ĐINH THỊ NGÂN
Ngày 30/11/2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với 458/461 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, với tỷ lệ bằng 95.62% trong tổng số đại biểu Quốc hội.
Trong ngày 30/11/2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 175/2024/QH15 Về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1314/NQ-UBTVQH15 Về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 - 2025. Nghị quyết 175 và Nghị quyết 1314 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Đây không chỉ là niềm tự hào của riêng Huế mà còn là niềm tự hào của nhân dân cả nước, ghi nhận những nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nghị quyết Về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Nghị quyết số 175/2024/QH15 của Quốc hội quyết nghị thành lập thành phố Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11km2 và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế. Về vị trí địa lý, thành phố Huế giáp với Quảng Nam và Đà Nẵng ở phía Nam, Quảng Trị ở phía Bắc, phía Tây giáp Lào với 81km đường biên giới và phía Đông giáp biển Đông. Nếu so với các thành phố trực thuộc Trung ương khác thì Huế là thành phố có diện tích lớn nhất, nhưng cũng là thành phố có dân số ít nhất. Như vậy từ năm 2025, cùng với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Huế là thành phố thứ 6 trực thuộc Trung ương.
Việc thành lập thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ là động lực để Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt. Đồng thời, ghi nhận và đánh dấu thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị của cả nước.
Về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, Quốc hội nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quyết định việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc thành phố Huế bảo đảm có hiệu lực thi hành cùng thời điểm với nghị quyết này. Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh tỉnh Thừa Thiên Huế được đổi tên để hoạt động với tên gọi thành phố Huế kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
Chính phủ, HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (HĐND, UBND thành phố Huế kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành) và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này; sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.
Trường hợp HĐND quận thuộc thành phố Huế không đủ 2/3 tổng số đại biểu HĐND được bầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Thường trực HĐND thành phố Huế chỉ định Quyền Chủ tịch HĐND quận theo đề nghị của Thường trực HĐND thành phố Huế, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 3 Điều 138 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND thành phố Huế chỉ định Quyền Chủ tịch UBND, UBND quận lâm thời và quyết định thành lập cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận lâm thời. UBND quận lâm thời thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận theo quy định của pháp luật và hoạt động cho đến khi UBND quận nhiệm kỳ 2026 - 2031 được thành lập.
Kể từ ngày NQ này có hiệu lực thi hành, ngoài các chế độ chính sách đối với thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ chế, chế độ, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục được thực hiện trên địa bàn thành phố Huế cho đến hết giai đoạn áp dụng hoặc đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Nghị quyết Về việc sắp xếp đơn vị hành chính của thành phố Huế
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, căn cứ vào các Nghị định, Nghị quyết, Tờ trình; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết số 1314/NQUBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 - 2025.
Nghị quyết 1314/NQ-UBTVQH15 nêu rõ việc sẽ sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế làm cơ sở thành lập các quận thuộc thành phố Huế. Theo đó, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Huế sẽ có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện, 03 thị xã và 02 quận; 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 48 phường, 78 xã và 07 thị trấn; tỷ lệ đô thị hóa 63,02%.
Cụ thể, thành lập phường Long Hồ trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 46,91km2, quy mô dân số là 5.554 người của xã Hương Thọ và toàn bộ diện tích tự nhiên là 33,53km2, quy mô dân số là 10.670 người của phường Hương Hồ. Thành lập phường Thuận An trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 9,69km2, quy mô dân số là 6.741 người của xã Hải Dương và toàn bộ diện tích tự nhiên là 16,28km2, quy mô dân số là 24.003 người của phường Thuận An. Thành lập phường Dương Nỗ trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 5,85km2, quy mô dân số 12.266 người của xã Phú Dương, toàn bộ diện tích tự nhiên là 7,17km2, quy mô dân số 10.953 người của xã Phú Mậu và toàn bộ diện tích tự nhiên là 7,61km2, quy mô dân số là 4.766 người của xã Phú Thanh. Thành lập phường Thủy Bằng trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 22,78km2, quy mô dân số là 9.153 người của xã Thủy Bằng. Thành lập phường Hương Phong trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 16,68km2, quy mô dân số là 10.574 người của xã Hương Phong.
Thành phố Huế chia làm 2 quận, quận Phú Xuân và quận Thuận Hóa. Cụ thể là, thành lập quận Phú Xuân trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên là 127,05km2 và quy mô dân số là 203.142 người của thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; quận Phú Xuân có 13 phường, gồm: An Hòa, Đông Ba, Gia Hội, Hương An, Hương Long, Hương Sơ, Hương Vinh, Kim Long, Long Hồ, Phú Hậu, Tây Lộc, Thuận Hòa và Thuận Lộc. Thành lập quận Thuận Hóa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên 139,41km2 và quy mô dân số là 297,507 người của thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; quận Thuận Hóa có 19 phường, gồm: An Cựu, An Đông, An Tây, Dương Nỗ, Hương Phong, Phú Hội, Phú Nhuận, Phú Thượng, Phường Đúc, Phước Vĩnh, Thuận An, Thủy Bằng, Thủy Biều, Thủy Vân, Thủy Xuân, Trường An, Vĩnh Ninh, Vỹ Dạ và Xuân Phú.
Thành lập thị xã Phong Điền thuộc thành phố Huế trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên 945,66km2 và quy mô dân số 105,597 người của huyện Phong Điền. Thành lập các phường và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thị xã Phong Điền. Thành lập phường Phong Thu trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Phong Điền và xã Phong Thu. Thành lập phường Phong Hải trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Điền Hải và xã Phong Hải. Thành lập phường Phong Phú trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Điền Lộc và xã Điền Hòa. Thành lập phường Phong An trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Phong An. Thành lập phường Phong Hiền trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Phong Hiền. Thành lập phường Phong Hòa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Phong Hòa. Thành lập xã Phong Thạnh trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Điền Hương và xã Điền Môn. Sau khi thành lập, thị xã Phong Điền có 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 phường (Phong An, Phong Hải, Phong Hiền, Phong Hòa, Phong Phú, Phong Thu) và 6 xã (Phong Bình, Phong Chương, Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Thạnh, Phong Xuân).
Sắp xếp huyện Nam Đông, huyện Phú Lộc và thành lập thị trấn trực thuộc, cụ thể nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 647,82km2, quy mô dân số là 26,427 người của huyện Nam Đông và huyện Phú Lộc. Thành lập thị trấn Lộc Sơn (huyện Phú Lộc) trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 18,99km2 và quy mô dân số 8.593 người của xã Lộc Sơn. Sau khi sắp xếp và thành lập thị trấn, huyện Phú Lộc có 27 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 23 xã (Giang Hải, Hương Hữu, Hương Lộc, Hương Phú, Hương Sơn, Hương Xuân, Lộc An, Lộc Bình, Lộc Bổn, Lộc Điền, Lộc Hòa, Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Trì, Lộc Vĩnh, Thượng Long, Thượng Lộ, Thượng Nhật, Thượng Quảng, Vinh Hiền, Vinh Hưng, Vinh Mỹ, Xuân Lộc) và 4 thị trấn (Khe Tre, Lăng Cô, Lộc Sơn, Phú Lộc).
Thành lập Tòa án nhân dân thành phố Huế trên cơ sở kế thừa Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Thành lập Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế trên cơ sở kế thừa Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Giải thể Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thành lập Tòa án nhân dân quận Thuận Hóa, Tòa án nhân dân quận Phú Xuân; có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế theo quy định của pháp luật. Thành lập Viện kiểm sát nhân dân quận Thuận Hóa, Viện kiểm sát nhân dân quận Phú Xuân; có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế theo quy định của pháp luật. Thành lập Tòa án nhân dân thị xã Phong Điền trên cơ sở kế thừa Tòa án nhân dân huyện Phong Điền.
Ngày 30/11/2024 - khoảnh khắc lịch sử - Huế chính thức bước sang trang mới, khẳng định vị thế trung tâm văn hóa, du lịch, và di sản của cả nước. Cùng nhau kỳ vọng về một tương lai rực rỡ và phát triển của mảnh đất Cố đô. Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là cơ hội để Huế phát triển, lấy lại vị thế đô thị lớn của cả nước. Bên cạnh những cơ hội như sẽ khai thác được tốt hơn các thế mạnh về tiềm năng du lịch, di sản, văn hóa đúng với tinh thần Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị; trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Huế cũng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn thách thức, do đó trong tương lai thành phố Huế cần có chiến lược phát triển rõ ràng và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, cộng đồng và các tổ chức xã hội.
Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đây không chỉ là vinh dự, cơ hội mà còn là trách nhiệm của Huế trong việc làm sao để xứng với niềm tin yêu, kỳ vọng của Chính phủ, của Nhân dân cả nước, như phát biểu trước đó của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Cả nước vì Huế, Huế vì cả nước. Tôi thấy Huế xứng đáng…”.
Đ.T.N
(TCSH55SDB/12-2024)
----------------------
Bài viết tổng hợp từ nguồn:
- Nghị quyết số: 175/2024/QH15, Nghị quyết Về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
- Nghị quyết số: 134/NQ-UBTVQH15, Nghị quyết Về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 - 2025.