HỒ LOAN
Tôi hờ hững nhìn qua những ô cửa kính, núi nối nhau bò qua đoàn tàu, từng đám dây leo lá to vật vã, màu xanh bóng như bôi dầu lừ lừ tiến qua đoàn tàu, vài cây trụ điện cũng học theo cái trò ngây ngô ấy, tất cả di chuyển theo hàng lối, trật tự, quy củ.
Bây giờ thì là những eo biển với các đợt sóng, chúng men theo thân tàu mà qua. Không nghe được tiếng vỗ ồm oạp vào ghềnh, chỉ thấy nước tung trắng xóa rồi mất hút sau vách đá đen ngòm.
Bây giờ, đoàn tàu như con sâu sắt khổng lồ nhẹ nhàng liếm quanh các dãy núi, khoan thai nuốt lấy những hàng cây, những vạt dây leo chằng chịt. Như được nạp năng lượng, nó ngồm ngồm nhai lấy con đường. Chợt cả thân hình đồ sộ của nó chui tọt vào cái miệng đen ngòm há rộng. Bên ngoài, bóng tối vun vút lao theo, đoàn tàu gầm lên giận dữ.
Tiếng rao mời trong veo của cô nhân viên khiến tôi gần như giật mình, những chiếc ghế chao như đánh võng. Tôi mặc kệ những đợt tung hứng lắc lư, duỗi thẳng chân đánh một giấc. Ì ạch mãi, chuyến tàu di sản cũng về đến ga, lúc này đã gần bảy giờ tối. Tôi ngáo ngơ lạc giữa mênh mông người xe và những toa tàu ám khói lẫn trong mùi dầu máy. Ninh Hồ chờ sẵn ở ga, hắn bước khệnh khạng, dây phone lòng thòng, hai tay kín vòng trầm, chiếc áo màu cháo lòng, quần nâu, mũ vải mộc mạc, miệng hắn cười, mắt hấp háy. Tôi định phàn nàn tàu chậm quá mức cần thiết, cả những trận bung đường ray, nghĩ thế nào lại thôi. Đôi khi việc chậm nhanh không chỉ phụ thuộc phương tiện.
Huế nhỏ trong lòng bàn tay ấy mà, đó là lời hắn khi chở tôi vòng vèo qua các con phố. Nếu bên ngoài thành là khói xe bụi bặm, là còi, là đèn thì lạ chưa, chỉ cách một cổng thành, mọi thứ đã khác hẳn. Phố trầm mặc, tường cũ kỹ rêu phong lưu dấu thời gian, mái ngói chùng xuống nửa khắc kỷ đầy kiêu hãnh. Tôi mê mải nhìn dù đã về Huế không biết bao nhiêu bận. Những hàng cây lặng im chụm vào nhau như hội ý một thỏa hiệp nào đấy. “Đường phượng bay mù không lối vào” của ông Trịnh đấy, hắn nhắc lại câu nói muôn năm cũ như một niềm tự hào. Mà tự hào quá đi chứ, tôi gật gù theo giai điệu bài hát, mắt không rời cung đường xanh thưa thớt bóng người.
Bữa tối của chúng tôi diễn ra ở Không gian xưa, một nhà hàng trầm mặc với các món ăn đặc trưng Huế, dưa cà truyền thống, muối sả, mắm tôm, rau luộc. Hắn không quên gọi món cá dìa đặc sản vùng phá Tam Giang, cả những món kho bắt cơm dù với hai đứa, một niêu cơm chưa cạn vì còn mải chuyện trò. Hắn chạy xe nên không rượu bia, tôi một mình cũng buồn miệng, câu chuyện cứ nhạt toẹt.
Khi nào cưới? Hắn đột nhiên hỏi. Tôi nhìn ly rượu không trả lời. Cưới? Nhất định phải cưới sao? Sinh con. Nuôi dạy con cái. Ốm đau và những phiền toái không tên. Nhớ lại tiếng cha gào lên đầy tức tưởi, các người ích kỷ lắm, các người chỉ biết sống cho các người thôi. Tây học, hiện đại,… đời nào chẳng muốn, nhưng còn trách nhiệm duy trì nòi giống, các người có nghĩ không?
Lần đầu tiên tôi thấy cha nổi nóng mức đó, câu chữ y khuôn, và cũng lần đầu tôi chứng kiến nỗi thất vọng ngập ngụa trong ánh mắt ông. Anh trai và chị dâu cúi đầu không nói, nhưng tôi không tìm thấy nét hối lỗi trên khuôn mặt họ. Hai người họ chọn cuộc sống hôn nhân không ràng buộc. Mẹ thở dài sườn sượt, vài sợi tóc đổ lòa xòa trên khuôn mặt hao gầy, hõm xương quai xanh nhô lên qua làn vải lụa. Tôi biết cha mẹ thèm cháu, thèm tiếng nói cười con trẻ lâu rồi, từ cái ngày chúng tôi xách ba lô đến giảng đường. Cạy cục mãi anh hai mới chịu dắt người yêu về ra mắt. Mãi rồi họ cũng cưới như một cách hợp thức hóa mối quan hệ cho phụ huynh hai bên vui lòng. Mẹ đan những chiếc tất xinh xắn, vài cái mũ đủ màu xanh hồng sặc sỡ. Anh chị hai nhìn nhau cười, kế hoạch của họ là tung tăng vòng quanh thế giới, tã bỉm và sữa bột không có trong nhóm từ điển họ dùng.
Thấy hắn hất hàm lần nữa, tôi cầm ly trút một hơi, chả! Điên à! Hắn tiếp. Tôi nhìn hắn nhếch môi, nghiêng chai rót tràn, uống cạn. Có người từng bảo, thể nào cũng phải xuống tay một phen, thắng thua trời tính. Hôn nhân đâu phải canh bạc, sao phải tất tay?
Thật ra chuyến đi Huế lần này với tôi như bài kiểm tra, tôi muốn tĩnh tâm nhìn lại mình, quãng thời gian bên Quế Anh, những xúc cảm và khao khát, cả những mục tiêu trước mắt phải đạt. Công bằng mà nói, Quế Anh xinh, cá tính, giỏi giang. Nàng như bản sao của chị dâu, cả tầm nhìn, nguyên tắc sống lẫn tôn thờ chủ nghĩa cá nhân. Mẹ mong một cô con dâu biết đẻ những đứa cháu kháu khỉnh, bà nói điều đó nhiều lần, lúc này đang xếp áo quần cho tôi. Bọn con mỗi đẻ thôi, mọi việc cha mẹ lo hết. Mẹ thảy ra mấy cuốn sách nuôi dạy trẻ thời hiện đại, đừng lo ông bà cổ hủ. Tôi bỏ áo ngoài quần, hất hất mái tóc theo thói quen, mẹ cực với anh em con nhiều rồi, nghỉ ngơi đi đã. Nói rồi liếc đồng hồ, tôi lấy chìa khóa bước ra khỏi nhà. Ăn sáng đã, mẹ nói với theo. Con sắp trễ, tôi hôn vội lên má mẹ rồi ra xe. Qua gương chiếu hậu, dáng mẹ bần thần nhìn theo, nỗi ân hận vừa thoáng qua đã bị cuộc gọi của Quế Anh át mất.
Quế Anh cười phá lên khi nghe tôi đề nghị. Hâm à! Đang yên đang lành tự nhiên cưới. Bàn tay em rụt khỏi tay tôi, mắt liếc sắc lẹm, mẹ lại hối đúng hông, biết ngay mà! Em còn lấy bằng thạc sĩ. Quế Anh xoay xoay ly trà thảo mộc, vài cánh hoa chao nhẹ, có cánh lảo đảo suýt chìm, chúng lơ lửng cùng kỷ tử trong màu nước hồng đậm. Nàng đặt ly trà xuống chiếc đệm lót màu nâu sữa, đoạn đưa mắt nhìn tôi. Thì mình đẻ con cho nội giữ rồi học tiếp, tôi cố. Mắt Quế Anh vốn tròn to lại càng tròn to, anh suy nghĩ kiểu gì thế? Con mình đẻ ra lại để người khác nuôi. Là cha mẹ mình không phải người khác, tôi cãi. Anh cần một cái máy đẻ hơn là vợ, Quế Anh cáu. Tôi cứng họng không nói được chi. Quế Anh nghe điện thoại và cầm lấy ví, em có việc tí. Nàng rời đi mà không để tôi đưa đến cơ quan.
Quãng im lặng kéo dài. Kể cũng không phải, nhưng tôi đang đau đầu dự án chung cần tĩnh tâm tháo gỡ, đến khi gọi thì Quế Anh không nghe, tôi đến cơ quan tìm, mọi người bảo em đi công tác. Không online, số phone không liên lạc được, tôi phát rồ, suýt làm hỏng vài việc. Tin nhắn Email không có hồi âm. Vài hôm sau tôi nhận được dòng tin vỏn vẹn, “chúng ta lệch nhau nhiều quá”! Trong những lần giận dỗi trước, Quế Anh bảo tôi thuộc tuýp người hoài cổ, một tay lơ mơ, đôi lúc sống như một gã điền nông yêu ruộng vườn. Mà em thì cần nhiều hơn một nghệ sĩ!
Thái độ quyết liệt của Quế Anh khiến tôi đâm lúng túng. Chứng kiến nhiều cuộc đổ vỡ của không ít đồng nghiệp, tôi rơi vào trạng thái không trọng lượng, đôi lúc hồ nghi, chán ghét chính mình. Chị bạn còn tuyên bố, tâm hồn viên mãn là liều độc dược tàn phá nội lực của người nghệ sĩ, họ như gốm sứ, phải nhồi nén trong đớn đau, phải nung trong chảo lửa… Ninh Hồ gọi khi tôi đang trong cơn chán nản, nhảy tàu ra với hắn vài hôm biết đâu. Gia đình hắn có ngôi nhà ở quê từ thời ông cố, giỗ chạp con cháu mới về, còn thì đóng cửa. Thi thoảng hắn trốn phố, rủ đôi bận nhưng tôi chưa sắp xếp được. Tôi nhìn chòm râu, cả bộ tóc dài thướt màu khói của hắn, chợt bật cười, đúng là dị nhân.
Hai đứa dắt nhau về Làng. Vừa mở cửa, lũ chuột chạy tán loạn như bị bắt quả tang, một tên bình tĩnh đứng lại giương mắt nhìn như xác tín vị trí chủ nhà. Ninh Hồ trợn mắt giậm chân đánh thịch, cu cậu “chít” một tiếng rồi trốn vào gầm tủ, đầu thò ra đầy thách thức. Nhìn cảnh đó tôi không cầm được cười. Ninh Hồ rút diêm bật xoèn xoẹt, ngọn lửa ôm lấy đầu hương tỏa khói, mùi trầm át đi cái hoi hoi ẩm. Thắp hương xong, hắn dạo quanh một vòng, nhòm ngó mấy buồng chuối, tưới nước bụi mẫu đơn và cây bông giấy. Hắn ra ngõ, rút điện thoại bấm bấm rồi phi xe vù đi, nói có việc đột xuất.
Đêm yên ắng trong căn nhà cũ kỹ, tiếng mọt nghiến gỗ kèn kẹt, vài đôi thạch sùng mai phục lũ côn trùng. Sát mái ngói, ả nhện ú nụ ôm cái bụng tròn nằm giữa mớ tơ giăng, bóng đèn vàng vọt hắt lên dãy rui mè thứ ánh sáng ma mị. Gió lào xào, cành cây sờ soạng mái ngói, lũ mèo vờn nhau, có thể cả hôn hít, cả làm tình, tiếng gào thê thiết như trẻ sơ sinh khóc. Đang đêm ngang qua những khu đất trống hay nghĩa địa hoang vu mà nghe phải thứ âm thanh này thì tay chân cứ nhũn ra.
Tôi nghiêng người quay mặt vào bức vách, tường vôi loang lổ, lũ muỗi ngang nhiên mai phục, chờ sơ hở là đứa vén mùng đứa chui vô, Ninh Hồ tếu táo bảo thế. Tiếng guốc mộc lộc cộc khiến tôi lơ mơ không biết mình còn thức hay đã ngủ, bàn nước có ai đó khua khoắng, lại tiếng guốc mộc đi lên đi xuống. Cả người tôi đông cứng. Tôi mơ hồ nhận ra ý thức tồn tại, và lúc này dĩ nhiên không phải Ninh Hồ, cả tiếng guốc nện khẽ vào nền gạch cũ.
Nhớ có lần Ninh Hồ kể, cụ nội xưa làm quan, ông thường uống trà vào quá nửa đêm về sáng, lúc này gia nhân phải dậy lấy sương hứng từ đêm qua, nấu lên, hãm với loại trà thượng hạng cũng được hái từ lúc đọt còn đang ngậm sương. Sau này từ quan, ông không quên nếp cũ. Đến đời ông nội, cuộc sống cởi mở hơn, những lề thói cũ được nới bỏ, nhưng thói quen thưởng trà ấy ông không bỏ được, hay nói đúng hơn ông cố giữ như một nghi thức với tất cả sự tôn kính dành cho tiền nhân. Đôi guốc mộc nện xuống nền gạch là kiểu báo thức trá hình, các con dâu ban đầu giật mình lớ ngớ, nhìn đồng hồ rồi dụi mắt ngủ tiếp. Sau này ai cũng tìm đủ lý do để ra sống riêng. Một luồng điện chạy dọc sống lưng, tôi bấm đầu móng tay như tìm một điểm tựa.
Ninh Hồ đưa tôi về lại phố sau một đêm “thử não”. Hùi túi có gặp ôn nụi hôn? Ninh hỏi, khuôn miệng nửa cười đểu giả. Trà mà kể, tui với ôn còn làm mấy ván cờ. Vừa nói, tôi vừa rùng mình nhớ lại cảm giác gai gai khi nghe tiếng gõ lộc cộc của mấy quân cờ. Trải nghiệm không tồi chứ? Hắn hếch môi rất đáng ghét. Dĩ nhiên, tôi nhún vai thách thức. Bỗng dưng cả hai rơi vào im lặng, lúc này chỉ còn giọng Bảo Yến - Quang Lê cất lên “đường Huế sao dài quá, bóng người xa quá xa…”.
Không biết hắn tìm đâu ra ngôi nhà gỗ cũ kỹ ngay dòng Ngự Hà cho tôi tá túc. Mọi thứ như được lưu giữ từ hàng trăm năm trước, sạp gụ, tủ chè đen bóng nước gỗ, cối đá nhắc nhớ một thời giã gạo dưới trăng, những chum, những vại, có chiếc cổ bé ti hi hay hay. Thêm vài bước chân lên mấy bậc cầu thang, cả một không gian thơ mộng tràn vào mắt, con sông hai nhánh trong lòng Thành nội lững lờ, nước biếc xanh, trời biếc xanh. Ngự Hà cua chữ L qua mấy vòm cầu thong dong, chiếc ghe nhỏ sát bờ im lìm, hình như nó đã xong nhiệm vụ, đang nằm nghe nước hát. Một người bạn của tôi bảo âm thanh của nước kỳ bí như vũ trụ, Quế Anh người yêu tôi cũng xác nhận điều đó nhưng chưa khi nào thuyết phục được tôi ngụp lặn trong đại dương mênh mông. Bằng một dự cảm nào đấy, hay một ám ảnh, ám thị xuyên suốt tuổi thơ, tôi sợ biển, đúng hơn là sợ cái mênh mông của nước.
Sau một đêm mất ngủ, tôi ngả xuống đệm, gió từ sông phả nhè nhẹ kéo sụp mi mắt. Tỉnh giấc trong tiếng piano mơ màng, giai điệu êm êm quen thuộc, không nhớ tên nhưng quen lắm. Kể cũng lạ, đợt nào về Huế tôi cũng được nghe bài này, cảm xúc vẫn như lần đầu, chẳng hiểu vì sao. Lúc này chiều xuống sâu, vài mảng mây hồng mây tím len lỏi trong ráng chiều cố vớt chút ánh sáng yếu ớt còn sót lại của một ngày rực rỡ sắp qua. Tôi nhướn cổ nhìn ra phía sông, nhập nhoạng những vạt sáng từ dãy đèn màu rung rinh lấp lóa bóng nước, xe bên đường di chuyển chậm, đèn vàng ủ ê, du khách thong dong rảo trên lối đi dẫn quanh Thành nội, nét bằng an qua những lối gạch cũ.
Tôi vươn vai nghiêng người bước xuống cầu thang, chợt sững lại trước dáng lưng vừa quen vừa lạ, đôi vai gầy nghiêng nghiêng, mái tóc rẽ ngôi giữa được bỏ gọn qua bên khoe chiếc cổ cao kiêu hãnh, áo vải linen trắng mộc, chân trần. Tôi mê mải nhìn, mê mải nghe như uống từng giai điệu. Đêm phủ xuống căn nhà gỗ thứ bóng tối huyền ảo. Bản nhạc được chơi đi chơi lại nhiều lần, càng lúc càng say. Lúc này, người chơi đàn như thoát xác, trước mặt chỉ mỗi Huế và trăng, và những con đường nhỏ dài miên man. Tôi như mê lịm, bồng bềnh, cái đói cái khát cũng biến mất nhường chỗ cho những bâng lâng.
Trăng phủ bạc qua song rọi vào vách tường loang, những vật dụng cũ kỹ trong ngôi nhà như được hồi sinh. Chiếc ghế loang ánh trăng, cánh cửa loang ánh trăng, bàn trà loang ánh trăng, cả những bình, những tách, những lọ ám màu thời gian, những bó hoa khô sắp lơi, hộp gỗ đựng đĩa nhạc, máy hát với chiếc loa kèn to nơi góc phòng, tất cả đều nhảy múa khiêu vũ dưới trăng. Tay tôi vươn nhẹ, chân khẽ bước theo điệu nhạc mơ màng. Chợt ầm! Tôi ngã dúi dụi lăn mấy bậc cầu thang, tiếng đàn ngưng bặt. Tôi lúi húi bò dậy, mông và vai đau ê. Một bóng người vụt qua mất hút sau bức rèm mờ loang loáng trăng đêm.
Thành phố mất điện diện rộng. Con đường Đặng Thái Thân chìm trong mảng sáng tối nhập nhoạng của trăng. Phố mềm lại, dài ra, im lìm nghe từng hơi thở của cây, của đêm, của lũ côn trùng. Tôi bước như mộng du nhìn trăng rơi từng mảng bạc xuống thành cổ. Mặc trăng lả lơi, mặc những xa hoa huyễn hoặc, bức tường dày đanh lại, uy nghi. Trăng theo bước tôi, bóng xuyên cây, zích zắc. Như một tay họa sĩ tài hoa bậc nhất vũ trụ, trăng vẽ lên con đường bức tranh vượt sức tưởng tượng loài người, vệt sáng méo mó xiên xiên mỗi bước chân, dọc theo những tàng cây đang vươn mình ngậm sương. Đời này, tôi thích nhất là cây, tôi yêu những chiếc lá. Lá uống sương đêm, lá ban diệp lục, lá nuôi đất thêm màu mỡ khi cùng kiệt vòng đời.
Tôi ghé lại quán cà phê quen, lúc này nến đã được thắp lên các gian nhỏ, đó là điều kỳ diệu tôi luôn mơ ước. Cuộc sống hiện đại kéo Huế theo những tiện nghi, lược dần nét trầm mặc vốn dĩ. Không điện, mọi âm thanh bản nhiên được khuếch đại, bước chân dè dặt đặt lên từng bậc cầu thang như sợ đau thớ gỗ, mặt bàn rung nhẹ đón tách trà ấm. Cái xoay lưng rất khẽ của cô chủ quán để lại mùi oải hương thoảng qua mái tóc dài chấm gót, chiếc váy xô sợi tre quá gối rộng thùng thình, màu trắng đục ngả vàng, hay do ánh nến mà trở nên vàng không rõ, dáng đi như nàng tiên trong đĩa men cổ, nhẹ không chạm đất. Tôi đã từng bàng hoàng khựng lặng, từng ngưng tim trước mái tóc dáng đi này, nếu không có cái vỗ vai thô bạo của Ninh Hồ, có lẽ tôi còn chìm ngập sâu trước khuôn mặt trái xoan thanh tú, mày ngài, mũi nhỏ cao vừa phải, khuôn miệng đẹp với khóe hơi hếch lên kiêu kỳ. Ngay phút đó, tôi biết có chết mấy trăm lần vẫn không quên nụ cười đẹp như trăng ấy.
Tôi nghiêng ngả bước dưới trăng đêm, chiếc bụng rỗng réo ào ào, nhận ra mình cũng chỉ là kẻ phàm tục không thoát khỏi luân thường. Sống tốt đã rồi muốn chi thì muốn; Ninh Hồ ném lại chùm chìa khóa cùng mấy thứ lỉnh kỉnh trước khi rời đi. Phía xa, tiếng rao êm êm của xe bánh bao dạo, mùi thơm quyến rũ cùng lò lửa ấm sực. Lúc này, tôi chợt nhớ mẹ, nghĩ đến gian bếp nhỏ có mâm cơm đậy dưới lồng bàn, bát canh tôm rau ngọt cùng mấy món ăn dân dã. “Chúng ta lệch nhau nhiều quá”, “Em cần nhiều hơn một người nghệ sĩ”, những câu nói của Quế Anh khiến tim tôi buốt nhói. Tôi bước xiêu vẹo, thấy mình chỉ là gã nghệ sĩ nửa mùa rỗng toẹt và những ước mơ viển vông. Tôi không biết mình tìm gì giữa mênh mông trăng. Chân tôi sấp ngả, mắt mờ đi. Loang loáng con đường ngập dấu trăng. Những chiếc lá uống trăng rười rượi, long lanh như mắt thiếu nữ. Ngự Hà óng ánh trăng, thuyền rồng nhẹ lướt. Phía trước, tiếng rao đêm cứ xa dần.
H.L
(TCSH430/12-2024)