Tạp chí Sông Hương - Số 428 (T.10-24)
Người lên núi và biến mất
14:45 | 15/11/2024

NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN

Ông Trà quàng sợi dây lên vai tập tễnh bước, con trâu đang ngoạm cỏ thấy dây thừng bị kéo căng thì chậm chạp bước theo.

Người lên núi và biến mất
Minh họa: Ngô Lan Hương

Những bước chân như dấu chấm phẩy của gã đàn ông mới hơn năm mươi nhưng đã lọm khọm như lão già bảy mươi in trên bờ ruộng mấp mô. Gió thổi làm sóng lúa lao xao, nắng lên cao làm bóng người lẫn bóng trâu đổ dài trên vạt lúa xanh um. Một đám trẻ bắt châu chấu gần đó, thấy ông Trà chúng đưa tay làm loa kề vào miệng hét to: “Trà em ông Nhạt, Trà em ông Nhạt”.

Trà đưa tay đẩy cái mũ tai bèo rách bươm lên khỏi trán, đưa mắt nhìn về đám trẻ. Lũ trẻ tinh ranh thấy ông nhìn thì càng hú hét to hơn: “Trà em ông Nhạt, Trà em ông Nhạt”. Ngay lập tức, ông Trà buông sợi dây thừng, vớ lấy cục đất trên bờ ruộng ném về phía chúng miệng không ngừng phát ra tiếng ú ớ. Lũ trẻ nào có sợ, chúng biết đôi chân chấm phẩy của Trà có chạy nhanh cỡ nào cũng đâu bằng đôi chân nhổ giò cao nhồng của chúng. Trà giậm chân bình bịch, ném lia lịa những thứ có thể vớ được trên bờ ruộng về phía chúng. Lũ trẻ thấy vậy cười như nắc nẻ. Trò đùa tai quái chỉ kết thúc khi một người đàn bà cắp thúng đi ngang và bảo chúng dừng ngay cái trò mất dạy đó lại.

Ở cái làng này ai chẳng biết Trà là anh ông Nhạt. Chẳng hiểu ngày trước cha mẹ của hai người thích trà hay ghét trà mà lại đặt tên cho con như vậy. Ngay từ lúc ra đời tâm trí của Trà đã dở dở ương ương như thế. Trà bị tật ở chân, miệng lại không nói được, lúc nào cũng cười hềnh hệch như trẻ lên ba. Trà cứ cười ngơ ngác trước bất kỳ vui buồn, chuyện lớn chuyện nhỏ gì xảy ra ở làng. Nhưng khi ai đó bảo: “Trà là em ông Nhạt” thì Trà lại lên cơn. Trong tâm trí của Trà, điều đáng tự hào nhất, điều khiến Trà vẻ vang nhất trong cuộc đời này là làm anh của ông Nhạt. Đâu ai có quyền chạm đến lãnh địa thiêng liêng đó của Trà được.

Trái với Trà, ông Nhạt lại là kẻ tinh ranh. Ông Nhạt nhỏ thó như anh, riêng đôi mắt lúc nào cũng sáng quắc như mắt mèo ban đêm. Ông Nhạt ruộng tính bằng mẫu, bò tính bằng đàn. Gặt xong, gọi thương lái đến ruộng cân lúa, ông cầm một cục tiền dày cộm cười phớ lớ bỏ tọt vào túi áo.

Ông Nhạt chẳng mấy khi quan tâm chuyện làng chuyện xã, đám tiệc hiếu hỉ ai mời ông cũng chẳng đi. Ai làm gì kệ ai, miễn đến mùa thóc đầy bồ, tiền trong túi ông rủng rỉnh là được. Ông Nhạt có thú vui nằm tòn ten trên võng, mắt lim dim nghe mấy bài ca ri rỉ phát ra từ chiếc radio. Vợ con biết ý, lúc ông mơ màng như thế thì đừng có làm phiền chứ không sẽ bị ông chửi cho một trận. Thứ có thể khiến ông tắt phụt cái đài, ba chân bốn cẳng chạy vù khỏi nhà chỉ có thể là chuyện về Trà. Hễ nghe ai đó nói Trà bị người ta ăn hiếp, bị đám trẻ con chọc là nhanh như cắt, không màng cả xỏ dép ông Nhạt chạy ra chống nạnh chửi đổng. Đám con nít thấy ông thì mặt cắt không còn giọt máu, nhanh chóng trốn đi nhưng đôi khi cũng có đứa xui xẻo bị ông tóm được. Ông Nhạt nắm lấy dái tai nó mà vặn mà xoắn vừa gào: “Mày có chừa cái tật chọc ông Trà không hả?’’. Cùng với mỗi tiếng “hả’’ là một cái vặn tai làm thằng nhỏ đau muốn chết đi sống lại, sợ đến nỗi mặt cắt không còn giọt máu.

*

Hồi Trà và Nhạt còn nhỏ xíu xiu, thấy hai anh em bồng bế nhau người làng cười mà bảo y chang như con mèo tha dưa cải. Cái chân Trà cà thọt, người gầy đét như cây sậy ốm đói mọc trên mảnh đất cằn cong người vừa bế vừa vác thằng Nhạt. Nhạt đu trên người anh, bám vào cái chân thọt kéo rê trên đường làng, có khi Trà không kham nổi khiến hai anh em ngã chỏng chơ dưới bờ mương. Trà lếch thếch lôi em lên. Người ta cũng chẳng hiểu được vì sao cái thằng dở người ấy lại chăm được em. Trà không nói được, chỉ phát ra những tiếng ú ớ trong cổ họng vậy mà Nhạt lại hiểu. Nhà Trà và Nhạt nghèo quá, mẹ chúng cứ quần quật ngoài ruộng từ tinh mơ tới tối mịt. Hai anh em đèo bòng, chăm bẵm nhau, rồi cười hềnh hệch với nhau. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy Nhạt lớn vượt cả anh. Rồi đến kỳ người ta thấy Nhạt cõng thằng Trà gọn hơ đi qua cây cầu tre bắc ngang con mương dẫn nước ngoài đồng.

Dẫu ông Trà đã ở tuổi năm mươi nhưng người làng vẫn cứ xem Trà là thằng bé ngờ nghệch ẹo người bế em như tha dưa cải hồi nhỏ. Đến lũ trẻ con cũng chẳng sợ Trà, chúng cứ dỏng mỏ mà hô Trà, Trà. Trà nghe người ta gọi tên thì đẩy cái nón rách bươm, nở một nụ cười ngờ nghệch khoe hàng răng vàng như nước trà.

Người làng ngồi với nhau, nhìn ra bóng người bóng trâu ngoài ruộng mà tặc lưỡi có khi Trà giả điên giả khùng cũng nên. Bởi họ đã từng thấy không biết bao nhiêu lần cảnh Trà mon men dắt trâu ra khe nước. Khe nước chảy từ suối, nước trong như nước mắt đàn bà. Chiều chiều lũ đàn bà con gái rủ nhau ra giặt đồ, tắm táp, Trà dắt trâu lại gần, giương đôi mắt sáng rực như mắt sói hau háu nhìn vào thịt da trắng nõn. Ban đầu người ta mặc kệ, gã đàn ông dở điên dở dại ấy thì biết gì. Vậy mà mỗi ngày, con trâu càng gần con khe thêm một tí. Rồi khi giật mình nhìn ngược lên thấy hai con mắt sáng quắc như nam châm hít sắt dán vào những bộ ngực mây mẩy lấp ló sau những làn áo mỏng tang. Từ đó người ta biết cái bản năng đàn ông trong Trà vẫn có.

Ông Nhạt có hai đời vợ. Người ta đồn rằng người vợ đầu tiên của ông bỏ nhà đi bởi vì không chịu nổi cái tật hay rình trộm của anh chồng. Ai đời vừa tắm xong, mở cửa bước ra đã đụng ánh mắt hau háu của Trà ngồi trước cửa phòng tắm. Vẻ mặt ngờ nghệch nhưng đôi mắt thì không giấu được vẻ thèm thuồng. Hàng xóm quả quyết người vợ đầu tiên đã kể rằng không biết bao nhiêu đêm giật mình hoảng hốt vì thấy bóng Trà lần mò vào buồng ngủ. Sống như thế thì làm sao mà ở được! Vậy nên bà vợ đầu tiên mới về mấy tháng đã xếp quần áo mà đi thẳng.

Ông Nhạt đã từng lân la dò hỏi đàn bà con gái trong làng về làm vợ cho anh mình. Nhưng đàn bà quá lứa lỡ thì, chồng chết hay có đui mù sứt mẻ cũng trề môi chê cái gã đàn ông gàn dở ấy dẫu ông Nhạt hứa cho đất, cho ruộng, xây nhà. Suy cho cùng, dẫu có nằm trên đống của cũng chẳng có người đàn bà nào có can đảm rước Trà về làm chồng. Thành thử qua bao nhiêu năm, từ thanh niên đến lúc già lọm khọm vẫn chỉ thấy ông Trà làm bạn với trâu.

*

Người làng nói phước đức lắm mới được làm con trâu của Trà. Nghe qua buồn cười nhưng ngẫm lại đúng thật. Con trâu cứ béo núng na núng nính như trái sim trên đồi qua bàn tay Trà. Trà hay ôm cái đầu trâu kéo ghì vào lòng mình ú ớ, rồi cười hề hề, rồi vỗ vỗ vào lưng nó. Những buổi trưa nóng nực, Trà chịu khó cho trâu nằm đầm mình dưới khe nước mát rượi. Con trâu xuống trước, Trà ùm người xuống sau. Tay cầm mớ cỏ khô, Trà kì cọ từ lưng tới bụng, từ đầu tới đuôi. Những buổi chiều thong thả, Trà tỉ mẩn vạch lông bắt từng con rận. Trà hay ngồi vắt vẻo trên lưng trâu ngó trời ngó đất, những lúc như thế Trà có gương mặt hiền lành nhất làng.

Chăn trâu là việc duy nhất Trà có thể làm sau việc chăm Nhạt hồi bé. Trà không biết cuốc đất, không tra được hạt bắp, càng không biết cấy gặt khi mùa màng đến. Ông Nhạt đã nhiều lần chỉ nhưng Trà cứ cười hềnh hệch rồi vứt chỏng chơ cái cuốc trên bờ ruộng, cầm liềm cắt lúa thì phập vào tay đến chảy cả máu. Gà le te gáy, đã thấy Trà lò dò xuống bếp lục giở kiếm cái ăn rồi dong trâu ra đồng. Trưa nắng về kiếm cơm ăn lại quày quả đi đến tối mịt mới về.

Ở làng, Trà thân với ông Tứ nhất. Chẳng gì hai người cũng là dân chăn trâu kỳ cựu của làng. Ông Tứ hơn Trà cả chục tuổi, cũng chăn trâu từ tấm bé. Chẳng hiểu Trà nói chuyện ông Tứ có hiểu gì không mà cả hai cứ rù rì, rủ nhau dắt trâu hết trên đồi lại xuống ruộng. Sáng sớm Trà khập khiễng dắt trâu ngang nhà ông Tứ ú ớ gọi, ông Tứ và vội miếng cơm nguội còn sót lại trong chén rồi dắt trâu theo. Những buổi chiều hai con trâu no căng bụng, Trà và ông Tứ lại được dịp nhẩn nha ngồi. Trà cứ cười hềnh hệch, giương đôi mắt ngờ nghệch nghe ông Tứ kể chuyện trên trời dưới đất.

Nông thôn mới, đường bê tông băng ngang cánh đồng. Tới mùa cày bừa đã có xe tới tận ruộng. Lúa chín uốn mình, gặt xong thương lái đã đứng trên bờ chờ sẵn để chở đi thì đâu ai cần sức trâu làm gì nữa. Những con trâu từng được người làng nâng niu như gia sản quý giá lần lượt bị bán đi, kể cả con trâu được ông Tứ cưng như trứng mỏng. Ông Tứ chăn trâu cho con trai. Hồi còn trẻ, chưa ai ở làng cày giỏi như ông. Con trâu đi trước, người cầm cày đi sau chỉ cần hô “tắc”, hô “rì” là có những đường cày sắc lẹm, đẹp như mơ. Ông Tứ nhà nghèo rớt, cũng nhờ đi cày thuê mà tậu thêm vài mảnh ruộng. Đến khi không cày nổi thì giao ruộng cho đứa con trai, còn mình hai buổi thong dong chăn trâu. Con trâu của ông Tứ già và chậm chạp lắm. Ông bảo với con trai mình nhờ con trâu mà ông có ruộng có đất, ơn nghĩa lắm nên nuôi đến chết thì thôi. Con ông đâu có chịu, cương quyết kêu thương lái đến bán, còn chỗ chuồng trâu phá đi để làm việc khác. Nuôi trâu bây giờ chẳng được tích sự gì. Trâu già, bán rẻ mạt. Người đàn ông môi xám ngoét như miếng thịt trâu ôi vừa rút tiền ra trả vừa chê ỏng chê eo, bảo trâu già mua về thịt dai nhách, nể tình ông Tứ mới mua. Mà ông Tứ đâu cần gã thương tình. Ông không dám ra chuồng trâu, ông nép vào cánh cửa run run đưa tay chùi nước mắt.

Buổi sáng bán trâu, buổi chiều chuồng trâu bị phá. Những thân cây chắc chắn ngày trước giờ đã mục cả nên chỉ cần đạp mấy phát là sụp xuống. Con dâu ông Tứ mang mớ rau lang ra giâm. Mớ phân trâu cũ mới trên nền đất ấy làm những ngọn rau mới trồng hai tuần đã vượt ngọn non mượt xanh um. Cả nhà ai cũng vui chỉ riêng ông Tứ lúc nào cũng thẫn thờ nhìn ra chỗ đất ấy. Ông thấy mình đột nhiên thừa thãi và vô dụng trong cái nhà này. Những ngày đầu, ông đi ra đồng, cứ nhằm hướng con trâu của Trà mà bước tới. Trà đi trước, con trâu đi giữa, ông Tứ cứ đi theo mà rỉ rả kể về nỗi buồn của kẻ mất trâu. Nhưng Trà nghe xong cứ nhìn ông ngơ ngác bằng đôi mắt cố hữu của kẻ dở người. Rồi thì, ông Tứ cũng chán những lần theo Trà như thế. Ông quay ra làm bạn với rượu. Ban đầu ông nhắm mắt nhắm mũi cố nuốt thứ men say cay nồng kia bởi nó sẽ khiến ông dễ dàng chìm vào những cơn say. Nhưng rồi, uống riết đâm ghiền. Dân làng trố mắt thấy ông Tứ xưa giờ không đụng vào một giọt rượu nào khật khưỡng đi trên đường làng.

Con trâu của Trà là con trâu duy nhất còn lại của làng. Trên cánh đồng mênh mông chỉ còn hai cái bóng một trâu một người đổ dài ngày nắng. Có lần ông Nhạt đề nghị bán trâu, Trà đã gần như phát điên. Trà giậm chân bình bịch, Trà la hét, Trà khóc tu tu y như hồi mẹ chết. Trà chạy lại ôm lấy con trâu chặt cứng như thể buông ra là ngay lập tức nó sẽ bị người ta bắt mất. Thấy Trà phản ứng dữ dội quá, ông Nhạt đành bảo không bán nữa, lúc đó mới thấy Trà dịu lại.

Mà ông Nhạt nói thế thôi chứ ngay đêm hôm đó thương lái đã dắt trâu đi. Ông Nhạt suy nghĩ mãi. Ông không muốn ông Trà cứ dầm mưa dầm nắng ngoài trời suốt như thế. Nắng còn đỡ, mùa mưa về cái lạnh như cắt da cắt thịt, ngồi trong nhà còn run bần bật huống hồ gì là đi chăn trâu ngoài đồng. Từng cơn gió se sắt thổi qua cánh đồng, Trà co ro trong bộ áo mỏng nắm chặt trong tay sợi dây thừng. Người quắp lại vì lạnh, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Thỉnh thoảng Trà lại co người rũ một tràng ho. Đêm về, cơn ho hành hạ nhưng hễ cứ nghe gà gáy báo sáng Trà lại lục tục dậy để đi chăn trâu. Ông Nhạt xót lắm. Ông Nhạt nghĩ, bán quách con trâu đi thì Trà hết khổ. Vậy là đêm hôm đó, có người đã lẳng lặng dắt trâu đi khi Trà còn đang ngủ.

Buổi sáng ấy chấn động cả làng. Trà cà thọt tới chuồng nhưng không thấy trâu đâu. Trà kêu như con lợn bất ngờ bị người ta thọc con dao vào chỗ hiểm. Cái dáng chấm phẩy, té lên té xuống chạy đi tìm trâu khắp làng. Tới nhà ai Trà cũng ú ớ, cũng huơ tay múa chân kể lể. Người ta có hiểu gì đâu, lắc đầu, Trà lại chạy sấp ngửa sang nhà khác. Đến trưa không tìm thấy, Trà bật khóc tức tưởi. Ông Nhạt tới xốc Trà về. Ông Trà bỏ cơm, người rũ như sợi bún dính chặt trên giường. Ba ngày như thế, đến lúc kiệt sức phải kêu y tá đến truyền nước biển thì ông Nhạt mới hoảng. Không khéo phen này Trà chết đến nơi. Vậy là ông rút điện thoại điện cho cái gã môi xám ngoét như miếng thịt trâu ôi hỏi về con trâu. Gã bảo để điện cho lò mổ. May phước, chủ lò mổ bảo con trâu còn ở trong chuồng.

Gã có đôi môi xám ngoét nói với ông Nhạt nếu mua lại con trâu thì giá phải gấp đôi. Bán trâu thì dễ, chứ mua trâu ngược từ lò mổ đâu có dễ. Ông Nhạt buông điện thoại, ngó vào cái giường thấy Trà nằm như con cá thiếu nước trên đó thì ghé miệng vào điện thoại nói như quát “chở con trâu về đây”.

Trà he hé đôi mắt khi nghe tiếng con trâu thở phì phò trong sân. Trà vùng dậy, mặc kệ cái dây chuyền nước biển đang ghim trên tay, khấp khễnh chạy ra. Trà vấp té ngay bậc thềm vì hụt chân. Rồi Trà ngồi dậy, mặc kệ cái tay đang chảy máu vì kim tiêm bị giật ra bất ngờ chạy lại chỗ con trâu mà vuốt ve. Con trâu dụi dụi cái mõm vào tay Trà. Trà cười hềnh hệch, Trà ú ớ với ông Nhạt. Quả như liều thuốc tiên, Trà khỏe re như chưa từng bệnh đến liệt giường.

*

Trà dọn ra chuồng trâu ở. Ông Nhạt phùng má, hai con mắt chỉ thấy mỗi tròng trắng khi nghe vợ bảo như thế. Ông Trà muốn cả làng cười vào mũi thằng Nhạt này à? Ai đời thằng em có nhà cao cửa rộng mà thằng anh lại đi ra ở ngoài chuồng trâu bao giờ.

Ông Nhạt chạy ra chuồng trâu thì thấy Trà đang lúi húi làm một cái ổ rơm. Cái chuồng trâu trước kia được ngăn ra làm đôi. Một bên cột trâu, một bên đến mùa chất đầy rơm để trâu ăn quanh năm. Khi nghe tiếng ông Nhạt quát lên um sùm thì Trà chỉ ngước lên rồi cười hềnh hệch. Bất kể ông Nhạt có ngon ngọt, có dọa dẫm, có nói kiểu gì đi nữa thì Trà vẫn cương quyết nằm ở ổ rơm này. Có lẽ chuyện bán trâu vừa rồi đã làm Trà sợ. Lỡ con trâu rời khỏi tầm mắt Trà một chút sẽ có người kêu thương lái bán trâu đi mất. Làm em ông Trà mấy chục năm trời, ông Nhạt biết giờ có nói kiểu gì cũng không thể khuyên được anh mình. Ông tặc lưỡi kêu thằng con trai dọn cái ổ rơm đi, khiêng cái giường tre trong nhà nhét vào chỗ đó. Ông Nhạt dặn con giăng mùng, chiều tối đi chặt mớ lá cây un lên cho đỡ muỗi. Nằm một đêm, muỗi nó hút không khéo ông Trà thành cái xác khô.

Ấy vậy mà ông Trà ở chuồng trâu đến cả tháng mà không vô nhà ở. Người ở làng đi ngang thấy lạ ai cũng trố mắt nhìn. Xưa rày chuyện lạ gì cũng từng nghe chứ chưa thấy ai có nhà cửa đàng hoàng lại thích ngủ với trâu như Trà.

Ông Nhạt nhìn từng lọn khói cuộn lên từ đống lá tươi đứa con trai hun ở chuồng trâu hồi chiều mà mắt cộm lên như có cát rơi vào. Hồi mẹ còn sống, nhà nghèo rớt phải đi giữ trâu rẻ cho người ta. Giữ rẻ có nghĩa giữ không công, hồi nào trâu đẻ con đầu tiên thì thuộc về mình. Trà Nhạt đâu có được đi học, sáng tối dắt díu nhau ra đồng phụ mẹ chăn trâu. Cuộc đời đói khổ triền miên của mẹ cứ nhìn vào bụng con trâu mà hy vọng. Nhà chẳng có của nả gì đáng giá, biết đâu trời thương mà cho con trâu làm kế sinh nhai. Rồi con trâu qua mấy kì động dục cũng có chửa. Chẳng phải nói, cả nhà chăm trâu hơn chăm bà bầu. Con trâu cả ngày được nằm dưới bóng râm, hai em anh ra đồng kiếm cỏ tươi non về để trước miệng. Nghe người ta bảo lá mít ướt tốt cho trâu có chửa, mẹ đi kiếm quanh làng. Nhìn cái bụng ngày một lớn của con trâu mà mắt mẹ hấp háy vui.

Cái ngày con trâu ra mề tay ngay cửa mình mẹ hồi hộp và lo lắng hơn ngày mình chuyển dạ. Đàn bà hồi đó chuyện sinh đẻ dễ như ăn cơm uống nước, hay có lẽ vì nghèo vì khổ quá mà chuyện gì cũng là cỏn con trước cái đói. Mẹ kể mẹ chuyển dạ Nhạt khi đang làm cỏ lúa ngoài đồng. Lúc sinh Trà đau đến 2 ngày mới đẻ nên nghĩ Nhạt cũng thế. Khi tử cung co lại đau từng hồi mẹ ngồi sụp xuống ruộng, khi hết đau lại đứng lên làm tiếp. Cắn răng làm xong đám cỏ lúa mới lên bờ vì nếu không làm kịp cỏ ăn hết lúa thì lấy gì mà ăn. Tối đó mẹ trở dạ sinh Nhạt.

Cả ngày mẹ không ra đồng mà ngồi canh trâu đẻ. Mẹ lục túi, vét được mấy đồng bạc sai Nhạt chạy ra chợ mua một tán đường đen. Hồi đó, dễ gì Trà và Nhạt được nếm vị ngọt của miếng đường mà mẹ chơi sang mua cho con trâu cả tán. Trên đường từ chợ về, Nhạt len lén gặm một miếng vì thèm quá. Mẹ chặt đường ra thành cục nhỏ, quấn trong lá mít ướt đút vào miệng trâu. Người già trong làng bảo đường sẽ giúp trâu có sức mà đẻ. Con trâu nằm phì phò cả ngày, hết đứng lên rồi nằm xuống, chân dẫm làm nhão nhoẹt khoảng đất dưới chân. Mẹ không dám để trâu đó mà vào ăn cơm. Ngồi canh suốt như thế đến nửa đêm thì con trâu đẻ. Cái bọc ối xé toạc, con nghé rớt bịch xuống đất. Mẹ đốt đuốc, lấy áo cũ lau khô lớp nhầy nhụa trên thân nghé. Mẹ trào nước mắt, kêu lên khi thấy nó là nghé cái. Vì từ nghé cái đời mẹ biết đâu sẽ có thêm những con trâu khác.

Trà cười hềnh hệch khi thấy con nghé con mới đẻ tập đứng té lên té xuống. Nó nghếch cái mõm tìm vú mẹ mà tìm hoài không được. Trà tập tễnh lại gần, dìu con nghé đứng dậy. Cái chân cà thọt làm cả hai té nhào. Một lúc sau cái mõm nhỏ xíu của con nghé mới ngậm được vú. Trà vỗ vỗ vào lưng con nghé mà cười.

Một buổi sáng, mẹ hoảng hồn la lên khi thấy Trà và con nghé cùng rúc dưới bầu vú con trâu. Trà trong tư thế quỳ, ngửa mặt lên bầu vú trâu mà mút chùn chụt từng hớp sữa. Mẹ điếng người kéo ra, sữa trâu dính đầy trên mép. Mẹ rớt nước mắt, đói khổ quá, cả đời có biết miếng sữa thế nào đâu nên chắc Trà đói. Thấy vài lần như thế, mẹ có lôi ra nhưng Trà cứ sáp vào bầu vú nên mẹ mặc kệ. Trà và con nghé cùng bú bầu vú trâu. Con nghé lớn nhanh như thổi, chạy nhảy khắp vườn nhà. Còn Trà bú sữa trâu mà có da có thịt chứ không dặt dẹo, ốm đói như hồi trước.

Trà và con nghé như hình với bóng từ hồi đó. Hai đứa thi nhau mút chùn chụt sữa, chạy nhảy với nhau trên bờ ruộng mấp mô. Những buổi trưa, dưới bóng râm cây gáo ngoài đồng con nghé nghếch mõm lên bụng Trà mà ngủ như đứa trẻ thơ ngủ trong lòng mẹ. Ngoảnh đi ngoảnh lại mà đã hơn hai mươi năm. Con nghé thành con trâu. Hai mươi năm, mẹ ông đã thành mây trắng, ông Nhạt cũng không nghèo rớt như xưa. Duy chỉ có con trâu ngày ấy vẫn làm bạn với Trà cho đến tận bây giờ.

*

Con trâu đã già nên chậm chạp hẳn. Mỗi sáng nó uể oải đứng dậy bước ra khỏi chuồng khi Trà kéo dây thừng. Mọi khi nó đứng chờ sẵn, chờ bàn tay người mở dây thừng là vụt chạy ra ruộng. Giờ nó thở phì phò, đứng thở mỗi bận lên con dốc đầu làng. Có lần dắt trâu lên đồi ăn, Trà kéo cỡ nào con trâu cũng không lên nổi đành cho ăn dưới ruộng. Người và trâu hiền lành như đất cho đến khi có đám trẻ tinh ranh đi ngang và hét lên “Trà em ông Nhạt”. Trà lại giậm bình bịch chân, lại ném đất về phía chúng. Một chút xáo động như cơn gió chiều ràn rạt thổi trên sóng lúa rồi lại chìm vào cái yên tĩnh cố hữu như muôn đời nay ở cái làng với những gương mặt cũ kỹ.

Một bữa, ông Trà kéo cỡ nào con trâu cũng không bước ra khỏi chuồng. Nó giương đôi mắt u buồn, mỏi mệt nhìn Trà rồi khuỵu chân xuống nằm thở phì phò. Ông Trà kéo cả buổi mà nó chẳng nhúc nhích. Trà tập tễnh đi tìm ông Nhạt. Ông Nhạt ra chuồng xem. Ông rút máy gọi thú y tới khám xem con trâu bệnh gì. Một lát thú y đến, đi vòng quanh con trâu, vỗ vỗ vào đầu nó. Rồi quay qua ông Nhạt bảo: “Chẳng có bệnh gì hết, già rồi, chỉ chừng vài ngày nữa là nó chết đấy, kêu thương lái tới bán đi”. Nói xong ông lên xe máy chạy thẳng.

Con trâu bỏ ăn, dù Trà đã bỏ trước mặt nó mớ cỏ non mượt đem từ đồng về. Nó nghếch mõm, ngửi ngửi rồi lại mỏi mệt nằm xuống, giương đôi mắt thảm sầu nhìn Trà. Ông Nhạt ngồi trong nhà ngó ra chuồng trâu, ông lo sợ mơ hồ cái ngày con trâu chết ông Trà lại hóa điên lần nữa. Nếu tận mắt thấy con trâu chết khác nào cầm con dao mà xiên một mũi vào tim Trà. Nhưng biết làm sao để tách Trà ra khỏi con trâu sắp chết ấy bây giờ?

Một bữa dòm con trâu nằm bẹp trong chuồng, thậm chí nó chẳng buồn nghếch đầu lên gọi khi có người đứng trước mặt. Ông Nhạt linh tính chẳng mấy chốc mà nó lìa đời. Ông nhăn trán nhìn Trà rầu rĩ đang ngồi trên cái chõng tre mắt đăm đăm nhìn con trâu già sắp chết.

Ông ngoắc thằng con trai, thì thầm to nhỏ vào tai. Thằng con phóng xe máy đi, một chốc nó về lại thì thầm gì đó vào tai ông Nhạt. Tới bữa trưa, ông Nhạt bưng cơm canh ra đặt trên cái chõng tre. Trà buồn buồn múc ăn vài muỗng. Chiều đó gió mát rượi. Những cơn gió thi nhau rượt đuổi trên cánh đồng. Trà nằm ngủ một giấc say sưa đến tối mờ tối mịt. Đến khi giật mình tỉnh dậy thì cái chuồng trâu trống không. Trà dụi dụi mắt nhìn. Không thấy con trâu đâu cả!

Trong lúc Trà ngủ mê mệt vì chén canh có bỏ thuốc ngủ thì thương lái đã đến chở con trâu đi. Con trâu già đâu còn sức để nhấc cái chân lên thùng xe. Mấy người đàn ông sức vóc như vâm đã kéo, đã đẩy, đã dùng mọi sức lực mới đưa con trâu lên được xe tải. Trà vẫn ngủ say sưa, mặt vẫn hướng về phía con trâu của mình trong những tiếng hò hét, ồn ã của lũ đàn ông nhưng mình chẳng hề nghe thấy. Ông Nhạt nhìn anh rồi tặc lưỡi phất tay bảo chiếc xe rời đi. Con trâu ngoái đầu nhìn Trà, đôi mắt già nua của nó rỉ ra hai dòng nước mắt đục ngầu.

Khi ông Nhạt ra chuồng trâu gọi anh vào ăn cơm thì không thấy Trà đâu cả. Cái chõng tre trống trơn, chỉ còn cái mũ tai bèo rách bươm của ông Trà bỏ lại. Ông Nhạt hốt hoảng gọi vợ con đi tìm. Họ băng qua vườn chuối, chạy ra cánh đồng, lội trong những đám bắp cao ngang đầu người mà vẫn không thấy ông Trà đâu cả… Đêm ấy, cả làng đốt đuốc đi tìm nhưng ông Trà như tan vào bóng đêm. Làm sao ông Trà có thể rời làng với đôi chân tập tễnh nếu như không mọc cánh? Có người quả quyết rằng chiều nhập nhoạng đã thấy ông Trà nhằm hướng núi mà lên, miệng vẫn không ngừng ú ớ nhưng nghe rõ thì là tiếng “Nghé ọ”…

Cả tuần, cả tháng rồi cả năm người ta vĩnh viễn không thấy ông Trà tập tễnh trên cánh đồng làng. Người đàn ông dở hơi đó hình như qua đôi mắt u buồn của con trâu già đã đoán biết được con trâu sẽ vĩnh viễn rời bỏ mình mà không cách nào níu kéo. Ông Tứ những buổi chiều khật khưỡng say, rót một chén rượu nâng về phía núi rồi đổ xuống đất. Một nỗi buồn mênh mang phủ lấy làng.

Nhưng rồi dần dà người ta cũng không còn nhắc về người đàn ông lên núi rồi biến mất đó nữa. Lũ trẻ con cũng chẳng còn buột miệng mà nói “Trà em ông Nhạt”…

N.T.N.H
(TCSH428/10-2024)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chiều thu mưa (15/11/2024)
Ngày tuyết rơi (13/11/2024)