Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-24)
Út Mây
14:47 | 22/10/2024

HƯƠNG VĂN

Vừa ra khỏi cổng trường, Mây giật thót tim vì câu hỏi ngây ngô của con. Cha nó là ai. Đám bạn cứ trêu chọc nó là đứa không có cha.

Út Mây
Minh họa: Tô Trần Bích Thúy

Mây nhấc bổng con lên, ấp cái đầu bé xíu vào má mình. Những giọt nước mắt ngắn dài đua nhau lăn xuống ngực nóng hổi. Ôm con thật chặt mà vẫn sợ nó tuột khỏi tay mình.

Bỗng một bàn tay khác vỗ vào vai Mây:

- Dậy! Dậy đi Út à…

Mây choàng mở mắt ra, mồ hôi nhễ nhại, các khớp mỏi nhừ như có đá đè. Đôi mắt nhập nhòe nhìn mãi mới nhận ra khuôn mặt hóp gầy của má. Thì ra mình vừa mơ. Giấc mơ gì lạ lùng thế. Sức khỏe tệ và áp lực nhiều quá, Mây chẳng thiết tha bất cứ thứ gì, nằm xuống lại mê man với bao mộng mị.

*

Cái bóng còm cõi cùng tiếng dép lê xoèn xoẹt tựa cuộc đời lam lũ của má đã khuất sau cánh cửa. Mây tặc lưỡi xót xa. Đời má đã khổ quá rồi. Sống với ông chồng bê tha rượu chè mấy chục năm, bị mắng chửi suốt, sức bà còn đâu nữa. Cha Mây vốn là một võ sư to cao, vạm vỡ. Cả làng nể ông tài võ nghệ mà cũng buồn cho vợ ông đẻ toàn con gái. Mây chào đời cũng chính là lúc cha thôi lui tới võ đường, chỉ cung cúc ra đồng làm lúa, chẳng tiếp xúc với ai. Xẩm tối ông thường ra ngồi trước hè với chai rượu trắng. Chờ hơi men thấm vào người, ông mới lôi vợ con ra chửi. Tổ cha bây! Toàn một đám vịt giời! Ra đây, kéo hết ra đây! Tau thì cho một trận! Chửi cả đám đàn bà xong vẫn chưa hả dạ, cha lôi má xềnh xệch vô buồng. Mây gào thét giữ chặt chân má liền bị ông dúi ngã nhào tới các chị đang đứng co cụm trong xó nhà. Gian ngoài im bặt. Mây rón rén nhìn qua lỗ mọt bé tí trên tấm cửa. Một cảnh tượng kì quặc diễn ra trước mắt. Cha bắt má cởi áo và phải ngồi im để nghe ông chửi. Đồ ăn hại. Ăn cho béo tròn mà việc sanh đẻ cũng không ra hồn. Cha càng chửi, má càng nín lặng, dù biết lỗi không hề thuộc về mình. Mấy chị em cứ lấm lét nhìn ông nhưng không đứa nào dám phản ứng gì.

Nằm mãi trên giường oải quá, Mây ráng ngó mặt ra ngoài. Vườn tược rộng thênh mà chỉ toàn cỏ dại um tùm, lá tre rụng ngập cả lối vô nhà mà có ai dọn dẹp đâu. Trông sao bớt bệnh thiệt nhanh để phụ má vài hôm. Từ nhỏ, Mây siêng học siêng làm nhất nhà, lớn lên công việc cũng ổn định hơn các chị. Tất cả những gì Mây làm vì muốn má được vui. Thời gian thiệt là nghiệt ngã. Mới hơn sáu mươi mà lưng má đã còng, tóc đã bạc lơ phơ thế kia. Giá mà thay đổi được tâm tính của cha, khốn khó cỡ nào Mây cũng sẵn sàng chấp nhận. Miễn sao má được an yên về già. Giờ đau bệnh thế này, nhổ bụi cỏ còn không nổi, Mây đâu nghĩ được điều gì lớn lao.

Trưa rồi. Bụng đã biết đói nhưng miệng Mây còn đắng ngắt. Sốt cao kèm theo chóng mặt, buồn nôn kéo dài đã biến một người khỏe mạnh, nhanh nhẹn thành tàu lá úa ủ rũ, tàn tạ. Nằm viện thì chẳng có ai chăm nuôi. Khu trọ có vài ba đứa khá thân nhưng không thể nhờ vả mãi được. Người yêu thì đi trực suốt… Quyết định xin về nhà, biết mình sẽ gây thêm phiền phức nhưng Mây cần sự chăm sóc của má hơn bao giờ hết.

Liền với suy nghĩ ấy, tiếng dép lê lẹt xẹt quen thuộc của má đã vọng tới. Bà đẩy cửa bước vào, lưng như bị còng thêm vì đang bưng một tô cháo còn bốc hơi trên tay.

- Dậy ăn chút cháo đi con!

Nhìn má nhẹ nhàng lau mặt, đút từng miếng cháo cho mình mà mắt Mây cay xè. Thái độ của bà khác hẳn đêm qua. Lúc cha chửi Mây xong, bà cũng tra hỏi miết. Lỡ “qua lại” với đứa nào thì phải báo sớm để ông bà biết đường định liệu. Ăn dễ ở khó, xóm giềng toàn những người nhiều chuyện. Cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra, huống chi cái thai trong bụng. Mây nghe má càm ràm mà giận anh ách. Mệt lả người, nói không tròn tiếng vẫn phải cố xắn quần lên cao để lộ ra những nốt đỏ li ti mọc dày trên chân. Lạ thiệt chớ, Mây bị sốt xuất huyết mà chẳng ai chịu tin.

*

Những vệt nắng quệt ngang khe cửa đã tắt từ lâu. Rặng tre ngoài ngõ rì roạt gió. Bóng đêm kéo tới từ lúc nào không rõ. Ăn hết tô cháo, Mây ngủ thiếp đi. Tỉnh dậy thấy căn buồng tối om. Má đâu rồi ta. Không ai chăm người đau bệnh mát tay bằng má. Đâu cần thuốc thang đắt đỏ gì. Mây nằm trong buồng nghe má băm thịt cành cạch. Cũng món cháo thịt nạc bằm bỏ lá hành xắt nhuyễn, má giúp cha giải rượu biết bao lần rồi. Nhưng có ai thèm ơn nghĩa chi đâu. Sáng vừa khỏe ra, tối cha lại tìm đến rượu. Đêm nay cũng vậy. Hết nhiếc má ông lại dóng cổ đến sát buồng con gái. Mây nghe không sót một từ nào. Mầy ăn nằm với thằng nào mà giờ rước họa về đây. Cái thứ hư thân mất nết. Trời đất. Mây tức sôi người. Gan bàn chân, bàn tay nóng rần lên như muốn sốt trở lại. Mây hư thân mất nết chỗ nào. Thuở bé Mây đã biết lẽo đẽo sau chân má đi bán chuối, bán bắp. Năm học nào cũng có giấy khen và phần thưởng, được cha xoa đầu khen nức nở vậy mà. Giờ đi làm rồi, nhà có công chuyện chi Mây cũng chủ ý gửi tiền về để má lo liệu. Cỗ bàn cứ phải thật linh đình để cha mở mày mở mặt với bà con họ hàng. Mái nhà dột cũng tới lượt Mây thuê thợ thay ngói mới… Có đứa con “hư hỏng” kiểu đó ai chẳng ưng cái bụng. Hứ. Cha mắng Mây kén quá hóa ế chồng thì được chớ sao lại đoán mò rồi áp đặt chuyện Mây mang bầu. Bị mắc oan mà chưa thể giải thích cho cha hiểu, Mây toàn nghĩ linh tinh, đêm nằm mớ thành mẹ đơn thân như thiệt.

Tới đâu hay tới đó, phải làm rõ đầu đuôi ngọn ngành mới được.

Mây lẳng lặng bước ra hè, thấy má ngồi chổm hổm để đấu dịu cha mà thương đứt ruột. Ông à, con Út bị sốt xuất huyết chứ có phải nó hư hỏng gì. Sao ông nỡ… Má chưa dứt câu, cha đã vội gằn nộ. Sốt! Sốt! Sốt! Người xanh như nhái, nôn ói đầy ra đó mà sốt cái nỗi gì.

Không kìm nén được nữa, Mây liền chen ngang:

- Cha!

Giương đôi mắt đục ngầu trừng trừng nhìn con gái, cha tiếp tục trút giận:

- Bây là thứ vịt giời. Đừng làm tau thêm nhục!

Mây cũng bắt đầu lớn giọng:

- Con đã làm chi khiến cha phải nhục?

- Còn cãi à?

Nhận một cái tát như trời giáng vào mặt, Mây tê điếng người. Má vội rối rít van lơn. Tui xin ông. Ơi Út ơi, mầy không được hỗn… Nhân lúc cha lui cui dựng chai rượu vừa ngã lên, Mây lật đật cầm lấy tay má, vừa thở hổn hển vừa lồm cồm kéo bà chạy vô buồng.

Trong tích tắc đã nghe tiếng đập cửa thình thình, Mây ra dấu cho má nằm yên rồi áp mặt vào cửa nói to:

- Cha còn quấy là con gọi công an tới liền đó nghe!

*

Má lên ở cùng Mây mới hai ngày đã nằng nặc đòi về. Về là về cách sao. Mây đã nói rõ với cha trước lúc hai má con xách ba lô ra cổng. Khi nào ông cai rượu và hết mắng chửi thì Mây mới cho bà về. Má ở trên này, Mây dẫn đi uốn tóc, nhuộm đen luôn, gọn mà sang quá trời. Đôi dép lê mòn vẹt và mấy bộ đồ cũ của má, Mây liệng hết vô sọt rác. Cần chi quần áo nhiều đâu, sắm dăm ba bộ là tha hồ mặc. Má thay dép, bận bộ đồ gấm hoa màu tím, ngồi chải tóc và ngắm nghía trước gương mãi. Mây đứng sau lưng, khen má sửa soạn có chút xíu mà người trẻ hẳn ra. Má cười thẹn thùng. Khuôn miệng tươi tắn đến lạ. Các chị ở khá xa, phần vì lo riêng tư, phần vì ngại gặp cha nên cũng thưa dần việc quan tâm bậc sinh thành. Mây tự hứa với lòng mình sẽ chăm sóc má chu đáo hơn nữa.

Thật hiếm khi mới được nằm cùng nhau, Mây ôm má chặt khừ. Hai má con rỉ rả thâu đêm. Có những chuyện xưa như cổ tích mà má vẫn say sưa. Hồi mới cưới nhau, cha thương má lắm. Nhà nhiều ruộng nhưng việc chi ông cũng không cho đụng tay đụng chân. Ngoài bếp núc, coi ngó nhà cửa, chỉ cần bà sinh cho dòng họ một đứa cháu đích tôn, cả gia tài ngất ngưởng kia sẽ thuộc về hai vợ chồng. Cha háo hức chờ đợi tin vui. Có món chi ngon ông cũng xách về cho má ăn. Chị Hai, chị Ba, chị Tư lần lượt ra đời, sinh khí trong cha tiêu tán dần. Lúc mang bầu Mây, má không thèm chua như những đợt trước mà chuyển sang hảo ngọt. Cha nuôi hy vọng thêm một lần nữa, lại đi chợ này quán kia lùng mua cho được trái chín, đường đỏ để sẵn má dùng. Nhưng trời có chiều lòng người đâu. Hỡi ơi cái đám vịt giời. Cha trở tính trở nết, uống rượu nhiều nên bị đau bao tử miết.

Hình như đã cuối thu rồi, sương khuya dày hạt quá. Sương phủ mờ không gian. Sương rơi lộp độp trên mái tôn. Sương đọng trĩu cành hoa giấy bên hiên nhà. Hơi sương tràn vô căn phòng nhỏ. Mây nhổm người dậy, lẹ làng móc khóa cửa sổ. Kéo tấm mềnmỏng đắp lên người má rồi lại nằm xuống nghe tiếng thẽ thọt bên tai. Cha bây được cái chung tình lắm. Mấy bà cô xúi quẩy ổng ra ngoài kiếm con trai, ổng giận ra mặt. Họ đồn thổi má tằng tịu chỗ này chỗ nọ để ổng ruồng rẫy má. Họ trông cho vợ chồng li tán để nhảy vô chia chác ruộng vườn. Nhưng đố ai giành được của ổng một tấc đất nào. Lúc tỉnh táo, ổng có bàn với má, chờ bây có chồng xong sẽ chia đất đều cho các con, mỗi đứa một lô. Út à! Má đột nhiên gọi tên Mây trong đêm tối. Trông ổng ngang tàng, hay to tiếng vậy chớ có bao giờ đánh đập má đâu. Ổng còn biểu tin tưởng con Út nhứt nhà. Bây dám cãi cọ, hơn thua với ổng là sai quá rồi con à. Má con mình sai quá đi.

Nói dứt lời, má đẩy nhẹ người Mây ra, nằm quay mặt vào trong thút thít, để hở một phần gối ướt nhẹp. Bà khóc vì đang giận Mây thiệt rồi. Từng lời của má chảy vào lòng đau buốt. Cha là trụ cột trong gia đình. Năm sào ruộng, hai đám khoai mì, ông gánh vác hết cả. Má con Mây có phải làm việc chi nặng nhọc mấy. Tuy bận việc đồng áng, ít gần con cái nhưng cha luôn lặng lẽ dõi theo việc học hành của chị em Mây. Năm lớp 7, chị Hai đòi nghỉ học vì không theo kịp bạn. Cha dậy thiệt sớm đi cắt cỏ, chăn bò thay chị. Gần thi học kì, ông còn dẫn chị đến tận nhà thầy nhờ chỉ bảo thêm. Sợ cha buồn lại sinh thêm buồn bực cãi vã, đứa nào cũng ráng học hết cấp 3. Riêng Mây lên được tới bậc đại học.

Càng nghĩ tới cha, Mây càng nhớ về ngày thơ bé. Là con Út nên tất nhiên được cưng chiều nhứt. Cha lấy lá dừa gấp đủ thứ đồ chơi, nào là đồng hồ, chong chóng, máy bay... Thỉnh thoảng Mây còn được cha kiệu trên vai, hai cha con đùa giỡn cười vang khắp nhà. Cảm giác sung sướng ấy biết khi nào gặp lại được. Nghe má nói cha đau bao tử Mây cũng xót lắm chớ. Muốn tranh thủ đưa ông đi khám xem bệnh tình thế nào để biết đường mà chạy chữa. Người thiếu rượu không mất gì chớ rượu hại người mấy lúc. Sao cha không cai hẳn đi. Cha tự đày đọa mình vì không có con trai ư. Nói chi xa, nhà chú Bảy trong xóm có tới ba người con trai. Đứa thì lêu lổng trộm cắp, đứa lại cờ bạc cá độ, chẳng đứa nào học hành đến nơi đến chốn. Vợ chồng chú phải lánh bọn giang hồ suốt vì nợ nần con cái gây ra. Cả mẫu đất mặt tiền đã đội nón ra đi rồi. Căn nhà bé xíu sợ cũng không giữ nổi. Thím Bảy bị tai biến, ngoài chú ra, tuyệt nhiên không thấy đứa nào bén mảng gần. Lần đầu tiên và có lẽ cũng là lần duy nhất Mây dám cãi tay đôi với cha. Nhưng cứ thử mạnh mẽ một xíu đi, xem thái độ phản ứng của cha ra sao. Nếu còn thương má, thương đám vịt giời đang bay lượn tứ ngả như chị em Mây, chắc chắn ông sẽ nghĩ lại mà bớt rượu chè…

Hai má con im lặng một lúc. Mỗi người mang một nỗi niềm riêng. Sau giây lát, má chợt thở dài vì tiếc rẻ đứa bạn học của Mây đã lấy vợ. Má thiệt chẳng hiểu con cái chút nào. Gái lớn lên mà không biết yêu thì tin sao được. Nhưng yêu ai chỉ Mây biết và chị Hai biết. Gia cảnh như vầy mà đủ can đảm dẫn người yêu về ra mắt á. Ừ thì cũng xứng đôi vừa lứa đó. Anh ấy làm công an phường, hơn Mây hai tuổi. Thời gian tìm hiểu cũng khá lâu rồi, không cho người lớn hay chuyện thì thiệt khó để gắn bó lâu dài. Nghiệt nỗi, mỗi lần anh đòi dẫn về nhà thăm chơi, Mây vòng vo đủ kiểu. Từng trải qua tâm trạng giống Mây, chị Hai khuyên cứ liều dẫn người ta tới xem sao. Yêu thương thực lòng thì khổ mấy cũng vượt qua. Như chị với anh Hai chẳng hạn. Ngại chết đi được. Nhà người ta đàng hoàng là thế. Chẳng lẽ để ảnh mặc trang phục công an đến nhà hầu chuyện một người nghiện rượu tối ngày được sao. Cùng lắm thì chia tay thôi. Mây từng trộm nghĩ, nếu sau này ở vậy, Mây sẽ làm mẹ đơn thân để khỏi gây khó cho ai. Bị cha chửi oan mấy đêm liền và gặp mộng, Mây ám ảnh luôn tới giờ. Con đường đầy chông gai ấy, dại gì mà bước chân vô. Muốn gì cũng phải một lần lên xe hoa cho trọn danh phận con gái, cũng là làm tròn tâm nguyện của má khi tuổi bà càng nhiều, sức càng yếu đi. Nhưng cha có chịu hiểu cho nỗi lòng của đứa con Út trong lúc này chăng. Mây sốt sắng quá.

*

Sáng hôm ấy, Mây thong thả chở má đi ăn miến gà. Miến nấu với nước luộc gà vừa mềm ngọt vừa thoảng mùi thơm của lá ngò gai xắt mỏng. Má dùng một lèo là hết tô miến. Mây mừng thầm. Nửa tháng lên đây, da dẻ má hồng hào trông thấy, đi thang máy cũng thẳng lưng hơn. Riêng ánh nhìn cứ buồn thiu trông thiệt tội. Chăm lo cỡ nào cũng khó giúp má vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ cha. Ổng ở dưới sinh hoạt, ăn uống ra sao. Còn con chó, đàn gà ai coi sóc giùm… Mây sắp đi công tác rồi, má ở một mình trên này khá bất tiện. Phải để hai người liên lạc với nhau thôi. Tám mươi tư cuộc gọi nhỡ của cha chứ ít chi. Ra tới quán nước, Mây đưa điện thoại cho má và dặn dò thiệt kĩ. Cái gì nên nói cái gì không. Cuộc gọi cần mở loa ngoài để hai má con cùng nghe cha nói chuyện.

Chuông đổ chưa hết một hồi thì đầu bên kia đã bắt máy. Giọng cha hờn mừng như đứa trẻ lâu ngày mới được gặp lại mẹ. Má con bây ác quá chừng. Dẫn nhau đi đâu cũng phải gọi về chớ. Tui lo dám chết, lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Biết hông. Nhà cửa thì vắng tanh như chùa bà đanh. Củi lửa kiểu gì mà nhóm hoài không chịu cháy, nấu được bữa ăn cực hơn đi cày ruộng. Thiệt tình à. Mình tui dọn mùa phơi lúa, không ai đem cho một giọt nước, quần áo dơ không ai giặt… Bà nè, buồn buồn tui đem cuốc ra rẫy sạch đám cỏ ngoài vườn rồi. Chờ mưa xuống mua hạt hướng dương về trồng chơi Tết, chắc là đẹp lắm đó. Bà ưng ngắm hoa ấy biết mấy nè. Nhưng bà tính bỏ tui luôn hay sao mà ở trển miết vậy.

Tay má run lẩy bẩy. Ngước nhìn Mây liền gặp ánh mắt sắc lẹm, bà cố giả giọng ra oai và răm rắp đáp trả như một cái máy. Khi nào ông bỏ được rượu thì con Út mới cho tui về! Giọng cha rầu rĩ hẳn. Tui lạy bà. Dạo nầy ăn uống thất bát, ruột đau như có ai cào. Cả đêm khó ngủ vì lo nghĩ lung tung, hứng thú đâu mà tìm tới rượu. Tui hứa, tui thề sẽ bỏ rượu thiệt mà. Bà về liền nghe. Tui thèm món cháo thịt bằm của bà nấu hung rồi đó.

Gác cằm lên vai má, Mây rúc rích cười. Mắt rực sáng như sao Mai. Cuối cùng cha cũng thốt ra được những lời lẽ hay ho, ngọt ngào đến vậy ư. Mây tẩn mẩn ngẫm ngợi. Chưa chắc ăn đâu. Một người từng nghiện ngập cả mấy chục năm dễ gì cai được trong vài ba ngày. Hay là thế này. Má không ở cùng mình thì cứ tới nhà chị Hai chơi ít hôm, rồi nhà chị Ba, chị Tư nữa. Lâu lắm mới có dịp bước ra khỏi lũy tre làng, má cần hướng ngoại một chút, dành tình cảm cho con cháu nhiều hơn. Như thế mới khiến cha hiểu má và đám vịt giời này quan trọng tới mức nào.

Chỉ còn một ngày được rảnh rang bên má, điều gì tốt đẹp hãy tranh thủ thực hiện ngay thôi. Mây liền gọi điện cho chị Hai, chị mừng lắm. Biểu dẫn má lên đừng có đem theo thứ gì, cồng kềnh thêm mệt. Xếp gọn quần áo của má xong, Mây vẫn kĩ lưỡng mua thêm mấy lốc sữa, vài hộp bánh ngọt bỏ vô ba lô. Tới nhà chị, nếu buồn miệng má cũng có thứ sẵn dùng.

Hai má con vừa đến nơi đã nghe tiếng nói cười rôm rả trong nhà chị vọng ra. Anh chị có khách sao không báo trước để mình biết chứ. Nhà đông người, sợ má ngại lại đòi về ngay thì khốn. Mây liều bước nhanh lên trước để nghe ngóng tình hình. Anh chồng chị Hai lật đật chạy ra đỡ lấy cái ba lô. Mây sững người. Ai giống như cha đang ngồi trong nhà vậy ta... Cha! Thiệt không ngờ á. Cha lên đây từ khi nào.

- Ơ hay. Tau có những bốn đứa con gái. Không cho tau ở cùng đứa Út thì tau tới nhà đứa đầu. Mắc chi phải chịu cảnh cơm khô canh nhạt một mình cho khổ nè.

Bữa cơm chiều cũng đã chuẩn bị xong, chị Hai nài nỉ Mây dẫn bạn trai đến chơi. Có xa mấy đâu, đi dăm bảy phút là tới ngay ấy mà. Mây liếc xéo chị nhưng cũng đủ tự tin đem khoe tấm hình hai đứa chụp chung cho cả nhà cùng xem. Nhìn vào màn hình điện thoại không chớp mắt, má đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Bà cứ thắc mắc hoài:

- Ủa. Người mà bây biểu gọi tới để “xử” ổng là chú công an nầy sao Út?

Mây ôm bụng cười nắc nẻ. Mọi người chưa hiểu hết sự tình cũng nhìn nhau ngơ ngác cười. Ai cũng thúc giục Mây vì nôn nóng được gặp chàng trai ấy. Trong lúc con gái gọi điện mời người yêu tới, giọng cha khề khà qua chén trà nóng: Hà hà… Chờ đông đủ rồi ta hãy dùng cơm nghe!

Trong nhà, tiếng nói cười rộn rã. Ngoài kia, người qua kẻ lại đông vui quá sá.

H.V
(TCSH54SDB/09-2024)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng