Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-24)
Tái sinh
14:09 | 04/11/2024

NGUYÊN QUÂN

Cơn giông đến thật nhanh, vừa thoáng những đám mây đen kịt xuất hiện vần vũ trên đầu ngọn núi Pilo hiểm trở cao ngút, phút chốc đã dội thốc cơn mưa trắng trời xối xả vỗ đập lên mái tôn phía trước hiên tạo nên một thanh âm hỗn độn cuồng loạn.

Tái sinh
Minh họa: PHAN THANH BÌNH

Mùa này ở đây, miền biên địa dựa lưng dải Trường Sơn hùng vĩ, buổi chiều có những cơn mưa giông lớn, kèm theo lốc giật là thường tình. Hắn thản nhiên ngồi bó gối nhìn qua tấm cửa kính.

Vạt cây rừng mới trồng vài năm bên ngoài vặn vẹo răng rắc, oằn mình theo từng đợt gió thốc, bầu trời đen kịt, mây dày đặc, thỉnh thoảng lại bị xé toạc ra từng mảnh bởi những tia sét chói lòa, khoảng không gian bên ngoài giờ đây đã tối sầm. Hắn vẫn thong thả nhâm nhi ly trà xanh vừa rót từ cái bình tích xưa cũ, màu men ngũ sắc trên thân ấm gần như phai hết hình ảnh đạp tuyết tầm mai trên thân chiếc bình. Dù không hiểu hết ý nghĩa song hắn vẫn luôn tâm đắc, cảm khái trước tinh thần vô ngại của gã người gầy gò, cong lưng vác một nhánh mai trổ đầy hoa gắng gổ đi dưới làn mưa tuyết trắng xóa.

Nhấm nháp mùi vị đắng chát ngai ngái của những chiếc lá chè tươi, hái trong vườn nhà, hắn cảm thấy sảng khoái ấm áp. Cơn lốc sẽ sớm tan, bầu trời sẽ trong xanh, những vạt rừng cũng sẽ tiếp tục sinh sôi. Hắn nhủ thầm và vói tay lên vách tường bật công tắc, ngọn đèn trái cà vàng úa bật sáng, ánh sáng yếu ớt cũng khiến gã yên tâm, đường dây điện kéo len qua những khe suối vẫn an toàn.

Những ai chưa từng đối mặt loại hiện tượng mưa núi giông lốc này, chắc chắn sẽ phải kinh sợ trước cái không gian ngập ngụa gió to mưa lớn, sấm sét liên hồi, y chang sự tưởng tượng của những gã đạo diễn làm phim tận thế. Gã thì quá quen rồi, hơn mười năm, từ ngày lui về bám rễ mưu sinh trên vùng sơn địa heo hút này. Quá quen để nhận ra bản thân gã cũng đa mang một thân phận bất ly ba động biến thiên.

Giờ này chắc chắn thằng Đỏ sẽ không thể lên đây được. Thằng bé người dân tộc thiểu số, dù cũng đã quen cái thời tiết khắc nghiệt miền núi, nhưng với độ tuổi mười lăm, mười sáu, chưa đủ kinh nghiệm bám chân vượt qua mấy con dốc rừng trơn trượt hay mấy khe suối cuồng chảy. Hắn thường xuyên căn dặn chú bé phải biết lường trước những hiểm nguy trước những hiện tượng bất thường này, nên chắc chắn nó sẽ chẳng dám.

Trong ánh sáng nhợt nhạt của ngọn đèn điện, hắn bất chợt nhận ra chân dung mình phản chiếu trên tấm kính cửa. Một gương mặt khắc khổ, râu tóc bù rối nhuốm bạc nổi nênh trên nền hậu cảnh mưa cuồng gió dữ... Bất giác hắn nhếch mép cười, cái nhếch mép quen thuộc như muốn ngạo thị với chính mình. Khuôn mặt đặc tả chân thực thời gian ba chìm bảy nổi, đúng ra là phải nát như tương ở một xó góc nào đó trên đoạn đường hàng chục năm dài lăn lộn trong nếp sống bạt mạng liều lĩnh của một tâm thế buông thả bất cần.

Lúc này hắn lại thèm muốn có được tiếng cười hồn nhiên vô tư của thằng Đỏ vọng ra từ điệu cười nhếch mép bạc thếch trên tấm cửa kính thủy tinh. Thằng bé con của đại ngàn chưa hề bị ô nhiễm mọi thói hư tật xấu như tuổi mười lăm mười sáu của một thằng như hắn.

Hắn được sinh hạ từ một cô gái người miền núi với một gã thanh niên người miền xuôi ất ơ nào đó, khi mẹ hắn bị mấy con buôn lên bản làng mở hàng quán dụ dỗ bằng một tương lai ăn sung mặc sướng nếu làm thuê làm mướn cho họ. Mẹ hắn, cô sơn nữ ngây ngô thuần nhiên làm sao tránh khỏi những cám dỗ phù phiếm chốn phồn hoa đô hội. Hắn được hoài thai trong men rượu, bọt bia, trong tiếng nhạc xập xình, trong cơn say của cô bé tiếp viên dại dột, và chào đời cũng trong một phòng trọ tồi tàn nào đó. Không giấy khai sinh để phải sống vật vờ vật vưởng với nhiều cô, nhiều dì, vài đứa bé đồng cảnh ngộ. Hắn không có ký ức tuổi thơ, nên trong trí nhớ về tuổi thơ hắn cũng chỉ đơn thuần là sự tưởng tượng theo sở thích như những gã đạo diễn bám dính sự cường điệu tận cùng kịch bản.

Hắn chỉ bắt đầu biết lưu trữ ký ức, từ lúc mẹ hắn lảo đảo đẩy sầm cánh cửa xập xệ chắp vá của căn phòng trọ. Chuyện mẹ trở về trong trạng thái say mèm, rồi ngã vật xuống giường, đã quá quen thuộc. Nhưng đêm ấy, mẹ hắn ngủ và không bao giờ thức dậy nữa. Cái chết đột ngột củamẹ đã đẩy hắn sang một trang đời mới. Bọn nhóc không cha không mẹ như hắn trong xóm trọ, được chính quyền địa phương đưa vào một trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi...

Cơn mưa giông vẫn vần vũ vỗ đập phía bên ngoài khung cửa kính, mặt đất vẫn oằn mình chống đỡ mọi dị biến bất thường từ thiên nhiên. Giấc ngủ chập chờn trên chiếc bàn được chế tác từ gốc gỗ lũa nguyên khối khá lớn, đầu gối lên cánh tay trần đầy vết xăm, những ký tự, những họa tiết cách điệu rồng bay hổ múa nguệch ngoạc vô nghĩa, của những đứa thanh niên bụi bạc non tơ. Kiểu nằm co ro trên chiếc bàn to lớn bên cạnh những vật dụng quen thuộc thường ngày cũng là thói quen ưa thích của hắn. Chẳng phải trong căn nhà tường vách vững chãi kiên cố, thiếu phòng ốc, giường chiếu chăn màn; hắn cũng không thể lý giải vì sao vẫn cảm thấy hơi hám ấm áp thân quen toát ra từ những thớ gỗ thoát cảnh mục rã âm thầm trong quên lãng.

Đêm nay. Trong giấc mơ tràn lên từ đôi bàn chân trần co ro thấm lạnh, người đàn bà sau vạt sương mù trên mái núi Pilo lại đến, bàn tay ấm áp dịu dàng vuốt ve ru dỗ hắn. Thanh điệu, âm ngữ người miền cao lại chảy miên man trên mái tóc bù rối, trên đôi môi khát sữa.

Ánh sáng ngọn lửa, chiếc váy thổ cẩm xoay tròn bập bùng theo tiếng trống... vẫn tỏa lan theo đôi bắp chân tròn lẳn săn chắc, người con gái núi rừng trỗi điệu kèn lá hẹn mùa đi sim, đơn độc đi qua những lối mòn đất đỏ. Đánh rơi những giọt nước mắt ướt đẫm cái mặt bàn chế tác từ một gốc đại thụ đã chết khô, đã từng bị chôn vùi, lãng quên trong lòng đất. Trong từng giấc mơ ấy, gương mặt người con gái ấy, vẫn mù mù ảo ảo, đôi khi hắn thèm được lau sạch những giọt nước mắt để được nhìn rõ nét hơn, nhưng không thể...

Ký ức hắn về mẹ, chẳng hề có hình ảnh, chỉ có hơi ấm, mùi hương mỹ phẩm rẻ tiền và vị thơm ngây ngấy của những giọt sữa cạn kiệt. Năm sáu tuổi hắn mới có được một chút trí nhớ, vùng ký ức dần khai mở, hắn bắt đầu ghi nhận từng cái tên của bọn trẻ con cùng ăn cùng ngủ, từng nét mặt hiền lành của những bảo mẫu ân cần chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ. Bắt đầu nhớ từng con chữ, từng dấu phẩy dấu chấm nắn nót trên trang giấy vở trắng tinh, để khi rời khỏi trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi, hành trang hắn mang theo là những kỷ niệm nồng ấm thân thương. Và rồi dần dần hắn quên, quên để không còn bị dằn vặt trên những bước đường mưu sinh liều lĩnh đầy khát vọng.

Tiếng hát tươi vui của thằng Đỏ kéo hắn ra khỏi những chập chờn mộng mị. Ánh lửa, chiếc váy xòe đa sắc những giọt nước thấm đẫm trong đêm tan loãng. Vầng hào quang tỏa rạng tia nắng ban mai xuyên qua cánh cửa kính chiếu rọi thẳng vào mặt, hắn uể oải ngồi dậy. Chóp núi Pilo lại hiện rõ mồn một nổi bật trên nền trời trong vắt, không một gợn mây. Trước hiên nhà, thằng bé đang lúi húi quét dọn, cành khô, xác lá, bị cơn gió lốc chiều qua xé rách vò nát. Thằng bé mười lăm mười sáu giỏi giang siêng năng là người cùng thôn dưới chân núi, được hắn thuê mướn để phụ việc vặt trong xưởng chế tác, biến những gốc cây, thớ rễ thành bàn ghế, tranh tượng. Ý tưởng tác phẩm của hắn hoàn toàn dựa dẫm vào những gì mà thời gian và thiên nhiên đã tạo tác trên chất liệu “gỗ tử” do hắn đào bới hay thu mua được. Hắn thường rất tâm đắc những tác phẩm tưởng phải chết lặng lẽ trong lòng đất đen, bây giờ lại được tái sinh.

Hắn gọi những thành quả đẽo đục cắt gọt của mình là kiểng khô. Kiểng khô, cũng là công việc mưu sinh đắc địa đổi đời của hắn, có lẽ phải bắt đầu từ nhiều năm trước, khi vợ hắn đột ngột qua đời sau một cơn bạo bệnh. Cái chết của cô vợ trẻ chỉ sau hai năm chung sống, cũng là một cú sốc bi thương nhất trong đời của hắn.

Cứ tưởng lần gãy đổ niềm tin tạo dựng được cho riêng mình một mái ấm gia đình sẽ quật ngã, nhấn chìm hắn trong bi thương tuyệt vọng, sẽ xô đẩy hắn trở lại con đường bất cần đời như trước kia. Mười lăm mười sáu, đã bước qua tuổi thanh niên, hết hạn tuổi của một đứa bé mồ côi được trung tâm bảo trợ nuôi dạy. Giờ đây, như một quy ước muôn đời của xã hội nhân loại, hắn đã đủ ý thức để tự lực cánh sinh. Hắn được trung tâm bảo trợ giới thiệu làm chân phụ việc vặt ở công xưởng sản xuất vật liệu xây dựng, nơi có chỗ ngả lưng ban đêm, nơi kiếm được miếng cơm manh áo bằng chính sức lực bằng giọt mồ hôi của chính mình. Nhưng với độ tuổi nhiều khát khao ham muốn, cái công xưởng quần quật lam lũ với vài đồng tiền công ít ỏi, không thể dung chứa được mọi biến động tâm sinh lý một đứa thanh niên mới lớn. Chỉ cái áo, cái quần mới mẻ thời trang của bọn nam thanh nữ tú bên ngoài hàng rào công xưởng loam nhoam bụi mù, cũng trở thành sự mê đắm vô hạn. Thằng bé mang dòng máu miền xuôi miền ngược vừa hồn nhiên hoang dã vừa phóng túng phù phiếm đã thực sự bước vào đời. Vào đời bằng bước chân chập chững trần trụi. Dĩ nhiên với tâm thế đó, hắn không thể thoát khỏi hệ quả bầm dập tất yếu của cuộc sống lạ lẫm, đầy khắc nghiệt. Hắn đơn giản chỉ như một con thiêu thân chưa hề biết độ nóng tàn khốc của ánh lửa. Cho đến một ngày…

Hơn tháng trời lặn lội từ mái rừng này sang triền núi nọ, vẫn chẳng bắt gặp một cây trầm dó nào khả dĩ có thể làm ra một miếng hàng ra hồn, thêm thảm nạn bị bọn dân bên kia biên giới ngăn đường cấm lối, truy quét tịch thu lương thực, đồ nghề. Đã vậy lúc quay về, vừa vượt qua được ranh giới đường biên, hắn bị một cơn sốt rừng quật ngã. Những người bạn đồng hành đành phải dựng tạm cái lều lá, sớt lại một tí lương thực, thuốc men. Dân ngậm ngải tìm trầm là phải chấp nhận những tình huống vậy.

Với những người vác ba lô đi rừng, gặp cơn sốt rét cũng là chuyện thường tình, sẽ qua nhanh với những liều thuốc đặc trị luôn được mang theo bên người, chỉ một vài hôm tĩnh dưỡng sẽ hồi phục. Từ những vết tàn tích nương rẫy du canh, hắn độ chừng nơi này không cách quá xa thôn bản, nên hoàn toàn yên tâm nằm dưỡng bệnh. Mấy hôm sau hắn cắt được cơn sốt, dò dẫm theo lối mòn đổ xuôi theo sườn núi cao, lùng nhùng gai góc lau lách, lùm bụi rườm rà của cánh rừng tái sinh. Hơn nửa ngày trời trầy trượt của đôi chân gần như mất hết sức lực bởi ảnh hưởng của những cơn sốt cao, hắn bắt gặp một căn chòi canh rẫy, lúc mọi nỗ lực gắng gượng tìm sinh cơ cũng vừa cạn kiệt.

Đôi bàn tay vuốt ve, vòm ngực đầy mùi hương quen thuộc, ấm áp trìu mến quyện lẫn điệu hát ru nhè nhẹ âm vực miền ngược từng đêm lại quay về. Hắn ý thức được lần quay về của những cảm giác thân yêu nầy không đơn thuần là khoảnh khắc trí nhớ mờ ảo. Gương mặt đang cúi xuống nhìn rất thật, rất rõ nét, hơi thở nhè nhẹ đầy lo lắng, cũng rất thật.

Hlen, cô gái người dân tộc thiểu số miền ngược đang độ tuổi chín tới trong căn chòi canh rẫy hắn nhìn thấy trước lúc rơi vào hôn mê, lại thành cái phao cứu sinh không chỉ dìu hắn vượt qua cơn sốt rừng buổi ấy. Một thằng bé tuổi mới lớn chưa có chút khái niệm gì về nơi khai sinh của mẹ như hắn, lại càng phải nặng mang mặc cảm mồ côi, nếp sống cùn mằn, liều lĩnh khinh bạc của hắn, có lẽ cũng phát sinh từ cái mặc cảm thân phận đó. Hắn không có bạn thân nào để chia sẻ vui buồn. Bạn của hắn bất quá chỉ là những đứa du thủ du thực. Tình yêu nam nữ lãng mạn như kịch bản phim ảnh thời thượng thì càng không, cũng bất quá chỉ thứ tình một đêm. Nhưng lúc này, giữa không gian tĩnh mịch sâu lắng vốn dĩ của đại ngàn, và trong cái chòi vừa để canh giữ rẫy vừa làm kho cho sản phẩm lương thực thu hoạch mùa màng, nửa dòng máu ấy lại trở thành một lợi thế, giúp hắn dễ dàng vượt qua những e dè, kín tiếng từ tập quán sinh hoạt của con gái miền ngược...

Thanh âm cọt kẹt từ cánh cửalớn của ngôi nhà vang lên, thằng Đỏ vội cất tiếng chào, chiếc chổi trên tay vẫn không dừng quét. Nhìn tấm lưng trần đen nhẻm đang lóng lánh những giọt mồ hôi, mái tóc hoe vàng xoăn tít cũng ướt đẫm, hắn bỗng nhiên dâng tràn thứ cảm giác gần gũi đến lạ. Tấm lưng trần đen nhẻm, những giọt mồ hôi bám bụi lăn dài, mái tóc cắt ngắn ướt đẫm, cùng cái xưởng gạch ngói luôn đầy khói bụi, giúp thằng bé vững bước chân vào thế giới làm người lớn. Tuy vậy chính trong cái xưởng ấy, thằng bé không thân thích, phải tự lực cánh sinh cũng không bị lạc lõng. Những anh chị công nhân trong xưởng thường hay quan tâm động viên giúp đỡ, không bao giờ bắt thằng bé đến từ trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi làm công việc nặng nhọc, hắn chỉ phải lựa chọn, sắp xếp sản phẩm theo thứ loại, hay nấu giùm ấm nước, pha giúp ấm trà. Mấy chị đứng bếp cũng thường hay dấm dúi chút thực phẩm thịt, cá vào khẩu phần của thằng bé gầy còm hơn kích thước tiêu chuẩn độ tuổi.

Từ ngày vợ mất, căn nhà dưới thôn, mọi thứ tự nhiên trở nên trống vắng buồn nản với hắn. Thời gian có vợ có chồng cùng ăn ngủ cùng lên rẫy xuống nương, cùng xây dựng mơ ước đã mất. Bây giờ trơ trụi một mình. Tuy bị hụt hẫng bế tắc, nhưng hắn không cùng quẫn tuyệt vọng. Bởi bây giờ trong tâm tưởng hắn đã có niềm tin yêu chân thực. Biết sẽ không thoát được sự ám ảnh trong căn nhà đầy ắp dấu ấn ly tan, hắn quyết định dọn lên ở hẳn trên căn chòi canh rẫy, nơi lần đầu tiên được nhìn rõ nét khuôn mặt ấm áp yêu thương cúi xuống sát gần, rất rõ ràng, không phải mù mờ chập chờn trong mị mộng, nơi buổi chiều tà ngân nga điệu hát ru tình tứ trong veo vọng về từ nương rẫy xa xa.

Dù thường xuyên bị đắm chìm trong hoài niệm, thì cuộc đời thực vẫn là dòng chảy bất biến. Hắn cũng phải cày cuốc trồng trỉa nuôi sống những nhu cầu tất yếu. Ngoài công việc cuốc rẫy phát nương, hắn còn xin đất hoang để trồng rừng. Quần quật lao động với hắn lúc này cũng chính là cứu cánh vượt thoát thời gian trầm cảm ưu tư. Chính công việc phát hoang khai khẩn, mà hắn tình cờ phát hiện trên mái núi dốc dựng, bị chìm ngập trong lau lách, lùm bụi loài cây tạp tái sinh, còn ẩn giấu chứng tích rừng nguyên sinh, trước khi bị bom đạn chiến tranh tàn phá, thiêu rụi; hắn còn biết những trầm tích ký ức của những cánh rừng nguyên sinh đó, từ lâu đã trở thành thú chơi thể hiện đẳng cấp sang trọng của lớp thị dân dư ăn dư để.

Ý tưởng và mục đích tìm kiếm, chế tác những gốc đại thụ, tàn tích của rừng nguyên sinh xa xưa thành những vật dụng tiện ích, như một phương tiện phóng thoát nỗi niềm và thời gian u uất của hắn, dần dần trở thành nguồn thu nhập béo bở ổn định, khi có vài cửa hàng trang trí nội thất dưới thành phố nghe tiếng đồn tìm lên đặt vấn đề trao đổi mua bán.

Tàn tích của cánh rừng đại ngàn xa xưa, những gốc rễ đại thụ đã chết, bắt đầu được hắn và những người hắn thuê mướn dày công khai quật, tạo tác. Những cái bàn, cái ghế, những bức tranh tượng phù điêu, cứ lần lượt được khai sinh. Cái chòi canh rẫy tranh tre xa xưa cũng biến thành một ngôi nhà khang trang. Và hắn, thời gian dài tìm được cảm giác ấm áp thân thuộc, không có sự đối đãi phân biệt giả trá, lại luôn ngập đầy tâm tưởng được quay về với cội rễ nguyên sinh, nên cũng chẳng còn bị ám ảnh mặc cảm.

Thằng bé trước mặt, vẫn lúi húi gom nhặt những chiếc lá tàn tích của cơn lốc hôm qua, hầu hết những sản phẩm trong xưởng được lau chùi sạch bong. Hắn bước đến gần, ngỏ lời cám ơn rồi thăm hỏi tình hình giông lốc dưới thôn xóm:

- Đỏ này, dưới thôn mình chiều qua có bị ảnh hưởng chi nhiều không Đỏ?

Thằng bé vui vẻ:

- Dạ không, cảxóm chẳng bị thiệt hại chi hết.

- Chú thấy có nhiều đợt gió xoáy cũng hơi lo, nhưng nghĩ lại nhà nào cũng đã được xây dựng kiên cố nên cũng yên tâm. Mà hôm nay sao con lên sớm vậy.

Thằng Đỏ nhe răng cười khì khì:

- Tại con nóng ruột cứ lo lo cho chú đó.

- Lo cho chú thật à?

- Dạ thật đó, ở trên này thường bị mưa to gió lớn hơn dưới thôn mà chú chỉ có một mình...

Hắn lặng nhìn thằng con của đại ngàn, vừa nói vừa lau chùi những cội rễ của cánh rừng đã chết, đang được hai chú cháu đổ mồ hôi công sức phù chú hơi thở sống cho nó được tái sinh phục vụ nhân sinh. Bỗng nhiên hắn ngồi thụp xuống, quàng tay ôm vai thằng bé kéo sát vào lòng, những giọt nước trong veo ứa dài theo khóe mắt hiện hằn nhiều nếp nhăn nhân thế.

N.Q
(TCSH54SDB/09-2024)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Những bàn tay (01/11/2024)
Chùm thơ Lữ Mai (31/10/2024)