Tạp chí Sông Hương - Số 430 (T.12-24)
Ký ức người lính
09:36 | 30/12/2024

ĐÀM QUANG MAY

Chiều muộn, cô Ớt đang cầm chổi tre quét dồn lá khô vào góc sân. Đống lá khô chưa kịp yên vị đã bị gió quẩn bốc lên ném bừa phứa ra chung quanh.

Ký ức người lính
Minh họa: PHAN THANH BÌNH

Ớt lầu bầu một mình: gió máy chết tiệt. Ghét thế chứ lỵ. Toan cầm chổi tre cất đi, bỗng Ớt nghe cánh cổng sắt đã bong sơn rít lên tiếng k…é…t khô khốc. Ngước nhìn lên… Trước mắt Ớt… một người đàn ông. Đúng. Một người đàn ông với bộ đồ quân phục màu cỏ úa đã rung rúc. Chiếc mũ cứng đính ngôi sao lấp lánh. Trên người lỉnh kỉnh nào ba lô con cóc có con búp bê buộc bên trên; nào chiếc chân giả bên phải lạc lõng thõng xuống. Đôi nạng đánh vecni màu vàng nhạt. Ớt rụng rời cả chân tay, buông rơi chiếc chổi tre… Người lính cõng ba lô, tay chống nạng, tập tễnh tiến vào sân, dáng người lao về phía trước. Ớt rón chân chạy tới, giơ cả hai tay đón lấy tấm thân nặng nề đẫm mồ hôi theo đà như sắp sửa đổ sập xuống nền sân lát gạch nung đang nóng hầm hập. Ớt hụt hơi kêu lên. Không! Cô nghẹn ngào:

- Anh ơi! Anh về đấy à!

Ớt ghì chặt chồng vào lòng. Cái cô Ớt này, rõ thật là! Thời kỳ chiến tranh ác liệt, cô còn can đảm động viên chồng dấn thân vào nơi mưa bom bão đạn, sống chết cận kề gang tấc. Vậy mà lúc này, chồng đã về đến nhà, về với cô rồi! Còn lo gì nữa mà ghìm giữ ông chồng chặt tay quá vậy!

Mụ mẫm cả người đi, Ớt chỉ còn làm theo cảm xúc bột phát của vợ người lính từ chiến trận ác liệt trở về; Ớt run run, vụng về nâng tay chồng lên như thể muốn xem có còn vết sứt, vết sẹo gì nữa không. Cô đưa hai bàn tay sần sùi những chai những sạn chậm rãi vuốt bầu má sạm đen đầy cương nghị của chồng. Cô đưa tay chạm vào cái chân giả... Không cầm lòng nổi, Ớt khóc tức tưởi… Cô tiếc rẻ cái chân hay thương chồng chịu đựng gian khổ bấy lâu nay? Đàn bà vốn mau nước mắt. Vui chảy nước mắt. Buồn chảy nước mắt. Ớt cũng vậy. Nước mắt cô giàn giụa, chảy thành dòng nóng hổi. Từ ngày chồng đi B chiến đấu đằng đẵng mười mấy năm trời, bao nhiêu nhớ thương, ghìm nén trong lòng, Ớt chỉ khóc thầm. Bây giờ cô mới khóc vông vông thành tiếng. Có lẽ nước mắt được dồn nén bấy lâu, cô để dành cho hôm nay. Ngày gặp mặt chồng!

Ớt gỡ ba lô trên vai chồng xuống. Cô đứng ngây người ra nhìn chồng từ chân lên tới đỉnh đầu như thể kiểm nghiệm xem đây có phải chồng mình thật không? Cơn xúc động bột phát dịu xuống, Ớt bê ấm nước ra đầu hè để Độ - chồng cô tên Độ - uống cho đỡ khát xong, Ớt chạy đi pha nước cho Độ tắm. Độ ngồi xuống bậc hè lát gạch nung có cây nhãn lồng xòe tán sum suê, nơi trước kia vẫn ngồi học bài, đọc sách vào những buổi chiều mùa hè đã nhạt nắng.

Vốn kỹ tính, không nỡ để vợ con đưa đón vất vả, Độ tự đi bộ từ bến xe về nhà. Một thôi đường chứ ngắn ngủi gì đâu. Người lành chả tính, nay tập tễnh đánh nhịp cũng hết già một tiếng đồng hồ. Nới dây da nín chắc cái chân giả vào phần đùi bị cụt, Độ đưa tay xoa nhẹ lên vết sẹo dúm dó, tím ngắt, đang tê dại.

Trong người dễ chịu chút ít, Độ đảo mắt nhìn mảnh vườn trước mặt. Những luống rau cải ngồng xanh tốt. Hàng cau lợn cọ ra quả quanh năm cao chấm nóc nhà đang nở bung những chùm hoa trắng tinh khiết, tỏa hương thơm ngọt ngào. Hồi Độ nhập ngũ, buồng cau trĩu quả chưa chạm tới mái gianh. Bên cạnh bể nước ăn ở góc sân đã được đào thêm cái giếng khơi, miệng giếng úp gọn cái nia lên trên. Úp nia lên để làm gì nhỉ? Phải rồi. Để phòng lá cây, hoa cau rụng vào. Nước có hoa lá thối rữa còn ăn uống gì nữa cơ. Độ thầm nể phục vợ mình chăm chỉ, ngăn nắp và chu đáo.

Nghe tin Độ về, bà con chòm xóm kéo nhau sang chơi chật cả nhà.

Hôm sau rồi hôm sau nữa, suốt từ sáng sớm đến tối khuya, nhà không lúc nào vắng khách. Cô Ớt cùng con giai xoay trần ra đun nước pha trà, bổ cau, têm trầu.

Lẽ ra, Độ còn phải điều trị tiếp vết thương cột sống thêm ít tháng nữa cơ. Có điều, sắp đến ngày giỗ mẹ, Độ xin phép về sớm để thắp nén hương cáo lỗi mẹ. Mẹ sinh ra, nuôi dạy khôn lớn bằng này. Vậy mà chưa báo đáp được gì. Suốt cả đời này, kiếp này Độ nợ mẹ một chữ hiếu!

Học xong cấp phổ thông trung học, Độ cùng chúng bạn viết đơn xin nhập ngũ. Huấn luyện cơ bản xong, Độ lên đường đi B chiến đấu. Tại mặt trận Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Độ đã tham gia nhiều trận chiến ác liệt. Trận đường 9 Nam Lào, trận Cửa Việt. Độ đã hai lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, bốn lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới.

Độ con một, bố là Liệt sĩ chống Pháp. Không yên tâm để mẹ sống một mình, trong dịp nghỉ phép trước khi đi chiến đấu xa, Độ quyết định cưới vợ để có người trông nom mẹ lúc trái nắng giở giời. Dưng mà cưới cô gái nào đây? Đang chưa biết tính sao thì Độ nhớ đến cô gái cùng làng tên Ớt, học sau một lớp. Hồi ấy, thấy cô bé Ớt có dáng người đậm đà, khuôn mặt tròn trịa, trắng trẻo, đôi mắt bồ câu lúng liếng, đến là ưa nhìn, Độ thấy thinh thích, hễ gặp là chòng ghẹo cho bõ thèm. Buồn cả cười… Độ thường buộc chùm ớt chỉ thiên chín đỏ lủng lẳng ở cặp sách. Trên đường đến trường, hễ gặp Ớt, Độ lại cầm chùm ớt lên, nhăn mặt, hít hà:

- Chà! Chà! Ớt quái, ớt quỷ gì mà cay quá đi mất.

Mặt Ớt đỏ lựng lên vì xấu hổ. Dù vậy, Ớt cũng chỉ biết lẳng lặng nguẩy đi. Nhiều lần bị trêu ghẹo thế, trong lòng Ớt giận Độ lắm. Ngầm nghĩ cách trả miếng. Ớt chưa biết trả miếng thế nào cho bõ tức thì Độ lên đường nhập ngũ. Chuyện bông đùa thời đi học với cô bé Ớt cứ tưởng thế rồi thoảng qua như cơn gió. Nào ngờ… được ôn lại và thành chuyện ly kỳ cứ như là cổ tích.

Đi qua ngõ nhà Ớt, không biết ma xui, quỷ khiến thế nào, Độ chợt nhớ ra… bụng bảo dạ:

- Còn mò mẫm tìm kiếm ở đâu nữa cơ. Cô Ớt này, được đấy.

Toan vào nhà Ớt chuyện trò, nhưng mà, Độ thấy gợn lên nỗi e ngại đã khắc sâu trong ký ức. Bước chân ngập ngừng, Độ tự thoại:

- Vẫn còn thù hận mình chứ chả đùa. Không biết cô nàng sẽ tiếp đón ra sao đây?

Trong khoảnh khắc thiếu tin tưởng, Độ tự động viên mình… Hết phép đến nơi rồi, còn chần chừ gì nữa cơ! Đánh bạo, Độ quyết định vào nhà Ớt. Thấy Độ đột nhiên đến chơi, Ớt thầm nghĩ:

- Ngoài đường thấy chưa đủ hay sao mà hắn còn mò sang tận nhà để chòng ghẹo mình nữa. Thật đáng ghét!

Độ không mang theo quả ớt nào cả. Ừ nhỉ, xưa nay có ai mang ớt đi hỏi vợ bao giờ! Độ cũng không buông lời châm chọc gì! Nói thật tình, lúc này, bố bảo Độ cũng chả dám cợt nhả nữa! Độ cố tỏ ra là một anh bộ đội chững chạc, đứng đắn. Càng cố gắng, càng trở nên vụng về. Khổ thế. Thấy Độ ngô nga ngô nghê cứ như con ngỗng, Ớt bấm bụng cười thầm và càng lên nước tợn. Mình sẽ trả miếng cho bõ tức! Nghĩ đoạn, Ớt ra vườn, hái vội nắm ớt cả xanh lẫn chín. Bỏ vào đĩa xong, bê đặt lên bàn, trân trọng:

- Chả có hoa quả quý hiếm gì. Gọi là cây nhà, lá vườn, anh bộ đội xơi tạm ạ!

Độ thầm nghĩ, cô bé này quả là đáo để. Từ chối thì mình sẽ là thằng hèn! Ai chả biết, con gái người ta thường hâm mộ những chàng trai cứng rắn và quả cảm cơ. Nước này, đành phải đánh quả liều mới được! Độ cầm ớt đút tỏm vào miệng, chậm rãi nhai rau ráu từng quả, từng quả một... và nuốt chửng luôn. Ớt ngớ người ra… Nước mắt, nước mũi Độ giàn giụa… Độ chả còn hơi sức đâu mà hít hà nữa. Mới ăn có non chục quả ớt thôi, Độ rũ người ra vì say. Dù vậy, vẫn tỏ vẻ chịu chơi… lại cầm ớt lên… Ớt chạy đến giật vội quả ớt trên tay Độ, rồi đi lấy khăn mặt dúi vào tay Độ:

- Khăn này. Đùa tí thôi. Ai ngờ lại hóa ra thật. Khiếp, người đâu mà bạo gan thế.

Miệng, lưỡi đã bỏng rộp lên. Nghe Ớt nói lời cảm phục từ đáy lòng, được đà và cao hứng hơn, Độ diễn đạt nuột nà luôn:

- Đang thèm ớt. Đằng ấy lại cho ăn ớt. Thật chả còn gì bằng!

Độ cầm thêm quả ớt nữa, ra cái vẻ lại bỏ vào miệng ăn tiếp. Lạy giời cứ để cô Ớt mặc kệ Độ đi. Ăn tiếp vài quả nữa, Độ sẽ phát cuồng lên vì cay, vì đắng chứ chả đùa. Nhưng không, trời thương Độ nên xui khiến Ớt chộp vội lấy tay Độ. Tay cầm tay… Ớt giằng ra, Độ cầm miết tay Ớt... Mặt bừng đỏ… Ớt rời tay ra. Nhưng mà Độ càng cầm tay Ớt chặt hơn, kéo Ớt về phía mình, nhân đà, nói lời tỏ tình luôn:

- Em ơi, lấy chồng bộ đội nhớ!

- Cái đồ mặt dày nhà anh. Thèm vào!

Ớt giằng tay ra, nhưng mà chỉ giả vờ thôi, Ớt cúi mặt xuống, thở gấp… Độ nghe rõ nhịp đập rộn ràng của trái tim Ớt.

Nắm chặt tay Ớt hơn nữa, Độ thủ thỉ:

- Nhớ!

Vẫn để tay mình nằm nguyên trong bàn tay ấm, nóng của Độ, Ớt im lặng.

Can đảm chấp nhận thử thách nghiệt ngã, Độ đã làm mềm lòng người con gái mình muốn lấy làm vợ!

Cặp đôi Độ, Ớt đến với nhau chóng vánh vậy đó. Thời chiến mà.

Sau ngày cưới, Độ đi B, không có điều kiện thư từ. Thành ra, Độ không biết ở nhà vợ mang bầu. Đủ tháng, đủ ngày, sinh hạ một bé trai kháu khỉnh, Ớt đặt tên là Đức. Vũ Khắc Đức.

Vẫn không tin tức gì về Độ, mẹ già nhớ Độ khóc thương, cạn cả nước mắt. Lo nghĩ quá, không may cụ bị đột quỵ. Một mình Ớt xoay trần ra lo ăn lo mặc, lo từng miếng cơm, ngụm nước, tắm rửa, phục vụ thuốc cho mẹ chồng sống thực vật, trong giai đoạn bao cấp đầy khó khăn, thiếu thốn. Lương thực cân đối theo ngày công lao động, làm nhiều, hưởng nhiều, làm ít, hưởng ít. Từ hạt muối rẻ rúng, bánh xà phòng 72%, đến từng mét vải pô pơ lin đều phải chờ phân phối mới có mà dùng. Bao nhiêu là khó nhọc. Vậy mà Ớt không hề kêu khổ. Vẫn vui vẻ ghé vai gánh vác, làm tròn nghĩa vụ của người con dâu, người mẹ, người vợ hiền thục. Tháng ngày mòn mỏi chờ chồng.

*

Đơn vị của Độ vừa chân ướt, chân ráo hành quân về mặt trận Thừa Thiên Huế thì bọn lính dù Mỹ hùng hổ đổ quân, vây ráp, hòng diệt gọn.

Chỉ huy giao cho Vũ Khắc Độ, Hoàng Văn Vực và Lê Duy Hà giữ chốt trên quả đồi Yên Ngựa. Nói là “chốt” chứ thực ra, chỉ là công sự hình chữ A chìm sâu xuống lòng quả đồi. Nhóm Độ tự đào, tự chặt cây, đắp đất lấy. Độ ngồi trước cửa hầm chữ A đưa mắt quan sát địa hình, địa vật xung quanh để lên phương án tác chiến. Xa xa kia là căn cứ quân ngụy chiếm giữ. Mé tay phải là con đường đi tới biên giới Việt Lào. Mé chân đồi bên trái là con khe nhỏ. Trên bờ khe, thấp thoáng những nóc nhà của đồng bào. Đằng sau là vùng giải phóng.

Anh nuôi đưa cơm vắt và nước uống lên chốt. Thấy tên họ khắc nguệch ngoạc nét chữ trên vỏ bi đông nước bị cát, bụi bám, làm mờ đi, Vực lấy mũi dao găm thận trọng khơi sâu xuống cho rõ ràng từng nét chữ. Độ hỏi để làm gì thế? Vực cười nói:

- Nhỡ có hy sinh, khỏi nhầm em và các anh chứ sao.

Độ cười:

- Chưa chi đã nghĩ đến cái chết thì đánh chác qué gì!

Khắc họ, tên lên bi đông của mình xong, Vực đưa lên ngang tầm mặt ngắm kỹ một lượt, vẻ hài lòng lắm. Đặt bi đông của mình sang bên, Vực hồn nhiên:

- Nào. Đến lượt Thủ trưởng. Đưa đây, em giúp cho luôn thể.

Không cần Độ đồng ý hay không, Vực nhoài người ra, với tay giành lấy bi đông của Độ và nắn nót khắc sâu nét chữ cả họ và tên Vũ Khắc Độ.

Việc làm của Vực vô tình đã gợi cho Độ một ý nghĩ rất chi là thực tế. Nếu ở chung một hầm, khi lâm trận, chỉ một quả đạn cối hoặc quả lựu đạn của địch rơi trúng có thể hốt gọn cả tổ. Thấy Vực non tuổi nhất, lại ít kinh nghiệm chiến đấu, Độ nhường hầm cho Vực chốt giữ và cảnh giới, kéo Hà đi, chia ra hai ngả, tự đào đất, chặt cây làm hầm chữ A mới cho mình. Mỗi hầm cách nhau chừng chục mét. Thấy chưa yên tâm, Độ động viên Vực và Hà nhanh chóng đào đường hào liên hoàn hình chữ z nối các hầm chữ Avới nhau. Xong xuôi, chặt cành cây ngụy trang cẩn thận.

Kiểm lại vũ khí, mỗi người được trang bị một khẩu AK tự động, một cơ số đạn gồm hai băng đạn, mỗi băng đạn 20 viên, hai quả lựu đạn, một dao găm, lưỡi lê trên đầu súng. Một cơ số mìn định hướng, các loại ĐH10, ĐH5, ĐH2. Loại mìn đánh xe cơ giới và giữ chốt sở trường của Độ. Trước tình thế chỉ có ba tay súng, trang bị thô sơ, gọn nhẹ, phải đối mặt với những tên lính dù Mỹ thiện chiến, được trang bị vũ khí tối tân, hiện đại, kể cả pháo hạng nặng, máy bay ném bom và trực thăng. Lực lượng quả là không cân sức.

Sáng hôm sau, máy bay trực thăng địch bâu vào khe suối bên trái. Dấu hiệu cho thấy, chúng đổ quân, muốn vây kín và cắt rời đồi Yên Ngựa khỏi cao điểm 315, cao điểm 132 đây. Dưới khe bỗng rộ lên tiếng súng AR15, tiếng nổ chát chúa của rốc két, đạn cối M79. Và khói từ những căn nhà cháy bốc lên cuồn cuộn.

Độ căng mắt dõi theo động tĩnh dưới khe suối. Bỗng mé sườn đồi có tiếng gọi, tiếng giục giã hoảng hốt.

Độ đánh mắt nhìn sang, thấy người phụ nữ choàng khăn trên đầu, bế một em bé ba, bốn tuổi. Một cậu con trai chừng 15 hoặc 16 tuổi đi trước dẫn đường.

Thật là bất ngờ quá. Độ vội chạy tới, đón cả ba người dân xuống hầm. Trông mặt mày người lớn, trẻ con đều ngơ ngác, sợ hãi đến cực độ.

Cậu con trai tên Thạch kể: bọn lính Mỹ bất ngờ đổ quân xuống vùng khe suối, chặn mất cửa rừng. Chúng xả súng bắn giết những người chạy trốn. Ba ruột đánh cản bọn Mỹ trước cửa nhà, không biết sống chết thế nào. Thạch dắt mạ mang em bé luồn cửa sau ra nấp dưới khe. Nhân lúc bọn lính Mỹ chưa lùng sục tới, theo lối mòn, Thạch dẫn mạ chạy qua đồi Yên Ngựa đây, để rồi đi về biên giới Việt Lào lánh nạn.

Độ tính, để mẹ con Thạch ở lại chốt thì không ổn. Khi quân ta nổ súng, bọn lính Mỹ sẽ tập trung hỏa lực bắn phá vô cùng ác liệt. Mẹ con Thạch sẽ trở thành cái bia sống hứng bom đạn. Phải đưa mẹ con Thạch đi khỏi chốt ngay lập tức. Mẹ con Thạch chưa kịp xuống núi thì trực thăng địch kéo đến như ong vỡ tổ, chúng bay sát sàn sạt ngọn cây, nã rốc két, phóng đạn cối và xả liên thanh cực nhanh như vãi đạn. Lại còn thêm cả máy bay B57 rình ném từng đợt bom tọa độ. Đồi Yên Ngựa run lên bần bật sau mỗi đợt bom, khói bốc lên mù mịt và khét lẹt. Để mẹ con Thạch nấp trong hầm cá nhân của mình cho an toàn, Độ vội đi ra giao thông hào bên cạnh, chọn chỗ gọi là hàm ếch đào sẵn lúc trước làm điểm chốt, nhằm thu hút hỏa lực của địch về phía mình.

Bọn lính dù Mỹ vãi bom, đạn dọn đường dai dẳng chừng một tiếng đồng hồ thì dừng. Dưới chân đồi Yên Ngựa, thấp thoáng bóng bọn lính dù Mỹ. Chúng bắt đầu nống lên chốt.

Đã từng đụng độ với bọn lính dù Mỹ, thành ra Độ đã có kinh nghiệm đối đầu với bọn “tìm diệt” này. Đó là chiến thuật “chốt chặt”. “Bám sát địch mà công kích”. Nói cách khác là “Nắm thắt lưng địch mà đánh”.

Bọn địch tiến lên mỗi lúc một gần, Độ nhẩm đếm, có tới ngót 200 tên. Độ bụng bảo dạ, đông quá, phải tiết kiệm đạn, bắn phát một thôi. Độ nghe tiếng loạch xoạch, loạt xoạt. Trước mặt Độ, hiện ra những tên lính Mỹ với bộ quần áo màu xanh xám, lựu đạn quấn quanh dây lưng, tay lăm lăm khẩu AR15. Có thằng chỉ tay lên phía hầm của Độ, xì xồ tiếng Mỹ với nhau:

- Vi xi…Vi xi…

Nhìn thấy những cành cây có vết dao chặt và ụ đất mới, nghi là có quân giải phóng mai phục, chúng khựng lại. Tiếng quy lát súng kêu rốp rốp nổi lên hàng loạt. Chúng đi thành một hàng, tên nọ gần sát tên kia. Chúng đi ngang trước mặt và chỉ cách cửa hầm của Độ, Hà và Vực chừng 10 mét. Chúng dùng chiến thuật “vây diệt” đây. Cây AK trong tay, đạn đã lên nòng, khóa đã mở… Đưa mắt về phía sau nữa, đến tên thứ 4 trở đi, thằng nào cũng lăm lăm trong tay khẩu AR15, rồi đến tên đeo máy bộ đàm, có cái cần ăng ten vắt vẻo đi tới. Cạnh hắn, một tên khác cầm lăm lăm cây M79. Đây rồi! Độ thầm thốt lên và siết cò. Bên kia, Vực và Hà cũng đồng loạt nổ súng.

Sững sờ trước đòn tấn công bất ngờ trong khoảng cách quá gần, bọn lính Mỹ hét lên “Vi xi, Vi xi”, rồi hè nhau chạy tháo thân.

Bọn địch lui hẳn xuống chân đồi Yên Ngựa.

Sự yên tĩnh trở lại, cái cảm giác yên lặng đến lạnh người. Tranh thủ bồi đắp lại hầm xong, Độ gọi Hà, Vực bò ra ngoài, lấy súng và tháo lựu đạn của những tên tử trận gần nhất. Thạch cũng bò ra lấy súng, lựu đạn của địch. Độ hỏi:

- Em biết bắn súng, ném lựu đạn không?

Cầm khẩu AR15 lên, Thạch nói chắc nịch:

- Em biết bắn súng AK của anh. Còn loại này chưa sành lắm.

Pháo 105 ly, cối 61 ly của địch lại câu đạn tới, tiếng nổ rền, chói tai, nhức óc, cây rừng đổ gục hàng loạt, cành lá tơi bời. Sau loạt pháo, một tốp máy bay phản lực cánh bằng từ hướng Quảng Trị bay tới, chúng thi nhau cắt bom, tiếng nổ rung trời, chuyển đất. Đạn pháo 105 ly xoèn xoẹt trên đầu rồi nổ oành… bốn phía và ngay cửa hầm của Hà. Đầu Độ đập mạnh vào thành hào. Chưa kịp hoàn hồn, lại một loạt tiếng nổ nữa, người Độ nảy lên rồi rơi tự do xuống, tai Độ ù đặc, đầu đau như búa bổ, sức ép khiến cho mồm mũi ứa máu tươi. Nhỏm dậy, theo đường hào, Độ nhào tới hầm của Hà. Hà đã hy sinh, tay vẫn cầm chắc khẩu AK, thân người không còn nguyên vẹn, máu chảy ra lênh láng. Độ đau đớn lấy võng cá nhân đắp lên người Hà.

Pháo binh và máy bay ngừng hoạt động, địch lại mở đợt tấn công mới. Chúng thận trọng bò vào thật gần điểm chốt. Không hò hét, la lối om sòm, cũng không nổ súng, chúng quăng từng loạt lựu đạn vào nơi chúng nghi là hầm trú ẩn của bộ đội. Có điều, vì đây là rừng già, cành cây ken nhau chằng chịt, địch không ném thẳng lựu đạn được, chúng chỉ còn cách quăng vào tới tấp. Độ cùng Vực cũng trả miếng bằng lựu đạn. Thi thoảng một quả lựu đạn địch rơi vào công sự, Độ bình tĩnh chộp lấy và ném trở lại phía địch. Có quả vừa buông khỏi tay trong tích tắc đã nổ ùng, mảnh gang quét đi mất từng mảng cành cây ngụy trang. Không biết trò quăng lựu đạn còn diễn ra bao lâu nữa, Độ liền nghĩ cách lừa bọn địch để tiết kiệm. Tiện tay, Độ cầm một tảng đất, ném đại về phía địch. Nghe tiếng “uỵch”, địch hè nhau nằm bẹp xuống. Không nghe tiếng nổ, đồ rằng đối phương đã hết đạn, địch hè nhau xông lên. Độ quét một loạt AK…

Chợt thấy bên hầm của Thạch ngừng bặt tiếng súng, Độ nhìn sang thì thấy lù lù một tên lính Mỹ đang chĩa mũi khẩu súng AR15 vào hầm… Nhanh như cắt, Độ siết cò. Những tên bám đằng sau tên Mỹ bị diệt vội lùi lại phía sau. Theo đường hào, Độ luồn sang. Tên Mỹ trúng đạn, ngã đè lên Thạch. Thì ra tên Mỹ đột nhiên xuất hiện đúng lúc Thạch đang loay hoay thay băng đạn AR15 mới. Đẩy tên Mỹ ra, Thạch ôm choàng lấy Độ:

- Không có anh thì thằng Mỹ nó giết cả nhà em rồi. Cảm ơn anh nhiều lắm.

Trời đã quá trưa, Độ, Vực đưa cơm vắt cho mẹ con Thạch ăn; còn mình chia nhau phong lương khô dự trữ. Độ ngồi trước cửa hầm trông chừng động tĩnh của địch.

Sang chiều bọn Mỹ không nã pháo hạng nặng, không đưa máy bay ném bom tọa độ, chỉ thấy máy bay trực thăng chữ thập đỏ lên xuống sườn đồi Yên Ngựa. Thì ra chúng đi gom xác lính Mỹ tử trận và tìm đón những tên bị thương.

Rải võng ra, đặt thi hài của Hà lên, Độ không quên đặt cả cái bi đông khắc tên Lê Duy Hà lên ngực cho Hà. Gấp mép võng lại, lấy dây dù bó chặt rồi Độ, Vực và Thạch đem thi hài Hà ra mai táng cạnh gốc cây gỗ gõ bị mảnh đạn pháo tiện mất một cành to, cách điểm chốt không xa. Đứng trước nấm mộ của Hà, anh em Độ, Vực, Thạch đứng lặng, giơ tay, cúi đầu chào vĩnh biệt Hà rồi trở lại chốt.

Phần vì đói, khát, phần vì chống chọi với địch suốt một ngày, lại bị lực ép của bom đạn, đầu óc căng thẳng, Độ, mệt lả đi vì kiệt sức. Vực nhận trọng trách đưa mẹ con Thạch xuống núi. Thạch xin ở lại cùng giữ chốt, Độ không cho.

Thạch ôm Độ tha thiết:

- Em cảm ơn anh, mạ con em còn nợ anh. Khi nào hòa bình thống nhất, em sẽ ra Bắc tìm anh.

Chỉ huy cử y tá Dư lên chốt bổ sung lực lượng.

Pháo binh và máy bay địch lại hoạt động dữ dội, cả trận địa khét lẹt, khói đạn và khói bom mù mịt, cây rừng đổ ngã ngổn ngang. Ý đồ vây ép, quyết tâm nhổ “chốt” của địch lộ ra rất rõ ràng. Độ xác định, quyết tâm giữ chốt đến cùng. Độ đồ rằng, sau loạt hỏa lực hủy diệt này, biết hỏa lực của quân ta mỏng manh, bọn địch cậy đông chắc chắn sẽ đồng loạt xông lên chiếm chốt chứ không đánh thăm dò nữa.

Địch ngừng bắn pháo, ngừng phóng rốc két. Nhân lúc bọn lính dù Mỹ vẫn còn cách xa chốt mãi tận dưới chân đồi kia kìa, Độ, Vực và Dư lén đem mìn định hướng ra đặt trước cửa hầm. Người đặt mìn khét tiếng đèo Hải Vân lại một lần nữa dùng mìn định hướng sở trường đánh bộ binh địch để giữ chốt.

Bọn lính dù nống lên mỗi lúc một gần. Độ nhìn thấy chúng bò lên từng tốp, từng tốp. Chúng đã xác định ra vị trí công sự của Độ, dừng lại ở khoảng cách gần, ngay trước mũi những quả mìn định hướng. Không, ngay trước mặt ông thần chết, chúng quăng lựu đạn, nã cối 61 ly, M79, xả AR15 vào chốt như vãi đạn. Rồi chúng đồng loạt xông lên. Ngay lập tức, Độ, Vực, Dư cùng điểm hỏa. Tiếng mìn nổ chói tai, nhức óc. Đồi Yên Ngựa giật nảy mình. Khói thuốc mìn được lấy từ những quả bom lép của Mỹ bốc lên mù mịt và khét lẹt. Những tên lính dù Mỹ liều lĩnh xông lên trước, không có cơ hội được biết mình chết mất xác vì loại vũ khí đặc biệt gì của Việt Cộng! Đội hình tan tác. Mười phần chết bảy còn ba. Những tên sống sót đái cả ra quần, vứt bỏ súng, vắt chân lên cổ, chạy tháo thân. Có thằng kinh hoàng đến nỗi không chạy nổi, phải lăn mình tự do xuống chân đồi. Nắm chắc thời cơ, Độ cùng đồng đội nhất loạt xông lên công kích.

Núng thế, bọn lính dù Mỹ nã pháo, phóng đạn cối cá nhân tạo thành một hàng rào đạn lửa dày đặc, hòng ngăn chặn anh em Độ, bảo vệ cho đồng bọn rút chạy. Độ vừa vận động, vừa công kích địch… Một tiếng nổ “oành” chói tai… Độ ngã vật xuống, bất tỉnh. Mảnh đạn cối chặt gãy mất xương đùi phải của Độ. Chỉ còn dính lại da và chút xíu thịt. Máu chảy thành tia. Dư bình tĩnh buộc garo cầm máu cho Độ. Xong việc, ghé vai cõng Độ, ôm chân gãy của Độ rút về chốt.

Đặt Độ nằm xuống trong tư thế ngay ngắn, Dư chọn cành cây, nẹp cố định chân gãy của Độ vào thân người.

Chỉ huy cử ba chiến sĩ mới lên chốt thay tổ của Độ.

Độ đã tỉnh hẳn, mặt tái xanh đi vì đau, vì mất nhiều máu. Phần chân gãy ngang đùi phải trở xuống lạnh ngắt, tím tái, xem chừng không còn cơ hội nối lại. Độ bảo Dư cắt bỏ cho đỡ vướng. Dư chần chừ. Độ rút con dao cài thắt lưng, cử chỉ thật là dứt khoát, Độ đưa một nhát “sật”. Cẳng chân Độ rời khỏi đùi.

Đồng đội đưa Độ về quân y viện dã chiến điều trị vết thương.

Cẳng chân là một phần của cơ thể Độ, bỏ rơi trên đồi Yên Ngựa, nhỡ ra thú rừng tha đi mất thì có lỗi với Độ quá, Vực đặt cẳng chân và cái bi đông của Độ vào tấm võng cá nhân, bó lại kỹ càng, đem chôn cạnh mộ Hà. Vực cẩn thận vun đất cao lên như một nấm mồ. Lấy gốc cây gỗ gõ làm mốc, Vực vẽ sơ đồ cất đi để sau này khỏi phải mất thời gian tìm kiếm.

*

Độ về sống những tháng ngày bình yên và hạnh phúc với vợ con.

Bẵng đi một thời gian. Độ nhận được giấy mời dự lễ đón nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang của Trung đoàn 55, phiên hiệu đơn vị cũ của Độ.

Những người lính đã từng vào sinh ra tử một thời về quê nuôi gà, chăn lợn, trồng rau, thả cá cho vợ, nay gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, cùng ôn lại những ngày tháng chiến đấu gian khổ vừa qua… Hoàng Văn Vực đứng ra tổ chức một chuyến thăm viếng chiến trường Thừa Thiên Huế năm xưa.

Đỉnh đồi Yên Ngựa. Nơi đây đã được dựng lên một tấm bia chiến thắng, ghi rõ ngày tháng diễn ra trận chiến giữ chốt thông minh, quả cảm của đơn vị quân giải phóng và ghi lại thành tích tiêu diệt quân xâm lược; bẻ gãy chiến thuật “Tìm diệt” mà đội quân lính dù tinh nhuệ của Mỹ vẫn huênh hoang tuyên truyền.

Đứng cạnh căn hầm chữ A trên chốt đã được phục chế lại làm di chứng lịch sử, Độ bồi hồi nhìn xuống chân đồi Yên Ngựa… Đâu đây vẳng lại tiếng “phành phạch” đáng ghét của đám trực thăng cá lẹp, tiếng “xoèn xoẹt” khô khốc như xé vải của rốc két, tiếng nổ “ùng” “oàng” lọng óc của bom tấn, bom tạ và đại pháo địch, tiếng “pằng… pằng” oai vệ của súng AK cùng tiếng “uỳnh” đanh đúc của mìn định hướng do Độ, Vực, Hà, Dư đánh trả địch. Độ có cảm giác quanh đây vẫn còn phảng phất mùi khói mìn quen thuộc. Độ không thể ngờ mình được sống sót. Để rồi bây giờ lại trở về nơi mưa bom bão đạn do địch trút xuống đầu ngày nào.

Lấy gốc cây gỗ gõ làm mốc, Vực dẫn Độ, Dư lên viếng mộ Lê Duy Hà. Hài cốt của Hà đã được chuyển đi nơi khác từ bao giờ không biết. Dựa vào sơ đồ, Vực đào tìm di cốt cẳng đùi của Độ. Cũng không thấy.

Độ cùng Vực, Dư về khe núi tìm cậu thanh niên choai tên Thạch, người đưa mạ và em gái chạy giặc lạc đường lên chốt Yên Ngựa năm xưa.

Gặp lại Độ, Vực, Dư; Thạch mừng mừng tủi tủi, ôm choàng lấy các anh mà khóc nức nở. Thạch kể… Rời khỏi điểm chốt, Thạch đưa mạ và em gái đến vùng ven biên giới an toàn. Khi trận chiến kết thúc, ba Thạch lật từng xác tên lính dù Mỹ tìm tung tích vợ con nhưng không thấy, ba đang đau đớn trong thất vọng thì Thạch đưa mạ trở về. Rồi Thạch tham gia một đơn vị quân giải phóng. Sau khi xuất ngũ, Thạch được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch xã.

Thạch đã tổ chức nhân lực đi quy tập hài cốt các chiến sĩ quân giải phóng đã hy sinh về Nghĩa trang Liệt sĩ địa phương. Thạch trực tiếp chỉ đạo khai quật mộ của Lê Duy Hà. Thạch kể, thấy bên cạnh nấm mồ Hà có một lùm đất, nghi là mộ liệt sĩ khác, Thạch cho khai quật, thấy bộ xương cẳng đùi và cái bi đông ghi rõ tên họ Vũ Khắc Độ, Thạch đồ rằng, Độ đã hy sinh. Chắc bị dính bom, hoặc là đại bác hạng nặng. Nên chỉ còn ngần này xương cốt thôi. Thạch vô cùng đau xót, rước về nghĩa trang lập bia Liệt sĩ. Tri ân Độ đã cứu mạng cả nhà mình, tuần rằm mồng một, Thạch đều kính cẩn thắp nén hương tưởng nhớ.

Độ đứng trước nấm mộ có tấmbia ghi tên: Liệt sĩ Vũ Khắc Độ quê quán Hưng Yên, Liệt sĩ Lê Duy Hà và nấm mộ của các liệt sĩ khác, Độ không sao cầm lòng nổi. Độ thầm nghĩ, để giành lấy nền độc lập, tự do trên dải đất này, chúng ta đã phải trả giá đắt lắm! Có người què cụt như mình, có người đui chột như Vực, có người vô sinh như Dư, có người bị chấn thương sọ não dở khôn, dở dại, có người phải sống chung cả đời với chất độc da cam. Chất độc da cam quái ác còn để lại di chứng đau đớn cho các thế hệ con cháu mai sau. Và bao nhiêu người đã vĩnh viễn dâng hiến cả cuộc đời tươi đẹp của mình như Hà... Để lại cha mẹ héo mòn vì thương nhớ, để lại những người vợ hiền thục phải sống cả đời góa bụa và để lại những đứa con trai, con gái côi cút thiếu vắng tình thương yêu của người cha. Buông thả tâm hồn chìm lắng trong suy tư, Độ cảm thấy vô cùng xót xa và cũng rất đỗi tự hào!

Thắp nén hương thơm lên mộ Hà, Độ rưng rưng nước mắt, kính cẩn:

Chưa đến ngày giỗ em, hôm nay, anh không có mâm cao, cỗ đầy, chỉ có bát cơm, quả trứng đạm bạc mời em về thụ hưởng. Độ nấc lên. Nghẹn ngào… Vợ em vẫn mạnh khỏe, cô ấy nguyện thủy chung, một đời thờ chồng, chăm lo cho con gái được học hành thành đạt… để em nơi chín suối được mát lòng.

Độ nói lời hứa hẹn: cuối năm, vào dịp tiết trời mát mẻ, theo phong tục cổ truyền, anh sẽ đưa hài cốt em về quê, để linh hồn được gần gũi vợ góa, con côi của em.

Nhân chuyến đi này, Vực muốn đưa “ngôi mộ” đùi về quê giúp Độ.

Hiểu thấu nỗi lòng của Vực, của Độ, Thạch xin phép Độ được lưu giữ “ngôi mộ” lại đây, để mình được tỏ rõ tấm lòng tri ân đối với Độ, và sẽ thay tấm bia “Liệt sĩ Vũ Khắc Độ” bằng một tấm bia khác…

Đ.Q.M
(TCSH430/12-2024)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mộ lá (25/12/2024)