Tạp chí Sông Hương - Số 428 (T.10-24)
Liệt truyện anh hùng bình dân Nam Bộ
14:41 | 14/11/2024

VÕ QUỐC VIỆT

(Đọc “Đất Việt trời Nam liệt truyện” của Trần Bảo Định)

Liệt truyện anh hùng bình dân Nam Bộ

Trong khoảng một thập kỷ, nhà văn Trần Bảo Định đã có gia tài văn chương đồ sộ. Từ thơ ca, truyện ký cho đến nghiên cứu lý luận phê bình, hơn hai mươi đầu sách của Trần Bảo Định đã trình làng. Trên trang văn, phạm vi đề tài của Trần Bảo Định rất phong phú đa dạng; song văn hóa lịch sử vẫn là địa hạt nổi bật hơn cả. Và để kết dệt chiều dài văn hóa lịch sử hơn ba trăm năm vùng đất Nam Bộ, nhà văn quê Long An vừa trình làng tuyển tập Đất Việt trời Nam liệt truyện (do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành). Đây là tuyển tập văn xuôi lịch sử đặc sắc của nhà văn Trần Bảo Định; ví như “trường thiên tiểu thuyết” qua nhiều giai đoạn lịch sử gian lao mà anh hùng của người và đất Nam Bộ mến yêu.

1. Tuyển tập trải dài từ những người lưu dân đầu tiên vào Đàng Trong (hồi một, từ năm 1620…), cho đến khi vương triều Nguyễn thiết lập chính thể thống nhất, khi thực dân Pháp xâm lược (hồi hai, từ 1859…) và tiến hành hàng loạt cuộc khai thác thuộc địa ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX (hồi ba, từ 1900…). Qua tuyển tập này, “bạn đọc sẽ cảm thấy âm vang tiếng nói hào sảng, cảm khái tính cách phóng khoáng và phẩm chất nhân nghĩa thủy chung của người bình dân châu thổ Cửu Long”. Du hành theo dòng lịch sử, bạn sẽ cảm nhận rõ hơn sự biến động vĩ mô thời đại, cùng với sự biến thiên vi mô trong đời sống lao động sản xuất và văn hóa phong tục thường ngày của người bình dân. Trang văn cũng cho thấy thay đổi sâu sắc trong cơ cấu văn hóa và nhận thức thời đại của người bình dân do việc thiết lập chế độ thuộc địa của thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ nửa cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX. Với truyền thống yêu nước thương nòi, họa ngoại xâm càng kích hoạt khả lực cách mạng sôi nổi, càng sản sinh thêm những bậc anh hùng như: Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Nguyễn Trung Trực, Phan Văn Đạt,… càng khêu sáng thêm khí tiết anh hùng phương Nam.

Về ýnghĩa tên gọi tuyển tập, “liệt truyện” vốn làvăn bản ghi chép tiểu truyện nhân vật anh hùng trong chính sử (hay sử của chính thể). Liệt truyện thuộc thể kỷ truyện - một thể thức thư tịch cổ phổ biến trong văn học trung đại Đông Á. Thể kỷ truyện gồm bản kỷ (chép truyện nhà vua), liệt truyện (chép truyện hoàng tộc, ngoại thích và nhân vật có đóng góp lớn). Trong khi đó, liệt truyện của Trần Bảo Định lại xuất phát từ nhãn quan bình dân để ghi chép tiểu truyện của những người anh hùng bình dân Nam Bộ. Họ có thể là những người hữu danh (như Đỗ Thanh Nhơn, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huỳnh Đức, Lê Văn Duyệt, Mai Tự Thừa,…); hoặc những người vô danh (Lê Phước Tang, hai bà vợ của Phan Thanh Giản, Cô Hai Rái, Cô Sáu Sanh, mẹ của ĐỗTrình Thoại,…). Nhưng trên hết, nhà văn muốn tôn vinh tinh thần người anh hùng xuất thân bình dân và trọn đời gắn bó bình dân. Đó là những vị anh hùng không được chính sử ghi chép, hoặc ghi chép từ “nhãn quan khác” (ví dụ Lê Xuân Giác - kỳ sĩ đất Sầm Giang). Thế nhưng, ta thấy nhà văn không xuất phát từ hệ quy chiếu chính sử mà xuất phát từ lợi ích nhân dân đất nước để giúp cho bạn đọc nhận ra đóng góp to lớn của những anh hùng bình dân phương Nam. Cho nên nói, Đất Việt trời Nam liệt truyện là dân gian sử, là tiểu truyện của những người anh hùng chân lấm tay bùn. Họ đã sống trong lòng dân và chắc chắn sẽ còn tiếp tục sống mãi trong lòng nhân dân. Không dừng lại ở trang viết lịch sử về con người xứ sở, tuyển tập Đất Việt trời Nam liệt truyện còn biểu thị nhân cách văn hóa và dòng sinh mệnh văn hóa Nam Bộ. Du hành lịch sử cùng trang liệt truyện, bạn sẽ nhận thấy rõ ràng hơn nữa phong khí tốt tươi, tràn đầy sinh lực của miền châu thổ Cửu Long.

2. Qua phép đọc song song, tác phẩm của Trần Bảo Định và chính sử có thể nói đã không ngừng trao đổi, truy vấn và chuyển hóa lẫn nhau. Chính sử và dân gian sử có khoảng cách nhất định và trang viết của Trần Bảo Định đã hiệp thông hai địa hạt này, làm sáng tỏ nhiều “góc khuất dưới chưn đèn” của sử thời. Nhờ đó, bạn đọc nhận ra thực chất ý hướng anh hùng bình dân Nam Bộ. Đó là cuộc tranh đấu vì dân vì nước hơn là tranh đấu vì vương thổ cho vương quyền. “- Thưa quan lớn! Đất nào đất của vua, của nhà Nguyễn? Đất từ mồ hôi nước mắt và thậm chí, cả máu xương của bao lớp người lưu dân đi khẩn đất. Chính họ chớ không phải vua quan là người chủ đất. Vua Tự Đức không có cái quyền đem đất của dân làm quà dâng cho giặc, rồi chơi trò sấp ngửa với dân Nam Kỳ!” (Tập Trung, tr.121). Câu nói của Âu Dương Lân phỉ nhổ vào mặt tên vong nô Trần Bá Lộc đã nêu rõ khí tiết dân Nam Kỳ. Bằng cách đó, nhà văn đặt người đọc vào tình thế, không phải đọc sử, mà ngẫm sử. Việc này giúp bạn đọc không chỉ biết sử và còn hiểu sử. Hành động tư tưởng về phía lịch sử của người đọc khi tiếp nhận tuyển tập này, thậm chí, có thể làm thay đổi hoàn toàn nhãn quan lập thành sử tính trong tư duy bạn đọc. Bức tranh lịch sử hiển hiện ra như thế nào tùy thuộc vào tâm thế của người lập sử. “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Vậy sử tính nào sống đời với nước non!

Trong cơn quốc nạn, chính những anh hùng bình dân vô danh đóng góp xương máu cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Như ý thơ Nguyễn Đình Thi: “Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên/ Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. Với chất giọng bình dân, lập sử trên căn tính dân gian, Đất Việt trời Nam liệt truyện đã lên tiếng cho những tiếng nói “thấp cổ bé họng” bị gạt ra ngoại vi trong cuộc thư hùng vương quyền. Nhưng cũng chính những tiếng nói ấy, những con người ấy đã gột rửa quốc nhục, cứu nguy quốc nạn. “- Máu của ai? Máu dân mới rửa sạch nước dơ. Máu vua quan cúi đầu lụy giặc chỉ tổn làm nước dơ thêm! […] Triều đình Huế chơi trò hai mặt với phong trào dân chúng chống thực dân Pháp ở Nam Kỳ. Biết vậy, song kẻ sĩ và dân chúng chẳng để tâm và nản lòng” (Tập Trung, tr.119). Chính vậy, không ít nho sĩ trở về với dân, cùng dân đánh giặc ngoại xâm; như Đỗ Trình Thoại ở Gò Công, Trần Xuân Hòa (tức Phủ Cậu) ở Thuộc Nhiêu, Đỗ Thúc Tịnh ở Mỹ Quý, như Võ Duy Dương ở Tháp Mười,… Bởi như Âu Dương Lân đã nói: “Dẫu chỉ là cục đất chọi chim, người dân thất học quê tôi cũng quyết giữ. Tôi, kẻ có học và từng đọc sách thánh hiền, chẳng lẽ không bằng họ?” (Tập Trung, tr.120). Cho nên nói, chủ yếu thông qua các anh hùng vô danh mà chủ đích nghệ thuật của Trần Bảo Định được bộc lộ sáng rõ, ấy là quan niệm: Nhân Dân Anh Hùng!

Với khả lực liên văn bản đa chiều, tuyển tập Đất Việt trời Nam liệt truyện của Trần Bảo Định còn kết dệt trường cộng hưởng triết sử mạnh mẽ. Không chỉ bởi quy mô không - thời gian của tuyển tập mà còn bởi khả năng cộng thông với các văn bản phi văn học ngoài tuyển tập mà bộ sách này tạo nên mạng lưới sử liệu, ví như những kênh rạch chuyên chở dòng nước phù sa nuôi nấng vun bồi cho xứ sở. Mỗi “liệt truyện” như mỗi con kênh, dòng sông đưa chiếc xuồng lòng ta xuôi theo thời gian lịch sử của đất Việt trời Nam, men theo con đường đất quê nhà để sống lại những năm tháng hào hùng, với những chiến công oanh động nức lòng dân quê. “Đời sau, không ai không nhớ lão Tám, làm rạng rỡ dòng họ Mai và thằng Nhanh, xứng danh đứa con Cần Giuộc, sống thác chẳng hổ thẹn với những gì mà Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc lưu truyền” (Tập Trung, tr.246). Vì thế, Đất Việt trời Nam liệt truyện chính là bộ trường thiên tiểu thuyết ca ngợi khí phách nghĩa sĩ vô danh vì nước quên mình.

Nếu xem lịch sử như văn bản thì, sự lập sử chịu tác động của chí ít ba nguyên nhân: nhãn quan thời đại, nhãn quan liên thời đại và biến đổi của ngôn ngữ. Như vậy, mọi văn bản sử, sau khi đã xảy ra và lập thành, đều liên tục được tái tạo. Tuyển tập Đất Việt trời Nam liệt truyện của Trần Bảo Định chính là minh chứng của sự tái tạo liên tục sử tính Nam Bộ. Đáng nói, nhà văn không chỉ tái hiện mà còn tái tạo tâm thế cho người đọc phóng nhãn quan về sử tính Nam Bộ trên ba trăm năm lịch sử. Từ đây, ta nhận ra, sử tính Nam Bộ (mở mang bờ cõi, bảo vệ đất nước và giữ hồn dân tộc) vẫn liên tục được tái tạo; khiến cho sử tính Nam Bộ đến tận hôm nay vẫn mới mẻ, cập nhật, thiết thực và gần gũi. Sử tính ấy cũng cho thấy khả lực cách mạng mạnh mẽ trong tâm hồn bình dân phương Nam. Trong đó, khí khái oanh liệt đáng nể là các bậc anh thư, như: công nữ Ngọc Vạn, bà Hai - người gốc Lam Kinh, bà Hai Cúc ở gãnh Mù U (Tập Thượng); cô Hai Rái, cô Sáu Sanh, bàTư Thịnh (Tập Trung); Dì Ba chẻ chữ, Cô Bảy Sòng Phẳng, bà Nguyễn Thị Bảy (Tập Hạ). Trịnh Hoài Đức từng nhận xét: “Thành Gia Định ở về phương Nam, chỗ gần ánh sáng mặt trời, người phần nhiều trung dũng khí tiết, khinh của trọng nghĩa, dù đàn bà con gái cũng thế. Người đẹp có rất nhiều, mà người giàu, người thọ, người trí xảo, cũng phần nhiều là đàn bà”*. Góc nhìn của Trịnh Hoài Đức nếu nghĩ kèm quan niệm địa văn hóa, hẳn cũng có phần hữu lý. Và thực tiễn lịch sử Việt Nam hiện đại cũng cho thấy, đất Nam Bộ có vị nữ tướng đầu tiên ghi dấu ấn sâu đậm với “đội quân tóc dài” và phong trào Đồng khởi Bến Tre.

3. Vốn là cựu sinh viên Ban Triết của Trường Đại học Văn Khoa (Viện Đại học Đà Lạt), Trần Bảo Định tiếp cận nền triết học Đông Tây có hệ thống. Đây là điều kiện thuận lợi, góp phần đáng kể hình thành nhãn quan triết lý của ông trong sáng tạo nghệ thuật. Nhưng triết học trường quy không chi phối mà ngược lại bị chi phối/bị soi chiếu bởi triết lý bình dân mà nhà văn trực tiếp cảm nghiệm từ đời sống trực quan của người dân quê hệch hạc chất phác. Đây là điều khiến cho trang viết về văn hóa lịch sử của Trần Bảo Định vừa như cuộc đối thoại với lịch sử, vừa như cuộc truy vấn triết lý về phía lịch sử. Do đó, Đất Việt trời Nam liệt truyện không chỉ ghi chép tiểu truyện mà còn hàm chứa tỉ trọng tư tưởng đáng kể. Và thông qua tuyển tập này cũng như toàn bộ trước tác của Trần Bảo Định, bạn có thể ít nhiều nhận ra bước chuyển tiếp từ diễn ngôn Nam Bộ (được định hình từ Gia Định báo nửa cuối thế kỷ XIX, đến Hồ Biểu Chánh nửa đầu thế kỷ XX, đến Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam giữa và nửa sau thế kỷ XX, đến Nguyễn Ngọc Tư đầu thế kỷ XXI), để từ văn xuôi Trần Bảo Định trở về sau, chúng ta dần sẽ nhận ra diễn ngôn Nam Bộ mới. Từ diễn trình này, bạn có thể nhận ra: văn xuôi Trần Bảo Định vừa như sự tập thành vừa như đà tiến bước của văn học Nam Bộ hiện thời và trong tương lai.

*

Và xin mượn ý của Việt Điểu Thái Văn Kiểm để nói về tuyển tập văn xuôi của Trần Bảo Định: những tinh hoa đẹp đẽ của dân tộc, những màu sắc tươi thắm của xứ sở, bạn hãy cùng tôi ôn lại trong tuyển tập Đất Việt trời Nam liệt truyện - tập sách như nhịp cầu thấu cảm với đồng bào toàn quốc và cũng là chút lòng thành dâng lên Tổ Quốc mến yêu. Tuyển tập Đất Việt trời Nam liệt truyện là dân gian sử hàm chứa dân gian triết biểu thị dân gian tính và khí phách oanh liệt của đất và người Nam Bộ mến yêu.

V.Q.V
(TCSH428/10-2024)

------------------
* Trịnh Hoài Đức (1999), Gia Định thành thông chí (Đỗ Mộng Khương & Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính), Viện Sử học - Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc Gia. Hà Nội, Nxb. Giáo Dục, tr.142.

 

 

Các bài mới
Chiều thu mưa (15/11/2024)
Các bài đã đăng
Ngày tuyết rơi (13/11/2024)
Chùm thơ Lê Nhi (11/11/2024)