Tạp chí Sông Hương - Số 426 (T.08-24)
Đọc lại bài văn bia của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dựng ở núi Ngũ Phong, Huế vào năm 2010
14:46 | 15/08/2024


DƯƠNG PHƯỚC THU

Đọc lại bài văn bia của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dựng ở núi Ngũ Phong, Huế vào năm 2010
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trước nhà bia đền thờ Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông ở núi Ngũ Phong, Huế, tháng 3/2014

Trong   những   năm đảm nhận chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc và gần dân, một nhân cách minh tuệ của thời đại, nhà văn hóa lớn của Đảng và dân tộc…, Người đã dành nhiều tình cảm đặc biệt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, trong đó có Thừa Thiên Huế. Dù việc nước trăm mối lo toan và hàng ngày rất bận, nhưng Tổng Bí thư đã dành ba lần vào thăm và làm việc ở Huế.

Tháng 6/2006, GS.TS Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Chỉ một thời gian sau, vào đầu năm 2007, Chủ tịch Quốc hội đã vào Thừa Thiên Huế để thị sát tuyến đường Hồ Chí Minh từ huyện ALưới đi Quảng Nam đến Kon Tum vào các tỉnh phía Nam…

Tháng 3/2009, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng vào thăm Huế, chính thức làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong chuyến công tác này, Chủ tịch Quốc hội đã đến nhiều nơi, xuống nhiều cơ sở, dành thời gian lên thăm xã Hương Sơn, nơi có 100% đồng bào Cơ Tu sinh sống của huyện miền núi Nam Đông; thăm đầm phá Tam Giang, công trình thủy lợi hồ Tả Trạch, ghé chùa Tường Vân hàn huyên với Hòa thượng Thích Chơn Thiện… Đến đâu Chủ tịch Quốc hội cũng được nhân dân tiếp đón nồng nhiệt; với tình cảm chân thành giản dị và gần gũi của Chủ tịch Quốc hội được ví như người thân xa nhau lâu ngày gặp lại.

Giữa tháng 3/2014, trên cương vị là người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vào thăm Huế. Lần này, ngoài chương trình làm việc với lãnh đạo tỉnh, vào Đại Nội và nhiều cơ sở di sản văn hóa Huế, Tổng Bí thư đến nhiều nơi, thăm đồng bào còn khó khăn ở Hồng Hạ, một xã của huyện miền núi A Lưới.

Những chuyến công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Thừa Thiên Huế đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân Cố đô.

Mỗi chuyến đi công tác đến các địa phương trong cả nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đến thăm người dân ở cơ sở, các vùng khó khăn, nghe dân nói tận cùng ngọn nguồn gan ruột. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn được dân kính trọng, tin yêu và gửi gắm nhiều tâm tư nguyện vọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa mãi mãi, Người đã để lại nhiều di sản quý báu trên nhiều phương diện cho Tổ quốc; trong đó có hơn 40 đầu sách các loại mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tác giả, bàn đủ chuyện lớn trong thiên hạ. Đối với sách quý, Tổng Bí thư thường nói: “Sách là văn bia để đời” nên thật cẩn thận khi viết, biên tập trước khi xuất bản.

Ngoài “Sách là văn bia để đời”, Người còn để lại một di sản đặc biệt: Một bài viết theo thể loại văn bia khắc trên đá dựng trước đền thờ Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông, ở núi Ngũ Phong thành phố Huế.

Đó là câu chuyện tri kiến văn hóa làm tôi nhớ mãi, vì nó đã khắc sâu vào tâm thức. Chuyện đã 15 năm rồi, nhưng nó vẫn hiện hữu như mới hôm qua vì yếu tố nhân văn nặng lòng lịch sử nước nhà của Chủ tịch Quốc hội được dựng trên đất Huế, thời gian kết tụ linh khí của một di tích chứng nhân về nỗi lòng tri ân của hậu thế.

Về phía đông nam núi Ngũ Phong, Huế đã xây dựng nên một Trung tâm Văn hóa trong đó có đền Công chúa Huyền Trân, thờ người con gái nước Việt có công đi mở cõi, đưa về cho Tổ quốc đất đai “hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm”. Hai năm sau Huế lại dựng thêm ngôi đền để thờ Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông, tựa lưng vào núi cao vững chãi, cũng nằm trong không gian Trung tâm Văn hóa Huyền Trân. Đến một ngày đền vừa xây xong, đúng dịp kỷ niệm 750 năm ngày sinh của Ngài (7/12/1258 - 7/12/2008) người Huế cung kính làm lễ khánh thành, an vị tượng Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế, những người đã xây dựng nên ngôi đền thờ vị vua anh hùng dân tộc, vị Thiền sư lỗi lạc bậc nhất của lịch sử Phật giáo Việt Nam, giữa năm 2010, GS.TS Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhận lời và nhiệt tâm soạn bài văn bia về Đức Vua Trần Nhân Tông gửi cho Công ty Du lịch Hương Giang, đơn vị chịu trách nhiệm thi công ngôi đền này lúc ấy.

Thế rồi đơn vị thi công bắt đầu dựng nhà bia, đặt phiến đá.

Bài văn bia cô đọng, súc tích, ngôn từ triết luận, ý tứ sâu xa nhưng lại giàu cảm xúc được xem như một bản tổng kết, đánh giá, tôn vinh về cuộc đời sự nghiệp giữa Đạo và Đời của Đức vua, Thiền sư, Anh hùng dân tộc chống giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII, dựng lên trước sân chầu ngôi đền thờ Vua Trần Nhân Tông.

Huế là cuộc đất được người xưa xem là “kinh đô Phật giáo thứ hai của Việt Nam”. Nay thêm việc dựng tấm bia đá ghi lời tán thán của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng về vị Thiền sư Đệ nhất Tổ Trúc Lâm Yên Tử khắc trên đá Granit được lấy từ núi Bạch Mã của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tôi đã đọc nhiều lần bài văn bia này mỗi khi lên đền viếng anh linh Phật Hoàng Trần Nhân Tông và nhớ đến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; mỗi lần đọc là một lần tôi cảm nhận rõ thêm ý nghĩa minh triết sâu xa của ngôn từ ẩn chứa tư tưởng yêu nước thương dân, tấm lòng trung trinh với tiên tổ, với dân tộc của tác giả. Với bài văn bia này, có thể nhiều người đã biết, cũng có nhiều người chỉ mới nghe qua, và cũng có người chưa một lần đọc kỹ.

Năm tháng rồi sẽ qua đi, rêu phong bóng núi Ngũ Phong phủ mờ khuôn mặt đời người, nhưng sức nặng của ngôn từ lan tỏa của tấm bia đá mà nhà văn hóa Nguyễn Phú Trọng đã để lại riêng cho Huế thật sự đậm đà hồn dân tộc, tính nhân văn, giàu chất thiền khí vang truyền.

Một lần nữa xin được đọc lại trọn vẹn bài văn bia này như một nén tâm hương hồi hướng về miền xa nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà văn hóa lớn của chúng ta yên nghỉ!

Văn bia của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dựng trước đền thờ Đức Vua Trần Nhân Tông ở núi Ngũ Phong, Huế vào năm 2010.

Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308)


Trần Nhân Tông là một trong những vị vua anh minh bậc nhất của lịch sử nước Việt; một nhà thơ, nhà văn hóa nổi tiếng; Người sáng lập và lãnh đạo Thiền phái Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam, hiện thân của sự kết hợp giữa Đạo Đời để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Ngài là vị vua thứ ba của triều đại nhà Trần đầy hiển hách, người có vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc giữ nước và dựng nước ở thế kỷ XIII. Trong 15 năm làm vua trị vì đất nước (1278 - 1293), Ngài đã lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần kháng chiến đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược rất hùng mạnh thời bấy giờ. Những Hội nghị Bình Than (năm 1282), Diên Hồng (năm 1285) đã nói lên tư tưởng của người đứng đầu đất nước: trọng dân, tin dân, cố kết nhân tâm, kiên quyết không chịu khuất phục trước kẻ thù - một nhân tố cực kỳ quan trọng bảo đảm cho cuộc kháng chiến thắng lợi. Năm 1293, khi Trần Nhân Tông 35 tuổi, Ngài quyết định nhường ngôi cho con, lui về làm Thái Thượng Hoàng, sau đó xuất gia tu hành, lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một phái thiền rất đặc sắc, tích cực nhập thế và riêng có của Việt Nam. Với những đóng góp to lớn cho dân tộc và đạo pháp, Trần Nhân Tông đã được người đời sau suy tôn là Đức Vua - Phật Hoàng, một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử nước Việt.

Trong con người và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, Đời Đạo, ĐạoĐời luôn hòa quyện vào nhau, gắn bó với nhau vì hạnh phúc muôn dân, vì sự phát triển trường tồn của đất nước.

Với Đời, Ngài là vị vua nhân từ, thông tuệ, một nhà chiến lược tài ba, luôn nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, hết lòng vì nước vì dân. Trong chiến đấu thì kiên cường, mưu lược. Trong hòa bình thì dành hết tâm sức, tìm kế sách khoan hòa trong nhân dân, đề ra chính sách dưỡng dân, an dân để xây dựng, mở mang đất nước. Ngài ra sức chăm lo việc nông tang cày cấy, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống muôn dân; mở mang dân trí, chiêu dụ nhân tài, khuyến khích thi cử, phát triển văn hóa. Trong xử thế thì nghiêm khắc với những việc làm sai trái của vua quan, quần thần, kể cả với con mình khi đã làm Vua; khoan thứ cho người có lỗi đã biết hối cải, xóa bỏ mọi tị hiềm, tập hợp mọi người chung tay xây dựng đất nước. Với nước ngoài thì thực hiện chính sách kết tình giao hảo, hòa hiếu lân bang, nhằm giữ nền hòa bình lâu dài cho xã tắc.

Với Đạo, Trần Nhân Tông là vị Thiền sư đắc đạo, có nhiều triết lý sâu sắc, khéo kết hợp lấy giới đức, định đức, tuệ đức của Đạo làm nền tảng để xây đời. Việc xuất gia tu hành của Ngài không chỉ giản đơn để tìm giải thoát cho cá nhân mà cho cả dân tộc. Ngài chủ trương qua tín ngưỡng Phật giáo để nuôi tâm, trí, đức, dạy đạo làm người; bồi đắp tính độc lập, tự cường; phát huy sự thuận hòa trong nhân tâm trăm họ, tạo ra sự hòa hợp quốc gia, hòa hợp vua tôi, hòa hợp cha con, hòa hợp vợ chồng, gia đình… tạo cội rễ cho sức mạnh lâu bền của đất nước. Ngài có ý thức rất rõ trong việc mượn Đạo để xây Đời và qua Đời để dựng Đạo; Đạo Đời luôn gắn bó với nhau.

Chúng ta kính cẩn nghiêng mình, tỏ lòng biết ơn tiền nhân và ngưỡng mong Đức Vua cùng các bậc anh hùng liệt sĩ tiếp tục phù hộ, độ trì cho non sông nước Việt quốc thái dân an; đồng thời nguyện ra sức giữ gìn, kế tục và phát huy truyền thống của cha ông, của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng và phát triển đất nước.

Tôi tin tưởng rằng, toàn thể dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi sắt son chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ giang sơn gấm vóc muôn vàn yêu quý của chúng ta ngày càng vững mạnh; nối tiếp tư tưởng “Cư trần lạc đạo”, “Hòa kỳ quang, đồng kỳ trần” của Đức Vua Trần Nhân Tông và tư tưởng Đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.

Trung tâm Văn hóa Huyền Trân
Phụng lập
Mùa thu, 2010

GS.TS Nguyễn Phú Trọng
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam


Trong chuyến vào Huế tháng 3/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian lên thăm Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, dâng hương Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông, sau đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng mọi người chụp tấm hình lưu niệm trước nhà bia này. Thiết nghĩ, chỉ một lần ấy thôi đã đủ làm nên dấu tích diệu kỳ về một di sản văn hóa độc đáo để lại cho Huế.

Có thể nói, đây là dấu ấn vô cùng đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà văn hóa lớn dành riêng cho xứ Thần kinh thơ mộng giàu tính nhân văn và anh hùng.

D.P.T
(TCSH426/08-2024)

 

 

Các bài mới
Sushi(1) (18/09/2024)