, thịnh trị, mà còn lúc lâm nguy, chiến tranh diễn ra ác liệt, đe dọa đến sự an nguy của quốc gia - dân tộc, thì người Huế cũng thực hiện nghi lễ này. Đó cũng là cơ sở, để sau khi phục dựng thành công lễ tế Nam Giao từ năm 2004, cho đến nay ở Thừa Thiên Huế vẫn tổ chức đều đặn lễ tế này vào dịp đầu Xuân.

2.2. Thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế

Ngọc Hoàng Thượng Đế có nhiều tôn xưng khác nhau như Hạo Thiên Thượng Đế, Ngọc Hoàng Đại Đế, Ngọc Đế, Ngọc Hoàng, Hạo Thiên Kim Khuyết Chí Tôn Ngọc Hoàng Đại Đế, Huyền Khung Cao Thượng Ngọc Hoàng Đại Thiên Đế, Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn Huyền Linh Cao Thượng Đế, hay dân gian thường gọi là Thiên Công (Ông Trời). Theo quan niệm của văn hóa, tín ngưỡng của các nước phương Đông, phương Tây và giáo lý của một số tôn giáo thì đức Ngọc Hoàng Thượng Đế được gọi với nhiều danh từ tôn kính khác nhau: Đức Chúa Trời (Công giáo và đạo Tin Lành), Đấng Tạo Hóa, Đấng Thái Cực Thánh Hoàng (đạo Cao Đài), Thiên Chúa (Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo), Đức Allah (đạo Hồi), Brahma (Ấn Độ giáo), Vua Cha Ngọc Hoàng (tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam),…

Tại vùng đất Huế, ban thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế thường xuất hiện phổ biến ở hai nơi: một là ngôi chùa thờ Phật, hai là điện thờ Thánh Mẫu và chư vị. Qua khảo sát một số ngôi chùa cổ ở Huế, đặc biệt là chùa làng còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng Nam Tào, Bắc Đẩu. Vị trí thờ tự Ngọc Hoàng Thượng Đế tại chùa thường được bố trí ở hai nơi: một là chính điện thờ Phật như chùa Quy Thiện; hai là một gian thờ nằm riêng như chùa Đông Thuyền, chùa Kim Quang, chùa làng Thanh Phước,…

Đối với các ngôi đền thờ Thánh Mẫu và chư vị, ban thờ Ngọc Hoàng xuất hiện khá nhiều và được thờ ở vị trí trung tâm của chánh điện. Hình tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế thường được thể hiện dưới hai dạng là một cái ngai thờ hoặc tượng thờ. Tại điện Huệ Nam, ban thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế được thờ bằng một cái ngai gỗ đặt trên Cửu Trùng Đài, bố trí tại Minh Kính Trung Đài Đệ Nhị cung. Còn hình thức tượng thờ mà chỉ thờ mỗi Ngọc Hoàng như ở đình làng Hải Cát, Sơn Chúa Điện, Thiên Sanh điện; đủ cả Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng Nam Tào và Bắc Đẩu như Phước Linh điện, Hoằng Hóa điện, Từ Bi cảnh,… Riêng đối với Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo, đình làng Hải Cát và Tam Quang điện thì có thờ tượng Ngọc Hoàng nhưng lại đặt trên Cửu Trùng Đài.

2.3. Một số nghi lễ gắn với ngày vía Ngọc Hoàng Thượng Đế

* Lễ Khai bàn tại điện Huệ Nam: Đây là nghi lễ Cầu an, là nghi thức mở đầu cho một chu kỳ mới của tín ngưỡng thờ Mẫu và chư vị ở Huế, được tiến hành vào ngày mùng 9 tháng Giêng, tức là ngày vía của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Theo quan niệm của thánh môn đệ tử theo tín ngưỡng thờ Mẫu, sau ngày tất niên được tổ chức vào dịp cuối năm, Thánh Mẫu và chư vị sẽ lên chầu Trời và đến ngày Khai bàn họ mới trở về hạ giới để bắt đầu kỳ làm việc mới, cứu nhân độ thế. Cũng vì điều này mà Hội Thiên Tiên Thánh giáo đã chọn ngày mùng 9 tháng Giêng tổ chức nghi lễ Khai bàn để đón Thánh Mẫu và chư vị giáng trần. Vì đến ngày vía của Ngọc Hoàng, Thánh Mẫu và chư vị mới được lệnh xuống trở lại trần gian.

Nghi lễ này được tổ chức đầu tiên tại điện Huệ Nam và sau đó, các am điện thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế mới bắt đầu tổ chức nghi lễ này. Để thực hiện nghi lễ Khai bàn, các thánh môn đệ tử sẽ thiết trí hoa quả, các lễ vật lên các ban thờ Thánh Mẫu và chư vị, đồng thời sẽ thực hiện nghi lễ lên đồng để chứng minh buổi lễ và hầu tập thể để dâng vui lên Thánh Mẫu. Nét đặc trưng trong nghi lễ Khai bàn luôn có phần thực hành nghi lễ lên đồng với sự hỗ trợ của các cung văn qua nhạc lễ chầu văn. Một phần không thể thiếu của nghi lễ Khai bàn là khai ấn và phát ấn cho các tín đồ tham dự lễ. Nghi thức Khai ấn được thực hiện bởi người chủ lễ khi hầu giá Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên. Khi về đồng, Quan mang áo rồng đỏ, đầu đội khăn đóng, lưng thắt đai ngọc, đi hia. Sau đó, chủ lễ sẽ thỉnh tiếp Quan Đệ Nhị Thượng Thiên, Quan Đệ Tam Giám sát Thượng Thiên, Thánh Bà Tam Động Hỏa Phong sẽ về chứng lễ. Và phát ấn cho mọi người đến dự lễ Khai bàn là Ngài Tôn thần Đệ Nhị Ngoại, khi về đồng, ngài trong trang phục áo rồng trắng, tay cầm thanh long đạo rất dũng mãnh, đầy oai phong.

* Cúng vía Ngọc Hoàng tại đền Vân Phụng: Đền Vân Phụng là nơi thờ Thánh Mẫu Vân Hương, được xây dựng vào năm 1944, tọa lạc tại phường An Tây, thành phố Huế. Theo truyền thuyết, Thánh Mẫu Vân Hương là con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì lỡ đánh rơi chén ngọc mà bị đày xuống trần gian, do đó, ngày vía Ngọc Hoàng được xem là ngày vía của cha Thánh Mẫu, là ngày lễ chính của đền Vân Phụng. Theo thông lệ, cứ đến sáng ngày mồng 9 tháng Giêng, đền Vân Phụng sẽ tổ chức lễ vía Ngọc Hoàng Thượng Đế và đây cũng được xem là lễ Cầu an. Chương trình lễ cúng bao gồm: lễ Khai kinh bạch Phật, cúng Mẫu tại cung Vân Phụng và cúng Ngọc Hoàng tại miếu thờ nằm trên Bắc Quái Đài. Miếu được xây dựng trên một nền cao, hình chữ nhật, bên trong có thờ ba tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng Nam Tào và Bắc Đẩu.

Bàn lễ cúng được đặt trước miếu thờ, bao gồm hai bàn: ở bàn Thượng sẽ là có bộ ba đồ giấy áo, mão, ngai, hia, đai dâng cúng Ngọc Hoàng, Nam Tào và Bắc Đẩu; còn bàn hạ sẽ bày biện các món thức ăn chay. Tham gia lễ cúng có đông đảo người dân từ khắp địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế về đây, khi đến người ta còn mang theo những lá sớ cầu cúng để cầu mong mọi điều tốt lành trong năm mới sẽ đến với họ và gia đình.

Ngoài ra, tại một số đền thờ Mẫu của Huế còn tụng kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế vào những ngày vía đản, khánh tiệc của Thánh Mẫu và chư vị để cầu mong sự bình an, sức khỏe, thuận lợi mọi việc.

3. Kết luận

Thờ Trời là dạng tín ngưỡng sơ khai của con người khi chưa giải thích được các hiện tượng tự nhiên nên cho rằng: mỗi sự vật, hiện tượng xung quanh mình đều có các vị thần linh chi phối, dần dần hình thành nên tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. Trong tín ngưỡng sùng bái tự nhiên ở Huế, Trời là một trong những vị thần có tầm ảnh hưởng sâu rộng, chi phối nhất. Từ lễ tế Nam Giao mang tính cung đình đến những lễ cúng trong dân gian như: Khai bàn tại điện Huệ Nam, cúng Cầu an tại đền Vân Phụng, tất cả đã phản ảnh biết bao tình cảm thiêng liêng của con người đối với đấng Trời xanh, nhằm mong muốn có được cuộc sống bình an, hạnh phúc và đầy đủ về vật chất.

N.H.P
(TCSH425/07-2024)

--------------------------
1 Leopold Cadière (2020), Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, Đỗ Trinh Huệ biên dịch và bổ chú, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr. 146-147.
2 Leopold Cadière (2020), Sđd, tr. 147.
3 Huỳnh Thị Anh Vân (2016), Các đàn miếu đại tự triều Nguyễn ở Huế (1802-1945): Sự hình thành và nghi thức tế tự, Luận án Tiến sĩ Sử học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, Huế, tr. 104.
4 Đoàn Thị Thu Thủy (2021), Tế Giao - Lễ tế trời, đất và các vị thần linh của các vua triều Nguyễn, truy cập tại địa chỉ: https://www.archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/te-giao-le-te-troi-dat-va-cac-vi-than-linh-cua-cac-vua-trieu-nguyen.htm, ngày 7/5/2024.
5 Phan Thị Diễm Hương (2018), “Sáng tạo truyền thống: bối cảnh và ý nghĩa mới cho lễ tế Nam Giao được phục dựng trong Festival Huế”, Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 127, số 6C, tr. 139.
6 Trần Đức Anh Sơn (2024), “Hoàng thái hậu cuối cùng của vương triều Nguyễn”, in trong Huế - triều Nguyễn một cái nhìn, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr. 521.

 

__________________

Tài liệu tham khảo:

1. Leopold Cadière (2020), Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, Đỗ Trinh Huệ biên dịch và bổ chú, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
2. Phan Thị Diễm Hương (2018), “Sáng tạo truyền thống: bối cảnh và ý nghĩa mới cho lễ tế Nam Giao được phục dựng trong Festival Huế”, Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 127, số 6C, trang 137-146.
3. Trần Đức Anh Sơn (2024), “Hoàng thái hậu cuối cùng của vương triều Nguyễn”, in trong Huế - triều Nguyễn một cái nhìn, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
4. Đoàn Thị Thu Thủy (2021), Tế Giao - Lễ tế trời, đất và các vị thần linh của các vua triều Nguyễn, truy cập tại địa chỉ: https://www.archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/te-giao-le-te-troi-dat-va-cac-vi-than-linh-cua-cac-vua-trieu-nguyen.htm, ngày 7/5/2024.
5. Huỳnh Thị Anh Vân (2016), Các đàn miếu đại tự triều Nguyễn ở Huế (1802-1945): Sự hình thành và nghi thức tế tự, Luận án Tiến sĩ Sử học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, Huế.

 

 

Các bài mới
Con diệc trắng (22/08/2024)
Chùm thơ Kim Loan (16/08/2024)
Chùm thơ Vân Phi (12/08/2024)
Các bài đã đăng
Mẹ tôi (31/07/2024)