Tạp chí Sông Hương - Số 428 (T.10-24)
Ngày tuyết rơi
15:08 | 13/11/2024

LÊ NGỌC SƠN

Tôi đến thành phố Shefield của nước Anh vào một buổi chiều muộn giữa tháng chín. Trời khi đó đã nhập nhoạng tối. 

Ngày tuyết rơi
Minh họa: Nguyễn Thiện Đức

Tôi đứng dưới cổng của căn cư xá đợi một người bạn xuống mở cửa. Căn cư xá nằm ở đầu một con phố dốc thoai thoải chạy dài. Gió lạnh thổi thốc từng cơn làm tôi co ro trong chiếc áo len mỏng. Tôi chưa thể quen ngay được với cái lạnh của xứ sở này. Chưa đầy hai mươi tư giờ trước, trời Hà Nội còn nóng hôi hổi, tôi chỉ mặc một manh áo cọc, chia tay gia đình và bạn bè để lên đường du học.

Người bạn ở cùng căn cư xá, tôi mới chỉ biết qua diễn đàn của những người chuẩn bị du học, mà chưa gặp mặt ngoài đời một lần nào. Ngôi trường ở miền Trung nước Anh này dù nằm trong tốp đầu của thế giới nhưng không phải là điểm đến phổ biến với du học sinh Việt Nam. Số lượng người Việt đang học ở đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nên khi có một bạn mới sang thì các bạn người Việt khác phân công nhau để giúp đỡ, nhất là trong những ngày đầu. Tôi thuê được một phòng ở căn cư xá này cũng là nhờ người bạn đang ở đó giới thiệu cho.

Đâu đó chừng mười phút sau cuộc gọi của tôi, một cô gái trùm kín đầu bằng chiếc khăn lụa màu ghi chạy xuống, nở một nụ cười tươi chào tôi, rồi nhanh tay quẹt chiếc thẻ từ để chiếc cổng mở ra. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Quỳnh, người bạn trên diễn đàn. Khá bất ngờ vì Quỳnh xinh đẹp và thân thiện, dong dỏng cao và có một nụ cười tươi như tỏa nắng. Trong ánh chiều nhá nhem, tôi nhìn thấy trong nụ cười chào của Quỳnh một hàm răng đều như hạt bắp trong chiếc miệng xinh xắn. Quỳnh đã sang đây trước tôi ba tháng để học kỳ dự bị tiếng Anh trước khi bước vào kỳ học chính thức vào mùa thu.

Quỳnh xách giúp đồ đạc và dẫn tôi vào nhà, giới thiệu cho tôi các căn phòng trong khu cư xá. Quỳnh chỉ cho tôi đâu là phòng bếp, đâu là phòng giặt đồ. Lúc mở cửa bước vào căn phòng của mình, tôi có phần bất ngờ. Căn phòng nhỏ xíu như một chiếc hộp diêm. Tôi chỉ nhún một chút rồi với tay mà đã chạm được vào trần nhà. Căn phòng chỉ có một ô cửa sổ nhỏ, nhà vệ sinh cũng nhỏ xíu, một cái giường đơn, một chiếc bàn học với giá sách hai kệ phía trên, sàn nhà được trải thảm và có một chiếc lò sưởi điện màu trắng ở gần góc cửa ra vào. Thế nhưng tôi ở một mình nên phòng nhỏ không thành vấn đề, nó vẫn đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu của tôi. Tôi đã quá quen với ký túc xá chật chội đông đúc trong năm năm học đại học ở Việt Nam, nên căn phòng nhỏ riêng này đối với tôi vẫn là một thiên đường.

Sắp xếp đồ đạc xong, Quỳnh dẫn tôi đi siêu thị mua đồ. Siêu thị cách nhà chừng hơn hai cây số. Quỳnh đi bên cạnh tôi, kể cho tôi nghe những khác biệt của cuộc sống bên này mà Quỳnh đã được trải nghiệm trong ba tháng qua đây. Vui vẻ chuyện trò nên chẳng mấy chốc mà chúng tôi đã tới nơi. Đúng là siêu thị lớn, cái gì cũng có, mà cái gì tôi cũng đang thiếu. Tôi phải sắm khá nhiều đồ đạc. Trên đường về, trời lạnh mà phải xách đồ nặng, nên đôi tay ai cũng đỏ ửng lên rồi tím tái. Chúng tôi phải nghỉ chặng thở dốc mấy lần mới về được tới nhà. Vậy là tạm ổn các đồ đạc thiết yếu cho cuộc sống của một sinh viên du học xa nhà. Đồ ăn thì vẫn chưa tới lúc phải lo vì tôi mang sang đây rất nhiều mì gói, ruốc bông, muối lạc, tôm khô… ăn dần ăn xẻn thì cũng phải được cả tháng. Sau khi đã giúp tôi ổn định chỗ ở và mua sắm đồ đạc, Quỳnh hẹn tôi sáng mai cùng lên trường để làm thủ tục nhập học. Khoa Công nghệ thông tin tôi học gần với khoa Tài chính quốc tế của Quỳnh. Tôi gật đầu đồng ý ngay vì còn đang lạ nước lạ cái. Có Quỳnh dẫn đường đi thì còn gì tiện hơn.

Ngôi trường của chúng tôi học nằm trên đỉnh ngọn đồi phía sau khu cư xá. Shefield là thành phố của những ngọn đồi, các tòa nhà của các khoa, viện, ngành học nằm rải rác ở những ngọn đồi liên tiếp nhau đó. Đường đi dốc lên dốc xuống nên nếu ai đó chưa quen leo dốc sẽ mệt bở hơi tai, chân chùng gối mỏi. Đường tới trường là bước lên những bậc thang ngay phía trái của căn cư xá, leo lên tới đỉnh đồi rồi băng qua nhà thờ nhỏ nằm ở một góc phố. Rẽ vào con đường Orchard thì tới tòa nhà của khoa Công nghệ thông tin. Quỳnh dẫn tôi vào văn phòng tuyển sinh của khoa để nộp giấy tờ nhập học. Chúng tôi đứng nối vào hàng của các bạn đã xếp sẵn trước đó. Ngôi trường quốc tế, các bạn học tới từ khắp nơi trên thế giới, Âu, Á, Phi đủ cả.

Sau khi hoàn thành thủ tục nhập học, tôi cùng Quỳnh sang văn phòng Khoa Tài chính quốc tế. Do đã học khóa dự bị ở trường nên Quỳnh rành rẽ các thủ tục, còn hồ sơ nhập học Quỳnh đã hoàn thành trước đó giờ chỉ đợi đến ngày là nộp thôi. Quỳnh chỉ cho tôi lớp học ở đâu, thư viện góc nào. Quỳnh bảo những hôm cả hai không có tiết học ở giảng đường thì tôi có thể qua thư viện học nhóm cùng với Quỳnh cho vui. Trường Shefield có tới năm thư viện, mỗi thư viện có các dãy giá sách kê ngay bên cạnh các bàn học. Cần sách gì để học thì có thể lại giá sách tự lấy. Mỗi bàn học đều có đèn bàn để học xuyên đêm, có ổ cắm điện laptop tại mỗi bàn. Không khí học tập tập trung cao độ. Mọi người ý thức giữ im lặng. Và hầu như tôi chỉ thấy các sinh viên cắm đầu mà học chứ không nói chuyện làm ồn.

Những buổi học đầu tiên khá vất vả với tôi vì vốn tiếng Anh chưa thật sự tốt. Nhiều môn học tôi không thể nghe và hiểu ngay hết được lời thầy giáo giảng bài nên tôi phải dành khá nhiều thời gian trên thư viện để đọc lại bài và cũng để đọc các bài học trước khi lên giảng đường. Tôi cũng dành nhiều thời gian để học nhóm cùng Quỳnh. Gọi là học nhóm nhưng chính xác hơn thì là ngồi học cùng nhau, vì tôi và Quỳnh học hai chuyên ngành khác nhau. Tôi thấy học cùng nhau tạo nên động lực và hiệu quả hơn là tự học một mình.

Sau vài ba tháng, sau những buổi học nhóm của hai đứa trên thư viện và sau những giúp đỡ lẫn nhau ban đầu, thì tình bạn của tôi và Quỳnh đã trở nên thân thiết hơn. Tôi dần có cảm tình với sự nhiệt tình và thân thiện của Quỳnh. Hồi mới sang đây, tôi và Quỳnh tự nấu ăn riêng vì chúng tôi ở hai tầng khác nhau của căn cư xá. Con gái thì không nói làm gì, chứ tôi thì lười nấu ăn mà còn bận học nên ăn uống qua loa. Nhiều hôm tôi chỉ chạy xuống siêu thị gần nhà mua bánh hamburger làm sẵn rồi quẳng vào lò nướng lại cho nóng là ăn, hoặc mua ít bánh mỳ rồi phết mứt dâu lên trên ăn cho xong bữa. Quỳnh biết vậy thì lắc đầu bảo: “thế là không được.” Quỳnh đề nghị dù học hành thế nào thì không thể ăn uống sơ sài buổi tối được. Quỳnh bảo tôi xuống nấu cơm cùng Quỳnh. Có được lời này, tôi như mở cờ trong lòng, đồng ý hai tay hai chân ngay tắp lự.

Có hai người thì nấu ăn cũng dễ hơn, chứ một mình thì nấu gì cũng thừa mà thấy không bõ công. Quỳnh nấu ăn khá ngon, biết nấu các món Việt Nam truyền thống, làm cho cảm giác xa nhà của tôi không còn nữa, bởi các món ăn cũng không khác gì ở nhà. Gạo thì có thể mua được ở cửa hàng Trung Quốc, còn có nước mắm, muối, giá cả lại phải chăng. Sau mỗi bữa ăn, phần việc của tôi là rửa bát, còn Quỳnh pha hai cốc trà nóng để cả hai nhấm nháp trò chuyện. Điều tôi thích nhất của gian bếp là không gian mở nhìn ra ngoài qua lớp cửa kính trong suốt. Từ cửa kính trên tầng cao tôi nhìn xuống con đường ở phía dưới, những hàng cây và một sân chơi rộng rãi. Những giờ không lên giảng đường, không vào thư viện, tôi thích được thảnh thơi ngồi trên ghế sô-pha trong bếp rồi tư lự nhìn qua lớp cửa kính ngắm hàng cây đang rụng những chiếc lá vàng mùa thu, ngắm tuyết phủ kín con đường mùa đông, và ngắm những cơn mưa bất chợt mùa hạ với hạt mưa li ti cố bám đậu nhưng rồi vẫn trượt dài trên mặt ngoài cửa kính. Trong gian bếp ấm cúng, tôi cũng thích nhìn Quỳnh nói chuyện, nét miệng ánh mắt như luôn cười với chiếc má lúm trông rất đáng yêu. Quỳnh nói chuyện có duyên, chuyện trường lớp, rồi chuyện bố mẹ ở nhà gọi sang dặn dò gì con gái. Vui chuyện, Quỳnh rủ tôi sang hè đi du lịch châu Âu, sang Pháp, Ý, Tây Ban Nha rồi cả Thụy Sỹ. Tôi nghe háo hức lắm, cũng muốn một lần được đi du lịch ở những xứ ấy, vì biết đâu lần sau khi nào mới sang lại được châu Âu.

Mùa đông năm ấy, lần đầu tiên tôi được cùng Quỳnh ngắm những bông tuyết trắng muốt rơi xuống như hoa từ trên trời. Hôm đó đã hơn một giờ sáng, tôi học khuya đói bụng nên vào bếp lục nồi. Nhìn qua ô cửa kính, tôi ngỡ ngàng khi lần đầu tiên thấy tuyết phủ trắng xóa khắp mọi nơi, chỉ tuyền một màu trắng. Mới hồi chiều thành phố cổ kính trầm mặc chỉ có một gam màu nâu thẫm, thế mà giờ đây cả thành phố như bước ra từ trong chuyện cổ tích. Tôi chạy xuống phòng Quỳnh gõ cửa, cả hai mặc đồ đủ ấm rồi lao ra ngoài sân đùa nghịch với tuyết và chụp ảnh. Một vài người khác cũng gọi nhau í ới, vẽ trên tuyết rồi đắp người tuyết, cắm cành cây làm chân tay, quàng cả khăn và đội mũ. Ngửa mặt lên và cảm nhận những bông tuyết lạnh rơi vào mặt và tan chảy, cảm giác thật thú vị và mới mẻ.

Ngày mùa đông năm ấy, nền nhiệt độ xuống thấp hơn mọi năm, tuyết rơi dày phủ trắng các con đường. Tuyết bao trùm những mái nhà, cả những gốc cây cao vút bên đường mà mùa thu trước đó còn trơ trọi khẳng khiu với những tán lá vàng đang rơi rụng. Nhiều hôm nhà trường phải cho học sinh nghỉ học vì tuyết rơi dày làm giao thông tê liệt. Mùa đông giá lạnh năm ấy, trong căn bếp ấm cúng, tôi mạnh dạn nắm bàn tay Quỳnh và nói lời yêu thương. Quỳnh có chút ngập ngừng ban đầu, rồi bàn tay bé nhỏ cũng ngoan ngoãn nằm yên trong lòng bàn tay tôi. Nơi trời Âu lạnh lẽo, lại cùng cảnh học xa nhà, những bờ vai cần hơi ấm kề sát những bờ vai. Tôi chuyển xuống ở với Quỳnh. Căn phòng phía trên tôi trả lại cho chủ nhà. Tính ra chúng tôi cũng tiết kiệm được một khoản không nhỏ, gần 300 bảng Anh cho một tháng tiền nhà. Mùa đông năm ấy, tôi có Quỳnh và thấy mình đang sống trong những tháng ngày hạnh phúc. Con đường vắng vẻ phủ đầy tuyết trắng từ nhà tới trường giờ có Quỳnh đi sát bên, cùng chung một chiếc ô trong suốt che trên đầu. Dù giày ngập trong tuyết phủ, dù miệng xuýt xoa vì giá lạnh, nhưng trong lòng tôi ấm áp và lan tỏa những hân hoan hớn hở của lần đầu biết yêu.

Rồi mùa đông lạnh giá qua đi, mùa hè ấm áp năm đó cũng tới. Tôi và Quỳnh có chuyến du lịch châu Âu trước khi lao vào làm đồ án tốt nghiệp và trở về nước. Hai đứa làm thị thực Schengen nên có thể đi khắp các nước trong cộng đồng chung châu Âu. Với tôi và Quỳnh, mùa hè đó thật đẹp. Ban ngày chúng tôi đi thăm thú các nơi, chụp ảnh dưới những giỏ hoa khoe sắc, với những con sông phẳng lặng, với những rừng cây tươi tắn trong nắng vàng. Buổi tối chúng tôi ăn tối ở những nhà hàng với ngọn nến lung linh hay chỉ đơn giản là gặm tạm chiếc bánh mì mua ở ven đường rồi chúng tôi trở về phòng và quấn lấy nhau. Chúng tôi đang được sống trong những ngày đáng sống nhất của cuộc đời. Nồng nàn và cháy bỏng.

Những ngày cuối cùng của chúng tôi trên xứ sở sương mù như một thước phim tua nhanh với bao cảnh chuyển tiếp và bao cảm xúc lẫn lộn. Cả tôi và Quỳnh đều bận rộn ở trên thư viện để hoàn thành đồ án môn học, cố gắng tốt nghiệp với điểm số cao nhất. Bài vở ngập đầu khiến thời gian chúng tôi dành cho nhau ít dần đi. Thế nhưng thời gian buổi tối ngắn ngủi thì luôn bên nhau và cố gắng sống chậm nhất có thể. Chẳng hiểu sao, những ngày đó Quỳnh lặng lẽ hơn, ít nói cười như mọi khi. Nhiều đêm tôi ôm Quỳnh vào lòng, cả hai chưa ngủ, nhưng chẳng nói chuyện gì. Trong vòng tay tôi nhưng ánh mắt Quỳnh nhìn xa xăm có chút đượm buồn và nghĩ suy. Rồi trước khi chuyến bay ngày trở về một tuần, Quỳnh nói với tôi một điều làm tôi bàng hoàng nhớ mãi không thôi: “Có lẽ em phải rời xa anh thôi. Mối tình của chúng ta cũng chỉ nên gói gọn ở miền tuyết trắng này. Lỗi là tại em, em quá tham lam và yếu đuối rồi.” Tôi hiểu, Quỳnh có điều khó nói và có một dự định khác ở Việt Nam. Và trong dự định ấy, không có tôi trên con đường sắp tới. Tôi gắng hỏi nhưng Quỳnh nhất mực không nói. Ngày vui nào đâu có thể kéo dài mãi, tôi như đứa trẻ bị người ta tước đoạt đồ chơi, bàng hoàng và uất nghẹn. Nhưng tôi không khóc. Rồi cũng như đứa trẻ, khi biết rằng đồ chơi đó đã bị người ta lấy đi mãi mãi, tôi dần dần đành chấp nhận sự thật phũ phàng. Lần cuối cùng tôi và Quỳnh ngồi bên nhau là trên chuyến bay trở về nước.

Cũng một ngày tháng chín nóng hôi hổi khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, tôi trở về. Đón tôi ở sân bay là bố mẹ và những người bạn thân. Tôi liếc nhìn sang bên cạnh. Quỳnh đi cùng chuyến bay và cũng đang nhận được sự đón chào ngày trở về từ gia đình, bạn bè và một bó hoa hồng tươi thắm từ một chàng trai nữa. Ừ, thế đấy, Quỳnh đã có một mối tình ở nhà mà ngày hẹn ước cho một đám cưới chỉ còn chờ ngày trở về này thôi. Hai gia đình đứng không cách xa nhau là bao. Nhưng chỉ có hai nhân vật chính trong buổi chiều hôm ấy hiểu những gì đã xảy ra. Khi tôi đưa mắt nhìn qua thì đôi mắt biết cười của Quỳnh ngày nào vội cụp xuống rồi ngó sang nơi khác. Ánh mắt khó mà giấu ai điều gì, trong một khoảnh khắc rất nhanh đó, tôi biết Quỳnh đã đưa ra một quyết định dứt khoát.

Quỳnh về nước chưa được một tháng thì vào làm việc tại ngân hàng mà bố mẹ nàng là sếp lớn ở đó. Bạn trai của Quỳnh cũng là một trưởng phòng của ngân hàng này. Mùa thu năm đó Quỳnh lấy chồng, một đám cưới xa hoa và lộng lẫy ở giữa đất thủ đô phồn hoa đô thị. Tôi không được mời dự đám cưới, chỉ thấy ảnh cô dâu tươi cười và hạnh phúc qua Facebook của bạn bè.

Sau khi về nước một thời gian, tôi vào Sài Gòn làm việc theo lời mời của một tập đoàn Anh Quốc có văn phòng tại Việt Nam cho dự án bảo mật thông tin của ngân hàng. Cuộc sống cứ vậy cuốn đi theo nhịp sống hối hả của Sài Gòn. Nhưng buổi tối khi trở về căn hộ một mình, tôi vẫn thấy một nỗi buồn chống chếnh và cô đơn. Hình bóng Quỳnh vẫn chưa thể phai mờ trong trái tim tôi. Sợi nhớ cứ tưởng như mỏng manh có thể đứt bất cứ lúc nào ấy, lại là sợi tơ bền chặt quấn quanh trái tim tôi thành một chiếc kén ngày càng dày chắc. Lạ thật, có gì làm tôi mãi vương vấn nhỉ, khi người tôi thương đã yên ổn một cuộc sống giàu sang. Có lẽ bông tuyết trắng nơi trái tim tôi vẫn chưa chịu tan chảy, dù đã trở về với xứ sở nhiệt đới nóng lắm mưa nhiều này.

Một buổi tối sau giờ tan làm, tôi trở về căn phòng trên tầng cao của khu chung cư nhìn xuống sông Sài Gòn. Vừa thả mình xuống ghế sô-pha sau một ngày làm việc khá căng thẳng thì chợt nghe tiếng chuông cửa. Thường giờ này ít có ai tới phòng tôi, trừ mấy đứa trẻ hàng xóm nghịch ngợm. Mở cửa ra, tôi như đứng hình. Là Quỳnh. Sao nàng lại biết tôi ở phòng này nhỉ. Đã hai năm nay chúng tôi không có liên lạc gì. Đúng ra là Quỳnh đã cắt hoàn toàn liên lạc với tôi từ ngày xuống sân bay trở về nước. Có lẽ Quỳnh hỏi được địa chỉ của tôi qua một người bạn nào đó. Trông Quỳnh khá mệt mỏi, đôi mắt đỏ ngầu như vừa mới khóc. Quỳnh vào Sài Gòn làm gì nhỉ? Tôi cứ nghĩ cuộc sống của nàng đã được an bài chu đáo ở Hà Nội.

Mời Quỳnh ngồi vào ghế, tôi rót cốc nước lọc đưa cho nàng uống. Sau phút ban đầu bất ngờ, tôi cũng bình tĩnh ngồi ghế bên cạnh nói nhỏ: “Lâu rồi không gặp em”. Quỳnh đưa mắt lên nhìn tôi rồi cười buồn. Cuộc sống không đẹp như những giấc mơ. Cuộc sống cũng khó tròn đầy như những bàn tay sắp xếp cố gắng nhào nặn. Cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, Quỳnh sau khi lấy chồng nhưng mấy năm chẳng có con. Chồng Quỳnh sa vào cá độ bóng đá và lô đề nên nợ một khoản tiền lớn. Bố mẹ vợ phải đứng ra dàn xếp nhưng nợ nần xã hội đen như muối bỏ bể. Vợ chồng Quỳnh ly dị ít lâu sau đó. Cũng may không có con cái, của cải chung cũng không còn, nên không có gì để mà chia chác. Quỳnh một mình vào Sài Gòn đã mấy tháng nay, làm cho một ngân hàng thương mại. Có lẽ Quỳnh đi thật xa để quên đi đau khổ, tránh xa tai tiếng dị nghị của cuộc hôn nhân đổ bể. Thế nhưng Quỳnh không đến gặp tôi ngay. Vẫn hàng ngày lặng lẽ đi làm, rồi về căn phòng trọ một mình. Tôi cầm tay hỏi Quỳnh: “Sao vào đây rồi mà không tìm tới gặp anh?”. Quỳnh không nói gì, chỉ mặt buồn nhìn xa xăm.

Tối đó tôi dẫn Quỳnh tới một nhà hàng ven sông Sài Gòn. Gọi chút rượu vang, như tôi bảo, để uống mừng ngày gặp lại. Nước sông lên cao, lững lờ trôi kéo theo những đám lục bình xanh biếc. Ánh đèn loang loáng chiếu xuống dòng sông như tạo thành ngàn vì sao lấp lánh. Uống cạn ly rượu vang, Quỳnh bảo: “Không biết gặp anh có tiện không. Nhưng lòng em lúc này mềm yếu quá. Lúc nhá nhem chập choạng tối, em nhớ nhà khôn nguôi, nhưng chẳng có đủ dũng khí để trở về. Và bước chân em như đưa lối dù trong đầu đã cưỡng lại ước muốn đi gặp anh. Em ích kỷ quá chăng?” Tôi nhìn Quỳnh và nói: “Dọn đến ở với anh nhé. Căn phòng ngày xưa chật chội mà vẫn đủ cho hai người. Giờ phòng rộng quá mà anh lại vẫn không biết nấu ăn.” Quỳnh cười: “Thế là giấc mơ tuyết trắng lại có thật ở miền nhiệt đới phải không anh?”.

Trên thế giới có nhiều tỷ người. Trên đất nước Việt Nam có muôn triệu người. Giữa Sài Gòn tấp nập có hơn 9 triệu người. Nhưng cơ duyên để gặp một người mà mình sống cùng, nếu nói cho đúng, tôi nghĩ là do hai chữ “duyên phận”. Cứ vậy, tôi và Quỳnh lặng lẽ sống với nhau giữa đất Sài Gòn tấp nập ồn ào. Mùa xuân năm ấy, tôi ngỏ lời với Quỳnh. Và thật nhẹ nhàng, Quỳnh mỉm cười hạnh phúc và gật đầu đồng ý. Mùa xuân năm ấy, tôi và Quỳnh mang theo hai cành mai vàng về với đất Bắc. Một cành mai tôi mang tới nhà bố mẹ Quỳnh để thưa chuyện. Một cành mai để Quỳnh về ra mắt bố mẹ tôi. Mùa thu năm ấy, chúng tôi cưới nhau bằng một đám cưới giản dị, chỉ có gia đình và bạn bè thân thiết của hai đứa. Tuần trăng mật, tôi đưa Quỳnh trở lại thành phố Shefield. Chúng tôi ghé thăm trường xưa, ghé thăm căn cư xá, ghé thăm thư viện những ngày chụm mái đầu học bài cùng nhau.

Kể cũng lạ, tôi và Quỳnh như đi hết hai nửa của một vòng tròn. Gặp nhau ở điểm bắt đầu, rồi chia xa hai ngã, rồi lại gặp và cùng nhau đi tới điểm bắt đầu ấy. Giờ đây, sau những đổ vỡ và lạc bước, chúng tôi không toan tính gì cho tương lai, mà chúng tôi lấy điểm tựa quá khứ để sống trọn vẹn cho những tháng ngày hiện tại. Từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây, từng hơi thở…

L.N.S
(TCSH428/10-2024)

 

 

Các bài mới
Chiều thu mưa (15/11/2024)
Các bài đã đăng
Chùm thơ Lê Nhi (11/11/2024)