Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-24)
Kỳ nghỉ phép thứ bảy
09:01 | 25/10/2024

NGUYỄN VĂN HIỆP

Hai tuổi, Tứ đi làm con nuôi nhà ông chú họ tên là Cu Lương ở Làng Hạ. Chú Lương lấy vợ đã lâu, nhiều lần cầu an, giải hạn, chạy chữa khắp nơi mà mãi vẫn chưa có được mụn con.

Kỳ nghỉ phép thứ bảy
Minh họa: Ngô Lan Hương

Ấy thế mà từ khi Tứ về làm con nuôi thì mợ ấy sinh liền tù tỳ bốn lần, năm đứa. Thế là nhà cha mẹ nuôi Tứ trở thành diện đông con. Tứ trở thành con cả, việc gì cũng đến tay, chăn trâu, cắt cỏ, trông em, cày bừa, đồng áng cực nhọc lắm. Học xong cấp hai, đến năm 17 tuổi, Tứ viết đơn bằng máu xung phong vào bộ đội, rồi đi miết cho đến khi đất nước hòa bình mới trở về.

Giọng trầm buồn, chầm chậm, Tứ bảo, rằng mỗi người có một số phận. Chiến tranh rất khốc liệt, bom rơi đạn lạc có trừ ai đâu. Mình may mắn lắm mới được trở về đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, Tứ cũng như bao người cựu chiến binh khác, vết thương trên cơ thể dần hồi phục, nhưng những vết thương lòng, nỗi đau cuộc chiến chưa bao giờ dứt, rất nhiều gia đình, nhiều thế hệ, cả làng cả nước như thế, nỗi đau hậu chiến khó để mờ phai. Tứ còn nhớ như in, lần làm nhiệm vụ sửachữa đường dây hữu tuyến, giữ mạch máu thông tin liên lạc của đơn vị. Đó là vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đang tập trung nhiệm vụ, đột nhiên từng loạt đạn AR-15 của địch bắn xối xả. Tứ bị thương khá nặng, một mảnh đạn xiên đùi, cẳng chân phải bị gãy. Tứ xé cái ống quần tự băng bó, ca rô bên ngoài, nằm bất động, đến khi địch rút, tìm cách sinh tồn. Đã hơn một ngày đau đớn, mất nhiều máu, đói khát đến kiệt sức. Phát hiện cách nơi mình nằm chừng 30 mét có một cây chuối mốc, Tứ cố bò từng xăng-ti-mét. Ôi! Cái mũ của mình, bị mấy vết đạn thủng lỗ chỗ. Là khi bị bọn thám báo của địch phát hiện, Tứ đã giật nhanh cái mũ ném ra xa chừng vài mét, cái mũ cứ lúc lắc, địch cứ thế bắn. Tứ cắn răng cố lết từng chút, từng chút một, mất hơn hai giờ đồng hồ mới đến được bụi chuối; dùng hết sức lực bóc từng lớp vỏ cây chuối, lấy lõi non ăn ngấu nghiến. Trời ơi, nó mát trong cổ họng; Tứ cố để lấy tiếp mấy quả chuối xanh thì ngất lịm. Sáng hôm sau tỉnh dậy Tứ đã thấy mình nằm trong một căn hầm, vết thương đã được băng bó cẩn thận. Một lát sau, nghe từng bước chân nhè nhẹ, rồi từng tiếng thở, e có khi bị địch bắt chăng! Ánh đèn dầu leo lét hiện dần lên khuôn mặt. Đó là một cô gái trẻ, khuôn trăng đầy đặn, đôi mắt long lanh, vẻ mặt rất lo lắng, tiến lại gần chỗ Tứ nằm. Cô gái nhẹ nhàng hỏi nhỏ:

- Chú bộ đội ơi! Dạ, chú đã tỉnh chưa?

Trời ơi, tiếng dạ nghe mà thương, mà mến đến lạ, Tứ đã mở mắt nhìn em tự bao giờ, khẽ đáp:

- Chào chị! Đây là đâu vậy?

- Dạ, khẽ thôi chú! Đây là vùng bị tạm chiếm. Cảnh sát, dân phòng lùng sục, bắt bớ dã man lắm. Dạ. Em là Mai Dung, gọi là em đi. Em còn nhỏ mà! Mới mười bảy thôi à! -Mai Dung khẽ đáp, rồi bảo: Để em bón cho anh ăn thêm ít cháo nữa nha. Hồi nãy mạ em dặn rằng, anh mới hớp được ít nước cháo thôi! Anh tên là gì ạ?

- Là Tứ! Nguyễn Đình Tứ!... Hà Tĩnh! Ôi, đau lắm!

- Dạ, em biết mà, ráng lên nhé!... May mà mạ em biết đưa anh về...

Tứ cứ chậm rãi kể từng chi tiết làm tôi lo lắng và sốt ruột. Mới đầu việc thay bông băng là do bà Tuyết Mai, mẹ của Mai Dung làm, việc khác do Mai Dung đảm nhiệm. Bà Tuyết Mai làm nghề y, công việc bận rộn lắm. Đến giờ ăn, giờ uống thuốc thì Mai Dung lại như một nữ y tá đến chăm sóc bệnh nhân. Khi đã quen dần thì em cũng thay băng, rửa vết thương rất khéo. Động tác hơi run run một chút, nhưng nhiều lần thì khá nhẹ nhàng, bình tĩnh. Cổ tay em ba ngấn, bàn tay xinh cẩn thận từng tí, từng tí một. Tứ xúc động nhớ nhà, nhớ bàn tay các mẹ, các dì ân cần khi chăm sóc những đứa con, nhất là khi bọn trẻ bị ốm. Tứ kể với Dung, mẹ anh ở quê rất hiền. Mẹ hát dân ca ví dặm ngọt lịm luôn à; các em thích lắm, ngủ say nồng bên cánh võng, lời ru. Quê anh có con sông Ngàn Sâu xanh biếc; hạ nguồn, sông uốn lượn đến chín khúc hồi lai rồi mới hòa vào dòng Sông La, Sông Lam chảy ra biển cả... Dạ, dễ thương thiệt đó! - Mai Dung cười, mắt sáng long lanh. Tứ trở mình làm cuộn băng bị rớt. Mai Dung ra lệnh kiểu như là: “Để yên nào”, “Thẳng cái chân ra”, “Nghiêng bên phải một tý...”; Tứ ngoan ngoãn chấp hành mệnh lệnh của “nữ y tá” không một thắc mắc.

Hai tuần, gần một tháng, sức khỏe Tứ khá dần lên. Đêm đến chui ra khỏi hầm để thở và tập những bước chân đầu tiên. Nhớ có hôm tập đi, bệnh nhân vịn vào vai Mai Dung, một lúc khá mệt, tóc Dung mắc vào cúc áo của Tứ, hai đứa lúng túng gỡ từng sợi tóc. Mai Dung ghé sát đầu vào Tứ, mùi thơm của tóc, hương thơm con gái của Mai Dung cuốn hút Tứ một cách kỳ lạ. Tứ bối rối cầm tay em mà run không kể tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Những giọt mồ hôi rìn rịn, lấm tấm trên trán, những hạt tròn trên mũi của Mai Dung. Tứ giơ tay áo gạt nhẹ, Mai Dung cười, liếc mắt: Để yên nào! Bác sĩ đang làm việc.

Mấy tháng sau, sức khỏe Tứ dần hồi phục, những trang nhật ký trau chuốt hơn. Ngày... tháng... năm 1972. Con vẫn ổn, chờ ngày trở lại đơn vị, hòa bình sắp rồi, con sẽ về bên mẹ kính yêu!... Mẹ ơi, có cô gái người Huế rất là dễ thương, em ấy giúp đỡ con nhiều lắm, ngày thống nhất con sẽ đưa em về ra mắt mẹ, đảm bảo mẹ sẽ ưng!” Tứ tìm cách bắt liên lạc để trở lại đơn vị. Trong lòng Tứ cảm thấy lo lắng nôn nao, không nói nên lời, đứng lên, ngồi xuống, rồi tự hỏi, mình đã yêu em tự bao giờ?

Hôm sau, Mai Dung cũng khấp khởi, xấn na xấn nấn mấy lần, vân vê tay áo..., một lát rồi nói trong hơi thở gấp:

- Dạ! Em muốn hỏi anh, anh sắp sửa chia tay em đi tìm đơn vị, rồi lại đánh nhau tiếp à? Quá dễ sợ luôn! Nhỡ anh lại bị thương, hay bị chi nữa, thì khi đó em sống răng đây?

Tứ vẫn lặng lẽ, lúng túng chưa biết trả lời sao cho em có thể hiểu tâm trạng của mình. Rồi em khóc như mưa!

Tứ dỗ dành mãi, bảo: - Anh sẽ về mà, sắp giải phóng rồi! Anh hứa! Mẹ và em là ân nhân cứu mạng của anh mà!

Mai Dung lại bảo: - Hay chừ anh ở lại với em đi!

- Không được em ơi, nhiệm vụ cấp trên giao chưa xong, đơn vị cần, đồng đội anh, họ đang chờ anh trở lại. Anh ở lại sao đành!

Anh bị thương khá nặng, đánh nhau có ổn không? Lỡ chạy nó lại gãy chân tiếp thì răng? - Mai Dung tỏ ra lo lắng. Anh sẽ xin chuyển sang vô tuyến, hoặc vị trí phù hợp, thiếu gì nhiệm vụ, em yên tâm đi! - Tứ nhẹ nhàng giải thích.

Mai Dung hỏi:

- Anh có thương em thiệt không?

- Có chơ! Nhiều lắm! - Tứ trả lời.

- Thế thì anh thưa với mạ em đi!

Tứ khá bất ngờ, có lẽ nào mình lại để em phải chịu thiệt thòi sao! Mình đi chiến trường ác liệt, em ở nhà chờ đợi đến bao giờ... Đang mông lung suy nghĩ thì Mai Dung ý tứ bày tỏ, rằng em không đợi nữa đâu, rồi vùng vằng giận dỗi. Những tâm tư và tình cảm chân thành của Mai Dung làm cho Tứ suy nghĩ rất nhiều. Tứ chỉ nói được vài câu anh rất thương em, anh thương em mà...

Bà Tuyết Mai dường như hiểu được tâm tư của con gái yêu. Trong một lần gặp bà đã nhẹ nhàng cầm bàn tay Tứ đặt lên bàn tay của Mai Dung, rồi hướng mắt lên cao như cầu mong một điều gì đó thật giản dị đối với những đứa con của mình. Bà lén lau những giọt nước mắt chực rơi. Mấy hôm sau, rồi giờ phút chia tay cũng đến, nén nỗi nhớ thương, không thể nào tả hết tình yêu và lời thề hẹn mà họ dành cho nhau, cả những nỗi niềm trong trang nhật ký viết vội. Tứ lên đường làm nhiệm vụ vì Tổ quốc thiêng liêng...

Đó là giai đoạn vào giữa năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn rất ác liệt, tin quân ta thắng trận truyền về khắp nơi. Niềm vui vỡ oà khi Quảng Trị được giải phóng, vùng giới tuyến một số địa phương giáp ranh Thừa Thiên Huế được mở rộng, Tứ hòa vào đoàn quân giải phóng tiến vào miền Nam.

*

Ngày đất nước thống nhất, Tứ được nghỉ phép để về thăm gia đình, thăm mẹ già đang khấp khởi chờ mong. Tứ dành những ngày phép đi tìm người yêu, tìm ân nhân của mình. Vết thương chiến tranh hiện rõ, hàng loạt hố bom nham nhở ruộng đồng, làng mạc bị tàn phá nặng nề. Lần tìm những vùng lân cận để hỏi thăm gia đình bà Tuyết Mai, Mai Dung thì được biết gia đình em đã đi vùng kinh tế mới, nhưng không biết địa chỉ cụ thể ở nơi đâu. Sống trong lòng địch nên có lẽ những thông tin thật không được cung cấp một cách đầy đủ. Tứ hụt hẫng, lỡ hẹn với người yêu.

Năm thứ hai, thứ ba và những năm tiếp theo, mỗi năm như thế, Tứ lại lặng lẽ dành những ngày phép quý giá để đi tìm người yêu của mình. Tứ khóc, thầm gọi, Mai Dung ơi, tên em đẹp như buổi sớm mai, như bông mai rừng mới nở; em có tấm lòng bao dung, chan hòa, hiền hậu, là mùa xuân tươi đẹp trong trái tim anh. Anh quyết sẽ đi tìm em cho bằng được, chỉ là lạc nhau thôi! Tứ đi hết các tỉnh, thành nơi có vùng kinh tế mới để hỏi thăm, Đắk Lắk, Lâm Đồng... vẫn không có thông tin.

Mẹ Tứ ở quê không biết sự tình cụ thể, bà và cả gia đình thúc giục Tứ lấy vợ. Mẹ Tứ nói trong nước mắt: Ngày con đi chiến trường, ba năm sau, em trai con cũng vào bộ đội phục vụ chiến trường Trị Thiên, cũng hứa con sẽ về, nhưng mãi em con vẫn chưa về! Hơn chục năm rồi mẹ với cả các chị không có một nụ cười! Mẹ đã già rồi, không còn sống được bao lâu nữa để trả nợ trần gian. Đừng bắt mẹ chờ nữa có được không?... Tứ day dứt và dần thay đổi trong suy nghĩ về bổn phận của người con trong gia đình, dòng họ. Đến kỳ nghỉ phép thứ 6, sau ngày đất nước thống nhất, Tứ vẫn không có tin tức gì về Mai Dung cả. Thế là Tứ thuận theo gia đình sắp đặt với một cô giáo trường làng thùy mị, nết na. Trong vòng một tuần cưới vợ. Cưới trước, yêu sau, chờ đợi nhau nối dài.

Kỳ nghỉ phép thứ bảy, Tứ lại âm thầm dành thời gian lần tìm về miền Đông, cứ hỏi thăm lần dò mãi. Trên đường ra bến xe trở lại đơn vị, ghé qua quán nước ven đường, thì rất may gặp được người họ hàng xa biết được thông tin, hình như gia đình Mai Dung chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống đã lâu lắm rồi, công tác ở huyện X. Tứ vội vã lên đường về thành phố tìm em. Hành trang mang theo vẫn là những kỷ vật em tặng, bức ảnh đen trắng nhuốm màu thời gian. Tứ khoác ba lô lẻ loi đi trong từng con phố, đôi mắt cay cay:

Anh về thành phố tìm em
Ngược xuôi lạc giữa biển người mênh mông
Thời gian ơi vẫn chảy theo dòng
Bao kỷ niệm ùa về trong nỗi nhớ
Thành phố mùa xuân yêu từng nhịp thở
Gió nhẹ đưa thơm lừng hoa nở
Những phố phường, hàng cây chưa bao giờ gặp gỡ
Lỡ hẹn một lần lỡ cả mùa xuân...

Len lỏi giữa dòng người xuôi ngược, rồi Tứ cũng đến được cơ quan nơi Mai Dung công tác. Bác bảo vệ nói cơ quan đang bận họp. Tứ đợi và hỏi thăm mới biết đó là buổi Mai Dung báo cáo với công đoàn cơ quan, chuyện kết hôn cùng anh cán bộ mặt trận. Anh ấy là bộ đội chuyển ngành, cũng là thương binh. Lúc này Tứ bối rối không biết làm gì khi gặp Mai Dung đây. Một lát sau, Mai Dung xuất hiện, bên cạnh là cô con gái nhỏ. Nhìn thấy Tứ, ấm nước chè trên tay Mai Dung rơi cạch xuống đất, cái nắp ấm lăn dài một đoạn chao nghiêng. Mai Dung sững sờ!

Tứ cất lời:

- Chào em! Anh Tứ đây!

Mai Dung vẫn bối rối chưa nói được câu gì, hai tai đỏ bừng, bé con theo mẹ níu chân áo nói: “Đây là ba Tứ của con phải không má?” Mai Dung nghẹn ngào, “Đúng rồi con!” Rồi vội nói anh vào đây uống nước.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, Mai Dung, khuôn mặt hiện rõ sự trầm tư, trông cứng cáp, đầy đặn hơn rất nhiều, một vẻ đẹp “gái một con”, đôi mắt đượm buồn làm Tứ rưng rưng kỷ niệm. Mai Dung nói:

- Mẹ con em chờ anh đau đáu, sau một hai năm, rồi năm năm sau ngày giải phóng em vẫn bặt tin anh. Nay anh đã trở về là hạnh phúc cho cả gia đình, quê hương rồi. Và tất nhiên trong đó có một phần rất lớn sự đợi chờ của mẹ con em!

Anh biết hoàn cảnh của em lúc này rồi đó. Còn anh thì sao? Tứ cũng tâm sự, rằng sau ngày giải phóng anh tìm em ròng rã bảy năm khắp các tỉnh, thành đều không có tin tức gì về em và gia đình ba má cả. Anh thực sự xin lỗi em về sự chậm trễ này! Trên chiến trường ác liệt, ảnh của em anh luôn để trước ngực. Động lực mạnh mẽ vô cùng để anh vượt được vất vả, hiểm nguy. Và anh may mắn còn sống để trở về trong chiến thắng với đoàn quân.

Xin lỗi em, năm ngoái anh đã xây dựng gia đình riêng, cô ấy làm nghề dạy học. Mai Dung thở dài, nghẹn ngào: “Thế thì ổn rồi!”.

Hình như, trong lòng Mai Dung, những kỷ niệm xưa bên Tứ lại ùa về, nước mắt rưng rưng. Cố kìm nén lại cảm xúc về sự bất công, về sự hy sinh hạnh phúc và tình yêu một thời em là con gái. Một lúc, Mai Dung nghẹn ngào nói: “Chúng ta bây giờ không thể khác được rồi anh ạ! Không thể làm đau em với cả làm đau thêm chúng ta một lần nữa”. Tứ xoa xoa tay trước ngực, tim anh thắt lại, nước mắt rưng rưng: “Tìm được mẹ con em còn khỏe mạnh, nay em cũng tìm được hạnh phúc riêng, anh vơi bớt một phần hụt hẫng, nhưng Mai Dung ơi, khi nào anh mới trả hết ân tình trĩu nặng của em và ba má ngày ấy đây em!” “Dạ. Ba em đã hy sinh, mạ em cũng mất do bạo bệnh hai năm trước rồi! Lúc còn khỏe, mạ vẫn dặn dò nhiều thứ, nhắc anh nhiều lắm...”. Giọng Mai Dung chùng xuống.

Tứ tiến lại gần Mai Dung hơn, đặt nhẹ bàn tay vào vai em như để an ủi:

- Thôi, đành vậy, biết làm sao, tại chiến tranh cả mà! Phải không em!

“Cho ba ôm con có được không nào?” Cô bé bẽn lẽn sà vào lòng ba, nước mắt ba và con đầm vai áo. Tứ âu yếm nhìn con gái hồi lâu. “Ôi, cái vành tai, cái nốt ruồi ở cằm, làn da sao giống chị gái của Tứ quá. Ba xin lỗi con! Tại vì ba và má con không có tin tức về nhau. Ba hứa, ba sẽ nhớ con! Ba yêu con! Ba sẽ đến với con những khi có thể!”.

- Con! Con chỉ nhìn qua ảnh bé tý của ba hằng ngày và lời kể của ngoại thôi! Ba...

Những giọt nước mắt của con gái lăn dài trên má.

*

Tạm biệt Sài Gòn, trời đổ cơn mưa, hàng cây xào xạc lá rơi, gió cuốn đi, những tia nắng đuổi theo dòng người hối hả, phố xá xa dần, khép lại hành trình của Tứ với những kỳ nghỉ phép dở dang...

Tôi bảo: “Sao Tứ không ôm lấy vợ và con nhiều hơn?” “Vợ con của ông kia mà! Sao ông chỉ ôm có mình con gái thôi?”. “Thôi, đừng làm tổn thương nhau lần nữa. Cô ấy cứng rắn lắm, lại ra lệnh cho Tứ như lần trong căn hầm bí mật, mình chấp hành là đúng với lương tâm rồi”. - Tứ đáp.

Gió thổi mạnh, trời đổ cơn mưa. Mùa xuân ở miền Trung thỉnh thoảng lại có những trận mưa rào đột ngột. Tứ vặn người, lắc cái vai, rúc rắc. Chà, ti vi báo thời tiết chuẩn thật, nói không khí lạnh sắp về là về thật. Ngoài ngõ lá tre rơi xào xạc, cây cọ cuối vườn cũng đã trổ bông. Tứ bảo: “Động trời thay đổi thời tiết hay sao, mà vết thương mình lại đau nhức, ngồi lâu nghe chừng không ổn ông ạ!” Tôi bảo: “Hôm nay kỷ niệm ngày nhập ngũ, anh em lâu ngày hội ngộ”. Tứ thông báo, con trai đầu là sĩ quan Biên phòng, nay được phân công về công tác tại Biên phòng tỉnh. Đứa cháu nội đang học THPT, học sinh giỏi môn tin học, cũng mơ ước trở thành sỹ quan kỹ thuật; cháu ngoại trong Nam làm giáo viên theo nghề bà ngoại xưa, thi thoảng gọi về.

- Thật tuyệt vời - Tôi cổ vũ - cháu nối nghiệp ông, cha thành công rồi còn gì!

Tứ phấn khởi: - Ừ, mảnh đất anh hùng Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, những năm 1970 tôi đã ở đó khá dài, rồi ngược Trường Sơn qua Lào tiến quân vào giải phóng miền Nam, sau đó lại về biên giới Tây Nam, chiến trường K. Cuối đời mới về quê Hà Tĩnh công tác rồi nghỉ hưu. Thời gian quân ngũ thật oanh liệt, gần ba chục năm chinh chiến. Thế hệ cha anh đi trước, bao lớp người đã hy sinh để đất nước nở hoa cũng thật tự hào.

Bắt tay tạm biệt đồng đội cũ ra về mà tôi vẫn cười: “Tôi tiếc lắm ông bạn ơi!” Tứ bảo: “Lại chuyện gì nữa đây?”. “Tôi tiếc một nụ hôn, một cái ôm cho người cũ của ông, một cái ôm thật lâu cho ngày đoàn tụ... Huế của tôi ơi”. Tứ cười, vừa lúc đài truyền thanh xã lạch tạch, bài hát “Đất nước trọn niềm vui” vang lên.

N.V.H
(TCSH54SDB/09-2024)

 

 

Các bài mới
Tái sinh (04/11/2024)
Những bàn tay (01/11/2024)
Chùm thơ Lữ Mai (31/10/2024)
Các bài đã đăng
Út Mây (22/10/2024)