Tạp chí Sông Hương - Số 426 (T.08-24)
Bài thơ “Chiều hôm nhớ nhà” được sáng tác khi tác giả du ngoạn ở Huế?
14:56 | 30/08/2024

LÃNG ĐIỀN

Nhận xét về thơ Bà Huyện Thanh Quan, giáo sư Nguyễn Lộc từng viết: “Thơ bà thường viết về thiên nhiên, phần lớn là vào lúc trời chiều, gợi lên cái cảm giác vắng lặng và buồn bã. Cảnh bà miêu tả trong những bài thơ giống như những bức tranh thủy mặc, chấm phá...”.

Bài thơ “Chiều hôm nhớ nhà” được sáng tác khi tác giả du ngoạn ở Huế?
Ảnh: tư liệu

Tiếp cận bài “Chiều hôm nhớ nhà” của Bà Huyện Thanh Quan rồi tưởng tượng một bức tranh kiểu “nhất thi nhất họa”, sau đó lên đồi Vọng Cảnh của Huế, vào một buổi chiều, nhìn qua bên kia sông, mặt trời mới khuất núi thì cảm thấy có sự đồng nhất đến kỳ lạ giữa ảo và thực. Trải nghiệm này làm nảy sinh trong chúng tôi một giả thiết; rằng bài thơ trên tác giả sáng tác ở Huế, trong một dịp du ngoạn lên phía Tuần (Bằng Lãng), chiều về ngang qua gò đồi bờ Nam sông Hương, bà tức cảnh sinh tình, sáng tác bài thơ vừa nêu. Thực ra đất nước mình, non sông đẹp như gấm hoa, có nhiều nơi cũng có cảnh “thi họa” nêu trên không riêng gì xứ Huế! Thế nhưng càng tìm hiểu về hành trạng của tác giả và vài ý từ của bài thơ chúng tôi càng thấy giả thiết bài “Chiều hôm nhớ nhà” ra đời ở Huế là có khả năng cao. Tại sao?

Bà Huyện Thanh Quan (1805 - 1848) có tên thật Ngô Thị Hinh (các tài liệu trước đều ghi Nguyễn Thị Hinh), người phường Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận, gần Hồ Tây (nay là phường Quảng An, quận Tây Hồ), Hà Nội. Thân phụ của bà là Ngô Lý (1755-1837), đỗ đầu khoa thi hương năm 1783, đời vua Lê Hiển Tông. Bà từng theo học danh sĩ Phạm Quý Thích (1760-1825). Chồng của bà Lưu Nguyên Ôn (1804-1847), hiệu là Ái Lan, người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, quận Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Lưu Nguyên Ôn đỗ cử nhân năm 1821 (Minh Mạng thứ 2), từng làm tri huyện Thanh Quan (nay là một phần huyện Đông Hưng và huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), nên người ta thường gọi bà là Bà Huyện Thanh Quan. Phạm lỗi, ông bị giáng chức, sau đó vào triều giữ chức Bát phẩm Thư lại Bộ Hình, rồi đến chức Viên ngoại lang Bộ Hình, nhưng mất sớm (43 tuổi). Dưới thời vua Minh Mạng, bà được triệu vào kinh giữ chức Cung Trung Giáo Tập để dạy học cho các công chúa và cung phi, như thế cả hai ông bà đều là quan triều. Khoảng một tháng sau khi chồng mất [1847], bà dâng sớ cáo quan, rồi dẫn 4 con về lại Nghi Tàm, không tái giá, chỉ năm sau bà qua đời [1848]. Sơ lược thân sử của hai ông bà có thể thấy trước khi qua đời, cách nhau một năm, trên dưới mười năm cuối đời gia đình của ông bà sống ở Kinh đô Huế, cả hai vị đều là quan triều nên có khả năng nhà ông bà ở trong Thành nội Huế.

Thời Minh Mạng ở bờ Nam sông Hương, từ bến đò Trường Súng đến Tuần (Bằng Lãng), đã có con đường cổ đi qua dinh thự của các đại quan Đặng Đức Siêu, Thân Văn Quyền,… lăng Hiếu Đông của bà Hồ Thị Hoa, lăng Cơ Thánh (tục gọi Lăng Sọ),… qua các chùa Đông Thuyền, Tây Thuyền… nghĩa là đã có nhiều danh lam thắng cảnh. Một người yêu cảnh thiên nhiên như Bà Huyện Thanh Quan tất có thăm thú danh lam thắng cảnh và tất nhiên ít nhất một lần qua ngọn đồi đẹp về sau gọi là đồi Vọng Cảnh. Trong sách “Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX” của Michel Đức Chaigneau (1803-1894), tác giả ghi lại một ngày đi bộ cùng thầy Bửu dạo chơi xem phong cảnh ở bờ Nam sông Hương, từ Phường Đúc lên Thành Lồi, qua vùng sau này có lăng Tự Đức rồi vòng về đàn Nam Giao.

Một ngày đẹp trời, Bà Huyện Thanh Quan có thể đi du ngoạn hoặc thăm viếng bạn đồng liêu nhờ lính hầu khiêng võng; thi thoảng dừng lại, đi bộ ra bờ sông ngắm cảnh bên kia sông: chùa Thiên Mụ, Quốc Tử Giám, điện Hòn Chén… Có khả năng sáng đi chiều về. Dù là quan triều nhưng bà là một phụ nữ; “nhi nữ thường tình” nên trời gần tối làm sao chẳng nhớ chẳng lo chồng con đang ngóng mình ở nhà. Trong tâm cảm và quang cảnh buổi chiều, người cũng như chim chóc đều về nhà về tổ, thi sĩ cảm tác bài “Chiều hôm nhớ nhà”.

Cái hay đẹp của bài thơ thì các học giả tiền bối đã từng nêu nên chúng tôi không bình giải nữa. Chúng tôi chỉ mạn phép qua từng câu chữ của bài thơ, tìm kiếm những tín hiệu “nét Huế” nhằm kiểm chứng giả thiết nêu trên.

Con đường Bà Huyện Thanh Quan đang đi về nhà, bóng hoàng hôn vừa buông, mờ mờ ảo ảo, chập chờn ẩn hiện, không rõ nét. Làng quê xa xa như Bằng Lãng, Long Hồ,… đang có người thổi tù và, làm bằng vỏ ốc hoặc sừng trâu, truyền hiệu lệnh. Lại những đồn binh như ở Tuần, Thành Lồi,… đang đánh trống hiệu sửa soạn làm nhiệm vụ vào ban đêm: canh gác, lên đèn… Ánh sáng và âm thanh ấy đã cấu thành buổi cuối chiều buồn, lữ khách vừa buồn vừa lo nên hạ bút:

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa lẩn trống đồn.

Ở Thừa Thiên Huế, cũng như nhiều vùng khác nữa ở miền Trung, xưa nay có một bộ phận ngư dân từ hạ lưu ngược dòng từ sáng sớm, gà chưa gáy, để lên thượng nguồn, nơi có lèn đá để bắt ốc đá, cua đá; bắt những con cá lấu bám đuôi vào rễ cây bên bờ suối để chờ mồi và nhất là săn tìm cá chình đủ loại. Gần hết cả ngày, họ lại buông mái chèo xuôi dòng về các chợ ở phố để bán… Nay ở Huế vẫn còn tục đánh bắt ấy huống chi ngày xưa. Nhìn xuống sông Hương thấy những chiếc thuyền chài gác mái xuôi dòng, biết họ đang về phố Huế, thi sĩ hạ bút:

Gác mái, ngư ông về viễn phố,

Ngó qua bên kia sông những gò đồi đầy cỏ hoặc những đám ruộng ở núi, chạng vạng trẻ chăn trâu bò cũng đang lùa trâu bò về chuồng, ở những thôn làng nằm ven đồi hay hẻm núi, bọn trẻ làm hiệu khi gõ tù và làm bằng sừng trâu thay vì thổi:

Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.

Trên đường về, bên vệ đường đầy những cây mai; mai nhà nào trước sân ít nhất trồng một cây, còn nhà quan hay chùa chiền thì trồng nhiều mai dọc hàng rào. Vì thế bà Huyện thấy cơ man là mai, thi sĩ cứ thấy thấp thoáng qua những tán lá mai gió cuốn những cánh chim ngược gió:

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,

Chính Ngô Thì Nhậm vào làm quan ở Huế, trước Bà Huyện Thanh Quan gần nửa thế kỷ, trong bài thơ Tết từng viết: 滿 城 梅 雨 滿 城 春[Mãn thành mai vũ, mãn thành xuân] (Đầy thành mưa mai, ngập thành xuân). Dẫu lúc bấy giờ họ Ngô đang ở Phù Bảo viện (tiền thân chùa Trúc Lâm - Huế), gần cầu Lim, xa thành Phú Xuân.

Lại sát bờ sông Hương, đoạn ngang qua đồi Vọng Cảnh đầy liễu, dương liễu hoặc liễu rủ, với những cành liễu mọng sương thành giọt và rơi xuống mặt sông. Tác giả không dùng liễu như một ẩn dụ về “nỗi nhớ” mà tả thực như “ngàn mai”:

Dặm liễu sương sa khách bước dồn.

Thật vậy, loài cây liễu có trong Đường thi chứ ở nước mình chỉ có từ thời Minh Mạng. Đại Nam nhất thống chí chép: “Cây liễu: cành yếu mà rủ xuống nên gọi là liễu. Bản thảo gọi là tiểu dương là dương liễu. Khi trồng muốn cắm ngang dọc, hoặc ngược xuôi thế nào cũng sống; bông rụng xuống nước hóa thành bèo. Đào Chu nói: Trồng được ngàn cây liễu có thể đủ than củi, mầm non có thể nấu nước uống, hoa có thể chữa chứng tê thấp và đau đầu gối. Quần phương phả chép rằng cây dương và cây liễu là hai loại, không dính dáng với nhau, mà nhiều người gọi lẫn lộn là dương liễu, thậm chí nhận là một cây; bởi vì phương Nam không có cây dương. Lá nó có thể luộc chín ăn đỡ đói năm mất mùa. Hai loại cây nguyên sản ở Quảng Đông hồi đầu đời Minh Mạng mới lấy giống về trồng, nay các tỉnh đều có.” (Sđd, tr.361). Có khả năng vua Minh Mạng cho trồng liễu ở bờ hồ trong Thành nội, đầu cầu, dọc bờ sông Hương, kéo dài hàng dặm.

Khi nhắc đến liễu rủ đã nói lên sự buồn nhớ rồi, thế nhưng vào câu kết tác giả lại “bồi thêm” điển tích “Chương Đài” (Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ)! Đi du ngoạn một hai ngày thì không đến nỗi vợ chồng xa cách bi đát, chưa kể gặp tai ương. Nhắc lại tích Chương Đài: “Chương Đài tên con đường ở Trường An đời Đường, Hàng Hoành kết hôn với kỹ nữ tên Liễu ở Chương Đài. Hoành làm quan xa, Liễu ở nhà bị tướng Phiên cướp mất. Lúc xa cách, Hoành gửi Liễu thị bức thư có những câu: “Chương Đài Liễu Tích nhật thanh thanh kim tại phủ? Dã ưng phan chiết tha nhơn thủ”. (Liễu Chương Đài ngày trước xanh xanh nay còn chăng? Hay tay người khác đã bẻ mất rồi). Đến ba năm sau, Hoành với Liễu mới tái hợp”. Với tích này Nguyễn Du dùng để nói về tâm cảm Thúy Kiều khi ở lầu xanh nhớ nhà nhớ chàng Kim trong hai câu: “Khi về hỏi Liễu Chương Đài/ Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay”. Xét thân sử Bà Huyện Thanh Quan thì đời sống vợ chồng của ông và bà thật bình lặng hạnh phúc với bốn mặt con, không trắc trở bi đát; thế thì khi dùng điển “Chương Đài” là tác giả muốn nói nhà bà ở trong Kinh thành Huế mà thôi.

Cơ chi trong cuộc du ngoạn có người thân như chồng con, trên đường về nơi đất khách lạ lẫm, vừa đi vừa nói chuyện thân mật những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc du ngoạn thì đỡ buồn lo. Đằng này bà thì đang trên đường về nhà, nơi đất khách xa lạ, không có người thân để thổ lộ:

Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.

Câu tám của phần kết bài thơ sẽ không “tương thích” với câu bảy phần kết nếu hiểu điển tích “Chương Đài” theo đúng tích; nghĩa là người vợ Liễu thị bị giặc bắt đến ba năm, tủi nhục vì bị “vùi hoa dập liễu”! Thế nên việc tác giả dùng điển “Chương Đài” chỉ muốn nói chồng con bà đang đợi ở nhà trong Thành nội Huế vậy.

Viết đến đây, cứ ngờ ngợ chúng tôi quá ư tư biện. Cho nên xin thử phản biện rằng bài thơ tác giả không sáng tác trong thời gian ở Huế. Thế thì bà phải sáng tác khi ở huyện Thanh Quan, nơi phu quân bà giữ chức tri huyện. Huyện Thanh Quan ở Thái Bình, nằm về phía đông Hà Nội, dọc triền sông không thể có “ngàn mai” mà chỉ có “ngàn đào”. Dinh quan huyện Thanh Quan, nơi gia đình bà huyện trú ngụ, không thuộc thành Thăng Long thì tác giả không thể gọi nhà bà ở “chốn Chương Đài”!

Thay lời kết:

Những tín hiệu “viễn phố”, “ngàn mai”, “dặm liễu”, “Chương Đài” giúp chúng tôi xây dựng giả thiết và đã thử kiểm chứng, có thể làm tăng thêm giá trị chân thực của bài thơ. Nếu giả thiết đúng thì rất mừng cho Huế; rằng bài thơ “Chiều hôm nhớ nhà” góp vào vườn thơ viết về Huế từ trước đến nay rất hay. Trừ những nhà thơ gốc Huế và sinh sống ở Huế, còn lại một số gốc Bắc, Nam, Trung đến Huế sống và làm việc một thời gian, trước cảnh non nước hữu tình đất Thần kinh và đã sáng tác những bài thơ bất hủ như Trương Hán Siêu, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Du, Cao Bá Quát,… và Bà Huyện Thanh Quan thuộc vào nhóm thi nhân này. Thành phố di sản văn hóa, ngoài con đường được mang tên bà nói riêng và những con đường mang tên những thi nhân nêu trên, hy vọng trong tương lai sẽ có một hình thức kỷ niệm và tôn vinh khác nữa. Trong hội thảo: “Hà Nội - Huế - Sài Gòn: Dòng sinh mệnh dân tộc - Nhìn từ các đô thị văn hiến”, tổ chức tại Huế ngày 8/10/2020, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ trong tham luận của mình từng có mong muốn Huế xây dựng một “đồi thi nhân”.

L.Đ
(TCSH426/08-2024)

 

 

Các bài mới
Sushi(1) (18/09/2024)
Các bài đã đăng
Bài ca ái quốc (26/08/2024)